TAM QUỐC DIỄN NGHĨA

Chương 66: Quan Vân Trường Một Đao Phó Hội Phục Hoàng Hậu Vì Nưóc Bỏ Mình



Quan Vân Trường một đao tới hội

Phục hoàng hậu vì nước bỏ mình

Lại nói Tôn Quyền muốn đòi Kinh Châu, Trương Chiêu hiến kế nói rằng:

– Lưu Bị trông cậy chỉ có Gia Cát Lượng; anh Lượng là Gia Cát Cẩn, hiện đang làm quan ở Đông Ngô. Ta nên bắt cả già trẻ nhà Cẩn đem giam lại rồi sai Cẩn vào Xuyên báo cho Gia Cát Lượng phải khuyên Lưu Bị trả Kinh Châu, nếu không sẽ bắt tội cả nhà Gia Cát Cẩn. Lượng nghĩ đến tình anh em ruột, tất phải vâng lời.

Quyền nói:

– Gia Cát Cẩn là người quân tử thực thà, sao nỡ giam già trẻ nhà người ta?

Chiêu nói:

– Nói trước cho biết đó là mẹo, thì tự nhiên Cẩn yên tâm.

Quyền nghe lời, báo với Cẩn rồi bắt cả nhà giam vào trong phủ, và sai Cẩn sang Tây Xuyên. Cẩn đi được mấy ngày đã đến Thành Đô, sai người báo tin cho Huyền Đức. Huyền Đức hỏi Khổng Minh rằng:

– Lệnh huynh đến đây có việc gì?

Lượng nói:

– Đây tất lại là Tôn Quyền sai đến đòi Kinh Châu.

Huyền Đức nói:

– Nói lại làm sao bây giờ?

Khổng Minh nói:

– Chỉ nên nói như thế, như thế…

Bàn định đâu đấy, Khổng Minh ra đón Gia Cát Cẩn vào thẳng công quán chứ không về nhà riêng. Chào hỏi xong Cẩn hu hu khóc ngay lên. Lượng hỏi:

– Anh có việc gì, cứ nói cho em biết, can gì mà phải khóc?

Cẩn nói:

– Cả già trẻ nhà ta, không khéo phải tội cả.

Lượng nói:

– Có phải vì việc không trả Kinh Châu mà cả nhà anh bị bắt có phải không? Nếu thế thì em sao cho đành dạ! Thôi, anh cứ yên tâm, để em nghĩ kế trả lại Kinh Châu là xong.

Cẩn mừng lắm, theo ngay Khổng Minh vào ra mắt Huyền Đức trình tờ thư của Tôn Quyền. Huyền Đức xem xong, nổi giận lên, nói rằng:

– Tôn Quyền đi gả em cho ta, thừa cơ ta đi vắng, dám sai người sang trộm em về, ta đang muốn cất quân sang đánh báo thù việc ấy. Đông Ngô không biết nghĩ, lại còn đến đòi Kinh Châu hay sao?

Khổng Minh khóc lạy xuống đất mà nói rằng:

– Ngô hầu bắt cả nhà anh tôi mà chết, tôi cũng không sống được một mình. Xin chúa công thương tôi mà trả Kinh Châu cho Đông Ngô, cho tôi được vẹn tình anh em.

Huyền Đức nhất định không nghe. Khổng Minh kêu khóc năn nỉ, giờ lâu Huyền Đức mới nói rằng:

– Có phải thế, ta nể mặt quân sư hãy trả cho một nửa Kinh Châu là ba quận Trường Sa, Quế Dương và Linh Lăng.

Khổng Minh lại nói:

– Nhờ ơn chúa công đã đồng ý, thì xin viết thư cho Vân Trường, để giao ba quận đó cho anh tôi.

Huyền Đức bảo Gia Cát Cẩn rằng:

– Tử Du có đến Kinh Châu, nên nói mềm mỏng với em ta cho khéo. Em ta tính nóng như lửa, ta còn phải sợ, nên cẩn thận mới được.

Cẩn xin tờ thư, rồi từ biệt Huyền Đức, Khổng Minh lên đường, đến thẳng ngay Kinh Châu. Vân Trường ra tiếp vào ngồi chơi. Cẩn đưa tờ thư của Huyền Đức ra và nói rằng:

– Huyền Đức đã hứa trả cho Đông Ngô ba quận trước, xin tướng quân giao ngay cho, để tôi về thưa lại với chúa công tôi.

Vân Trường biến sắc mặt, nói rằng:

– Ta kết nghĩa với anh ta ở vườn đào, thề với nhau giúp nhà Hán. Kinh Châu là đất của nhà Đại Hán, có đâu ta dám đem một tấc nào cho ai. Tướng ở ngoài, dẫu vua sai cũng có khi không chịu. Anh ta tuy viết thư ra đây, nhưng ta nhất định không giao thì đã làm sao?

Cẩn nói:

– Ngô hầu bắt giam cả vợ con tôi, nếu tướng quân không trả, thì nhà tôi phải tội cả, xin tướng quân thương đến tôi một chút.

Vân Trường nói:

– Đó là quỷ kế của Ngô hầu, nói dối thế nào được ta?

Cẩn nói:

– Tướng quân thật không nghĩ đến tình nghĩa gì cả?

Vân Trường cầm lăm lăm thanh kiếm quát lên rằng:

– Đừng nói nữa, thanh kiếm này không có nể nang đâu nhé!

Quan Bình bước lên nói rằng:

– Xin cha bớt giận, còn phải nể mặt quân sư!

Vân Trường nói:

– Nếu không nể mặt quân sư, thì không cho ngươi trở về được Đông Ngô đâu!

Cẩn đỏ mặt thẹn thùng, từ giã xuống thuyền, lại trở vào Tây Xuyên nói với Khổng Minh. Nhưng Khổng Minh đã đi tuần kiểm nơi khác, không có nhà. Cẩn lại phải kêu với Huyền Đức, khóc lóc thuật chuyện Vân Trường đã không trả lại Kinh Châu còn muốn giết mình.

– Em ta nóng tính khó nói lắm. Tử Du hãy chịu khó trở về, để ta lấy nốt Đông Xuyên và Hán Trung, sai Vân Trường ra giữ chỗ ấy, rồi mới giao trả được Kinh Châu.

Cẩn không sao được, phải ra về, kể lại chuyện đầu đuôi với Tôn Quyền. Tôn Quyền nổi giận nói rằng:

– Tử Du đi đi lại lại, không được trò gì, hay là lại mắc phải mẹo Gia Cát Lượng rồi đây?

Cẩn nói:

– Có đâu! Em tôi kêu khóc mãi Huyền Đức mới trả ba quận, không ngờ Vân Trường lại ngang ngạnh không chịu.

Tôn Quyền nói:

– Có phải Huyền Đức đã hứa trả ba quận trước, thì ta thử sai quan sang cai trị xem sao?

Cẩn nói:

– Chúa công nói thế phải lắm!

Quyền cho Cẩn đem vợ con về. Một mặt sai quan đến ba quận nhận chức. Được vài ngày, các quan lại đều bị đuổi về, vào kêu với Tôn Quyền rằng:

– Vân Trường không cho ở bên ấy, tức khắc đuổi phải về luôn, ai chậm chạp thì y lăm le muốn giết.

Quyền giận lắm, sai người gọi Lỗ Túc đến trách mắng rằng:

– Tử Kính đảm bảo cho Lưu Bị mượn Kinh Châu, nay y đã lấy được Tây Xuyên rồi, mà vẫn không chịu trả. Tử Kính ngồi đấy mà nhìn được cho đành hay sao?

Túc thưa:

– Tôi đã nghĩ được một mẹo, đang định nói với chúa công.

Quyền hỏi mẹo gì, Túc thưa rằng:

– Tôi xin đóng quân ở bờ sông, mời Vân Trường đến ăn tiệc. Vân Trường chịu đến, thì lấy lời lẽ phải chăng bảo y phải trả, nếu không nghe thì phục quân đao phủ mà giết đi. Y không đến, thì ta tiến ngay quân sang đánh lấy lại Kinh Châu là xong.

Tôn Quyền nói:

– Ngươi nói cũng phải đấy, nên làm ngay đi!

Hám Trạch can rằng:

– Vân Trường là bậc hổ tướng ở đời, không dễ mà giết được đâu, nếu làm không xong thì lại hoá ra hại mình.

Quyền giận nói rằng:

– Nếu cứ sợ mãi thế, thì bao giờ lấy lại được Kinh Châu.

Bèn sai Lỗ Túc cứ việc làm kế ấy cho chóng. Túc trở về Lục Khẩu, mời Lã Mông, Cam Ninh đến bàn luận mở tiệc yến ở trong đình Lâm Giang ngay cửa bến Lục Khẩu, rồi viết giấy mời sai người ăn nói giỏi qua sông sang Kinh Châu.

Quan Bình hỏi cặn kẽ rồi dẫn vào thành ra mắt Vân Trường. Sứ giả trình tờ thư lên. Vân Trường xem xong báo sứ giả rằng:

– Tử Kính đã có bụng mời ta, ngày mai ta sẽ đến chơi, ngươi cứ về trước.

Sứ giả ra về Quan Bình nói:

– Lỗ Túc mời sang ăn yến, tất có bụng bất trắc, sao phụ thân cũng nhận lời?

Vân Trường cười nói:

– Lạ gì mẹo ấy mà ta chẳng biết! Đấy tất là Gia Cát Cẩn về nói với Tôn Quyền rằng ta không chịu trả ba quận,cho nên sai Lỗ Túc đóng quân ở Lục Khẩu, mời ta đến hội để đòi Kinh Châu. Nếu ta không đi, thì tất cười ta là nhát. Ngày mai ta chỉ dùng một chiếc thuyền nhỏ, mười người đi theo, cầm một thanh đao sang hội, xem Lỗ Túc dám gần ta không?

Quan Bình can rằng:

– Phụ thân sao lại đem tấm thân quý trọng như muôn lạng vàng, mà vào hang hùm sói làm vậy? Làm thế không phải là trọng công việc bá phụ đã uỷ thác cho cha.

Vân Trường nói:

– Tao ở trong đám muôn gươm nghìn giáo, tên đạn bời bời, một ngựa tung hoành như vào chỗ không người, có sợ gì đàn chuột Giang Đông!

Mã Lương cũng can rằng:

– Lỗ Túc tuy là người tử tế, nhưng đến lúc việc cấp, cũng phải sinh bụng khác, tướng quân chớ nên khinh thường mà đi.

Vân Trường nói:

– Ngày xưa, đời Chiến quốc, người nước Triệu là Lạn Tương Như, sức trói gà không nổi, thế mà ở đám hội Hàm Trì còn coi vua tôi nhà Tần chẳng vào đâu. Huống chi ta có sức địch muôn người… Vả ta đã trót hứa rồi, không nên sai hẹn.

Lương lại nói:

– Tướng quân có muốn sang chăng nữa, thì cũng phải giữ gìn.

Vân Trường nói:

– Chỉ sai con ta kén mười chiếc thuyền nhanh nhẹn, năm trăm tên thuỷ thủ cho giỏi, chực sẵn bên sông. Khi nào thấy phất cờ thì chèo thuyền sang đón ta về.

Quan Bình lĩnh mệnh, đi thu xếp thuyền bè.

Sứ giả về bẩm với Lỗ Túc rằng Vân Trường đã vui vẻ nhận lời, ngày mai sẽ đến. Túc bàn vơi Lã Mông rằng:

– Chuyến này y đến thì ta làm thế nào?

Mông nói:

– Nếu y đem quân đến, tôi xin cùng với Cam Ninh phục quân ở bờ sông, đốt pháo làm hiệu, đổ ra đánh giết. Vi bằng y không mang quân đến, thì chỉ cần phục năm mươi tên đao phủ nơi hậu đình, giết phăng ngay y ở tiệc là xong.

Bàn định xong xuôi, hôm sau Túc sai người đứng chực ở cửa sông. Cuối giờ thìn, thấy trên mặt sông có một chiếc thuyền bơi đến, chỉ có vài thuỷ thủ. Một lá cờ đỏ phấp phới trước gió, giữa có chữ “Quan” cực to. Khi thuyền đến gần, nhìn rõ Vân Trường đội khăn xanh, mặc áo bào lục, ngồi chễm chệ, bên cạnh có Chu Thương vác thanh long đao đứng hầu; lại có tám, chín người Quan Tây to lớn lực lưỡng, mỗi người đeo một thanh mã tấu.

Lỗ Túc có vẻ khiếp sợ, ra tiếp vào trong đình. Chào hỏi trà nước xong, Túc mời Vân Trường vào việc. Túc cầm chén mời rượu, không dám ngẩng mặt lên trông. Vân Trường thì cười nói như thường.

Rượu uống được nửa chừng, Túc mới nói:

– Tôi có một việc, muốn thưa với tướng quân, xin tướng quân xét cho: Khi trước tôi có nhận cho hoàng thúc mượn Kinh Châu của chủ tôi để ở tạm, hẹn đến khi lấy được Tây Thục thì trả lại. Nay lấy được rồi mà lại không trả, chả hoá ra nói sai ư?

Vân Trường nói:

– Đó là việc công nhà nước, trong tiệc rượu không nên nhắc đến làm chi!

– Chủ tôi chỉ có một đất Giang Đông, thế mà chịu cho mượn Kinh Châu, bởi vì thấy các ngài gặp cơn khốn bĩ, không có nơi nào nương nhờ. Nay đã lấy được Thục, đáng lẽ trả lại Kinh Châu mới phải, thế mà hoàng thúc còn tiếc chỉ trả một nửa, tướng quân lại không nghe, như thế thì sao cho phải lẽ?

Vân Trường nói:

– Việc ở Ô Lâm, anh tôi xông pha mũi tên hòn đạn, cố sức để cùng phá giặc, có lẽ đâu khó nhọc mà không được thước đất nào? Túc hạ lại còn muốn đòi đất ư?

Túc nói:

– Không phải thế, trước kia, hoàng thúc với tướng quân thưa ở Trường Bản, kế đã cùng, sức đã kiệt, toan trốn tránh đi ở nơi xa, chủ tôi thương hoàng thúc, cho mượn đất lấy chỗ trú chân để gây cơ nghiệp. Thế mà hoàng thúc quên ơn phụ nghĩa, đã lấy được Tây Thục, lại chiếm giữ cả Kinh Châu, tham lam không biết điều, chẳng bõ để cho thiên hạ chê cười đó mà thôi!

Vân Trường nói:

– Đó là việc anh tôi, tôi không được biết.

Túc nói:

– Tôi nghe tướng quân với hoàng thúc kết nghĩa vườn đào, thề cùng sống thác. Hoàng thúc cũng như tướng quân, tướng quân cũng như hoàng thúc, sao lại thoái thác làm vậy?

Vân Trường chưa kịp trả lời, Chu Thương ở dưới thềm quát lên rằng:

– Đất đai trong thiên hạ, người nào nhân đức thì được ở, có phải của riêng Đông Ngô đâu?

Vân Trường sầm mặt đứng ngay dậy, giằng lấy thanh long đao của Chu Thương đang vác, đứng ra giữa sân, đưa mắt cho Chu Thương và quát rằng:

– Đây là việc nhà nước, sao mi nói lôi thôi, bước ngay!

Chu Thương biết ý, chạy ra bờ sông, cầm lá cờ đỏ phất một cái, Quan Bình trông thấy hiệu cờ, mười chiếc thuyền bay đến vùn vụt như tên.

Vân Trường tay phải cầm đao, tay trái nắm chặt lấy tay Lỗ Túc, giả đò say rượu:

– Ông mời tôi đến ăn tiệc, đừng nhắc đến việc Kinh Châu làm chi e tổn thương đến ân tình cũ. Khi khác, mời ông đến chơi Kinh Châu, sẽ lại bàn bạc.

Lỗ Túc sợ hết hồn hết vía, bị Vân Trường dắt ra mãi bờ sông. Lã Mông, Cam Ninh định dẫn quân phục xông ra, nhưng thấy vậy sợ Lỗ Túc bị hại, đành im thin thít, không dám cựa quậy.

Vân Trường đến bên, lên thuyền, mới buông tay Lỗ Túc ra, từ biệt trở về. Túc đứng ngây người trông theo. Thuyền Quan Công lướt gió đi nhanh.

Có thơ khen Vân Trường rằng:

Coi rẻ Đông Ngô tựa trẻ thơ,

Một đao tới hội, mấy ai ngờ!

Anh hùng chí khí lừng trên tiệc

Hơn hẳn Tương Như ở Hàm Trì!

Vân Trường trở về Kinh Châu. Lỗ Túc bảo với Lã Mông rằng:

– Kế ấy không xong, làm thế nào?

Mông nói:

– Ta nên báo với chúa công, cất quân sang đánh một phen.

Túc lập tức sai người về báo với Tôn Quyền. Quyền nghe tin giận lắm, muốn mang hết cả quân trong nước đến lấy Kinh Châu.

Chợt có tin báo rằng:

– Tào Tháo lại đưa ba mươi vạn đại quân đến đánh báo thù.

Quyền thất kinh, sai Lỗ Túc đừng gây việc đánh Kinh Châu vội, hãy rút quân về cả Nhu Tu, Hợp Phì để cự nhau với Tào Tháo.

Nói về Tào Tháo toan khởi binh sang lấy Giang Nam, có quan tham quân là Phó Cán tự Ngạn Tài can rằng:

– Cán tôi nghe: dùng võ trước phải có uy, dùng văn trước phải có đức. Uy, đức giúp nhau, rồi mới nên được vương nghiệp. Khi trước, thiên hạ đại loạn, minh công dùng võ để dẹp yên, mười phần đã dẹp được tám chín phần rồi. Nay chỉ còn Ngô và Thục chưa phục. Nhưng nước Ngô có con sông dài hiểm trở, nước Thục thì có núi cao gập ghềnh, khó dùng uy mà đánh nổi được. Tôi thiết nghĩ nên sửa sang văn đức của mình, xếp áo giáp, cất vũ khí, cho quân sĩ nghỉ ngơi, chờ khi nào có dịp gì, ta sẽ lại hành động. Nay nếu cất vài mươi vạn quân đóng bên bờ sông Trường Giang, bên kia họ cứ giữ chỗ hiểm yếu không đánh, thì quân ta dù tài đến đâu cũng là vô dụng, mẹo mực dù khôn đến đâu cũng chẳng làm gì, uy của ngài chẳng hoá ra nhảm mất ru? Xin minh công xét cho kỹ.

Tháo nghe lời, mới bãi việc đánh phương nam, mở ra trường học, kén dùng những kẻ văn sĩ. Bởi thế quan thị trung là bọn Vương Xán, Đỗ Tập, Vệ Khởi, Hoà Hiệp, bốn người muốn tôn Tào Tháo lên làm Nguỵ vương.

Quan trung thư lệnh là Tuân Du can rằng:

– Không nên thế! Thừa tướng phong đến cửu tích, ngôi đã cực phẩm rồi, nay lại thăng đến ngôi vương nữa, e không hợp lý lắm.

Tào Tháo nghe biết, giận lắm, nói rằng:

– Người này lại muốn bắt chước Tuân Úc ngày xưa đây!

Tuân Du biết ý, lo nghĩ thành bệnh, được hơn mười ngày thì chết, thọ năm mươi tám tuổi. Tào Tháo cho làm ma chay tử tế, và cũng bãi việc phong vương.

Một hôm, Tào Tháo đeo gươm vào cung. Vua Hiến đế đang ngồi chơi với Phục hoàng hậu. Phục hậu thấy Tào Tháo vào, vội vàng đứng dậy, vua cũng sợ run cả người.

Tháo nói rằng:

– Tôn Quyền, Lưu Bị, mỗi người chiếm giữ một phương, không biết tôn trọng triều đình, bệ hạ nghĩ làm sao?

Vua nói:

– Việc đó mặc thừa tướng khu xử thế nào xong thì thôi!

Tháo nổi giận, nói:

– Bệ hạ nói thế, người ngoài không biết lại ngờ tôi khinh bệ hạ.

Vua nói:

– Thừa tướng chịu giúp cho trẫm thì may lắm, dù không, cũng xin rủ lòng tha cho trẫm.

Tháo trợn mắt lên nhìn vua, nét mặt hầm hầm bỏ ra.

Tả hữu tâu với vua rằng:

– Gần nay Nguỵ công muốn làm Nguỵ vương, không mấy lúc nữa tất có việc cướp ngôi.

Vua và Phục hậu cùng khóc. Phục hậu nói rằng:

– Cha thiếp là Phục Hoàn, vẫn có ý muốn giết Tào Tháo. Thiếp xin viết một phong thư sai người đưa cho cha thiếp để nghĩ kế mà trừ nó đi.

Vua nói:

– Ngày xưa Đổng Thừa làm việc không cẩn mật, đến nỗi xảy ra vạ to. Nay sợ lộ chuyện ra, thì trẫm với hậu cùng nguy cả.

Hậu nói:

– Nếu để vậy, thì khác nào sớm tối ngồi trên bàn chông, thà chết đi cho sớm. Thiếp xem trong bọn hoạn quan, chỉ có Mục Thuận là người trung nghĩa, nên sai đem bức thư này đưa cho cha thiếp.

Vua mời đòi Mục Thuận vào sau cánh bình phong, đuổi tả hữu ra ngoài, rồi vua và Phục hậu cùng khóc, nói với Mục Thuận rằng:

– Giặc Tháo muốn làm Nguỵ vương, nay mai tất có việc cướp ngôi. Trẫm muốn sai quốc trượng là Phục Hoàn trừ giặc ấy, nhưng lại sợ tả hữu là tâm phúc giặc cả, không biết cậy vào ai. Nay muốn sai người đưa thư của hoàng hậu cho Phục Hoàn, chắc ngươi là người trung nghĩa, tất không phụ trẫm.

Mục Thuận cũng khóc mà tâu rằng:

– Tôi được đội ơn dày của bệ hạ, há không một chết để báo đền? Bệ hạ đã sai, tôi xin đi ngay.

Phục hoàng hậu mới viết thư giao cho Mục Thuận. Thuận cài thư vào trong búi tóc, lẻn trong cung cấm đi ra, đến nhà Phục Hoàn, đưa thư, Hoàn thấy chữ Phục hậu, bảo với Mục Thuận rằng:

– Ở đây tâm phúc của Tào Tháo nhiều lắm, không trừ được ngay đâu. Phải đợi khi nào Tôn Quyền ở Giang Đông, hoặc là Lưu Bị ở Tây Thục, hai xứ ấy cất quân đến đánh mặt ngoài, Tào Tháo tất phải thân chinh ra địch, bấy giờ sẽ tìm những người trung nghĩa trong triều, đồng tâm hiệp lực, trong ngoài xúm lại mà đánh, thì mới có thể xong việc được.

Thuận nói:

– Hoàng trượng nên viết giấy đưa lại tâu với vua và hoàng hậu, cầu xin tờ mật chiếu, sai người lén đưa thư cho hai nơi Ngô, Thục, bảo họ cất quân đánh giặc để cứu vua.

Phục Hoàn viết thư giao cho Mục Thuận, Thuận lại giấu vào trong búi tóc, từ biệt về cung. Không ngờ đã có người báo cho Tào Tháo biết. Tháo đứng chờ ở trước cửa cung. Mục Thuận về đến đấy, Tháo hỏi:

– Mày đi đâu về?

Thuận đáp:

– Hoàng hậu có bệnh, sai tôi đi mời thầy thuốc.

Tháo hỏi:

– Thầy thuốc đâu?

Thuận đáp:

– Bẩm, chưa đến.

Tháo quát tả hữu khám xét khắp cả trong mình Mục Thuận, không thấy có vật gì. Tháo cho đi. Bỗng đâu cơn gió bay lật mất mũ của Mục Thuận. Tháo thấy vậy, gọi Thuận lại, khám trong mũ một giờ lâu, cũng không thấy gì. Tháo trả mũ, Thuận hai tay đỡ lấy rồi sẽ vén tóc gáy đội lật trở lên. Tháo sinh nghi ngay, sai tả hữu khám trong búi tóc, bắt được thư của Phục Hoàn. Tháo xem thư thấy nói tâu vua xin kết liên với Tôn Quyền và Lưu Bị làm ngoại ứng. Tháo giận lắm, bắt Mục Thuận về nhà kín tra hỏi. Thuận nhất định không khai điều gì. Ngay đêm hôm ấy, Tháo điểm ba nghìn giáp binh, vây cả nhà Phục Hoàn, bao nhiêu già trẻ bắt sạch. Khám trong nhà lại bắt được tờ thư chính tay Phục hoàng hậu viết. Lập tức cả ba họ nhà Phục bị hạ ngục. Trời tang tảng sáng, Tháo sai tướng ngự lâm quân là Khước Lự cầm cờ tiết vào cung, thu lấy ấn ngọc của hoàng hậu.

Khi ấy vua đang ngồi ở ngoài điện, thấy Khước Lự dẫn ba trăm giáp binh vào thẳng cửa cung, vua hỏi có việc gì, Lự tâu rằng:

– Chúng tôi phụng mệnh Nguỵ công vào thu ấn ngọc của hoàng hậu.

Vua biết là việc lộ rồi, ruột gan như cắt. Lự đến hậu cung, Phục hậu vừa ngủ dậy, Lự gọi người giữ ấn ngọc thu lấy rồi trở ra.

Phục hậu thấy việc cấp đến nơi, liền ẩn vào trong vách hai tầng ở sau buồng. Một lát, Hoa Hâm dẫn năm trăm giáp binh vào hậu điện tìm Phục hậu. Hỏi cung nhân, cung nhân nói không biết. Hâm sai quân phá cửa son mà tìm, cũng không thấy. Hâm đoán là ở trong vách, sai phá vách, quả nhiên có Phục hậu ở đấy. Hâm sấn vào nắm tóc lôi ra. Phục hậu kêu van. Hâm mắng rằng:

– Mi ra mà kêu với Nguỵ công!

Phục hậu xoã tóc đi chân không, hai tên lính áp tải hai bên.

Hoa Hâm vốn là người có tài danh. Khi xưa cùng với Quản Ninh. Bình Nguyên kết bạn thân với nhau. Người bấy giờ gọi bọn ba người là con rồng: Hoa Hâm là đầu, Bình Nguyên là bụng, Quản Ninh là đuôi. Một bữa, Ninh với Hâm bừa đất giồng rau, thấy một cục vàng, Ninh cứ bừa gạt cục vàng ấy đi, không thèm nhìn đến. Hâm thì nhặt lên xem, rồi mới vất đi. Lại một bữa, hai người đang ngồi đọc sách, bỗng ở ngoài cửa có tiếng hò reo, có một ông quan to ngồi xe đi qua. Ninh mặc, cứ ngồi chững chạc xem sách. Hâm thì bỏ sách, chạy ra xem. Từ đó Ninh khinh Hâm là người hèn hạ, không chơi với nữa. Về sau, Quản Ninh nhân thời loạn, lánh mình ở xứ Liêu Đông, thường đội mũ trắng, nằm ngồi một cái gác, chân không mấy khi bước xuống đất, trọn đời không chịu làm quan với nhà Nguỵ. Còn Hâm thì trước theo Tôn Quyền, sau về với Tào Tháo, đến nay lại có chuyện bắt hoàng hậu.

Người sau có thơ chê rằng:

Hoa Hâm tàn ác sinh mưu hung

Phá vách hoàng phi, nghĩ phải không?

Đảng ác một mai thêm cánh hổ

Tiếng nhơ muôn kiếp nhục đầu rồng!

Lại có thơ khen Quản Ninh rằng:

Liêu Đông đồn đại Quản Ninh lâu

Người vắng lầu không tiếng vẫn lưu

Khinh ghét Tử Ngư tham phú quý

Há như mây trắng vốn phong lưu.

Hoa Hâm điệu Phục hậu ra đến ngoài điện. Vua trông thấy đau xót sầu thảm, xuống bíu lấy Phục hậu mà khóc. Hâm nói rằng:

– Nguỵ công sai bắt, phải đi cho mau!

Phục hậu khóc nói với vua rằng:

– Không cứu nhau được nữa ru?

Vua cũng khóc mà nói rằng:

– Trẫm cũng chưa biết sống thác lúc nào đây!

Giáp sĩ dẫn Phục hậu đi ra, vua ôm bụng thương khóc. Thấy Khước Lự đứng ở bên cạnh, vua nói:

– Khước công! Thiên hạ có việc thế này bao giờ không?

Nói đoạn, khóc lăn ra đất.

Lự sai tả hữu vực vua vào cung. Hoa Hâm đem Phục hậu đến chỗ Tào Tháo. Tháo mắng rằng:

– Tao xử với mày tử tế, sao mày lại muốn hại tao? Nếu tao không giết mày đi, thì mày cũng đến giết tao mà thôi!

Lập tức sai lính đánh đập Phục hậu đến chết rồi vào cung bắt hai con bà, đánh thuốc độc chết nốt. Đến chiều Tháo sai đem cả họ nhà Phục Hoàn và nhà Mục Thuận hơn hai trăm người, đưa ra chợ chém sạch. Trong triều ngoài nội, ai ai cũng kinh hãi. Bấy giờ là tháng mười một năm Kiến An thứ 19.

Người sau có thơ than rằng:

Lòng đâu độc địa hỡi A Man?

Hàng mấy trăm người nỡ giết oan!

Vua, hậu thương thay khi tử biệt,

Không bằng chồng vợ chốn dân gian!

Vua Hiến đế từ khi mất bà Phục hậu, lo buồn mấy hôm không ăn được cơm. Tháo vào khuyên giải rằng:

– Bệ hạ đừng lo, tôi không có bụng nào đâu. Con gái tôi đã vào cung hầu bệ hạ làm quý nhân, hiền hậu hiếu thảo, nên lập làm chính cung hoàng hậu.

Bây giờ Tháo bảo thế nào mà vua chả phải nghe. Ngày mồng một tháng giêng năm Kiến An thứ 20, nhân dịp ăn mừng tiết Nguyên đán, vua lập Tào quý nhân lên làm hoàng hậu. Các quan trong triều, không ai dám nói.

Bấy giờ Tào Tháo uy thế mỗi ngày một thịnh, liền hội các đại thần, bàn việc đánh Ngô, Thục. Giả Hủ nói:

– Nên đòi Hạ Hầu Đôn, Tào Nhân về mà bàn việc ấy.

Tháo lập sức sai sứ đi triệu hai người về. Hạ Hầu Đôn chưa đến. Tào Nhân đến trước. Khi ấy Tháo đang say rượu nằm nghỉ. Hứa Chử cắp gươm đứng gác ngoài cửa cung. Tào Nhân vào ra mắt Tào Tháo. Hứa Chử không cho vào. Tào Nhân giận, nói:

– Ta là tôn tộc họ Tào, sao ngươi dám ngăn trở ta?

Hứa Chử nói:

– Tướng quân tuy là thân tình, nhưng là quan trấn thủ ngoài biên; tôi tuy sơ tình nhưng hiện đương làm nội thị. Chúa công say rượu đang nằm nghỉ, nên tôi không dám cho vào.

Nhân thấy nói thế, không dám vào nữa. Tháo biết chuyện, than rằng:

– Hứa Chử thế mới là trung thần!

Không được bao lâu, Hạ Hầu Đôn cũng đến cùng bàn việc đánh dẹp. Đôn nói:

– Ngô, Thục chưa có thể đánh được, ta nên lấy Hán Trung của Trương Lỗ trước, rồi dẫn quân đắc thắng lấy luôn Thục nhân thể. Như thế, chỉ đánh một trận là xong.

Tháo nghe lời, cất quân sang lấy Hán Trung.

Đó là:

Vừa sinh mưu ác khinh vua yếu,

Lại dẫn quân hùng đánh nẻo xa…

Chưa biết việc sau ra thế nào, xem đến hồi sau mới rõ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.