TAM QUỐC DIỄN NGHĨA
Chương 80: Phế Hán Chúa, Tào Tặc Đoạt Ngôi Cao Kế Nghiệp Lưu, Hán Vương Lên Ðế Vị
Tào Phi bỏ Hiến Đế, cướp vận Viêm Lưu
Hán vương lên ngôi rồng, nối dòng đại thống
Bọn Hoa Hâm và các quan văn võ vào tâu với vua Hiến đế rằng:
– Từ khi Nguỵ vương lên ngôi đến nay, ân đức gieo khắp bốn phương, nhân nghĩa ra tới muôn vật, chưa có ai bì kịp; dẫu Đường, Ngu cũng chỉ đến thế là cùng. Quần thần chúng tôi cũng đã bàn với nhau: vận nhà Hán đã hết, xin bệ hạ bắt chước vua Nghiêu vua Thuấn, đem sơn hà xã tắc nhường cho Nguỵ vương, trên hợp lòng trời, dưới thuận ý dân, bệ hạ cũng được hưởng phúc thanh nhàn, mà tổ tiên và sinh linh cũng được may mắn cả. Chúng tôi bàn định đâu đấy cả rồi, xin lại tâu với bệ hạ.
Vua Hiến đế giật mình, ngồi lặng đi nửa giờ, không nói được câu gì, rồi nhìn vào các quan mà khóc rằng:
– Trẫm nghĩ khi xưa đức Cao tổ, cầm ba thước gươm, chém rắn khởi nghĩa, phá Tần diệt Sở, gây dựng cơ nghiệp, đời đời truyền nối, được hơn bốn trăm năm nay. Trẫm tuy bất tài, nhưng cũng không có điều gì quá ác, sao nỡ đem cơ nghiệp của tổ tôn mà bỏ đi cho đành? Quần thần các ngươi, nên bàn định lại cho phải!
Hoa Hâm dẫn bọn Lý Phục, Hứa Chi đến trước mặt vua tâu rằng:
– Nếu bệ hạ không tin, nên hỏi hai người này!
Lý Phục tâu rằng:
– Từ khi Nguỵ vương lên ngôi đến giờ, kỳ lân ra chơi, phượng hoàng đến múa, rồng vàng xuất hiện, lúa tốt sinh ra từng cụm, trời sa hạt móc ngọt. Đó là toàn điềm trời xui ra, cái triệu nhà Nguỵ nên thay vào nhà Hán đó.
Hứa Chi lại tâu rằng:
– Chúng tôi coi về thiên văn, đêm nhìn tượng trời, thấy khí số nhà Hán đã hết, ngôi đế tinh của bệ hạ lờ mờ không được sáng; mà xem đến sao nhà Nguỵ, thì vằng vặc khắp trời đất. Vả lại ứng vào lời sấm rằng: “Quỷ tại biên, uỷ tương liên, đương đại Hán, vô khả ngôn, ngôn tại đông, ngọ tại tây, lưỡng nhật tịnh quang thượng hạ di”. Cứ như lời sấm ấy thì chữ quỷ ở một bên liền với chữ uý là chữ Nguỵ: Chữ ngôn ở đông, chữ ngọ ở tây là chữ Hứa. Lưỡng nhật tịnh quang thượng hạ di, nghĩa là hai chữ nhật đều nhau ở trên ở dưới là chữ Xương. Đó là cái điềm nhà Nguỵ ở Hứa Xương nên thay vào ngôi nhà Hán. Xin bệ hạ suy xét mà nhường ngôi cho Nguỵ vương ngay đi!
Vua nói:
– Điềm lành và lời sấm là những việc huyền hoặc cả, sao lại muốn cho trẫm bỏ cơ nghiệp của tổ tôn đi?
Vương Lãng tâu rằng:
– Từ xưa đến giờ, có khi lên tất có khi xuống, có khi thịnh tất có khi suy, chẳng có nước nào là nước chẳng mất, nhà nào là nhà chẳng đổ bao giờ! Nhà Hán truyền nhau bốn trăm năm, đến bệ hạ, khí số đã kiệt rồi, bệ hạ nên mau mau mà lui về đi, kẻo chậm chạp thì sinh biến mất!
Vua khóc ầm lên, rồi quay vào hậu điện.
Các quan cười tủm tỉm trở ra.
Hôm sau, các quan lại hội cả ở đại điện, sai hoạn quan vào mời vua Hiến đế. Vua lo sợ không dám ra.
Tào hậu nói:
– Các quan mời bệ hạ ra thiết triều, bệ hạ làm sao lại ngại ngùng mà không ra?
Vua khóc nói:
– Anh nàng muốn cướp ngôi, sai các quan vào nài ép trẫm, trẫm không muốn ra.
Tào hậu nổi giận, nói:
– Anh ta sao dám làm việc loạn nghịch như thế?
Đang nói thì Tào Hồng, Tào Hưu đem gươm vào cung, mời vua ra điện.
Tào hậu quát mắng rằng:
– Chỉ tự các ngươi muốn mưu đồ phú quý, gây nên việc phản nghịch này! Xem như cha ta, công trùm bờ cõi oai khắp thiên hạ, còn chẳng dám cướp ngôi vua, huống chi anh ta, nối ngôi chưa được bao lâu, mà đã muốn cướp ngôi nhà Hán! Trời đất không chứng cho các ngươi đâu!
Nói đoạn khóc oà lên, trở vào cung. Những kẻ hầu tả hữu, ai nấy cũng sụt sùi ứa nước mắt.
Tào Hồng, Tào Hưu cố mời vua ra điện, vua không sao từ chối được, phải thay áo đi ra.
Hoa Hâm tâu rằng:
– Bệ hạ nên y lời chúng tôi bàn hôm qua, kẻo mang vạ to.
Vua đau lòng khóc nói rằng:
– Các ngươi ăn lộc nhà Hán đã lâu cả, mà cũng nhiều người là con cháu công thần nhà Hán, sao nỡ làm việc phản nghịch như thế?
Hoa Hâm nói:
– Nếu bệ hạ không nghe lời chúng tôi, một mai xảy vạ từ trong nhà, thì đừng trách chúng tôi là không trung với bệ hạ!
Vua nói:
– Thằng nào dám hại trẫm bây giờ?
Hoa Hâm quát lên rằng:
– Người trong thiên hạ, ai cũng biết bệ hạ không có phúc phận làm vua, cho nên bốn phương nổi loạn; nếu không có Nguỵ vương ở trong triều, thì vô số người giết bệ hạ rồi. Bệ hạ không biết nghĩ mà báo ân, muốn để cho thiên hạ đến đánh bệ hạ hay sao?
Vua giận lắm, rũ tay áo đứng dậy. Vương Lãng đưa mắt cho Hoa Hâm, Hâm bước lên, lôi lấy vạt áo long bào, hầm hầm nói:
– Ưng hay không ưng, hãy nói cho biết!
Vua run cầm cập không đáp lại được. Tào Hồng, Tào Hưu rút gươm ra quát to lên rằng:
– Quan giữ ấn đâu?
Tổ Bật bước ra nói:
– Đây, quan giữ ấn đây!
Tào Hồng bắt đưa ngọc tỉ ra, Tổ Bật mắng rằng:
– Ngọc tỉ là đồ quý báu của thiên tử, đòi thế nào được?
Hồng quát sai võ sĩ lôi Tổ Bật ra chém. Bật chửi mắng om sòm kỳ đến lúc chết mới thôi.
Người sau có thơ khen Tổ Bật rằng:
Gian đảng chuyên quyền, Hán đổ rồi,
Vẽ vời khéo đặt việc nhường ngôi.
Trăm quan một cánh về Tào cả,
Trung nghĩa duy còn Tổ Bật thôi!
Vua thấy vậy sợ run cầm cập, lại thấy ở dưới thềm, hơn trăm người mặc áo giáp cầm đồ khí giới đều là quân Nguỵ cả. Vua khóc bảo với quần thần rằng:
– Trẫm tình nguyện nhường thiên hạ cho Nguỵ vương, xin tha cái sống sót cho trẫm, để được trọn tuổi trời!
Giả Hủ nói:
– Nguỵ vương tất không phụ bệ hạ đâu, bệ hạ nên giáng chiếu ngay cho, để yên bụng dân chúng.
Vua bất đắc dĩ phải sai Trần Quần thảo tờ chiếu nhường nước, rồi sai Hoa Hâm mang chiếu và ngọc tỉ, dẫn các quan đến cung Nguỵ vương dâng nộp.
Tào Phi mừng lắm, mở tờ chiếu ra đọc.
Chiếu rằng:
“Trẫm ở ngôi ba mươi hai năm nay, gặp khi thiên hạ long lở may nhờ thần linh tổ tôn, nguy mà lại còn. Nhưng nay, ngẩng lên mà xem tướng trên trời, cúi xuống mà xét lòng dân, thì số vận nhà Hán đã hết, mà sang đến vận nhà Tào. Bởi thế tiên vương đã dựng nên công thần võ, kim vương lại sáng thêm mãi cái đức tốt, để ứng vào vận ấy. Lịch số rõ ràng, tin là như thế.
Ôi! Theo vào đạo lớn, phải coi thiên hạ làm của chung, ngày xưa vua Đường Nghiêu không riêng tư với con, mà nhường ngôi vua Thuấn, tiếng hay để mãi đến giờ, trẫm lấy làm hâm mộ lắm.
Nay trẫm cũng bắt chước vua Nghiêu, nhường ngôi cho thừa tướng Nguỵ vương, vương chớ có từ!”
Tào Phi nghe xong muốn nhận ngay. Tư Mã Ý can rằng:
– Chớ nên nhận vội, tuy rằng có chiếu và ngọc tỉ, nhưng điện hạ hãy nên dâng biểu nói nhún nhường mà từ chối đi, để bịt hết những miệng gièm chê thiên hạ.
Phi nghe lời ấy, sai Vương Lãng làm bài biểu, nói nhún rằng đức mình mỏng lắm, xin cầu người đại hiền khác để nối ngôi trời.
Vua xem biểu, trong bụng nghi hoặc, hỏi quần thần rằng:
– Nguỵ vương khiêm tốn không chịu nhận, thì làm thế nào?
Hoa Hâm tâu rằng:
– Khi xưa Nguỵ Vũ vương chịu vương tước, ba lần từ mà không được, rồi sau mới chịu nhận. Nay bệ hạ giáng chiếu lần nữa tự khắc Nguỵ vương phải nghe.
Vua bất đắc dĩ lại bảo Hoàn Khải thảo tờ chiếu khác, sai Trương Âm cầm cờ tiết và ngọc tỉ đến cung Nguỵ vương.
Tào Phi tiếp được tờ chiếu, mừng rỡ lắm, bảo với Giả Hủ rằng:
– Tuy hai lần có chiếu, nhưng vẫn ngại thiên hạ đời sau chê cười là ta cướp đoạt, thì nghĩ thế nào?
Hủ thưa:
– Việc ấy cực dễ, nên lại sai Trương Âm cầm tỉ thụ về, rồi bảo Hoa Hâm nói với vua Hán phải làm một cái đền thụ thiên, chọn ngày lành tháng tốt, hội cả công khanh lớn nhỏ dưới đền, để thiên tử thân cầm tỉ thụ, nhường cho điện hạ; như thế không còn ai nghi ngờ gì, mà bịt được mồm thiên hạ.
Phi mừng lắm, sai ngay Trương Âm mang tỉ thụ về, và lại dâng biểu từ lần nữa.
Trương Âm về tâu với vua; vua hỏi quần thần thì Hoa Hâm tâu rằng:
– Bệ hạ nên làm một cái đền, gọi là đền thụ thiên, hội cả quan dân lại, nhường ngôi rõ ràng cho Nguỵ vương; như thế thì Nguỵ vương phải nhận, mà con cháu bệ hạ, đời đời được đội ơn nhà Nguỵ mất.
Vua Hiến đế bấy giờ ai bảo thế nào mà chẳng phải nghe. Bèn sai quan viên thái thường chọn một khu đất ở Phồn Dương, xây một cái đền ba tầng, kén chọn giờ dần, ngày canh ngọ, tháng mười, vua Hiến đế mời Tào Phi lên đền, các quan lớn nhỏ hơn bốn trăm viên tụ tập cả ở dưới, và hơn ba mươi vạn quân ngự lâm, quân hổ bôn, và cấm binh đóng dàn cả chung quanh. Vua tự mình bưng ngọc tỉ dâng lên Tào Phi. Quần thần quỳ cả dưới đền nghe chiếu.
Chiếu rằng:
“Hỡi ôi! Nguỵ vương ngươi! Ngày xưa vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, vua Thuấn lại nhường ngôi cho vua Vũ. Xem như thế, thiên mệnh chẳng cứ lệ nào, duy ai có đức thì được.
Nay nhà Hán đổ nát, mất cả thứ tự, đến đời trẫm sinh ra loạn lạc, những kẻ hung nghịch nổi lên tứ tung, bờ cõi xiêu đổ.
May nhờ có thần vũ của Nguỵ Vũ vương, dẹp được nạn ấy, trong nước lại được trong sạch, để giữ gìn tôn miếu cho trẫm. Như thế chẳng những một mình trẫm được nhờ, mà thực là cả họ trẫm cũng được nhờ vậy.
Nay vương nối vào ngôi trước, đức lại sáng hơn, mở rộng nghiệp lớn ra, để tỏ thêm công to của cha ngươi khi xưa. Bởi thế, trời cao giáng điềm lành, quỷ thần báo điều lạ. Nghĩ đến ngươi sáng được việc cho trẫm, thì các quan cũng đều nói độ lượng của ngươi hợp với vua Thuấn đời xưa. Vì vậy, trẫm theo dùng điển nhà Đường, kính nhường ngôi cho ngươi.
Than ôi! Lịch số của trời ở vào mình ngươi, ngươi phải kính thuận lễ lớn, hướng cả muôn nước, để nghiêm kính mà chịu lấy mệnh trời”.
Đọc xong tờ chiếu, Tào Phi nhận lễ, lên ngôi chễm chệ trên vị hoàng đế. Giả Hủ dẫn quan liêu lớn nhỏ, đứng chầu dưới đền; cải niên hiệu Diên Hy thành năm Hoàng Sơ thứ nhất; quốc hiệu gọi là Đại Nguỵ. Phi truyền chỉ xá hết những kẻ có tội trong thiên hạ. Đặt tên thuỵ Tào Tháo, gọi là Thái tổ Vũ hoàng đế.
Hoa Hâm tâu rằng:
– Trời, không lẽ hai mặt trời; dân không lẽ hai vua, Hán đế đã nhường thiên hạ, nên phải ra ở nơi phiên phục, xin bệ hạ giáng chỉ cho họ Lưu đến ở xứ nào ngay cho.
Nói đoạn, quát vua Hiến đế phải quỳ ở dưới đền mà nghe chỉ.
Phi giáng chỉ phong vua Hiến đế làm Sơn Dương công, bắt phải đi ngay hôm ấy.
Hoa Hâm cầm gươm trỏ vào Hiến đế quát lên rằng:
– Lập một vua, phải bỏ một vua, là lẽ thường xưa nay. Hoàng thượng nhân từ, không nỡ hại ngươi, phong ngươi làm Sơn Dương công, ngay hôm nay phải đi, không có lệnh thì không được vào chầu.
Vua Hiến đế ứa nước mắt lạy tạ, lên ngựa đi ra. Quân nhân ở dưới đền, ai trông thấy cũng thương cảm.
Phi bảo với quần thần rằng:
– Việc Thuấn, Vũ khi xưa, bây giờ trẫm mới biết!
Quần thần đều hô: “Vạn tuế!”
Người sau xem cái đền thụ thiên ấy, có làm bài thơ than rằng:
Một phút giang sơn đổi họ Tào,
Công phu hai Hán biết là bao?
Hoàng Sơ muốn học việc Nghiêu, Thuấn,
Tư Mã về sau có khác nào!
Trăm quan mời Tào Phi lạy tạ trời đất, Phi sắp xuống lạy, bỗng dưng ở trước đền, nổi cơn gió lạ lùng, cát sỏi bay vù vù, tối tăm mù mịt, giáp mặt không trông thấy nhau, đèn nến trên đền đều tắt sạch. Phi khiếp sợ, ngã lăn ra điện. Các quan vội cứu Phi xuống đền, nửa giờ mới tỉnh. Tả hữu vực Phi về cung. Phi mệt yếu mấy hôm, không ra khai chầu được. Về sau Phi hơi bớt, mới ra điện, cho các quan vào chào mừng, phong cho Hoa Hâm làm tư đồ, Vương Lãng làm tư thông, quan viên lớn nhỏ đều được thăng thưởng cả.
Tào Phi chưa khỏi bệnh, nghĩ rằng cung điện Hứa Xương lắm yêu quái, mới thiên sang ở Lạc Dương, sửa sang cung thất cực to. Có người vào báo tin về Thành Đô, nói Tào Phi tự lập làm hoàng đế, xây dựng cung điện ở Lạc Dương và đồn rằng vua Hiến đế bị hại. Hán Trung vương nghe tin ấy, khóc lóc cả ngày, sai trăm quan mặc đồ tang trở, và đặt lễ tế vọng, dâng tôn thuỵ gọi là Hiến Mân hoàng đế.
Bởi thế Hán Trung vương lo lắng thành bệnh, không coi được việc, chính sự giao phó hết cả cho Khổng Minh.
Khổng Minh bàn bạc với thái phó là Hứa Tĩnh, quang lộc đại phu là Tiêu Chu, rằng: Thiên hạ không thể một ngày không vua, muốn tôn Hán Trung vương lên làm hoàng đế.
Tiêu Chu nói:
– Gần đây có điềm gió lành mây đẹp, góc tây bắc Thành Đô lại có vầng khí vàng, dài vài mươi trượng, bốc lên đến tận trời, sao đế tinh hiện ở trong phận, sao Tất, Vi, Mão sáng quắc như mặt trăng. Đó toàn là điềm Hán Trung vương lên nối ngôi hoàng đế, để nối dòng dõi nhà Hán, còn nghi ngờ gì nữa?
Thế rồi Khổng Minh, Hứa Tĩnh dẫn các quan liêu lớn nhỏ dâng biểu xin Hán Trung vương lên ngôi hoàng đế.
Hán Trung vương xem biểu, giật mình nói:
– Các ngươi muốn để cho cô làm người bất trung bất hiếu hay sao?
Khổng Minh tâu rằng:
– Không phải thế! Tào Phi cướp ngôi tự lập, vương thượng là dòng dõi nhà Hán, lẽ phải nối ngôi để giữ lấy hương hoả nhà Hán mới được.
Hán Trung vương sầm mặt lại, nói:
– Cô lại thèm bắt chước thằng nghịch tặc ấy à!
Nói rồi rũ tay áo đứng dậy, trở vào hậu cung. Các quan tan đâu về đấy.
Cách ba hôm sau. Khổng Minh lại dẫn các quan vào chầu, mời Hán Trung vương ra, Hứa Tĩnh tâu:
– Nay thiên tử đã bị Tào Phi hại rồi, vương thượng nếu không lên ngôi hoàng đế, cất quân đánh giặc, thì không phải là trung nghĩa. Thiên hạ ai cũng mong vương thượng lên ngôi, để báo thù cho Hiến Mân hoàng đế; nếu vương thượng không nghe lời chúng tôi, thì bụng dân biết trông mong vào đâu?
Hán Trung vương nói:
– Cô tuy là cháu vua Cảnh đế, nhưng chưa có đức trạch gì ra đến dân, nay tự lập làm hoàng đế thì khác gì bọn ăn cướp!
Khổng Minh khuyên dỗ hai ba lần, Hán Trung vương khăng khăng một mực, nhất định không nghe.
Khổng Minh mới đặt một kế, bảo với các quan, rồi thác là có bệnh không ra được ngoài.
Hán Trung vương thân nghe tin Khổng Minh đau nặng, thân đến tận phủ, vào thẳng trong giường hỏi thăm:
– Quân sư bị bệnh làm sao?
Khổng Minh rên khừ khừ, nói:
– Trong bụng tôi bồn chồn như lửa chất, chưa biết có sống được không?
– Quân sư lo việc gì lắm thế?
Hán Trung vương hỏi ba bốn câu, Khổng Minh làm ra dáng bệnh nặng, cứ nhắm mắt, không đáp lại làm sao. Hán Trung vương hỏi gặng mãi, Khổng Minh mới chép miệng, thở dài nói rằng:
– Tôi từ khi bước chân ra khỏi lều tranh, gặp gỡ đại vương, theo đòi đến nay, nói thì nghe, kế thì dùng, đại vương may có được đất hai Xuyên, không phụ điều mong ước của tôi khi trước. Hiện nay Tào Phi cướp ngôi, hương hoả nhà Hán sắp tuyệt. Các quan văn võ, ai cũng muốn tôn đại vương lên làm hoàng đế, diệt nhà Nguỵ, dựng lại nhà Lưu, để mà lập lấy một chút công danh. Không ngờ đại vương một mực chẳng nghe, các quan ai cũng sinh chán nản, không bao lâu tất tan cả. Ngô, Nguỵ lại đánh, thì hai Xuyên này giữ làm sao cho được, trách nào mà tôi chẳng lo?
Hán Trung vương nói:
– Tôi không phải là gàn dở đâu, chỉ ngại thiên hạ chê cười đấy thôi!
Khổng Minh nói:
– Thánh nhân có nói rằng: “Danh bất chính tắc ngôn bất thuận”. Nay đại vương danh chính ngôn thuận, còn bàn vào đâu? Đại vương há chẳng nghe câu: “Giời cho mà không lấy, hoá ra mình chịu lỗi” đó ru?
Hán Trung vương nói:
– Có phải thế, đợi khi nào quân sư mạnh khoẻ sẽ hay!
Khổng Minh nghe xong, đang nằm trên giường, vùng ngay dậy, gõ một tiếng vào bình phong, các văn võ ở mặt ngoài vùng vào lạy phục xuống đất mà nói rằng:
– Vương thượng đã ưng cho rồi, xin chọn ngày để làm đại lễ.
Hán Trung vương trông ra thì là thái phó Hứa Tĩnh, An hán tướng quân My Chúc, Thanh y hầu Thượng Cử, Dương toàn hầu Lưu Báo, biệt giá Triệu Tô, thị trung Dương Hồng, nghị tào Đỗ Quỳnh, tòng sự Trương Sảng, thái thường khanh Lại Cung, quang lộc khanh Hoàng Quyền, tế tửu Hà Tăng, học sĩ Doãn Mặc, tư nghiệp Tiêu Chu, đại tư mã An Thuần, thiên tướng quân Trương Duệ, chiêu văn bác sĩ Y Tịch và tòng sự lang Tần Bật. Hán Trung vương giật mình nói rằng:
– Buộc cô vào chỗ bất nghĩa đều bởi tại các ngươi cả.
Khổng Minh nói:
– Chúa thượng đã bằng lòng rồi, xin cho đắp đàn, chọn ngày để làm đại lễ.
Các quan đưa ngay Hán Trung vương về cung, rồi sai bác sĩ Hứa Từ, gián nghị lang Mạnh Quang coi việc lễ, đắp đàn ở mé nam Thành Đô, sắp đặt mọi việc đâu đấy. Các quan dàn bày đồ loan giá, rước Hán Trung vương lên đàn tế trời đất. Tiêu Chu ở trên đàn, đọc bài văn tế rằng:
“Duy năm Kiến An thứ hai mươi lăm, tháng tư, mồng một, ngày bính ngọ, qua ngày mười hai là ngày đinh tị, hoàng đế là Bị kính cáo với hoàng thiên hậu thổ rằng: nhà Hán có thiên hạ, số vận dài vô ngần. Khi xưa Vương Mãng cướp ngôi, đức Quang Vũ nổi giận đánh chết, xã tắc lại còn. Nay Tào Tháo cầm quyền bính, tàn nhẫn độc ác, giết bà chủ mẫu, tội ác đầy trời. Con Tháo là Tào Phi lại hung nghịch hơn, dám cướp giữ đồ thần khí.
Các tướng sĩ bề dưới chúng tôi cho rằng nghiệp nhà Hán đổ nát, Bị nên phải kế vào, để nối cơ nghiệp của hai tổ, phụng mệnh trời mà đánh giặc.
Bị nghĩ trong mình kém đức, sợ nhục ngôi tôn, hỏi đến thứ dân, và các quân trưởng ngoài cõi xa, thì ai cũng bảo rằng mệnh của trời, không nên bỏ sao nhãng: Nghiệp của tổ tông không nên để suy đồi; mà bốn bể không nên để vô chủ. Khắp thiên hạ trông mong vào một mình Bị. Bị sợ mệnh sáng của trời, lại sợ nghiệp của Cao, Quang đổ xuống đất; vậy phải kính chọn ngày lành, lên đàn tế cáo, chịu lĩnh tỉ thụ hoàng đế, coi giữ bốn phương. Xin thần trên trời dưới đất ủng hộ cho nhà Hán, để được lâu dài mãi mãi!”
Tiêu Chu đọc xong, Khổng Minh dẫn các quan dâng ngọc tỉ lên. Hán Trung vương nhận lấy, hai tay bưng đứng trên, nhường đi nhường lại hai ba lần, nói rằng:
– Bị này không có tài đức gì, xin chọn người nào có tài có đức để nhường ngọc tỉ này.
Khổng Minh tâu rằng:
– Chúa thượng bình định bốn bể, công đức ra khắp thiên hạ, vả lại tôn phái nhà Đại Hán, nên đứng vào ngôi chính. Và đã tế cáo trời đất rồi, còn nhường gì nữa?
Các quan văn võ cùng reo vạn tuế lạy mừng.
Lễ xong đâu đấy, cải năm ấy là niên hiệu Chương Vũ thứ nhất (220) lập vợ là Ngô thị là hoàng hậu, con là Lưu Thiện làm thái tử, phong con thứ hai là Lưu Vĩnh làm Lỗ vương, con thứ ba là Lưu Lý làm Lương vương; phong Gia Cát Lượng làm thừa tướng; Hứa Tĩnh làm tư đồ, quan liêu lớn nhỏ đều được thăng chức cả, đại xá những kẻ có tội. Quân dân trong hai Xuyên, ai nấy cũng nhảy nhót mừng rỡ.
Hôm sau khai chầu, trăm quan văn võ vào lạy xong, đứng sắp hàng ra hai bên.
Tiên chủ giáng chiếu nói rằng:
– Trẫm từ khi kết nghĩa với Quan, Trương ở vườn đào, thề cùng sống chết. Nay chẳng may em thứ hai Vân Trường bị Tôn Quyền hại mất, nếu không báo thù, thì phụ mất lời thề khi xưa. Trẫm muốn khởi hết cả ngàn quân trong nước, sang đánh Đông Ngô để rửa cái giận ấy mới được.
Tiêu chủ vừa nói dứt lời, có một người ở dưới thềm bước ra, can rằng:
– Việc đó không nên!
Tiên chủ trông ra, thì là hổ oai tướng quân Triệu Vân.
Đó là:
Vua chúa chưa ra quân đánh giặc,
Tôi con đã muốn hiến lời can.
Chưa biết Tử Long can ra làm sao, xem đến hồi sau sẽ biết.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.