TAM QUỐC DIỄN NGHĨA
Hồi 036 : Lưu Bị Định Kế Đoạt Phàn Thành – Từ Thứ Tiến Cử Gia Cát Lượng
Lại nói, Tào Nhân tức giận, dẫn binh mã cấp tốc vượt qua sông, định san phẳng Tân Dã.
Đan Phúc thắng trận, về huyện bàn với Huyền Đức rằng:
– Tào Nhân đóng quân ở Phàn Thành, nếu biết hai tướng bị giết, tất huy động đại quân đến
báo thù.
Huyền Đức hỏi:
– Nên dùng kế gì bây giờ?
Đan Phúc nói:
– Nếu hắn đem hết quân sang đây, Phàn Thành bỏ ngỏ, ta có thể thừa cơ đánh úp.
Huyền Đức hỏi kế. Phúc ghé tai Huyền Đức nói nhỏ mấy câu, Huyền Đức hớn hở, truyền
lệnh chuẩn bị sẵn sàng.
Chợt có thám mã báo Tào Nhân đã dẫn đại quân sang sông kéo đến nơi. Đan Phúc nói:
– Tôi đoán không sai.
Rồi mời Huyền Đức đem quân nghênh địch.
Trận thế dàn xong, Triệu Vân ra ngựa, gọi tướng giặc nói chuyện. Tào Nhân sai Lý Điển ra
giao chiến với Triệu Vân. Được độ vài chục hiệp, Lý Điển biết sức không cự nổi, quay ngựa
chạy về. Vân tế ngựa đuổi theo, nhưng quân Tào bắn chặn lại. Đôi bên cùng thu quân về trại.
Lý Điển về gặp Tào Nhân nói:
– Quân giặc tinh nhuệ lắm, không nên coi thường. Chi bằng hãy rút quân về Phàn Thành.
Tào Nhân cả giận, nói:
– Lúc chưa xuất quân, ngươi đã làm ngã lòng quân sĩ ta. Nay lại giả tảng thua, tội đáng
chém. Đao phủ đâu, lôi ra chặt đầu nó đi.
Các tướng xúm lại can mãi, Điển mới khỏi chết. Rồi, Nhân tự dẫn binh đi tiền bộ, cho Lý
Điển đi hậu quân. Hôm sau đánh trống tiến binh, bày thành thế trận, sai người hỏi Huyền
Đức rằng:
– Có biết thế trận của ta không?
Đan Phúc trèo lên chỗ cao, ngắm một hồi, rồi xuống nói với Huyền Đức:
– Đây là trận “Bát môn kim tỏa”. Có tám cửa là: Hưu, sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai.
Nếu nhằm các cửa sinh, cửa cảnh, cửa khai mà đánh vào thì thắng, vào các cửa thương, cửa
kinh, hưu, thì bị thiệt hại; vào cửa đỗ, cửa tử, thì chết hết. Tám cửa tuy bố trí chỉnh tề,
nhưng chỉ thiếu lực lượng chủ chốt ở giữa. Nếu ta tiến váo cửa sinh góc đông nam, rồi đánh
sang cửa cảnh góc tây thì trận này phải tan vỡ.
Huyền Đức truyền lệnh cho quân sĩ giữ vững lấy góc trận và sai Triệu Vân đem năm trăm
quân từ mặt đông nam tiến vào, lướt qua cửa tây mà ra ngoài trận.
Được lệnh, Vân lập tức vác giáo lên ngựa, đem quân thắng đến góc đông nam, hò reo đánh
vào giữa trận. Tào Nhân lui chạy về phía bắc. Vân không đuổi theo, đánh xộc ra cửa tây, rồi
lại từ cửa tây đánh sang góc đông nam. Quân Tào đại loạn.
Huyền Đức thúc quân đánh ùa vào: Quân Tào Nhân thua to chạy trốn. Đan Phúc truyền
lệnh không đuổi theo, thu quân về.
Tào Nhân bị thua trận ấy mới tin lời Lý Điển, bèn cho mời Điển đến bảo rằng:
– Trận mới rồi mà cüng phá được, trong quân Lưu Bị tất có người giỏi.
Lý Điển nói:
– Tôi tuy ở đây nhưng bụng vẫn còn lo Phàn Thành.
Tào Nhân nói:
– Đêm nay ta đến cướp trại; nếu thắng ta sẽ liệu kế khác; nhược bằng thua, bấy giờ ta sẽ rút
về Phàn Thành.
Lý Điển nói:
– Không nên, Huyền Đức chắc có phòng bị.
Nhân nói:
– Đa nghi như vậy thì dùng binh thế nào được?
Rồi Nhân không nghe lời Lý Điển, tự dẫn quân đi tiền đội, sai Lý Điển đi hậu ứng, canh hai
đêm hôm ấy đến cướp trại Huyền Đức.
Đan Phúc đang ngồi bàn bạc với Huyền Đức ở trong trại, bỗng có một con gió giật đùng
đùng nổi lên, Phúc nói:
– Đêm nay Tào Nhân tất đến cướp trại đây!
Huyền Đức nói:
– Ta lấy gì địch lại?
Đan Phúc nói:
– Tôi đã bố trí cả rồi.
Bèn cắt đặt đâu vào đấy.
Đến canh hai, Tào Nhân kéo đến gần trại, thấy bốn mặt lửa cháy ngùn ngụt. Nhân biết
trong trại có phòng bị, vội vã rút lui. Triệu Vân đuổi theo. Nhân không kịp thu quân về trại,
tất tả chạy về phía bắc sông. Đến bờ sông, đang hoang mang tìm dò, thì một toán quân kéo
đến, tướng đi đầu là Trương Phi. Tào Nhân liều chết đánh nhau. Lý Điển bảo vệ Tào Nhân
xuống được thuyền sang sông. Quân Tào chết đuối quá nửa.
Tào Nhân sang khỏi sông, chạy ngang về Phàn Thành sai người gọi cửa. Bỗng trên thành
một hồi trống nổi rồi một tướng xông ra, thét lớn:
– Phàn Thành vào tay ta đã lâu rồi!
Quân Tào giật mình, nhìn ra thì là Vân Trường.
Tào Nhân rụng rời, quất ngựa chạy. Vân Trường đuổi đánh. Tào Nhân lại thiệt một số quân
nữa, vội xã chạy về Hứa Xương. Dọc đường, Nhân mới được tin Huyền Đức có Đan Phúc làm
quân sư, bày mưu đặt kế.
Đây nói Huyền Đức toàn thắng, kéo quân vào Phàn Thành.
Quan huyện lệnh Lưu Bật ra đón, Huyền Đức vào thành, phủ dụ dân chúng xong, Lưu Bật
rước về nhà mở tiệc khoản đãi. Bật cüng là tôn thân nhà Hán, quê ở Trường Sa. Trong tiệc
Huyền Đức thấy một người đứng hầu, tư thế hiên ngang, liền hỏi Bật:
– Người này là ai?
Bật thưa:
– Đó là Khấu Phong, con họ Khấu ở La Hầu, cháu gọi tôi bằng cậu, vì cha mẹ chết cả, nên đến
ở với tôi.
Huyền Đức tỏ vẻ yêu mến, muốn nhận làm con nuôi, Lưu Bật mừng rỡ nhận lời ngay và bảo
Khấu Phong ra lạy Huyền Đức làm cha nuôi, đổi tên họ là Lưu Phong, Huyền Đức dẫn về, sai
lạy Vân Trường, Dực Đức làm chú.
Vân Trường nói:
– Anh đã có con rồi, hà tất phải nuôi con nuôi, sau này chắc sinh loạn!
Huyền Đức nói:
– Ta đãi nó như con, tất nó phải thờ ta như cha. Việc gì mà loạn?
Vân Trường tỏ vẻ không bằng lòng. Huyền Đức bàn với Đan Phúc, sai Triệu Vân đem một
nghìn quân giữ Phàn Thành, còn mình thì dẫn quân về Tân Dã.
Lại nói Tào Nhân, Lý Điển về Hứa Đô, vào ra mắt Tào Tháo, khóc lạy xuống đất xin chịu
tội và thuật đầu đuôi việc hao binh tổn tướng. Tháo nói:
– Được thua là chuyện thường của nhà binh, nhưng không biết ai bày mưu cho Lưu Bị?
Tào Nhân nói là mẹo của Đan Phúc. Tháo hỏi:
– Đan Phúc là người thế nào?
Trình dục nói:
– Người ấy không phải là Đan Phúc. Thuở nhỏ hắn tập múa gươm. Cuối năm trung bình (đời
vua Linh Đế) hắn giết người để báo thù cho kẻ khác, rồi xõa tóc bôi nhọ mặt đi trốn. Bị nha
lại tóm được, hắn không nói họ tên, liền bị trói bỏ lên xe, đem đi rong chợ, đánh trống gọi
loa cho dân phố nhận mặt. Cüng có người biết, nhưng không ai dám nói. Sau được các bè
bạn đánh tháo, cứu thoát hắn ra. Hắn mới thay tên đổi họ, đi lánh nạn, gắng sức học hành,
tìm kiếm danh sư khắp nơi. Hắn thường đi lại đàm luận với Tư Mã Huy. Hắn quê ở Dĩnh
Châu, tên là Từ Thứ, tự là Nguyên Trực, Đan Phúc chỉ là họ tên giả của hắn thôi.
Tháo lại hỏi:
– Tài của Từ Thứ so với ngươi thế nào?
Dục thưa:
– Người ấy mười phần, Dục không lấy được một.
Tháo nói:
– Đáng tiếc hiền sĩ đều về với Lưu Bị cả; vây cánh y đã thành, biết làm thế nào?
Dục đáp:
– Từ Thứ tuy ở với Lưu Bị, nhưng nếu thừa tướng muốn dùng, gọi về cüng dễ.
Tháo hỏi:
– Làm thế nào dụ hắn về được?
Dục thưa:
– Từ Thứ là người chí hiếu. Bố mất sớm, chỉ còn mẹ già ở nhà. Hiện nay em là Từ Khang đã
mất, mẹ già không ai phụng dưỡng, thừa tướng nên sai người lừa mẹ hắn đến Hứa Xương,
rồi bắt mụ ấy viết thư gọi con về đây, chắc Từ Thứ thế nào cüng phải nghe theo.
Tháo mừng lắm, sai người cấp tốc đi bắt mẹ Từ Thứ. Chẳng bao lâu, quân bắt được mẹ
Từ Thứ dẫn về. Tháo đối đãi rất tử tế, rồi bảo Từ mẫu rằng:
– Ta được biết Từ Nguyên Trực, con trai bà, là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Nay y ở Tân Dã,
giúp tên nghịch thần Lưu Bị, phản bội triều đình. Có khác nào viên ngọc quý rơi trong vüng
bùn, thật đáng tiếc! Nay ta muốn nhờ bà viết thư gọi y về Hứa Đô, ta sẽ tâu lên thiên tử, nhất
định y sẽ được trọng thưởng.
Rồi sai tả hữu lấy nghiên bút, giấy mực lại, bảo Từ mẫu viết thư.
Từ mẫu hỏi:
– Lưu Bị là người thế nào?
Tháo đáp:
– Là một kẻ hèn mọn ở Bái Quận, mạo xưng là “Hoàng thúc”, vốn chẳng có tín nghĩa gì. Có
thể nói ngoài vỏ là người quân tử, mà trong ruột là một đứa tiểu nhân.
Từ mẫu đùng đùng nổi giận:
– Ngươi xảo quyệt đến thế là cùng! Từ lâu ta đã biết Huyền Đức là con cháu Trung Sơn Tĩnh
Vương, cháu chắt Hiếu Cảnh hoáng đế. Ông ấy khiêm tốn, quý trọng hiền sĩ, kính cẩn đãi
người, tiếng nhân đức lừng lẫy khắp thiên hạ. Từ già đến trẻ, từ kẻ chăn trâu đến người
kiếm củi, ai cüng biết ông là một bậc anh hùng đời nay. Con ta phò tá người ấy, thật là xứng
đáng. Còn ngươi, tuy là tướng nhà Hán, nhưng thực là giặc nhà Hán, lại còn dám bảo Huyền
Đức là nghịch thần? Ngươi định đẩy con ta bỏ chỗ sáng vào hang tối, há chẳng biết nhục lắm
sao?
Nói xong bà cầm ngay nghiên bút đá quẳng vào mặt Tào tháo. Tháo giận lắm, thét võ sĩ lôi
Từ mẫu ra chém. Trình Dục vội can rằng:
– Từ mẫu nói xúc phạm đến thừa tướng, là cốt để tìm đường chết. Nếu thừa tướng giết đi,
không những mang tiếng bất nghĩa, mà lại đề cao cái đức của Từ mẫu. Mẹ chết rồi, Từ Thứ
tất đem hết tài trí ra giúp Lưu Bị để trả thù. Chi bằng không giết, làm cho Từ Thứ thân ở một
nơi, lòng nghĩ một nơi, dù có giúp Lưu Bị cüng không tận sức. Hơn nữa, để Từ mẫu sống,
Dục sẽ có kế lừa Từ Thứ về đây giúp thừa tướng.
Tháo nghe lời, tha chém Từ mẫu và đem nuôi nấng ở riêng một nhà. Trình Dục ngày ngày
đến thăm hỏi, nói dối là anh em kết nghĩa với Từ Thứ, ân cần phụng dưỡng chẳng khác mẹ
đẻ. Thường thường Dục đem biếu Từ mẫu thứ nọ thứ kia, lại kèm theo danh thiếp, Từ mẫu
cüng gởi thiếp đáp lại. Dục bắt chước đúng được lối chữ của Từ mẫu, liền viết một bức thư
giả, sai người tâm phúc đem sang Tân Dã, tìm đến hành dinh Đan Phúc.
Quân sĩ dẫn vào gặp Từ Thứ, Thứ biết tin có thư của mẹ vội gọi vào và hỏi:
– Tôi là người hầu ở nhà khách, vâng lời của lão phu nhân, mang trình ngài một phong thư.
Thứ bóc ra xem. Thư rằng:
“Gần đây, em con đã mất, mẹ thành tứ cố vô thân. Đang cơn sầu thảm, không ngờ Tào thừa
tướng đánh lừa đưa đến Hứa Xương, nói rằng con theo phản Ngụy, bắt mẹ giam cầm. May
nhờ có bọn Trình Dục, mẹ mới được an toàn. Nếu con về hàng, mẹ sẽ thoát chết. Nhận được
thư này, con hãy nhớ ơn đức cù lao, gấp rút tới đây cho toàn đạo hiếu. Rồi dần dà sẽ tính
việc về quê cầy cấy làm ăn, khỏi mắc tai vạ. Tính mạng mẹ lúc này chẳng khác nghìn cân
treo sợi tóc, chỉ mong chờ cứu viện. Thư chẳng hết lời”.
Từ Thứ xem xong, nước mắt chứa chan, đem thư vào yết kiến Huyền Đức, nói rằng:
– Tôi vốn người Dĩnh Châu, tên là Từ Thứ, tự Nguyên Trực, vì lánh nạn phải đổi tên là Đan
Phúc. Khi trước, nghe thấy Cảnh Thăng chiêu hiền nạp sĩ cüng đã đến gặp, nhưng khi bàn
việc, mới biết hắn là đồ vô dụng, nên viết thư từ biệt. Đêm nọ, đến chơi nhà ông Thủy Kính,
có kể lại chuyện ấy; Thủy Kính trách tôi là người không biết chủ, và nói có Lưu Dư Châu ở
đây, sao không đi theo. Bởi thế, tôi mới đi hát rong ở chợ để động đến tai sứ quân, nay được
sứ quân tin dùng. Không ngờ lão mẫu bị Tào Tháo bày mưu lừa đến Hứa Xương sắp đem sát
hại. Mẹ có viết thư lại gọi, tôi không thể không về. Không phải tôi không muốn đem tài
khuyển mã để báo đáp sứ quân, nhưng vì thân mẫu bị bắt, không thể làm sao được. Nay xin
từ biệt và mong có cơ hội gặp gặp sứ quân sau.
Huyền Đức nghe nói, khóc rống lên:
– Tình nghĩa mẹ con là tính trời, Nguyên Trực đừng có nghĩ ngợi gì đến Bị nữa. Đợi sau khi
gặp lão phu nhân rồi, có thể Bị lại được nghe lời chỉ bảo.
Từ Thứ lạy tạ muốn đi ngay. Huyền Đức nói:
– Xin hãy xum vầy một đêm, mai sẽ đi sớm.
Tôn Càn mặt bảo Huyền Đức:
– Nguyên Trực là kỳ tài thiên hạ, lại ở Tân Dã đã lâu, tình hình quân ta thế nào đều biết rõ
cả. Nay nếu hắn về với Tào Tháo tất nhiên được trọng dụng, nguy cho ta lắm. Chúa công
phải cố lưu lại đừng cho đi. Tào Tháo thấy hắn không đến tất đem giết mẹ hắn. Hắn biết mẹ
chết, chắc phải báo thù, sẽ cố sức đánh Tào Tháo.
Huyền Đức nói:
– Không được. Mượn tay người khác giết mẹ người ta để ta dùng con là bất nhân; giữ người
ta lại không cho đi để cắt đứt cái đạo mẹ con là bất nghĩa. Ta thà chết chứ không khi nào làm
những việc bất nhân bất nghĩa.
Ai nấy đều thán phục.
Huyền Đức mời Thứ uống rượu, Thứ nói:
– Nay mẹ tôi còn ở trong ngục, dù nước vàng rượu ngọc cüng không sao trôi vào cổ họng
được.
Huyền Đức nói:
– Bị thấy ông sắp đi, như mất cả tay phải tay trái, dù gan rồng tủy phượng, ăn cüng không
ngon.
Hai người ngồi nhìn nhau, nước mắt tầm tã, chờ sáng. Các tướng đã bày tiệc tiễn đưa ở
ngoài cõi.
Huyền Đức, Từ Thứ cùng lên ngựa, hai ngựa sóng đôi ra ngoài thành.
Đến cuối tràng dinh, hai người xuống ngựa từ biệt nhau. Huyền Đức bưng một chén rượu
bảo Từ Thứ rằng:
– Bị nay phận mỏng duyên hèn, không được cùng tiên sinh tụ hội, chúa tiên sinh khéo thờ
chủ mới để chóng nên công danh.
Từ Thứ khóc, nói:
– Tôi tài nhỏ trí mọn, đội ơn sứ quân trọng dụng, nay chẳng may nửa đường phải từ biệt,
chỉ vì mẹ già mà thôi. Dù Tào Tháo có ép nài tôi cüng thề trọn đời không bày một mưu kế gì
cho y cả.
Huyền Đức đáp:
– Tiên sinh ra đi. Bị này cüng sẽ liệu đường tránh ẩn vào nơi rừng rú.
Thứ nói:
– Tôi sở dĩ muốn cùng sứ quân mưu đồ nghiệp vương bá, là nhờ ở tấm lòng này. Nay vì việc
mẹ già, lòng tôi bối rối, dù cố gắng ở lại, cüng vô ích. Sứ quân nên cầu người hiền khác cüng
toan nghiệp lớn, việc gì mà đã vội ngã lòng.
Huyền Đức thở dài nói:
– Cao hiền trong thiên hạ, còn có ai hơn tiên sinh!
Từ Thứ nói:
– Tôi tài trí tầm thường, không dám nhận lời khen ấy. Lúc sắp đi, Từ Thứ ngoảnh lại nói với
các tướng:
– Xin các ông hết lòng thờ sứ quân để tên tuổi ghi vào tơ lụa. Sự nghiệp ghi trong sử xanh,
đừng có như Thứ này là người hữu thủy vô chung.
Các tướng ai cüng thương cảm.
Huyền Đức không nỡ chia tay, tiễn hết cung đường này đến cung đường khác.
Từ Thứ nói:
– Không dám phiền sứ quân đi tiễn xa quá. Đến đây, Thứ xin cáo biệt.
Huyền Đức ngồi trên ngựa, cầm tay Từ Thứ nói:
– Tiên sinh chuyến này đi, mỗi người một phương trời, biết ngày nào lại được gặp nhau?
Nói xong, nước mắt tuôn xuống như mưa. Thứ cüng khóc rồi cáo biệt.
Huyền Đức dừng ngựa bên rừng, trông theo Từ Thứ và bọn tùy tùng vội vã kéo đi, khóc mà
nói:
– Nguyên Trực đi rồi, ta làm thế nào bây giờ?
Huyền Đức gạt nước mắt trông theo, lại bị rặng cây trước mặt che khuất bèn lấy roi trỏ vào
rừng, nói:
– Ta muốn chặt hết cây cối chỗ này đi!
Các tướng hỏi vì cớ gì? Huyền Đức nói:
– Cánh rừng này che khuất Nguyên Trực của ta.
Huyền Đức đang trông theo, chợt thấy Từ Thứ cưỡi ngựa quay lại.
Huyền Đức mừng rỡ, nghĩ thầm:
– Nguyên Trực quay lại, có lẽ không muốn đi chăng?
Liền hớn hở tế ngựa lên trước đón hỏi:
– Tiên sinh trở lại, hẳn là không định đi nữa?
Thứ ghìm ngựa nói với Huyền Đức:
– Lúc tôi ra đi, ruột rối bời bời, quên bẵng đi một việc: Trong vùng này có một bậc kỳ tài ở
tại Long Trung, cách Tương Dương hai mươi dặm, sứ quân nên đến mà tìm.
Huyền Đức nói:
– Dám phiền Nguyên Trực mời giúp người đó ra cho Bị.
Thứ nói:
– Người đó không thể gọi ra được, sứ quân phải thân đến mà mời. Nếu được người đó,
không khác gì nhà Chu được Lạ Vọng nhà Hán được Trương Lương.
Huyền Đức lại hỏi:
– Tài đức người đó so với tiên sinh thế nào?
Thứ đáp:
– Tôi mà so với người đó, khác nào ngựa hèn sánh với kỳ lân, quạ đen sánh với phượng
hoàng. Người đó thường ví mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị. Cứ như ý tôi, Quản, Nhạc còm
kém xa. Người đó có tài ngang trời dọc đất, thiên hạ chắc chỉ có một không hai.
Lưu Bị mừng, hỏi:
– Xin cho biết họ người đó?
Thứ đáp:
– Người ấy quê ở Dương Đô, quận Lang Nha, họ Gia Cát tên Lượng, tự Khổng Minh; vốn là
dòng dõi nhà quan Tư lệ hiệu úy Gia Cát Phong ngày xưa. Cha tên là Khuê, tự là Tử Cống,
nguyên làm quận thừa ở Thái Sơn, mất sớm. Lượng theo chú là Huyền, Huyền cùng với Lưu
Biểu quen biết nhau, nên đến nương tựa, rồi dựng nhà ở Tương Dương. Đến khi Huyền mất,
Lượng mới cùng em là Gia Cát Quân ra cày cấy, làm ăn ở Nam Dương, thường hay ngâm bài
Lương phủ ngâm: (Nhạc phủ). Chỗ ở có trái núi Ngọa Long Cương, nhân thế tự gọi là Ngọa
Long tiên sinh. Người đó là bậc kỳ tài đệ nhất đời nay. Sứ quân phải chịu hạ mình đến đó mà
gặp. Nếu được ngưòi ấy giúp cho thì lo gì việc thiên hạ không định xong!
Huyền Đức nói:
– Ngày trước, Thủy Kính tiên sinh đã nói với Bị rằng: “Phục Long, Phượng Sồ chỉ cần được
một trong hai người cüng đủ định thiên hạ”. Nay theo lời ông có phải người ấy là Phục Long
hay Phượng Sồ không? Thứ nói:
– Phượng Sồ là Bàng Thống ở Tương Dương, còn Phục Long chính là Gia Cát Khổng Minh
đó.
Huyền Đức mừng cuống lên, nói:
– Hôm nay mới hiểu được tiếng Phục Long, Phượng Sồ. Ngờ đâu đại hiền ở ngay trước mắt,
nếu tiên sinh không nói thì Bị có mắt cüng như mù.
Người đời sau có thơ khen Từ Thứ ruổi ngựa tiến Gia Cát.
Thơ rằng:
Rất tiếc cao hiền không tái ngộ,
Trên đường từ biệt lệ tuôn đầy…
Một lời như sấm mùa xuân dậy,
Thúc giục rồng nằm cất cánh bay.
Từ Thứ tiến cử Khổng Minh, rồi từ biệt Huyền Đức quay ngựa đi.
Huyền Đức nghe theo Từ Thứ nói mới hiểu những lời của Tư Mã Đức Tháo, lúc ấy như tỉnh
được giấc ngủ mê, giải được cơn say rượu. Về đến nhà vội vàng sắm lễ vật rất hậu, cùng
Quan, Trương đến Nam Dương mời Khổng Minh.
Lại nói Từ Thứ từ biệt Huyền Đức, cảm tình lưu luyến, lại sợ Khổng Minh không chịu ra
giúp, nên đi thẳng đến Ngọa Long Cương, vào lều tranh gặp Khổng Minh. Khổng Minh hỏi
đến làm gì. Thứ nói:
– Lúc chia tay, tôi có tiến cử tiên sinh. Thế nào nay mai Huyền Đức cüng đến đây yết kiến,
mong tiên sinh đừng từ chối, hãy trổ hết đại tài ra giúp Huyền Đức, Thứ cüng được cảm tạ
muôn phần.
Khổng Minh nghe nói, ra vẻ giận, nói:
– Thế ra ngươi coi ta như là vật dùng để cúng tế có phải không?
Nói xong, rü vạt áo đi vào.
Từ Thứ bẽn lẽn đi ra, lên ngựa ruổi thẳng đến Hứa Xương gặp mẹ.
Một lời dặn bạn, vì yêu chủ,
Ngàn dặm thăm nhà, bởi nhớ thân.
Chưa biết việc sau thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.