Thiên Đường Có Thật

CHƯƠNG 7: “EM NGHĨ CHÍNH LÀ NHƯ THẾ”



“ K HÔOOONG !”
“Nhưng Colton này, con phải uống thứ này.”
“Khôooong! Cái này ghêeee lắm!”

Tiếng kêu la chống cự của Colton vang khắp phòng khám. Thằng bé quá kiệt sức, yếu ớt và mệt mỏi vì ói hết cả ruột gan, và lúc này, chúng tôi lại đang bắt nó uống một thứ chất lỏng màu đỏ, đặc sệt và đầy sạn mà một người lớn tỉnh táo cũng không bao giờ muốn uống. Cuối cùng, Colton uống một hớp nhỏ nhưng lại nôn ngay ra.

“Cháu cứ ói mãi,” tôi giải thích với người kỹ thuật viên chụp hình. “Làm sao mà uống được cái này đây?”

“Thưa ông, tôi rất tiếc… nhưng bé phải uống để chúng ta có được hình chụp tốt nhất.”

“Ba ơi, đừng bắt con phải uống cái này. Điiii mà!”

Chúng tôi thử mọi cách. Chúng tôi chơi trò người tốt, người xấu, Sonja vỗ về thằng bé trong khi tôi thì dọa nạt. Nhưng tôi càng cứng rắn thì Colton càng nghiến chặt răng không muốn uống thứ nước sền sệt đó.

Tôi cố giải thích cho cậu: “Colton ơi, con chỉ cần nuốt được thuốc này, các bác sĩ có thể xét nghiệm xong thì có thể giúp con thấy khỏe hơn. Con không muốn khỏe hơn sao?”

Thằng bé sụt sịt: “Dạ.”

“Rồi, đây nè, uống đi con.”

“Khôooong, đừng ép con mà!”

Chúng tôi tuyệt vọng rồi. Nếu thằng bé không uống thuốc này, họ không thể chụp CT. Không chụp CT được, họ không thể chẩn đoán. Không chẩn đoán được, họ không thể chữa cho con của chúng tôi. Cuộc giằng co diễn ra gần cả tiếng đồng hồ, cuối cùng, người kỹ thuật viên bước ra và giải thoát chúng tôi. “Chúng ta cứ tiến hành và đưa bé vào vậy. Chúng tôi sẽ làm những gì tốt nhất có thể.”

Trong phòng chụp, Sonja đứng cùng người kỹ thuật viên đằng sau tấm chắn tia, còn tôi thì đứng cạnh bé Colton đang bơ phờ khi chiếc bàn trượt đưa bé vào bên trong một cái ống to, đáng sợ. Thể hiện sự dịu dàng và trắc ẩn, người kỹ thuật viên cho chiếc bàn dừng lại trước khi bé Colton được hoàn toàn đẩy vào bên trong máy chụp, để cho đầu bé ở bên ngoài để bé có thể thấy tôi. Máy chụp bắt đầu quay, và Colton nhìn tôi trân trân với đôi mắt tê tái vì đau.

Như thế, cuộc xét nghiệm hoàn tất. Người kỹ thuật viên quét hình, rồi đưa chúng tôi ra khỏi phòng lab. Anh ấy không đưa chúng tôi về lại phòng chờ mà đến một hành lang tách biệt với vài chiếc ghế dựng sát tường.

Người kỹ thuật viên nhìn tôi buồn bã. “Anh cần chờ ở đây,” anh nói. Lúc này, tôi còn không nhận ra rằng anh vẫn chưa cho thằng bé mặc lại đồ.

Cả ba chúng tôi ngồi trong hành lang hẹp, lạnh lẽo, Sonja ẵm Colton, đầu nó tựa vào vai mẹ. Lúc này, cô khóc. Nhìn vào mắt vợ, tôi thấy hy vọng của cô đang vơi dần. Nhưng chỗ này không phải là chỗ thông thường để ngồi chờ. Người kỹ thuật viên đã tách biệt chúng tôi. Anh ấy đã xem ảnh và nhận ra điều gì không ổn.

Sonja nhìn xuống Colton, trong vòng tay mình, và tôi nhận ra trong đầu cô ấy, mọi thứ đang quay cuồng. Cô và Colton đã cùng nhau làm mọi thứ. Đây là đứa con trai bé bỏng, là người bạn của cô. Còn hơn thế nữa, cậu bé với đôi mắt xanh to tròn, và mái tóc vàng nhỏ nhắn này chính là phúc lành trời ban, một món quà chữa lành nỗi đau sau khi chúng tôi mất đứa con trước.

Năm năm trước, Sonja mang thai đứa con thứ hai của chúng tôi. Sonja mang thai được một tháng, chúng tôi xem đứa bé sắp ra đời như sự hoàn thiện cho gia đình. Khi chỉ có hai người, chúng tôi là một cặp. Khi Cassie ra đời, chúng tôi trở thành một gia đình. Với đứa con thứ hai sắp sinh, chúng tôi có thể nhìn thấy hình ảnh của tương lai – chân dung gia đình, một ngôi nhà đầy tiếng cười trẻ thơ, hai đứa trẻ kiểm tra vớ của mình vào buổi sáng Giáng Sinh. Rồi khi thai được hai tháng, Sonja bị sẩy, và những giấc mơ huyền ảo của chúng tôi tan biến như bong bóng xà phòng. Nỗi đau nhấn chìm Sonja. Một thực tại đau đớn về đứa con bị đánh mất, đứa bé chúng tôi sẽ không bao giờ được nhìn thấy. Một khoảng trống trước đó chưa từng có.

Chúng tôi thiết tha thử lần nữa, nhưng nỗi lo sợ liệu có thể có con nữa không khiến cho nỗi đau khổ nhân lên bội phần. Vài tháng sau, Sonja lại mang thai. Những lần khám tiền sản ban đầu cho thấy một đứa bé khỏe mạnh, đang lớn dần. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn e dè, hơi dè dặt khi yêu thương đứa con mới vì còn đứa con đã mất. Nhưng bốn mươi tuần sau, vào ngày 19 tháng 5 năm 1999, Colton Todd Burpo ra đời và chúng tôi yêu thằng bé đắm đuối. Đối với Sonja, đứa con trai bé bỏng này còn là một món quà hơn cả quí giá từ bàn tay của Cha thánh thiện và đầy yêu thương.

Lúc bấy giờ, khi nhìn gương mặt vợ tựa trên người Colton tái nhợt, tôi có thể thấy những câu hỏi đáng sợ đang hình thành trong tâm trí cô: Ngài đã làm gì, Chúa ơi? Có phải ngài cũng sẽ mang đứa trẻ này đi chăng?”

Gương mặt Colton tê tái và nhợt nhạt, trong như vầng trăng nhỏ bé treo trong hành lang ảm đạm. Những quầng thâm quanh mắt thằng bé thâm lại thành những hốc tối, tím ngắt. Thằng bé không còn la hét, hay khóc nữa. Nó chỉ… bất động.

Điều này lại khiến tôi nhớ đến những bệnh nhân hấp hối tôi đã thấy vật vờ ở ranh giới giữa trần gian và cõi vĩnh hằng. Nước mắt tôi dâng đầy, khiến hình ảnh con trai tôi nhòe đi như thể mưa rơi trên ô cửa kính. Sonja nhìn lên tôi, nước mắt ràn rụa. “Em nghĩ chắc là vậy,” cô nói.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.