Thiên Đường Có Thật
CHƯƠNG 9: THỜI GIAN NHƯ NGƯNG ÐỌNG
MƯỜI LĂM PHÚT SAU, có thể lâu hơn thế, tôi chạy ra khỏi phòng, mắt ráo hoảnh. Đây là lần đầu tiên tôi thực sự chỉ có một mình kể từ khi bắt đầu cuộc thử thách này. Tôi đã luôn muốn mạnh mẽ vì Sonja, một người chồng mạnh mẽ vì vợ mình. Tôi thấy cô ấy ngồi trong phòng đợi, gọi điện cho bạn bè và người thân. Tôi ôm và đỡ cô khi cô khóc làm ướt đẫm áo tôi. Tôi dùng chút pin cuối cùng của điện thoại để gọi cho Terri, thư ký của tôi, người sau đó sẽ dẫn dắt buổi cầu nguyện ở nhà thờ. Đây không phải là cuộc gọi theo nghi thức. Tôi đã tuyệt vọng với lời nguyện cầu, mong sao những tín đồ khác sẽ đập cổng thiên đường và cầu xin sự sống cho con trai tôi.
Mục sư phải là những trụ cột niềm tin không thể lay chuyển, đúng không? Nhưng lúc đó, niềm tin của tôi như treo bằng chỉ mục và dây sờn. Tôi nghĩ về những đoạn trong Kinh thánh kể về lúc Chúa nhậm lời cầu xin, không phải từ phía những người bệnh tật hay hấp hối, mà từ bạn bè của người bệnh hay hấp hối – như người bại liệt chẳng hạn. Đó là lúc Chúa Giêsu nhìn thấy lòng tin của những người bạn nên bảo với người bại liệt, “Hãy đứng dậy, vác giường và về nhà đi.” Vào lúc này, tôi cần mượn sức mạnh và niềm tin từ những tín đồ khác. Sau khi nói điện thoại xong với Terri, Sonja và tôi ngồi bên nhau và cầu nguyện, vừa sợ phải hy vọng, vừa sợ không thể hy vọng được nữa.
Thời gian trôi chậm chạp, từng phút đồng hồ chạy theo tốc độ của sông băng. Khoảng giữa những cuộc trò chuyện lặng yên và nói chuyện ngắn, căn phòng chờ chìm trong một sự im lặng u uất.
Chín mươi phút sau, một nữ y tá trong bộ đồ mổ màu tím, cổ vẫn đeo lủng lẳng chiếc khẩu trang, bước ra phòng chờ. “Ba của bé Colton có ở đây không?”
Giọng nói của cô ấy, và việc cô ấy là y tá chứ không phải bác sĩ O’Holleran đã mang đến cho tôi một hy vọng.
Có lẽ Chúa Trời nhân lành dù chúng ta ngu muội. Có lẽ người sẽ cho chúng ta một ngày mới, một cơ hội mới.
“Ông Burpo, ông có thể quay lại được không? Colton đã mổ xong, nhưng chúng tôi không thể trấn an bé. Bé vẫn la hét, và kêu đòi ông.”
Khi họ đẩy Colton đi, tôi không thể chịu đựng được tiếng kêu gào của thằng bé. Lúc này đây, bỗng dưng, tôi muốn nghe thấy tiếng la của nó hơn bất kỳ âm thanh nào tôi đã từng mong muốn được nghe trong đời. Với tôi, những tiếng kêu của thằng bé là những thanh âm tuyệt vời.
Sonja và tôi gom đồ đạc lại và theo cô y tá quay trở lại qua hai cửa lớn dẫn vào khu phẫu thuật. Chúng tôi không đến phòng hồi sức mà gặp hai y tá đẩy Colton qua hành lang trên băng ca. Thằng bé tỉnh táo, và tôi biết là nó đang tìm tôi. Phản ứng đầu tiên của tôi là đến càng gần nó càng tốt; tôi nghĩ tôi có thể leo lên băng ca với nó nếu không ngại các y tá sẽ khó chịu một chút.
Các y tá ngừng lại đủ lâu để Sonja và tôi lần lượt hôn lên gương mặt bé nhỏ của Colton, trông vẫn nhợt nhạt và buồn bã. “Này nhóc, con thấy sao rồi?” tôi hỏi thằng bé.
“Chào mẹ. Chào ba.” Môt nụ cười thoáng qua làm ửng sáng gương mặt thằng bé.
Các y tá đẩy băng ca đi tiếp vài phút nữa, rồi sau đó đi thang máy, Colton được đặt trong một phòng bệnh nhỏ hẹp ở cuối hành lang. Sonja bước ra khỏi phòng một chút để làm một số giấy tờ ở phòng y tá, còn tôi thì ở lại, ngồi kế bên giường Colton, ngắm nhìn sự sống của con trai mình.
Đứa con bé bỏng trông càng bé nhỏ trên chiếc giường bệnh dành cho người lớn. Nặng chưa đến 18 kg, thân hình Colton không nhô lên dưới tấm chăn là mấy. Chân thằng bé chỉ dài đến một phần ba chiếc giường. Mắt cậu vẫn còn thâm quầng, nhưng tôi thấy có vẻ như màu xanh trong mắt tươi sáng hơn hai giờ trước đó.
“Ba ơi?” Colton nhìn tôi tha thiết.
“Gì vậy con?”
Colton nhìn chăm chăm, mắt không rời khỏi tôi.
“Ba ơi, ba biết không, con suýt chết đó.”
Nỗi sợ bắt lấy tôi. Thằng bé nghe được điều đó từ đâu?
Có phải nó nghe các bác sĩ nói chuyện? Nó đã nghe các bác sĩ phẫu thuật nói điều gì đó, dù đang bị gây mê chăng? Vì chúng tôi chắc chắn không hề nói gì về việc thằng bé cận kề cái chết trước mặt nó. Sonja và tôi sợ thằng bé, lúc còn ở giữa sự sống và cái chết, đã biết được điều này sau khi chúng tôi được tin ruột thừa của thằng bé đã rỉ chất độc trong người trong suốt năm ngày. Nhưng chúng tôi đã rất cẩn thận tránh nói bất cứ điều gì trước mặt Colton khiến thằng bé sợ.
Cổ họng tôi nghẹn ứ, như sắp khóc. Có nhiều người hoảng sợ khi con cái họ ở tuổi vị thành niên muốn nói chuyện về tình dục. Nếu bạn nghĩ điều đó đã là khó, hãy thử nói với đứa con chưa đến tuổi đi học của mình về cái chết. Colton đã từng theo tôi đến các nhà điều dưỡng, nơi người ta từ giã cõi đời. Tôi không cho phép con trai mình bỏ cuộc. Chúng tôi chưa vượt qua hết mọi khó khăn, và tôi không muốn thằng bé nghĩ rằng cái chết là một lựa chọn.
Tôi cố giữ giọng vững vàng và cười với thằng bé. “Con chỉ cần nghĩ đến việc hồi phục, được không nào?”
“Dạ được chứ, ba.”
“Ba mẹ luôn ở bên cạnh con. Ba mẹ luôn cầu nguyện cho con.” Rồi tôi đổi đề tài. “Nào, con muốn ba mẹ mang gì đến cho con? Con có muốn mấy bức tượng nhân vật hành động của con ở nhà không?”
Ít lâu sau, ba thành viên trong hội đồng giáo xứ đến bệnh viện. Chúng tôi rất cảm kích về điều đó. Đôi lúc tôi tự hỏi, người ta sẽ làm gì khi không có gia đình họ hàng và không có nhà thờ? Trong những khoảng thời gian tăm tối, họ sẽ nhận sự hỗ trợ từ đâu? Cassie ở với Norma và Bryan ở Imperial cho đến khi mẹ tôi, Kay, có thể ghé đón cháu từ Ulysses, bang Kansas. Gia đình nhiều thế hệ của Bryan sống ở North Platte, và họ cũng đến giúp chúng tôi. Giáo xứ tề tựu quanh chúng tôi ngay trong lúc nguy kịch nhất đã thay đổi cách Sonja và tôi đi qua thời điểm thử thách và đau thương. Trước đây chúng tôi tin tưởng, còn bây giờ chúng tôi chiến đấu.
Ngay sau đó, Sonja trở vào phòng rồi không lâu sau, bác sĩ O’Holleran đến. Colton nằm yên khi bác sĩ giở chăn lên cho chúng tôi xem vết mổ, một đường cắt ngang bên phải bụng thằng bé. Vết thương được băng bó bằng tấm gạc thấm máu, và khi bác sĩ gỡ tấm gạc ra, Colton rên khẽ sợ sệt. Tôi không nghĩ thằng bé cảm nhận được điều đó, vì nó vẫn còn bị ảnh hưởng của gây mê cục bộ tại vết mổ.
Bên trong người, Colton bị nhiễm độc từ đoạn ruột thừa bị bể nặng đến nỗi bác sĩ O’Holleran quyết định để vết mổ hở để chất độc tiếp tục chảy ra ngoài.
Lúc bấy giờ, bác sĩ vạch vết thương ra một cách nhẹ nhàng.
“Anh chị nhìn thấy mô màu xám đó không?” ông hỏi. “Đó chính là do các nội tạng bị nhiễm trùng. Colton chưa thể xuất viện chừng nào những chỗ màu xám chưa chuyển thành màu hồng.”
Một đoạn ống nhựa nhô ra ở hai bên bụng Colton. Ở mỗi đầu ống là thứ mà bác sĩ gọi là “lựu đạn.” Nó làm bằng nhựa trong có màu, trông khá giống lựu đạn, nhưng những thứ này thực ra chính là các bơm tay. Sáng hôm sau, Bác sĩ O’Holleran chỉ chúng tôi cách bóp “trái lựu đạn” đó để chắt mủ từ bụng Colton rồi sau đó băng vết thương lại bằng gạc sạch. Trong vài ngày sau, bác sĩ O’Holleran ghé qua vào mỗi sáng để kiểm tra vết thương và băng bó. Colton rên lên đau đớn trong những lần bác sĩ ghé thăm và bắt đầu đánh đồng bác sĩ với mọi điều xấu xảy ra với mình.
Vào buổi tối, khi không có bác sĩ, tôi phải làm ráo vết mổ. Trước cuộc phẫu thuật, Sonja ở bên cạnh thằng bé suốt khi nó ói, và sau khi mổ, túc trực bên giường bệnh từng giây phút. Nhưng vắt mủ là một công việc đáng sợ, và đối với cô ấy, là một vấn đề khó khăn. Ngoài ra, cần có ít nhất ba người lớn để dằn Colton xuống. Thế nên khi tôi bóp cái bơm “lựu đạn”, Sonja giúp hai y tá giữ thằng bé, Sonja thì thầm những lời dịu dàng khi Colton cứ la hét luôn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.