Tôi là Êri

Chương 7 – Phần 3



Tôi phải chuyển đến ở cùng với Mèm một thời gian. Lúc đó, Mèm cũng đang ở chung với Nòng. Tôi nằm suy nghĩ hai, ba ngày để tính xem mình nên làm gì tiếp. Tôi hỏi ý kiến Mèm:

“Mèm, mày bảo tao có nên quay về Thái không?”.

Mèm trả lời:

“Chỉ có mỗi ba trăm nghìn bạt, đâu có nhiều nhặn gì. Mày về Thái thì biết làm gì hả?”.

Mèm nói đúng, nếu ở lại Nhật tôi còn có cơ hội kiếm thêm được nhiều hơn thế. Ở Thái kiếm tiền rất khó. Nếu về tôi khó có cơ hội quay lại Nhật lần nữa. Vì thế tôi nghĩ mình nên ở lại thì tốt hơn. Lúc đó, tôi cũng không hiểu vì sao mình lại muốn đến Yokohama làm việc đến vậy trong khi tôi không quen biết ai ở đó. Tôi nói chuyện với Nòng hỏi xem anh có quen ai ở Yokohama không. Anh giới thiệu tôi với một cô bạn người Thái đang làm việc ở một quán ăn nhanh, hay còn gọi là Cocktail Lounge, tại Yokohama. Chị ấy tên là Khẹc. Nòng khuyên tôi nên ngồi tàu điện đến đó và cho tôi số điện thoại của chị Khẹc. Tôi quyết định đến Yokohama một mình. Khi đến nơi tôi gọi điện cho chị Khẹc ra đón.

H/�* ����� đến bọn Yakuza vì chúng rất nguy hiểm.

Được một thời gian, tôi bắt đầu cảm thấy chán với cuộc sống lêu lổng, vật vờ hàng ngày. Tôi muốn làm việc để kiếm tiền gửi về cho gia đình. Tôi không thích chỉ ngày đêm chơi bời kiểu này nữa. Nhưng mỗi khi đề cập đến chuyện này, Lếp luôn tỏ ra không bằng lòng với tôi. Cô ấy muốn tôi ở bên cô mãi mãi. Còn cô ấy sẽ cố gắng kiếm tiền gửi về cho gia đình tôi đều đặn hàng tháng. Lếp nói với tôi:

“Mày không được đi đâu hết. Vì mày đang là con nợ của tao. Nếu muốn bỏ đi thì phải kiếm đủ năm trăm man trả cho tao trước đã. Dù tiền tao đưa mày không nhiều đến như thế nhưng tao có quyền đòi mày bao nhiêu tùy thích”.

Tôi biết Lếp chỉ nói thế lúc bực chứ Lếp không hề muốn lấy lại tiền đã cho tôi. Lếp luôn nói:

“Nỉnh, mày phải ở với tao mãi mãi. Nếu mày muốn kiếm tiền mua nhà, tao sẽ giúp đỡ mày. Nhưng phải cho tao thêm chút thời gian”.

Tôi từng hỏi Lếp rằng tại sao lại tốt với tôi như vậy? Lếp nói rằng cô ấy chưa từng có một người bạn tốt và thân thiết như tôi, và cũng không muốn kết giao với quá nhiều bạn bè. Cô ấy chỉ muốn có một người hiểu cô ấy và Lếp cho rằng chỉ cần mình tôi là đủ. Cô ấy muốn được thân thiết với tôi như chị em ruột. Lếp từng nói với tôi:

“Mày có biết rằng tao yêu quý mày còn hơn cả mẹ tao không? Tại hồi xưa bà ấy vứt lại tao để rảnh rang đi lấy chồng khác. Bố cũng có vợ mới. Cả hai người cùng bỏ rơi tao. Tao không có sự lựa chọn nào khác. Không có ai dạy dỗ nên đời tao mới trở nên vất vưởng thế này, phải bán mình nuôi thân ở Pattaya vì không có tiền để đi học tiếp. Cho đến bây giờ, mặc dù không được đi học tiếp nhưng tao vẫn phải gửi tiền về cho em trai đi học. Nếu cả hai chị em cùng đi học thì chắc chắn sẽ không đủ tiền. Vì thế tao phải chịu nghỉ học để cho em được đi học. Khi mẹ tao từ Ả Rập trở về, thay vì việc hỏi tao có muốn học tiếp nữa không, mẹ sẽ giúp thì bà ấy lại rủ rê tao đi bán dâm ở Ả Rập. Mày thử nghĩ mà xem, bà ấy làm thế thì tao sẽ phải nghĩ như thế nào?”.

Nghe Lếp nói tôi cũng hiểu cô nhiều hơn, thầm nghĩ tôi không thể bỏ mặc cô ấy được. Với tư cách là một người bạn, Lếp cho tôi nhiều hơn hai chữ “bạn bè” đó rất nhiều, vì từ “bạn bè” phần lớn chỉ có nghĩa là cùng đi chơi, ăn uống với nhau. Đến khi gặp chuyện khó khăn thì thân ai người ấy lo, không thể cậy nhờ được nhau.

Lếp hỏi ý kiến tôi:

“Nỉnh, chúng ta có nên trốn đi nơi khác sinh sống không? Tao không muốn sống với lão chồng hờ này nữa rồi. Tao không biết sau này rồi sẽ ra sao nữa?”

Tôi hỏi Lếp:

“Nếu thế chúng ta đi đâu bây giờ?”.

“Đi Tokyo”.

“Nhưng chúng mình đâu có quen ai ở đó”.

Lếp bảo Tíc, bồ của Lếp, cũng sẽ đi cùng vì hắn ta có bạn ở Tokyo. Sau đó chúng tôi sẽ đi kiếm việc làm ở đó. Tôi hỏi Lếp:

“Mày chịu làm việc à?”.

Lếp trả lời:

“Phải chấp nhận làm việc thôi, nếu không làm sẽ không có tiền. Nhưng trước khi đi, tao sẽ ôm theo ít tiền vàng của tao và của lão chồng hờ nữa để có tiền tiêu pha trong thời gian đầu chưa có thu nhập. Sau đó chúng ta sẽ phải nhanh chóng kiếm việc làm”.

Sau khi bàn bạc xong, cả hai chúng tôi đến rủ Tukata và Tài cùng đi. Mọi người đều nhất trí vì ai cũng muốn chuyển đến Tokyo sống. Sau khi đã hẹn ngày giờ cụ thể, chúng tôi ai trở về nhà người ấy để thu dọn quần áo, tư trang. Lếp mở két sắt của chồng ra, trong đó có khoảng bốn mươi cây vàng và gần một nghìn man tiền mặt, tương đương gần hai triệu bạt. Nhưng Lếp chỉ lấy đi có năm trăm man. Lúc đó một bạt vàng[9]Thái ở Nhật có giá khoảng tám nghìn đến mười nghìn bạt. Tôi và Lếp rất hồi hộp. Vì đang ăn cắp nên chúng tôi thấy rất run, chỉ sợ bị tóm. Tôi, Tài và Lếp ở ga tàu điện chờ Tukata, chúng tôi sẽ đi Shinkansen đến Tokyo. Khi Tukata đến, chúng tôi mỗi người mang một va ly du lịch, cùng nhau khởi hành. Tôi vẫn nhớ, khi chỉ còn có mười lăm phút nữa là tàu vào bến, chúng tôi ai nấy đầu rất vui mừng và tưởng tượng tới đủ thứ chúng tôi sẽ làm ở Tokyo. Chúng tôi bàn với nhau sẽ làm gì trước tiên, sẽ tìm xem có người bạn nào ở Tokyo có thể giúp chúng tôi tìm việc làm. Trong lúc đang nghĩ ngợi đủ thứ, chỉ còn năm phút nữa là tàu vào bến, tôi đang đứng quay lưng lại với Lếp, còn Tukata và Tài thì đứng ở vị trí khác không xa lắm. Bỗng nhiên, Tukata kêu lên hốt hoảng:

“Lếp ơi! Chồng mày đang tới kìa!”.

[9] Một bạt vàng tương đương với bốn chỉ vàng ở Việt Nam

Chỉ nghe có thế, chúng tôi đều run lên vì sợ, đứng ngây ra không biết phải làm gì. Có lẽ phải chấp nhận nộp mạng cho bọn chúng vì không biết phải trốn vào đâu và chạy đi đâu trong đêm hôm khuya khoắt thế này. Lúc đó, Lếp đang ngồi trên ghế đá thì chồng cô ấy chạy đến, không nói một câu đạp thẳng vào người Lếp. Tôi nghe cô ấy gào lên vì đau đớn. Hắn chạy tới túm tóc, đánh Lếp không thương tiếc. Tôi vội chạy đến van xin hắn đừng đánh Lếp, nhưng hắn không quan tâm còn quay lại tát tôi rất đau. Hắn gọi thêm hai đứa khác, có lẽ là tay sai của hắn đến bắt chúng tôi lên xe của bọn chúng. Đúng lúc đang giằng co lộn xộn thì tàu vào bến nhưng chúng tôi không thể chạy lên đó được mà phải ngoan ngoãn chấp nhận lên xe của chúng. Tukata và Tài không bị đánh cái nào. Khi chúng tôi giằng co với đám người đó xung quanh có rất nhiều người đứng nhìn nhưng không ai dám giúp đỡ chúng tôi. Khi đã ngồi trong xe, Tài nói với chúng tôi:

“Bọn Yakuza hôm nay đều đeo găng trắng, có nghĩa là chúng ta sẽ phải chết. Đeo găng trắng là dấu hiệu bọn chúng chuẩn bị giết người và cũng là dấu hiệu cho thấy bọn chúng đang rất tức giận. Bọn chúng đang định giết chúng ta mà không để lại dấu vân tay. Hãy luôn ghi nhớ điều này, vì tao đã từng chạy trốn khỏi bị chúng giết một lần rồi, giờ lại bị tóm thêm lần nữa. Lần này không biết tao có thoát được không”.

Chúng tôi bảo với nhau rằng cho dù có thế nào thì chúng tôi chắc chắn sẽ không bao giờ bỏ mặc nhau.

Bọn chúng đưa chúng tôi đến một ngôi nhà, không phải ngôi nhà mà tôi và Lếp từng ở. Sau khi xuống xe, chúng đưa bọn tôi vào nhà và nói với chúng tôi:

“Nếu bọn mày muốn quay về Thái, thì chỉ có thể mang được xương về thôi”.

Rồi hắn quay sang hỏi Lếp:

“Sao mày hành động như thế?”.

Lếp trả lời:

“Tao đã quá chán khi phải ở với lũ Yakuza chúng mày rồi”.

Hắn hỏi tiếp:

“Tại sao? Trong khi tao chu cấp cho mày đầy đủ mọi thứ. Tiền bạc mày cần bao nhiêu tao cũng cấp cho đủ cả. Tại sao mày lại đối xử với tao như vậy?”.

Sau đó, bọn chúng chuẩn bị kim tiêm thuốc độc cho chúng tôi. May thay, khi đang chuẩn bị ra tay thì tự nhiên hắn có điện thoại. Sau khi ra ngoài nói chuyện điện thoại xong, hắn quay vào bảo bọn đàn em trông chừng bốn đứa chúng tôi cẩn thận, không để chúng tôi trốn thoát. Hắn đi có chút việc rồi sẽ quay về ngay. Hắn còn dặn đi dặn lại bọn đàn em không để được để chúng tôi trốn thoát, nếu không bọn chúng sẽ phải chết thay. Bọn đàn em lễ phép cúi rạp đầu nhận chỉ thị của đàn anh và hứa sẽ canh chừng chúng tôi cẩn thận. Sau đó, hắn bỏ ra ngoài, lên xe đi đâu không rõ.

Bọn đàn em của hắn cũng vào trong ngồi cùng chúng tôi. Chúng cấm không cho chúng tôi nói chuyện to. Tôi biết ngôi nhà mà chúng tôi bị giam giữ tầng trên có rất nhiều nam giới đều là người Thái. Bọn họ là lao động chân tay đến làm việc ở Nhật. Bọn họ đã xuống ngó xem vì nghe thấy tiếng khóc lóc van xin của chúng tôi khi bị đánh, nhưng họ không thể giúp gì cho chúng tôi được. Chỉ nghe có người nói:

“Bọn anh không thể giúp gì cho các em được vì bọn chúng đều là đầu gấu. Thật sự xin lỗi các em”.

Chúng tôi không trách gì họ, vì hiểu rằng bọn họ không thể can thiệp vào chuyện này. Đến cả cảnh sát cũng không thể giúp gì được cho chúng tôi nữa là dân thường. Tôi nói với ba người còn lại rằng cần phải tìm cách trốn khỏi đây, không thể ngồi chờ bọn chúng đến tiêm thuốc độc được. Đằng nào cũng chết, chẳng thà cứ trốn đi may ra có cơ hội sống sót, còn hơn cứ ngồi chờ chết.

Hôm đó, thời tiết rất lạnh, lại có tuyết rơi rất dày. Chúng tôi lập mưu, xin bọn chúng vào nhà vệ sinh để tìm xem có chỗ nào có thể trốn ra ngoài được không. Nhưng bọn chúng ép cả bốn đứa chúng tôi phải vào nhà vệ sinh một lượt. Bọn tôi thầm nghĩ vậy cũng tốt, chúng tôi càng có cơ hội chạy trốn cùng nhau. Nhưng khi đã vào đến nhà vệ sinh, chúng tôi thất vọng nhận ra không có đường nào có thể chạy thoát đành ngậm ngùi nghĩ cách khác. Thời gian trôi qua được khoảng một tiếng, chúng tôi đã phát hiện ra lối có thể thoát khỏi căn phòng đang bị nhốt. Căn phòng này có một cái cửa sổ bằng kính giống loại kính chớp. Chúng tôi kéo từng tấm kính ra cho đến khi hở hẳn một khoảng trống đủ để người chui lọt qua được. Tôi nói với mọi người rằng, không nên mang gì theo ngoài tiền và hộ chiếu. Không cân phải tiếc bất cứ thứ gì, vứt hết đi nếu không chúng ta sẽ không thể trốn thoát. Mọi người đều làm theo lời tôi nói. Chúng tôi chui ra ngoài bằng cách trèo qua cái cửa sổ đó. Nó không cao lắm nên cũng không phải mất quá nhiều sức để trèo. Ra đến bên ngoài, chúng tôi nhận thấy đằng sau ngôi nhà là một khu vườn trồng rau. Mặt đất rất ẩm ướt. Chúng tôi phải lội qua lớp bùn nhầy nhụa, dính như keo mới có thể ra được đến đường cái để vẫy xe. Lúc đó tôi cảm thấy rất hồi hộp, lo sợ sẽ bị bọn chúng bắt lại. Nếu bị bắt, rất có thể bọn chúng sẽ không tiêm thuốc mà bắn chết chúng tôi ngay lập tức.

Tôi và các bạn đưa nhau chạy ra một con đường lớn mới mở. Tình cờ gặp một chiếc xe taxi đang chạy qua, chúng tôi vẫy xe, xin tài xế đưa chúng tôi ra khỏi nơi này. Người tài xế nhìn chúng tôi chắc cũng đoán được chúng tôi đang chạy trốn ai đó nên có lẽ anh ta cũng sợ bị liên lụy, dù vậy vẫn chở chúng tôi ra khỏi đó. Khi xe chạy được một đoạn không xa lắm, tôi thấy anh ta dùng bộ đàm thường dùng trên xe taxi, nói cái gì đó với ai cũng không rõ. Tài nghe hiểu nên dịch lại cho chúng tôi biết rằng anh ta đang báo cáo với một ai đó về bốn cô gái Thái đang chạy trốn. Tôi liền bảo anh tài xế dừng xe và nói với anh ta chúng tôi sẽ tìm cách tự đi với nhau. Anh ta cũng chịu dừng xe. Ban đầu, chúng tôi dự định sẽ ngồi taxi đến tận Tokyo. Nhưng để đến được đó chắc chắn phải mất khá nhiều thời gian. Tiền taxi chắc cũng không hề rẻ. Và quan trọng là rất có thể chồng của Lếp sẽ dùng cách chặn ngang đường bắt chúng tôi. Vì thế, chúng tôi đành phải vẫy một chiếc xe riêng bất kỳ chạy qua, xin họ cho đi nhờ đến ga tàu điện nào đó gần nhất, miễn là không phải ga Matsumoto mà đêm qua chúng tôi đã đến. Rất may, cũng có người tốt bụng chịu chở chúng tôi. Chúng tôi muốn anh tra đưa đến ga tàu điện gần nhất, nhưng người lái xe có ý định bắt chúng tôi nộp cho cảnh sát. Vì lý do gì thì không ai biết. Tôi vội bảo anh ta dừng xe lại rồi xuống xe. Chúng tôi không thể để cảnh sát bắt vì tất cả đều không có hộ chiếu và quan trọng là mọi người đều muốn ở lại kiếm tiền chứ chưa muốn quay về Thái Lan. Đêm đó, cả lũ chúng tôi nhìn ai cũng lếch thếch, khổ sở, giày dép dính đầy bùn đất, lại còn phải đổi xe nhiều lần. May mắn thay, cuối cùng cũng trốn thoát đến một ga tàu điện. Tại ga, chúng tôi chỉ dám mua vé đến tỉnh kế tiếp mà thôi.

Chúng tôi không dám mua vé tàu chạy thẳng đến Tokyo vì sợ chồng Lếp sẽ chặn bắt chúng tôi tại ga tàu lần nữa. Vì thế chúng tôi đã xuống tàu ngay ở trạm tiếp theo. Sau đó lại ngồi taxi đến một ga tàu khác để đổi chuyến tàu khác vào Tokyo. Lúc đó thật là vất vả nhưng may là Lếp mang theo người khá nhiều vàng và tiền nên cuối cùng cũng trốn được đến Tokyo. Ai nấy đều hớn hở, vui mừng vì nghĩ rằng như thế là đã thoát chết. Chúng tôi xuống ga Ueno, ga xe lửa cuối cùng rồi đi tìm một quán cơm để ăn. Vì không ai có bạn bè hay người quen ở Tokyo cả nên chúng tôi ngồi bàn bạc với nhau xem sẽ làm gì tiếp theo. Trong lúc đang ngồi thảo luận bằng tiếng Thái thì có một anh chàng đến ngó qua mặt chúng tôi và hỏi: “Các cô là người Thái à?”.

Chúng tôi vô cùng vui mừng vì gặp được người Thái. Chúng tôi nói chuyện với anh rồi nhờ anh giúp đỡ, kiếm việc làm hoặc tìm nhà. Anh nhận lời giúp, nhưng đêm nay chúng tôi phải tìm một khách sạn ngủ tạm trước vì phòng trọ của anh là phòng trọ của nhân viên, không thể đưa người ngoài đến ngủ được. Chúng tôi đành phải tìm thuê phòng trong khách sạn để ngủ qua đêm chờ đến sáng. Sáng hôm sau, anh chàng đó đưa chúng tôi đến gặp một người đàn ông khác, cũng là người Thái. Sau khi đã làm quen, người đàn ông đó đưa chúng tôi đi tìm việc làm. Bốn người chúng tôi được làm việc trong một quán karaoke nằm trong khu phố Shinjuku thuộc quận Kabukicho (khu đèn đỏ ở Tokyo). Đó là một quán karaoke bình thường, ở đó có rất nhiều các cô gái Thái khác cùng làm việc cho một má mì người Đài Loan, đồng thời là chủ quán.

Khi cả bốn chúng tôi đã được nhận vào quán làm việc, má mì nói có phòng trọ cho chúng tôi ở cùng nhau nhưng phải đóng tiền thuê phòng theo đầu người, mỗi người năm man. Chúng tôi cũng vui vẻ đồng ý. Có một chuyện khiến tôi có cảm giác, đất nước Nhật Bản này thật là bé nhỏ, không rộng lớn như tôi từng nghĩ đó là tôi vô tình gặp lại Mèm, người yêu của anh Tùn, người đã đưa tôi qua Nhật. Trông thấy tôi, Mèm nhảy lên vì vui sướng. Tôi hỏi cô ấy sao lại đến đây vì nghĩ chắc chúng tôi khó lòng có thể gặp lại nhau. Mèm kể lại anh Tùn là người đưa cô sang Nhật. Cô ấy cũng được đưa đến ở ngôi nhà trên đường Ladprao như bảy người chúng tôi, rồi cũng phải sang Malaysia và ở lại đó. Cô ấy cũng trải qua mọi qua mọi việc y như những gì mà bảy người chúng tôi đã từng trải qua. Khi đến Nhật cũng được đến ở với chị Tíc, người từng là bà chủ của cả bảy đứa chúng tôi. Hiện tại, Mèm đến làm việc trong quán này vì chị Tíc không bán cô cho người khác. Chị Tíc chính là má mì của Mèm nhưng lại gửi Mèm làm việc trong quán của người khác. Mèm đã làm việc với bà má mì người Đài Loan này được khoảng một tháng rồi. Hàng tuần, chị Tíc sẽ đến đây thu tiền công làm việc của Mèm để trừ vào tiền nợ mà cô ấy phải trả. Mèm nói hầu như ngày nào cô cũng có khách, có ngày đến hai lượt khách. Mỗi đêm cũng kiếm được cả chục nghìn bạt. Hiện tại cô ấy đã trả được khoảng một nửa số nợ rồi. Tôi liền giới thiệu để Lếp, Tukata và Tài làm quen với Mèm. Cả năm người chúng tôi ở cùng trong một ngôi nhà. Sáng hôm sau, chúng tôi đều có khách đến đón đi làm và đều phải tự mình đi bộ về nhà trọ. Trước đó mọi người đều đã tìm hiểu kỹ đường đi lối lại rồi nên tôi tin mọi người không thể đi lạc đường hay không thể tìm được đường về nhà. Nhưng đến tối muộn, khi tất cả mọi người đều đã trở về phòng trọ rồi mà vẫn không thấy Tài trở về. Ba ngày ba đêm trôi qua, cũng không thấy bóng dáng cô ấy đâu. Lúc đó tôi nghĩ chắc Tài đã bỏ trốn, vì chị Tíc vẫn đến quán này thu tiền của Mèm và biết đâu sẽ gặp Tài trong khi cô ấy lại đang trốn nợ chị Tíc. Tất cả chúng tôi đều hiểu và thông cảm cho suy nghĩ của Tài. Tôi nghĩ rằng người như Tài chắc chắn sẽ có thể tự chăm sóc được cho bản thân. Thi thoảng khi nghĩ đến cô ấy, tôi lại lo sợ, có khi cô ấy đã bị khách giết chết trong khách sạn rồi cũng nên. Tôi nghe ngóng tin tức nhiều ngày nhưng không tin nào liên quan đến việc có người Thái Lan bị giết chết ở Nhật Bản. Vì thế, tôi tin rằng cô ấy vẫn còn sống. Sau ngày đó, Tài không liên lạc với chúng tôi nữa.

Bốn đứa chúng tôi sống với nhau khá hòa thuận, vui vẻ. Hầu như đêm nào chúng tôi cũng có khách nên càng có tiền tiêu pha thoải mái. Ai thích gì thì mua nấy một cách dễ dàng. Lúc đó chúng tôi thấy việc kiếm tiền quá đơn giản. Nếu hôm nay tự nhiên muốn mua một chiếc túi xách hàng hiệu đắt tiền thì chỉ cần làm việc ba, bốn ngày sau là có thể mua được, hoặc có thể mượn tiền của bạn mua trước rồi từ từ kiếm tiền trả lại sau. Chuyện vay tiền của bạn tiêu với chúng tôi là điều hết sức đơn giản. Đứa nào cũng có thể mua một chiếc túi xách thương hiệu Louis Vuitton, có đứa còn mua cả bộ, giá hàng trăm nghìn bạt cũng không thành vấn đề. Chúng tôi mua dần dần. từng chiếc một, không đến một tháng là đủ bộ sưu tập. Khi mua vàng, nếu mua lắt nhắt từng chỉ một thì lại thấy không hả dạ nên nói chúng tôi đeo cả ki-lô vàng trên người cũng không sai, có nghĩa là đeo liền một lúc từ bốn, năm dây trở lên, nhìn vào không khác gì bọn phường chèo hay mấy cái tủ vàng di động. Không phải chỉ có bốn đứa chúng tôi có cái kiểu đeo vàng như thế mà là tất cả phụ nữ Thái Lan ở Nhật Bản ai cũng như vậy. Trông có vẻ lố, nhưng vì tiền ở đây kiếm quá dễ dàng. Với lại, dù có đi đâu lúc đêm khuya trong các ngõ vắng cũng không có chuyện trộm cướp rình rập vì ở Nhật Bản an ninh rất tốt, không có trộm cướp, móc túi nhan nhản như ở Thái Lan. Ai muốn đeo vàng, đeo kim cương to cỡ nào cũng cứ thoải mái mà đeo, lúc nào cũng an toàn. Có lẽ vì thế mà đất nước họ mới có thể phát triển và không có sự phân hóa giàu nghèo quá lớn. Bọn họ luôn ở vị thế công bằng. Tôi nghĩ có khi họ còn chẳng biết đến từ “kẻ giàu”, “người nghèo” nữa cơ. Nếu có người nghèo thì chắc cũng có ít đến mức không thể ít hơn được nữa. Không giống như ở Thái Lan, xã hội phân hóa thành nhiều tầng lớp. Thế nào nhỉ? Tôi nghĩ trước sau gì, ai rồi cũng phải chết. Tôi không hiểu sao người ta phải ganh đua ghen ghét nhau làm gì cho mệt. Người giàu có cỡ nào rồi cũng vẫn cứ phải chết, mà chết đi rồi cũng có mang theo được cái gì đâu.

Hàng ngày, khi trở về phòng trọ, chúng tôi giúp nhau làm thức ăn, lau dọn nhà cửa. Có sự phân công rõ ràng ai là người giặt quần áo, nấu cơm, ai là người lau nhà, rửa bát. Tôi được giao nhiệm vụ nấu ăn cho cả phòng. Món ăn chính hàng ngày của chúng tôi thường bao gồm nộm Thái, bún và nước dùng. Chúng tôi thích ghép đôi để chơi với nhau. Mặc dù cả bốn chúng tôi đều cùng sống trong một phòng nhưng chắc chắn sự thân thiết sẽ không giống nhau. Mỗi người thường chỉ tâm sự riêng với một ai đó. Tôi thân với Lếp hơn cả, còn Tukata thân với Mèm, đi đâu cũng có nhau. Lếp may mắn hơn mọi người vì còn nhiều tiền vàng mang theo khi bỏ trốn, cũng chính vì thế mà cô ấy rất ít làm việc. Cô ấy bán vàng lấy tiền tiêu và tiêu tiền rất giỏi, thích gì là phải mua cho bằng được. Hôm nào gặp khách mặt mũi ưa nhìn thì cô ấy mới chịu đi làm việc. Dù khách trả tiền công không cao cô ấy cũng vẫn vui vẻ làm. Chúng tôi ở Shinjuku một thời gian thì bắt đầu tìm đếm các quán bar Hosto, quán bar của bọn đàn ông Thái sang phục vụ các bà khách.

Chúng tôi bắt đầu lười làm việc, không chịu tiếp khách, chỉ lo chơi bời. Nếu có khách quan trọng, không thể từ chối thì chúng tôi mới đi nhưng chỉ đi theo giờ hoặc đi khi đã thật sự không còn tiền tiêu. Nếu phải qua đêm với khách, chúng tôi thường trốn về lúc nửa đêm khi khách đã ngủ say để kịp đến các quán bar Hosto chơi, thông thường là vào khoảng thời gian từ hai đến sáu giờ sáng. Hầu như đêm nào chúng tôi cũng đi chơi như vậy. Riêng tôi không mê mẩn đàn ông lắm. Tôi chỉ đi chơi cùng Lếp vì cô ấy muốn thế. Ngược lại, Lếp và Tukata rất mê mẩn lũ đàn ông trong đó. Còn Mèm, tôi thấy cô ấy cũng không hám trai cho lắm. Cô ấy thích rượu hơn thích đàn ông. Nếu có rượu, cô nàng có thể ngồi uống từ sáng đến tối được.

Cuối cùng, Lếp đã có thể liên lạc với gã bồ người Thái của mình. Hắn theo cô ấy đến tận Tokyo ở cùng. Thời gian đầu cả hai còn ở riêng mỗi người một nhà. Nhưng một thời gian sau, Lếp nói với tôi rằng cô ấy muốn dọn đến ở cùng người yêu. Tôi bèn ngăn cản:

“Không được, mày không thể bỏ mặc tao thế được”.

Nhưng Lếp vẫn cố tình đi cho bằng được, nói thế nào cũng không chịu nghe. Thời gian đầu Lếp đến ngủ cùng hắn ta hai, ba đêm mới về phòng một lần. Nhưng khi về, mọi người trong phòng lại không thích nói chuyện với Lếp vì giận Lếp bỏ theo trai. Nếu Lếp đi ngủ với khách hoặc được khách nuôi thì chúng tôi sẽ không bao giờ ngăn cản cô. Nhưng đằng này, cô ấy lại phải chu cấp tiền cho bồ vì hắn biết tiền bạc mà Lếp mang theo vẫn chưa tiêu hết. Cuối cùng Lếp thu dọn đồ đạc đến ở hẳn với hắn ta. Ngày Lếp chuyển đi, tôi và cô ấy đã cãi nhau to tiếng, đến mức cắt hết tình bạn bè và không muốn nhìn mặt nhau nữa. Tôi thấy rất khổ tâm và đau lòng khi phải mất một người bạn tốt như Lếp chỉ vì một tên đàn ông. Tôi sợ Lếp sẽ bị hắn lừa hết tiền bạc cho đến khi cô ấy chẳng còn gì và phải quay lại làm nghề cũ.

Thế là phòng của chúng tôi chỉ còn lại có ba người. Tukata và Mèm thường hay cãi nhau, vì hai người đó bằng tuổi nên không ai chịu nhường ai. Vì thế, tôi phải chơi thân với cả Mèm và Tukata. Nếu hai người không nói chuyện với nhau, tôi sẽ phải cố gắng giảng hòa nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Tukata kết thân với một người bạn mới vào làm việc trong quán. Bạn mới của Tukata là hai chị em ruột, tên là Nừng và Bi. Cả tôi và Mèm cũng biết hai chị em họ. Nừng và Bi kể cho chúng tôi biết, bố họ là gay, quen biết nhiều người nổi tiếng trong làng giải trí Thái Lan. Chính ông là người đã đưa họ sang Nhật Bản làm việc. Hai người nói với chúng tôi rằng, khi còn ở Thái Lan, cả hai đều nghiện thuốc phiện. Bố họ từng cố gắng đưa cả hai đến trại cai nghiện một lần và đã cai nghiện thành công, nhưng khi trở về nhà lại tái nghiện và ngày càng trở nên nghiện nặng hơn trước. Họ dính vào đủ loại thuốc gây nghiện, từ heroin cho đến ma túy nên mắc chứng kiết lỵ nặng, nhiều lần tưởng không qua khỏi. Hai người phải làm việc hoặc bán thân, hoặc làm cò mồi cho gái bán dâm để có tiền hút thuốc phiện. Bố họ sợ hai người có ngày sẽ bị đi tù, nếu không có thể sẽ chết vì thuốc phiện nên đưa cả hai sang Nhật. Hoàn cảnh của họ cũng giống như Mèm nhưng hai chị em may mắn hơn khi có người đến trả tiền chuộc. Hai chị em đều trở thành vợ hờ của một tay Yakuza. Nhưng họ cũng không mấy quan tâm cho dù người ngoài có nhìn họ thế nào đi chăng nữa. Họ nói với tôi:

“Miễn sao móc tiền của lão càng nhiều càng tốt. Cả hai chị em cùng giúp nhau moi tiền lão lại càng hay”.

Đặc biệt, lão chồng hờ của họ cũng không phản đối việc cả hai thỉnh thoảng ra ngoài làm thêm vì bản thân hắn ta cũng đã có vợ. Ngày nào hắn đến tìm thì chị em họ phải ở nhà, không được phép ra ngoài hay đi làm.

Tukata ngày càng trở nên thân thiết với chị em họ nhưng cô ấy vẫn chơi thân với tôi như cũ. Tukata thường rủ Nừng và Bi đi bar Hosto với cô ấy nên bọn họ càng hợp nhau hơn. Thời gian sau này, tôi ít đến bar Hosto với Tukata. Mèm thân thiết với tôi hơn, đi đâu cũng đi cùng nhau, tôi nói gì cô ấy cũng nghe theo. Mèm chưa từng làm trái ý tôi, ngay cả việc muốn tôi đi chơi bạc ở nhà bạn. Nặng hơn, tôi thường xuyên lui tới các sòng bạc, Mèm luôn luôn đi cùng tôi. Mèm chưa từng ngồi chơi cùng nhưng lần nào cũng đến nằm ngủ trong sòng bạc chờ tôi. Nếu tôi thua bạc, Mèm sẽ ném tiền cho tôi chơi tiếp cho đến khi thua hết sạch tiền rồi mới chịu về nhà. Cho dù thế nào, Mèm cũng sẽ chiều ý tôi. Cô ấy chưa từng ngăn cản hay ca thán bất cứ điều gì. Tôi giống một đứa bạn tồi, chỉ biết lấy tiền của cô ấy tiêu. Nhưng Mèm vẫn không hề có một lời phật ý. Mèm nói với tôi:

“Nếu thích thì cứ chơi cho đã. Khi nào chán, muốn dừng thì dừng”.

Đó là câu nói vô cùng ấn tượng. Chính câu nói ấy đã kéo tôi ra khỏi con ma cờ bạc một thời gian khá dài.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.