11 Lối Tư Duy Thay Đổi Cách Nhìn Và Sáng Tạo Tương Lai
Chương 2: KINH TẾ HỌC
Từ quốc gia dân tộc sang các lãnh thổ kinh tế
Đường biên giới kinh tế thế giới không vẽ qua các nước mà bao quanh các lĩnh vực kinh tế. Trên con đường kép – toàn cầu hóa và phi tập trung hóa, các mảnh ghép kinh tế của tương lai đang được sắp xếp theo một phương thức mới. Không phải cái gì được sản xuất bởi một nước hoặc tại một nước mà là việc sản xuất trong các lĩnh vực kinh tế toàn cầu được đo bởi tổng sản phẩm của các lĩnh vực sẽ đóng vai trò quan trọng. Thị trường toàn cầu đòi hỏi sự chia sẻ tài năng trên toàn cầu. Kết quả là tùy biến tài năng đồng loạt và giáo dục là các ưu tiên kinh tế số một của tất cả các nước.
Chúng ta cần điều chỉnh và diễn đạt chính xác hơn hiểu biết của mình về các mối quan hệ tương hỗ trong kinh tế. Trên con đường kép, những gì chúng ta đang chứng kiến không phải là sự toàn cầu hóa của các nước mà của các hoạt động kinh tế. Nhưng chúng ta vẫn duy trì câu chuyện hư cấu là nền kinh tế toàn cầu bao gồm các hoạt động kinh tế (GDP) chỉ đơn thuần nằm bên trong 243 nước và tổng các hoạt động đó cho biết quy mô kinh tế toàn cầu.
Khi nói về GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) của một nước, chúng ta nói tới tổng số hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong biên giới một nước mà không tính tới xuất xứ quốc tịch của các công ty đóng góp. Do đó, nhà máy Hyundai 1 tỷ đô la mới mở gần đây tại Mississippi sản xuất ô tô sẽ được tính là một phần của GDP nước Mỹ, không phải phần GDP của Hàn Quốc. GDP của mỗi nước được coi là một hệ thống khép kín và sau đó người ta thông báo “nền kinh tế” của nước đó tăng 2,1% hay giảm 1,6%. Tính xác thực của các con số này giống như một truyện cười vậy.
Các con số, tỷ số của trận đấu phát triển kinh tế, sẽ không đem đến một kết quả có ý nghĩa cho một người hay một công ty tại bất kỳ quốc gia nào.
Biên giới kinh tế và các con số kinh tế đúng nghĩa nên được vẽ quanh các hoạt động kinh tế toàn cầu – ví dụ ngành sản xuất và phân phối ô tô vốn liên quan tới hầu hết các nước trên thế giới – hơn là quanh các nước, vì mỗi nước chỉ tham gia vào các mảnh nhỏ của hoạt động kinh tế toàn cầu.
Tôi gọi các khu vực hoạt động kinh tế cụ thể là các lĩnh vực kinh tế như: ô tô, dược phẩm, dịch vụ tài chính, du lịch…
Nước Đức, với tư cách một quốc gia, có tỷ lệ tăng trưởng thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao, xấp xỉ 10%, nhưng nhiều công ty Đức lại có quy mô toàn cầu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như BMW, Siemens và Adidas, vẫn đang hoạt động rất tốt. Xuất khẩu của các công ty tăng hơn 7% trong năm 2005.
Đo kinh tế thế giới bằng cách theo dõi các hoạt động kinh tế và không tính đến các đường biên giới quốc gia không có nghĩa là các nước sẽ không được nhìn nhận như các quốc gia. Trong nền kinh tế toàn cầu, các quốc gia sẽ ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, đồng thời lại tăng cường khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi sẽ viết về chủ đề này ở cuối chương. Nhưng trong khi thu thập các mảnh ghép cho bức tranh kinh tế thế giới mới, trọng tâm sẽ là những gì đang diễn ra tại các lĩnh vực kinh tế chứ không phải những gì đang diễn ra tại các quốc gia. Tôi không nói về chủ đề chính trị được bàn trong thập kỷ 1970 và 1980, theo đó “các tập đoàn đa quốc gia” sắp thống trị thế giới, mà tôi nói về việc các hoạt động kinh tế với mọi thể loại đang thay các hoạt động địa chính trị chiếm lĩnh thế giới.
QUỐC GIA KHÔNG TẠO NÊN NỀN KINH TẾ
Những năm gần đây, khi trải qua quá trình toàn cầu hóa, chúng ta bắt đầu nói về các quốc gia bằng thuật ngữ kinh tế: nước Mỹ với sức mạnh kinh tế hàng đầu thế giới; Nhật Bản, ngôi sao kinh tế đang mờ nhạt; Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong giai đoạn không tăng trưởng. Chúng ta không băn khoăn điều gì sẽ xảy đến với nước Đức mà hỏi điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế Đức. Chúng ta nói tới các động lực lớn của nền kinh tế Trung Quốc – và dự đoán khi nào kinh tế Trung Quốc sẽ “vượt” kinh tế Mỹ. Khi nào Brazil sẽ trở thành cường quốc kinh tế với tiềm năng của nó? Và khi nào Nga có được nền kinh tế thị trường tự do?
Những điều này, tất nhiên, vừa không đủ vừa vô nghĩa, vì các quốc gia không tạo ra các nền kinh tế. Chính các doanh nhân và công ty mới tạo ra và hồi sinh các nền kinh tế. Chính phủ nên đóng vai trò tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nhân và doanh nghiệp phát triển, chứ không phải ngáng trở sự phát triển kinh tế. (Hầu hết các chính phủ đều nghĩ vai trò của mình là tạo ra các quy định và luật lệ. Microsoft hay Google đã không bao giờ có thể phát triển tại Pháp. Và hiện nay trong EU, các luật lệ và thói quan liêu đang được Brussels chuyển giao và phóng đại). Sự định vị lại vai trò của chính phủ hiện nay nằm sâu trong yếu tố sinh thái của một thị trường toàn cầu.
KHAI THÁC CƠ HỘI TRONG CÁC LÃNH THỔ KINH TẾ
Khi một người Mỹ hoặc Đức hỏi: “Tình hình kinh tế nước tôi hiện ra sao?” thì mối quan tâm thật sự là: “Ngành du lịch đang làm ăn ra sao?” hoặc “Ngành công nghiệp ô tô hiện thế nào?”
Với một người công nhân làm việc cho Fiat tại Lyon, hoặc cho Ford tại Detroit, mối quan tâm là Fiat hoặc Ford đang hoạt động ra sao chứ không phải Pháp hay Mỹ đang trong tình trạng thế nào. Giờ đây giống như Ford, Fiat là một doanh nghiệp toàn cầu. Fiat cùng Ford là một phần của ngành hoặc lĩnh vực ô tô khổng lồ trên toàn cầu; tất cả các công ty – sản xuất khung, động cơ, ắc quy, kính, phân phối –có quan hệ kết nối lẫn nhau. Với tư cách là một hiện tượng kinh tế toàn cầu, lĩnh vực ô tô rõ ràng hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào. Biết tình hình của một lĩnh vực kinh tế dễ dàng hơn nhiều so với việc tìm hiểu Đức hay Pháp đang làm ăn ra sao hoặc nền kinh tế thế giới đang hoạt động thế nào.
Nếu tập trung vào kết quả trận đấu, chúng ta phải biết đang chơi môn gì và chúng ta đang tìm tỷ số của đội nào. GDP ngày nay là GNP (tổng sản phẩm quốc gia) trước đây; chỉ số GNP này là tổng tất cả những gì được sản xuất, ví dụ, tại Đức, cộng với tất cả những gì các công ty của Đức sản xuất ở những nước khác. (GNP = tổng thu nhập của một nước từ các hàng hóa và dịch vụ được nước đó sản xuất trong một năm.)
Khi toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế gia tăng, chỉ số này trở nên quá phức tạp, vì thế khoảng 15 năm trước, GNP đã bị phòng thương mại của hầu hết các quốc gia xóa bỏ và thay bằng GDP. (GDP = giá trị tiền tệ của tất cả các hàng hóa và dịch vụ sản xuất tại một nước trong một năm). GDP chỉ tính đến sản phẩm và dịch vụ được tạo ra trong phạm vi biên giới một nước dù một doanh nghiệp có quốc tịch gì. Hoạt động của các công ty Mỹ đã trở nên quá tích hợp với phần còn lại của thế giới đến nỗi có thể nói không tồn tại cái gọi là nền kinh tế Mỹ.
Sau cùng, điều duy nhất quan trọng là GWP – Tổng sản phẩm thế giới. Cách duy nhất để hiểu và đánh giá nền kinh tế toàn cầu là kiểm tra tổng sản phẩm các lĩnh vực kinh tế riêng biệt – một chỉ số GDP mới, nhưng dành cho tất cả các lĩnh vực.
Nước Đức với tư cách một thực thể địa lý và chính trị không tạo ra nền kinh tế Đức. Nền kinh tế Đức là do các công ty và doanh nhân Đức tạo ra và rất nhiều trong số họ là một phần của các lĩnh vực kinh tế rộng lớn hơn – khu vực kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế châu Âu ra đời không nhờ EU về mặt địa chính trị mà nhờ các công ty tại châu Âu, trong đó một số có liên kết với các công ty khác trên toàn thế giới. Vì vậy, khi chúng ta nghĩ và nói về một nền kinh tế Đức là một sai lầm về mặt khái niệm. Giờ đây không tồn tại khái niệm một nền kinh tế Đức – trừ phi bạn tùy tiện tính đến những yếu tố vật chất trong khuôn khổ đường biên giới của nước này và tuyên bố rằng đó chính là nền kinh tế Đức. Nền kinh tế Đức cũng đã tích hợp với phần còn lại của thế giới và chúng ta khó có thể phân biệt cái gì là “Đức” và cái gì không phải là “Đức”.
Hàng triệu các công ty nhỏ, đến lượt mình, lại là một phần của những lĩnh vực kinh tế rộng hơn, cũng giống như các thành phố và thị trấn là một phần của các quốc gia. Và khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế toàn cầu là các cá nhân kinh doanh trên Internet.
Các doanh nhân trên thế giới đang tìm kiếm và tận dụng tối đa các cơ hội kinh doanh toàn cầu, thay vì mắc kẹt trong các vấn đề khu vực. Một trăm năm trước đây, Hoàng đế và hoàng gia Áo chỉ có thể thưởng thức hương vị sô-cô-la yêu thích, do một hiệu làm bánh tuyệt hảo ở vùng Alps sản xuất, khi ông tới cung điện mùa hè tại Bad Ischi. Ngày nay, qua Internet, cũng loại sô-cô-la đó có thể được chào bán và phân phối tới những người sành ăn trên khắp toàn cầu. Các họa sỹ Việt Nam cũng có thể bán tranh qua Internet. Một công ty dao tại Vienna liệt kê danh sách sản phẩm trên Internet và dùng DHL hoặc FedEx làm hệ thống phân phối. Một doanh nhân tại California lập trang web 1daybanner.com và đảm bảo khách hàng trên toàn thế giới sẽ có biểu ngữ mọi kích thước chỉ một ngày sau khi xác nhận đơn hàng – đột phá tuyệt vời cho những người biểu tình tại những nơi thiếu người làm biểu ngữ. eBay, một trong những công ty toàn cầu lớn nhất, đã tạo ra một mạng lưới mua và bán toàn cầu khổng lồ, hiện đang kiếm được hơn 10 tỷ đô-la mỗi năm. Trong trường hợp của chính bản thân tôi, với các hợp đồng xuất bản sách và phát biểu, tôi đã hoạt động hàng năm trời tại hơn 50 quốc gia trong lĩnh vực toàn cầu của mình với chỉ một vài đồng sự. Mô hình này đơn giản và đã tồn tại khá lâu, nhưng với sự hỗ trợ của công nghệ, đang trở nên ngày càng quan trọng hơn. Tất cả chúng ta đều là một phần của lĩnh vực kinh tế lớn hơn – xuất bản, thực phẩm, đấu giá…
Đầu thập niên 1980, tại thành phố Quebec, (Canada) – thành phố không có truyền thống xiếc, một nhóm người trẻ tuổi đầy tham vọng đi cà kheo, nuốt lửa và tung hứng đã thành lập Câu lạc bộ giày cao gót. Trong quá trình phát triển chương trình, họ quyết định mở một lễ hội để trao đổi ý tưởng và tài năng với các nhóm khác. Năm 1984, nhóm xiếc Mặt trời ra đời. Mục tiêu của họ là vượt qua các quy tắc truyền thống và thách thức các giới hạn. Nhóm đã lập lại gánh xiếc cũ bằng cách biểu diễn một thế giới trong mơ, một giấc mơ có thể chia sẻ trên toàn thế giới. Nhóm đã đạt được thành công vang dội trên toàn cầu và hiện nay doanh thu là 2 tỷ đô-la, một con số ấn tượng đối với lĩnh vực giải trí.
Các doanh nhân tại đất nước Phần Lan nhỏ bé đã tạo ra Nokia ngày nay. Trọng tâm là lĩnh vực điện thoại di động toàn cầu và nhận thức về tầm quan trọng của thiết kế tuyệt hảo đã giúp họ chinh phục thế giới.
Một số người tham gia đang gieo hạt giống vào thị trường theo những cách khá sáng tạo. Một số sinh viên tại thị trấn miền biển Arhus, Đan Mạch tình nguyện tham gia chương trình làm tăng dân số thế giới. Mỗi ngày, hàng chục các nam sinh viên đến Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn Tinh trùng Quốc tế Cryos, ngân hàng tinh trùng lớn nhất thế giới, để ký thác vô danh. Cryos chuyển tinh trùng đông lạnh tới khách hàng trên hơn 40 quốc gia. Tính đến nay, một sinh viên có tinh trùng được gửi tới các nước đã sinh được hơn 100 đứa trẻ.
Tính trên toàn cầu, chúng ta có một tập hợp khổng lồ các lĩnh vực kinh tế không đếm xuể; việc cần làm không phải là tìm cách biết nền kinh tế toàn cầu hay nền kinh tế quốc gia đang ở tình trạng nào mà cần tìm hiểu điều gì đang diễn ra trong bản thân mỗi lĩnh vực kinh tế.
THẾ GIỚI KINH TẾ GIỐNG THẾ GIỚI THỂ THAO
Cách đơn giản nhất để điều chỉnh lại tư duy của bạn là bắt đầu với một lĩnh vực thể thao. Hãy tưởng tượng bạn muốn trở thành cầu thủ bóng đá. Vậy đâu là điều quan trọng? Đó chính là cách đào tạo và rèn luyện chúng có thể giúp bạn trở thành một cầu thủ giỏi, dù chơi ở bất kỳ vị trí nào. Để có thông tin về những gì đang diễn ra trong thế giới bóng đá (đội nào, cầu thủ nào, huấn luyện viên nào giỏi nhất?), chúng ta có thể dựa trên căn cứ rằng các đội tốt nhất chọn các cầu thủ giỏi nhất và các cầu thủ giỏi nhất có thể lựa chọn đội cho mình. Thành công và vị trí của bạn trong lĩnh vực thể thao sẽ phụ thuộc vào tài năng, tham vọng, độ linh hoạt và cam kết bạn dành cho mục tiêu.
Bạn xử lý vấn đề mạng lưới trong bóng đá cũng giống như hệ thống điện thoại toàn cầu xử lý các cuộc gọi. Hiện nay trên thế giới có 2 tỷ chiếc điện thoại được sử dụng, chúng ta có thể gọi cho bất kỳ chiếc nào trong số đó. Nhưng chúng ta không làm như vậy. Trong khuôn khổ của hệ thống rộng lớn hơn, mỗi chúng ta tự tạo một phạm vi các số điện thoại cần gọi hoặc có thể gọi và bỏ qua tất cả những số còn lại.
Việc bạn không biết các môn thể thao khác không hạn chế sự tham gia vào môn thể thao bạn lựa chọn. Việc bạn không biết các phần khác của nền kinh tế toàn cầu không làm giảm sự tham gia của bạn vào lĩnh vực kinh tế toàn cầu. Biết những gì liên quan tới môn thể thao hoặc lĩnh vực của bạn và các lĩnh vực có liên quan sẽ tạo cho bạn lợi thế cạnh tranh, mà bạn không cần phải biết một lĩnh vực kinh tế toàn cầu khác.
Vô số các lĩnh vực độc lập tạo nên nền kinh tế toàn cầu tự tổ chức. Toàn cầu hóa là một hiện tượng kinh tế thị trường do hành động của hàng triệu cá nhân khởi xướng và tổng của các hành động này làm nên cái gọi là “sự toàn cầu hóa”. Không ai chịu trách nhiệm và có thể dự đoán tổng số tất cả các khởi xướng cá nhân đó là gì trước khi kết quả trở nên rõ ràng. Nền kinh tế toàn cầu chỉ có thể là kết quả của một “trật tự tự nhiên”.
Chúng ta phải chuyển từ việc nghĩ về các quốc gia, vốn là nơi đặt văn phòng của doanh nghiệp, sang nghĩ về việc bản thân các doanh nghiệp đang trở thành những đơn vị cơ bản của nền kinh tế toàn cầu.
Tất cả các lĩnh vực kinh tế hùng mạnh đều có một điểm chung: mỗi phần đều hoạt động như một trung tâm của mạng lưới. Khi kết nối tại nhà, gửi và nhận tin nhắn cùng với nhiều người khác trên thế giới, cũng như tất cả các cá nhân tham gia vào mạng lưới toàn cầu, bạn đang trải nghiệm vị trí trung tâm.
CHÍNH QUYỀN THẾ GIỚI CÓ PHẢI LÀ ĐIỀU SẮP DIỄN RA?
Bạn có thể tưởng tượng việc bầu một vị tổng thống của thế giới không? Nhiều người hỏi tôi toàn cầu hóa có dẫn đến một chính quyền thế giới không? Lạy Chúa, tôi hy vọng là không. Tại sao phải bổ sung một chính quyền thế giới khi mà chúng ta vẫn đang giảm bớt quyền lực của chính quyền thông qua tư nhân hóa và truyền thông toàn cầu? Các tổ chức phi chính phủ (NGO), vẫn đang được tổ chức trên toàn cầu và vượt lên trên các nền kinh tế, đã đóng góp rất nhiều cho việc phi tập trung hóa các lực lượng chính trị. Thập niên 1980, có rất ít các tổ chức phi chính phủ. Giờ đây, có hàng triệu các tổ chức như thế trên toàn thế giới và độc lập với các giới hạn biên giới quốc gia. Vấn đề xuyên suốt trong các cuộc họp thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, là ý kiến cho rằng các tổ chức phi chính phủ đã chiếm lĩnh chương trình nghị sự (trái đất nóng lên, nghèo đói, trách nhiệm xã hội…)
Sự chuyển hướng sang tư duy về lĩnh vực kinh tế đang diễn ra khắp nơi. Nếu bạn đang làm trong lĩnh vực tài chính, thì bạn cần hiểu mình đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính chứ không xem xét vấn đề lãnh thổ. Thế giới là phạm vi của bạn.
Báo cáo về các lĩnh vực kinh tế có thể bắt đầu với tư cách là một chỉ số đồng hành cho các báo cáo GDP. Đến một lúc nào đó nó sẽ thay thế báo cáo GDP vì GDP không giúp chúng ta biết những gì đang thật sự diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu.
Tôi không nghĩ là quá đao to búa lớn khi nói rằng tư duy theo hướng lĩnh vực kinh tế toàn cầu đòi hỏi các mô hình kinh tế và tầm nhìn chính trị hoàn toàn mới.
Một khi bạn đã điều chỉnh lại tư duy và bắt đầu thu thập các mảnh ghép của bức tranh mới, bạn sẽ thấy các dấu hiệu chỉ dẫn theo hướng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Một trong những lực lượng ủng hộ các lĩnh vực kinh tế là sự phi tập trung hóa.
PHI TẬP TRUNG HÓA: VỪNG ƠI MỞ CỬA RA
Lực lượng đứng sau sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế là sự phi tập trung hóa động lực thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa hoạt động.
Quá trình tư nhân hóa trên toàn cầu, bắt đầu vào thập kỷ 1980, thể hiện sự rút lui khỏi mô hình tập trung và việc chuyển từ các ngành công nghiệp được quốc hữu hóa, từ khu vực chính phủ sang khu vực tư nhân. Các quy định tập trung cũng giảm theo. Theo quan điểm của tôi, để thành công, tiếp tục tăng trưởng và bền vững, toàn cầu hóa hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ thế giới tiếp tục quá trình phi tập trung hóa.
Đó là sự chuyển dịch tới một cấp độ thích hợp mới ở tầm cá nhân – mối quan hệ qua lại giữa hàng triệu cá nhân và công ty, các lĩnh vực kinh tế trong đó từng yếu tố hoạt động trong lĩnh vực riêng của mình.
Hãy chú ý tới biểu tượng phi tập trung hóa của các quốc gia, thông qua hành động gần đây của hơn 20 nước tăng cường sự hiện diện của công dân trên con tem bưu chính. Tại Canada, Úc, Singapore, Áo, Mỹ và nhiều nước khác, bạn có thể mua tem bưu chính có hình của mình trên đó. Không chỉ hình ảnh của Vua hay Hoàng hậu, Tổng thống hay Thủ tướng mà cả hình ảnh của chính bạn hay người hàng xóm.
Trong khoa học, các nhà khoa học ngành vật lý hạt – những người nghiên cứu cấu trúc nhỏ nhất của tự nhiên, đã liên kết với với các nhà vũ trụ học – những người nghiên cứu vũ trụ tổng thể. Một hiện tượng tương tự xảy ra trong thế giới chính trị và kinh tế, nơi các hạt và vũ trụ được trói buộc với nhau – phi tập trung hóa và toàn cầu hóa. Mối quan hệ qua lại giữa các hạt và vũ trụ là mô hình cho nghiên cứu nền kinh tế toàn cầu.
PHI TẬP TRUNG HÓA KINH TẾ
Chúng ta đều biết, trong kinh doanh, công nghệ thông tin đang dẫn tới một sự phi tập trung hóa rộng hơn, linh hoạt và sáng tạo hơn. Nhiều công ty đang tự cơ cấu lại thành mạng lưới doanh nhân. Nhưng chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của quyền tự do con người trong kinh doanh; đến lúc thích hợp, quyền này sẽ trở nên quan trọng đối với kinh doanh.
Trong những năm trước mắt, các mảnh ghép càng dễ quản lý, thì thế giới càng dễ hoạt động. Máy tính cho phép chúng ta tổ chức và theo sát các diễn biến tinh vi (sự tinh vi do có nhiều các đơn vị nhỏ), cho các công ty và cho cả thế giới nói chung. Hệ thống máy tính cho phép chúng ta phân tán sự kiểm soát, tăng cường đóng góp cá nhân trong toàn bộ chuỗi thông tin, tận dụng được nhiều tài năng hơn trước. Về cơ bản, Microsoft vẫn là một mạng lưới các lập trình viên phần mềm trao đổi trực tiếp với Bill Gates.
Hơn 430.000 người kiếm sống chủ yếu nhờ bán hàng cho eBay. Nếu là một công ty thì đây sẽ là một trong năm công ty lớn nhất tại Mỹ. Họ là chủ sở hữu của những cửa hàng bán lẻ có thị trường trên toàn thế giới và cùng nhau tạo ra doanh thu hơn 10 tỷ đô-la.
Hiện đang có sự phân tán về vị trí trong giới kinh doanh: có nhiều chủ tịch, nhiều CEO. General Electric hiện có tám hoặc chín CEO. Chỉ riêng ở Mỹ, Bertelsmann, gã khổng lồ trong giới truyền thông Đức, đã có 10 CEO. Ngoài việc có được các lợi thế của sự phi tập trung hóa, đây còn là một chiến lược tuyệt vời để khuyến khích nhân viên: số CEO tương đương với số bộ phận nên nhân viên sẽ nỗ lực làm việc để vươn lên trong bộ phận của mình. Bill Weldon, chủ tịch và CEO của Johnson nói về quy mô công ty, hiện đang hướng tới doanh số bán hàng 50 tỷ đô-la/năm:
“Chúng tôi không nghĩ về việc mình là một tập đoàn tăng trưởng 40 tỷ đô-la. Chúng tôi nghĩ về 200 doanh nghiệp nhỏ hơn, trong đó mỗi doanh nghiệp tập trung vào thị trường mà mình tham gia. Giống như bạn bỏ 200 hạt cát trên một quả đồi vậy. Việc này dễ hơn nhiều so với đẩy 200 kg đá lên đồi. Số đá đó mà lăn xuống thì bạn gặp rắc rối to. Phi tập trung hóa và cắt giảm cơ sở hạ tầng có tiết kiệm chi phí không? Chắc chắn là có. Thế còn từ bỏ để tiết kiệm một vài chi phí thì sao? Bạn có từ bỏ khả năng chiến thắng quy luật số đông này không?”
Các công ty lớn phi tập trung hóa không phải vì mốt mà vì họ phải làm ăn có hiệu quả và nhanh nhạy hơn trước sự cạnh tranh mới nảy sinh, khi tất cả mọi người đều có thể tham gia trò chơi kinh tế toàn cầu. Đó là lý do Johnson & Johnson nghĩ và hành động với tư cách của 200 công ty (200 CEO). Trong tương lai, thành công trong kinh doanh sẽ phụ thuộc vào sự đổi mới và linh hoạt nắm bắt thị trường. Các công ty nhỏ, linh hoạt hoặc tự cơ cấu lại thành liên minh doanh nghiệp sẽ đánh bại các công ty lớn.
CHIẾN THẮNG THUỘC VỀ SỰ THÔNG MINH, NHỎ GỌN, LINH HOẠT
Sự phi tập trung hóa phản ánh thành công ngày càng lớn của các công ty nhỏ và hành động mau lẹ.
Một nhóm người Áo đã nhìn thấy cơ hội trong khoảng cách ngày càng rộng giữa các tiến bộ trong phẫu thuật và sự thiếu hụt trợ giúp kỹ thuật để trở thành nhà cung cấp sản phẩm kính hiển vi phẫu thuật kỹ thuật cao toàn cầu. Một thế hệ bác sỹ nội khoa đã thay đổi ngành phẫu thuật, phát minh và tinh chỉnh các kỹ thuật phẫu thuật tinh vi cho phép họ phẫu thuật linh hoạt ở kích thước nhỏ. Nhưng chỉ còn thiếu kính hiển vi phục vụ các ca phẫu thuật đó.
Công ty Life Optics đã phát minh ra chiếc Varioscope, một loại kính hiển vi nhỏ có thể đeo được, cho phép thực hiện chức năng tự động chọn điểm và phóng to thu nhỏ. Cùng với ánh sáng tích hợp, thiết bị có chức năng chụp ảnh kèm ghi hình, tất cả được gói gọn trong kích thước của chiếc kính cỡ nhỏ. Thay thế loại kính phẫu thuật truyền thống vốn to lớn, cồng kềnh, cứng nhắc và không điều chỉnh được, nó cho phép bác sỹ phẫu thuật sử dụng và tinh chỉnh các kỹ thuật mổ tinh vi dễ dàng hơn. Ví dụ, trong phẫu thuật tuyến tiền liệt, các bác sỹ có thể nhờ đó mà tránh những hậu quả thường gặp như liệt dương và không thể kiềm chế đại tiểu tiện – một tiến bộ vĩ đại dành cho người bệnh.
Không đối thủ nào trong lĩnh vực điện tử quang học có thể đấu lại với sáng chế của Life Optics. Life Optics đã thành công trong việc tạo ra một lĩnh vực toàn cầu mới và đang khẳng định vị thế của mình tại đó. Kết quả phẫu thuật ngày càng tốt hơn đã giúp Varioscope được sử dụng ngày càng rộng rãi; giờ đây nó đã có mặt tại hơn 60 quốc gia. Khi lợi ích của thiết bị được chứng minh, thì việc người ta chuyển sang sử dụng nó chỉ còn là vấn đề thời gian.
XÓA BỎ ĐỘC QUYỀN – TƯ NHÂN HÓA CÁC ĐỒNG TIỀN QUỐC GIA
Hiện nay, không lĩnh vực nào bị một tay nắm chắc như đồng tiền quốc gia, không chương trình tư nhân hóa nào có thể chạm tới nó trong nhiều thập kỷ qua.
Đầu thập kỷ 1980, Margaret Thatcher đã khởi xướng chương trình tư nhân hóa doanh nghiệp, chương trình đến giờ vẫn đang được sao chép trên toàn thế giới. Xu hướng tư nhân hóa doanh nghiệp đang diễn ra ồ ạt trên toàn cầu, trong đó có lĩnh vực dịch vụ công cộng, truyền thông, dịch vụ bưu chính, độc quyền đường sắt và độc quyền ngân hàng, là những xu hướng lạ thường nhất chúng ta từng chứng kiến. Khi những lĩnh vực nhà nước độc quyền được tư nhân hóa và trở nên cạnh tranh trên toàn thế giới, thì đã đến lúc xóa bỏ các ngân hàng trung ương. Điều cần thiết cho sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu trong tương lai là các đồng tiền có sức cạnh tranh trực tiếp với các đồng tiền quốc gia, giống như chúng ta cần các công ty điện thoại trực tiếp cạnh tranh với các công ty viễn thông nhà nước.
Làn sóng đồng tiền mới đang tràn ngập thế giới. Hiện trên thế giới, có hơn 4.000 cộng đồng đã tạo ra đồng tiền của riêng mình nhằm phục vụ các mục đích xã hội. Cụ thể: 400 hệ thống tiền tệ tư nhân tại Nhật Bản để thanh toán dịch vụ chăm sóc người già; hệ thống tiền giấy Ithaca Hours, tại Ithaca, New York, trong đó người ta ghi nợ thời gian để đổi lấy hàng hóa và dịch vụ xã hội.
Trong các loại “tiền thưởng” này có loại tiền do các hãng hàng không phát hành – điểm tích lũy (dựa trên số km bay của hành khách), giờ đây có thể được sử dụng để thanh toán cước điện thoại, trả tiền taxi, đi nhà hàng, ở khách sạn và thanh toán hàng hóa – ngay cả khi bạn chưa từng bay chuyến nào.
Chúng ta cũng có “các đồng tiền thay thế” như thẻ tín dụng và các hình thức trao đổi điện tử khác đang phát triển rất nhanh. Các vé tích điểm bay cũng có thể được gọi là đồng tiền thay thế (Tạp chí Economist đã tính toán rằng tổng số điểm bay chưa được dùng tới hiện có giá trị lớn hơn tổng số tờ đô-la đang lưu hành trên thế giới.)
Trong liên hoan Venice Biennial năm 2003, vợ chồng tôi tới thăm khu sảnh đường Đài Loan nằm trong dinh Palazzo delle Prigioni, ngay phía sau quảng trường Piazzetta San Marco. Khi bước vào, chúng tôi thấy bao phủ gần hết nền nhà là những chùm tỏi trắng, đẹp, mập mạp. Chúng tôi phát hiện đó là quảng cáo cho một loại tiền mới.
Chúng tôi được mời tham dự vào G-Mart, G là viết tắt của garlic (tỏi), loại tiền giấy phát hành dựa trên loại tỏi được trồng hữu cơ tại nông trại, “một loại hàng hóa được khao khát và tôn sùng tuyệt đối vào năm 2030, khi tỏi trở thành đồng tiền trao đổi của thế giới”. Họa sĩ người Trung Quốc, Shu Li Cheang nói rằng tác phẩm sắp đặt của mình “làm nền cho hệ thống kinh tế hiện nay, đặt lại vấn đề giá trị và ý nghĩa của đồng tiền”.
Thế giới đang tạo ra kính vạn hoa ảo về các loại đồng tiền bổ sung và thay thế nhưng, về bản chất, chỉ mang tính thứ cấp so với đồng tiền quốc gia do chính phủ phát hành. Độc quyền đồng tiền quốc gia vẫn không thể bị thách thức nhưng không phải là vĩnh viễn.
Bước phi tập trung hóa cuối cùng là tư nhân hóa đồng tiền quốc gia, bà Mẹ của tất cả các Độc quyền. Sự đột phá trong tư duy là việc hiểu được đồng tiền chỉ là một thứ hàng hóa tiện dụng như xe ô tô, tủ lạnh, khoai tây và vàng.
Độc quyền tiền tệ của chính phủ đã thất bại. Về mặt chính trị, sự thất bại đã được dồn tụ. Độc quyền tiền tệ mang đầy đủ khiếm khuyết của tất cả các loại độc quyền: người ta phải sử dụng sản phẩm của mình ngay cả khi không vừa ý và trên tất cả, nó ngăn cản sự khám phá các phương thức thỏa mãn nhu cầu tốt hơn, điều mà tất nhiên chủ thể độc quyền không có động lực thực hiện.
Một ví dụ độc quyền là East German Trabant, hãng xe ca độc quyền nổi tiếng trước đây của Đông Đức, cho ra đời chiếc xe thiếu thép và nguyên liệu, được gọi là Trabi, nhưng đó là loại xe duy nhất người Đông Đức có thể mua. Chính phủ quyết định giá cả và hầu như xe không được cải tiến gì, nhưng đó vẫn là ước mơ của rất nhiều người dân.
Chúng ta không ý thức được rằng độc quyền tiền tệ cũng không khá hơn độc quyền xe Trabi. Từ thế kỷ XVIII, các nhà kinh tế học đã chia sẻ niềm tin rằng một trong những chức năng quan trọng nhất của chính phủ là tạo ra cơ chế tiền tệ và phát hành tiền. (Nhưng theo Adam Smith, nó không nằm trong các nhiệm vụ của nhà nước). Niềm tin này hiện đang bị thách thức.
Xem xét vấn đề sâu hơn, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chính phủ sẽ tiếp tục thất bại trong việc đem lại những đồng tiền tốt. Sức mua của tất cả các đồng tiền mà chính phủ độc quyền sẽ tiếp tục giảm và người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả:
Trong khoảng năm 1971-1991, đồng Mark Đức đã mất giá hơn 52% và Đức lập kỷ lục cao nhất trong giai đoạn đó.
Năm 1991, đồng đô-la Mỹ mất hơn 70% giá trị so với năm 1971.
Đồng bảng Anh mất giá hơn 84% so với năm 1971.
Trong nội bộ nước Mỹ, giá trị tiền tệ giữa các năm 1995-2005 giảm 33%; chỉ trong 10 năm giai đoạn 1995-2005, mức giảm của nó là gần 20%.
Xem xét bất kỳ giai đoạn độc quyền tiền tệ nào, kết quả thu được là tương tự.
Tất cả chúng ta phải trả giá cho sự kém năng lực của các độc quyền tiền tệ.
Paul Volcker, cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, phát biểu năm 1990 rằng các ngân hàng trung ương “không có vai trò vượt trội trong nền kinh tế thị trường”, chúng “chỉ là một hiện tượng của thế kỷ XX” và khi được thành lập, chúng “đều được ngưỡng vọng và được tạo ra như một phương tiện cung cấp tiền cho chính phủ”.
Trong một thời gian dài, người ta nói chính phủ “sẽ chỉ in tiền”. Giờ đây chính phủ còn tạo ra tiền bằng kỹ thuật số. Công nghệ là công cụ tuyệt vời giúp cho sự ra đời các đồng tiền và hệ thống tiền tệ mới.
Chúng ta không biết chắc tất cả những điều này rồi sẽ đi tới đâu. Nhưng một tự do lựa chọn mới có vẻ sẽ là biểu ngữ dẫn đường. Các lựa chọn sẽ vượt xa những gì hiện giờ chúng ta có thể tưởng tượng nếu được tự do tìm kiếm và khai phá những lựa chọn đó.
Quá trình chấm dứt độc quyền tiền tệ của chính phủ đã bắt đầu. Bất cứ liều thuốc lạm phát mạnh nào cũng sẽ kích thích sự quan tâm vì các chính phủ ngày càng lấy đi nhiều giá trị của đồng tiền hơn. Hãy tư duy ra bên ngoài chiếc hộp tiền tệ độc quyền. Tương lai của đồng tiền là sự bổ sung, khả năng thay thế và tính cạnh tranh.
Alan Greenspan, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, nói: “Chúng ta sẽ thấy sự quay trở lại của các đồng tiền tư nhân trong thế kỷ XXI.” Đó là một tương lai xa, nhưng tôi chia sẻ ý kiến đó.
CHIA SẺ TÀI NĂNG TRÊN TOÀN CẦU – THỂ THAO MỘT LẦN NỮA LẠI DẪN ĐƯỜNG
Liên quan chặt chẽ tới sự phi tập trung hóa và các lĩnh vực kinh tế toàn cầu là sự chia sẻ tài năng trên phạm vi toàn cầu. Sử dụng nguồn lực bên ngoài là trợ thủ mới cho quá trình phi tập trung hóa toàn cầu. Nó đặt việc tuyển dụng tài năng cá nhân lên cấp độ toàn cầu và phân quyền trực tiếp tới các cá nhân.
Một vài năm trước, khi Real Madrid được coi là đội bóng xuất sắc nhất hành tinh, đội cũng chỉ có hai cầu thủ người Tây Ban Nha. Bóng đá châu Âu có tiếng là các đội bóng có số cầu thủ ngoại nhiều hơn số cầu thủ nội. Hiện nay, có hơn 100 cầu thủ Brazil chơi cho các đội bóng ở châu Âu. Đây chính là một mô hình thuê ngoài những tài năng có trình độ cao.
Nước Mỹ cũng khá giỏi trong vấn đề này. Mùa giải bóng chày năm 2006, số cầu thủ nước ngoài chơi chính chiếm hơn 30%. Trong các giải nhỏ, con số còn đáng kinh ngạc hơn, với 50%. Bóng rổ đang tràn ngập thế giới. Các trận đấu giải NBA được phát tại 205 quốc gia và 43 thứ tiếng. Hiện nay, một nửa trong số các cầu thủ giỏi nhất chơi trong giải NBA là các cầu thủ ngoại.
San Antonio Spurs, đội giành chức vô địch NBA năm 2005, cũng là đội có đội hình quốc tế nhất giải, với số cầu thủ gốc ngoại nhiều hơn số các cầu thủ gốc Mỹ: 7/12 cầu thủ, đến từ các nước Argentina (Manu Ginobili và Fabricio Oberto), Pháp (Tony Parker), Slovenia (Rasho Nesterovic và Beno Udrik), Quần đảo Virgin (Tim Duncan) và New Zealand (Sean Marks). Họ cũng sẽ có được Luis Scola – cầu thủ giỏi nhất châu Âu, cao hơn 2m đến từ Argentina, đang chơi cho đội Tau Cerámica tại giải Tây Ban Nha. Ngày 26 6 2006, tiền đạo người Ý, Andrea Bargani, cao 2,1m, nặng 113 kg, đang chơi cho đội Bennetton, đã trở thành cầu thủ nước ngoài đầu tiên được chọn đứng đầu danh sách tuyển chọn của NBA.
Ẩn chứa trong mô hình thể thao là khả năng phán đoán những điều sẽ xảy ra trong các lĩnh vực kinh tế. Cung và cầu sẽ quyết định thị trường. Các đội chọn cầu thủ và các cầu thủ giỏi nhất chọn đội họ muốn đầu quân.
ĐẠI TRÀ TÀI NĂNG THEO NHU CẦU KHÁCH HÀNG
Trong kinh doanh, chúng ta có thể huy động tài năng từ nhiều cấp độ và các kỹ năng đa dạng từ bất kể nơi đâu trên thế giới. Chúng ta có thể thuê một người có các kỹ năng tốt nhất từ một công ty khác để gia tăng sức mạnh cho công ty mình và chúng ta có thể làm tất cả điều đó bằng điện tử ở bất cứ đâu trên thế giới. Từ khái niệm của Stan Davis về đại trà theo nhu cầu khách hàng, tôi gọi kỷ nguyên chúng ta đang hướng tới là kỷ nguyên đại trà tài năng theo nhu cầu khách hàng.
Chúng ta đang đưa Adam Smith từ bộ phận lao động sang bộ phận tài năng. Các cá nhân tài năng đáp ứng những nhu cầu trên toàn cầu. Các đội thể thao chính là mô hình đẩy nhanh lực lượng nhân công thuê ngoài giá rẻ thành lực lượng nhân tài giá cao. Hiện nay, thay vì các cầu thủ bóng đá, hãy nghĩ tới các kỹ sư, bác sỹ, nhà thiết kế, khoa học, quản trị. Thế giới đang họp lại ở cấp cao hơn.
Hiện nay, chiến lược ngăn bộ máy phình to và trở nên quan liêu mang tính thuê ngoài nhiều hơn – kể cả các chức năng trước đây là bất khả xâm phạm như quản lý nguồn nhân lực. (Toàn bộ chức năng quản lý nhân sự của British Petroleum hiện được trao cho một công ty tại California). Cách đây không lâu, công ty hóa chất khổng lồ DuPont đã thuê ngoài nguồn nhân lực – bao gồm việc lên kế hoạch nhân công, quan hệ lao động và quản lý hiệu quả – cho công ty Convergys Corporation of Cincinnati ở Ohio. Một hợp đồng 13 năm liên quan tới 60.000 nhân viên và 100.000 người hưởng lương hưu tại 70 quốc gia trị giá 1,1 tỷ đô-la.
Diễn tiến này mang đến cơ hội lớn cho những công ty vừa và nhỏ cung cấp dịch vụ cho những công ty lớn hơn, dù câu thần chú của các CEO và giám đốc nhân sự hàng năm nay vẫn là: “Nhân sự là tài sản giá trị nhất của chúng tôi” (nhưng giờ đây chúng tôi sẵn sàng trả tiền cho người lạ để quản lý họ).
Ngay khi đội bóng rổ Houston Rockets của Mỹ thuê
Diêu Minh từ Trung Quốc tới thì Sony tại Nhật Bản cũng thuê Howard Springer, người Mỹ, làm CEO. Cựu quản trị của CBS không nói tiếng Nhật, và ông thậm chí cũng không có văn phòng tại Nhật Bản. Phản ứng của Springer trước những chỉ trích về việc ông không chuyển tới Nhật Bản hoặc học nói tiếng Nhật là: “Tôi không sống ở Hollywood, nhưng tôi chịu trách nhiệm cho việc làm phim. Tôi không hát và tôi chịu trách nhiệm trước một công ty âm nhạc.”
CÓ THỂ THUÊ NGOÀI NGAY BÊN KIA ĐƯỜNG HOẶC TẬN BÊN KIA THẾ GIỚI
Tại Missouri, nơi vốn không được coi là một trung tâm cải cách, McDonald đã đi một bước dài 1340 km để cải thiện dịch vụ. Khi khách hàng dừng lại tại quầy đặt hàng và muốn có một chiếc bánh burger, anh ta không thể nghĩ rằng đơn hàng sắp đi 1340 km tới người nhận đơn hàng tại Colorado. Người này chụp hình anh ta, hiển thị đơn hàng lên màn hình, sau đó chuyển tiếp đơn hàng và bức hình ngược trở lại căn bếp tại Missouri, trước khi người khách hàng bắt đầu đi ra quầy lấy bánh.
Câu hỏi đặt ra là người lao động Missouri có mất việc vào tay những người ở Colorado không? Tất nhiên là có, vì người lao động Colorado đang giành được việc. Nhưng khách hàng tại Missouri lại nhận được dịch vụ tốt hơn và nhanh hơn.
Tại Ấn Độ, các bác sỹ phân tích X-quang và gửi kết quả tới bệnh nhân ở Mỹ qua Internet. Điều này giảm chi phí y tế; nâng cao hiệu suất chăm sóc sức khỏe cho người Mỹ. Ai có thể phản đối? Đó là các bác sỹ X-quang người Mỹ.
Nếu phân tích X-quang ở Ấn Độ rẻ hơn, thì không ai ngăn được các bác sỹ ở bất kỳ nơi đâu sử dụng dịch vụ của Ấn Độ. Nếu một chiếc ô tô được sản xuất rẻ hơn tại Hàn Quốc thì nên là thế. Nếu có thể xử lý yêu cầu điện thoại tại Ireland với giá rẻ hơn thì hãy làm vậy. Điều này nâng cao thu nhập của cả hai phía, vì các nguồn lực được tái triển khai dựa trên các lợi thế. Thương mại là một trò chơi có tổng dương và Adam Smith là người đầu tiên hiểu điều này.
Tất nhiên, việc thuê ngoài nhân lực cho các ngành sản xuất vẫn diễn ra từ nhiều thập kỷ nay. Nhưng điều đang diễn ra là việc thuê tài năng ngoài ở các cấp độ cao hơn rất nhiều để có được các kỹ năng và tri thức với mức độ đa dạng vượt bậc. Sự chuyển giao công việc giữa các chuyên gia trình độ cao là một thay đổi thương mại trong xu thế cạnh tranh toàn cầu. Hệ thống thương mại toàn cầu đang nhóm họp ở một cấp độ cao hơn. Hiện nay, các công ty có thể và sẽ cố gắng cùng nhau tập hợp các kỹ năng tốt nhất từ khắp nơi trên toàn thế giới. Không phải là tập hợp nhóm kỹ sư tốt nhất tại Mỹ cho dự án, mà là nhóm kỹ sư tốt nhất trên toàn thế giới. Các điểm thuê nhân lực hàng đầu, được xếp theo thứ tự: Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia và Cộng hòa Séc. Nếu muốn tìm điểm đến có kỹ thuật cao hơn, có thể bổ sung: Singapore, Canada và New Zealand.
Giáo dục và đào tạo tiến bộ là câu trả lời cho sự phát triển khác thường này. Nước Mỹ có vị trí nổi bật trong vai trò dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu cạnh tranh, nhưng nó có thể đánh mất điều này nếu không nghiêm túc hơn về hệ thống trường học cơ bản của nó. Nhiều năm nay, chất lượng học viên tốt nghiệp giảm và giống như trong công nghiệp luyện thép Mỹ, bảo hộ ngày càng tăng khi sản xuất giảm sút. Giáo dục tiểu học và phổ thông tại Mỹ đang đi xuống, kéo theo các sản phẩm của ngành ngày càng kém hiệu quả. Đó là do độc quyền, tồn tại nhờ các khoản trợ cấp, các liên minh vững mạnh và đi kèm với nó là sự quản lý kém cỏi và việc không ai phải chịu trách nhiệm thật sự. Tình hình thảm hại đến mức tôi thấy chỉ có thể đặt hy vọng vào việc hệ thống giáo dục sẽ được tư nhân hóa và liều thuốc thần là tính cạnh tranh được nâng cao. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục đại học ở Mỹ lại có chất lượng tốt nhất vì đó là một nền giáo dục cạnh tranh.
Nếu bạn muốn tham gia trò chơi trong nền kinh tế toàn cầu, thì ưu tiên kinh tế số một phải là giáo dục, dù với tư cách một cá nhân hay một đất nước. Vai trò chính yếu của giáo dục vẫn luôn là một hằng số trong quá khứ và tương lai.
Gần đây vợ chồng tôi đã đến Việt Nam. Tại đây, chúng tôi được chứng kiến bước tiến lớn của quốc gia này để trở thành một nguồn nhân lực lớn trên toàn cầu. Ở Việt Nam, toán học vẫn luôn chiếm một phần rất quan trọng trong chương trình giáo dục và đất nước này hiện đang đẩy mạnh chương trình giảng dạy máy tính. Tuy nhiên, các mức lương lại rất thấp. World’Vest Base, một công ty đến từ Chicago, có 38 nhân viên tại Hà Nội. Công việc của họ là vào Internet để lấy thông tin phục vụ các hoạt động trên thị trường chứng khoán, chuyển thông tin tới các khách hàng tại các khu vực khác nhau trên thế giới, những nơi chuyên về các thị trường đang nổi. Họ đề nghị mức lương khởi điểm cho các nhân viên trẻ có bằng tài chính hoặc kế toán là 100 đô-la/tháng.
Tại Sài Gòn, công ty Atlas Industries có hơn 100 nhân viên chuyên chuyển các bản vẽ kiến trúc thành kế hoạch chi tiết cho các công ty xây dựng tại Anh. Việt Nam đang tự trang bị để cạnh tranh trực tiếp với Ấn Độ trong lĩnh vực thuê nguồn lực bên ngoài.
KẾT THÚC THỜI KỲ LAO ĐỘNG GIÁ RẺ
Đã đến lúc chấm dứt việc theo đuổi lao động giá rẻ bên ngoài biên giới, vì hai lý do:
Mức lương đang leo thang nhanh chóng tại các nền kinh tế đang nổi và tiền công, dù trong bất kỳ trường hợp nào, cũng phản ánh năng suất. Điều hiển nhiên đúng, khi có càng nhiều hoạt động thương mại thế giới, các mức tiền công sẽ càng được san bằng.
Lượng lao động trong loại hàng chế tạo đang giảm mạnh: năm 1970, tỷ lệ này xấp xỉ 25%, nhưng hiện nay con số đó chỉ còn 4%.
TOÀN CẦU HÓA CÓ NGHĨA LÀ MỸ HÓA?
Hướng đi kép toàn cầu hóa và phi tập trung hóa đang dẫn chúng ta đi từ thế giới quốc gia dân tộc sang thế giới các lãnh thổ kinh tế. Đây không phải là một cách tổ chức thế giới mới mà là cách hiểu mới về thế giới. Có hai định kiến tồn tại: châu Á đang lấy mất công việc và nước Mỹ đang làm xói mòn văn hóa quốc gia.
Chúng ta thường nghe nói đến mối lo ngại Trung Quốc đang ăn mất công việc của phương Tây, rồi ảnh hưởng của lối sống Mỹ ở phương Đông… Câu hỏi là: “Liệu toàn cầu hóa có nghĩa là Mỹ hóa?” Câu trả lời là không. Khi đánh giá toàn cầu hóa, chúng ta có thể đếm số cuộc điện thoại, đo dòng chảy tiền tệ, tổng các trao đổi mậu dịch…, nhưng không thể đánh giá sự lan truyền của văn hóa và tư tưởng dễ dàng như vậy. Ẩn chứa trong hiện tại là nghịch lý chưa được công nhận: về mặt văn hóa, bản thân nước Mỹ đang thay đổi mạnh hơn mức nó thay đổi thế giới. Thế giới đang thay đổi thế giới. Nhập cư đang định hình lại nước Mỹ sâu rộng hơn ảnh hưởng của Mỹ trên toàn thế giới.
Cái được gọi là Mỹ hóa toàn cầu mà người ta hay nói đến chỉ liên quan tới bề mặt tâm lý của các quyết định: những gì chúng ta ăn, bộ phim chúng ta xem, quần bò chúng ta mặc. Hãy nghĩ về điều này: tại Mỹ, số nhà hàng Trung Quốc nhiều hơn số cửa hàng McDonald.
Bản thân Mỹ đã là một quốc gia đa dạng nhất thế giới về chủng tộc. Bốn mươi năm tới, 100 triệu trong số 400 triệu người sống ở Mỹ sẽ là người La tinh. Người La tinh cộng với người châu Á sẽ chiếm 1/3 dân số Mỹ. Hiện nay, đạo Hồi là tôn giáo lớn thứ hai tại Mỹ, sau Cơ đốc giáo. Ngôn ngữ nói nhiều thứ hai tại Mỹ là tiếng Trung. Những chuyển dịch này sẽ đưa đến sự thay đổi sâu sắc về việc bản thân người Mỹ là ai và nước Mỹ là gì.
Hiện nay, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang cố gắng củng cố bản sắc văn hóa của dân tộc. Nghịch lý là quá trình toàn cầu hóa càng diễn ra mạnh mẽ, chúng ta lại càng quan tâm (ý thức hoặc vô thức) tới bản sắc văn hóa. Đây là một hằng số chống lại tất cả các tiên đoán về sự đồng nhất. Trên toàn thế giới, những điều thật sự quan trọng nằm trong xương tủy của chúng ta. Các quốc gia khác nhau và những con người khác nhau nắm giữ tiếng mẹ đẻ, gia đình, cộng đồng, di sản văn hóa và sức mạnh khác nhau. Quốc gia dân tộc sẽ có vai trò ngày càng tăng trong việc cổ vũ bản sắc, thừa kế văn hóa và để tham gia giáo dục.
Kinh tế sẽ tiếp tục áp đảo chính trị trong cuộc chạy đua của nền kinh tế toàn cầu và tác động của nền kinh tế toàn cầu lên cuộc sống sẽ lớn hơn rất nhiều so với những lời nói hay của các chính trị gia. Tương lai được ẩn chứa trong các quyết định kinh tế của ngày hôm nay. Đó là lý do vì sao chúng ta cần các chỉ số tốt hơn để theo sát sự toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới. Các mối quan hệ và hoạt động kinh tế của thế giới đang hòa nhập và tự tổ chức. Cửa sổ để chúng ta nhìn và tìm hiểu hội nhập kinh tế thế giới chính là các lĩnh vực kinh tế.
ÁP DỤNG CÁC LỐI TƯ DUY
LỐI TƯ DUY #5 “Nhìn tương lai như một bức tranh xếp hình”: Dự đoán tương lai đôi khi bắt đầu bằng một cảm giác. Trong những năm gần đây, các chỉ số kinh tế, dựa trên quốc gia dân tộc, đang mất dần giá trị thực tế. Trọng lượng kinh tế đang chuyển từ quốc gia dân tộc sang các lãnh thổ kinh tế. Để dự đoán sự phát triển của nền kinh tế, chúng ta cần chú ý các mảnh ghép trong lĩnh vực này.
LỐI TƯ DUY #10 “Đừng cộng nếu chưa trừ”: Chúng ta có xu hướng vẽ một vòng tròn quá rộng xung quanh những gì chúng ta nghĩ là chúng ta biết. Không phải mọi thứ đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu đều liên quan tới chúng ta. Vì vậy, hãy vẽ vòng tròn quan tâm xung quanh lĩnh vực kinh tế. Các lĩnh vực này hoạt động độc lập nên hãy đóng khung khu vực xung quanh lĩnh vực kinh tế của riêng bạn, sau đó đừng cộng nếu chưa trừ mối quan tâm ít quan trọng hơn.
LỐI TƯ DUY # 2 “Tương lai được gói trong hiện tại”: Thông tin về các lĩnh vực kinh tế có sẵn và đáng tin cậy hơn thông tin về GDP của một nước. Sự minh bạch này giúp chúng ta tạo ra một bức tranh chân thực hơn về các hoạt động kinh tế toàn cầu. Lúc đầu, chỉ số lĩnh vực kinh tế chỉ là một chỉ số đồng hành, nhưng cuối cùng nó sẽ thay thế vị trí của chỉ số GDP lỗi thời.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.