11 Lối Tư Duy Thay Đổi Cách Nhìn Và Sáng Tạo Tương Lai

LỐI TƯ DUY #9



Cách khai thác cơ hội, chứ không phải cách giải quyết khó khăn quyết định thành công của bạn 

Người duy lý điều chỉnh mình cho phù hợp với hoàn cảnh. Người phi lý trí điều chỉnh hoàn cảnh theo mình. Mọi tiến bộ phụ thuộc vào người phi lý trí. 

GEORGE BERNARD SHAW1 

Trở thành thống đốc bang California luôn là giấc mơ của Arnold Schwarzenegger (thường được gọi là Cây sồi Styria) tại Styria, Áo. Chắc chắn, một số vấn đề có thể ngăn cản anh trên con đường tiến tới mục tiêu này và giải quyết các vấn đề đó sẽ cần một vài năm lên kế hoạch.

Năm 2003, cuộc bầu cử thống đốc sẽ diễn ra vào tháng 11-2006 và các cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên của các Đảng diễn ra vào mùa xuân năm đó. Ai có thể là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa? Họ phải làm gì để giành thắng lợi trong cuộc bầu chọn?

Cũng trong năm 2003, có nhiều ý kiến yêu cầu bỏ phiếu bãi miễn Thống đốc Gray Davis. Và Schwartzenegger đột nhiên xuất hiện, nắm lấy cơ hội. Anh hiểu rõ tình hình: “Có cuộc bầu cử lịch sử này là do sự thiếu liên kết sâu sắc giữa người dân và các nhà lãnh đạo California.”

Ngày 7-10-2003, người dân California đến các điểm bầu cử và trả lời hai câu hỏi:

Câu hỏi 1: Có nên bãi miễn Thống đốc Gray Davis mới tái đắc cử không?

Câu hỏi 2: Nếu Thống đốc Davis bị bãi miễn, ông/bà muốn ai là người thay thế?

Kèm theo câu hỏi thứ hai là danh sách 135 ứng cử viên trong đó có Schwarzenegger. Thống đốc Davis bị bãi miễn và Arnold Schwarzenegger được bầu làm thống đốc. Trong suốt chiến dịch tranh cử, Arnold luôn hứa sẽ không đóng phim nữa nếu được bầu – hẳn nhiên cam kết này đã giúp anh chiến thắng.

Chìa khóa thành công của Schwarzenegger là anh đã chuẩn bị nền tảng trong nhiều năm và luôn sẵn sàng. Điều quan trọng là anh không hề e ngại khi cơ hội xuất hiện.

ÓC KINH DOANH

Khi hướng về tương lai, bạn hãy tìm và đặt cược vào những người khai thác cơ hội, không phải vào những người giải quyết vấn đề.

Jimmy Carter, ứng cử viên tổng thống đầu tiên có óc kinh doanh đã nhìn thấy cơ hội trong vòng bầu cử sơ bộ và lợi ích của việc sử dụng các công nghệ truyền thông mới để trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa trước khi Đại hội toàn quốc của đảng này diễn ra. Hiện nay, mọi người đều tìm cách trở thành ứng cử viên tổng thống theo cách này.

Những người giải quyết vấn đề và những người khai thác cơ hội rất khác nhau. Trong cuốn sách The Future and Its Enemies (Tương lai và kẻ thù của nó), nhà phê bình mỹ học Virginia Postrel đã nhìn thấy điều phân biệt những người tìm kiếm cái tĩnh với những người chào đón cái động:

Cảm nhận về tương lai cho chúng ta biết mình là ai với tư cách cá nhân và với tư cách một nền văn minh: Chúng ta tìm kiếm sự cân bằng – một thế giới được sắp đặt, quy định sẵn? Hay chúng ta chào đón sự năng động – một thế giới luôn sáng tạo, khám phá và cạnh tranh? Chúng ta đánh giá cao sự ổn định và khả năng kiểm soát hay sự tiến hóa và học hỏi? Chúng ta nghĩ sự tiến bộ đòi hỏi một bản kế hoạch tập trung hay nhìn nhận nó như một tiến trình phát triển phi tập trung? Chúng ta coi lỗi lầm là thảm họa vĩnh viễn hay là những hậu quả có thể khắc phục của quá trình thử nghiệm? Chúng ta ham muốn những điều dự đoán được hay thích sự ngạc nhiên? Hai thái cực này, tĩnh và động, xác định lãnh địa chính trị, tri thức và văn hóa của chúng ta. Câu hỏi trọng tâm của thời đại là chúng ta phải làm gì với tương lai. Và câu hỏi này gây chia rẽ sâu sắc. 

Đoạn viết trên được Richard Karlgaard, chủ tạp chí Forbes, trích dẫn trong bài viết ngày 8-5-2006. Ông coi Ronald Reagan và Bill Clinton là những người tìm kiếm cơ hội, còn Al Gore và Hillary Clinton thuộc týp những người giải quyết vấn đề. Tôi nghĩ ngay tới cống hiến của Hillary Clinton trong lĩnh chăm sóc sức khỏe ở Mỹ từ khi bà cùng chồng chuyển tới Nhà Trắng; còn Al Gore thì đang nỗ lực tham gia giải quyết vấn đề trái đất ấm lên. Karlgaard nhìn thấy trong George W. Bush một người tìm kiếm cơ hội biết bao quanh mình bằng những người giải quyết vấn đề.

Cánh cửa cơ hội thường được mở toang và bị đóng sập lại, giống cửa sổ trong cơn bão. Bạn phải sẵn sàng tóm lấy chúng. Louis Pasteur, người khám phá ra hầu hết các bệnh lây nhiễm đều do vi trùng gây ra và là người viết tác phẩm đặt nền móng cho ngành vi sinh, nói: “Sự thay đổi hỗ trợ bộ óc đã được chuẩn bị. Tôi đã sẵn sàng.”

NHỠ TÀU

Cuộc hành quân thắng lợi của ảnh kỹ thuật số bắt đầu năm 1990, khi Kodak đưa nhãn hiệu DCS-100, chiếc máy ảnh kỹ thuật số có mục đích thương mại đầu tiên ra thị trường. Ảnh kỹ thuật số đã đưa thị trường máy ảnh sang một giai đoạn mới. Cái chết dần chết mòn của máy cơ bắt đầu; năm 2004, thị phần của nó sụt xuống còn 17%. Ai không kịp nhảy lên tàu đều bị loại khỏi chuyến đi.

Các công ty lớn, ít linh động, nằm về phía những kẻ bại trận. Một cơ hội bị bỏ lỡ sẽ không chừa lại chút cơ hội phục hồi nào. Sau hơn 100 năm tồn tại, nhãn hiệu Konica Minolta truyền thống của Nhật Bản đã phải bước ra khỏi ngành kinh doanh máy ảnh. Trò chơi chấm dứt ngày 31-3-2006. Nikon (Nhật Bản) cũng không khá hơn, công ty phải ngừng sản xuất đầu năm 2006. Năm 1998, Leica (Đức) đặt chân lên con tàu kỹ thuật số kịp lúc với nhãn hiệu số Leica, tránh được phá sản nhờ các nguồn đầu tư mới từ cổ đông. Từ năm 2000 đến 2004, Leica phải giảm nhân lực, bị các ngân hàng cắt các khoản vay. Cuối cùng, năm 2006 doanh số lại tăng lên, khả năng tiêu thụ của chiếc Digital-Module-R đời mới vượt quá công suất của công ty như điều đã từng xảy ra năm 2005. Sự thay đổi tuy hơi muộn màng nhưng vừa đúng lúc để tránh một cuộc đại khủng hoảng.

Cải tiến công nghệ lỗi thời không giải quyết được vấn đề thị trường cho một sản phẩm đang suy tàn mà còn làm tê liệt khả năng đầu tư vào các cơ hội mới.

Fred Smith, sinh tại Marks, Mississippi, đã sẵn sàng. Ông viết bài báo đầu tiên về ý tưởng lập FedEx khi học kinh tế tại Yale. Sau khi rời Hải quân Mỹ, nơi ông làm phi công và học hậu cần quân sự, ông đã biến ý tưởng của mình thành hiện thực năm 1971. Federal Express, kết hợp dịch vụ bưu chính với yếu tố thời gian và độ tin cậy, bắt đầu hoạt động vào năm 1973.

Gary Rogers, chủ tịch và CEO của Dreyers Grand Ice Cream, kể mình đã nắm lấy cơ hội như thế nào khi nó đột ngột xuất hiện. Sau một thất bại trong kinh doanh, ông muốn thử lại. “Tôi không nản vì lại phải cố gắng. Tôi thấy vui khi có công ty riêng.” Ông có gia đình nhưng không thu nhập, không tiền tiết kiệm. Một hôm, ông bước vào văn phòng địa phương của Dreyers Grand Ice Cream ở Oakland, California. Dreyers là một công ty nhỏ với doanh số bán hàng 6 triệu đô-la và 30 nhân viên. Rogers đang nói với người chủ công ty là mình muốn được công ty nhượng quyền thương mại thì ông này có điện thoại. “Ông ta gác máy, mắt rưng rưng. Ngân hàng vừa từ chối khoản vay cần để mở rộng nhà máy.” Không suy nghĩ, Rogers hỏi ông ta có bao giờ nghĩ tới việc bán công ty không. “Đến bây giờ thì không,” ông ta trả lời. Ba ngày sau, Rogers nói: “Tôi có khả năng mua doanh nghiệp đó với giá một triệu đô-la. Tôi tập hợp được một nhóm nhà kinh doanh và có được một khoản vay.” Những người nghe chuyện thường nói: “Chúa ơi, anh thật quá may mắn!” Rogers nói: “Với tôi, đó không chỉ là sự may mắn. Đó là khả năng nhận ra một cơ hội và sẵn sàng đón nhận nó.”

Ngay từ đầu những năm 1990, nhãn hiệu Danone của Pháp nhảy vào thị trường Ba Lan. Cơ hội ở đây là 38 triệu người tiêu dùng đang thèm khát các sản phẩm chất lượng cao của phương Tây. Điều đó không dễ dàng. Người đại diện đứng đầu của Danone nhìn thấy một đất nước vỡ nợ, một hệ thống nông nghiệp trì trệ với các nông trang tập thể lạc hậu và không hệ thống phân phối. Đầu năm 1990, mỗi tuần Danone cho chở một xe tải sữa chua tới giới thiệu với người tiêu dùng. Các nhân viên bán hàng đi gõ cửa hàng nghìn cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ và thuyết phục họ nhận các sản phẩm của Danone. Hai năm sau, công ty bắt đầu sản xuất ngay tại địa phương và cùng lúc mở ra một hệ thống canh tác hiện đại đảm bảo nguồn cung sữa tươi ổn định. Ngày nay, Danone dẫn đầu thị trường Ba Lan về các sản phẩm chế biến từ sữa tươi, trong đó có sữa chua, chiếm 1/3 thị phần. Jean-Jacques Doeblin, giám đốc điều phối khu vực Trung và Đông Âu của Danone nói: “Đó là lợi thế cạnh tranh của việc có mặt sớm. Chúng tôi có thời gian để tìm hiểu thị trường.”

Rick Warren, nổi tiếng với tác phẩm The Purpuse-Driven Life (Cuộc đời có mục đích), đã đưa ra nhiều lời khuyên kinh doanh tốt trong cuốn sách xuất bản trước đó The Purpuse Driven Church (Nhà thờ có mục đích). Ông cho rằng không nên tranh giành thị phần. Khi lập nhà thờ, thay vì giành giật tín đồ, ông đến với những người không đi lễ ở nhà thờ nào và đề nghị họ điều không có ở bất kỳ nơi nào – quan điểm của ông về mục đích sống. Năm 1980, Warren khánh thành Nhà thờ Saddleback ở Quận Orange, California, giờ đây là nhà thờ phát triển nhanh nhất ở Mỹ. Trung bình có khoảng 15.000 tín đồ tham dự mỗi buổi lễ cuối tuần, nhà thờ có hàng chục cơ sở trên cả nước. Rich Karlgaard, chủ bút tạp chí Forbes, nói về Saddleback: “Nếu đó là một ngành kinh doanh, thì nó sẽ được so với Dell, Google hay Starbucks.”

Năm 1970, nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu cất cánh và người Nhật Bản đang trở nên giàu có. Hội chợ thế giới năm 1970 được tổ chức tại Osaka và John Amos, nhà sáng lập của hãng bảo hiểm y tế Mỹ, Aflac, cũng tới tham dự. Ngạc nhiên vì sự giàu có của người dân, ông cũng nhận thấy có rất nhiều người Nhật Bản đeo mặt nạ để tự phòng tránh bị lây cúm hoặc cảm lạnh. Có thể nhiều người khác cũng nhận thấy điều này, nhưng ông là người nhìn thấy “quả chín” và đưa ra sự kết nối: Người Nhật Bản giàu có nhưng không thích mạo hiểm. Một công ty bảo hiểm có thể mong đợi gì hơn? Công ty phải mất bốn năm để được cấp phép, nhưng cảm nhận về cơ hội của John Amos được đền bù xứng đáng. Hiện nay, thị trường Nhật Bản chiếm hơn 2/3 tổng doanh thu 14 tỷ đô-la hàng năm của Aflac.

Nephew Dan Amos, CEO kế nhiệm của John Amos, cũng được thừa hưởng gen nắm bắt cơ hội của John, nhìn ra những “quả chín”: Trong một xã hội trọng nam, người Nhật Bản bỏ qua tiềm năng to lớn là những phụ nữ tài năng. Hiện giờ, hơn một nửa trong số 3.300 nhân viên của Aflac tại Nhật Bản là phụ nữ. Amos nói: “Rất khó thuê các nam nhân viên giỏi nhất vì phần lớn họ đều muốn làm cho các hãng danh giá của Nhật Bản. Và các tài năng nữ xuất sắc nhất nhìn thấy cơ hội tốt hơn khi trở thành nhân viên của chúng tôi so với một công ty của Nhật Bản.”

Tôi cũng có mặt tại hội chợ thế giới Osaka năm 1970, hội chợ thế giới đầu tiên mà Nhật Bản tổ chức. Tôi nhận thấy hai điều: (1) người Nhật Bản đảm bảo rằng họ có gian hàng tốt nhất, (2) họ đảm bảo hầu hết người Nhật Bản đều được trải nghiệm cảm giác chiến thắng tại cuộc ganh đua này. Chính quyền, ý thức được cơ hội nâng cao sự tự tin và tinh thần lạc quan của dân chúng, tổ chức những nhóm trình diễn đến từ tất cả các thành phố và vùng nông thôn; biến hội chợ thành một kiểu ăn mừng tinh thần đoàn kết. Khắp nơi tôi đều nhìn thấy những nhóm người đội những chiếc mũ có màu sắc đặc biệt, theo sau các hướng dẫn viên cầm cờ của nhóm, bằng chứng cho sự tái sinh của Nhật Bản.

Khi rời IBM để thành lập công ty riêng, tôi sớm có kinh nghiệm về hành động khi có cơ hội, sau khi tôi rời IBM để thành lập công ty riêng. Buổi tối ngày 17-1-1968, tôi nghe bài diễn văn về Tình hình Liên bang của Tổng thống Lyndon Johnson, trong đó ông tuyên chiến chống sự nghèo túng. Tổng thống nói về việc làm cho tất cả mọi người thoát khỏi cảnh đói nghèo, kể cả những người lúc đó được gọi là “những người thất nghiệp khó khăn nhất”, tức những người sống trong các khu dân cư da đen trên cả nước, chưa bao giờ có việc làm. Lúc đó, tôi nghĩ đến định nghĩa của Anh về những người khó khăn vào thời điểm bấy giờ rất chính xác: những người không thể có việc làm ngay cả ở thời điểm thuận lợi nhất. Tổng thống nói tiếp về việc mở một chương trình dạy nghề cho người thất nghiệp, trong đó có nhóm nói trên.

Khi nghe diễn văn, tôi nhận ra có thể cả tổng thống và các phụ tá của ông, cũng như chính phủ, đều chưa có bất kỳ chương trình đào tạo nào cho họ. Ngay lập tức, tôi bắt tay soạn thảo một đề án nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa chính những người này vào trong quá trình. Công ty Nghiên cứu Đô thị của tôi vốn được thành lập để giúp các công ty giải quyết những khủng hoảng đô thị, nên đề án này phù hợp với sứ mệnh của chúng tôi. Tôi hoàn thành đề án vào ngày hôm sau và ngay đêm đó đi New York để gặp Quỹ Ford. Một chương trình huấn luyện như vậy sẽ vô cùng tốn kém nhưng tôi cũng biết nếu xin tài trợ chính phủ thì sẽ mất một khoảng thời gian vô hạn để có được câu trả lời.

Hai hôm sau ngày phát biểu của tổng thống, tôi đến tại văn phòng Quỹ Ford, trình bày đề án. Có vô số dự án, họ chưa lưu tâm đến việc đào tạo người thất nghiệp; nhưng tất cả đã nghe bài phát biểu. Được quyết định tài trợ trong vòng 24 giờ, đề án của tôi là đề án mà Quỹ Ford thông qua nhanh nhất trong lịch sử của mình, thể hiện quan điểm mà chúng tôi chia sẻ về tính cấp thiết của vấn đề và cam kết giải quyết nó. Đó là dự án lớn đầu tiên cho công ty mới của tôi. Kết quả là một năm sau, một bộ giáo trình 12 tập ra đời, được Bộ Lao động phân phối. Khi nhiệm kỳ của tổng thống Johnson kết thúc vào năm tiếp theo, công sức và nguồn tiền dành cho cuộc chiến chống sự nghèo túng đó cũng bị rút đi.

Tư duy kinh doanh chính là khả năng nhìn thấy ngay và làm điều gì đó sáng tạo cùng với cơ hội vừa đến. Nhiều câu chuyện thành công kể về những chàng trai và cô gái ở độ tuổi 30 hoặc trẻ hơn, nhưng không có giới hạn tuổi tác nào cho một khởi đầu mới – bổ sung kinh nghiệm cho năng lực. Đôi khi một khởi đầu mới lại bắt đầu bằng một kết thúc, là một bước lùi nhỏ để tiến một bước quyết định. Có nhiều trường hợp như vậy, trong đó có câu chuyện về Maxine Martens. Là chuyên gia tìm kiếm nhân tài cho vị trí điều hành trong giới thời trang, bà đã rất thành công. Sau này tôi được biết, bà làm việc với những nhãn hiệu nổi tiếng khắp hành tinh như: Cartier, Louis Vuitton, Ralph Lauren, Gap… Đây là một bức thư mà bà đã viết:

John thân mến, 

Tôi cảm thấy thế nào khi bị sa thải ư? Nó như một trận lở đất cuốn phăng đời tôi. Đột nhiên thế giới khác hẳn đi. 

“Bà không phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp chúng tôi; bà không đưa công việc tới nơi chúng tôi muốn. Chúng tôi đang cơ cấu lại tổ chức; vậy chúng ta sẽ chia tay nhau ở đây.” Tại sao không ai trân trọng các đóng góp, nhân cách và sự lãnh đạo của tôi? Tôi rơi xuống vực thẳm. 

Tại sao lại là tôi? Tôi vẫn là người như trước đây, một giám đốc điều hành và người đóng góp chính trong một công ty tìm kiếm nhân tài của Mỹ. Giờ đây tôi bị sa thải, bị đuổi việc, bị từ chối; người ta không còn cần đến tôi, không còn muốn có hay yêu quý tôi nữa. Nhưng có một câu nói thâu tóm tất cả: “Tôi không biết làm thế nào để bà cảm thấy mình là một phần của nhóm – bà không chơi gôn.” 

Dù đó là một câu nói đùa, kinh nghiệm điều hành tuyển dụng cho tôi biết rằng người ta nói thật. Chỉ bấy nhiêu thôi đã thay đổi mọi thứ. Tôi biết mình phải đi vì sự khác biệt giữa chúng tôi và các giá trị cốt lõi bị đóng kín trong quan niệm cho rằng một người chơi gôn tạo ra sự khác biệt. 

Sau nhiều ngày choáng váng, tôi quyết định phải sống. Chẳng lẽ tôi không có tự do và cơ hội xem mình là ai, muốn làm việc gì và với ai, chứ không chỉ nghĩ về việc kiếm sống và trả học phí cho đứa con gái đang học đại học của mình sao? 

Vì thế, một tuần sau khi bị sa thải ở tuổi 55 bởi lý do “không phù hợp với văn hóa doanh nghiệp”, tôi quyết định làm điều mình vẫn làm tốt nhất từ năm 1972. Tôi đi du lịch. Kể từ lần đầu tiên đi châu Âu để mua sắm, tôi đã thích được gặp gỡ những người có cuộc sống, lịch sử và kinh nghiệm khác mình. 

Trong chuyến đi, tôi nói chuyện với những người ủng hộ và những kẻ gièm pha mình, những người muốn là đối tác của tôi và những người chỉ quan tâm tới mối làm ăn tôi có thể mang tới. Chúng tôi thảo luận xem phong cách và lối sống hợp nhau ra sao chứ không nói về các cơ hội chúng tôi có thể cùng nhau khai thác và xây dựng. Tuần thứ hai, một luật sư Thụy Sỹ, sau khi nghe tôi nói, đã hỏi: “Sao bà lại muốn là một phần trong tầm nhìn của ai đó một lần nữa? Sao bà không làm theo tầm nhìn của chính mình?” 

Tôi đã làm trong ngành 17 năm. Trong 10 năm cuối, tôi đã luôn nghĩ tới việc có một công ty riêng, đi khắp thế giới và gặp gỡ mọi người, vừa kiếm sống vừa xây dựng cầu nối giữa các văn hóa doanh nghiệp và các công ty, ở Mỹ, châu Âu, châu Á. Tìm kiếm và sắp xếp những cá nhân có khả năng thâm nhập văn hóa và di sản của một công ty, dùng sự nhạy bén trong kinh doanh, kinh nghiệm, sức sáng tạo và quan điểm của mình để bổ sung giá trị cho công ty. Nhưng tôi lại chưa có can đảm để tự mình bước đi. 

Đêm đó tại Zurich, tôi bắt đầu vẽ ra bức tranh về công ty của mình: một công ty tìm kiếm nhân tài của Mỹ có trụ sở đặt ở New York. Tôi lên danh sách cụ thể cho việc cần phải làm, một bà già 55 tuổi như tôi, muốn sống và làm việc như thế nào. Sáng hôm sau, tôi gửi thư điện tử cho một người bạn kinh doanh ở Paris, cô ấy đã nhắn tin trả lời: “Ừ, thế mới là bạn chứ! Hãy làm đi!” 

Chúng tôi bắt đầu tại căn hộ của tôi ở New York: đối tác kinh doanh của tôi từ 12 năm nay; một cô gái 20 tuổi; nhân viên quản trị tìm kiếm, một cô gái người Áo 24 tuổi có năng lực; nhân viên phụ trách tài chính và các hoạt động ‒ con trai tôi, mới tốt nghiệp trường Georgetown. Không ai trong chúng tôi có kinh nghiệm thành lập công ty, hầu hết là người Mỹ đã sống và làm việc ở nước ngoài và có tiếp xúc với nhiều nền văn hóa. Tuyên bố về sứ mệnh, giá trị và triết lý hành động của chúng tôi được viết ra, dựa trên ý tưởng về môi trường và công việc kinh doanh chúng tôi muốn tạo dựng cũng như phản hồi từ phía khách hàng. 

Sau đó, chúng tôi tìm được một văn phòng đẹp và từ đó có thể đi bộ tới gặp hầu hết khách hàng. Ngày chúng tôi đăng ký thành lập công ty, luật sư hỏi chúng tôi đã tìm thấy địa điểm chưa. Và khi nhận được trả lời: “Chưa chắc chắn 100%,” anh nói: “Vậy hãy chạy tới gặp người môi giới bất động sản này, ông ta có nơi lý tưởng dành cho bà, người thuê nó vừa mới trả lại.” 

Đến bây giờ, chúng tôi đã tăng gấp ba quy mô nhân sự và số lượng khách hàng. Chúng tôi tiếp tục học hỏi, phạm lỗi, tìm kiếm lời khuyên, gặp những khách hàng và ứng cử viên tuyệt vời. Chúng tôi đã thay đổi và vẫn sử dụng rất nhiều bộ công cụ trước đây đã có. Thật tuyệt vời khi được chứng kiến tất cả chúng tôi đã phát triển và thay đổi như thế nào, nó giống như những đám mây vẫn bay qua các tòa tháp nguy nga ở Công viên Trung tâm Phía Tây. 

Maxine 

Tôi muốn kết luận bằng một câu nói của George Bernard Shaw:

“Con người hay đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tôi không tin vào hoàn cảnh. Những người thành công trong thế giới này là những người đứng dậy và tìm kiếm hoàn cảnh họ muốn, nếu không tìm thấy, họ sẽ tạo ra chúng.”

THAY ĐỔI LÀ CHA ĐẺ CỦA SỰ ĐỔI MỚI

Những người tìm kiếm cơ hội biết rằng tương lai cùng những thay đổi của nó mang lại cơ hội. Còn những người giải quyết vấn đề chỉ đang đối phó với ngày hôm qua.

Thời điểm thay đổi là thời điểm của cơ hội. Khi mối quan hệ giữa người và vật đang chuyển dịch thì sự sắp xếp mới sẽ tạo ra nhu cầu mới và mong muốn đem lại những khả năng mới. Hãy chú ý đến những người biết nắm lấy những cơ hội mới và biết làm gì với chúng.

Chú thích: 

1. George Bernard Shaw (1856 – 1950): là nhà soạn kịch người Anh gốc Ireland đã đoạt giải Nobel Văn học năm 1925. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.