11 Lối Tư Duy Thay Đổi Cách Nhìn Và Sáng Tạo Tương Lai

Chương 3: TRUNG QUỐC



Ngoại vi chính là trung tâm

Nhiều người lo lắng Trung Quốc có thể sụp đổ. Thực tế, Trung Quốc đang đi theo hướng kép toàn cầu hóa và phi tập trung hóa mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới ‒ một tiến trình thiết yếu cho sự bền vững, mang đến hiệu quả và sức mạnh hơn nữa cho các tỉnh, thành phố và khu vực của quốc gia này. Ngoại vi chính là trung tâm. 

Khi tới Mỹ năm 1979, Đặng Tiểu Bình đi thăm nhà máy Ford bên ngoài Atlanta, lúc đó trong một tháng nhà máy này sản xuất ra nhiều xe hơn toàn bộ đất nước Trung Quốc trong một năm. Ông nói: “Ở Trung Quốc, chúng tôi đang phải cải tạo sự lạc hậu và nhanh chóng bắt kịp với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Chúng tôi muốn học các bạn.” Ông hy vọng sẽ biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghiệp trước năm 2000. Năm 1979, Trung Quốc chế tạo được 13.000 chiếc ô tô. Năm 2004, 25 năm sau chuyến thăm tới Mỹ, có hơn 5 triệu chiếc xe được 120 nhà sản xuất xuất xưởng tại đây

Đặng Tiểu Bình bắt đầu các cải cách nông nghiệp năm 1978 và tới thăm Mỹ vào năm sau đó để đẩy mạnh việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, tuyên bố Trung Quốc mở cửa cho các cơ hội làm ăn. Tôi đã tham dự buổi tiếp đón ông tại Washington trong chuyến thăm đó và khá kinh ngạc, cũng như nhiều người khác, khi gặp một người đàn ông nhỏ bé nhưng các kế hoạch lại vô cùng lớn.

Trải nghiệm của tôi về Trung Quốc được đánh dấu trong chuyến thăm Đài Loan cách đây 40 năm. Đài Loan mới chỉ ở vào giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa nhưng các biện pháp cải cách nông nghiệp thì thật ấn tượng và tôi dự định tới đó tìm hiểu xem họ đã làm thế nào. Tôi nhớ tới một bữa ăn tại Đài Trung năm 1967. Đó là một địa điểm đặc biệt do bạn tôi chọn, nhưng ngay cả các nhà hàng khiêm tốn nhất hiện nay cũng có thể phục vụ đồ ăn chất lượng tốt hơn nhà hàng đó nhiều, chưa nói tới các vấn đề về vệ sinh. Trong suốt bữa ăn, giờ nghỉ ăn trưa, một người đàn ông trông có vẻ dữ tợn tiến về phía bàn ăn của chúng tôi và bắt đầu trò nuốt lửa. Ngay ở phòng bên, hàng trăm công nhân đang dùng xẻng đào bới để xây móng cho một tòa nhà. Đất được chở đi bằng thúng trên vai những người phụ nữ. Mọi thứ tại Đài Loan ở trong tình trạng nguyên thủy.

Hôm nay, khi nhớ lại các kỷ niệm về Trung Quốc, tôi càng hiểu rõ những thay đổi diễn ra phi thường như thế nào. Và rồi, lần nào đi Trung Quốc tôi cũng bị ngạc nhiên và ấn tượng.

DƯỚI BÁNH XE LỊCH SỬ

Năm 1957, Mao Trạch Đông nói: “Hệ thống xã hội chủ nghĩa cuối cùng sẽ thay thế hệ thống tư bản; đây là một quy luật khách quan độc lập với ý muốn của con người. Dù các thế lực phản động cố đẩy lùi bánh xe lịch sử, sớm hay muộn cách mạng cũng sẽ nổ ra và chắc chắn giành thắng lợi.” Đó là nhận định của ông về những điều gắn liền với thời điểm này.

Nixon bắt đầu bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 1972, và một thời gian sau, tôi có chuyến thăm đầu tiên tới Đại Lục. Điều đọng lại trong tôi là một khung cảnh không màu sắc: không có gì ngoài những căn nhà giản dị, những bộ đồ màu xám treo trên dây và người Trung Quốc trong những bộ đồng phục màu xám trên các đường phố. Và tôi chưa từng bay trong Trung Quốc trên một chiếc máy bay của Trung Quốc.

Sau khi Mao Trạch Đông mất năm 1976, Đặng Tiểu Bình đã trở thành chủ tịch Đảng. Ông là tác nhân lớn nhất cho sự thay đổi của Trung Quốc với mục tiêu đưa các chính sách của nền kinh tế thị trường trở về đúng chỗ, một bước cải cách kinh tế vĩ đại. Câu châm ngôn nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình chỉ đạo đường lối đổi mới của Trung Quốc là: “Mèo đen mèo trắng không quan trọng, miễn là bắt được chuột.”

Trong những năm 1980, Đặng Tiểu Bình bắt đầu công cuộc đổi mới với những đặc khu kinh tế ở một số thành phố được chọn. Con đường phát triển thần kỳ của Trung Quốc từ những ngày sơ khai đó đến một Thượng Hải (một trong những thành phố trung tâm của châu Á trong những năm 1920) siêu hiện đại như ngày nay – vẫn là một ẩn số lớn. Đặng Tiểu Bình mất năm 1997 và chắc chắn ông sẽ đi vào lịch sử như một nhà giải phóng vĩ đại của Trung Quốc.

CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VỚI TÍNH CÁCH TRUNG HOA

Những bước phát triển vượt bậc của Trung Quốc gắn liền với cải cách chính trị. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế năng động nhất, tăng trưởng khoảng 20%/ năm, gấp hơn hai lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Sự trỗi dậy của giới doanh nhân đang thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc.

Từ năm 1995, Carrefour, tập đoàn siêu thị bán lẻ của Pháp đã xây dựng chuỗi cửa hàng lớn thứ hai ở Trung Quốc. Đầu năm 2006, hãng đã có tới 70 cửa hàng lớn tại quốc gia này và hàng năm tăng thêm 15 cửa hàng nữa. Hãng này đã tiến hành hoạt động kinh doanh trực tiếp với chính quyền thành phố ở các địa phương.

Kể từ chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc năm 1967, tôi đã chứng kiến tất cả những biến đổi mà đất nước này trải qua. Các mối quan hệ chủ yếu của tôi ở Trung Quốc là với ban lãnh đạo và các doanh nhân; tôi đã giảng dạy và gặp gỡ với sinh viên, giảng viên của nhiều trường đại học. Tôi cũng đã gặp gỡ nhiều ủy viên đương chức của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, trong đó có cả Chủ tịch nước Giang Trạch Dân.

Tôi gặp ông năm 1998, tại Trung Nam Hải, khu vực dành riêng cho các lãnh đạo trung ương. Căn phòng mà chúng tôi đang gặp gỡ chính là nơi Mao Trạch Đông đã từng tiếp khách. Trong suốt hai giờ nói chuyện riêng, tôi biết thêm nhiều điều về Trung Quốc và bản thân Giang Trạch Dân. Trong bối cảnh tăng trưởng của nền kinh tế, ông đã hỏi điều gì tôi cho là tồn tại lớn nhất của Trung Quốc. Tôi nói: “Tôi cho rằng vấn đề lớn nhất chính là làm cách nào để khiến các công ty quốc doanh lớn của Trung Quốc hoạt động hiệu quả ở một mức độ nhất định mà không tạo ra tình trạng thất nghiệp quá lớn trong mọi thời điểm.”

Với tôi, điều đáng nhớ nhất trong cuộc gặp đó là những trao đổi rất thân mật về thời niên thiếu và học sinh. Giang Trạch Dân kể rằng ông đã từng là một công nhân trong dây chuyền lắp ráp ô tô tại Thượng Hải trong cuộc Cách Mạng văn hóa. Ông nói chuyện với tôi hoàn toàn bằng tiếng Anh. Điều tôi ngạc nhiên nhất ở ông chính là việc ông đọc thuộc lòng bài phát biểu của Tổng thống Abraham Lincon tại Gettysburg. Nó kết thúc bằng câu: “…rằng quốc gia này dưới sự bảo hộ của Chúa sẽ tạo ra sự tự do mới – và rằng chính quyền của dân, do dân, vì dân sẽ không bao giờ diệt vong trên trái đất”.

TRUNG QUỐC ĐỨNG Ở ĐÂU?

Rõ ràng Trung Quốc đã trở thành “phân xưởng của thế giới” và nhiều người lo con rồng này sẽ hút hết việc làm. Điều này không có gì mới. Nhìn lại lịch sử, trong thời kỳ Cách mạng Công nghiệp, phân xưởng thế giới là nước Anh, sau đó là Mỹ, và trong suốt 1/4 cuối của thế kỷ XX là Nhật Bản và Hàn Quốc. Bây giờ đến lượt Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc sẽ không chỉ là phân xưởng của thế giới, sản xuất nhiều hàng hóa hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Chúng ta cũng sẽ chứng kiến Trung Quốc phát triển những công nghệ sẵn có và tạo ra những công nghệ mới. Trung Quốc thống trị mảng sản xuất của ngành dệt may toàn cầu, năm 2004 xuất khẩu 95 tỷ đô-la hàng dệt may. Khoảng 25.000 nhà thiết kế quần áo làm việc tại Trung Quốc và tập trung đông nhất tại Thượng Hải ‒ thành phố được kỳ vọng về khả năng cạnh tranh với các trung tâm thời trang lớn như: Milan và New York trong những năm tới. Theo thời gian, Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm thiết kế của thế giới, không chỉ trong sản xuất mà còn cả về thời trang. Hôm nay chúng ta xuất công việc của ngày hôm qua tới Trung Quốc; ngày mai, Trung Quốc sẽ xuất khẩu một vài trong số các sản phẩm thế hệ kế tiếp tới chúng ta.

ĐIỀU GÌ ẨN CHỨA TRONG TRUNG QUỐC NGÀY NAY?

Hãy nhớ, khi chúng ta muốn dự đoán tương lai, lối tư duy quan trọng là “Tập trung vào kết quả”. Điều này không dễ khi nói tới kinh tế Trung Quốc. Những lời đồn đại và sự cường điệu về sự tăng trưởng của Trung Quốc đã dẫn tới những thông tin phóng đại về việc nước này đang phát triển nhanh thế nào và nhiều người đang dự đoán thời điểm nền kinh tế này sẽ vượt qua Mỹ.

Khi hình dung Trung Quốc đang đứng ở đâu và sẽ ở đâu trong 10 năm sắp tới, bạn sẽ phải đặt mức tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc, theo báo cáo năm 2004, vẫn đứng thấp hơn hàng thứ 100 trên thế giới. Nền tảng kinh tế Trung Quốc rất thấp khi so với Mỹ và Mỹ đang không ngừng phát triển. Thậm chí ở mức tăng trưởng hiện tại, sẽ mất ít nhất 30 hoặc 40 năm để Trung Quốc có thể theo kịp mức sống ở Mỹ. Có thể bạn cũng cần ghi nhớ “những gì chúng ta mong muốn xảy ra luôn diễn ra chậm hơn” và đôi khi là không bao giờ xảy ra.

Cây viết chuyên đề Ben Stein đã nói: “Điều này gợi chúng ta nhớ tới các phương tiện đưa tin và Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã phản ứng thế nào sau sự kiện phóng thành công tàu Sputnik năm 1957. Lúc đó, người ta dự báo Liên Xô sẽ nhanh chóng trở thành bá chủ công nghệ và kinh tế. Dự đoán đó dựa trên một số giả thiết sai lầm và có quá nhiều sự quá khích. Rõ ràng chuyện đó đã không xảy ra.” 

Ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ vượt lên dẫn đầu được cổ vũ thêm khi ngày 20-12-2005, Trung Quốc thông báo nền kinh tế nước này lớn hơn một chút so với ước tính trước đó. Các thống kê mới cho thấy Trung Quốc đã vượt qua Pháp, Ý và Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư sau Mỹ, Nhật Bản và Đức.

Một nhà kinh tế học tại Goldman Sachs, Hồng Kông nói: “Chúng ta hiện đang có một cái nhìn bao quát về kinh tế Trung Quốc. Không chỉ lớn hơn một chút – đó là một nền kinh tế lớn hơn rất nhiều.”

Trung Quốc đã làm mới bức tranh kinh tế sau cuộc điều tra kéo dài một năm trên toàn quốc, huy động tới hơn 3 triệu kiểm toán và giám sát viên – phát hiện thêm 280 tỷ đô-la trong sản lượng kinh tế cho năm 2004, đưa GDP của nước này lên 2 nghìn tỷ đô-la. GDP của Mỹ là hơn 12 nghìn tỷ đô la. Phần lớn trong số 280 tỷ đô-la rõ ràng là đến từ khu vực dịch vụ đã mạnh hơn nhiều (từ 32% lên 41%) và sự gia tăng của các công ty có quy mô vừa và nhỏ.

Thống kê mới về vị thế kinh tế của Trung Quốc chỉ ra rằng nước này giờ đã ít phụ thuộc hơn vào ngành chế tạo và xuất khẩu, tin tốt lành cho những công ty muốn bán sản phẩm. Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng phi thường với tốc độ hàng năm gần 10% trong gần ba thập kỷ. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc cứ sau bảy năm rưỡi lại tăng gấp đôi.

Nhà kinh tế này đánh giá ý nghĩa quan trọng nhất của thông báo là: “Trung Quốc có mắc bệnh ung thư hay bị bệnh về cấu trúc không, hay liệu có sai sót gì với tấm phim

X-quang không? Một vài năm qua, rất nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng đã coi việc giá trị đầu tư cao ngất ngưởng so với tỷ lệ GDP là vấn đề nghiêm trọng. Giờ đây dường như chính máy chụp X-quang có vấn đề chứ không phải bệnh nhân.”

Câu hỏi hiện nay về nền kinh tế dẫn đầu không phải là câu hỏi về Mỹ hay Trung Quốc, mà là về eBay hay Jack Ma, người sáng lập Alibaba.com và trang tiêu dùng TaoBao tại Hàng Châu, cách Thượng Hải 96 km về phía Nam. Bà

Meg Whitman, giám đốc eBay, nói: “Trung Quốc là một thị trường mà ở đó eBay phải thắng nếu muốn trở thành công ty toàn cầu. Và bà sẽ phải đương đầu với Jack Ma.”

Trang tiêu dùng TaoBao của Jack Ma và eBay đang cùng nỗ lực hết sức để cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc. Jack Ma nói: “eBay có thể là cá mập ở đại dương, nhưng tôi là cá sấu trên sông Dương Tử. Nếu chúng tôi chiến đấu ngoài đại dương, tôi thua; nhưng nếu chiến đấu trên sông, tôi sẽ thắng.” Analysys Intertanional (Phân tích Quốc tế) nói trang TaoBao.com của Alibaba dẫn đầu thị trường thương mại điện tử C2C (người tiêu dùng đến người tiêu dùng) tại Trung Quốc về số lượng giao dịch và đã dự đoán rất có thể nó sẽ vượt qua eBay về số người đăng ký trong năm 2006.

TaoBao hiện chiếm hơn 40% doanh số đấu giá trực tuyến tại Trung Quốc, so với tỷ lệ 53% của eBay. Đội ngũ nhân viên TaoBao dương cao lá cờ in hình linh vật là những chú kiến thợ, với hàm ý là họ tuy nhỏ bé nhưng đoàn kết và có thể đánh bại cả voi.

Nền tảng của Ma khiến ông trở thành người thích hợp để kết nối hai giới kinh doanh phương Tây và Trung Quốc. Ông trưởng thành vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ 1980 và tại thành phố Hàng Châu lịch sử. Ông háo hức học hỏi và cải thiện vốn tiếng Anh. Ông làm hướng dẫn viên du lịch không công cho các du khách nước ngoài tới thăm thành phố quê ông. Ma tốt nghiệp Học viện Đào tạo Giáo viên Hàng Châu chuyên ngành tiếng Anh năm 1988. Ông dạy tiếng Anh và thương mại quốc tế trong vài năm tại Viện Kỹ thuật Điện tử Hàng Châu. Một đối tác như Ma là lợi thế khó tin cho bất kỳ công ty nào khi phải đối mặt với thách thức thiết lập thương hiệu tại Trung Quốc – rào cản ngôn ngữ.

NGOẠI VI CHÍNH LÀ TRUNG TÂM

Trong khi phương Tây cảm thấy gần như bị áp đảo trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, thì những gì diễn ra bên trong đất nước này còn khốc liệt hơn.

Những điều người ta nói về Trung Quốc đều tập trung vào các bước tiến sản xuất chế tạo, trong khi đó các thay đổi về diện mạo đô thị bị xem nhẹ diễn ra ở mức độ khó tin. Các trung tâm đô thị cũ đang bị kéo đổ và hàng triệu người đang tái định cư theo các dự án xây dựng lớn, chắc chắn sẽ định hình lại đất nước Trung Quốc trong thế kỷ XXI.

Trung Quốc có 166 thành phố có dân số hơn 1 triệu người – so với con số 12 triệu tại Nhật Bản, 9 triệu tại Mỹ và 1 triệu tại Anh. Nhiều thành phố bạn chưa từng nghe nói có dân số 6, 7 hoặc 8 triệu người. Tốc độ đô thị hóa nhanh đã đưa hàng trăm triệu nông dân Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo.

Năm 2002, Fred Li, chủ tịch một công ty Đài Loan, đưa chúng tôi tới gặp mặt bộ máy chính quyền địa phương của thành phố Thanh Đảo. Thành phố có 7 triệu người và tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc: 32% vào năm 2001. Thanh Đảo là một trong những thành phố đẹp nhất Trung Quốc. Chúng tôi ở trong một khách sạn năm sao mới xây. Ngay bên cạnh khách sạn, một công viên giải trí giống Disney mới mở cửa. Ngang qua con đường cao tốc hiện đại, ngay tại Hoàng Hải, các biệt thự bãi biển xa hoa sắp được hoàn thành, đang đợi những người dân địa phương giàu có tới mua hoặc thuê.

Hầu hết tất cả các thành phố đều trở thành những công trường xây dựng rộng lớn. Mọi thành phố đều muốn phát triển thành một thành phố thế giới. Tất cả đều đang xây các sân bay quốc tế. Báo chí phương Tây tập trung vào ba thành phố lớn của Trung Quốc: Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Nhưng trên khắp Trung Quốc, số các thành phố được tái sinh “đang mọc lên như nấm sau cơn mưa”.

Thành phố đi đầu trong công cuộc phục hưng đô thị là thành phố công nghiệp cũ Cáp Nhĩ Tân ở hành lang phía bắc Trung Quốc. Cáp Nhĩ Tân xuất hiện trên các bản tin năm 2005 khi một vụ nổ nhà máy hóa chất cách sông 320 km đã làm ô nhiễm nguồn nước của cả thành phố. Nhưng điều đó không làm chậm lại dự án đô thị tham vọng nhất Trung Quốc. Cáp Nhĩ Tân hiện đang xây dựng một trung tâm thành phố mới cho 9 triệu người lấy tên là Tùng Bắc, nằm ở phía sau sông Tùng Hoa.

Tùng Bắc có diện tích 730 km2 gồm những tòa nhà văn phòng, khu dân cư cao tầng, các biệt thự hạng sang, khách sạn năm sao, khu liên hợp mua sắm và giải trí, khu thương mại và công nghiệp. Nó sẽ có quy mô gần bằng thành phố New York.

Cách Thượng Hải hai giờ đi tàu về phía bắc, Nam Kinh đang tạo ra một thị trấn mới rộng 95 km2. Tương tự với các thành phố Ninh Bạc, Giang Châu, và Nam Sung. Dương Châu đang phát triển một kế hoạch tổng thể cho một thị trấn mới rộng 150 km2. Trường Xuân ở phía Bắc đang di chuyển trung tâm kinh doanh tới một vị trí mới.

Mô hình cho các trung tâm thành phố mới trong tương lai là Phổ Đông, nằm bên bờ Đông sông Hoàng Phố thuộc Thượng Hải, nơi hơn 200 tòa nhà chọc trời đã được xây dựng chỉ trong một thập kỷ. Thượng Hải hiện đang giải tỏa 1.300 mẫu đất mặt sông để tái định cư 50.000 dân và 270 nhà máy, trong đó có cả nhà máy đóng tàu lớn nhất nước, để xây khu Hội chợ Thế giới (World Expo) sẽ được tổ chức năm 2010.

Sự cạnh tranh diễn ra khốc liệt giữa các thành phố nhóm hai (sau Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu). Mức độ toàn cầu hóa ngang bằng với mức độ phi tập trung hóa, các thành phố đang thoát khỏi sự quản lý của chính quyền trung ương tại Bắc Kinh, theo kiểu “phép vua thua lệ làng”. Hiện nay, Bắc Kinh vờ giữ vai trò quy định và các tỉnh thành vờ như chịu sự quy định. Một câu ngạn ngữ nói rằng ở Trung Quốc “ngoại vi là trung tâm” hiện đúng hơn bao giờ hết.

Sự hăm hở hiện đại hóa khiến nhiều nhà quan sát đi quá xa khi dự đoán rằng Trung Quốc sắp trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Nhưng ngoại suy quá xa khỏi đám đông theo mong muốn của mình đã bịt mắt bạn giống như việc đi quá xa vậy. Để đánh giá Trung Quốc đang đứng ở đâu và sắp đi đâu, cần phải đánh giá các mảnh ghép khác nhau trong bức tranh Trung Quốc và so sánh nó với một bức tranh khác.

TÊN CỦA HOA HỒNG THẬT SỰ CÓ NGHĨA Ở TRUNG QUỐC

Ngôn ngữ nói của Trung Quốc khác nhau giữa các vùng. Tùy thuộc vào hệ phân loại được sử dụng, có từ 6 đến 12 nhóm khu vực chính. Phổ biến nhất theo thứ tự là tiếng quan thoại, Ngô ngữ và tiếng Quảng Đông.

Chữ viết tiếng Trung là các hình vị không phụ thuộc vào sự thay đổi về ngữ âm. Nhưng chính tả của các phương ngữ không hoàn toàn giống nhau. Từ vựng của các phương ngữ khác nhau vẫn tách biệt nhau. Ngoài ra, trong khi vốn từ văn chương vẫn được dùng chung trong tất cả các phương ngữ, chữ viết tiếng Trung thông dụng có các “hình vị phương ngữ” mà có thể các phương ngữ khác không hiểu nổi hoặc các hình vị được coi là cổ xưa so với ngôn ngữ viết chuẩn, và đây là một cơn ác mộng dịch thuật cho phương Tây. Lost in Translation (Lạc trong thế giới dịch thuật) là nhan đề một bộ phim đã trở thành truyện đùa cho những khẩu hiệu không thể nhận ra khi được dịch: với American Express, “Đừng ra khỏi nhà nếu không có nó” trở thành “Ở nhà với nó”; với Burger King “Có nó theo cách của bạn” thành “Hãy chối bỏ lý tưởng xã hội chủ nghĩa”; với Rice Krispies “Cắn! Rắc! Bốp!” thành “Vỡ, nát, và nổ”; với Sprite “Thỏa mãn cơn khát của bạn” thành “Các người buộc phải uống”…

Trang web của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc đưa ra một bản báo cáo từ Baker& McKenzie về thất bại của một công ty không hề thua kém Coca-Cola về mặt quy mô.

Câu chuyện Coca-Cola lựa chọn tên gọi Trung Quốc như thế nào đã được kể. Tuy nhiên, nó xứng đáng được kể lại ở đây như một ví dụ tiêu biểu nhất về việc chuyển ngữ và các phương pháp khái niệm nên được đồng vận hành như thế nào. Theo ông H. F. Allman, nguyên cố vấn luật pháp tại Trung Quốc của Coca-Cola, công ty nhận thấy các nỗ lực lớn nhằm tiếp thị sản phẩm Coke tại Trung Quốc, nhiều chủ cửa hàng đã chọn các biển hiệu có tên nghe giống Coca-Cola mà không quan tâm chút nào tới ý nghĩa của chúng. Một biển hiệu được dịch thành “ngựa cái bị đóng chặt sáp ong”; một tấm biển khác hô hào khách hàng “cắn con nòng nọc sáp ong”… Cuộc tìm kiếm kết thúc bằng cách gọi “ke kou ke le”. Trong tiếng quan thoại, cách gọi này nghe rất gần với Coca-Cola và cũng mang ý nghĩa tích cực, là “thức uống đem lại lạc thú”. Tuyệt! Pepsi-Cola, cũng dịch thương hiệu của mình thành “bai shi ke le”, nghĩa là “trăm sự lạc thú”. 

Trong cuốn sách Megatrends Asia, xuất bản năm 1995, tôi viết rằng để làm việc ở Trung Quốc, điều cần thiết (và thường cũng là yêu cầu của luật pháp) là phải có một đối tác Trung Quốc. Truyền tải ý nghĩa và cảm xúc bạn muốn gửi gắm trong logo thương hiệu là điều không thể thiếu nếu muốn tồn tại trong kinh doanh. Phải từ bỏ ý nghĩ tiết kiệm chi phí ở đây. Coca-Cola thuê Alan Chan, nhà thiết kế đồ họa danh tiếng được đào tạo tại Hồng Kông, thiết kế lại tên thương hiệu sử dụng kiểu chữ nghệ thuật. Biểu tượng bằng chữ tiếng Trung đầu tiên của Coca-Cola kể từ năm 1979 được đưa ra vào tháng 2- 2003.

Nhiều công ty của Mỹ tham gia ngày càng sâu vào Trung Quốc. PepsiCo là chủ trại khoai tây tư nhân lớn nhất Trung Quốc. Lúc đầu, Pepsi-Cola tham gia ngành trồng khoai tây để tăng chất lượng và cung cấp cho công việc kinh doanh khoa tây chiên tại Trung Quốc. Không phải bất kỳ loại khoai tây nào cũng có thể dùng để chế biến mặt hàng này. Chỉ loại có hình dáng lý tưởng, tròn và to như quả bóng chày, có thể thu hoạch vào đúng thời điểm và được xử lý nâng niu, cẩn thận. Đó không phải là công việc dễ dàng cho ngành nông nghiệp truyền thống vẫn còn thô sơ của Trung Quốc.

McDonald làm việc với các nhà cung cấp để tăng chất lượng đã nhiều năm ; nhưng thuê đất tại Nội Mông và Bắc Hải, phía nam tỉnh Quảng Tây, để trở thành đối tượng canh tác là một trải nghiệm hoàn toàn mới với PepsiCo.

Bob Shi, giám đốc điều hành phụ trách kinh doanh đồ ăn nhanh của Pepsi-Cola, nói: “Pepsi-Cola không phải là một công ty nông nghiệp. Nhưng để tạo dựng được một thị trường, chúng ta phải đi những bước phụ như thế này nữa.”

Pepsi đã quyết định tạo dựng sự có mặt của mình trên toàn cầu bằng cách thống lĩnh thị trường đồ ăn nhẹ thay vì đối đầu trực tiếp với ngành giải khát của Coca-Cola. Và thực tế, trên đại lộ mua sắm lớn nhất Thượng Hải số biển hiệu Pepsi vượt số biển hiệu Coke tới bốn lần.

CON RỒNG GIẢ TRANG

Khi cuốn Megatrends được xuất bản tại Trung Quốc, tôi đã được mời tới giảng bài tại trường Đại học Thượng Hải. Tôi bước lên bục phát biểu dọc theo lối đi trung tâm và các sinh viên đồng loạt vỗ tay theo nhịp chào đón tôi bước vào. Điều đó chưa bao giờ xảy ra tại Mỹ.

Bài phát biểu chứa khá nhiều cảm xúc và chúng tôi đã có một buổi thảo luận rất tuyệt vời. Một lần nữa tôi khẳng định, sinh viên Trung quốc nằm trong số những sinh viên nhiệt tình và thông minh nhất trên thế giới. Sau bài phát biểu của tôi, các sinh viên bắt đầu xếp hàng chờ tôi ký tên vào cuốn sách. Trong quá trình ký tặng, tôi nhận ra là hầu như mỗi cuốn sách đều có bìa khác nhau, và chỉ một vài cuốn có thiết kế bìa giống bìa nhà xuất bản gửi cho tôi: số quyển nhái vượt xa số lượng những quyển thực.

Tôi nhớ kinh nghiệm này khi đọc về Giorgio Armani tại Trung Quốc. Điều đó khiến tôi hiểu cảm giác của ông khi được chào bán một chiếc đồng hồ Armani rởm với giá

22 đô-la tại Thượng Hải. “Đó là một bản sao y hệt một chiếc Armani Emporio,” ông nói. Sự khác nhau giữa đồng hồ Armani và sách ở Trung Quốc là bạn không thể trông đợi kiếm tiền từ sách, nhưng bạn thật sự lo lắng mức độ trung thành của chúng so với nguyên tác.

Armani nói: “Hàng giả có thể gây ra bối rối cho khách hàng. Tuy nhiên, bị sao chép cũng là điều đáng tự hào. Bạn bị sao chép nghĩa là bạn đang làm ra một thứ chuẩn.” Ông có vẻ buồn khi biết một số cửa hàng tại Trung Quốc – Giorgio Armani, Armani Fiori, Emporio Armani – “không hề có liên quan gì tới tôi”.

Điều ẩn chứa trong hiện tại là một khi người Trung Quốc trải nghiệm việc chính thương hiệu của họ bị sao chép, thì họ sẽ trở thành người thổi còi, giống như Đài Loan đã từng làm.

Bất chấp con đường gồ ghề phải đi giữa số dân khổng lồ và việc đổ xô theo hướng hiện đại hóa, Trung Quốc vẫn là thanh nam châm hút các cơ hội. Đối với những kẻ nhái thời trang trong nước cũng như các thương hiệu thời trang lớn nhất trên thế giới, thị trường Trung Quốc là thứ thuốc phiện mới và các tên tuổi lớn đang tranh nhau gây dựng doanh nghiệp ở đây. Trong tất cả các thủ phủ phát triển nhanh trên khắp Trung Quốc, Thượng Hải hứa hẹn một số địa điểm tuyệt vời nhất.

Địa điểm ưa thích của tôi tại Thượng Hải là đường Trung Sơn Đông chạy dọc theo con sông Hoàng Phố dữ dội, nổi tiếng với tên gọi bến Thượng Hải. Đầu thế kỷ XX, bến Thượng Hải bị người châu Âu, Mỹ, các ngân hàng Nhật bản, các nhà buôn bán, các lãnh sự quán và khách sạn chiếm giữ, trước khi trở về với chính quyền Trung Quốc.

Vợ chồng tôi đến đây năm 2002. Những người bạn Trung Quốc khuyên chúng tôi đến một địa điểm mới tuyệt đối không nên bỏ lỡ: nhà hàng M trên bến Thượng Hải. Michelle Garnaut, đầu bếp người Úc đã bị cuốn hút trước sự năng động của bến Thượng Hải. Cô thuê tầng trên cùng và sân thượng của một tòa nhà xây từ những năm 1920 để mở một nhà hàng tuyệt vời. Cô chính là một người tiên phong dù trước đó đã được cảnh báo là Thượng Hải vẫn chưa sẵn sàng cho các nhà hàng cao cấp. Sai lầm – rõ ràng là vậy; một buổi tối mùa hè tháng 5-2002, chúng tôi ngồi trên sân thượng, ăn món heo sữa quay giòn và uống rượu Úc. (Trung Quốc lúc này vẫn còn đang ở trong một giai đoạn sản xuất rượu khá nguyên thủy). Bên dưới nhà hàng, những tia sáng đỏ và trắng nhấp nháy từ những chiếc ô tô di chuyển dọc đại lộ tám làn đường. Bên kia sông, ánh sáng của quận Phố Đông, một quận đang phát triển rất nhanh, lấp lánh trong màn đêm.

Ngay sau khi nhà hàng M trên bến Thượng Hải chinh phục được khách hàng hạng sang, thì Thượng Hải đã sẵn sàng không chỉ cho nghệ thuật ẩm thực tinh tế mà còn cho cả nghệ thuật tinh tế và chất liệu thiết kế. Giờ đây, ở Thượng Hải, chúng tôi không chỉ tới bến Thượng Hải để ăn bữa tối tại nhà hàng M mà còn đi thăm những phòng tranh mới mở tại tòa nhà kế bên, ăn trưa tại một trong ba nhà hàng hấp dẫn nhất, tới thăm cửa hàng mang nhãn hiệu Armani mới mở, địa điểm khởi đầu cho kế hoạch mở thêm 30 cửa hàng nữa trước năm 2008.

Armani không phải là trường hợp duy nhất. Hầu hết các tên tuổi lớn đang mở chi nhánh ở đây. Các thành công nổi bật nhất bao gồm Alfred Dunhill và Louis Vuitton (LV), dự tính mở thêm bốn cửa hàng để nâng tổng số lên 13 địa điểm. LV cho biết khách hàng tại Trung Quốc hiện xếp thứ tư trên toàn cầu về doanh số hàng năm. Lúc đó, Prada dự tính sẽ có 25 cửa hàng tại Trung Quốc trước cuối năm 2006, còn Zegna đã có 42 cửa hàng tại hơn 12 thành phố. Khi tôi mua một bộ Zegna tại Bắc Kinh một vài năm trước, điều đó đặc biệt không khác gì mua trà xanh tại Milan.

Tất cả các công ty đồng hồ lớn cũng đang khai thác tiềm năng của Trung quốc. Tập đoàn Richemont Luxury hoạt động rất tích cực, tương tự như Tập đoàn Swatch. Nick Hayek, CEO của Swatch, đang lên kế hoạch mở từ 500 đến 1.000 cửa hàng tại Trung quốc trước năm 2010 và hy vọng bán được 6 triệu chiếc/năm. Khoảng 20% số cửa hàng được đặt tại Thượng Hải.

Thị trường hàng xa xỉ của Trung quốc tăng trưởng từ 20% đến 30%/năm, tỷ lệ cao nhất cho thị trường này trên thế giới. Hàng xa xỉ vẫn còn hiếm tại Trung Quốc, nhưng sự cạnh tranh đến từ Trung Quốc đã lấp ló phía trước. Trung Quốc cũng giống Nhật Bản, nước cung cấp hàng dệt may cho ngành thời trang hàng thập kỷ trước khi khám phá ra giá trị gia tăng khổng lồ nhờ việc đưa ngành này trở thành thời trang cao cấp. Trung Quốc sẽ là quốc gia tiếp theo.

KARL LI GA FEL LÊN ĐƯỜNG?

Tháng 10-2004, Naomi Campbell phát biểu về định hướng phát triển nghề nghiệp tại Đại học Thượng Hải. Cô được mời làm giám đốc nghệ thuật cho trường đào tạo người mẫu, trực thuộc trường đại học này. Phó hiệu trưởng của trường nói trong tương lai các siêu mẫu quốc tế khác cũng sẽ được mời tới đây để giảng dạy, hướng dẫn và “Trung Quốc là nước sản xuất hàng hệt may và tiêu thụ quần áo lớn nhất trên thế giới. Có hơn 50.000 công ty dệt may nhưng chỉ có khoảng 10.000 người mẫu chuyên nghiệp trong cả nước, khoảng trống là quá lớn. Sàn diễn thời trang quốc tế cần thêm nhiều người mẫu châu Á, đặc biệt là người mẫu Trung Quốc, vì các nhà trình diễn thời trang châu Âu muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường khổng lồ này.”

Thượng Hải mở cửa cho tuần lễ thời trang đầu tiên, do chính quyền thành phố tổ chức vào tháng 10-2003, phát động chương trình lễ hội thời trang quốc tế mùa xuân và tuần lễ thời trang mùa thu. Đây là bước đi quan trọng trong việc bắt kịp các trung tâm thời trang quốc tế khác.

Tại Bắc Kinh, hàng trăm người yêu thích thời trang, doanh nhân, người mẫu, nhiếp ảnh gia và nhà báo đến từ khắp nơi trên thế giới cùng tham gia Tuần lễ thời trang Trung Quốc mùa xuân 2004. Các buổi trình diễn thời trang giới thiệu những bộ sưu tập thu đông mới nhất. Một năm sau tại Tuần lễ thời trang Bắc Kinh, 33 nhà thiết kế đến từ 19 quốc gia đã đến trình diễn các bộ sưu tập với chủ đề “Trung Quốc trong mắt tôi”. Buổi trình diễn tổ chức cuộc thi Thời trang Quốc tế lần thứ XII dành cho các nhà thiết kế trẻ, với giải Hempel mang đến cho các tài năng mới một cơ hội tỏa sáng.

Các nhà thiết kế trẻ từ nước ngoài, đặc biệt từ Mỹ và châu Âu, hăm hở tới Bắc Kinh và Thượng Hải để tham gia cơ hội thiết kế không có sẵn tại quê hương mình. Vera Wang, người được biết đến về thiết kế thời trang váy cưới tại Mỹ, đã trở thành nhà thiết kế gốc Hoa đầu tiên được công nhận trên toàn thế giới. Bà nói: “Chúng tôi phải làm việc trên cả chất liệu, thiết kế để giành được khách hàng và sẽ cố gắng nhanh chóng tham gia thị trường thế giới.”

Wang thành công lớn ngoài sức tưỏng tượng. Mẹ và cha của bà, con trai bộ trưởng chiến tranh dưới thời Tưởng Giới Thạch, rời quê hương năm 1947 và bắt đầu cuộc sống mới tại Mỹ. Trở về cội nguồn, Wang mở cửa hàng áo cưới Perfect Wedding (Đám cưới Hoàn hảo) tại khách sạn Pudong Shangri-La ở Thượng Hải. Cửa hàng cung cấp trang phục cô dâu thời trang với các màu sắc thanh nhã, đem đến một nét tinh tế mới cho màu trắng truyền thống của áo cưới.

Người Trung Quốc nhận thức tốt hơn về việc coi thiết kế là một loại giá trị gia tăng cho bản thân họ. Hiện nay, Trung Quốc có hơn 400 trường cung cấp các khóa học thiết kế, tổng cộng mỗi năm đào tạo khoảng 10.000 nhà thiết kế công nghiệp. Thiết kế hiện nay là một trong những định hướng nghề nghiệp phổ biến nhất trong các trường đại học ở Trung Quốc. Hàng trăm hãng tư vấn thiết kế đang mọc lên, đặc biệt là tại ba thành phố lớn: Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu. Các công ty Trung Quốc đang lập ra các phòng thiết kế ngay trong công ty với số lượng nhân viên ngày càng tăng.

Theo lời vị phó chủ tịch giám sát thiết kế tại công ty sản xuất thiết bị Haier Group1 : Thiết kế là cách các công ty nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, tập đoàn Haier có 120 nhà thiết kế công nghiệp.

Trong bảy năm, Haier American đã hoạt động ở Mỹ, tại đây lĩnh vực kinh doanh lớn nhất của hãng là các hầm rượu độc lập, bên cạnh tủ lạnh loại nhỏ và các thiết bị khác. Đa số mọi người không nhận ra đó là một công ty Trung Quốc. Tên công ty được đổi thành Haier vào đầu thập niên 1990 khi có một đối tác Đức.

Haier và Lenovo (công ty sản xuất máy tính mua bộ phận PC của IBM vào tháng 5 năm 2005), hiện là hai thương hiệu Trung Quốc nổi tiếng nhất. Lenovo, luôn được biết đến nhờ thiết kế đẹp mắt, gần đây đã tăng gấp đôi quân số thiết kế lên 80 người và năm 2006 đã giành giải Thiết kế Công nghiệp xuất sắc cho thiết kế điện thoại thông minh kiểu mới. Sony, Samsung, Motorola, Nokia, General Motors, Volkswagen… trong nỗ lực tiến cùng Trung Quốc đã mở những cửa hàng thiết kế tại đây. Các công ty toàn cầu nghĩ rằng khi người Trung Quốc tiến bộ hơn trong thiết kế thì họ cần phát triển sản phẩm đặc biệt theo tâm lý người dân nước này.

Tại Trung Quốc, ra vẻ giàu có quan trọng hơn là thật sự giàu có, và một số sản phẩm phát triển cho thị trường Trung Quốc không đi được xa lắm. Tập đoàn Lenovo đã có những thành công vang dội với loại điện thoại di động có thể lưu giữ một vài giọt nước hoa, làm không gian tràn ngập hương vị ngọt ngào khi pin điện thoại nóng lên. Các nhà thiết kế của Volkswagen tại Thượng Hải đã sử dụng gỗ giả để trang trí bên trong xe, một vẻ ngoài thật sự cũ kỹ với hầu hết chúng ta, nhưng khách hàng Trung Quốc muốn vậy vì nó làm cho xe của họ nổi bật. Stefan Fritschi, phụ trách thiết kế của chi nhánh Volkswagen tại Thượng Hải nói: “Cách nói giảm nói tránh tại Trung Quốc là không-không. Và bạn muốn gây ấn tượng với người hàng xóm của mình”. Tôi nhớ khi các gia đình Trung Quốc mới bắt đầu mua tủ lạnh, họ muốn đặt nó trong phòng khách để gây ấn tượng với khách đến nhà.

TẬP ĐOÀN VIRGIN CỦA BRANSON ‒ CHUYỆN PHIẾM VỚI CON RỒNG TRUNG HOA

Ngài Richard Branson có các kế hoạch lớn liên quan đến Trung Quốc: “Hiện nay, trong bất kỳ ngành kinh doanh nào, thật là điên rồ nếu không liên quan tới Trung Quốc”. Năm 2006, văn phòng Virgin tại châu Á Thái Bình Dương đã chuyển địa điểm từ Sydney sang Thượng Hải.

Hãng hàng không Virgin Atlantic cung cấp các chuyến bay hàng ngày tuyến London ‒ Thượng Hải từ cuối năm 2005 sẽ sớm đưa Bắc Kinh vào danh sách. Năm 2006, công ty đã tăng gấp đôi các chuyến bay London ‒ Hong Kong, lên hai chuyến một ngày. Đầu năm 2006, Asia mang lại 10% tổng doanh thu 20 tỷ đô-la của Virgin; Branson hy vọng tỷ lệ này sẽ đến mức 25% trong vòng năm năm.

Cũng nằm trong kế hoạch là việc cho ra đời Virgin Mobile, một dịch vụ điện thoại di động tại Trung Quốc. Branson nói: “Chúng tôi nghĩ có thể làm được điều gì đó. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, đó có thể là một thị trường khổng lồ”. Bất cứ thương vụ di động nào cũng tương tự các hoạt động của Virgin tại Mỹ và Anh: Virgin cung cấp thương hiệu, kỹ năng tiếp thị và chiến lược phát triển. Cho dù Branson có thiết lập được công việc kinh doanh điện thoại di động hay không, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chắc chắn được thấy và thưởng thức nhiều hơn nữa thương hiệu Virgin trong thời gian tới. Năm 2008, Branson đã lên kế hoạch về một chuỗi khách sạn và câu lạc bộ sức khỏe Virgin. Các loại nước giải khát thương hiệu Virgin cũng sắp có mặt tại đây. Cuối năm 2005, Virgin mở một siêu thị âm nhạc tại Thượng Hải, một bước đi táo bạo, khi xét tới nạn làm hàng giả tinh vi tại Trung Quốc. Branson nói: “Vì vấn nạn xâm phạm tác quyền, một số người nghĩ chúng tôi mất trí, nhưng cảm giác của tôi là chúng ta cần mang đến cho người tiêu dùng Trung Quốc một đầu mối tiêu thụ hợp pháp.” Khi chúng tôi đến Thượng Hải tháng 11-2005, một người bạn đã nói: “Có thể chúng tôi sẵn sàng mua thứ âm nhạc tử tế tại Thượng Hải. Nhiều người nghĩ phương Tây chỉ có một số nghệ sỹ như: Elton John, Mariah Carey, ban nhạc Vienna Boys’ Choir và Pavarotti.” Nhờ Branson, giờ đây một vài nghìn cái tên khác có thể được bổ sung vào danh sách.

Branson không chỉ đang mở rộng chủng loại; Virgin muốn mở cánh cửa vào nhiều lĩnh vực khác. Trước Giáng sinh 2005, ông đã khai trương Virgin Galactic, công ty du lịch vũ trụ của mình. Đừng trông đợi tôi sẽ nói cho bạn biết Branson sẽ chinh phục được điều gì trước, vũ trụ hay là Trung Quốc.

NHỮNG NGƯỜI CẦM CỜ CỦA TRUNG QUỐC

Nếu Trung Quốc đang trên con đường tìm kiếm vị trí dẫn đầu toàn cầu thì các vận động viên thể thao sẽ là những người đầu tiên tới đích. George Orwell đã nói thể thao là một phép trừ “chiến tranh – bắn giết”. Khi quốc gia dân tộc lùi lại thì các cổ động viên thể thao sẽ trở thành những người nắm giữ ngọn cờ toàn cầu mới. Chúng ta đang di chuyển tới kỷ nguyên của các môn thể thao thu hút nhiều khán giả. Làm sao chúng ta biết rằng hiện tượng này sẽ còn tiếp tục và phát triển? Vì chúng ta đã thấy rằng trong quá trình toàn cầu hóa, con người càng lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế thì càng có xu hướng khẳng định bản sắc văn hóa/quốc gia. Trung Quốc cũng vậy. Các đội thể thao quốc gia mang đến cảm giác mạnh mẽ về một cộng đồng dân tộc, một điều gì đó để nhận dạng khi người ta ngày càng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trên quy mô thế giới.

Sân chơi đã chuẩn bị sẵn sàng: Trong kỳ Đại hội Olympic Athens 2004, Trung Quốc giành được 32 huy chương vàng so với con số 35 của Mỹ. Sẽ không ai ngạc nhiên nếu Trung Quốc giành được nhiều huy chương vàng nhất tại Olympic Bắc Kinh 20082 .

Bóng rổ không mới với người Trung Quốc. Môn thể thao này được các nhà truyền giáo Cơ đốc đưa vào Trung Quốc ngay sau khi nó được James Naismith phát minh tại Massachusetts năm 1896. Bóng rổ rất phổ biến ở Trung Quốc và đã được chơi tại đất nước này trong hơn 100 năm. Năm 2004, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ tám, nhưng vị trí dẫn đầu của Mỹ vẫn có thể sớm bị vượt qua. Theo lời một chuyên viên tiếp thị thể thao kiêm bình luận trận đấu, thì 10 năm nữa “bóng rổ Trung quốc có thể là một trong những lực lượng chiếm ưu thế trên thế giới”.

Trận đấu NBA đầu tiên tại Trung Quốc diễn ra năm 2005 tại Thượng Hải: đội Sacramento Kings chơi với đội Houston Rockets. Trong đó, cầu thủ Diêu Minh chơi cho đội Mỹ, cầu thủ bóng rổ cao nhất thế giới, nổi bật trong vai trò làm sợi dây liên kết tuyệt vời giữa Trung Quốc và Mỹ.

Từ năm 1997, Trung Quốc đã có một giải bóng rổ chuyên nghiệp gồm 14 đội. Nằm trong chương trình cải thiện mới nhằm nâng cao trình độ kỹ năng của các cầu thủ, Hiệp hội Bóng rổ Trung Quốc đã tổ chức các buổi luyện tập tại Mỹ năm 2005 và tiến hành thuê cho 14 đội, mỗi đội hai cầu thủ Mỹ. Các đội được phép trả các cầu thủ Mỹ tối đa 30.000 đô la/tháng – cao hơn mức lương nhiều đội châu Âu đưa ra.

Theo hướng ngược lại, Diêu Minh là người cầm cờ nổi tiếng nhất và được trả lương cao nhất của Trung Quốc. Trong giới bóng rổ người ta nói về một triều đại Minh mới. Gần nổi tiếng như Diêu Minh tại Trung Quốc là Allen Iverson, người vào thời điểm tôi viết cuốn sách này đang dẫn đầu danh sách ghi điểm tại giải NBA. Với chiều cao khoảng 2m (so với 2,3m của Minh) thì Iverson có tầm vóc “bình thường” hơn, một siêu sao nhiều người Trung Quốc có thể liên tưởng tới.

Cuộc đua giành quyền tổ chức các sự kiện thể thao thế giới cho các thành phố của Trung Quốc mang đến cho nước này những co hội kinh doanh thể thao tốt nhất; năm 2004 lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, cuộc đua Công thức I diễn ra tại Thượng Hải. Sân vận động được xây dựng để tổ chức sự kiện này xây đã tốn 325 triệu đô-la với 150.000 chỗ ngồi, tất cả vé đều được bán hết. Michael Schumacher, người về thứ 11, nói đó là “đường đua tốt nhất tôi biết”. Tham dự tổ chức một chặng đua Công thức I không phải là mục tiêu duy nhất của Trung Quốc. Các tay đua Trung Quốc hiện đang luyện tập để vươn lên có thứ hạng trong cuộc đua Công thức III.

Đây là một phần trong kế hoạch lớn hơn của Trung Quốc để phát triển thành một cường quốc thể thao và “một dấu hiệu khác thể hiện nỗ lực không mệt mỏi của Thượng Hải trong việc tổ chức nhiều sự kiện danh tiếng hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”. Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh thể thao toàn cầu trước khi thống trị kinh tế thế giới

Ô TÔ TRUNG QUỐC

Biểu tượng của Trung Quốc là hình ảnh người nông dân ngồi trên chiếc xe cải tiến do trâu kéo hay những người đi xe đạp trong thành phố, đang nhanh chóng trở thành một phần của quá khứ. Số người giàu tăng và giá cho một chiếc ô tô cũng tương đối rẻ, chiếc rẻ nhất là 3.600 đô-la, khiến nhiều người mong muốn có khả năng tài chính để mua cho mình một chiếc. Năm 2005, Trung Quốc xuất khẩu nhiều xe hơn số nhập khẩu – một dấu mốc trong tham vọng trở thành người chơi dẫn đầu trong lĩnh vực ô tô toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc hy vọng sẽ sản xuất và bán 6,4 triệu chiếc xe khách, xe ben, xe buýt, và xe tải vào năm 2006, vượt Đức để trở thành nước sản xuất xe lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản.

Một dấu mốc, nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Xe Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu sang các nước thuộc khu vực Trung Đông và châu Phi. Trong khi đó, nhiều xe xuất sang Trung Quốc là các nhãn hiệu cao cấp của phương Tây.

DaimlerChrysler thông báo, năm 2005 công ty này muốn xuất khẩu các loại xe cỡ nhỏ từ Trung Quốc sang Mỹ. Cùng với một đối tác liên doanh Trung Quốc, công ty đang tìm kiếm cơ hội xây dựng một nhà máy phục vụ việc xuất khẩu. Ngoài việc tham gia liên doanh, các công ty ô tô Trung Quốc đang tăng tốc để bán xe tại Mỹ và châu Âu. Bob Lutz, phó chủ tịch của General Motors, nói: “Chúng tôi đang nhanh chóng đạt ngưỡng”, trong đó ít nhất một hãng sản xuất ô tô tại Trung Quốc sẽ xuất khẩu thành công trên toàn thế giới trong vòng năm năm tới.

Trong bản đánh giá tốt nhất tôi nghe được về chất lượng xe Trung Quốc, J. M. Noh, chủ tịch Hyundai Bắc Kinh, nói: “Về chất lượng, ô tô từ Trung Quốc và ô tô từ Hàn Quốc là như nhau”. Những chiếc ô tô này đang được các công nhân Trung Quốc sản xuất với mức 2 đô-la/giờ, hoặc thấp hơn, trong đó đã tính các khoản phúc lợi – một trong những mức nhân công thấp nhất trên thế giới. Chi phí nhân công theo giờ và các khoản phúc lợi tại ba nước sản xuất ô tô lớn – Đức, Nhật Bản, Mỹ – lần lượt là 49,60 đô-la, 40,69 đô-la và 36,55 đô-la (quy đổi theo đô-la Mỹ).

Sự tăng trưởng được hoan nghênh tại một thị trường tiêu dùng đang ngày càng phát đạt là nguồn gốc những mối lo ngại sâu sắc về hậu quả đối với môi trường. Trong khi các nhà sản xuất ô tô vui mừng chào đón từng người lái xe mới thì họ cũng phải đối mặt với vấn đề khí thải. Tại Trung Quốc và các khu vực khác của châu Á, người ta cho rằng phương Tây đã có đủ xe và làm ô nhiễm không khí, vì vậy, họ muốn nhân danh hành tinh và muốn người khác ngừng lại. Về vấn đề này, phương Tây được xem là không có vị thế về đạo đức để yêu cầu phương Đông phải hạn chế. Tôi đề xuất một giải pháp: phương Tây nên cam kết giảm số xe tương ứng với số xe mới tại Trung Quốc. Với mỗi chiếc xe mới được bổ sung ở Trung Quốc, phương Tây sẽ trừ đi một chiếc. Tôi nhận được rất ít lời tán đồng, mà thực tế là không có. Vậy phương Tây nghiêm túc tới mức nào?

DU LỊCH

Khi thu nhập tăng cao và sự tự do đi lại được cải thiện, nhiều người Trung Quốc sẽ đi du lịch nước ngoài. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, sẽ có nhiều khách du lịch Trung Quốc, 115 triệu/năm, hơn bất kỳ quốc gia nào khác, kể cả Mỹ, vào năm 2020. Các rào cản đi lại đối với người Trung Quốc đang giảm mạnh. Riêng trong năm 2004 đã có 29 triệu lượt khởi hành từ đại lục, dù 75% điểm đến ở nước ngoài là Hồng Kông và Ma Cao.

ĐIỆN ẢNH

Hollywood đã nhìn thấy tương lai ở Trung Quốc. Hãng phim Walt Disney đang lên những kế hoạch sản xuất phim lớn tại Trung Quốc, trong đó có việc làm phiên bản võ thuật cho phim Nàng Bạch Tuyết (các nhà sư sẽ thay thế các chú lùn). Bộ phim Ngọa hổ, Tàng long thu hút được sự chú ý của tất cả mọi người và giờ đây các hãng phim phương Tây đang nhảy vào nắm lấy cơ hội biến Trung Quốc thành một cơ sở sản xuất phim lớn được ưa chuộng cả trong và ngoài nước, bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung.

Theo lời Tổng giám đốc của hãng phát hành phim Columbia TriStar Film Distributors thì: “Trung Quốc sẽ nhanh chóng phát triển, vì thế nhiều công ty muốn tới đây và sản xuất phim. Phim Trung Quốc bắt đầu có tiếng vang trong làng điện ảnh thế giới kể từ bộ phim Crouching Tiger, Hidden Dragon (Ngọa hổ, Tàng long).” Hollywood nhận thức được rằng Trung Quốc giờ đã có những đạo diễn điện ảnh tầm cỡ thế giới, có khả năng phá vỡ kỷ lục bán vé tại Trung Quốc và đang ngày càng thành công trong việc thu hút khán giả tới rạp ở cả những nước khác.

Hai bộ phim Hero (Người hùng) và House of Flying Daggers (Thập diện mai phục) đem về doanh thu ngoài Trung Quốc tổng cộng gần 200 triệu đô-la. Phim Ngọa hổ, Tàng long của đạo diễn Lý An đã trở thành bộ phim nước ngoài có doanh thu cao nhất tại Mỹ, 128 triệu đô-la. Lý An cũng đã giành được giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất năm 2006 cho bộ phim Brokeback Moutain (Chuyện tình núi Brokeback). Đây là trường hợp một nhà làm phim Trung Quốc đạo diễn cho một bộ phim Mỹ. Theo hướng ngược lại, các tập phim Kill Bill của hãng Miramax phần lớn được quay ở Trung Quốc.

Giờ đây có một bản Variety bằng tiếng Trung xuất bản tại Trung Quốc và tờ Hollywood Reporter cũng đã mở một văn phòng tại Bắc Kinh. “Vì sao tôi ở đây ư?” Jonathan Landreth, trưởng văn phòng mới hỏi. “Vì những người khác của Hollywood đều ở đây.”

TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ

Hai trong số ba người trên thế giới là người Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Theo giới truyền thông thì hiện giờ có một cuộc chạy đua lớn đang diễn ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ để xem nước nào sẽ dẫn đầu trước năm 2100. Thời gian gần đây, Trung Quốc vẫn làm tốt hơn Ấn Độ khi xét tới cả góc độ phát triển kinh tế và hiệu quả giảm nghèo.

Khi nghĩ về Trung Quốc là người ta nghĩ đến Ấn Độ. Khi nghĩ tới Ấn Độ, tôi cũng nghĩ tới Brazil. Trong nhiều năm, chúng ta đã nói về các tiềm năng lớn, về tương lai rực rỡ của Brazil nhưng chưa bao giờ chúng ta thấy điều đó.

Khi bắt đầu công cuộc cải cách năm 1978, Trung Quốc còn nghèo hơn Ấn Độ. Ấn Độ cũng mới có được một hồi sinh kinh tế nhưng vấn đề chính trị khiến các cải cách kinh tế tham vọng hơn phải dừng lại. Mỗi lần quay lại Thượng Hải, tôi lại có một trải nghiệm đầy kinh ngạc trước những tòa nhà chọc trời mới, nhà hàng, khách sạn và cửa hiệu mới. Còn khi tôi trở lại Delhi hoặc Mumbai, dường như mọi thứ vẫn giữ nguyên như trước, kể cả số người ăn mày khó tin tại mỗi góc phố.

Ấn Độ có tiềm năng to lớn, một tương lai thật rực rỡ – nhưng nó không thể đến? Chúng ta vẫn đang chờ đợi. Nền kinh tế Ấn Độ hiện đang tăng trưởng với tốc độ 8,4%. Nhưng đâu là các cải cách kinh tế đích thực?

Lần cuối cùng tôi ở Ấn Độ là tháng 7-2006, khi tôi có bài phát biểu quan trọng tại “Hội thảo 2006” của IBM tại Ấn Độ. Ngành công nghệ thông tin với tất cả công việc thuê nhân công ngoài là câu chuyện thành công duy nhất tại Ấn Độ. Nó được coi là cơn bừng tỉnh của nền kinh tế Ấn Độ. Nhưng IT chỉ là một ngành và bạn không thể xây dựng một nền kinh tế chỉ dựa vào IT (và giờ đây chính các công ty Ấn Độ cũng lại thuê nhân lực từ Trung Quốc).

Vụ sáp nhập gần đây trong lĩnh vực thép cho thấy nhiều điều. Công ty thép lớn nhất Ấn Độ, Mittal, và công ty Arcelor của châu Âu sáp nhập với nhau trở thành công ty thép lớn nhất thế giới. Hiện nay, công ty này đang vượt xa các công ty khác, sản xuất 10% sản lượng của cả thế giới, gấp ba lần đối thủ gần nhất, công ty Nippon Steel (kém hơn 3% thị phần). Ấn Độ có công ty thép lớn nhất thế giới nhưng không sản xuất trong nước – không đóng góp chút gì cho GDP Ấn Độ. Mittal Arcelor sẽ chỉ đóng góp vào GDP của những nước thật sự có hoạt động sản xuất thép. Và Lakshmi Mittal, doanh nhân đứng đằng sau toàn bộ công ty này, sống tại London.

CÁC MẢNH GHÉP KHÁC NHAU

Ấn Độ có một hệ thống ngân hàng tốt, một thị trường chứng khoán 150 năm tuổi, nhiều công ty được quản lý tốt và một tầng lớp trung lưu đông đảo, được giáo dục tốt.

Trung Quốc nhận được 55 tỷ đô-la vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong năm 2004, trong khi con số dành cho Ấn Độ là 5,3 tỷ đô-la. Tỷ số là 10-1 nghiêng về Trung Quốc và tình trạng này tiếp diễn trong gần một thập kỷ qua.

Trung Quốc cũng có thể được xem là nền kinh tế đi trước Ấn Độ vì lợi thế lớn về hạ tầng cơ sở. Trung Quốc có gần 32.000 km đường sắt, gấp 10 lần so với Ấn Độ, có số điện thoại mặt đất và điện thoại di động trên 1.000 người, cao gấp 7 lần. Tôi nhớ đã từng giảng bài tại Mumbai (lúc đó vẫn là Bombay) đầu thập niên 1990, và sau khi biết tỷ lệ nhân viên tổng đài điện thoại trên số khách hàng là 1:12, tôi đã tuyên bố trước những tràng cười rộ lên: “Đó không phải là một hệ thống điện thoại. Đó là một chương trình tuyển dụng!”

Khi bàn về cơ sở hạ tầng yếu kém của Ấn Độ, Simon Long của tạp chí Economist viết: “Ngay cả Bangalore, trung tâm của ngành IT Ấn Độ, cũng phải chịu nạn tắc đường, các khách sạn chật chội, bị cắt điện và một sân bay thiếu thốn. Nước này đang mạo hiểm vứt bỏ lợi thế lớn: đó là thu hút một loạt các công ty công nghệ cao trên thế giới để có thể trở thành một cụm thành phố phát triển nở rộ và tự lực.”

Ấn Độ, bất chấp tất cả những thông tin bạn biết về công nghệ thông tin ở đây, lại có tỷ lệ thâm nhập máy tính cá nhân thấp nhất thế giới, cách rất xa Trung Quốc.

Các đánh giá về tương quan Ấn Độ và Trung Quốc chịu ảnh hưởng của nỗi phấn khích trước tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc. GDP của Ấn Độ tăng trung bình 5,6%/năm trong thập kỷ 1980 và gần 5,8% trong khoảng từ năm 1991 đến 2003. Trung Quốc tăng trưởng 9,3% trong thập niên 1980 và trung bình 9,7% từ năm 1991 đến 2003. Năm 2004, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ ba thế giới, sau Đức và Mỹ.

Tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ là một vấn đề lớn trong nền kinh tế toàn cầu. Còn lần cuối cùng bạn thấy ai đó phấn khích khi nói về đồng rupee là khi nào?

Long nói rằng chỉ cần thống kê đanh thép về sự khác biệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ về tỷ lệ mù chữ ở nữ giới là đủ. Ông trích dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới: 87% phụ nữ Trung Quốc trưởng thành biết chữ, trong khi ở Ấn Độ con số này là 45%. Tỷ lệ người trưởng thành biết chữ tại Trung Quốc là 91% so với 57% tại Ấn Độ.

Khi Đặng Tiểu Bình tới thăm nhà máy Ford gần Atlanta năm 1979, ông nói: “Chúng tôi muốn học các bạn.” Ông và những người kế nhiệm đã học rất nhanh. Trung Quốc đang vững bước trên con đường trở thành nước sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.

ÁP DỤNG CÁC LỐI TƯ DUY

LỐI TƯ DUY #8 “Những điều chúng ta hy vọng xảy ra luôn diễn ra chậm hơn”: Chúng ta suy đoán nhanh nhưng mọi việc sáng tỏ theo tốc độ riêng của nó. Hãy dừng lại và suy ngẫm khi nghe nói Trung Quốc sắp thâu tóm thế giới. Hàng nghìn năm nay, Trung Quốc vẫn tư duy theo khung thời gian của các triều đại. Giai đoạn mới này, triều đại mới của thị trường tự do, toàn cầu hóa và phi tập trung hóa, mới chỉ bắt đầu và sẽ mất rất nhiều năm để có thể đi đến ngã ngũ.

LỐI TƯ DUY #5 “Nhìn tương lai như một bức tranh xếp hình”: Bản thân Trung Quốc rất giống với một bức hình ghép, phi tập trung hóa hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Chỉ bằng cách quan sát những gì đang diễn ra tại từng địa phương, vùng và thành phố trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với thế giới, chúng ta mới có thể hiểu vị trí mà Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh trong bức tranh lớn toàn cầu.

LỐI TƯ DUY #9 “Cách khai thác cơ hội, chứ không phải cách giải quyết khó khăn quyết định thành công của bạn”. Trung Quốc đã trở thành quốc gia của những người biết tìm kiếm cơ hội, tin tưởng rằng vấn đề nào rồi cũng sẽ được giải quyết. Lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc ngày nay, với tư cách một quốc gia dân tộc, là sự sẵn lòng thay đổi theo những gì cần thiết và có lợi. Không nước nào khác có thể thay đổi đồng loạt trước các biến đổi như Trung Quốc; không có nhiều dân tộc có tư tưởng làm kinh tế và vô cùng tham vọng như thế.

Chú thích: 

1. Công ty khổng lồ của Trung Quốc bán sản phẩm tại 150 quốc gia; từng có tin trong năm 2005 rằng đó là một trong những công ty có thể sẽ mua lại Maytag. 

2. Trên thực tế, Trung Quốc đã vượt Mỹ để đứng đầu toàn đoàn về tổng số huy chương, trong đó có 51 huy chương vàng. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.