11 Lối Tư Duy Thay Đổi Cách Nhìn Và Sáng Tạo Tương Lai

LỐI TƯ DUY #5



Nhìn tương lai như một bức tranh xếp hình

THỨ TỰ LÀ KẺ THÙ CỦA KẾT NỐI

Eugene Fubini, giám đốc nghiên cứu xuất sắc của IBM (khi tôi còn làm việc ở đó), thích bắt đầu các hội thảo khoa học bằng câu hỏi về tìm ra số trong dãy: “Số tiếp theo trong trật tự dãy số 4, 14, 23, 34, 42 là gì?” Không ai trả lời đúng. Đáp án là 50, ga kế tiếp trong tuyến Eighth Avenue (Đại lộ số 8) của hệ thống tàu điện ngầm New York sau phố thứ 42. Thứ tự trong tiếng Anh là sequence có gốc từ La tinh là sequo, có nghĩa là “theo sau”, miêu tả tính liên tục của những vấn đề tương tự nhau: trong âm nhạc, nó chỉ sự lặp lại một nhạc tố ở một cao độ khác; trong điện ảnh, thứ tự có nghĩa của các phân cảnh; trong toán học, thứ tự theo sau một công thức. Nhưng để khai phá, chúng ta phải kết nối những điều tưởng như không ăn khớp, không có liên hệ rõ ràng với nhau và đôi khi có vẻ trái ngược với những công thức hoặc kiến thức thông thường.

HÁI QUẢ CHÍN

Liệu có người nào chơi xếp hình bằng cách xếp các mảnh ghép trên một đường thẳng không?

Các thầy cô giáo dạy chúng ta môn lịch sử theo trình tự thời gian. Quá khứ được xếp theo năm tháng và quốc gia. Chúng ta có thể đọc vanh vách những ngày tháng, sự kiện nhưng không nhìn thấy chúng kết nối và ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào. Chúng ta chỉ biết tới một cuộc diễu hành lịch sử lùi dần về quá khứ. Các nhà sử học và các nhà bình luận thường dùng một chuỗi ngăn nắp các sự kiện, bước này theo sau bước kia, để lý giải quá khứ. Nhưng quá khứ, hiện tại và tương lai là một bụi rậm đu đưa, đan xen vào nhau. Chúng ta phải bước qua cuộc sống trong một thế giới giống như Salman Rushdie nói “giờ đây ăn quá sâu vào nhau”, “muốn giải thích một vụ giết người ở California, bạn phải hiểu lịch sử của Kashmir (vùng đất phía Bắc của Nam Á, phía Nam của Trung Á)”. Chỉ có các thống kê là có thể ngoại suy – chứ tương lai thì không – và ta biết rõ chúng có thể được làm để bóp méo bức tranh như thế nào. Kết nối mang tính trực giác hơn là sự tính toán.

Mỗi đột phá lại phá vỡ các lối tư duy cũ. Đó là đặc tính của thay đổi. Khám phá là vượt lên những gì sẵn có. Táo chín lúc nào cũng rụng xuống đất, nhưng Isaac Newton nhìn thấy “tầng ý nghĩa sâu hơn”. Trái đất luôn quay xung quanh mặt trời, nhưng Copernicus và Galileo quan sát được chứng cớ và đưa ra các kết nối.

Thiên tài thường dựa vào những chi tiết mà người khác có thể nhìn ra nhưng không kết nối được. Einstein là bậc thầy trong việc phát hiện và liên kết. Trong suốt những năm học đại học, ông chuẩn bị nền tảng và học tập các bậc thầy lý thuyết vật lý với “sự say mê sùng tín”. Chẳng mấy chốc, ông đạt đến một tầm nhìn rộng lớn, từ những điều rất lớn đến những cái rất nhỏ, từ vũ trụ cho tới các hạt hạ nguyên tử, tầm nhìn mà ông không ngừng làm mới bằng cách nghiên cứu các báo cáo khoa học mới nhất. Ông xây trên mặt đất, đặt câu hỏi về những điều mà các bậc tiền bối đã thiết lập và chỉ ra những mâu thuẫn về logic trong cấu trúc của vật lý lý thuyết. Nhưng trước Einstein, người ta đã biết những gì? Đâu là bước đi quan trọng đưa ông vượt lên?

Hầu như không có bất kỳ công thức mới nào trong công trình nổi tiếng của ông On the Electrodynamics of Moving Bodies (Về điện động lực của các vật thể chuyển động). Thực tế, phần nhiều đã là tài sản chung mà các chuyên gia vẫn dùng. Nhà sử học Jurgen Renn, giám đốc Viện Max Planck tổng kết: “Nhiều người nói Einstein đã tạo ra thuyết tương đối từ hư không. Nhưng thực tế, ông không làm gì ngoài việc hái quả chín.” Điều này không làm giảm vai trò mở ra kỷ nguyên mới cho ngành vật lý của Einstein. Renn nói tiếp: “Câu hỏi đọng lại là tại sao Einstein chọn hái những quả đó. Thậm chí, nếu tài năng vĩ đại nhất của Einstein là năng khiếu hái quả, thì ông đã không thể chọn một thời điểm tốt hơn. Chưa bao giờ trên cái cây tri thức vật lý lại nhiều quả chín đến vậy. Nhưng chúng bị che khuất và chỉ những con mắt vô cùng sắc sảo mới có thể tìm ra.”

Thực tế, trong lĩnh vực nào cũng có những “quả chín” mà nhiều người có thể nhìn thấy. Nhưng những “quả” đơn chỉ đưa đến một bức tranh dễ hiểu và bắt đầu có nghĩa khi những kết nối được thiết lập.

TƯƠNG LAI LÀ MỘT BỨC TRANH GHÉP

Tương lai là tập hợp những khả năng, xu hướng, sự kiện, ngã rẽ, tiến bộ và bất ngờ. Với thời gian, mọi thứ đều tìm được chỗ của mình và cùng với nhau, các mảnh nhỏ ghép thành một bức tranh mới về thế giới. Khi nhìn về tương lai, chúng ta phải dự kiến chúng sẽ đi đâu và càng hiểu rõ các mối liên kết, bức tranh sẽ càng chính xác.

Đôi khi – trong nỗ lực kết bạn với ngẫu nhiên – tôi viết lên mỗi quân bài một sự kiện, hiện tượng, mốt và điều bất ngờ riêng lẻ. Sau đó tôi tráo chúng lên, xòe chúng ra theo hình cánh quạt, rồi tráo lại, mỗi lần đều để ý xem các sắp xếp ngẫu nhiên mới có đem lại một ý tưởng, liên kết, trật tự sự kiện mới đem lại một bức hình mới và sáng rõ hay không.

Đặt các mảnh ghép trên một đường thẳng không có nghĩa gì. Chúng ta phải tìm những phần khớp nhau, đan xen và kết nối với nhau. Chúng ta không bắt đầu bằng hai bàn tay trắng. Luôn có những phần ổn định, những thứ không thay đổi, làm cơ sở cho bạn. Sau đó, bạn phải lọc ra những mảnh ghép liên quan tới chủ đề, cho câu đố bạn đang tập trung giải đáp, và bắt đầu tìm kiếm những mặt nào phù hợp với nhau và hoàn thiện lẫn nhau. Có thể phải thử nhiều lần nhưng các sự kiện có vẻ không liên quan được xếp trên một hàng bắt đầu thể hiện sự cố kết khi được nối với mảnh ghép đúng. Einstein có thể là một người khó với tới, nhưng trong sự đơn giản của thiên tài, ông đã đặt vào đúng chỗ những quả chín mà mình đã chọn hái.

Nhận xét mà tôi nghe thấy nhiều nhất khi cuốn Megatrends được xuất bản là: “Tôi biết phần nào về hầu hết những điều được nói đến trong cuốn sách, nhưng ông là người sắp xếp tất cả các mảnh ghép đó lại với nhau giúp tôi.” Hái “quả chín” sẽ là cách nói hay nhất về việc tôi đã làm. Vấn đề là hái gì và đặt chúng vào đâu. Mục đích của cuốn Lối tư duy của tương lai là giúp bạn làm điều đó.

Khi tôi thành lập Urban Research Corporation, câu đố phải giải là tìm ra những gì đang thật sự diễn ra trên nước Mỹ. Tôi biết Mỹ là một xã hội luôn tràn ngập những biến động rất mạnh và các mảnh ghép trong trò chơi xếp hình sẽ được tìm thấy tại các tờ báo địa phương trên khắp cả nước.

Các xu hướng và ý tưởng nảy sinh tại những thành phố và cộng đồng tỉnh lỵ như: Tampa, Denver và Seattle, chứ không đến từ những thành phố trung tâm như: New York hay Washington. Tập trung theo dõi dữ liệu địa phương, tôi nhận thấy nổi lên những đặc điểm của một xã hội mới đang hình thành. Mỗi mảnh thông tin, mỗi mảnh ghép đều tìm được vị trí cho mình. Khi đọc về công nghệ cấy ghép tim và chụp cắt lớp não trong bệnh viện và những thông tin hoàn toàn không liên quan gì, về việc xoa bóp, cầu nguyện cũng trong những bệnh viện ấy, tôi biết chúng ăn khớp và hoàn chỉnh công thức của mình về “công nghệ cao cấp/giao tiếp tinh tế”. Tôi thấy sự tác động qua lại, sự liên kết giữa việc giới thiệu công nghệ mới và những phản ứng đối trọng. Các mảnh ghép kết nối với nhau tạo thành một bức tranh phản ánh việc chúng ta luôn học cách cân bằng những điều kỳ diệu về mặt vật chất của công nghệ với nhu cầu tinh thần thuộc về bản chất con người.

TRỘN VÀ GHÉP CHO ĐẾN KHI BẠN THẤY BỨC TRANH MỚI

Nếu chúng ta muốn dự đoán tương lai, luôn có một số mảnh ghép để bắt đầu ‒ những điều đầu tiên khiến chúng ta chú ý. 11 lối tư duy sẽ hướng dẫn bạn cách hái những “quả chín” và tự ghép bức tranh tương lai mà bạn quan tâm. Hãy tìm kiếm kết quả từ các mảnh ghép và đừng sợ mắc lỗi khi sắp xếp. Tiếp tục kiểm tra các mảnh ghép để tìm kiếm sự liên kết với các mảnh ghép khác và những mảnh ghép ăn khớp nhau sẽ từ từ hình thành bức tranh mới.

Tất cả năm bức tranh tương lai trong Phần II của cuốn sách này được dựng lên theo cách đó. Ví dụ, Chương 1 giới thiệu tám mảnh ghép đã đưa tôi tới kết luận: “Nền văn hóa thị giác sẽ thống trị thế giới”. Chương 2 tập trung vào việc các mảnh ghép trong bức tranh kinh tế thế giới sẽ bị xáo trộn như thế nào để có được những đánh giá mới về các thành tựu và dữ liệu kinh tế. Chương 3 và 4 nói về sự phục hồi của Trung Quốc và suy yếu của châu Âu. Cuối cùng, “Kỷ nguyên phát triển của chúng ta”, Chương 5, đưa ra một bức tranh toàn cảnh về đặc điểm và trình tự của các thay đổi mang tính cách mạng và giai đoạn cao trào theo sau.

Khi dự đoán tương lai, ý tưởng về một bức tranh nhiều mảnh ghép không chỉ đúng trên bình diện rộng mà còn đúng trong bất kỳ lĩnh vực đáng quan tâm và đòi hỏi cố gắng nào. Bạn là người quyết định khung bức tranh lớn hay nhỏ.

Chú thích: 

1. Salman Rushdie: là nhà văn người Ấn Độ, ông nhận được giải thưởng Booker với cuốn tiểu thuyết Những đứa trẻ lúc nửa đêm. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.