11 Lối Tư Duy Thay Đổi Cách Nhìn Và Sáng Tạo Tương Lai

LỐI TƯ DUY #10



Đừng cộng nếu chưa trừ

CHẤT LƯỢNG CÓ TÁC DỤNG ĐÒN BẨY

Tôi biết khái niệm đừng “cộng nếu chưa trừ” nhờ Francis Keppel, ủy viên Hội đồng giáo dục dưới thời Tổng thống Kennedy. Những năm 1950, khi Francis Keppel mới 29 tuổi, chủ tịch trường Harvard, James Conant, đã bổ nhiệm anh làm trưởng Khoa Giáo dục (anh thậm chí còn không có bằng tiến sỹ Harvard). Khoa này đang ở mức không hơn trung bình và việc của Frank là chỉnh đốn nó.

Các thành viên trong khoa nghiêng về ý kiến tăng các khóa học để nâng tầm quan trọng và mức thu nhập. Còn Frank lại đề ra một quy định mới: Không mở một chương trình đào tạo nếu không bớt đi một chương trình khác. Quy định này nhằm mục đích buộc khoa phải xem xét kỹ vấn đề chất lượng và lợi ích của một khóa học mới, đồng thời xem đâu là những chương trình cần loại bỏ.

Hữu ích với tất cả các lĩnh vực, quy tắc của Keppel có một vai trò khá quan trọng trong cuộc sống của tôi. Trong quá trình viết cuốn sách này, tôi bắt đầu bằng 27 lối tư duy đã giúp tôi suy nghĩ về tương lai. Con số dường như quá lớn. Vì thế, tôi chọn lấy 10 và bắt đầu viết. Sau đó, tôi bổ sung một vài lối tư duy, bỏ đi những cái khác vì chúng bắt đầu có vẻ không thật sự quan trọng. Cuối cùng, tôi chốt một con số cố định là 11. Sau đây là một số lối tư duy không đủ nổi bật nhưng đã giúp tôi rất nhiều:

Hãy xem điều được thưởng và cái bị phạt. Trong quan hệ cá nhân và xã hội, những điều này nói với bạn nhiều điều về con người, về trật tự và các mối liên kết xã hội.

Một đề xuất không nhất thiết phải chính xác mà chỉ cần thú vị. Ý tưởng này do nhà triết học Alfred North Whitehead đưa ra và có tác dụng kích thích tư duy rất hiệu quả.

Để đánh giá khả năng tồn tại của một xã hội hoặc một công ty, hãy kiểm tra khả năng tự điều chỉnh của nó.

Phát triển là tập hợp ở một cấp độ cao hơn. Con người, các thể chế và xã hội sẽ phát triển nếu liên tục nhìn nhận lại về vai trò hoặc sứ mệnh của mình ở những cấp độ mang tính thách thức cao hơn.

Trong thể thao, một lần nữa, nguyên lý “đừng cộng nếu chưa trừ” đã được thể chế hóa. Đội hình của môn thể thao nào cũng có cầu thủ dự bị và bạn không được phép cho một cầu thủ dự bị vào chơi nếu không đổi bằng một cầu thủ khác. Bóng rổ nhà nghề hạn chế mỗi đội có 12 cầu thủ trên sân. Khi muốn thay một cầu thủ, đội chơi buộc phải suy nghĩ xem cầu thủ nào sẽ phải ra sân, tức là làm sao để thời gian bổ sung sẽ củng cố sức mạnh của đội (nếu những nhận định đưa ra là chính xác). Giới kinh doanh, vì những lý do hợp lý, không thể áp dụng quy tắc đó, nhưng vấn đề là khẩu hiệu thường trực của họ có vẻ là “Cộng thêm, cộng thêm”. Thêm nhiều sản phẩm mới mà không loại đi những sản phẩm kém, tuyển thêm nhân viên mà không để ai ra đi.

Công ty 3M (Canada) có chính sách thêm và bớt sản phẩm mỗi năm. Tầm nhìn của công ty là trở thành doanh nghiệp có tinh thần đổi mới cao nhất và là nhà cung cấp được yêu thích nhất tại tất cả các thị trường công ty có mặt. Mỗi năm 30% doanh số bán hàng của công ty đến từ những sản phẩm mới, được giới thiệu trong vòng bốn năm trước đó.

Tại GE, Jack Welch đặt ra quy định rằng hàng năm, mỗi đơn vị phải sa thải 10% nhân viên nhóm cuối và thay thế họ bằng những ứng cử viên hứa hẹn hơn. Cách tư duy này giúp GE giữ được hiệu quả và sự tập trung trong nhiều lĩnh vực. Khi chúng ta đã xác định được số lượng dự án, số cổ phiếu, xu hướng hoặc bạn nam hay nữ, lối tư duy “đừng cộng nếu chưa trừ” sẽ giúp cải thiện chất lượng.

THÊM TÔM, BỎ THỊT LỢN!

Nhà hàng Ngon ở thành phố Hồ Chí Minh phản ánh chính xác tư duy kinh doanh “đừng cộng nếu chưa trừ” này. Lần đầu tới đây, vợ chồng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Khi bước vào, chúng tôi thấy trong thực khách có cả người dân địa phương và khách du lịch. Chúng tôi được xếp ngồi tại một bàn trong vườn dưới tán dừa và cây nhiệt đới. Thực đơn tiếng Anh hơi khó đọc. Khi nhờ người phục vụ giúp, anh đã mời chúng tôi theo anh. “Mời ông bà xem ở đây!” Đó là một dãy phòng được bố trí ngay ngắn dọc theo các bức tường bao quanh một khu khá rộng ở giữa, có đặt bàn, là những gian bếp nhỏ – có tất cả khoảng 20 gian bếp nhỏ và đơn giản. Mỗi gian chuẩn bị một món đặc sản và người ta thấy ngay là một số gian phải làm việc nhiều hơn những gian khác. Và tất cả các món đều được liệt kê trên tờ thực đơn.

Sau khi gọi món bằng cách chỉ vào những thứ mình muốn, chúng tôi trở lại bàn. Một lát sau, món trứng cua rán, mực nhồi thịt, cơm rang và bánh chuối nướng được dọn lên. Sau đó, người phục vụ bảo chúng tôi rằng có một danh sách gian bếp đang muốn tham gia nhà hàng. Người chủ của nhà hàng này thỉnh thoảng cũng chọn một gian bếp mới nhưng chỉ khi đã bỏ đi một gian cũ do nhu cầu cho món đó giảm. Cách làm này làm cho chất lượng các món ăn phục vụ ở đây không ngừng được nâng lên. Không giống những quầy bán đồ ăn nhanh ở các trung tâm thương mại lớn ở Mỹ, nơi mỗi quầy hàng được cho thuê trong nhiều năm, bất kể chúng hoạt động ra sao, cuộc chạy đua chất lượng diễn ra hàng ngày và làm lợi cho nhà hàng này.

Chúng tôi cũng thấy rằng ở nhiều nơi tại châu Á, đầu óc kinh doanh không những được chào đón mà còn được phát triển, ví dụ như dịch vụ taxi tại Trung Quốc. Ở Mỹ, châu Âu và hầu hết các nơi khác, bạn phải trả theo một giá nhất định dù chất lượng xe ra sao. Ở Trung Quốc, một chiếc xe to và tốt hơn sẽ có giá cao hơn. Bắt đầu với loại xe cỡ nhỏ 1,2 (chỉ số tiền bạn phải trả cho mỗi cây số) được in bên cạnh xe và điểm mút là mức 2,0, tương đương với chất lượng của một chiếc mui kín cỡ vừa.

NGHĨA ĐỊA THÔNG TIN

Đừng đi chợ với cái dạ dày rỗng là một quy tắc được biết đến từ lâu, vì chúng ta sẽ chất hàng đống đồ lên xe đẩy để rồi sẽ không bao giờ dùng hết.

Khi nói tới việc thỏa mãn nhu cầu tri thức, đôi khi chúng ta cũng hành động tương tự. Chúng ta bước qua siêu thị thông tin, chúng làm ta choáng ngợp và việc lựa chọn những thứ chúng ta muốn trở nên thật sự khó khăn. Mục tiêu của chúng ta không phải là tạo ra các nghĩa địa thông tin mà là những cái nôi tri thức và cảm hứng.

Việc thu thập thông tin có thể dễ dàng vượt khỏi tầm tay mỗi người trong lĩnh vực yêu thích. Khi còn là sinh viên, chồng sách của tôi cao dần lên, choán hết mọi chỗ trống và cả ở những chỗ khác nữa. Nhưng điều có không có nghĩa là tri thức được bổ sung. Vì thế, giờ đây tôi có một nguyên tắc: thư viện của tôi chỉ được giữ 4.000 cuốn – đó là số lượng tôi định ra sau khi loại bỏ những cuốn không cần thiết nhưng lại chiếm chỗ. Kể từ đó, tôi không xếp thêm cuốn sách nào nếu chưa chọn được một cuốn để bỏ đi; điều tối thiểu là ổn định số lượng và đến một lúc thích hợp, chất lượng thư viện tất nhiên sẽ tăng lên.

ĐỪNG TUNG NHIỀU BÓNG HƠN SỐ BẠN CÓ THỂ HỨNG ĐƯỢC

11 lối tư duy trong cuốn sách này sẽ giúp bạn quyết định trong số năm, bảy hay 10 loại thông tin đâu là cái quan trọng nhất với bạn và với lĩnh vực bạn nỗ lực hướng tới. Với một người, việc theo dấu tất cả các cải tiến công nghệ và phát triển địa chính trị diễn ra ngày nay là không thể. Hãy tập trung vào những điều thật sự đáp ứng được nhu cầu và sự quan tâm của bạn. Đừng cộng nếu chưa trừ. Nếu có điều gì đó xuất hiện và bạn thấy cần phải giữ nó khi bạn đã quyết định chọn bảy điều, hãy bỏ một trong bảy điều mà bạn hoặc thế giới đã không còn hoặc ít quan tâm hơn. Khai thác các thay đổi sẽ phản ánh một thế giới năng động.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.