11 Lối Tư Duy Thay Đổi Cách Nhìn Và Sáng Tạo Tương Lai

Chương 4: CHÂU ÂU



Sự suy tàn chung không tránh khỏi

“Bức tượng châu Âu” có hai trái tim và 25 lối tư duy. 25 lối tư duy quốc gia đang khuấy một hỗn hợp gồm các thành phần không thể hòa trộn: truyền thống, tham vọng, phúc lợi và vị trí dẫn đầu về kinh tế. Hai trái tim đập hai nhịp khác nhau, một theo vị trí độc tôn về kinh tế và một cho an sinh xã hội. Tự hào và tham vọng, cái nào cũng muốn mình đúng. Nhưng để đạt được một trong hai mục tiêu này, chúng phải thỏa hiệp, trong khi không bên nào sẵn sàng làm điều đó. Kinh nghiệm khiến tôi tin rằng châu Âu có khả năng trở thành một công viên giải trí lịch sử cho người châu Mỹ và châu Á giàu có hơn là trở thành khu vực kinh tế năng động nhất thế giới. Về mặt kinh tế, châu Âu đang trên con đường suy tàn chung không tránh khỏi. 

THAM VỌNG ĐÁNG TỰ HÀO CỦA CHÂU ÂU

Năm 2000, người ta trực tiếp trải nghiệm một EU (Khối cộng đồng chung châu Âu). Mọi người đều háo hức về EU và sự ra đời của đồng euro. Áo, một lần nữa nằm ở vùng địa lý trung tâm. Vienna sẽ vẫn là cầu nối giữa Đông Âu và Tây Âu. Và lạc quan là tâm trạng chủ đạo.

Con đường đến với EU bắt đầu năm 1951 bằng thỏa thuận Than và Thép giữa Pháp, Đức, Ý, Luxemburg, Hà Lan và Bỉ. Người dân châu Âu bắt đầu tin tưởng vào tiến trình trở thành EU. Khi nhìn lại lịch sử các cuộc chiến, điều thần kỳ là sự chối bỏ truyền thống 700 năm giải quyết vấn đề thông qua sức mạnh quân đội. Không còn tình trạng giết hại lẫn nhau. Các vấn đề rồi sẽ được giải quyết thông qua ngoại giao, luật quốc tế, đàm phán và đa phương. Thành lập EU là một thay đổi cách mạng, thay đổi địa chính trị lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Hiệp định Lisbon năm 2000 tuyên bố mục tiêu: “Biến EU thành nền kinh tế tri thức năng động và có sức cạnh tranh nhất trên thế giới”. Nói cách khác, nó sẽ thách thức vị trí độc tôn của Mỹ. Đây chính là điểm chấm dứt điều thần kỳ. Có thể điều thần kỳ sẽ vẫn tiếp tục nếu như nó không có hai trái tim không thể đập chung một nhịp. EU có thể hoàn toàn đồng ý với cuốn Faust của Goethe: “Hai tâm hồn, than ôi! Đang ngự trị trong ngực tôi.”

Một trái tim đập nhịp đập của quy định, kế hoạch tập trung, luật lao động hạn chế và phân phối lại của cải. Trái tim còn lại đập nhịp đập của thị trường tự do, phi tập trung, cạnh tranh và ủng hộ kinh doanh. Châu Âu đang đánh mất dần vị thế trong nỗ lực trở thành người chèo lái nền kinh tế thế giới vì vẫn giữ trong mình điều mà Sigmund Freud từng nói: “Chịu đựng dễ hơn hành động.” Nếu các cải cách nghiêm túc không được đặt vào đúng chỗ, thì châu Âu sẽ trở thành nơi người ta tới để chứng kiến một quá khứ vàng son.

Nếu bạn muốn nhận định và đánh giá những gì đang diễn ra ở châu Âu và xem châu lục này đang đi tới đâu, bạn cần kiểm tra tỷ số của trận đấu. Điều gì đang ẩn chứa trong hiện tại của châu Âu?

TÌM KIẾM “MÔ HÌNH XÃ HỘI CHÂU ÂU”

Thảo luận trên toàn châu Âu vừa là việc khó vừa là điều cần thiết. 25 lối tư duy của 25 nước EU đi theo các hướng khác nhau. Mỗi nước tìm kiếm lý lẽ để bảo vệ ý kiến và nhu cầu riêng của mình, ví dụ, sự bất khả thi của việc cung cấp tài chính cho hệ thống, sự trì trệ kinh tế khi tính đến nghĩa vụ đạo đức phải phân phối lại của cải xã hội và sự thiếu công bằng của thị trường tự do. Không phải những người ủng hộ mô hình xã hội không thấy các vấn đề kinh tế, phe đối lập hay các lợi ích. Điều còn thiếu là sự nhượng bộ để đi đến thống nhất giữa hai quan điểm – lý tưởng nhân văn và thực tế kinh tế.

Anna Diamantopoulou, nguyên ủy viên EU, phát biểu: “Với một số người trong EU, cụm từ “Mô hình xã hội châu Âu” gợi lên cảm giác ấm áp về công bằng xã hội và đoàn kết. Với người khác, nó chỉ khiến huyết áp của họ tăng cao”.

Vậy đâu là đặc điểm của “mô hình xã hội châu Âu”? Ngay tại đây rắc rối đã bắt đầu. Không có cái gọi là một mô hình châu Âu thống nhất mà có nhiều nhóm với nhiều trọng tâm khác nhau. Tờ Economist đã đưa ra so sánh thú vị: “Số định chế chính sách xã hội nhiều gần bằng số loại nước uống của một quốc gia”. Nâng cốc nào! Và cuối cùng, châu Âu sẽ khiến mọi người đều say. Tuy nhiên, 25 lối tư duy có thể được sắp xếp thành bốn nhóm với một số đặc điểm tương tự nhau.

HỆ LỤC ĐỊA

Hệ lục địa được lập bởi Otto von Bismarck, thủ tướng đầu tiên của Đức (1871-1890). Ông là chính khách đầu tiên tại châu Âu thiết lập một thể chế an sinh xã hội tổng thể mang đến cho công nhân loại bảo hiểm tai nạn, ốm đau và tuổi già. Điều này cho phép một người bắt đầu nhận lương hưu khi bước vào tuổi 70. Tuổi thọ trung bình lúc bấy giờ là từ 40 đến 50 tuổi. Tuổi thọ trung bình ngày nay là khoảng 78 tuổi. Hệ thống của Bismarck không định thúc đẩy phân phối lại mà buộc các công dân phải tự bảo hiểm. Hiện nay, thể chế này có mặt tại Đức, Pháp, Áo, Bỉ và các nước lân cận. Do áp lực gia tăng chủ yếu từ nhóm dân số già nên đặc tính bảo hiểm của hệ thống này không được duy trì.

Nếu Johannes Schmidt mất việc tại Đức, anh sẽ nhận được 60% lương cứng trong khoảng từ 12 đến 36 tháng, không kể các nguồn giúp đỡ của chính phủ, bao gồm việc đào tạo và hỗ trợ tìm công việc mới.

HỆ ĐỊA TRUNG HẢI

Các nước thuộc khu vực Địa Trung Hải như Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp có các quy định luật pháp nghiêm ngặt để bảo vệ công việc nhưng ngân sách dành cho hỗ trợ tài chính thất nghiệp lại rất khiêm tốn. An sinh xã hội vẫn được coi là trách nhiệm của gia đình. Không phải tất cả mọi người đều nằm trong sự bảo trợ của hệ thống.

Nếu Giacomo Esmido mất việc tại Ý, thì trong 180 ngày anh sẽ nhận được 40% mức tiền công gần nhất mà anh nhận được.

HỆ THỐNG SCANDINAVI

Tại các nước Scandinavi, chúng ta sẽ thấy sự bảo hộ xã hội mạnh nhất. Tài chính của hệ thống này chủ yếu đến từ các nguồn thuế. Vì vậy, ở đây có rất ít các quy định luật pháp bảo vệ công việc nhưng lại hỗ trợ rất cao cho những người thất nghiệp và tích cực giúp họ tìm lại việc làm. Phúc lợi xã hội được coi là một quyền và được chính phủ bảo hộ. Sự phân bố lại thu nhập diễn ra ở cấp độ cao. Nếu muốn thất nghiệp ở châu Âu, bạn nên tới một nước Scandinavi.

Nếu Jens Sorensen mất việc ở Đan Mạch, anh sẽ giàu hơn. Anh sẽ nhận được 90% tổng số lương trong vòng không dưới bốn năm. Nhưng một hệ thống như vậy lại có cái giá của nó. Ở Đức tổng thu từ thuế chiếm 45%, ở Đan Mạch 49,6%, và ở Thụy Điển là 50,7%. Đó chính là mặt trái của tấm huy chương.

HỆ IRELAND VÀ VƯƠNG QUỐC ANH

Ireland và Vương quốc Anh có hệ thống bảo vệ công việc yếu hơn, có rất ít loại thuế về việc phân bổ lại thu nhập nhưng lại có hỗ trợ tìm việc. Ngoài ra, cũng có các loại trợ cấp thất nghiệp khác nhau, đây là điều để phân biệt khu vực này với nước Mỹ. Trọng tâm không đặt vào việc giảm cân bằng thu nhập mà vào cuộc chiến chống đói nghèo.

Nếu John Smith mất việc tại Anh, anh sẽ nhận được khoản hỗ trợ 400 đô-la/ tháng, trong một giai đoạn có hạn định, với hỗ trợ bổ sung trong 182 ngày đầu tiên.

Vladimir Spidla, Thủ tướng Cộng hòa Séc, mới trở thành một trong 25 thành viên của EU, gọi tên các giá trị của mô hình xã hội: “Cho dù có sự khác biệt về mặt quốc gia, nhưng nguyên tắc chủ đạo của mô hình xã hội châu Âu là tất cả các cư dân đều nằm trong hệ thống bảo hiểm xã hội cơ bản và không ai bị bỏ rơi. Mục đích của mô hình này là mang đến cho mọi người sự hỗ trợ trong những tình huống khó khăn như: bệnh tật và tai nạn, thảm họa tự nhiên và các biến động kinh tế, điều kiện sống ngăn cản việc tiếp cận cơ hội giáo dục và tham gia thị trường lao động.” Không có gì sai với mong muốn đó. Nhưng nếu châu Âu không thể tìm ra một mỏ dầu có quy mô tối thiểu như của Ả-rập Xê-ut, thì tôi không thấy có cách nào để làm được điều đó cả.

Những người ủng hộ chế độ phúc lợi xã hội thường nhấn mạnh sự khác biệt với nước Mỹ (như một mối đe dọa của châu Âu) coi đó là một luận điểm mạnh mẽ chống lại nước này. Thực tế thời gian làm việc của một người châu Âu chỉ bằng 70% một người Mỹ. Nhưng cắt giảm tiện nghi xã hội được đảm bảo từ hơn một thế kỷ nay sẽ gây hậu quả giống như giết một con bò ở Ấn Độ.

Tờ Wall Street Journal Europe chỉ ra rằng các chính trị gia châu Âu hứng thú với các giá trị lý thuyết của hệ thống hơn là mối liên hệ với thực tế. “Về lý thuyết, mô hình châu Âu rất có ý nghĩa vì nó giúp châu Âu tạo sự khác biệt với đối thủ của mình là nước Mỹ.”

Tôi đồng ý với những gì Joshua Livestro viết trong tờ Wall Street Journal Europe: “Mô hình châu Âu không chỉ là một mô hình kinh tế. Đó là một lối tư duy, lối sống và thế giới quan.”

Đó là một lối sống với một chút dễ chịu. Tôi còn nhớ rõ nỗi kinh ngạc khi gọi điện đến nhà xuất bản của mình tại Vienna, tôi thường được trả lời: “Ngày mai chúng tôi không làm việc; đó là ngày nghỉ.” Châu Âu ngày nay vẫn đang khuấy một thứ hỗn hợp gồm các thành phần không thể hòa trộn với nhau: truyền thống, tham vọng, phúc lợi và vị trí dẫn đầu về kinh tế. Tất cả những điều này được phủ lên bằng những chính sách thể hiện sự ham muốn. Nó có thể phổ biến, nhưng các bài báo và tuyên bố chính trị chỉ đích danh “phân hóa giàu nghèo”, kêu gọi tích cực phân bố lại của cải sẽ không giúp châu Âu tiến thêm một bước nào để đạt được các ước mơ kinh tế đầy tham vọng.

Thủ tướng Áo, Wolfgan Schussel, dẫn dắt vào thực tế phỏng theo một câu ngạn ngữ Áo: “Chúng ta phải chuyển từ đảo cực lạc sang đảo của những kẻ siêng năng.”

TỪ THÁP CANH TỚI NHÀ MÁY

Trong chuyến thăm đầu tiên của tôi tới Vienna, người chủ nhà đưa tôi tới Morbisch, một ngôi làng nhỏ ven hồ, nổi tiếng vì có nhiều cò làm tổ. Người chủ nhà cho tôi biết đường biên giới Áo – Hung nằm ở giữa hồ. Tôi được đưa tới phần có đất bao quanh của đường biên giới. Khi đến gần tôi thấy có nhiều tấm biển đầu lâu xương chéo hiện ra, cảnh báo nếu bước gần thêm nữa sẽ gặp nguy hiểm. Tôi thấy không thoải mái khi nhìn những tháp canh bằng gỗ của phía Hungary xếp thành hàng cách nhau 200m. Trên bục gác ở đỉnh mỗi ngọn tháp, lính canh cầm súng đi đi lại lại, sẵn sàng bắn vào bất cứ ai có ý định vượt qua. Chuyện đó xảy ra cách đây 30 năm.

Hiện nay, Hungary là một phần của EU và khi tới thăm thủ đô Budapest xinh đẹp, chúng tôi dễ dàng lái xe qua biên giới sau một thủ tục kiểm tra hộ chiếu đơn giản. Cuối thập niên 1980, Hungary là nước đầu tiên cho người Đông Đức vượt biên sang Áo và cũng là nước đầu tiên mở cửa đón tiếp các nhà đầu tư nước ngoài vào thập niên 1990.

Trong lần mở rộng gần đây nhất của EU, Hungary, Slovakia, Estonia, Slovenia, Cộng hòa Séc và một số quốc gia nhỏ là cựu thành viên của Liên Xô đã trở thành thành viên. Các nước này giờ đã có thị trường tự do hơn, môi trường kinh doanh thân thiện và tự do về kinh tế hơn các nước Pháp và Đức. Các thành viên EU mới đang cạnh tranh bằng mức thuế thấp và hỗ trợ cao để thu hút số lượng tối đa các doanh nghiệp. Chỉ sau hai năm, các nhà máy và người dân Slovakia đã trở thành những phần quan trọng trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Slovakia có mức thuế thu nhập cá nhân là 19% và nó cũng được áp dụng với doanh nghiệp. Các quốc gia này đang làm kinh tế hiệu quả nhờ sự tham gia vào các lĩnh vực kinh tế cũng như tính hấp dẫn của mình với nhiều lĩnh vực kinh tế.

NHẬP CƯ: CƠ HỘI HAY MỐI ĐE DỌA?

Tôi không chỉ đến từ một quốc gia nhập cư mà còn thuộc thế hệ Mỹ đầu tiên. Cha tôi sinh ở Scotland; mẹ tôi sinh ở Đan Mạch. Và tôi đã trở về với nguồn gốc châu Âu. Tôi sống ở châu Âu trong sáu năm nhưng không hiểu nổi lối tư duy bài ngoại mà mình trải nghiệm ở đây. Một vài năm trước, tôi được mời tới phát biểu tại hội thảo của chính phủ Áo về chủ đề bền vững. Người ta nói rất nhiều về vấn đề trái đất ấm lên, tài nguyên thiên nhiên, thực phẩm biến đổi gen… nhưng không một lời nào về tính bền vững của dân số châu Âu.

Tại sao phải từ chối người nhập cư khi bạn đang cần công nhân, tài năng, bộ phận dân cư tràn đầy sinh lực do dân số giảm? Và tại một hội thảo về vấn đề bền vững, tại sao không bao giờ đề cập đến vấn đề bền vững về dân số?

Nhiều người châu Âu nói rằng dân nhập cư chỉ tìm kiếm các lợi ích do mô hình phúc lợi châu Âu đem lại, trong khi các tổ chức công đoàn phàn nàn ràng dân nhập cư lấy mất công việc của các công đoàn viên. Trong một nền kinh tế năng động, công việc lúc nào cũng có thể bị mất và sự sắp xếp lại công việc chính là bước thích nghi trước những thời điểm biến động.

Tỷ lệ sinh thấp, cộng thêm thái độ không chào đón những người nhập cư, sẽ khiến châu Âu phải trả giá. Tỷ lệ sinh bình quân của châu Âu chỉ có 1,4, trong khi mức tăng dân số bình quân cần để duy trì dân số ổn định là 2,1. Nếu tỷ lệ sinh tại châu Âu không tăng và châu Âu tiếp tục hạn chế nhập cư, thì chỉ trong hai thế hệ nữa, dân số châu Âu sẽ giảm xuống còn một nửa so với hiện tại.

Tờ Economist nhận định: “Tính logic lâu dài của dân số học sẽ gia cố sức mạnh của Mỹ và làm rộng thêm hố ngăn cách xuyên Đại Tây Dương” đưa đến một sự đối lập rõ nét “giữa một nước Mỹ trẻ trung, đa dạng, đa sắc và một châu Âu già cỗi, hom hem, hướng nội”. Những từ khó nghe, nhưng đó chính là kết quả của trò chơi.

Bất chấp những lý tưởng và điều mơ tưởng, không có cách nào phủ nhận sự cần thiết phải có một thay đổi trong tư duy của châu Âu. Công việc của chính phủ không phải là đem lại toàn bộ công việc và đầy đủ của cải. Và dù sao chính phủ cũng không thể làm được việc đó. Dân số đang già đi sẽ làm hệ thống không chi trả nổi. Và thực tế đúng là như vậy. Thế nhưng, giải pháp cho phép nhập cư để bù lại tỷ lệ sinh quá thấp lại bị lên án rộng rãi và là một đe dọa chính trị phổ biến được dùng để khiến người ta lo sợ cảnh mất việc.

Mỹ đã thiết kế được một cách để làm giàu thêm nguồn nhân tài. Mỗi năm nước này nhận hơn một triệu dân nhập cư hợp pháp, nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại – và điều này diễn ra từ năm 1976. Một triệu người này là ai? Phần lớn là những người tài năng, tham vọng, thông minh, muốn thực hiện ước mơ tại một nơi người ta có tự do để làm thế. Một triệu người mỗi năm bổ sung nhân tài cho nước Mỹ. Vì chất xám và tài năng được phân bố ngẫu nhiên, hãy nghĩ xem tỷ lệ sinh trong nước sẽ phải làm gì để có được kết quả tương tự như vậy.

Kinh nghiệm của tôi là thay đổi xuất hiện khi có sự tương hợp của các giá trị đang thay đổi và tính thiết yếu về kinh tế. Nhu cầu kinh tế dường như rõ ràng ở châu Âu nhưng họ không có vẻ gì là đang thay đổi, ngay cả khi lợi ích đã trở nên rõ ràng.

Điều kiện để tạo ra một nền kinh tế cạnh tranh là môi trường thuận lợi cho tư duy kinh tế phát triển. Tại châu Âu, lối tư duy phổ biến là chính phủ phải đảm bảo không ai bị sa thải và công việc mới có thể được tạo ra bằng việc ngân sách được cấp cho các dự án chính phủ. Nhật Bản đã làm điều này hàng năm nay và giờ đây có số cầu bình quân đầu người bắc qua các dòng nước nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Chỉ có các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường có thể tạo ra các công ty mới và công ăn việc làm thật sự. Điều này nên được tạo ra bằng cách xóa bỏ các trở ngại quan liêu đang cản đường cho sự ra đời của các công ty mới và đưa ra các chính sách khuyến khích mới như miễn thuế cho những năm đầu hoạt động. Vấn đề lớn hơn ở đây là người ta không hiểu rằng một công ty cần làm ra lợi nhuận để tồn tại. Nhiều người châu Âu dường như nghĩ rằng các doanh nghiệp có thể lựa chọn giữa việc kiếm tiền và duy trì số công nhân đông hơn ngay cả khi làm ăn thua lỗ.

EU hiện có các mục tiêu về giảm khí thải, các nguồn năng lượng có thể tái sinh, đa dạng sinh học và tham gia xã hội. Nhưng chúng ít có tác động lên sự phát triển kinh tế, thậm chí trong một số trường hợp còn khiến nền kinh tế phát triển chậm lại. Các cải cách kinh tế không hề nhúc nhích. Mô hình xã hội nhận được sự hưởng ứng rộng rãi đến nỗi hầu như không chính trị gia nào lớn tiếng phản đối. Một số người nói rằng nó sẽ được giảm hoặc sẽ phải hiệu quả hơn, nhưng bản thân mô hình đó hầu như không bao giờ bị đặt thành vấn đề phải xem xét.

Cải cách kinh tế tức là cải thiện năng lực sản xuất của một nền kinh tế. Tất cả các luận bàn về cải cách kinh tế nên được phán xét theo tiêu chuẩn này. Nhưng thực tế hiện nay là phần lớn châu Âu có thái độ thù địch với các doanh nhân, kể cả khi cần đến họ nhất.

AI CÓ QUYỀN ĐIỀU HÀNH THẾ GIỚI?

Châu Âu, không còn nghi ngờ gì nữa, đã tự coi mình là người giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa nhân văn nổi lên như một tinh thần chủ đạo từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI tại Ý – thời kỳ Phục hưng. Dưới góc độ triết học, chủ nghĩa nhân văn là bất kỳ nhân sinh quan hoặc lối sống nào đặt nhu cầu và quan tâm của con người vào vị trí trung tâm. Xét về nhiều góc độ, nó được coi là di sản và lý tưởng của châu Âu.

Châu Âu, dẫn đầu là người Pháp, thấy mình cao quý hơn so với bức tranh vẽ về nước Mỹ. Họ định nghĩa nước Mỹ của tổng thống George W. Bush là một con rắn ba đầu, phun ra lửa chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa bảo thủ mới và trào lưu chính thống. Sự đối đầu đem lại cảm giác vượt trội về tri thức và đòi quyền đạo đức cho vị trí dẫn đầu về kinh tế, quân sự, và Mỹ, với sự thoải mái về lối sống cọng với vị trí dẫn đầu về kinh tế, quân sự, là không thể tránh khỏi.

HAYEK: SỐ PHẬN MỘT NGƯỜI NHẬP CƯ CHÂU ÂU

Năm 1950, Friedrich Hayek lên chiếc tàu thủy tại London để đi nhận một vị trí tại Đại học Chicago. Ông bị phớt lờ ở châu Âu nhưng lại được chào đón tại Mỹ. Được đào tạo để trở thành một nhà kinh tế học của thế kỷ XX, ông đang trên đường trở thành một triết gia xã hội quan trọng nhất thế kỷ XXI. Nhà kinh tế học Thomas Sowell gọi Hayek là “nhân vật hạt nhân tiên phong trong việc thay đổi cách tư duy của thế kỷ XX”.

Tại sao châu Âu phớt lờ ông? Trái với những người cùng thời, Hayek không tin cách tiến lên tốt nhất là qua kế hoạch hóa tập trung. Ông lập luận rằng các hệ thống tập trung có vẻ hấp dẫn trên giấy tờ nhưng phải chịu một căn bệnh hết sức căn bản và vô phương cứu chữa: “phân chia tri thức”. Để biết các nguồn lực nên đi đâu, những người hoạch định chính sách trung ương cần biết hai điều: người dân muốn mua hàng hóa gì và các hàng hóa đó có thể được sản xuất với chi phí rẻ nhất như thế nào.

Thông tin này nằm trong đầu của từng người tiêu dùng và người làm kinh doanh, không phải trong cơ quan quy hoạch của chính phủ. Hayek lý luận, cách thực tiễn duy nhất để người tiêu dùng và doanh nghiệp trao đổi với nhau là thông qua một hệ thống giá cả do thị trường quyết định. Bài học lớn Hayek lại dạy chúng ta là kế hoạch hóa tập trung và tự do cá nhân không thể cùng tồn tại. Về cơ bản, Hayek muốn xã hội loài người phát triển tự nhiên trong tự do – cách tốt nhất để đối phó với những điều chưa biết.

Tôi muốn nói cho bạn biết tại sao, trong quá trình chuyển dịch từ việc giảm chế độ phúc lợi xã hội sang kinh tế thị trường tự tổ chức, Friedrich Hayek đang trở nên rất quan trọng và vì sao châu Âu nên lắng nghe ông.

Ông là triết gia tự do vĩ đại nhất. Với Hayek, cá nhân là tối cao. Ông kết luận trong cuốn sách nổi tiếng The Road to Serfdom (Con đường dẫn tới chế độ nông nô), như sau: “Chính sách tự do cho cá nhân là chính sách tiến bộ duy nhất”. Đây là ánh sáng soi đường cho châu Âu.

Ông đứng về phía đề xuất cho rằng thị trường tự do là cách duy nhất để tổ chức một xã hội hiện đại và điểm mấu chốt cho phát triển kinh tế là “tri thức”. Ông diễn đạt tất cả các quan điểm này theo cách rất hiện đại và hiện nay, nó đã được chấp nhận gần như phổ biến nhưng vẫn đang phải đấu tranh để được chấp nhận tại châu Âu.

Ông kiên trì với vũ khí của mình. Cuốn Con đường dẫn tới chế độ nông nô là một đòn tấn công vào các thể chế phúc lợi được xây dựng tại châu Âu từ thời chiến. Tiếng nói của ông vang lên vô cùng lạc lõng. Ở Anh, người ta gọi ông là “con khủng long kỳ khôi”. Mặt khác, cuốn sách còn đề cập chủ yếu đến châu Âu nhưng tại đây nó lại ít được chú ý nhất. Sự kháng cự lại các thay đổi và tư duy “phải đúng” vẫn đang bịt kín lối đi.

Hayek nhận được đôi chút ủng hộ quốc tế khi được nhận giải Nobel năm 1974 cùng với Gunnar Myrdal. Lúc đó, châu Âu vẫn phủ nhận tầm quan trọng của ông và họ nói: “Myrdal thật tuyệt, Hayek thật tệ”. Sau này, Myrdal nói ông sẽ không nhận giải nếu biết phải chia sẻ giải thưởng với Hayek.

Quốc gia chào đón Hayek nồng nhiệt nhất hiện nay là nơi mà châu Âu đặt câu hỏi nhiều nhất – nước Mỹ.

GHÉT, NGƯỠNG MỘ, GHEN TỴ, SAO CHÉP

Đôi khi điều liên kết mọi người với nhau là việc có chung một kẻ thù.

Mỹ, cái gai trong thớ thịt chính trị của châu Âu, có lẽ là chất xúc tác kết dính nhất giữa Jacques Chirac, Gerhard Schroeder và những chính trị gia khác; những nghệ sỹ violon chơi trong dàn nhạc Mỹ vụng về và nhiệt liệt hoan nghênh các ngôi sao kiểu như nhà làm phim Michael Moore. Tôi cảm tưởng họ có ngầm ý rằng nếu thế giới cần phải quay sang với dân chủ, thì nhạc trưởng phải là châu Âu.

Châu Âu, có một lịch sử đô hộ lâu dài. “Châu Âu nhìn thế giới như một cửa hàng tự phục vụ”, Radio Bremen, một đài phát thanh Đức, từng nói. Liệu có phải châu Âu thách thức nỗ lực dân chủ hóa thế giới của Mỹ là vì lịch sử của mình? Đó chỉ là một phần.

Michael Ignatieff, giám đốc Trung tâm Carr về chính sách quyền con người tại Trường hành chính Kennedy tại Harvard, miêu tả nước Mỹ là một “đế chế bền vững”:

Đế chế Mỹ không được xây dựng trên thuộc địa, xâm lược và gánh nặng của những người da trắng giống các đế chế trong quá khứ. Thị trường trong thế kỷ XXI là một phát minh mới trong biên niên sử của ngành khoa học chính trị, một đế chế bền vững, một sự đồng nhất trên toàn cầu với nét đặc trưng là thị trường tự do, quyền con người và dân chủ, được áp đặt bằng sức mạnh quân sự kinh hoàng nhất mà thế giới từng biết tới… Chiến lược An ninh Quốc gia của tổng thống Mỹ, thông báo vào tháng 9, cam kết đưa Mỹ dẫn dắt các quốc gia khác tiến tới mô hình bền vững duy nhất để đạt thành công quốc gia, tức là thị trường tự do và dân chủ tự do. 

Rõ ràng, đây là một tư duy mạnh mẽ.

… Sự kiện ngày 11-9 thay đổi tất cả mọi người, kể cả vị tổng thống súc tích và không hoa mỹ. Thông điệp cứu thế có thể mới với ông nhưng không mới với văn phòng của ông. Nó tồn tại trong vốn từ của người Mỹ ít nhất kể từ khi Woodrow Wilson tới Versailles năm 1919 và nói với cả thế giới rằng ông muốn bảo vệ nền dân chủ. 

Mỹ là một đế chế lâu đời trước khi George W. Bush xuất hiện. Mỹ đã có 10 tổng thống xuất phát từ cương vị tướng lĩnh. Trừ ở Việt Nam, nước Mỹ chưa bao giờ thất bại trong một cuộc chiến nào, một kỷ lục chưa có tiền lệ trong lịch sử hiện đại. Không nước nào kể từ Đế chế La Mã từng thống trị thế giới như thế.

Cùng với việc nước Mỹ được coi là dễ tổn thương, thế giới bắt đầu nhận thức được sức mạnh thống trị của nó. Những gì trước đây bị xem nhẹ hoặc bỏ qua trong các bộ máy chính quyền nay lại trở thành mối quan ngại lớn của châu Âu: nước Mỹ, không còn là quốc gia mà trở thành một đế chế trong các quốc gia. Điều đó đã gây tổn thương và hầu hết mọi người không thích đế chế này. Trên thế giới, doanh số bán cờ Mỹ vẫn tăng mạnh – cờ để đốt trong các cuộc biểu tình. Và không thể tin rằng George W. Bush có thể thua Saddam Hussein trong một cuộc thi về mức độ được ưa thích trên toàn cầu. Nhưng đừng nhầm vì điều đó. Chúng ta mới chỉ bước vào một kỷ nguyên dài của đế chế Mỹ. Và với những người nói không phải họ không thích nước Mỹ mà họ không thích George W. Bush, thì ai là tổng thống không quan trọng; nước Mỹ vẫn sẽ thống trị thế kỷ XXI như La Mã đã làm trong thế kỷ thứ I. Thách thức duy nhất là Trung Quốc, nhưng cũng không được bao nhiêu năm.

CHÂU ÂU ĐA PHƯƠNG – NƯỚC MỸ ĐƠN PHƯƠNG

Có một truyện cười ở Brussels kể rằng khi sắp hết nhiệm kỳ tổng thư ký NATO, George Robinson hỏi Thượng đế: “Khi nào các năng lực của NATO có thể được nâng cao?”

“Có thể trong đời của vị tổng thư ký tiếp theo,” Thượng đế trả lời.

Vui mừng, Javier Solana, Giám đốc chính sách đối ngoại của EU, hỏi tiếp: “Khi nào châu Âu có thể có một chính sách đối ngoại hiệu quả?”

Ngập ngừng, cuối cùng Thượng đế trả lời: “Không phải trong cuộc đời của ta.”

Nếu chúng ta coi đó là nhận xét của Thượng đế về chính sách đối ngoại của châu Âu, thì đó sẽ là vấn đề khá nghiêm trọng cho một liên minh mong muốn điều hành thế giới, (ít nhất là về nền tảng đạo đức và nhân văn, đặc biệt nếu bạn xét tới thực tế là vai trò sức mạnh thế giới đã được chiếm lĩnh). Người ta đã thấy rằng Mỹ là nước theo chủ nghĩa đơn phương, chỉ làm những gì mình muốn và không tham khảo đủ ý kiến của các nước khác, không dùng cách tiếp cận đa phương và bàn thảo với nhau như các nước châu Âu.

Người Mỹ không thích làm việc theo ủy ban. Cuộc chiến Kosovo đã cho thấy Mỹ và Đồng minh châu Âu khó cùng tham chiến như thế nào. Mỗi hành động đều cần sự điều phối của tất cả các nước NATO – Mỹ học được một bài học trong chiến tranh Kosovo. Theo lời của tướng Wesley Clark: “Chúng tôi không bao giờ muốn làm điều này một lần nữa.”

Chúng ta có thể dễ dàng nghe thấy tổng thống George W. Bush nói điều tương tự khi phải thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một số vấn đề nào đó: “Chúng tôi không bao giờ muốn làm điều này một lần nữa.” Và, như Robert Kagan nói: “Những người không thể đơn phương hành động thường muốn có cơ chế kiểm soát những người có thể làm thế… Với châu Âu, Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc là sự thay thế cho sức mạnh họ còn thiếu.”

CHÂU ÂU 2010 ‒ TÓM TẮT SƠ LƯỢC

Sáu năm trước, các nhà lãnh đạo EU cùng nhau cam kết tạo ra “nền kinh tế tri thức năng động và cạnh tranh nhất thế giới trước năm 2010”. Tinh thần hăng hái, nhưng trên đường tới đích, luôn có những cuộc vật lộn và những rào cản.

RÀO CẢN:

Thuế cao và chính quyền cồng kềnh: chính quyền các nước EU tiêu dùng 45% thu nhập quốc gia, Trung Quốc chỉ tốn 11%, phần lớn các khu vực khác ở châu Á là 20%, ở Mỹ chưa đến 30% GDP.

Ít đổi mới. EU dành 1,9% thu nhập quốc gia cho nghiên cứu và phát triển, trong khi tỷ lệ đó ở Mỹ là 2,6%. Mỹ có số nhà khoa học và kỹ sư bình quân trên một triệu dân, cao gấp đôi EU. Hiện tượng chảy máu chất xám khoa học từ châu Âu sang Mỹ vẫn tiếp diễn.

Tăng trưởng năng suất chậm. Mức tăng trưởng năng suất khu vực kinh doanh của EU là 0,6% trong cả năm năm qua. Tỷ lệ của Mỹ lớn gấp bốn lần và tỷ lệ của Trung Quốc gấp bốn lần Mỹ.

Luật lao động hạn chế. Trong cuộc chạy đua giành vị trí dẫn đầu nền kinh tế toàn cầu, độ cao của rào cản này do EU tự đặt ra. Việc lên tiếng đòi nới lỏng các hạn chế cần vai trò lãnh đạo chính trị phải hành động.

Thị phần xuất khẩu giảm, sự bảo hộ tăng lên. Kết quả không thay đổi nếu giá trị không thay đổi. Mùa xuân năm 2006, Pháp đưa ra danh sách 11 ngành công nghiệp chính phủ Pháp có quyền phủ quyết sáp nhập với nước ngoài. Thị phần xuất khẩu của EU giảm từ 51% xuống 42% trong năm 1980; về các sản phẩm công nghệ cao, thị phần của EU giảm từ 36% xuống 29%.

Cam kết Lisbon được nhắc lại vào mỗi mùa xuân ngay cả khi châu Âu vẫn tiếp tục thụt lùi so với Mỹ. Thu nhập bình quân đầu người của châu Âu hiện thấp hơn Mỹ 25% – khoảng cách ngày càng được nới rộng trong 15 năm qua. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho biết nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra trong 20 năm tới, một công dân Mỹ trung bình sẽ giàu gấp đôi một công dân Đức hoặc Pháp.

Thực tế, sự suy vong đó đã được tích tụ dần.

Khi EU mới thành lập, trọng tâm được đặt vào “sự cởi mở”, tức là các nước EU mở cửa buôn bán và thương mại tự do với nhau. Tự do, đa dạng và cạnh tranh kinh tế là yếu tố khiến một nước – một khu vực có khả năng cạnh tranh. Những năm gần đây, sự cởi mở đang chuyển dịch sang hòa hợp. Hòa hợp thuế doanh nghiệp theo mức cao nhất của các nước EU lớn nhất, hòa hợp theo quy định lao động phi cạnh tranh, hòa hợp theo chính sách nhập cư hạn chế nhất. Nói ngắn gọn, hòa hợp tất cả các nước EU để cùng trải qua một sự suy giảm kinh tế trong tình đoàn kết.

Chính châu Âu và các chính sách trong đó đang định hình tương lai cho châu lục này. Nếu được hỏi về triển vọng tương lai của châu Âu, tôi sẽ nói rằng châu lục này vẫn tiếp tục giữ mô hình xã hội và tiếp tục chất thêm nhiều những quy định “mang tính hòa hợp”. Nói cách khác, châu Âu vẫn đang lựa chọn con đường mà tôi gọi là “sự suy vong được bảo đảm đồng bộ”.

ÁP DỤNG CÁC LỐI TƯ DUY

LỐI TƯ DUY #3 Lời nhận xét kinh tế: “Sự suy tàn chung không tránh khỏi” dành cho EU có quá khắc nghiệt không? Không! nếu bạn áp dụng lối tư duy #3, “Tập trung vào kết quả”. Xuất hiện sự thiếu ăn khớp ngày càng lớn giữa những diễn từ chính trị hoa mỹ và kết quả kinh tế. Khoảng cách này tồn tại trong hầu hết các quốc gia nhưng EU và các nước thành viên giành giải nhất về tình trạng trì trệ trong thời gian dài. Nếu chưa có người được dẫn dắt thì châu Âu vẫn tiếp tục trên con đường “suy vong được Bảo đảm đồng bộ”.

LỐI TƯ DUY #4 Mặt thứ hai của lối tư duy “Hiểu được sức mạnh của việc tạo ra lối đi riêng” là kiên quyết bảo vệ vị thế đúng của bạn. Chính trị được điều khiển bởi tư duy “phải đúng” và chứng minh đối phương sai. Dù không giới hạn trong châu Âu nhưng một nền kinh tế bị chính phủ kiểm soát càng chặt, tư duy “phải đúng” càng mạnh.

LỐI TƯ DUY #9 “Cách khai thác cơ hội, chứ không phải cách giải quyết khó khăn quyết định thành công của bạn”: nói một cách đơn giản, chính trị châu Âu đầy những người giải quyết khó khăn. Quá nhiều các quy định quan liêu khiến những người tìm kiếm cơ hội không còn nhiều không gian để mang lại những thay đổi thật sự. Tệ hơn là các thành viên EU mới như Slovakia và Slovenia – nơi tinh thần doanh nghiệp được mời chào nhờ mức thuế thấp mang tính cạnh tranh và được hỗ trợ bởi một môi trường kinh doanh thuận lợi, đang bị các thành viên cũ đe dọa san bằng theo mẫu thức cạnh tranh chung. Nếu tư duy kinh doanh không năng động và hiệu quả, chắc chắn nền kinh tế sẽ bị đình trệ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.