11 Lối Tư Duy Thay Đổi Cách Nhìn Và Sáng Tạo Tương Lai

LỐI TƯ DUY #11



Yếu tố không thể bỏ qua: Tính sinh thái của công nghệ

MỘT LOÀI TẤN CÔNG

Năm 1859, một tấm màn xám xịt bao trùm nước Úc. Nó từ phía Tây đến, có bốn chân to khỏe và một đôi tai dài, được mang về với mục đích ban đầu để mua vui cho những quý ông yêu thể thao. Thomas Austin là người tiên phong đã thả 24 con thỏ hoang tại cơ ngơi của mình ở Công viên Barwon, Tây Nam Melbourne. Năm 1866, chỉ bảy năm sau, tại đây 14.253 con bị bắn chỉ để tiêu khiển. Một thành công vang dội!

Nhưng ảnh hưởng sâu rộng của việc này thì ông ta không tưởng tượng nổi. Các quy luật sinh sản đưa nước Úc tới tình trạng giống trong bài thơ The Sorcerer’s Apprentice (Cậu bé phù thủy học việc) của Goethe, trong đó chiếc chổi bị phù phép đã biến một câu thần chú thành thảm họa.

Hãy nhìn chiếc chổi lao ra phía bờ 

Nơi đó có một dòng nước, 

Rồi trở lại nhanh như tia chớp, 

Đổ nước xuống thật đều và cũng rất nhanh. 

Một lần nữa nó lại vội vàng! 

Nước tràn, 

Nước ngập, 

Mặc, nó vẫn đổ tràn. 

Lúc đỉnh điểm, tình hình đảo ngược. Chiếc chổi tuột khỏi tay và bẻ đôi nó chỉ làm tình hình tồi tệ thêm.

Rắc rối cho tôi rồi! 

Cả hai nửa nhốn nháo chạy 

Nhanh chóng, 

Mọc thêm ra như những ngọn tháp 

Ngay ở đó cạnh tôi. 

Hãy giúp con, giúp các thế lực vĩnh hằng! 

Nước vẫn chảy, vẫn ướt và ướt hơn 

Căn phòng và bậc cửa ngập chìm trong nước. 

Một cơn lụt không ích gì ngăn cản! 

Những năm 1950 ở Úc, nếu người nào đó bắn một con thỏ trên đất của John Robertson thì sẽ bị phạt 10 bảng. Vài năm sau, con trai Robertson phải tốn 5.000 bảng/năm để kiểm soát lũ thỏ.

Hỡi Các Đấng Tối Cao, hãy nghe tiếng con than khóc! 

Á, nó lại đến trông thật là phấn khích 

Thưa ngài, điều con mong mỏi thật đớn đau 

Những linh hồn con vừa nói tới 

Lời thỉnh cầu của con bị bỏ quên. 

Tiếng nước Úc kêu trời thì to nhưng ma thuật để ra lệnh cho những thế lực không thể kiểm soát vẫn chưa được tìm thấy và mỗi lần can thiệp lại gây thêm những xáo trộn khác. Bức màn xám vẫn ngày càng rộng ra.

KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CHỔI MỚI QUÉT CŨNG SẠCH

Ở Úc, các lợi ích ngắn hạn bị loại bỏ vì những thiệt hại lâu dài. Điều gì đúng trong tự nhiên cũng áp dụng được với công nghệ. Ý thức về sự biến đổi môi trường sống và các mối quan hệ bên trong nó vẫn đang còn thiếu.

Và đây không phải là điều mới mẻ. Tiến bộ công nghệ luôn kéo theo những thay đổi xã hội. Việc tìm ra lửa khiến chúng ta có hơi ấm, thức ăn ngon hơn và bắt đầu một cuộc sống cộng đồng đích thực. Bánh xe, điện và ô tô, tất cả đều thay đổi mạnh mẽ các mối liên kết xã hội. Tuy nhiên, ngày nay tốc độ thay đổi công nghệ nhanh đến nỗi xã hội ngày càng thích nghi không kịp. Tiến bộ công nghệ đang chạy trước tiến bộ văn hóa và khoảng cách giữa chúng đang ngày càng rộng ra.

NHỮNG CÂU HỎI KHÔNG ĐƯỢC ĐẶT RA

Công nghệ có giống như tin lành và tin dữ về những chú thỏ được đưa vào nước Úc không? Việc đưa ra một loài mới và một công nghệ mới không thể xảy ra trong môi trường chân không. Nhưng dù nó quan trọng thế nào, hậu quả của mối quan hệ giữa chúng ta và công nghệ vẫn không được cân nhắc nhiều, thậm chí đó là mối quan hệ ít được xem xét nhất. Một công nghệ mới đặt ra các câu hỏi:

Cái gì sẽ được tăng lên?

Cái gì sẽ bị giảm đi?

Cái gì sẽ bị thay thế?

BOOMERANG CÔNG NGHỆ

Không phải mọi thứ đi dưới ngọn cờ của một hiện tượng công nghệ đều là công nghệ đích thực. Hai trong số các ví dụ quan trọng nhất là Internet và điện thoại di động. Chuyện về chúng không chỉ là chuyện công nghệ mà còn là chuyện chúng kết nối mọi người ra sao. Chúng đã thay đổi cách giao tiếp của chúng ta.

Đầu thế kỷ trước, nhà văn James Joyce đã viết một lá thư tay cho Nora, người sau này trở thành vợ anh:

Ngày 15-8-1904

Nora yêu quý của anh,

Nó vừa thoáng qua trong đầu anh. Anh về lúc mười một rưỡi. Từ lúc đó anh vẫn ngồi trên ghế bành như một thằng ngốc. Anh không thể làm gì được. Anh không nghe thấy gì ngoài giọng nói của em. Anh như một tên ngốc nghe em gọi “Anh yêu”. Hôm nay anh đã làm phật lòng hai người vì đã lạnh lùng từ biệt họ. Anh chỉ muốn nghe giọng em chứ không phải giọng họ.

Ở bên em, anh không còn cái vẻ khinh khỉnh và nghi hoặc. Anh ước được cảm thấy em đang ngả đầu vào vai mình. Anh nghĩ anh sẽ đi ngủ.

Anh đã mất nửa tiếng đồng hồ ngồi viết những dòng này. Em sẽ viết cái gì đó cho anh chứ? Anh hy vọng em sẽ làm thế. Anh phải ký tên mình thế nào nhỉ? Anh sẽ không ký gì cả đâu, vì anh không biết phải ký thế nào?

Hơn 100 năm sau, qua thư điện tử, chúng ta có thể đọc nó thành thế này:

Nora,

ý nghĩ thoáng qua: về lúc 11.30 – từ đó chỉ đi lại như một tên ngốc :)), k làm zì, chỉ nghe thấy giọng em nói <anh yêu> :-(. làm 2 khách hàng cáu, bỏ hẹn, muốn ở với e!!!!!!!!!!! e thật tốt với a, e làm a thấy dễ chịu hơn, ít buồn phiền hơn, ít giống quái vật hơn :-), muốn đầu e trên vai a, k sao, sẽ đi ngủ ngay, viết cái này có vẻ 10 phút rồi, sớm viết lại nhé!!!!!!! hy vọng e sẽ viết!!!!!!!! không bao giờ biết phải kết thúc thế nào. Hẹn sớm gặp e.

MÁY TÍNH VÀ NHÀ THƠ

Việc chúng ta chuyển từ giao tiếp tinh tế sang công nghệ cao, từ thư viết tay sang việc bị máy tính điều khiển liên quan rất nhiều tới việc người ta ca ngợi cái máy tính ‒ thứ thuốc chữa bách bệnh trong thời đại của chúng ta. Nó bù đắp sự thiếu hụt về thành tích giáo dục. Vậy có phải chất lượng giáo dục đang suy giảm? Hãy đặt một chiếc máy tính – biểu tượng vĩ đại của thời đại công nghệ – vào mỗi lớp học. Và điều đó sẽ giải quyết được vấn đề. Yêu cầu có một chiếc máy tính cho mọi phòng học đã tồn tại một vài thập kỷ nay. Nhưng chúng ta đã kiểm tra xem một chiếc máy tính sẽ đóng góp được gì vào mục đích đích thực của giáo dục chưa? Mục đích đó là học cách học, cách duy nhất cho phép chúng ta học tập suốt đời. Nhưng chúng ta cứ tiếp tục gây áp lực lên giải pháp công nghệ mà không hiểu giá trị giáo dục của nó.

Tôi ủng hộ việc có máy tính trong tất cả các lớp học. Tôi ủng hộ việc mỗi đứa trẻ có một chiếc máy tính. Tôi muốn trẻ em làm bạn với máy tính, sử dụng máy tính như những người cộng tác. Nhưng cuộc vận động của tôi là phải có một nhà thơ trong mỗi lớp học. Hiện nay, khắp nơi ở Mỹ, phần lớn sinh lực và tiền bạc đều dành cho máy tính, gấp nhiều lần so với chi phí dành cho thơ ca, hội họa, âm nhạc và các ngành nhân văn khác. Nhưng điều cần thiết là sự hiểu biết về công nghệ và trí tưởng tượng nghệ thuật. Chúng ta đang chuyển sang một thế giới trong đó sự giao tiếp tinh tế của một sản phẩm, tính thẩm mỹ và thơ ca của nó sẽ ngày càng trở thành những yếu tố phân biệt nó với những sản phẩm có trình độ công nghệ tương đối ngang bằng.

Nói cách khác, chúng ta phải nuôi dưỡng không chỉ các kỹ năng trí tuệ mà còn, để cân đối, nuôi dưỡng trí thông minh cảm xúc và tinh thần. Chúng ta cần phải giữ cho công nghệ cao và giao tiếp tinh tế cân bằng với nhau. Thế giới càng được công nghệ hóa, chúng ta lại càng cần có các nghệ sỹ và nhà thơ.

CHỜ ĐỂ ĐƯỢC CỨU

Trước kia, thế giới không có điện thoại di động. Không có những tiếng chuông điện thoại cất lên trong trường học, tại hội thảo, rạp chiếu phim, phòng tập hay siêu thị. Rồi công nghệ ban tặng cho chúng ta khả năng kết nối không dây mọi lúc mọi nơi. Nokia, hãng sản xuất điện thoại di động thành công nhất, đưa ra khẩu hiệu: “Kết nối mọi người”. Công nghệ đứng trước hai ngã rẽ cứu rỗi và thảm họa.

Một lần, tôi có mặt tại sân bay Logan ở Boston. Máy bay bị muộn, thời gian khởi hành bị hoãn. Những người cùng chuyến và tôi ngồi tại một khu chờ để lên máy bay. Đối diện phía tôi là một gia đình trẻ – ông bố, bà mẹ và hai đứa nhỏ. Họ không nói chuyện nhiều lắm, người bố trẻ, lúc này trông có vẻ rất chán nản. Đột nhiên chuông điện thoại di động của anh reo, anh ngay người và sáng bừng lên như một cây thông Noel. “Xin chào, xin chào!”

Tôi nhận ra anh vừa như được cứu, cứu thoát khỏi sự buồn chán và khỏi các trách nhiệm gia đình. Người bố trẻ, với tôi, có vẻ có một mối liên hệ loạn chức năng với công nghệ. Khi ngồi đó như một nhân chứng, tôi nghĩ hẳn phải có nhiều người trên toàn nước Mỹ đang chờ để được cứu thoát khỏi bất kể là cái gì đang ở trước mặt họ và bởi bất kỳ ai.

TỪ THƯỢNG ĐẾ THÀNH KẺ ĂN XIN

Trong đoàn diễu hành đang tiến bước, điện thoại cố định không bị bỏ lại đằng sau. Trong suốt thập niên 1990, những tiến bộ kỹ thuật tràn ngập. Một giọng nói dịu dàng, ra đời do cách quản lý sử dụng công nghệ và cắt giảm chi phí, thường bắt đầu với lời khẳng định ấm áp: “Cuộc gọi của quý khách với chúng tôi thật quan trọng. Xin vui lòng giữ máy trong khi chúng tôi lờ chuyển nó đi.”

Đó chỉ là khúc dạo đầu.

“Để lắng nghe 112 điều trong danh mục, ấn phím 1. Để biết con số mới nhất về tổng số khách hàng nói họ thà chết chứ không làm ăn lại với chúng tôi nữa, ấn phím 2. Để biết người rất tốt nhưng không có cách nào liên lạc được và nói chung là dù có chuyện gì đang xảy ra thì người đó cũng đang nghỉ sinh, ấn phím 3.”

Sau 11 phút 33 giây là màn chót đỉnh cao: “Người bạn muốn gặp hoặc đang bận trên đường dây khác hoặc không có trong văn phòng. Xin vui lòng gọi lại.”

Những công ty đó gọi khách hàng nọ là thượng đế và rồi đối xử với khách hàng tệ hơn với một kẻ ăn xin. Tôi cho rằng phải bỏ máy trả lời tự động ngay lập tức. Chúng thường xúc phạm khách hàng và ném họ xuống địa ngục điện thoại. Hãy thay thế những cái máy đó bằng những điện thoại viên thân thiện và tinh tế. Rồi các công ty sẽ thấy đâu mới là cách tiết kiệm chi phí.

Tôi thúc giục CEO của bất kỳ công ty có máy trả lời tự động nào hãy gọi về công ty xem anh ta có thể liên lạc được với chính mình hay không. Bài thực hành sẽ khởi động những cơ hội kinh doanh lớn để tạo ra một hệ thống dịch vụ khách hàng hữu hiệu, mà không biến nó thành một đám cháy hỗn loạn không lối thoát.

Một lần nữa, chúng ta phải nghĩ nhiều hơn về tính sinh thái của công nghệ.

MỘT LỰA CHỌN MẠO HIỂM

Mặt khác, cũng có một vài ứng dụng công nghệ khá buồn cười. Tôi có đọc về một nhà hàng ở Paris phối hợp công nghệ cao với giao tiếp tinh tế để đưa ra một phức hợp tuyệt vời. Tên nhà hàng là La Connivance, nằm ngay cạnh Sở chứng khoán. Hòa chung với môi trường xung quanh, quy luật cung cầu quyết định giá cả bữa ăn. Khi bạn gọi món, một chiếc máy tính ngay lập tức điều chỉnh sao cho giá phù hợp với nhu cầu. Các món được yêu thích – giống các loại cổ phiếu được chuộng – tăng giá, trong khi những món ít được ưa chuộng hơn sẽ giảm giá. Bây giờ, bạn có thể trả giá vào lúc gọi món – hoặc bạn có thể chơi trò ú tim − trả giá được đưa ra khi thanh toán hóa đơn.

Tôi nghĩ cái đó mới, nhưng một quán bar ở Oslo, còn đi xa hơn thế. Khách hàng đặt cược theo nguyên tắc đầu cơ tương tự, nhưng bằng cách ngẫu nhiên, người ta đưa thêm trường hợp thị trường chứng khoán sụp đổ, làm giá đồ uống giảm xuống tới gần mức 0, mang đến một bữa uống thỏa thê. Đây chỉ là minh họa cho những gì máy tính có thể làm cho chúng ta.

VẤN ĐỀ KÍCH CỠ

Khi đưa ra các công nghệ mới, chúng ta thường không nghĩ đến tầm vóc con người. Trở lại với Utah, vùng đất được Brigham Young dẫn dắt. Khi ông đến thung lũng Great Salt Lake, năm 1847 với đoàn người tiên phong, điều đầu tiên ông quyết định là kích thước tối ưu của giáo xứ: 300 người cho cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Vì có nhiều trẻ em do chế độ đa thê để lại, số lượng các gia đình lên đến 50. Tất cả mọi người quen nhau và vì thế có thể chăm sóc nhau. Mạng lưới xã hội được liên kết nhờ sự thông hiểu. Đó chính là tầm vóc con người.

Tại hầu hết các công ty, trong suốt kỷ nguyên công nghiệp, vấn đề quy mô nhân sự bị bỏ qua một bên. Giờ đây chúng ta đang quay lại với nó. Gore-Tex, một công ty vải sợi và y tế, có trị giá gần 2 tỷ đô-la mà không hề mất đi mối liên hệ con người. Công ty hạn chế số người tối đa trong mỗi tòa nhà ở mức 200 – và mỗi tòa nhà không được cao quá hai tầng. Như vậy, tất cả mọi người có thể biết nhau, người này có thể biết người kia đang đóng góp gì cho tập thể, điều này trái ngược với các nhà máy có 5.000 công nhân trong thời kỳ công nghiệp. Quy mô nhân sự phù hợp đem lại hiệu quả trong công việc và thúc đẩy sự sáng tạo.

CÀNG CAO CÀNG TỐT?

Cuộc chạy đua của các thành phố trên thế giới về những tòa nhà chọc trời là một giới hạn về quy mô con người – hoặc chính là sự thiếu vắng của quy mô đó. Chicago đánh bại New York, Singapore đánh bại Chicago, Kuala Lumpur đánh bại Singapore và danh sách tiếp tục dài ra. Nhưng đã và vẫn còn đó câu hỏi liệu các tòa nhà chọc trời đó có nằm trong các cân nhắc về tầm vóc con người không? Có phải chúng ta sẽ chất đủ người cho quy mô 100 tầng không? Tôi không nghĩ vậy. Bi kịch của vụ tấn công ngày 11-9 sẽ khiến chúng ta phải nghĩ về quy mô và mối quan hệ của nó với con người và môi trường mà con người mong muốn, cũng như về tính biểu tượng của nó.

CUỘC CHẠY ĐUA MÙ QUÁNG

Nhiều công ty, sợ công nghệ mới mang đến cho đối thủ lợi thế cạnh tranh, bị cuốn theo hết đợt nâng cấp này đến đợt cải tạo khác. Việc đó tốn kém nhiều hơn mức họ nghĩ. Trong kinh doanh, chúng ta thường bị ám ảnh về công nghệ hơn là việc dành tiền và sinh lực cho khía cạnh con người. Sản phẩm 360 của IBM, loại máy tính mẹ đầu tiên được sản xuất hàng loạt, vào đầu thập niên 1960 bán rất chạy vì được coi là không thể thiếu cho mọi công ty. Câu thần chú của nhân viên bán hàng IBM là khách hàng mua vì “Sợ hãi, Không chắc chắn và Nghi ngờ”. Tư duy “đúng hay sai, chúng ta vẫn phải làm một điều gì đó” có vẻ phản ánh đúng tình hình. Nỗi sợ hãi đã lan truyền niềm tin rằng để cạnh tranh trong thời đại công nghệ mới, một công ty phải được tổ chức với công cụ là một chiếc máy chủ. Người ta đã tiêu rất nhiều mà không hề suy tính với hy vọng không bị tụt lại đằng sau.

CÔNG NGHỆ ĐEM LẠI KHẢ NĂNG TUYỆT VỜI, NHƯNG KHÔNG PHẢI 

TRONG MỘT MÔI TRƯỜNG CHÂN KHÔNG 

Công nghệ đem lại khả năng tuyệt vời, nhưng chỉ khi nó cân bằng với các nhu cầu, kỹ năng và bản chất của con người.

Mỗi viên đá được ném xuống nước đều tạo ra sóng; mỗi công nghệ mới đều có những hậu quả ít khi được dò tìm. Hãy tập thói quen đặt câu hỏi khi một công nghệ mới được đưa ra: Điều gì sẽ được tăng cường? Điều gì sẽ bị giảm đi? Điều gì sẽ bị thay thế? Cơ hội mới mà nó đem tới là gì?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.