11 Lối Tư Duy Thay Đổi Cách Nhìn Và Sáng Tạo Tương Lai
LỐI TƯ DUY #6
Đừng đi trước đám đông quá xa
CÁC VÌ TINH TÚ THỜI PHỤC HƯNG
Lịch sử nền văn minh là quá trình mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Tuổi thọ trung bình, điều kiện sống và quyền tự do lựa chọn đều được nâng lên trong thiên niên kỷ trước, bất chấp những thoái trào và thiếu sót. Điều gì làm những người dẫn đầu trở nên nổi bật?
Nhiều người trong số họ giống Einstein, muốn tách khỏi những giá trị, quy định và hoài vọng của thời đại, khát khao vươn tới những mục tiêu cao hơn. Cái giá phải trả thường là sự ghen tỵ và oán giận, hệ quả gần như tự nhiên khi những khái niệm hoặc tri thức đã định hình bị những đột phá và phát hiện mới thách thức. Người Nhật Bản có một câu nói khá thẳng thắn, đại ý là những cái đinh trồi lên thường bị người ta đóng xuống.
Nhiều nhà khoa học, nhà phát minh và triết gia dẫn đoàn người đi vào vùng ánh sáng và tiến bộ bị chỉ trích kịch liệt. Những thế kỷ trước, nhiều người trong số họ phải lui bước, trở lại với đám đông. Đi trước thời đại quá xa, họ cản đường nhà cầm quyền và vấp phải nhiều bó buộc. Không gì kìm giữ họ mạnh hơn các tín điều tôn giáo, ngay cả trong những thời kỳ đổi mới trí tuệ sáng láng nhất.
Thế kỷ XIV, giai đoạn đổi mới vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại, sau này được gọi là thời kỳ Phục hưng, bắt đầu. Nam giới và phụ nữ đứng lên phá bỏ xiềng xích tư duy của thời Trung cổ, mở cánh cửa vào thế giới hiện đại. Khát khao tri thức và hành động, tò mò và cầu thị, họ đã đặt nền móng cho nền văn minh hiện đại của chúng ta.
VẤP PHẢI ĐÁ TRÊN ĐƯỜNG ĐI
Đầu thời kỳ Phục hưng, thiên đường sẽ còn nằm trong tay Chúa rất lâu nữa; nhà thờ Cơ đốc giáo vô cùng hùng mạnh, khoa học, giáo dục vẫn nằm trong tay Giáo hội và chưa bị Martin Luther thách thức. Tuy nhiên, quan niệm Trái đất hình cầu đã được thừa nhận rộng rãi. Khoảng năm 250 TCN, Eratosthenes, dựa trên giả thuyết mà Aristotle và nhiều thủy thủ đã đưa ra trước đó, đã tính toán được chu vi Trái đất là khoảng 40.000 km. Nhưng học thuyết cho rằng trái đất là một quả cầu ở trung tâm vũ trụ và Nhà thờ vẫn cương quyết giữ thuyết địa tâm mà Claudius Ptolemy thiết lập vào thế kỷ II.
Một người đã đứng lên chống lại học thuyết chính thống này là Nicolaus Copernicus, sinh tại Ba Lan năm 1473, đã đưa ra bản mô tả đầu tiên về mẫu nhật tâm của hệ mặt trời một cách chi tiết và theo phương pháp toán học: trái đất quay xung quanh mặt trời.
Để không gặp rắc rối với Nhà thờ, Copernicus đã trì hoãn việc công bố bản mô tả. Chỉ trước khi mất năm 1543, ông mới cho phép một sinh viên, Rheticus, công bố bản thảo gốc De Revolutionibus (Về các cuộc cách mạng thiên cầu). Nhưng một lời tựa không được cho phép nói rằng những nội dung được công bố chỉ là một công cụ đơn giản hóa việc tính toán, đã làm giảm giá trị công trình của Copernicus.
Năm 1564, Galieo Galilei chào đời. Nhà khoa học và triết học người Ý này thông tuệ nhiều lĩnh vực và quan tâm đặc biệt đến thiên văn học. Năm 1609, sau khi khám phá về lăng kính được báo cáo ở Hà Lan, ông là người đầu tiên quan sát bầu trời bằng kính viễn vọng: một chiếc kính viễn vọng khúc xạ có độ phóng đại 20 lần – kém các loại kính không chuyên ngày nay nhưng vẫn đáng kinh ngạc vào thời đó. Phát hiện ra rằng sao Kim cũng trải qua các giai đoạn từ khuyết đến tròn như mặt trăng, ông đưa ra bằng chứng thuyết phục đầu tiên cho phép thực thiện thử nghiệm so sánh giữa thuyết Ptolemy và Copernicus. Thử nghiệm chứng minh rằng thuyết của Ptolemy không chỉ phức tạp hơn mà còn không chính xác. Khám phá này làm rung chuyển nền tảng của giới thần học và triết học.
Galileo xuất bản các nội dung chính của cơ học thiên thể trong tác phẩm Dialogue on the Two Chief World Systems, Ptolemaic and Copernican (Đối thoại về Hai thuyết vũ trụ Lớn: Ptolemy và Copernicus, 1632). Tác phẩm này được đánh giá là một cuộc tranh luận khách quan về hai học thuyết được nêu tên. Không may, Galileo để một nhân vật phát ngôn lập luận của giáo hoàng rồi chế giễu nhân vật đó. Ông không thể tiến xa hơn. Nhà thờ Cơ đốc giáo mất 73 năm mới cấm được tác phẩm của Copernicus nhưng với Galileo, vụ án nổi tiếng của ông và việc loại bỏ ông chỉ cần năm tháng. Trong phần đời còn lại, ông bị giam lỏng tại nhà ở ngoại ô Florence. Tảng đá giữa đường đã chặn toàn bộ đoàn diễu hành.
Galileo nói: “Trong những vấn đề khoa học quyền lực của 1000 người không đáng giá bằng lập luận khiêm nhường của một cá nhân.” Nhà thờ có thể cản bước Galileo nhưng không thể chặn được kỷ nguyên của ánh sáng.
THỜI ĐIỂM THỰC HIỆN BƯỚC NHẢY
Khoảng 200 năm sau, một người Anh, Charles Robert Darwin không chỉ làm rung chuyển các ngành khoa học tự nhiên và các giáo lý mà còn thách thức cả Chúa trời. Khi đó, Nhà thờ đã đánh mất phần nào sự kiểm soát đối với khoa học và giáo dục. Gutenberg1 đã đi những bước đầu tiên khi phát minh chiếc máy in vào năm 1436 (hoàn thành vào năm 1440), mở ra khả năng tiếp cận chữ viết cho dân thường.
Kinh Thánh cùng thông điệp của nó, cũng như các tác phẩm khoa học, có thể đến với số lượng dân cư đông hơn rất nhiều. Cải cách tôn giáo bắt đầu những năm 1520. Ở Anh, năm 1534, vua Henry VIII khiến nhà thờ Cơ đốc giáo càng suy yếu khi tách ra thành lập nhà thờ Giáo phái Anh. Cuộc Cách mạng Pháp (1789-1799) làm rung chuyển nước Pháp theo tiếng gọi của tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái. Cách mạng Công nghiệp trong hai thế kỷ XVIII-XIX làm thay đổi môi trường làm việc và xã hội – thời hiện đại đã thật sự bắt đầu. Tín điều mà theo đó Chúa tạo ra Trái đất và loài người cũng bị thách thức.
Theo nguyện vọng của cha, lúc đầu chàng trai trẻ Darwin theo học y khoa, nhưng không bao lâu sau anh thấy ghê sợ ngành giải phẫu học và công việc mổ xẻ, và ngày càng say mê bộ môn lịch sử tự nhiên. Lo rằng anh là kẻ vô tích sự, người cha quyết định gửi anh đến trường Dòng tại Cambridge để học làm cha xứ, một sự chuyển hướng hợp lý thời bấy giờ. Cha xứ nhà thờ Giáo phái Anh có một mức thu nhập khá tốt; đây có thể là lý do khiến phần lớn các nhà khoa học tự nhiên ở Anh đều là cha xứ. Nhiệm vụ truyền giáo của họ gắn với tham vọng khám phá các kỳ quan do Chúa trời tạo ra.
Học xong thần học năm 1831, Darwin không vội vã nhận sứ mệnh thiêng liêng mà làm việc hàng năm trời trên con tàu thám hiểm Beagle để học địa chất. Ông trở thành một nhà địa chất nổi tiếng với tác phẩm The Voyage of the Beagle (Hành trình của con tàu Beagle).
Các quan sát sinh học giúp ông hiểu sự đột biến các loài và phát triển thuyết chọn lọc tự nhiên vào năm 1838. Tuy hoàn toàn tin tưởng vào thuyết tiến hóa, nhưng lo ngại nó sẽ khiến mình bị cho là có liên quan với những kẻ kích động dân chủ cấp tiến đang tìm cách lật đổ xã hội, ông đã hoãn việc xuất bản (nếu không, đó có thể sẽ là thảm họa). Để tìm ra lỗ hổng trong luận điểm của mình, ông mở rộng thí nghiệm ra nhiều loài thực vật, đồng thời cũng thảo luận với những người nuôi gia súc. Ông tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm những bằng chứng cần thiết để chứng minh luận điểm của mình trước bên phản biện.
Nhận thức được rằng thời điểm thích hợp chưa tới, lúc đầu Darwin chỉ chia sẻ thuyết chọn lọc tự nhiên với những người bạn thân và ông tin rằng việc đó sẽ giúp có được kết quả tốt nhất. Tháng 6-1858, trước thông tin nói rằng Alfred Russel Wallace2 cũng có một thuyết tương tự, ông buộc phải công bố thuyết của mình.
Sau khi bị trì hoãn 20 năm, tác phẩm The Origin of Species (Nguồn gốc các loài) được xuất bản vào ngày 22-11 1859, và 1.250 bản đã nhanh chóng được bán hết. Cộng đồng khoa học đã đồng thuận công nhận tiến hóa là lý thuyết khoa học chính thống về sự đa dạng trong tự nhiên. Tài năng và cống hiến của Darwin được cả nước Anh ghi công. Sau khi mất, ông được chôn cất tại Westminton Abbey, gần Isaac Newton.
MỘT VẤN ĐỀ CÒN ĐANG GÂY TRANH CÃI
Những chi tiết lịch sử trên đây về Darwin là bước chuẩn bị cho cách tiếp cận mới về vai trò của Nhà thờ và việc đặt lại những câu hỏi từng rất dễ được giải đáp: “Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta ở đây để làm gì? Chúng ta đi đâu?”
Nhà thờ Cơ đốc giáo, sau khi nắm giữ cây gậy chỉ huy đoàn diễu hành trong một thời gian dài, đã phải hạ nó xuống, nhưng cuộc xung đột giữa khoa học và tôn giáo chưa đi vào hồi kết. Xung đột lớn vẫn còn nằm ở phía chân trời, liên quan đến một vấn đề còn gây tranh cãi đang thách thức vai trò sáng tạo của Chúa trời và đẩy loài người tới việc tự chịu trách nhiệm về giống nòi (xem Chương 5).
Các suy đoán vẫn đi rất xa trước đám đông, hứa hẹn chấm dứt tật bệnh và hãm chân cả tử thần, nhưng nền giáo dục và cuộc tranh luận cần thiết thì còn đang lê bước ở mãi phía sau.
Trong khi đó, cuộc đấu tranh nhằm giải quyết các thách thức hàng ngày của chúng ta vẫn không tạm ngừng và chúng ta vẫn tiếp tục tìm kiếm người dẫn đường.
HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH
Khi tôi viết đến đây, trong đầu tôi xuất hiện hình ảnh các hướng dẫn viên du lịch. Họ vừa dẫn dắt, vừa ở lại cùng đoàn người bằng một phương pháp đơn giản và hiệu quả; họ vẫy lá cờ “theo tôi nào” để làm dấu hiệu cho vai trò dẫn đường.
Yếu tố xếp các hướng dẫn viên du lịch vào hàng ngũ những người dẫn đầu là họ phải nằm trong tầm nhìn của đám đông. Thông thường, một người đạt được vị trí dẫn đầu là nhờ vào tài năng và khả năng khiến mình nổi bật. Tư duy nhìn xa trông rộng là một trong những khả năng đó. Nhưng những thách thức hàng ngày trong kinh doanh và chính trị không chỉ nằm trong các kỹ năng lãnh đạo căn bản mà còn bao hàm cả việc phải ở trong tầm nhìn của những người bạn muốn dẫn dắt. Có một câu chuyện đùa trong Dàn nhạc giao hưởng Vienna Philarmonic. Trước buổi hòa nhạc, ai đó hỏi một nghệ sỹ violon:
“Tối nay, ông ấy chỉ huy cái gì vậy?”
Câu trả lời: “Tôi không biết ông ấy sẽ chỉ huy cái gì, nhưng tôi biết chúng tôi sẽ chơi gì.”
Thậm chí các nhà lãnh đạo tài năng nhất cũng cần đám đông để thực hiện ý tưởng. Nếu chúng ta để đoàn người ở lại đằng sau quá xa và chạy về phía trước theo tầm nhìn của riêng mình, thì những dặm đường chúng ta vượt qua là vô ích. Thực tế chính trị có khác một chút. Tại các vòng bầu cử, các chính trị gia thường bị mắc kẹt trong sự ổn định ngắn hạn. Một số vượt lên trên điều đó, ví dụ như cựu thủ tướng Đức, Helmut Kohl, và hướng tới một sứ mệnh to lớn hơn (xem Chương 4).
HƯỚNG TỚI MỘT MỤC TIÊU ĐỘNG
Điều giúp tôi trong suốt những năm hoạt động chính trị là lời khuyên sáng suốt của Al Smith, thống đốc New York bốn nhiệm kỳ, ứng cử viên tổng thống năm 1928: “Đừng đi trước đám đông quá xa đến nỗi mọi người không biết bạn đang làm và nghĩ gì”. Ông là một người có trí tuệ sắc bén. Một lần, khi ông đang vận động tranh cử chức thống đốc, một cử tri từ cuối phòng hét lên: “Hãy nói cho họ tất cả những gì ông biết, Al. Sẽ không tốn hơn một phút đâu.” Smith đáp trả ngay: “Tôi sẽ nói với họ tất cả những gì cả hai chúng ta cùng biết. Cũng sẽ không mất nhiều thời gian hơn đâu.”
Phép ẩn dụ về đoàn diễu hành của Al Smith trở thành một trong những lời khuyên tốt nhất về thuật lãnh đạo tôi từng nghe. Nó giúp tôi không bị rơi vào bẫy để rồi trôi quá xa đến những điều chưa biết, nơi dự đoán kết thúc và suy đoán bắt đầu. Chúng ta quan tâm tới người sống sát vách hơn là người sống ở bên kia đường điều này cũng áp dụng cho tương lai. Người ta muốn biết điều nằm ngay trước mắt và liên quan với những gì mình biết tại thời điểm hiện tại.
Suy đoán và diễn giải làm mối quan hệ với xóm giềng và tương lai trở nên lý thú hơn. Ngay sau khi con người đặt chân lên mặt trăng vào cuối thập kỷ 1960, nhiều nhà bình luận đã tưởng tượng về việc đặt những văn phòng đầu tiên ở đây và những tour du lịch mạo hiểm tới sao Hỏa. Truyền hình sẽ là công cụ giáo dục vĩ đại mới; trực thăng sẽ thay thế xe bus, thuốc viên thay thế thực phẩm, công việc nội trợ do người máy đảm nhiệm và xe hơi được điều khiển từ xa. Nhưng tất cả những điều này không khác gì những quả bóng bị tuột và bay thẳng lên trời: chẳng mấy chốc tất cả sẽ xịt hết hơi.
NGƯỜI GỬI PHẢI Ở TRONG PHẠM VI CỦA NGƯỜI NHẬN
Việc xác định bạn nên đi trước đám đông bao xa không dễ và thay đổi theo hoàn cảnh. Trong chính trị, bạn phải đi trước để thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm với những người chọn bạn và phải đi trước thời đại để thể hiện tầm nhìn của mình. Lãnh đạo doanh nghiệp phải kín đáo đi trước: họ phải quan tâm tới kinh doanh theo một cách không vô nghĩa. Trong nhiều lĩnh vực công nghệ, người đi đầu được trông đợi đi trước mọi người. Cuối cùng, quyền quyết định thuộc về “thị trường”: với các chính trị gia, đó là cử tri; với kinh doanh và công nghệ, đó là người tiêu dùng. Với những người muốn nhìn vào tương lai, phần lớn sai lầm nằm ở chỗ họ đi trước đám đông quá xa; vậy hãy đi chậm lại một chút.
Chú thích:
1. Johannes Gutenberg (1390-1468): một công nhân đồng thời là nhà phát minh người Đức.
2. Alfred Russel Wallace: nhà tự nhiên học, nhà thám hiểm người Anh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.