11 Lối Tư Duy Thay Đổi Cách Nhìn Và Sáng Tạo Tương Lai

LỐI TƯ DUY #8



Những điều chúng ta hy vọng xảy ra luôn diễn ra chậm hơn

CUỘC CHẠY ĐUA ĐƯỜNG TRƯỜNG

Khởi điểm, nó là một món đồ chơi. Thế kỷ thứ IV TCN, trẻ em Trung Quốc đã chơi với cái có thể được gọi là thủy tổ của máy bay trực thăng, một cái chong chóng được làm từ một chiếc que tròn trên đầu gắn lông chim được gắn thành hình chữ thập. Xoay que giữa hai lòng bàn tay có thể tạo ra đủ lực nâng khiến chiếc chong chóng bay lên không trung.

Thời kỳ Phục hưng, Leonardo da Vinci đã thiết kế một vài chiếc máy bay, trong đó có cả chiếc trực thăng đầu tiên. Không cái nào có thể bay nhưng giá trị sáng tạo, tư duy cơ khí đã vượt xa thời đại và trí tưởng tượng.

Khoảng 450 năm sau, nhà thơ Đức, Bertholt Brecht đã viết bài tưởng nhớ một đồng bào – một nhà phát minh và kỹ sư bay.

NGƯỜI THỢ MAY THÀNH ULM

“Thưa Giám mục, con có thể bay,” 

Đó là lời người thợ may nói. 

“Ngài hãy xem con làm thế nào!” 

Rồi anh trèo, cùng hai thứ kỳ cục 

Trông giống một đôi cánh thô sơ, 

Tới đỉnh cao chót vót của nhà thờ. 

Giám mục bước đi. 

“Không là gì ngoài những lời dối trá, 

Người không phải chim, 

Sẽ không bay được bao giờ,” 

Giám mục nói về người thợ may như vậy. 

“Người thợ may đã chết,” 

Người ta nói cho vị giám mục hay. 

“Trên cao, một cơn gió mạnh, 

Đã xé nát đôi cánh anh mang 

Và giờ đây anh nằm bất động 

Nát vụn, trên sân cứng nhà thờ.” 

“Chuông rồi sẽ nguyện hồn, 

Nhưng không là gì ngoài những lời dối trá, 

Người không phải chim, 

Sẽ không bay được bao giờ,” 

Giám mục nói với tất cả mọi người. 

BERTHOLT BRECHT

Bertholt Brecht dành khúc ba-lát Người thợ may thành Ulm này cho Albrecht Lugwig Berblinger. Ông là gương mặt bi kịch trong hàng ngũ các nhà phát minh. Mồ côi ở tuổi 13, ông buộc phải trở thành thợ may. Nhưng mối quan tâm thật sự của ông là ngành cơ khí. Ngoài công việc may vá, Berlinger say mê sáng chế và một trong các phát minh của ông là chiếc chân giả có khớp đầu tiên.

Phát minh ấn tượng nhất của ông là tàu lượn. Bất chấp mọi sự chế giễu, ông đã hoàn tất chiếc tàu lượn có thể bay đầu tiên vào năm 1811 (được chứng minh bằng mô hình năm 1986). Nhưng rồi ngày trình diễn đầu tiên, đáng lẽ là ngày tuyệt vời nhất của ông, lại trở thành ngày tồi tệ nhất. Ngay cả vua và các con trai cũng tới để xem nhưng cả hai lần bay thử đều thất bại. Đó là dấu chấm hết về mặt xã hội lẫn sự nghiệp cho Berblinger.

Otto Lilienthal1 nói: “Phát minh ra một chiếc máy bay không là gì. Làm ra một chiếc là một cái gì đó. Nhưng làm cho nó bay được là cả một vấn đề.” Ông mất năm 1896, hai ngày sau khi chống đỡ các vết thương trong một vụ tai nạn khi bay tàu lượn.

Phát minh nổi bật của anh em nhà Wright là chiếc máy bay chạy bằng động cơ, bay thành công ngày 17-12-1903. Sau một thời gian dài thử nghiệm và sửa chữa, lịch sử hiện đại của ngành hàng không đã bắt đầu và chúng ta vẫn đang cải tiến, hoàn chỉnh nó.

Những điều chúng ta hy vọng xảy ra luôn diễn ra chậm hơn, ngay cả đối với Arthur C. Clarke, người có tên tuổi gắn liền với tương lai. Clarke có lẽ là người được biết đến nhiều nhất nhờ truyện ngắn được dựng thành phim 2001: A Space Odyssey (Hành trình vào Không gian) và vì tiên đoán của ông về việc sử dụng vệ tinh cho truyền thông. Trong đường thời gian cho thế kỷ XXI, công bố đầu năm 2000, ông thấy trường hợp nhân bản vô tính ở người đầu tiên vào năm 2004; mỏ than cuối cùng bị đóng cửa vào năm 2006; biện pháp giám sát điện tử hầu như xóa bỏ loại tội phạm chuyên nghiệp khỏi xã hội vào năm 2010.

KHÔNG CHỈ LÀ KHÍ NÓNG

Thiết bị chạy bằng hơi nước đầu tiên, giống máy bay trực thăng, được tạo ra dưới hình thức một loại đồ chơi trẻ em, ít chịu sự phản đối nhất. Nồi hơi đầu tiên được Hero, một người Hy Lạp đến từ Alexandria, làm ra vào năm 100 TCN.

Khoảng 1.800 năm sau, Thomas Newcomen, một thợ làm sắt người Anh đã phát minh ra động cơ hơi nước có thể sử dụng được. Chiếc đầu tiên được lắp tại một mỏ than ở Staffordshire năm 1712 để bơm nước khỏi hầm lò. Các động cơ do Newcomen chế tạo rất đắt tiền nhưng bền đến không thể tin nổi; 127 năm sau khi được làm ra, có một chiếc vẫn được dùng tại Pentlich; một cái khác vẫn chạy cho tới năm 1934 ở Barnsley. James Watt, người Scotland, vẫn thường được nhìn nhầm là người phát minh động cơ hơi nước, cải tiến công nghệ này vào thập kỷ 1760, làm cho động cơ hoạt động nhanh, an toàn và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Người ta kể rằng, ý tưởng lần đầu tiên đến với Watt khi ông đi dạo ở công viên Glassgow Green. Glasgow đánh dấu một sự kiện quan trọng vì, như người Scotland nói, đây là nơi cuộc Cách mạng Công nghiệp thật sự bắt đầu.

Khoảng thời gian từ ý tưởng tới có sản phẩm dùng được rút ngắn dần qua các thế kỷ nhưng vẫn cần thời gian và hầu như lúc nào cũng lâu hơn chúng ta nghĩ. Máy tính cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Chiếc máy tính đầu tiên được thiết kế vào những năm 1930-1940 và Konrad Zuse, người Đức được coi là người phát minh ra chúng. Chiếc máy tính lưu trữ – lập trình đầu tiên được chế tạo vào năm 1938. Nó hoạt động không tốt lắm. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông nhận được tài trợ từ Viện nghiên cứu Khí động lực học của Đức quốc xã. Chiếc máy tính đầu tiên gần với chiếc máy tính hiện nay là chiếc EDSAC, được xây dựng và thiết kế vào năm 1949 tại Đại học Cambridge của Anh. Năm 1974, một loại máy tính mới, được gọi là máy vi tính, bắt đầu chinh phục thị trường và tìm đường đến với các công ty và gia đình.

LỜI NÓI HỌC CÁCH BAY

Chuyện về những công nghệ mới như điện thoại, điện ảnh và radio cũng không khác là mấy. Chúng đều bắt đầu cuộc chạy đua đường trường từ thế kỷ XIX, kéo dài qua thập kỷ trước khi đến với các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Vào thập kỷ 1870, Alexander Bell

và Elisha Gray độc lập thiết kế những thiết bị có thể truyền lời nói bằng điện tử đầu tiên. Đến những năm 1880, ở Mỹ đã có gần 48.000 chiếc điện thoại. Con số này bùng nổ vào năm 1910 với khoảng 5,5 triệu chiếc sử dụng hệ thống của Bell. Năm 1924, người ta tính có tới hơn 15 triệu chiếc.

Mặc dù được phát minh vào cuối thế kỷ XIX, nhưng đến cuối thế kỷ XX điện thoại mới được dùng phổ biến khắp nơi tại Mỹ và châu Âu. Các sản phẩm ăn theo về sau có tốc độ truyền nhanh hơn nhưng “điện thoại hình” của hãng AT&T, được giới thiệu năm 1939, lại đi trước quá xa thời đại và bây giờ mới trở thành mốt với những chiếc điện thoại di động chụp ảnh.

Chiếc máy fax chỉ mất 15-20 năm từ lúc được giới thiệu tới lúc được sử dụng rộng rãi. Tôi nhớ rõ chiếc đầu tiên mua năm 1983 là của hãng Pitney Bowes và có kích thước to bằng khoảng một chiếc xe đẩy hàng nhỏ. Vấn đề là tôi gần như không gửi được fax cho ai. Nếu trên thế giới chỉ có 20 chiếc máy fax hoặc điện thoại thì chúng cũng không hữu dụng lắm. Một công nghệ được phổ biến nhanh khác là điện thoại di động: nó mất gần 10 năm để đạt tới điểm bùng phát và thật sự được ưa chuộng.

NHỮNG HÌNH ẢNH HỌC CÁCH CHUYỂN ĐỘNG

Cùng khoảng thời gian trên, nhiếp ảnh cũng tiến một bước lớn sang lĩnh vực điện ảnh. Tại Pháp, Louis và Auguste Lumière, được truyền cảm hứng từ sự hào hứng của người cha khi xem buổi trình diễn chiếu ảnh động tác của Thomas Edison, bắt đầu nghiên cứu một thiết bị mà họ gọi là kỹ thuật quay phim. Tháng 12-1895, họ chiếu những hình ảnh chuyển động đầu tiên tại phòng trà dưới tầng hầm của quán Grand Café trên Đại lộ Capuchines, Paris. Theo dõi buổi công chiếu đầu tiên bộ phim do Louis Lumiere sản xuất, một nhà báo Paris đã dự đoán một tương lai sáng sủa:

Nhiếp ảnh đã ngừng ghi lại những yếu tố bất động. Nó làm hình ảnh chuyển động trở nên bất diệt. Khi những thiết bị này nằm trong tay công chúng, khi bất kỳ ai cũng có thể chụp ảnh người thân trong cả trạng thái bất động và chuyển động, hành động và các cử chỉ quen thuộc cũng như lời nói phát ra từ miệng họ, thì cái chết sẽ không bao giờ còn là điểm kết thúc nữa. Một trong những bộ phim anh em nhà Lumiere làm là L’arrivée d’un train à la Ciotat (Tàu đến Ciotat). Tác động chủ yếu của bộ phim là nỗi sợ hãi. Người ta nói khán giả khiếp sợ, chạy tán loạn khỏi chiếc đầu máy xe lửa như thể nó sắp lao vào họ. Không bao lâu sau, hai anh em nhìn lại phát minh dưới góc độ kinh tế và đã mở ra một rạp hát công chiếu các bộ phim mình làm. Hàng người xếp dài cả khu phố. Khán giả đã bị mê hoặc. Anh em nhà Lumiere đào tạo thêm các nhà quay phim và cử họ đi làm nhiệm vụ trên khắp thế giới. Các bộ phim khác nhanh chóng ra đời và điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp độc lập. Các rạp hát và công ty được thành lập chuyên để sản xuất và phân phối phim, còn diễn viên điện ảnh trở thành những nhân vật nổi tiếng và đòi những khoản thù lao khổng lồ cho vai diễn của họ. Năm 1917, Charlie Chaplin đã ký một hợp đồng với mức lương hàng năm là 1 triệu đô-la. Sự hào hứng lan đi. Năm 1915, D. W. Griffith, người có vai trò quan trọng, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi trong việc phát triển phim truyện thành một hình thức nghệ thuật, đã trả lời phỏng vấn của tờ New York Times như sau: Sẽ tới lúc, và trong vòng chưa đầy 10 năm nữa, trẻ em trong các trường công lập sẽ được dạy hầu như tất cả mọi thứ bằng các hình ảnh chuyển động. Tất nhiên chúng sẽ không bao giờ bị buộc phải học thuộc lịch sử nữa. Hãy tưởng tượng một thư viện công cộng trong tương lai gần, ví dụ như vậy. Chỉ có những chiếc hộp được xếp thành hàng dài, được phân loại và sắp xếp thích hợp. Ở mỗi hộp có một nút ấn và trước mỗi hộp có một chỗ ngồi. Giả sử bạn muốn đọc về một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của Napoleon, thay vì tham khảo tất cả các tác giả, vất vả tìm kiếm trong một đống sách, lúng túng vì không biết được rõ ràng, chính xác những gì đã diễn ra và thường xuyên bối rối trước những quan điểm mâu thuẫn với nhau, bạn chỉ cần ngồi xuống trước một cửa sổ được điều chỉnh thích hợp, trong một phòng được sắp xếp khoa học, nhấn nút và xem những gì đã xảy ra. 

Dự đoán của Griffith giờ đây vẫn còn đầy vẻ hấp dẫn, phải vậy không nhỉ?

ÂM THANH VÀ HÌNH ẢNH

Giữa các phát minh ở cuối thế kỷ XIX, radio đột ngột xuất hiện. Nó cũng bắt đầu bằng một loạt các khám phá khoa học và cải tiến kỹ thuật trước khi được bán rộng rãi. Tôi vẫn nhớ mọi người hào hứng thế nào khi radio đến với quê hương tôi – Glenwood, Utah. Người lớn tập trung tại phòng khách để nghe bài nói chuyện của tổng thống Franklin Delano Roosevelt. Thời điểm radio đến với Glenwood, sóng phát đã khá ổn định (nó cũng đã phải mất thời gian mới đến được với chúng tôi).

Người đi tiên phong trong lĩnh vực phát thanh là Heinrich Hertz, người đã ứng dụng các lý thuyết của James Clerk Maxwell3 vào việc tạo và tiếp sóng phát thanh năm 1888, rất lâu trước khi cuộc đua thương mại bắt đầu. Guglielmo Marconi, chàng trai say mê nghiên cứu vật lý và điện, tiếp tục công việc của Maxwell, Hertz, Augusto Righi, Ngài Oliver Joseph Lodge… và năm 1897 đã được trao bằng sáng chế cho máy điện tín không dây. Buổi trình diễn của Marconi về hệ thống tạo và nhận các tín hiệu phát thanh tầm xa đã khơi dậy sự quan tâm của toàn thế giới, nhưng đến năm 1912 vẫn không có định chế nào về trạm phát thanh ở Mỹ. Thậm chí sau đó, trong suốt Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1919), các hoạt động phát thanh dân sự bị ngưng trệ hoàn toàn, tuy vậy sự kiểm soát của chính phủ thời chiến lại đưa đến những bước tiến quan trọng. Sau khi chiến tranh kết thúc, cùng với việc thiết bị ống chân không được chấp nhận và cải tiến, ngành công nghiệp phát thanh trở lại là một lĩnh vực dân sự và mới thật sự phát triển.

Ngành công nghiệp phát thanh cuối cùng cũng mang lại lợi nhuận và các tập đoàn lớn đã được thành lập như: Công ty Điện thoại và Điện toán Mỹ, Tổng công ty Điện lực và Tập đoàn điện lực Westinghouse. Do sức ép từ chính quyền Mỹ, tài sản của Marconi bị bán cho Tổng công ty Điện lực, trên cơ sở đó công ty này đã thành lập Tập đoàn Phát thanh Mỹ (RCA).

Những kỳ vọng về phương tiện mới này ngày càng lớn với những bước tiến mạnh mẽ của công nghệ. Năm 1921, nhà thơ Nga, Velimir Khlebnikov, nhìn thấy một viễn cảnh tuyệt vời: “Phát thanh của tương lai – cây nhận thức trung tâm của chúng ta sẽ mở ra một con đường mới để đương đầu với công việc bất tận của con người và đoàn kết toàn nhân loại.” Mười tám năm sau, Chiến tranh thế giới thứ hai đã cho thấy hoài vọng đó là quá lạc quan.

Năm 1923, đài phát thanh phát chương trình New Way to Make Americans của J. M. McKibben về công nghệ mới. Ông nói:

Ngày hôm nay, đất nước của chúng ta đang bị xâm chiếm, từ từ nhưng chắc chắn, không phải bởi một đối thủ duy nhất và rõ ràng trên chiến trận, mà bởi rất nhiều kẻ thù ở ngay trong chúng ta (dù thường thì chúng ta không nhận thấy, ngay giữa thời bình). Hàng triệu người nước ngoài được tiếp nhận đến đây mà không nghĩ hoặc chỉ nghĩ rất ít về sự đồng hóa. Nhưng giờ đây, cuộc khủng hoảng đang lơ lửng trên đầu và chúng ta phải đối mặt với nó mà không có một nhà lãnh đạo tài ba nào. Có lẽ không ai có thể đúc khuôn 120 triệu người thành một khối hòa hợp, trói buộc họ lại với nhau bằng một ý thức dân tộc mạnh mẽ: nhưng thay vào vị trí một cá nhân siêu phàm, tài năng của thập kỷ trước đã mang đến một sức mạnh – và sức mạnh đó chính là radio. 

Một năm sau, biên tập viên khoa học của tờ New York Times, Waldemar Kaempffert, lại dự đoán:

Vậy là Mỹ và Anh đi đầu trong ngành phát thanh. Nếu vị trí này được duy trì, điều tiếp theo là tiếng Anh đương nhiên sẽ trở thành ngôn ngữ thống trị. So với các nỗ lực truyền thông đại chúng và giáo dục phổ cập của chúng ta, sự cạnh tranh của châu Âu thật đáng thương. Các đôi tai cuối cùng có thể sẽ phải dỏng lên để nghe những gì Mỹ và Anh nói. Châu Âu sẽ thấy tiếng Anh thật đáng khao khát và thậm chí là cần phải học. 

Đã sống và đi khắp châu Âu, nghe bài hát Mỹ trên hầu hết mọi kênh phát thanh ở đây, tôi phải nói rằng Kaempffert không hoàn toàn sai.

Năm 1939, RCA đưa ra phiên bản máy thu hình tiếp bước máy thu thanh tại Hội chợ thế giới New York. Chủ tịch RCA, David Sarnoff, tuyên bố: “Giờ đây chúng tôi thêm hình ảnh cho âm thanh. Hết sức khiêm nhường, tôi xin thông báo sự ra đời, trên đất nước này, của môn nghệ thuật mới rực cháy như một ngọn đuốc trong một thế giới đầy ưu lo.”

Tuy nhiên, tivi vẫn cách tầm với của máy thu thanh hàng năm trời và tờ New York Times tỏ ra hoài nghi. Tạp chí này ra một bài xã luận sau tuyên bố của RCA năm 1939, trong đó có viết: “Vấn đề với máy thu hình là con người phải ngồi và dính chặt mắt vào màn hình; một gia đình người Mỹ bình thường không có thời gian cho việc đó. Vì lý do này, ngành giải trí tin rằng truyền hình sẽ không bao giờ là đối thủ thực thụ của ngành phát thanh.”

Điều đó không làm sự phấn khích hạ nhiệt. Năm 1946, Thomas Hutchinson, giám đốc sản xuất của một hãng truyền hình, viết: “Truyền hình nghĩa là thế giới trong nhà bạn và trong nhà tất cả mọi người. Đó là phương tiện truyền thông vĩ đại nhất từng được trí tuệ loài người phát minh. Nó sẽ phát triển tình láng giềng thân thiện và mang đến sự hiểu biết, hòa bình trên thế giới hiện nay hơn bất kỳ lực lượng vật chất đơn lẻ nào khác”. Đoạn viết này gợi lại những gì viết về Internet.

Tivi mất một vài thập kỷ để có mặt trong phòng khách của chúng ta. Sau nhiều lần được giới thiệu với khán giả nhỏ trong khoảng thập kỷ 1920 ở Mỹ, tivi du nhập vào Anh năm 1932 với một chương trình ca nhạc giải trí. Năm 1933, trường Đại học bang Iowa bắt đầu phát hai chương trình truyền hình hàng tuần cùng với đài phát thanh WSUI. Năm 1936, có khoảng 200 chiếc tivi được sử dụng trên toàn thế giới và Đức đã phát Đại hội Thể Thao Olympic đầu tiên. Năm 1948, công nghệ cáp được sử dụng tại Pennsylvania để đưa truyền hình đến với các vùng nông thôn. Vào lúc đó, 1 triệu gia đình ở Mỹ đã có tivi.

Câu nói yêu thích của tôi về phương tiện truyền thông mới này là của nhà thơ vĩ đại T.S. Eliot (1963): “Đó là một phương tiện giải trí cho phép hàng triệu người đồng thời lắng nghe cùng một truyện cười mà vẫn cảm thấy cô đơn.”

Dòng chảy tiến hóa công nghệ tạo ra vô số cơ hội kinh doanh. Bên cạnh những phát minh có quy mô rộng và tác động lớn, nhiều điều nhỏ hơn cũng thu hút sự chú ý của những người có năng khiếu kinh doanh. Một người như vậy đã cải tiến quá trình sản xuất và nâng cao chất lượng của loại nước giải khát mà nếu thiếu nó nhiều người sẽ không muốn bắt đầu ngày mới: cà phê.

THÀNH CÔNG CHỚP NHOÁNG MẤT 20 NĂM

Những năm 1970, Nestlé đã chiếm lĩnh thị trường cà phê hòa tan. Một hoặc hai thìa cà phê đổ vào nước nóng cho những người không có thời gian nhưng vẫn rất cần một tách thay cho tách espresso (cà phê ép) thứ thiệt. Không hoàn hảo, nhưng nhanh và sạch.

Trước đó, cuối thập kỷ 1960, đối thủ cạnh tranh của Nestlé có ý tưởng đóng gói một viên nhộng cho một cốc cà phê, nhằm mục đích cung cấp espresso với chất lượng tốt như được pha trong các quán cà phê Ý, ở nhà và nơi làm việc. Sợ bỏ lỡ cơ hội, Nestlé đã mua sáng chế này, dù lúc đó nó còn ở dạng khá thô sơ.

Cuộc hành trình dài nhằm phát triển sản phẩm bắt đầu. Trong suốt thập kỷ 1970, phòng nghiên cứu và phát triển của Nestlé hoàn thiện ý tưởng ban đầu của Luigi Bezzera và đến giữa thập kỷ 1980 thì hoàn thành máy và viên cà phê. Năm 1986, Nespresso được thành lập và hệ thống Nespresso được khởi động – một chiếc máy pha espresso nhỏ với những viên cà phê xay được định lượng trước ra đời.

Hẳn Nespresso, công ty con mới của Nestlé, sẽ không bao giờ đến đích nếu không có một thành viên trong Hội đồng quản trị của Nestlé vững tin vào ý tưởng và đấu tranh cho đến khi nó thật sự cất cánh. Đó là một chặng đường dài, gian nan; Nespresso thua lỗ nặng, ba lần suýt bị đóng cửa – một con đường vô định (như lời nhiều người trong công ty đã nói). Nhưng người cha này không đánh mất niềm tin vào đứa con dường như đang lạc lối. Sau nhiều năm, những dấu hiệu khiêm tốn của sự sống bắt đầu xuất hiện nhưng cũng mất thêm 10 năm nữa mới đưa đến những đột phá thật sự. Olivier Quillet, Giám đốc tiếp thị quốc tế của Nespresso cho biết: “Năm 2000, bước đột phá xuất hiện, 30 năm sau khi Nestlé mua phát minh. Đó là nhờ sự phối hợp giữa việc một đời máy Nespresso mới, có nhiều màu khác nhau để lựa chọn, được tung ra; chiến dịch quảng cáo đầu tiên trên truyền hình; và hơn 50 điểm bán lẻ được khai trương tại châu Âu”. Nespresso, giờ đã có vị trí vững chắc để phát triển phồn thịnh trong một thế giới ngày càng sung túc, bắt đầu cuộc hành quân quy mô vào các gia đình và công sở. Một đơn vị mới của một tổ chức lớn, có cơ cấu chặt chẽ, đã đưa một sáng kiến đến thành công như vậy đấy.

Tỷ số trận đấu: Nestlé Nespresso SA là đơn vị phát triển nhanh nhất của tập đoàn Nestlé. Tháng 2-2006, Nestlé công bố tổng doanh thu của Nespresso tăng 30%, doanh thu sản phẩm đạt hơn nửa tỷ đô-la, tiến tới đạt mức 1 tỷ đô-la trong vòng hai năm. Nespresso hiện được bán tại 35 quốc gia với hơn 12.000 điểm bán hàng. Mỗi năm các chất phụ gia mới lại được thêm vào như: sô-cô-la, bánh quy và nhiều sản phẩm bổ sung khác cũng đang phát triển tốt bên cạnh công việc kinh doanh và máy pha cà phê chính.

Các cửa hàng trang nhã mời những khách hàng Nespesso trung thành và cả những người mới thưởng thức nhiều loại cà phê khác nhau. Viên cà phê như dây rốn không bao giờ bị cắt. Cũng như máy ảnh lúc nào cũng cần phim và dao cạo râu luôn cần lưỡi lam mới, máy pha Nespresso cần một nguồn cung viên cà phê ổn định. Đó là mô hình kinh doanh cổ điển. Trong trường hợp của Nespresso là mua máy pha cà phê, sau đó mua lượng viên cà phê xay dự trữ cho nhiều tháng; hiện có tới hơn 40 hương vị và hỗn hợp khác nhau, và những lựa chọn mới không ngừng được bổ sung. Điều này không thể thực hiện được nếu cà phê không ngon và đó là điều Nespresso nỗ lực hết sức để đảm bảo. Công ty tưởng tượng khách hàng của mình là những người sành cà phê và chỉ hài lòng với loại tốt nhất. Đây là một hành trình dài hơn sự tưởng tượng ban đầu, nhưng đích đến là một mỏ vàng được chôn sâu.

TỐC ĐỘ DI CHUYỂN CỦA HY VỌNG LUÔN NHANH HƠN

Nhìn nhanh vào lịch sử nhắc chúng ta nhớ các dòng thời gian trong quá khứ. Kinh nghiệm cả đời tôi cho thấy những thứ chúng ta hy vọng xảy ra luôn diễn ra chậm hơn. Với các phát minh, chúng ta lúc nào cũng đánh giá thấp khoảng thời gian cần để ý tưởng trở thành hiện thực. Những lĩnh vực mới như công nghệ sinh học và công nghệ nano sẽ phát triển trong những năm còn lại của thế kỷ XXI.

Chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ bệnh AIDS và vụ tấn công của bọn khủng bố ngày 11-9-2001. Với loài người và các biểu hiện khác của tự nhiên, hầu hết mọi thay đổi đều mang tính tiến hóa, không mang tính cách mạng. Mọi thứ cần thời gian – hầu như luôn nhiều hơn mức chúng ta mong đợi.

Chú thích: 

1. Otto Lilienthal: một người Đức tiên phong, đã thực hiện hơn 1.000 lần bay bằng tàu lượn dựa trên “nguyên lý khí động học”. 

2. Alexander Bell (1847 – 1922): nhà khoa học người Scotland, người phát minh ra điện thoại vào năm 1876. Elisha Gray: là kỹ sư điện người Mỹ, ông đã được trao giải thưởng cho hơn 70 sáng chế. 

3. James Clerk Maxwell: là một nhà toán học, nhà vật lý học người Scotland. Ông đã đưa ra hệ phương trình miêu tả những định luật cơ bản về điện trường và từ trường được biết đến với tên gọi phương trình Maxwell. Augusto Righi: là nhà vật lý, chuyên gia điện từ học. Oliver Joseph Lodge: nhà vật lý người Anh. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.