Cổ Phiếu Thường Lợi Nhuận Phi Thường

8. Năm điều nhà đầu tư nên tránh



1. Không nên mua cổ phiếu ở các công ty đang trong quá trình hình thành và phát triển

Vấn đề cốt lõi để đầu tư thành công là tìm kiếm những công ty đang phát triển sản phẩm mới, chu trình mới hay tìm kiếm thị trường mới. Các công ty thường nhắm vào những mục tiêu này. Nhiều công ty thành lập chỉ để phát triển một phát minh đặc sắc. Nhiều công ty đi vào những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng lớn như điện tử. Một số lớn các công ty khác thành lập nhằm tìm khoáng sản hay các loại tài nguyên thiên nhiên khác − một lĩnh vực mà phần thưởng dành cho sự thành công mang lại giá trị đáng kể. Vì những lý do trên, các công ty mới thành lập chưa thu được lợi nhuận khi mới vận hành nhưng thoạt nhìn người ta cảm thấy rất đáng để đầu tư.

Có một lý luận thu hút không ít sự chú ý. Tại sao chúng ta không mua các cổ phần đầu tiên khi công ty phát hành ra công chúng để có cơ hội trở thành cổ đông chính của công ty? Doanh nghiệp thành công thi thoảng có bán các cổ phần ở mức giá như lần đầu tiên nó phát hành ra công chúng. Bởi thế, tại sao chúng ta lại phải chờ đợi và để người khác đoạt mất cơ hội đó? Tại sao không sử dụng phương pháp tìm hiểu và đánh giá đã áp dụng trong việc tìm kiếm những công ty lâu đời để tìm kiếm những công ty mới có tiếng đang ngày càng phát triển?

Đứng trên quan điểm đầu tư, tôi nhận thấy có một sự khác biệt cơ bản giữa những công ty chưa trải qua hai hay ba năm thương mại hóa và một năm hoạt động có lợi nhuận với một công ty đã ổn định, thậm chí có thể chỉ là công ty nhỏ với doanh số hàng năm không quá một triệu đô-la. Ở những công ty đã ổn định, mọi chức năng chính của công việc kinh doanh đều đã đi vào hoạt động. Nhà đầu tư có thể quan sát dây chuyền sản xuất, doanh thu, các khoản chi phí, đội ngũ quản lý và tất cả các khía cạnh khác của quá trình hoạt động. Có lẽ quan trọng hơn là anh ta có thể tìm thấy nhiều nhận định giá trị từ các nhà quan sát có trình độ cao, những người thường xuyên xem xét và cân nhắc các điểm mạnh và điểm yếu của công ty trên. Trái lại, khi một công ty đang trong quá trình hình thành và phát triển, tất cả những việc mà nhà đầu tư hay một ai khác có thể làm là lên kế hoạch và dự đoán những khó khăn và lợi thế của công ty. Đây là vấn đề phức tạp nhiều hơn so với những việc cần làm ở công ty đã hoạt động trong một thời gian dài. Nguy cơ mắc sai lầm có thể xuất hiện trong quá trình đưa ra kết luận.

Thật sự đó là điều rất khó thực hiện. Bất kể là nhà đầu tư trình độ giỏi đến đâu thì cũng không thể đưa ra một chuẩn chung để lựa chọn những công ty có giá trị, vì việc đánh giá đúng đắn chỉ áp dụng được đối với các tổ chức đã đi vào hoạt động bài bản. Thông thường, những công ty non trẻ có một vài cá nhân có tài lãnh đạo về một giai đoạn nào đó trong chu trình kinh doanh, tuy nhiên họ lại thiếu kiến thức trong nhiều lĩnh vực quan trọng không kém. Họ có thể là những người bán hàng giỏi giang nhưng lại thiếu các khả năng kinh doanh khác. Thông thường, nhà đầu tư hoặc nhà sản xuất có thể không biết rằng thậm chí những sản phẩm có chất lượng tốt nhất cũng cần phải có khâu marketing tốt như khâu sản xuất. Nhà đầu tư hiếm khi thuyết phục các tổ chức rằng họ thiếu những kỹ năng đó. Và họ thậm chí còn không bận tâm đến việc chỉ dẫn các tổ chức đó có thể tìm kiếm những kỹ năng đó ở đâu.

Vì những lý do trên, cho dù công ty đang phát triển đó có vẻ ngoài hấp dẫn như thế nào, vấn đề tài chính của nó cũng nên để các chuyên gia thẩm định bởi họ có đội ngũ quản lý đủ trình độ để sửa chữa những khuyết điểm mà các công ty đang trong quá trình hình thành chưa để ý đến. Những người không có chuyên môn tốt và không muốn thuyết phục đội ngũ quản lý mới về việc cần phải tận dụng những trợ giúp như vậy sẽ cảm thấy thất vọng nặng nề khi đầu tư vào những công ty chưa có bề dày. Có rất nhiều cơ hội tuyệt vời ở những công ty lâu đời, vậy nên các cá nhân đầu tư thông thường nên nhớ một nguyên tắc là không bao giờ mua cổ phần ở những công ty mới đang trong giai đoạn phát triển dù cho nó trông hấp dẫn đến mức nào.

2. Không nên bỏ qua các cổ phiếu tốt chỉ vì chúng chưa được niêm yết chính thức trên các sàn giao dịch (nhóm các cổ phiếu OTC)

Tính hấp dẫn của cổ phiếu chưa được niêm yết khác với cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch bởi sự liên quan mật thiết tới khả năng bán. Mọi người nên nhận thức tầm quan trọng của yếu tố này. Thông thường, người mua luôn giới hạn một số cổ phiếu mà có thể bán được ngay khi xuất hiện lý do để bán dù mang tính tài chính hay cá nhân. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn còn mông lung trong việc xác định cái gì đảm bảo có thể bán và cái gì không. Điều này còn làm cho các nhà đầu tư bối rối hơn khi muốn mua cổ phiếu chưa được niêm yết trên bất cứ sàn giao dịch nào − cổ phiếu này thường được gọi là cổ phiếu OTC (over the counter).

Nguyên nhân gây ra sự lẫn lộn này là do những thay đổi cơ bản của việc mua cổ phiếu trong 25 năm cuối của thế kỷ XX khiến thị trường của thập niên 1950 khác hẳn so với thập niên 1920 “không thể nào quên”. Trong suốt thập niên 1920 và thời gian trước đó, nhà môi giới chứng khoán chỉ có một số lượng khiêm tốn khách hàng là thuộc tầng lớp thượng lưu. Hầu hết khoản mua thường có số lượng lớn − cấp số nhân của hàng nghìn cổ phần. Động cơ của việc mua này là bán lại cho một người nào khác với mức giá cao hơn. Đánh bạc, chứ không phải đầu tư thật sự, là quy luật của thời đó. Mua ăn theo chênh lệch giá bằng các khoản tiền vay mượn là một phương thức được mọi người sử dụng lúc đó. Ngày nay phần lớn việc mua dựa trên cơ sở tiền mặt.

Nhiều sự kiện xảy ra đã làm thay đổi thị trường trong những năm đó, ví dụ như thuế thu nhập và thuế đánh vào tài sản thừa kế ở mức cao. Một ảnh hưởng quan trọng hơn là xu hướng san bằng khoảng cách giàu nghèo kéo dài từ năm này qua năm khác diễn ra ở tất cả các bang của Mỹ. Khoảng cách giàu nghèo dường như đã được thu hẹp lại. Mỗi năm số người thuộc tầng lớp trung lưu lại tăng lên. Điều này đã dẫn đến những người mua chứng chứng khoán với khối lượng lớn dần giảm, thay vào đó là sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng người mua nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, các tổ chức đầu tư mua vào thường xuyên với khối lượng rất lớn. Quỹ ủy thác đầu tư, quỹ ủy thác hưu trí, quỹ đầu tư cộng đồng và thậm chí là một số quỹ ủy thác của các ngân hàng lớn không còn đại diện cho một số người mua lớn nữa. Các tổ chức này giao phó cho một vài nhân viên quản lý quỹ đầu tư chuyên nghiệp để giải quyết với các khoản tiết kiệm của vô số người mua nhỏ lẻ.

Một phần vì những kết quả trên, phần khác vì những nguyên nhân gây ra chúng mà các luật và thể chế điều tiết thị trường chứng khoán cũng có những thay đổi cơ bản. Ủy ban chứng khoán và ngoại hối được thành lập nhằm ngăn chặn những mánh khóe lôi kéo và các quỹ góp vốn chung để đầu tư giá lên hàng loạt theo kiểu đánh bạc trên thị trường chứng khoán từng xảy ra trước đó. Các nguyên tắc được thực thi nhằm giới hạn hình thức mua ăn theo chênh lệch trong khuôn mẫu. Tuy nhiên, quan trọng nhất như đã được đề cập ở các chương trước, là doanh nghiệp ngày nay khác hẳn với trước đây. Doanh nghiệp ngày nay phù hợp với vai trò trung gian cho những nhà đầu tư mong muốn sự tăng trưởng trong dài hạn hơn là phương tiện cho các thương vụ xảy ra trong chốc lát.

Tất cả những điều trên đã làm thị trường thay đổi đáng kinh ngạc. Ngày nay, thị trường đã có nhiều tiến bộ, tuy nhiên những tiến bộ này lại không hề có lợi cho khả năng “có thể bán được” (tính thanh khoản). Khả năng thanh khoản của các loại chứng khoán trung bình giảm chứ không hề tăng. Mặc dù quá trình phát triển kinh tế nhanh và không có điểm kết của việc phân tách cổ phiếu, số lượng các thương vụ trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York bị sụt giảm. Hầu như người ta không còn thực hiện các khoản giao dịch giá trị quá nhỏ nữa. Những người đánh bạc và các nhà đầu cơ mua bán ngắn hạn không thể dẫn đến một nền kinh tế phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, những hành động đó góp phần tạo ra thị trường.

Tôi không hề muốn chơi trò chữ nghĩa ở đây nhưng quả thực chúng ta không thể phủ nhận rằng điều này dẫn đến sự giảm dần số lượng các “người môi giới chứng khoán” (stock broker) và sự gia tăng của những người được gọi là “người buôn chứng khoán” (stock salesman).

Với cổ phiếu, người môi giới sẽ làm việc tại các thị trường đấu giá. Tại đó họ sẽ nhận lệnh từ nhà đầu tư, khớp lệnh này với lệnh của họ hay của nhà môi giới khác nhận bán. Quá trình này nhìn chung không hề tiêu tốn thời gian. Nếu như có lệnh bán một số lượng lớn cổ phần thì dù mỗi cổ phần chỉ thu về một khoản phí hoa hồng khiêm tốn, nhà môi giới vẫn có một khoản lợi nhuận không hề nhỏ trong cả năm.

Trái lại, người buôn chứng khoán phải tiến hành một quá trình tiêu tốn thời gian hơn nhiều vì phải thuyết phục khách hàng thực hiện quy trình. Chỉ có một lượng thời gian cố định trong ngày, vì vậy để kiếm được khoản lợi nhuận tương xứng với công sức của mình, anh ta phải đòi một khoản phí hoa hồng dịch vụ cao hơn. Đặc biệt là khi anh ta phục vụ một số lượng lớn các khách hàng nhỏ lẻ thay vì các khách hàng lớn. Mà trong bối cảnh kinh tế ngày nay, các nhà buôn chứng khoán đều phải phục vụ các khách hàng nhỏ lẻ.

Sàn giao dịch chứng khoán bước đầu vẫn hoạt động với vai trò là phương tiện cho nhà môi giới chứng khoán hơn là nhà buôn chứng khoán. Tỷ lệ phí hoa hồng đã tăng lên song cũng chỉ tương đương với tỷ lệ của các loại dịch vụ khác. Trái lại, thị trường giao dịch chứng khoán OTC trên nguyên tắc hoàn toàn khác hẳn. Mỗi ngày, các thành viên trong ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch toàn quốc được giao nhiệm vụ đăng tải các bài báo nêu giá của một loạt chứng khoán không được niêm yết hoạt động sôi động tới các cổ đông quan tâm. Bên cạnh đó, còn có sự liên hệ với các địa điểm tiến hành giao dịch OTC nhằm thực hiện các thương vụ giao dịch chứng khoán. Không giống như ở sàn giao dịch chứng khoán, giá được báo không phải là các mức giá mà tại đó thực hiện giao dịch. Giao dịch OTC không thể thực hiện được điều này do không tồn tại trung tâm giao dịch để báo cáo. Thay vào đó, nó chỉ có báo giá chào mua và chào bán. Các báo giá đó sẽ đưa ra mức giá chào mua cao nhất cho các cổ phần và mức giá chào bán thấp nhất mà người bán có thể giao dịch.

Nếu như xem xét kỹ lưỡng, chúng ta có thể thấy rằng các báo giá từ bên mua và bên bán liên quan chặt chẽ đến lợi ích có thể thu được từ cổ phần khi chúng được đưa ra. Bên bán hay bên chào bán thường đưa ra mức hoa hồng cho mỗi cổ phần giao dịch tại cùng mức giá cao hơn vài lần so với bên mua. Sự chênh lệch này khuyến khích những người tham gia thị trường giao dịch OTC mua ở mức giá chào mua, trả một khoản phí hoa hồng tương xứng và vẫn còn lại một khoản lợi nhuận sau khi đã trừ đi tổng chi phí. Trái lại, nếu một khách hàng, đặc biệt là khách hàng lớn, cũng tại thị trường đó đưa ra mức giá mua cổ phiếu mà không bao gồm phí hoa hồng cho thương nhân thì anh ta thường mua ở mức giá trả cộng với một khoản tương đương với khoản phí hoa hồng trả ở sàn giao dịch. Một người từng tiến hành giao dịch OTC đã mô tả như sau: “Chúng tôi có một thị trường về phía người mua. Xét về phía người bán, chúng tôi có hai thị trường. Đó là thị trường bán buôn và thị trường bán lẻ, phụ thuộc một phần vào số lượng mua và một phần vào số lượng bán và dịch vụ đi kèm.”

Hệ thống sẽ bị lạm dụng nếu như nằm trong tay những người buôn chứng khoán tham lam. Bất cứ hệ thống nào cũng vậy. Nhưng nếu nhà đầu tư lựa chọn cẩn thận người tiến hành giao dịch cho mình thì hệ thống lại hoạt động cực kỳ tốt. Nhà đầu tư vừa và nhỏ thường không có thời gian cũng như khả năng lựa chọn chứng khoán cho riêng mình. Với sự giám sát chặt chẽ, những người buôn chứng khoán sẽ đưa ra vài loại chứng khoán, đây là cách nhà đầu tư nhận được sự cố vấn. Bởi vậy, cũng đáng để bỏ ra một khoản chi phí cho việc đó.

Xét trên quan điểm của nhà đầu tư có trình độ cao hơn thì lợi ích thật sự của hệ thống này không nằm ở việc mua, mà tồn tại trong sự tăng lên của tính thanh khoản hay tính “có thể bán được” của các chứng khoán OTC anh ta muốn sở hữu. Bởi khoản lợi nhuận chênh lệch mà người tiến hành giao dịch hưởng đối với các cổ phiếu đó là khá lớn nên có rất nhiều người môi giới có sẵn một lượng cổ phiếu để mua bán. Họ sẽ không hề do dự khi mua hoặc bán thêm 500 hay 1.000 cổ phần nếu như có sẵn. Khi số lượng đó tăng lên nhiều hơn, họ sẽ tổ chức buổi gặp mặt giữa các thương nhân và thúc đẩy việc giao dịch. Thông thường, họ sẽ yêu cầu một mức hoa hồng tại một điểm nào đó. Tuy nhiên, như vậy cũng có nghĩa là các cổ phiếu giao dịch OTC thường tiến hành thông qua hai hay nhiều người giao dịch OTC trình độ cao, loại cổ phiếu này có thể bán được theo yêu cầu của nhà đầu tư. Tùy thuộc vào số lượng chào bán mà có thể sẽ phải trả một khoản hoa hồng đặc biệt dành cho việc bán để tiến hành giao dịch một lượng cổ phiếu lớn. Tuy nhiên, đối với những khoản chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ của giá bán thì cổ phiếu mà nhà đầu tư mong muốn bán sẽ có thể chuyển đổi thành tiền và không gây hại đến thị trường.

Nó khác gì so với khả năng bán một cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch? Câu trả lời tùy thuộc phần lớn vào loại cổ phiếu và loại sàn giao dịch niêm yết. Đối với những lần phát hành lớn và khá sôi động trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York, thậm chí ngày nay tồn tại nhiều thị trường giao dịch đủ lớn để trong thời gian ngắn có thể bán lượng lớn cổ phiếu với tỷ lệ phí hoa hồng thấp mà không hề làm giảm giá. Đối với các chứng khoán niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York nhưng ít giao dịch hơn, khả năng bán cũng khá cao, nhưng đôi khi giá sẽ sụt giảm khá lớn và phí hoa hồng thông thường phụ thuộc vào thời điểm đưa ra các lệnh bán với khối lượng lớn. Đối với các loại chứng khoán niêm yết trên sàn giao dịch nhỏ thì theo quan điểm của tôi, khả năng có thể bán được cực kỳ thấp.

Sàn giao dịch chứng khoán đã nhận thức được vấn đề này và tiến hành từng bước khắc phục. Ngày nay, bất cứ khi nào có một khối lượng cổ phiếu niêm yết mà sàn giao dịch cho là quá lớn để có thể tiến hành theo phương cách thông thường, người ta được phép sử dụng các công cụ “chào bán đặc biệt” (giống như giao dịch thỏa thuận trên các sàn niêm yết chính thức tại Việt Nam). Nghĩa là người ta sẽ thông báo về lệnh chào bán tới tất cả các thành viên thị trường, những người sẽ nhận được một phần hoa hồng lớn hơn khi bán các cổ phần này. Nói cách khác, khi khối lượng quá lớn so với khả năng của người môi giới, họ sẽ được trả mức hoa hồng lớn để tiến hành bán như là người buôn chứng khoán.

Tất cả những điều trên làm thu hẹp khoảng cách giữa thị trường niêm yết và OTC trong những giai đoạn như hiện nay, khi mà ngày càng nhiều nhà buôn mua cổ phiếu chứ không phải các nhà môi giới đơn thuần tiến hành việc khớp lệnh. Điều này không có nghĩa là xét về khả năng bán thì một cổ phiếu có tiếng và được mua bán sôi động trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York không hề có lợi thế so với các cổ phiếu có giá trong giao dịch OTC. Nó có nghĩa lợi thế của các cổ phiếu được giao dịch OTC là tính thanh khoản lớn hơn cổ phần của nhiều công ty được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ và nhiều sàn giao dịch khu vực khác. Tôi có thể hình dung được việc các sàn giao dịch lớn sẽ phản đối. Tuy nhiên, tôi tin rằng điều này rất đúng nếu đánh giá các sự kiện dựa trên cái nhìn khách quan. Đây cũng là lý do tại sao một số công ty vừa và nhỏ tiến bộ hơn trong nhiều năm qua đã từ chối niêm yết cổ phiếu của họ trên các sàn giao dịch quy mô nhỏ. Thay vì đó, họ chọn thị trường giao dịch OTC cho đến khi công ty vươn tới quy mô mà có thể niêm yết chứng khoán của mình trên bảng lớn của Sở Giao dịch Chứng khoán New York.

Tóm lại, nếu bạn định đầu tư vào chứng khoán giao dịch OTC thì các nguyên tắc dành cho nhà đầu tư không khác lắm so với các nguyên tắc áp dụng cho các chứng khoán niêm yết. Đầu tiên, phải chắc chắn là bạn đã lựa chọn đúng loại chứng khoán. Sau đó, phải đảm bảo rằng bạn đã lựa chọn nhà môi giới có khả năng và có lương tâm. Nếu nhà đầu tư đã hội tụ đủ hai nguyên tắc này, anh ta không có gì phải sợ khi mua cổ phiếu chỉ bởi chúng được giao dịch OTC chứ không phải là trên sàn niêm yết chính thức.

3. Không nên mua cổ phiếu chỉ bởi bạn thích các báo cáo hàng năm của nó Không phải lúc nào nhà đầu tư cũng phân tích kỹ lưỡng tại sao anh ta mua cổ phiếu này thay vì cổ phiếu kia. Nếu xem xét kỹ lưỡng, họ sẽ rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng bản thân luôn chịu ảnh hưởng bởi những nhận xét chung chung trong báo cáo hàng năm của công ty gửi cho cổ đông. Giọng điệu của báo cáo hàng năm có thể phản ánh triết lý kinh doanh của bộ máy quản lý, chính sách hay mục tiêu của công ty chuẩn xác không kém các bản thông báo về tài chính đã được chỉnh sửa phản ánh kết quả đến từng đồng xu về thời kỳ đang đề cập. Tuy nhiên, một bản báo cáo hàng năm cũng phản ánh những kỹ năng tốt của bộ phận quan hệ công chúng trong việc tạo dựng ấn tượng về hình ảnh của công ty. Không có cách nào để ta có thể xác định liệu có phải giám đốc là người viết ra các báo cáo đó hay nhân viên bộ phận quan hệ công chúng viết và giám đốc đứng tên. Những hình ảnh hấp dẫn và bảng biểu màu mè không phải bao giờ cũng phản ánh một đội ngũ quản lý làm việc đầy nhiệt huyết và đoàn kết.

Nếu bạn để cho chữ nghĩa và giọng điệu của bản báo cáo thường niên ảnh hưởng đến quyết định mua cổ phiếu thường của mình thì nó cũng giống như bạn việc mua một sản phẩm chỉ bởi hình ảnh đầy lôi cuốn trên bảng quảng cáo. Sản phẩm đó có thể ấn tượng như trên mục quảng cáo nhưng cũng có thể không. Có thể chấp nhận mua các sản phẩm giá thấp theo cách này với mục đích tìm hiểu độ hấp dẫn của sản phẩm. Tuy nhiên, đối với cổ phiếu thì hầu như chẳng ai trong chúng ta đủ giàu để có thể mua chỉ vì cảm nhận bốc đồng của mình. Nên nhớ rằng ngày nay báo cáo thường niên chủ yếu là nhằm lôi kéo thiện chí của cổ đông. Một điều rất quan trọng là bạn nên tìm kiếm sự thật nằm bên ngoài các bản báo cáo màu mè đó. Cũng như các cách thức hỗ trợ việc bán hàng, các bản báo cáo này cũng nhằm thúc đẩy các thương vụ của doanh nghiệp tiến hành trôi chảy. Chúng ít khi đề cập đến các cuộc thảo luận thấu đáo và cân nhắc về những vấn đề thật sự trong kinh doanh. Thường thì chúng nhuốm màu sắc quá lạc quan.

Nếu nhà đầu tư không để cho những phản ứng phấn khích khi đọc bản báo cáo ảnh hưởng tới các quyết định sau đó thì tình trạng ngược lại sẽ như thế nào? Anh ta có bị những cảm xúc không vui khi đọc bản báo cáo ảnh hưởng không? Thường là không, lại một lần nữa nó cũng giống như việc chúng ta đánh giá nội dung trong một cái hộp chỉ bằng cách nhìn vào lớp giấy bọc bên ngoài của chúng. Tuy nhiên, có một ngoại lệ rất quan trọng, đó là các bản báo cáo như vậy không hề cung cấp thông tin về những vấn đề đóng vai trò quan trọng đối với nhà đầu tư. Những công ty theo đuổi chính sách báo cáo như vậy thường không phải là một nền tảng tốt cho các khoản đầu tư thành công.

4. Không nên lo lắng khi chỉ số P/E quá cao, nó có thể là một dấu hiệu cơ bản chỉ ra rằng mức tăng cao hơn của khoản thu nhập trong tương lai phần lớn đã được phản ánh ở mức giá hiện tại

Đây là một sai lầm có thể gây thiệt hại lớn mà nhà đầu tư thường mắc phải và đáng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Để giải thích rõ hơn vấn đề này, hãy xem xét ví dụ về một công ty giả tưởng XYZ. XYZ luôn đáp ứng đủ 15 tiêu chí như chúng ta đã đề ra. Trong vòng ba thập kỷ, công ty có doanh số và lợi nhuận tăng liên tục và đang tiến hành phát triển sản phẩm mới để đạt mức tăng trưởng tương tự trong giai đoạn sắp tới. Giới tài chính nhận thấy rõ sự phát triển kỳ diệu của công ty. Theo đó, trong nhiều năm cổ phiếu của công ty luôn bán ở mức P/E từ 20-30 lần, nghĩa là gấp đôi P/E của chỉ số Dow Jones.

Ngày nay, cổ phiếu chỉ được bán ở mức P/E gấp hai lần P/E của chỉ số Dow Jones. Điều này cũng có nghĩa là mức giá mà nó có thể thu được một đồng lợi nhuận sẽ gấp đôi mức giá mà tại đó các cổ phiếu có chỉ số bình quân Dow Jones sẽ tạo ra một đồng lợi nhuận. Bộ máy quản lý của công ty vừa đưa ra dự báo rằng công ty đang có triển vọng sẽ tăng gấp đôi thu nhập trong năm năm tới. Xét toàn bộ sự việc đang xảy ra thì dự đoán của công ty có vẻ giá trị.

Ngay lúc đó, một số lượng lớn các nhà đầu tư lại đưa ra những kết luận hết sức sai lầm. Họ lý luận rằng do XYZ đang bán cổ phiếu gấp hai lần mức giá của các cổ phiếu khác và vì nó phải cần đến năm năm mới có thể tăng mức lợi nhuận lên gấp đôi, mức giá hiện tại của cổ phiếu công ty XYZ đang phản ánh thu nhập của công ty trong tương lai. Và họ chắc chắn rằng giá cổ phiếu đang ở mức quá cao.

Chẳng ai có thể lý luận rằng cổ phiếu có giá đã phản ánh thu nhập trong năm năm tới là đang bị định giá quá cao. Việc đưa ra những luận điểm sai lầm này xuất phát từ suy đoán rằng trong năm năm tới, XYZ sẽ bán ở mức mà P/E cùng với tỷ lệ P/E của các cổ phiếu có chỉ số bình quân Dow Jones đã lấy để so sánh. Với những nhân tố làm nên tiếng tăm của công ty, trong vòng ba mươi năm, cổ phiếu được bán ở mức P/E gấp hai lần mức của các chứng khoán khác. Và bản báo cáo đã luôn gửi lời cảm ơn tới những nhà đầu tư đã trung thành với công ty. Nếu công ty lại tiếp tục theo đuổi chính sách đó, năm năm nữa bộ máy quản lý sẽ đưa ra nhóm sản phẩm mới khác mà trong thập kỷ tới sẽ tăng thu nhập giống như cách mà các sản phẩm mới đang làm tăng thu nhập trong hiện tại hay trong năm, mười, mười lăm và hai mươi năm trước đây. Nếu điều này xảy ra, tại sao các cổ phiếu bán trong năm năm tới lại không có chỉ số P/E gấp đôi so với các cổ phiếu thường như hiện nay và như thời điểm trước đây? Và nếu tỷ lệ của tất cả các cổ phiếu vẫn giữ cùng một mức thì việc tăng lợi nhuận lên gấp đôi trong vòng năm năm nữa sẽ khiến giá cổ phiếu tăng gấp đôi. Nếu căn cứ vào cơ sở này, cổ phiếu bán ở mức P/E thông thường không thể giảm thu nhập trong tương lai như người ta thường nói.

Rõ ràng điều đó là không thể. Hãy quan sát xung quanh và xem xét các nhà đầu tư tài tình tự giải quyết vấn đề lựa chọn P/E để đánh giá thời điểm nào cổ phiếu thật sự giảm mức phát triển trong tương lai. Điều này lại rất đúng đối với những công ty mà chúng ta đang nghiên cứu đã có sự thay đổi về bối cảnh. Hãy xem xét công ty ABC thay vì công ty XYZ. Hai công ty này rất giống nhau trừ một điểm là công ty ABC có tuổi đời ít hơn. Cách đây hai năm, giới tài chính đã đánh giá rất cao sự phát triển của công ty này. Cổ phiếu của nó bán ở mức P/E gấp đôi so với các cổ phiếu trung bình khác. Trong trường hợp này, các nhà đầu tư hầu như chẳng thể nhận ra rằng việc bán cổ phiếu ở mức P/E hiện tại thể hiện chất lượng thực chứ không phải là một tác nhân làm giảm mức phát triển trong tương lai.

Điều thật sự quan trọng ở đây là phải nắm rõ tình trạng của công ty, đặc biệt là phải xét đến các dự định của nó trong những năm sắp tới. Nếu như đợt tăng lợi nhuận trong những năm đó chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và công ty không có nguồn tăng lợi nhuận tiếp theo, khi mà nguồn lực hiện tại đã tận dụng hết, thì vấn đề lại hoàn toàn khác. Khi đó P/E cao sẽ làm giảm lợi nhuận thu được trong tương lai. Bởi vì khi đợt tăng lợi nhuận trong hiện tại qua đi thì cổ phiếu sẽ quay trở lại mức giá bán với mức lợi nhuận giống như các cổ phiếu thông thường khác. Tuy nhiên, nếu công ty tiếp tục phát triển các nguồn lực mới giúp tăng thu nhập và nếu ngành đó cũng có triển vọng đạt mức tăng trưởng như vậy trong tương lai thì P/E trong vòng 5-10 năm tới chắc chắn sẽ cao hơn hẳn so với mức P/E của các cổ phiếu trung bình như hiện tại. Cổ phiếu loại này thường sẽ giảm lợi nhuận trong tương lai ít hơn mức mà các nhà đầu tư vẫn lầm tưởng. Đây là lý do vì sao một số cổ phiếu thoạt nhìn có vẻ có mức giá cao nhất nhưng sau khi phân tích thì vẫn có tiềm năng mang lại một món hời lớn. 5. Không nên quá quan trọng hóa các bước giá nhỏ nhặt như 1/8 hay 1/4

Tôi vừa dẫn một vài ví dụ giả tưởng nhằm làm rõ một số vấn đề. Bây giờ tôi sẽ đưa ra một ví dụ có thật, với chủ ý chọn một cổ phiếu mà trong nhiều năm đi sau thị trường chứ không phải dẫn đầu thị trường. Cách đây gần 25 năm, một quý ông có khả năng đầu tư xuất sắc trong hầu hết các lĩnh vực muốn mua 100 cổ phiếu của công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York. Vào ngày ông ta quyết định mua, giá của cổ phiếu đó vào thời điểm đóng cửa là 351/2 đô-la. Vào ngày tiếp theo, giá tiếp tục giữ ở mức như thế. Nhưng quý ông này không trả mức giá đó. Ông ta quyết định sẽ tiết kiệm 50 đô-la. Và anh ta đặt lệnh ở mức 35. Anh ta từ chối tăng mức đó lên. Và cổ phiếu không bao giờ còn bán ở mức 35 nữa. Ngày nay, sau gần 25 năm, cổ phiếu đó có triển vọng rất xán lạn. Kết quả của cổ tức và cổ phiếu sau nhiều lần được chia tách trong những năm đó tạo ra mức giá hơn 500 đô-la hiện nay.

Nói cách khác, do muốn tiết kiệm 50 đô-la, nhà đầu tư này đã bỏ qua các cổ phiếu trị giá 3.500 đô-la và mất một khoản lợi nhuận tối thiểu là 46.500 đô-la. Tất nhiên anh ta vẫn có thể kiếm được 46.500 đô-la do có các cổ phần khác trong công ty đó vì đã mua tại mức thấp hơn. Do 46.500 đô-la gấp 930 lần 50 đô-la nên anh ta sẽ phải tiết kiệm 50 đô-la đến 930 lần mới có thể bằng khoản lợi nhuận đáng ra anh ta được hưởng. Hiển nhiên đó là hành động điên rồ xét về mặt tài chính.

Có một nguyên tắc rất đơn giản đối với các nhà đầu tư nhỏ chỉ muốn mua vài trăm cổ phần của một loại cổ phiếu. Nếu cổ phiếu thuộc loại tốt, mức giá hợp lý và hấp dẫn so với mức hiện tại thì hãy mua ngay. Các bước giá nhỏ như 1/8 đô-la, 1/4 đô-la hay 1/2 đô-la được trả thêm thật sự là không quan trọng so với mức lợi nhuận mà anh ta sẽ bỏ lỡ nếu không mua cổ phiếu đó. Nếu cổ phiếu không thuộc loại có tiềm năng phát triển dài hạn, tôi cho rằng ngay từ đầu nhà đầu tư không nên quyết định mua.

Vấn đề có vẻ phức tạp hơn đối với các nhà đầu tư lớn hơn muốn mua hàng nghìn cổ phần. Trừ một lượng nhỏ các cổ phiếu thì đối với phần lớn số còn lại, lượng cổ phiếu lưu hành chỉ ở mức hạn chế nên việc mua tại thị trường một nửa khối lượng cần thiết sẽ gây ra một đợt tăng giá lớn. Việc tăng giá đột ngột này gây ra hai tác động, có xu hướng làm cho việc thu mua lượng cổ phiếu này trở nên khó khăn hơn. Việc tăng giá đột ngột làm gia tăng sự quan tâm và tính cạnh tranh của những người mua khác. Nó có thể khiến những người có kế hoạch bán giữ lại cổ phần của mình với hy vọng rằng việc tăng này sẽ tiếp tục diễn ra. Vậy thì người mua với giá trị lớn nên làm gì để giải quyết vấn đề này?

Người mua nên tìm đến nhà môi giới hay người tiến hành giao dịch chứng khoán cho anh ta. Anh ta nên nói chính xác lượng cổ phiếu mà anh ta muốn mua và yêu cầu nhà môi giới thu mua được càng nhiều cổ phiếu càng tốt, đồng thời ủy quyền cho nhà môi giới đưa ra một số chào giá ở mức nhỏ nếu việc mua các cổ phiếu này làm nảy sinh những vụ mua chứng khoán khác mang tính cạnh tranh. Quan trọng nhất, anh ta nên để nhà môi giới của anh ta tự do điều chỉnh giá đến một điểm cao hơn điểm bán gần đây nhất. Về mức độ cao hơn bao nhiêu, anh ta nên thảo luận với nhà môi giới hay người giao dịch sau khi cân nhắc các yếu tố như khối lượng cổ phiếu cần mua, diễn biến của các cổ phiếu, nhà đầu tư khác háo hức nắm giữ như thế nào và xét đến các nhân tố liên quan.

Đôi khi, nhà đầu tư cảm thấy anh ta không có nhà môi giới hay nhà giao dịch nào có thể đưa ra lời đánh giá chính xác hay sự khôn ngoan trong việc giải quyết những vấn đề này. Nếu vậy, anh ta nên ngay lập tức tìm kiếm nhà môi giới hay giao dịch sở hữu những điểm đó. Nhưng suy cho cùng, thực hiện chính xác những công việc kiểu như vậy là điều căn bản của một nhà môi giới hay ban giao dịch của một giao dịch chứng khoán.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.