Cổ Phiếu Thường Lợi Nhuận Phi Thường

9. Thêm năm điều nhà đầu tư nên tránh



1. Không nên đa dạng hóa quá mức các khoản mục đầu tư

Trong đầu tư, đa dạng hóa là nguyên tắc luôn được coi trọng nhất. Bởi thế, ngay cả các nhà đầu tư thông thường cũng không thể không thực hiện đa dạng hóa các danh mục đầu tư ở mức vừa đủ. Họ luôn thấm thía bài học xương máu của những người “đặt tất cả trứng của mình vào một giỏ”.

Tuy nhiên, hầu như chẳng ai suy nghĩ cẩn trọng về tác hại khôn lường của các yếu tố khác. Đó chính là bất lợi của việc đặt trứng vào quá nhiều giỏ để rồi cuối cùng lại rơi vào chiếc giỏ không mấy hấp dẫn và cũng không thể nào canh chừng được tất cả các giỏ đựng trứng đó. Ví dụ, trong số các nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu thường có giá trị thị trường từ 200.000-50.000 đô-la, tỷ lệ phần trăm những người có 25 loại cổ phiếu hay nhiều hơn thật là kinh khủng. Đó không phải là do con số 25. Vấn đề là trong hầu hết các trường hợp, anh ta chỉ có một số tỷ lệ phần trăm rất nhỏ các cổ phiếu hấp dẫn mà nhà đầu tư hay cố vấn của anh ta hiểu rõ. Nhà đầu tư đề cao sự đa dạng hóa với nỗi lo sẽ đặt quá nhiều trứng vào một chiếc giỏ, và rồi khiến họ mua quá ít cổ phần của những công ty mà họ hiểu rõ và quá nhiều cổ phần của những công ty mà họ chẳng có chút hiểu biết nào. Dường như nhà đầu tư, hay tệ hơn là cố vấn của anh ta, chẳng bao giờ nhận thức được rằng mua cổ phần của một công ty mà không có đủ kiến thức về nó còn nguy hiểm hơn là không đa dạng hóa.

Mức độ đa dạng hóa bao nhiêu là đủ và đến mức nào thì sẽ trở nên quá nguy hiểm? Nó phần nào giống như lính bộ binh xếp một bó súng trường. Một người lính không thể xếp súng một cách chắc chắn chỉ với hai khẩu súng trường nhưng anh ta có thể làm với năm hay sáu khẩu súng được đặt đúng cách. Hơn thế nữa, anh ta còn có thể sắp xếp chắc chắn và đảm bảo với năm chiếc cũng như với năm mươi chiếc. Tuy nhiên, trong vấn đề đa dạng hóa này có một sự khác biệt quan trọng giữa xếp súng trường và chứng khoán thông thường. Đối với súng trường số lượng cần thiết để sắp xếp thành một chồng chắc chắn không mấy khi phụ thuộc vào loại súng trường mà những người lính sử dụng. Với cổ phiếu, bản thân tính chất của cổ phiếu cũng cần phải tính đến hàng loạt các vấn đề khi tìm hiểu mức độ đa dạng hóa thật sự cần thiết.

Một số công ty, giống như hầu hết các nhà máy sản xuất hóa phẩm, đã đạt được một mức độ đa dạng hóa đáng kể. Trong khi tất cả sản phẩm của họ được xếp vào lĩnh vực hóa phẩm, rất nhiều sản phẩm kể trên có thể là đầu vào của các ngành khác hoàn toàn không liên quan. Một số sản phẩm gặp phải những vấn đề khác nhau trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất và có thể được bán cạnh tranh đến tay nhiều nhóm người tiêu dùng. Hơn nữa, khi mà chỉ có một loại hóa phẩm thì nhóm khách hàng sẽ chiếm số lượng lớn trong ngành, yếu tố đáng kể của việc đa dạng hóa trong công ty có thể xuất hiện.

Chiều rộng và chiều sâu trong bộ máy quản lý cho thấy công ty đã tiến triển đến mức nào khi bộ máy quản lý chỉ có một người, đây cũng là các nhân tố rất quan trọng trong việc quyết định thực chất cần đa dạng hóa đến mức nào để có thể đảm bảo an toàn. Cuối cùng, khi có sự thay đổi, cổ phần thuộc các ngành có tính chu kỳ cao sẽ khiến hoạt động kinh doanh biến động nhiều − chúng cần có sự đa dạng hóa ở mức cao hơn để giữ cân bằng so với cổ phần thuộc các ngành ít bị ảnh hưởng bởi biến động mang tính chu kỳ.

Sự khác biệt giữa mức độ đa dạng hóa về nội tại của các cổ phiếu khiến ta không thể đề ra các nguyên tắc cố định về mức độ đa dạng hóa tối thiểu mà nhà đầu tư trung bình cần phải có để đạt kết quả tối ưu. Mối quan hệ giữa các ngành liên quan cũng rất quan trọng. Ví dụ, một nhà đầu tư có mười loại cổ phiếu với giá trị như nhau nhưng có tới tám loại cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng, như vậy mức độ đa dạng hóa là chưa đủ. Trái lại, nếu anh ta đầu tư mỗi loại cổ phiếu vào một ngành khác nhau thì mức độ đa dạng hóa lại quá mức cần thiết.

Mỗi trường hợp sẽ có các mức độ khác nhau và không tồn tại một nguyên tắc chuẩn xác nào đối với mức độ đa dạng hóa. Dưới đây là một số hướng dẫn mang tính cố định về mức đa dạng hóa tối thiểu dành cho hầu hết các nhà đầu tư, trừ một số ít các nhà đầu tư đặc biệt:

A. Tất cả các khoản đầu tư có thể được giới hạn trong các loại cổ phiếu tăng trưởng đã được lựa chọn, ví dụ như Dow, Du Pont hay IBM. Nhà đầu tư sẽ đặt kỳ vọng tối thiểu vào năm loại cổ phiếu tăng trưởng. Có nghĩa là anh ta sẽ đầu tư không quá 20% tổng số vốn ban đầu vào bất cứ loại cổ phiếu nào trong những loại này. Nhưng như vậy không có nghĩa là nhà đầu tư sẽ phải lo lắng nếu một loại cổ phiếu tăng giá nhanh hơn những loại còn lại, sau mười năm cổ phiếu đó chiếm 40% tổng giá trị danh mục.

Nhà đầu tư có 20% lượng vốn ban đầu trong mỗi công ty như hướng dẫn phải đảm bảo là dòng sản phẩm của năm công ty này chỉ có sự tương đồng rất nhỏ. Ví dụ, nếu Dow là một trong năm công ty anh ta lựa chọn thì việc Du Pont có thể là một công ty khác mà anh ta lựa chọn không có gì là khó hiểu. Sản phẩm của hai công ty hầu như không trùng lặp nhau hay cạnh tranh với nhau. Nếu như nhà đầu tư mua Dow và một số công ty có cùng lĩnh vực hoạt động, vẫn có thể coi là hợp lý miễn là có đủ lý do xác đáng. Sở hữu hai cổ phiếu hoạt động tương tự nhau có thể sẽ mang lại nhiều lợi nhuận sau nhiều năm. Tuy nhiên, trong trường hợp đó sự đa dạng hóa ở mức thấp trầm trọng, bởi vậy nên cảnh giác với những vấn đề có thể tác động đến ngành dự định đầu tư.

B. Khoản đầu tư có thể bao gồm các loại cổ phiếu của những công ty trẻ tăng trưởng với độ rủi ro rất cao và cổ phiếu được các tổ chức mua. Đó là các công ty có đội ngũ quản lý tốt chứ không chỉ do một người phụ trách với doanh số nằm giữa 15 triệu đô-la hay 100 triệu đô-la một năm, và có chỗ đứng vững chắc trong ngành. Ít nhất hai công ty loại này sẽ phải tương đương một công ty thuộc loại A. Nói cách khác, nếu chỉ có các công ty nhóm B, nhà đầu tư sẽ bắt đầu đầu tư với 10% vốn cho mỗi công ty. Do đó, tổng số cổ phiếu anh ta có sẽ là 10 loại. Tuy nhiên, các công ty thuộc nhóm này đôi khi có những thay đổi đáng kể tùy theo mức độ rủi ro. Sẽ khôn ngoan hơn nếu chúng ta đầu tư 8% nguồn vốn ban đầu chứ ko phải là 10% vào các công ty tồn tại mức rủi ro cao hơn. Trong bất cứ trường hợp nào, việc lựa chọn mua chứng khoán ở các công ty loại này để quyết định mức đầu tư từ 8-10% tổng số vốn đầu tư ban đầu − khác với 20% đối với nhóm A − cũng có thể cung cấp cơ sở cho mức độ đa dạng tối thiểu cần thiết.

Các nhà đầu tư thường khó nhận ra các công ty loại B hơn là các công ty loại A hay các cổ phiếu được nhà đầu tư tổ chức mua. Bởi vậy, tôi sẽ cung cấp một bản mô tả ngắn gọn một đến hai công ty như vậy (tôi đã có cơ hội quan sát khá sát sao và có thể xem chúng như những ví dụ điển hình).

Công ty loại B đầu tiên mà tôi đề cập là P.R. Mallory. Tôi đã nhận xét như sau:

“P.R. Mallory & Co. Inc., có một mức độ đa dạng hóa nội tại đáng ngạc nhiên. Các sản phẩm cơ bản của công ty là linh kiện ngành điện và điện tử, kim loại đặc biệt và pin. Đối với các dòng sản phẩm quan trọng hơn, công ty là một nhân tố lớn trong các ngành tương ứng và là nhà sản xuất lớn. Nhiều sản phẩm như linh kiện điện tử hay kim loại đặc biệt phục vụ cho một số lĩnh vực hoạt động phát triển cực nhanh của ngành công nghiệp Mỹ, tất cả những dấu hiệu đó đều cho thấy khả năng phát triển lâu dài của Mallory. Trong vòng mười năm doanh thu đã tăng lên gần gấp bốn lần, đạt 80 triệu đô-la vào năm 1957, trong đó khoảng 1/3 lượng tăng lên nhờ các vụ chuyển nhượng từ bên ngoài và khoảng 2/3 là do tăng trưởng nội bộ.

Biên lợi nhuận trong giai đoạn này thấp hơn một chút so với mức mà nhà đầu tư có thể hài lòng về công ty loại B, một phần là do các khoản chi vượt mức trung bình dành cho nghiên cứu. Nhưng quan trọng hơn, những bước được tiến hành đã chỉ ra dấu hiệu tiến bộ trong yếu tố tốn kém này. Dưới sự lãnh đạo của một giám đốc năng động cùng với đội ngũ quản lý trình độ cao, họ đã có những bước phát triển quan trọng về chiều sâu trong những năm vừa qua. Cổ phiếu của Mallory tăng gấp năm lần về giá trị trong suốt mười năm từ năm 1946-1956 và thường bán ở mức P/E là 15.

Có lẽ một trong những nhân tố quan trọng nhất của khoản đầu tư khôn ngoan Mallory không phải nằm ở bản thân công ty mà ở 1/3 lợi ích từ Mallory-Sharon Metals Corporation. Liên doanh Mallory là sự hợp nhất giữa hai công ty Mallory-Sharon Titanium Corporation − một nửa do P.R. Mallory & Co. sở hữu, và công ty National Distillers chuyên về nguyên vật liệu thô trong cùng ngành. Công ty mới sẽ là một trong những nhà sản xuất titanium với chi phí thấp nhất và do đó đóng một vai trò quan trọng trong khả năng phát triển của ngành công nghiệp non trẻ này. Năm 1958, công ty mới đang hy vọng sẽ bắt đầu quá trình thương mại hóa sản phẩm quan trọng ziriconium và tìm ra cách thức thương mại hóa cho các loại kim loại mới quý hiếm khác như tantalum và columbium. Công ty này có tiềm năng sẽ trở thành nhà sản xuất hàng đầu không phải đối với một mà là một loạt các sản phẩm kim loại hứa hẹn sẽ có vai trò ngày càng quan trọng trong thời đại nguyên tử, hóa học và tên lửa. Như vậy công ty này có thể là tài sản giá trị để nâng cao mức tăng trưởng sẵn có ở Mallory.”

Nếu tôi viết những lời này vào thời điểm hiện tại (hai năm sau đó), có lẽ tôi sẽ viết khác đi một chút. Tôi sẽ giảm một chút nhiệt huyết khi ca ngợi sự đóng góp của Mallory-Sharon Metals Corporation. Những điều tôi dự tính cách đây hai năm vẫn xảy ra. Tuy nhiên, tôi tin rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn để tìm kiếm và phát triển thị trường đủ lớn cho titanium.

Trái lại, tôi sẽ có xu hướng đề cao bản thân công ty Mallory bằng với mức mà tôi đã hạ thấp vai trò của nó. Xu hướng tăng cường quản lý theo chiều sâu mà tôi đề cập ở trên đã có những tiến triển quan trọng trong giai đoạn này. Mặc dù Mallory là nhà cung cấp chi tiết máy cho các ngành sản xuất những sản phẩm có độ bền cao − lĩnh vực chắc chắn bị thiệt hại, nhưng đội ngũ quản lý đã chứng tỏ sự khôn ngoan khác thường khi thay đổi điều kiện của năm 1958 và giữ thu nhập ở mức 1,89 đô-la mỗi cổ phần (thời điểm cao nhất cách đó một năm là 2,06 đô-la). Thu nhập quay trở lại mức cũ ngay trong năm 1959 và hứa hẹn sẽ đạt những mức kỷ lục mới trong năm đó − khoảng 2,75 đô-la mỗi cổ phần. Hơn thế nữa, các khoản thu nhập này có được nhờ chi phí của các chi nhánh mới giảm tuy vẫn còn khá lớn. Điều này hứa hẹn lợi nhuận sẽ tăng trưởng ở mức cao vào năm 1960 nếu như điều kiện kinh tế nói chung vẫn tốt.

Cổ phiếu của Mallory là một trong số ít ví dụ được nêu trong cuốn sách này mà cho đến nay thuộc tình trạng kém hơn so với thị trường nói chung. Mặc dầu công ty đã thành công hơn các đối thủ trong cuộc cạnh tranh với các công ty Nhật về lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, mối đe dọa này chính là nguyên nhân dẫn đến việc cổ phiếu kém hiệu quả hơn trên thị trường. Một lý do khác có thể là giới tài chính không còn hứng thú đầu tư vào những lĩnh vực khó xếp loại và liên quan đến quá nhiều ngành. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi, đặc biệt là khi họ nhận ra rằng sản phẩm pin thu nhỏ không quá tụt hậu so với các lĩnh vực có sự tăng trưởng kỳ diệu vì lĩnh vực này sẽ phát triển với tốc độ cao cùng xu hướng thu nhỏ kích thước trong ngành điện tử. Tại bất cứ mức giá nào, vào thời điểm ấn bản đầu tiên được xuất bản, cổ phiếu này luôn được bán ở mức 35 đô-la, sau khi đã trả 2% cổ tức thì giá cổ phiếu hiện tại là 371/4 đô-la.

Bây giờ, chúng ta hãy xem xét các ví dụ khác thuộc nhóm B. Trong ấn bản đầu tiên tôi đã viết như sau:

“Beryllium Corporation là một ví dụ khác của nhóm B. Cái tên này đã khiến những người thiếu thông tin nghĩ rằng công ty được thành lập chưa lâu, và do đó cổ phiếu của Beryllium sẽ có mức độ rủi ro cao hơn mức độ thực tế của nó. Tuy nhiên, đây là nhà sản xuất với chi phí thấp, công ty duy nhất sản xuất hợp kim cao cấp đồng beryllium và nhôm beryllium, đồng thời vận hành các nhà máy sản xuất mà ở đó hợp kim cao cấp được làm thành que, thanh, dải, chất liệu ép… và sản xuất công cụ thành sản phẩm hoàn chỉnh. Doanh thu tăng lên khoảng sáu lần trong suốt mười năm, cho đến năm 1957 đạt khoảng 16 triệu đô-la. Doanh thu ngành điện tử, máy tính và các ngành khác tăng lên hứa hẹn công ty sẽ tăng trưởng nhanh trong những năm tới. Nhiều sản phẩm có công dụng mới mang tầm quan trọng như khuôn rập làm bằng đồng beryllium bắt đầu tạo ra doanh thu đáng kể. Dường như tỷ lệ tăng trưởng ở mức tốt trong mười năm qua là một tín hiệu cho những gì sẽ xảy ra sắp tới. Điều này khẳng định chỉ số P/E sẽ ở mức khoảng 20, mức mà chứng khoán thường xuyên được bán trong vòng năm năm qua.

Tại một cuộc họp báo dự đoán viễn cảnh quan trọng trong thập niên 1960, Rand Corporation − một chi nhánh nghiên cứu nổi tiếng của Không lực Hoa Kỳ cho biết sự tăng trưởng sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới nhờ kim loại beryllium sẽ trở thành vật liệu xây dựng. Ngoài ra, Rand Corporation đã dự đoán chính xác sự phát triển trong ngành titanium không lâu sau chiến tranh.

Việc nhanh chóng hơn cả thị trường tiêu thụ sản phẩm beryllium với vai trò là vật liệu xây dựng, năm 1958 sẽ chứng kiến công ty sản xuất một loại sản phẩm khác mang thương hiệu mới. Đó chính là kim loại beryllium dành cho mục đích nguyên tử được sản xuất trong một nhà máy hoàn toàn cách biệt với các dây chuyền sản xuất hợp kim cao cấp cũ theo các hợp đồng dài hạn với Ủy ban Năng lượng Nguyên tử. Nó cho thấy những tín hiệu về tương lai phát triển của ngành nguyên tử mà cả chính phủ và các ngành tư nhân khác đều có nhu cầu. Đội ngũ quản lý luôn sẵn sàng. Trên thực tế, công ty này đã thỏa mãn 15 tiêu chí xét trên tất cả các khía cạnh trừ một khía cạnh duy nhất có sai sót, đã và đang tiến hành sửa đổi.

Trường hợp Mallory, trong hai năm qua cổ phiếu có cả những lúc tăng và giảm. Tuy nhiên, sự tăng trưởng ngoạn mục vượt xa những tín hiệu không mong đợi, và công ty đã chứng tỏ mình là một khoản đầu tư đúng đắn. Những tín hiệu không đáng mong đợi đó là triển vọng phát triển khuôn bằng đồng beryllium có vẻ như đã mất đi sự hấp dẫn, trong dài hạn sự phát triển hoạt động chế tạo loại hợp kim hoàn chỉnh sẽ không nhanh như tôi đã mô tả. Ngoài ra, nhu cầu nguyên tử đối với kim loại beryllium trong những năm tới sẽ có thể ít hơn trước đây. Tuy nhiên, hiện đang có những dấu hiệu quan trọng hơn đảm bảo sẽ có một sự tăng trưởng đáng kể về nhu cầu kim loại beryllium phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau của lĩnh vực hàng không. Chúng đã bắt đầu xuất hiện tại rất nhiều công ty với nhiều loại sản phẩm khác, không ai có thể dự đoán chắc chắn về giới hạn phát triển. Tuy nhiên, điều này có lẽ cũng không hoàn toàn đáng mong đợi như đánh giá bởi lĩnh vực này quá hấp dẫn, vì vậy nguy cơ xuất hiện sự đột phá lớn về công nghệ mang tính cạnh tranh có thể xuất phát từ các công ty không nằm trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên, may mắn thay, công ty có khả năng đạt những bước phát triển dài trong việc đẩy mạnh tiềm lực của mình ở tiêu chí mà nó yếu nhất trong số 15 tiêu chí đã nói ở trên. Đó là các vấn đề về hoạt động nghiên cứu.

Xét ở một khía cạnh nào đó, dù không hiểu rõ lắm nhưng tôi tin rằng một số công ty khác có đội ngũ quản lý, vị trí thương mại, triển vọng phát triển và các tính chất khác mà có thể coi là các ví dụ điển hình của nhóm B: Foote Minerals Company, Friden Calculating Machine Co. Inc. và Sprague Electric Company. Mỗi công ty đều tỏ ra là địa điểm đầu tư đáng mong đợi đối với nhà đầu tư nắm giữ cổ phần trong nhiều năm. Sprague Electric tăng giá trị gấp bốn lần trong suốt giai đoạn 1947-1957. Cổ phiếu của Friden được phát hành lần đầu vào năm 1954, nhưng chưa đến ba năm đã tăng gấp 2,5 lần. Đến năm 1957, nó đã được bán ở mức giá gấp hơn bốn lần so với mức mà giao dịch OTC phổ biến một năm trước khi phát hành ra công chúng. Sự tăng giá này thỏa mãn mong đợi của các nhà đầu tư tuy nhiên vẫn không đáng kể so với những gì xảy ra đối với cổ phiếu của Foote Minerals Company. Cổ phiếu này được niêm yết vào năm 1957 trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York. Trước thời điểm đó người ta đã tiến hành mua bán loại cổ phiếu ngoài sàn vào năm 1947, lần phát hành đầu tiên (IPO). Lúc đó, cổ phiếu của công ty này được giao dịch ở mức 40 đô-la một cổ phần. Do cổ tức và việc chia tách cổ phiếu, một nhà đầu tư mua 100 cổ phần vào năm 1947 và nắm giữ cho đến bây giờ sẽ có 2.400 cổ phần. Cổ phiếu vừa được bán ở giá khoảng 50 đô-la.

C. Cuối cùng là các công ty nhỏ không đảm bảo khả năng thu được tiền khi thành công, nhưng chắc chắn sẽ mất sạch vốn nếu công ty thất bại. Trong chương khác, tôi đã chỉ ra vì sao tôi tin rằng số lượng các chứng khoán loại này (nếu có) trong danh mục đầu tư sẽ thay đổi tùy theo từng trường hợp và mục tiêu của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào loại chứng khoán này, tôi khuyên bạn nên tuân thủ hai nguyên tắc quan trọng và bổ ích liên quan đến chúng. Thứ nhất, không bao giờ đầu tư tiền vào những công ty mà bạn không chịu được khả năng thua lỗ. Thứ hai, nhà đầu tư lớn không nên sử dụng quá 5% vốn vào một trong những công ty như vậy trong lần đầu tư đầu tiên. Một trong những rủi ro của nhà đầu tư nhỏ là số vốn quá ít để có thể vừa đạt được triển vọng đáng kinh ngạc khi đầu tư loại cổ phiếu này vừa thu được lợi ích từ việc đa dạng hoá đúng mức.

Trong ấn bản đầu tiên, tôi có nhắc đến Ampex vào năm 1953 và Elox vào năm 1956 là ví dụ về những công ty có tiềm năng khổng lồ nhưng mức rủi ro rất cao, thuộc nhóm chứng khoán loại C. Những công ty này đã phát triển như thế nào kể từ thời điểm đó? Năm 1957, giá cổ phiếu Elox là 10 đô-la, còn hiện nay là 75/8 đô-la. Trái lại, hoạt động của Ampex trên thị trường vẫn đang ở mức phát triển thịnh vượng và là minh chứng lý giải tại sao một khi đội ngũ quản lý tài tình chứng tỏ năng lực của mình và những điều kiện cơ bản không hề thay đổi thì không bao giờ được bán cổ phần chỉ bởi nó đang đạt mức tăng rất lớn và tạm thời được định giá cao. Thảo luận về việc nghiên cứu trong Chương 3, tôi có đề cập tới việc sau bốn năm đầu phát hành kể từ năm 1953, cổ phiếu của Ampex đã tăng lên 700%. Khi tôi hoàn thành ấn bản đầu tiên, giá của nó là 20 đô-la − sau khi chia tách với tỷ lệ 2,5:1. Ngày nay, nhờ doanh thu và thu nhập tăng liên tục năm này qua năm khác cùng với 80% doanh thu hiện tại mà cách đây bốn năm không thể đạt được, giá cổ phiếu Ampex bây giờ là 1071/2 đô-la. Con số này cho thấy nó đã tăng 437% chỉ trong vòng hơn hai năm và hơn 3.500% trong vòng sáu năm. Nói cách khác, nếu đầu tư 10.000 đô-la vào công ty Ampex năm 1953, hiện nay nó sẽ tạo ra giá trị thị trường hơn 350.000 đô-la. Một công ty chứng tỏ được khả năng sẽ giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong lĩnh vực công nghệ và kinh doanh.

Các trường hợp khác tuy có thông tin hơn nhưng tôi tin rằng có thể sẽ thuộc loại này là Litton Industries, Inc. và Metal Hydrides. Tuy nhiên, một đặc điểm của công ty loại này mà bạn luôn phải nhớ là tính đa dạng hóa. Chúng có quá nhiều rủi ro cũng như triển vọng. Công ty có thể thất bại nhưng cũng có thể phát triển về vị thế, khả năng quản lý cũng như gia tăng lợi thế cạnh tranh đến mức có thể chuyển từ loại C sang loại B.

Nếu xảy ra điều đó, thị giá của các cổ phiếu này thường tăng nhanh bất ngờ tới mức chúng có thể chiếm một tỷ lệ đáng kể trong danh mục đầu tư. Tuy nhiên, cổ phiếu loại B an toàn hơn rất nhiều so với cổ phiếu loại C, chúng có thể mang lại giá trị lớn hơn mà không phải từ bỏ việc đa dạng hóa. Bởi vậy, nếu công ty thay đổi theo hướng này thì hầu như chẳng có lý do nào để bán các cổ phiếu như vậy. Nếu có bán thì cũng không phải vì thị giá tăng lên khiến giá trị cổ phiếu này chiếm một tỷ lệ quá lớn trong tổng số cổ phiếu nắm giữ.

Một ví dụ về sự chuyển đổi từ loại hình công ty C sang loại hình công ty B, là trường hợp Ampex với những diễn biến trong suốt giai đoạn 1956-1957. Khi công ty tăng quy mô lên gấp ba và lợi nhuận tăng ở mức còn nhanh hơn, thị trường máy ghi âm lẫn linh kiện mở rộng và phát triển, công ty sẽ tăng sức mạnh nội tại của mình đến một mức mà có thể được xếp vào loại B. Khi đó, nó không còn mang trong mình nhân tố rủi ro ở mức cao như thời điểm đầu tư. Khi đạt đến mức này, tỷ lệ phần trăm lớn hơn của tổng lượng giá trị đầu tư vào Ampex sẽ không vi phạm các nguyên tắc về đa dạng hóa ở mức độ phù hợp.

Mặt khác của vấn đề đa dạng hóa là gì? Có lý do nào khiến nhà đầu tư không nên đa dạng hóa ở mức cao hơn mức hợp lý mà tôi đã đề cập ở trên? Chẳng có lý do nào cả, miễn là các chứng khoán tăng thêm có độ hấp dẫn, khả năng tăng trưởng và rủi ro liên quan tương đương với lượng chứng khoán tối thiểu đang nắm giữ. Chúng cũng nên tương đương nhau về khả năng theo dõi và quan sát của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư có đầu óc thực tế thường nhận ra rằng anh ta nên tìm kiếm các khoản đầu tư có giá trị thay vì lựa chọn quá nhiều. Nhà đầu tư không chuyên thường tìm kiếm các công ty ít được biết đến nhiều hơn mức thật sự cần và không có đủ thời gian để có thể theo dõi sát sao chúng.

Thông thường, một danh sách dài các chứng khoán không phải là một dấu hiệu của nhà đầu tư thông minh mà là dấu hiệu của người không tin vào bản thân. Nếu nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu ở quá nhiều công ty mà anh ta không thể giữ liên lạc với bộ máy quản lý của các công ty đó một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, anh ta có nhiều khả năng kết thúc các khoản đầu tư của mình trong một tình trạng tồi tệ so với việc sở hữu cổ phiếu ở một vài công ty. Một nhà đầu tư thường có xu hướng mắc sai lầm và cần phải có mức độ đa dạng hóa cần thiết để nếu xảy ra sự cố thì sẽ không gây thiệt hại quá lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó anh ta cần cẩn trọng tránh không sở hữu số lượng cổ phiếu nhiều nhất, mà nên là số lượng cổ phiếu tốt nhất. Nhắc tới cổ phiếu thường, rất nhiều khoản đầu tư quá nhỏ là một sự thay thế tồi cho một vài khoản đầu tư có giá trị.

2. Đừng e ngại mua vì lo sợ chiến tranh

Những người có trí tưởng tượng phong phú đặc biệt thích cổ phiếu thường. Sức tưởng tượng của chúng ta thường bị tác động mạnh bởi sự khủng khiếp của chiến tranh trong thời hiện đại. Kết quả là mỗi lần những căng thẳng quốc tế dẫn đến mối đe dọa chiến tranh hay một cuộc chiến thật sự, thì cổ phiếu thường luôn phản ánh những điều đó. Đây là một hiện tượng tâm lý hầu như chẳng mấy liên quan đến vấn đề tài chính.

Bất cứ ai cũng cảm thấy kinh hoàng trước những tiếng la hét và nỗi đau mà các cuộc chiến tranh thảm khốc gây ra. Trong thời đại nguyên tử ngày nay, nỗi lo sợ của chúng ta về sự an toàn của mình và người thân ngày càng gia tăng. Nỗi lo lắng, chán ghét với tương lai mờ mịt phía trước có thể dẫn đến những đánh giá sai lệch về các yếu tố thuần kinh tế. Những nỗi lo sợ về sự phá hủy hàng loạt tài sản, tăng thuế để bổ sung công quỹ và những can thiệp của chính phủ vào kinh doanh… choáng ngợp cách chúng ta nghĩ về những vấn đề tài chính. Những người đầu tư trong trạng thái như vậy thậm chí còn dễ bỏ qua một số ảnh hưởng kinh tế căn bản.

Kết quả luôn giống nhau. Trong suốt thế kỷ XX, gần như bất cứ khi nào nổ ra các cuộc chiến tranh lớn ở bất cứ đâu, hay bất cứ khi nào Mỹ tham chiến, thì thị trường chứng khoán Mỹ luôn có xu hướng sụt giảm mạnh. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra vào tháng 9 năm 1939. Khi đó, sau một đợt tăng giá ngắn ngủi nhờ các hợp đồng chiến tranh béo bở khi Mỹ đang còn trung lập, thị trường lại nhanh chóng đi theo chu trình đi xuống điển hình, một chu trình mà vài tháng sau đã trở thành nỗi hoảng loạn khi ngày càng có nhiều thông tin về chiến thắng của phát xít Đức. Tuy nhiên, vào khi tất cả các cuộc chiến thật sự chấm dứt − bất kể là Chiến tranh thế giới thứ nhất, Chiến tranh thế giới thứ hai hay cuộc Chiến tranh Triều Tiên − hầu hết các cổ phiếu đều bán ở mức cao hơn nhiều so với thời điểm trước khi có bất cứ suy nghĩ hay dự đoán nào về chiến tranh. Hơn nữa, ít nhất là đến mười lần trong 20 năm qua, tin tức từ những cuộc khủng hoảng mang tầm quốc tế khác đã tạo ra mối đe dọa xảy ra đại chiến. Trong mọi trường hợp, cổ phiếu đều sụt giảm mạnh khi xuất hiện nỗi lo sợ nguy cơ chiến tranh và phục hồi nhanh chóng khi những nỗi lo sợ đó qua đi.

Những điều gì mà nhà đầu tư bỏ qua đã dẫn đến việc bán tống bán tháo cổ phiếu do lo sợ chiến tranh và do chiến tranh nổ ra, mặc dù sau khi chiến tranh kết thúc, hầu như giá cổ phiếu luôn tăng lên chứ không phải giảm xuống? Họ quên mất rằng giá cổ phiếu là các định giá thể hiện bằng tiền. Chiến tranh hiện đại luôn khiến các chính phủ phải chi tiêu nhiều hơn mức có thể thu được từ các công dân nộp thuế khi cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Hệ quả là lượng tiền tăng lên gấp bội nên các đơn vị tiền tệ riêng như đồng đô-la bị giảm giá trị so với trước. Phải mất một lượng đô-la lớn hơn để mua cùng một lượng cổ phiếu. Tất nhiên, đây cũng là một dạng thông thường của lạm phát.

Nói cách khác, chiến tranh luôn tác động xấu đến tiền. Bán cổ phiếu vào thời điểm có nguy cơ chiến tranh hay thời điểm cuộc chiến thật sự xảy ra để thu tiền mặt là một cách đầu tư hết sức ngốc nghếch. Trên thực tế, bạn chỉ nên làm ngược lại. Nếu nhà đầu tư chuẩn bị quyết định mua một loại cổ phiếu thường nào đó và nỗi lo sợ một cuộc chiến tranh tổng lực nổ ra làm sụt giá, anh ta nên làm ngơ tâm lý lo sợ lúc đó và cương quyết mua vào. Đây là thời điểm không nên sở hữu quá nhiều tiền mặt. Tuy nhiên, đây mới thật sự là vấn đề. Anh ta nên mua với tốc độ như thế nào? Cổ phiếu sẽ sụt giảm đến mức nào? Nếu như nhân tố làm giá giảm là nỗi lo sợ nguy cơ chiến tranh chứ không phải cuộc chiến thật sự xảy ra, thì không có cách nào để đoán biết. Nếu chiến tranh thật sự nổ ra thì giá chắc chắn sẽ còn xuống thấp (có thể là thấp hơn rất nhiều). Bởi vậy, nếu mới chỉ có nguy cơ chiến tranh thì việc cần làm là mua vào nhưng với tốc độ chậm dần lại và ở quy mô nhỏ. Còn nếu chiến tranh xảy ra, hãy tăng tốc độ mua lên đáng kể. Bạn chỉ cần chắc chắn là đang mua cổ phiếu của các công ty mà nhu cầu sản phẩm hoặc dịch vụ của họ vẫn tăng lên trong thời gian chiến tranh hay những công ty đó có thể điều chỉnh cơ sở vật chất cho phù hợp với sản xuất thời chiến. Nhờ có những dây chuyền sản xuất linh hoạt, ngày nay nếu chiến tranh xảy ra phần đa các công ty đều có thể đạt được tiêu chuẩn đó.

Có phải cổ phiếu thật sự trở nên có giá trị hơn trong thời gian chiến tranh, hay chỉ là đồng tiền mất giá? Điều đó còn tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể, vào việc thắng hay bại. Trong chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh hiện đại, đồng tiền và cổ phiếu của bên bại trận có thể trở nên hầu như hoặc hoàn toàn vô giá trị.

Nói cách khác, kết quả thắng bại sẽ làm diễn biến trong giá trị thực của cổ phiếu thay đổi tùy theo từng cuộc chiến và bản thân từng loại cổ phiếu. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, khi hàng loạt khoản tiết kiệm khổng lồ trước chiến tranh của Anh và Pháp ồ ạt đổ vào Mỹ, hầu hết các cổ phiếu có khả năng tăng giá trị thực lên cao hơn cả khi giả sử đó là giai đoạn hòa bình. Tuy nhiên đây chỉ là trường hợp không lặp lại. Nếu định giá theo đồng đô-la − hay giá trị thực của cổ phiếu − thì cổ phiếu của Mỹ trong cả Chiến tranh thứ nhất và Chiến tranh Triều Tiên rõ ràng không thể hấp dẫn đến thế nếu đó là vào thời bình. Bên cạnh những khoản thuế cắt cổ, thì rất nhiều nỗ lực đã bị đi chệch hướng khi chuyển từ những dòng sản phẩm sinh lợi cao trong thời bình, sang sản phẩm phục vụ quốc phòng có biên lợi nhuận rất thấp. Nếu công sức nghiên cứu đổ vào các dự án quốc phòng này được đầu tư vào những dòng sản thông thường thời bình, thì lợi nhuận của cổ đông có lẽ sẽ lớn hơn rất nhiều. Lý do để mua chứng khoán khi chiến tranh xảy ra hay khi có nỗi lo sợ nguy cơ chiến tranh không phải là vì bản thân cuộc chiến đó lại có khả năng sinh lợi cho cổ đông Mỹ. Lý do chỉ là vì tiền đã giảm giá trị, dẫn đến giá cổ phiếu thể hiện bằng tiền luôn tăng lên.

3. Không nên sa vào những vấn đề không thật sự quan trọng

Có một thực tế là rất nhiều nhà đầu tư thường đặt sự chú ý quá mức vào những con số thống kê tài chính, các bản báo tài chính bề ngoài.

Trong số các bản thống kê như vậy, trước tiên phải kể đến các bảng giá của một cổ phiếu trong các năm trước đó. Vì một số lý do, điều đầu tiên nhiều nhà đầu tư muốn thấy nhất khi xem xét mua một cổ phiếu là bảng thống kê mức giá cao nhất và thấp nhất của cổ phiếu trong từng năm của giai đoạn 5-10 năm gần nhất. Sau một hồi tính toán, họ chọn ra một con số chẵn tròn làm mức giá mà họ định trả cho cổ phiếu định mua.

Cách làm này thật phi logic và nguy hiểm về mặt tài chính. Nó nguy hiểm bởi vì nó quá tập trung vào những vấn đề không thật sự quan trọng và lạc trọng tâm vấn đề. Điều đó thường khiến nhà đầu tư bỏ qua những khoản đầu tư có khả năng sinh lợi cao và sa vào những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận thấp hơn rất nhiều. Để hiểu được vấn đề này, chúng ta cần phải xem xét tại sao những diễn biến về mặt tinh thần này nghe rất phi logic.

Điều gì tạo ra mức giá bán ra của cổ phiếu? Chính là sự định giá chung tại thời điểm cổ phiếu bán ra của tất cả những người liên quan nghĩ rằng mức giá đó thể hiện giá trị chuẩn xác của cổ phiếu. Đó chính là đánh giá tổng hợp của tất cả những người mua và người bán tiềm năng về triển vọng của công ty, dựa trên số cổ phiếu mà mỗi người mua hay người bán có ý định mua hoặc bán, trong mối tương quan với những đánh giá tương tự về các công ty khác trong cùng thời điểm. Đôi khi những thứ như tính thanh khoản sẽ tạo ra những dao động nhỏ trong mức giá này. Đó là khi một cổ đông lớn đưa cổ phiếu của mình ra thị trường vì những lý do không hề liên quan trực tiếp đến quan điểm của người bán về giá trị thực của cổ phiếu, ví dụ: thanh lý tài sản hay trả nợ. Tuy nhiên những tác động như vậy thường chỉ tạo ra thay đổi nhỏ trong đánh giá tổng hợp về mức giá của cổ phiếu đó, bởi thường thì những nhà đầu tư săn cổ phiếu giá rẻ sẽ nhảy vào tận dụng tình huống này, và do đó tình huống sẽ tự điều chỉnh.

Vấn đề thật sự quan trọng ở đây chính là mức giá trên được dựa trên cơ sở những nhận định hiện thời về tình huống đó. Khi những thay đổi trong tình hình công ty đó được mọi người biết đến, những nhận định này sẽ phản ứng tích cực hoặc tiêu cực hơn ở những mức độ khác nhau. Xét trong tương quan với các cổ phiếu khác, những cổ phiếu này có thể tăng lên hoặc giảm xuống. Nếu nhận định chính xác các nhân tố được lựa chọn đánh giá, sự tăng, giảm giá cổ phiếu sẽ duy trì lâu. Nếu có thêm những nhân tố như vậy cùng loại tiếp tục phát triển, giới tài chính sẽ dần dần nhận ra chúng. Nếu điều này xảy ra, cổ phiếu sẽ biến động tăng hoặc giảm mạnh hơn.

Bởi vậy, mức giá bán của cổ phiếu cách đây bốn năm có thể ảnh hưởng rất ít hoặc không hề liên quan đến mức giá bán hiện tại của nó. Công ty có thể đã đào tạo được một đội ngũ chuyên viên điều hành mới có trình độ, phát triển một loạt các sản mới và lợi nhuận cao hoặc bất kỳ thuộc tính nào khiến giá trị thực chất của cổ phiếu này xét trong tương quan với các cổ phiếu khác tăng gấp bốn lần mức cách đây bốn năm. Hoặc cũng có thể công ty rơi vào tay một ban quản lý yếu kém về trình độ và thụt lùi lại rất xa trong cuộc cạnh tranh mà cách duy nhất cứu vãn nổi tình hình là huy động thêm một lượng vốn lớn. Hệ quả là giá trị cổ phần giảm đến mức hiện tại cổ phiếu không đáng giá bằng 1/4 mức giá cách đây bốn năm.

Đặt trong bối cảnh này, ta có thể lý giải tại sao nhiều nhà đầu tư thường bỏ qua những cổ phiếu có thể mang lại mức lợi nhuận khổng lồ trong tương lai để giữ lại những cổ phiếu mà mức lợi nhuận tương lai sẽ giảm xuống. Bởi quá quan tâm đến tình huống “cổ phiếu vẫn chưa tăng giá”, họ mua vào một cách vô thức với ảo tưởng rằng tất cả các cổ phiếu sẽ đều tăng tới cùng một mức và những cổ phiếu đã tăng nhiều rồi thì không thể tăng hơn được nữa, ngược lại, những cổ phiếu chưa tăng sẽ có lúc tăng lên đúng mức đó. Thực tế là việc một cổ phiếu đã tăng hay chưa trong một số năm trước không hề quan trọng với quyết định mua cổ phiếu đó. Vấn đề thật sự quan trọng ở đây chính là liệu đã có đủ sự cải tiến được tiến hành hoặc sẽ được tiến hành trong tương lai để có thể đảm bảo cho một mức giá cao hơn hẳn so với mức giá hiện thời không.

Tương tự như vậy, không ít nhà đầu tư sẽ dựa chủ yếu vào mức thu nhập trên mỗi cổ phần trong vòng năm năm gần nhất để đưa ra quyết định mua. Chỉ quan sát thu nhập trên mỗi cổ phần và quan trọng hóa các mức thu nhập của bốn hoặc năm năm trước là một việc lãng phí công sức. Chỉ cần hiểu rằng việc bốn hay năm năm trước thu nhập trên mỗi cổ phần của một công ty gấp bốn hay bằng 1/4 của năm nay hầu như không có vai trò quan trọng khi xác định nên mua hay bán một cổ phiếu. Biết được những gì có thể sẽ xảy ra trong vài năm tới mới thật sự quan trọng.

Nhà đầu tư nào luôn chìm ngập trong các bản báo cáo, phân tích, hầu như sẽ chỉ chăm chăm nhìn vào các con số về giá trong năm năm trước đó. Tuy nhiên, anh ta nên biết rằng vấn đề cần quan tâm là thu nhập trong vòng năm năm tới, chứ không phải của năm năm trước. Một lý do khác khiến nhà đầu tư quan tâm đến những con số trong quá khứ là bởi không khó khăn gì để xác minh chúng có đúng hay không. Bởi vậy, người ta không ngừng cố gắng lấp đầy càng nhiều càng tốt các khoảng trống trong bản báo cáo bằng những dữ liệu không thể bàn cãi, cho dù chúng có quan trọng hay không. Còn hàng loạt lý do khác khiến các nhà đầu tư quan tâm đến những con số của quá khứ. Họ không đủ sức hình dung giá trị thực của một số loại hình công ty hiện đại có thể thay đổi lớn đến thế nào chỉ trong vài năm sau đó. Bởi vậy, họ tin rằng những bản kế toán chi tiết về những gì đã xảy ra năm trước trong báo cáo thu nhập sẽ phác ra cho họ bức tranh chân thực về những gì sẽ xảy ra trong năm tới. Điều này có thể đúng với một số nhóm các công ty đã ổn định, ví dụ các công ty dịch vụ công cộng. Còn đối với loại hình doanh nghiệp mà tôi tin là có khả năng đem lại khoản lợi nhuận đầu tư cao nhất, thì có thể suy nghĩ trên hoàn toàn sai lầm.

Tôi sẽ làm rõ điều này bằng một ví dụ rất điển hình của việc tập trung vào sự kiện mà tôi từng chứng kiến. Mùa hè năm 1956, giới đầu tư có cơ hội mua một lượng lớn cổ phiếu của Texas Instruments, Inc. từ một số quan chức chủ chốt và cũng nằm trong số những cổ đông lớn nhất của công ty. Khi nghiên cứu kỹ về công ty này, chúng ta sẽ thấy nó không chỉ thỏa mãn mà còn vượt xa 15 tiêu chí chọn cổ phiếu. Lý do bán cổ phiếu của các quan chức này cũng hoàn toàn hợp pháp và hợp lý; điều này thường hay xảy ra ở những công ty tăng trưởng thật sự. Cổ phần nắm giữ của họ tăng lên nhiều đến mức nếu tính trên số cổ phần của công ty mà họ nắm giữ, thì một số người đã trở thành triệu phú. Tuy nhiên, các tài sản khác của họ lại không đáng kể. Bởi vậy, chỉ cần bán đi một lượng nhỏ cổ phiếu sở hữu, họ đã có thể để đa dạng hóa tài sản của mình một cách hợp lệ. Xét từ lợi ích của các ủy viên hội đồng quản trị chủ chốt này, thì đây là một hành động khôn ngoan, cho dù nó ảnh hưởng ra sao đến tương lai phát triển của công ty.

Mọi vụ thương thảo mua các cổ phiếu này luôn kết thúc ở mức giá 14 đô-la. Mức giá này gấp 20 lần mức 70 xu thu nhập trên mỗi cổ phần dự tính của năm 1956. Với những ai hay chăm chăm chú ý đến các con số thống kê đã qua, thì có vẻ việc mua cổ phiếu này là một lựa chọn không khôn ngoan. Vào bốn năm trước đó, tức là từ 1952 đến 1955 thu nhập trên mỗi cổ phần được công bố là 39 xu, 40 xu, 48 xu, và 50 xu… một mức tăng trưởng không hề hấp dẫn. Đối với những người thay vì cần để tâm đến những nhân tố quan trọng hơn trong quản lý và xu hướng kinh doanh hiện thời, lại chỉ so sánh những con số thống kê bề ngoài, thì điều này còn đáng thất vọng hơn khi công ty, qua một vụ mua lại đã thu lợi bằng một số khoản chuyển nợ giúp họ chỉ phải trả các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp dưới mức bình thường trong phần lớn giai đoạn này. Điều đó khiến cho bất cứ mức giá nào tính trên cơ sở số liệu cũ lại càng cao hơn. Cuối cùng, thậm chí nếu thu nhập của năm 1956 đã được tính đến khi định giá, thì những nghiên cứu bề ngoài vẫn sẽ tạo ra những dự đoán nghiêm trọng. Thật vậy, công ty vào thời điểm đó đang phát triển đáng kể trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn đầy hứa hẹn. Tuy nhiên bất kể tương lai phát triển rực rỡ phía trước của ngành này, thì liệu một công ty với quy mô như vậy có thể hy vọng duy trì lợi thế thương mại của nó trong bao lâu so với những công ty lớn, lâu đời hơn, có tài chính mạnh hơn và nhờ đó chắc chắn sẽ tạo ra nỗ lực cạnh tranh lớn để dự phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bán dẫn sau này?

Khi bản tin thường nhật của Ủy ban chứng khoán và ngoại hối Mỹ (SEC) đăng tin bán cổ phiếu của các ủy viên điều hành này, một làn sóng các giao dịch lớn nổ ra đối với những cổ phần của Texas Instrument với mức thay đổi giá rất nhỏ. Tôi hoài nghi rằng hầu hết những vụ bán này là do hàng loạt đề xuất khác nhau của các nhà môi giới. Hầu hết các bản tin đều đưa ra những bản báo cáo thống kê các số liệu quá khứ và nhận xét việc giá tăng từ trước đến nay, cuộc cạnh tranh phía trước và việc mua bán nội bộ. Một trong những bản tin thường nhật đó đã đi quá xa khi bày tỏ sự đồng tình hoàn toàn với các ủy viên điều hành đang bán cổ phần: “Chúng tôi đồng tình với họ và cho rằng mọi người cũng nên làm như thế!” Như tôi đã nói trong giai đoạn này, những người mua lớn thường là các tổ chức nắm được nhiều thông chính xác.

Điều gì đã xảy ra trong 12 tháng sau đó? Lĩnh vực kinh doanh thiết bị định vị điện tử và điện tử phục vụ quân đội của Texas Instruments − lĩnh vực thường bị bỏ qua trong sự náo động của các cuộc tranh luận − vẫn tiếp tục tăng trưởng. Chi nhánh bán dẫn (bóng bán dẫn) còn phát triển nhanh hơn. Và một nhân tố còn quan trọng hơn cả sự tăng trưởng trong lĩnh vực bán dẫn là đội ngũ quản lý tài năng đã có những bước tiến dài trong nghiên cứu, lập kế hoạch tiêu thụ và xây dựng hệ thống kênh phân phối. Khi ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy những kết quả của năm 1956 không phải là thành tích nhất thời, mà công ty với quy mô tương đối nhỏ này sẽ còn tiếp tục phát triển để trở thành một trong những nhà sản xuất lớn nhất, với chi phí thấp nhất trong lĩnh vực hứa hẹn sẽ là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất của công nghiệp Mỹ, thì giới tài chính bắt đầu chấp nhận mức P/E cao hơn nữa để được tham gia Texas Instruments. Mùa hè năm 1957, khi đội ngũ quản lý công bố dự tính thu nhập trên mỗi cổ phần trong năm sẽ ở mức khoảng 1,10 đô-la, mức tăng trưởng thu nhập 54% chỉ trong vòng 12 tháng, thị giá cổ phiếu trên thị trường tăng lên khoảng 100%.

Trong ấn bản đầu tiên của cuốn sách này viết năm 1957, tôi từng tiếp tục khẳng định:

“Tôi cho rằng nếu trụ sở của các chi nhánh chính của công ty này không đặt ở Dallas và Houston, mà đặt ở bờ bắc Atlantic hay khu vực trung tâm của Los Angeles, nơi sẽ có nhiều chuyên gia phân tích tài chính và giám đốc của các quỹ lớn có thể biết đến công ty dễ dàng hơn, thì có lẽ chỉ số P/E của nó đã còn tăng cao hơn trong suốt giai đoạn này. Nếu lợi nhuận và doanh thu của Texas Intruments liên tục tăng mạnh trong những năm tới, sẽ rất thú vị nếu chờ xem sự tăng trưởng này có làm chỉ số P/E tăng thêm hay không. Nếu điều này xảy ra, cổ phiếu sẽ lại tăng với tốc độ còn nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập, sự tăng kép này luôn dẫn đến mức tăng cao nhất trong thị giá cổ phần.”

Liệu những dự đoán đầy lạc quan này có được xác nhận lại? Nhìn lại các bản báo cáo, hẳn những người vẫn còn khăng khăng rằng có thể đánh giá một khoản đầu tư bằng cách phân tích bề ngoài của các mức thu nhập trong quá khứ và một vài điều nữa, hẳn sẽ kinh ngạc. Lợi nhuận tăng từ 1,11 đô-la mỗi cổ phần vào năm 1957 thành 1,84 đô-la vào năm 1958 và hứa hẹn đạt mức cao nhất 3,50 đô-la vào năm 1959. Năm 1957, công ty đã giành được sự ngưỡng mộ và là tâm điểm chú ý của giới tài chính. Năm 1958, để đối phó sự cạnh tranh từ một số đại gia có tiếng trong lĩnh vực thiết bị điện và điện tử, IBM Corporation, tập đoàn sản xuất máy tính điện tử lớn mạnh nhất thế giới, đã chọn Texas Instruments làm đối tác trong nỗ lực nghiên cứu chung trong việc áp dụng công nghệ bán dẫn vào sản xuất máy tính của IBM. Lại một lần nữa, năm 1959, Texas Instruments công bố bước đột phá về công nghệ giúp sử dụng chất bán dẫn có cùng kích cỡ như các bóng bán dẫn hiện thời cho không chỉ bóng bán dẫn mà còn cả mạch điện hoàn chỉnh! Những gì công nghệ này có thể mang lại theo kỹ thuật thu nhỏ này đã khuấy động trí tưởng tượng của con người. Khi công ty phát triển, các nhóm nghiên cứu và phát triển những sản phẩm đặc biệt này cũng tăng lên với tỷ lệ tương đương. Ngày nay, hầu như chẳng mấy ai có thể nghi ngờ tương lai phát triển mạnh mẽ của công ty.

Gần hai năm sau, thu nhập trên mỗi cổ phần của công ty tăng gấp ba lần mức của năm 1957. Còn giá cổ phiếu tăng gấp năm lần so với mức giá 261/2 đô-la của năm đó. Và ngày nay, sau chưa đầy ba năm rưỡi mức giá này đã tăng hơn 1.000% so với giá ở mức 14 đô-la tôi đã được đề cập trong ấn bản đầu tiên của cuốn sách này. Nhưng liệu mức tăng doanh thu và lợi nhuận trong những năm sắp tới sẽ còn tiếp tục tăng cao và tạo ra một sự tăng giá lớn hay không?

Điều này khiến chúng ta phải lưu ý đến một kiểu suy diễn khác có thể khiến nhiều nhà đầu tư dành sự chú ý không cần thiết vào con số thống kê trong danh mục giá và lợi nhuận trên mỗi cổ phần. Đó là vì niềm tin rằng những gì đã xảy ra trong một số năm trước chắc chắn sẽ tiếp tục xảy ra. Nói cách khác, nhà đầu tư sẽ tìm những cổ phiếu mà thu nhập trên mỗi cổ phần và thị giá tăng trưởng đều trong khoảng thời gian năm, mười năm vừa qua và kết luận rằng gần như chắc chắn xu hướng này sẽ còn tiếp diễn. Tôi đồng ý rằng khả năng này có thể xảy ra. Nhưng nếu xét về độ thiếu chắc chắn trong việc xác định thời gian mà những kết quả nghiên cứu và chi phí để tung ra các sản phẩm mới có khả năng tạo ra kiểu tăng trưởng như vậy, thì hoàn toàn bình thường khi ngay cả những công ty tiếng tăm hàng đầu thỉnh thoảng lại có những đợt sụt giảm tỷ lệ thu nhập kéo dài từ một đến ba năm. Những đợt sụt giảm như vậy có thể khiến mức giá cổ phần giảm mạnh. Vì thế, sẽ thật lãng phí nếu quá nhấn mạnh tầm quan trọng của các bản báo cáo thu nhập trong quá khứ thay vì chú tâm đến những tình hình kinh doanh có thế tác động đến thu nhập của tương lai.

Nhưng tất cả những điều này không có nghĩa là chúng ta nên hoàn toàn bỏ qua các thông tin về mức thu nhập và mức giá trong quá khứ khi quyết định mua một cổ phiếu. Chúng sẽ hữu ích nếu chúng ta nhận thức được rằng đó chỉ là những công cụ hỗ trợ cho các mục đích chuyên môn và không đóng vai trò quan trọng trong việc nhận định tính hấp dẫn của một chứng khoán thường. Ví dụ, nghiên cứu mức thu nhập trên mỗi cổ phần trong những năm trước đó sẽ giúp ta hiểu khá rõ về tính chu kỳ của một loại cổ phiếu hay lợi nhuận của một công ty sẽ chịu tác động của các giai đoạn biến động trong chu kỳ kinh doanh ra sao. Quan trọng hơn nữa, so sánh thu nhập trên mỗi cổ phần trong thời gian trước đó với các khoảng giá sẽ cho biết chỉ số P/E trước đây của cổ phiếu, từ đó giúp chúng ta có cơ sở dự đoán chỉ số P/E trong tương lai. Nhưng, một lần nữa, tôi vẫn phải nhắc lại là tương lai mới quan trọng chứ không phải là quá khứ.

4. Đừng quên xem xét thời điểm cũng như giá khi mua một cổ phiếu tăng trưởng thật sự

Hãy cùng xem xét một tình huống đầu tư rất phổ biến. Giả sử có một công ty đáp ứng rất tốt 15 tiêu chí chọn cổ phiếu. Hơn thế, sau một năm nữa tính từ thời điểm hiện tại, thu nhập của công ty sẽ tăng lên nhờ những nhân tố mà giới tài chính vẫn hoàn toàn chưa nhận ra. Và quan trọng hơn nữa, có những dấu hiệu mạnh mẽ chỉ ra rằng những nguồn thu nhập mới này sẽ tăng đáng kể ít nhất là trong vài năm sau đó.

Trong trường hợp bình thường, rõ ràng nên mua cổ phiếu này, nhưng còn vẫn còn một nhân tố khiến chúng ta phải tạm dừng việc mua lại. Thành công của những thương vụ trong những năm trước đó đã tạo ra sức hấp dẫn quá lớn cho cổ phiếu này trong giới tài chính mà nếu không vì những ảnh hưởng mới, chưa nhiều người biết đến, cổ phiếu có thể được xem là có giá hợp lý ở mức 20 và hiện tại nó được giao dịch ở mức dường như hoàn toàn bất hợp lý là 32. Giả định rằng năm năm nữa những ảnh hưởng mới trên sẽ đẩy mức giá này lên tới 75, vậy liệu ngay bây giờ chúng ta có nên mua vào ở mức 32 − mức mà chúng ta cho rằng cao hơn giá trị thật sự của nó tới 60%? Cũng có khả năng những sự phát triển mới này sẽ không diễn ra thuận lợi như chúng ta nghĩ hoặc tệ hơn, giá cổ phiếu này sẽ sụt giảm quay trở về mức 20 mà chúng ta xem là giá trị thực.

Đứng trước vấn đề đó, nhiều nhà đầu tư cẩn trọng sẽ quan sát kỹ bảng báo giá chứng khoán. Nếu cổ phiếu đạt gần mức 20, họ sẽ hào hứng mua vào. Nếu không họ sẽ bỏ, không quan tâm đến những cổ phần đó nữa. Đây là điều thường xuyên xảy ra.

Vậy phải chăng con số 20 là cái mốc bất di bất dịch? Không phải vậy, bởi nó không hề tính đến một yếu tố quan trọng của giá trị trong tương lai ‒ những nhân tố mà chúng ta biết rõ nhưng hầu hết mọi người không biết mà chúng ta tin rằng trong vòng vài năm nữa sẽ đẩy mức giá lên 75. Việc cần làm ở đây là tìm ra cách để mua cổ phiếu ở mức thấp mà từ mức đó, giá bán sẽ tăng dần lên. Điều chúng ta lo ngại là nếu mua ở mức giá 32, sau đó cổ phiếu có thể xuống mức 20. Nó không chỉ khiến ta thua lỗ tạm thời. Quan trọng hơn, nó cũng có nghĩa là nếu sau này cổ phiếu lên mức 75, chúng ta sẽ chỉ thu được mức lợi nhuận 60% của lượng cổ phiếu mà nếu chúng ta cố đợi được và mua ở mức 20. Và mức chênh lệch này sẽ còn tăng gấp bội nếu giả sử lúc nào đó giá cổ phiếu này tăng lên tận 200 chẳng hạn.

May mắn thay, trong những kiểu tình huống như thế này vẫn còn có một hướng dẫn mà chúng ta có thể tin cậy. Hướng dẫn đó như sau: mua cổ phiếu không phải tại một mức giá xác định mà tại một thời điểm xác định. Trên cơ sở nghiên cứu một số dự án kinh doanh thành công mà trước đây công ty này tiến hành, chúng ta có thể biết những dự án đó đã được phản ánh trong mức giá cổ phiếu tại một điểm cụ thể trên quá trình phát triển của công ty. Có lẽ phải mất trung bình khoảng một tháng trước khi những dự án này đi vào giai đoạn sản xuất thí điểm. Giả sử cổ phiếu của công ty chúng ta sẽ vẫn giao dịch ở mức 32, tại sao chúng ta không đặt kế hoạch mua những cổ phiếu này năm tháng kể từ ngày hôm nay, tức là một tháng ngay trước khi nhà máy đi vào hoạt động? Tất nhiên, giá những cổ phiếu này còn có thể thấp hơn nữa. Tuy nhiên, thậm chí nếu chúng ta mua chúng ở mức 20, không có gì đảm bảo chắc chắn rằng mức giá này sẽ không xuống thấp hơn nữa. Nếu chúng ta có đủ cơ hội để mua tại mức giá thấp nhất có thể, lẽ nào chúng ta lại không hành động để đạt được mục tiêu của mình, thậm chí nếu chúng ta đoán định điều đó dựa trên cơ sở những nhân tố mà mọi người đều biết thì cổ phiếu sẽ còn giảm xuống mức giá thấp hơn. Trong những trường hợp như vậy, phải chăng mua ở một thời điểm xác định sẽ không an toàn hơn mua tại mức giá xác định?

Về cơ bản, cách tiếp cận này không hề bỏ qua khái niệm giá trị. Ngoại trừ khả năng sẽ có mức tăng giá trị cực lớn trong tương lai thì chỉ dẫn quyết định mua vào một thời điểm xác định thay vì tại một mức giá xác định mới là phi logic. Tuy nhiên, khi có những dấu hiệu quá rõ ràng cho thấy một đợt tăng như vậy sắp xảy ra, thì quyết định thời gian thay vì mức giá bạn sẽ mua có thể giúp bạn nắm trong tay một cổ phiếu có khả năng tăng trưởng rất cao. Suy cho cùng, đây cũng chính là những gì bạn cố gắng làm khi mua một cổ phiếu.

5. Đừng chạy theo theo đám đông

Có một quan niệm đầu tư quan trọng mà nếu thiếu kinh nghiệm tài chính dày dặn, bạn sẽ rất khó nắm bắt. Nó khó hiểu bởi không dễ để giải thích nó bằng những từ ngữ chính xác và cũng không thể đúc rút nó thành công thức toán học.

Trong cuốn sách này tôi đã nhiều lần đề cập đến những ảnh hưởng làm cổ phiếu tăng hay giảm giá. Sự thay đổi trong biên lợi nhuận, biến động trong bộ máy quản lý của công ty, những phát minh mới xuất hiện hay những phát hiện mới, thay đổi trong tỷ suất lợi nhuận hay luật thuế v.v… mới chỉ là một số ví dụ ngẫu nhiên về những điều kiện có thể làm tăng, giảm giá cổ phiếu. Tất cả các ảnh hưởng trên đều có một điểm chung. Chúng đều là những sự việc hiện hữu trong thế giới xung quanh chúng ta. Chúng là những hành động đã xảy ra hay sẽ xảy ra. Bây giờ chúng ta hãy xét đến một nhân tố ảnh hưởng tới giá khác. Đây là một sự thay đổi thuần tâm lý, không phụ thuộc vào sự thay đổi ở thế giới bên ngoài cũng như trong nền kinh tế. Phần đông giới tài chính chỉ quan sát những tình huống như trên từ quan điểm lập trường khác nhau. Từ thay đổi trong cách nhận định về cùng những sự kiện, họ đưa ra một nhận định khác về mức giá hay chỉ số P/E mà họ sẽ trả cho cùng các cổ phiếu đó.

Thị trường chứng khoán cũng có các xu hướng nhất thời như thời trang của phụ nữ. Thường kéo dài trong một vài năm, các xu hướng này có thể gây ra những sai lệch lớn trong tương quan giữa giá hiện thời và giá trị thực. Hãy xem xét một ví dụ cụ thể sau: Năm 1948, tôi nói chuyện với một quý ông mà tôi tin rằng đó là một nhà đầu tư có năng lực. Ông ấy là chủ tịch Hiệp hội các nhà phân tích chứng khoán New York, một vị trí thường chỉ được dành cho những người có năng lực vượt trội hẳn trong giới tài chính. Tôi vừa đến New York sau chuyến viếng thăm trụ sở của Dow Chemical Company ở Midland, Michigan. Tôi đã nói rằng mức thu nhập trong năm tài chính vừa qua có thể sẽ đạt đến những mức cao mới và lúc này cổ phiếu thật sự là món hàng đáng giá. Ông ta đáp lại rằng ông cảm thấy chính là mối quan tâm đến lịch sử lâu đời và những con số thống kê của một công ty như Dow mà công ty này có thể đạt mức lợi nhuận trên mỗi cổ phần như vậy. Tuy nhiên, ông ta thấy những mức thu nhập này không thật sự đem lại sức hấp dẫn cho cổ phiếu, bởi vì rõ ràng là công ty đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh tạm thời sau chiến tranh nhưng sẽ không duy trì được phát triển lâu. Ông ta còn thấy không thể đánh giá giá trị thật của những cổ phiếu loại này cho đến khi có một cuộc suy thoái hậu chiến tranh diễn ra trong vài năm sau cuộc Nội chiến và Chiến tranh thế giới thứ nhất. Thật không may, cách lý giải của ông ta lại hoàn toàn không tính đến những khả năng giá trị cổ phiếu này sẽ tiếp tục tăng nhờ rất nhiều sản phẩm mới và hấp dẫn mà công ty sản xuất sau đó.

Điều đáng quan tâm ở đây là tại sao nhà đầu tư đầy năng lực này lại xem xét các sự kiện và rút ra những kết luận về giá trị thực chất của cổ phiếu trong thời điểm này hoàn toàn khác hẳn so với nhận định rút ra từ cùng những sự kiện đó nhưng vào một năm khác.

Câu trả lời là trong ba năm từ 1947 đến 1949, hầu như toàn bộ giới tài chính luôn chạy theo những ảo tưởng. Sau khi tĩnh tâm nhìn lại, bây giờ chúng ta có thể thấy những gì thời đó xem là kinh thiên động địa thì hầu như lại là không có thực, cũng giống như những nỗi sợ hãi bủa vây đội tàu của Christopher Columbus năm 1492: hàng đêm, hầu hết các thủy thủ tàu Santa Maria không sao ngủ nổi vì lo sợ rằng bất cứ lúc nào con tàu của họ cũng có thể rơi khỏi ranh giới tận cùng của trái đất và biến mất vĩnh viễn. Năm 1948, giới đầu tư không xem trọng thu nhập của bất cứ cổ phiếu nào, bởi một niềm tin lan rộng rằng chắc chắn tương lai sẽ lại xuất hiện một đợt suy thoái và sụp đổ trên quy mô lớn như những năm sau khi Nội chiến và Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra. Nhưng năm 1949, chỉ có một đợt suy thoái nhẹ xảy ra. Khi giới tài chình nhìn nhận mức độ bình thường của đợt suy thoái này và nhận ra rằng xu hướng tiếp theo sẽ là tăng lên chứ không phải giảm xuống, lại xuất hiện một sự thay đổi tâm lý lớn trong việc xem xét cổ phiếu thường. Các cổ phiếu thường này, với những lợi ích bên ngoài dễ dàng nhận thấy giúp cải thiện giá trị nền tảng của chúng, đã tạo ra mức tăng vượt xa mức tăng gấp đôi.

Sự thay đổi của giới tài chính khi nhận định về cùng các sự kiện nhưng tại những thời điểm khác nhau không phải chỉ tồn tại trong lĩnh vực cổ phiếu. Đánh giá của giới tài chính về những ngành đặc thù và các công ty trong những ngành này cũng không ngừng thay đổi, mà thường là do thay đổi cách nhìn với cùng những sự kiện thật sự diễn ra.

Ví dụ, giới đầu tư xem ngành công nghiệp sản xuất vũ khí là một ngành không hấp dẫn. Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của ngành này là chỉ có một khách hàng lớn nhất và duy nhất là chính phủ. Có năm, khách hàng này đặt hàng cho quân đội rất nhiều, nhưng năm khác lại cắt giảm số lượng. Bởi vậy không thể biết được lúc nào ngành này có thể bị hủy những hợp đồng lớn và rơi vào suy thoái.

Cần phải nói thêm rằng những công việc liên quan trực tiếp đến chính phủ luôn tạo ra mức biên lợi nhuận rất thấp. Hơn nữa, do luôn cần phải đấu thầu mẫu mã mới trong lĩnh vực mà trong ngành luôn có các thay đổi kỹ thuật, đồng nghĩa với việc trật tự của ngành sẽ luôn là rủi ro và sự hỗn loạn. Dù cho kỹ thuật của công ty bạn có tốt đến mức nào cũng không đủ mang lại lợi thế dài hạn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Cuối cùng, luôn có nguy cơ sụt giảm trong kinh doanh khiến công ty của bạn phải ngừng hoạt động vĩnh viễn. Khi quan điểm này thắng thế như từng xảy ra rất nhiều lần trong vòng 20 năm qua, những cổ phiếu trong ngành quốc phòng sẽ được bán với mức giá cực thấp, xét trong mối tương quan với mức thu nhập của chúng.

Tuy nhiên, giới tài chính vẫn rút ra những kết luận khác nhau từ cùng những sự kiện tương tự nhau. Tình hình thế giới khiến chúng ta sẽ cần đến những khoản chi lớn cho trang bị phòng không trong vài năm tới. Trong khi tổng giá trị có thể thay đổi năm này qua năm khác, tốc độ phát triển của kỹ thuật ngày càng nhanh khiến số lượng trang thiết bị đắt tiền mà binh chủng cần phải có ngày càng tăng lên trong dài hạn. Điều đó có nghĩa là những nhà đầu tư may mắn nắm giữ chứng khoán của ngành này sẽ thuộc một số hiếm hoi những người không rơi vào một sự suy thoái mà sớm hay muộn các ngành khác cũng phải đối mặt trong chu kỳ kinh doanh tới. Mặc dù có bộ luật giới hạn biên lợi nhuận, các công ty vận hành tốt vẫn sẽ có rất nhiều việc và mức tổng lợi nhuận thuần sẽ tăng không giới hạn. Khi quan điểm này thắng thế, những sự kiện về tình hình, bối cảnh sẽ lại được nhận định theo một cách khác hẳn và theo đó, những cổ phiếu này cũng sẽ được bán dựa trên cơ sở giá hoàn toàn khác.

Việc giới tài chính xem xét các trường hợp trong nhiều ngành khác nhau trong vòng 20 năm qua theo những cách khác nhau dẫn đến sự thay đổi trong giá cổ phiếu. Năm 1950, giới tài chính xem những cổ phiếu của ngành dược phẩm cũng hấp dẫn ngang với của các công ty ngành hóa phẩm. Sự tăng trưởng không ngừng nghỉ nhờ những tiến bộ kỳ diệu trong lĩnh vực nghiên cứu và mức sống được cải thiện đã đảm bảo cho những cổ phiếu này được bán với mức P/E của những công ty tốt nhất trong ngành hóa phẩm. Sau đó có một đơn vị sản xuất gặp vấn đề. Giới tài chính đều nhận ra rằng trong lĩnh vực này, công ty đang thống trị không đảm bảo rằng nó sẽ ở vị trí hàng đầu trong tương lai. Mọi người lại đánh giá lại toàn bộ ngành. Cổ phiếu lại được bán ở một tỷ lệ P/E hoàn toàn khác, không phải bởi những sự kiện thực tế đã khác đi mà chỉ bởi những nhận định khác đi.

Năm 1958, tình hình lại bất ngờ diễn ra theo hướng ngược lại. Trong bối cảnh kinh doanh đình trệ của năm đó, ngành dược phẩm là một trong số ít ngành có lượng cầu tăng lên chứ không hề giảm. Lợi nhuận của những công ty nhóm này tăng lên một mức mới. Cùng thời điểm đó, lợi nhuận của ngành hóa phẩm sụt giảm mạnh chủ yếu là do những hoạt động mở rộng quy mô lớn vừa hoàn thành gây dư thừa năng suất. Giới tài chính hay thay đổi một lần nữa lại nâng chỉ số P/E của cổ phần ngành dược lên cao hơn rất nhiều, mặt khác, lại dần linh cảm thấy cổ phiếu ngành hóa phẩm không còn hấp dẫn như họ đã nghĩ. Tất cả những điều trên chỉ thể hiện những thay đổi về nhận định của của giới tài chính, chứ không phải từ một nguyên do thực chất, căn bản nào.

Năm sau đó, một số những cảm nhận này lại thay đổi theo hướng hoàn toàn ngược lại. Khi các công ty hóa phẩm hoạt động tốt hơn trở thành nhóm đầu tiên thu lại được mức thu nhập đã mất, và khi xu hướng tăng trưởng của những công ty này khiến lợi nhuận nhanh chóng tăng lên mức cao nhất từng thấy, họ đã lấy lại được danh tiếng đã mất. Tầm quan trọng dài hạn của số lượng tăng chưa từng thấy của những sản phẩm dược thiết yếu mới có xu hướng nâng cao vị thế của cổ phiếu ngành dược, chống lại khuynh hướng trái ngược của việc chính phủ chi phối giá và những chính sách độc quyền sáng chế áp dụng đối với ngành này. Sẽ rất thú vị nếu quan sát trong vài năm tới, vị thế mà cổ phiếu ngành dược phẩm vừa khôi phục sẽ tiếp tục được củng cố hay sẽ lại bị giảm sút.

Có thể lấy một ví dụ nữa về sự thay đổi trong quan điểm đối với ngành sản xuất máy công cụ. Ví dụ này được tôi đưa ra trong ấn bản đầu tiên của cuốn sách này:

“Trong nhiều năm, do hầu hết mọi người đều nghĩ đây là một ngành không ổn định, dẫn đến P/E của ngành rất thấp. Cho dù những mức thu nhập của ngành tốt đến đâu thì cũng không có ý nghĩa nhiều lắm bởi những sản phẩm của ngành này chỉ bùng nổ trong thời gian ngắn, không thể kéo dài lâu. Tuy nhiên, vào thời gian đó, có một trường phái đã đưa ra một hướng suy nghĩ hoàn toàn khác hẳn. Trường phái này tin rằng từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đã có một thay đổi căn bản xảy ra tác động đến những công ty của ngành này. Toàn bộ ngành đã chuyển kế hoạch chi phí kinh doanh từ ngắn hạn sang dài hạn. Do đó, những tác nhân gây ra biến động thất thường đối với các công ty này cũng biến mất. Tỷ lệ tiền công cao và liên tục tăng lên đã xóa tan hình ảnh thiếu ổn định trước đây của ngành. Tốc độ tiến bộ kỹ thuật tăng dần đều sẽ đẩy nhanh tốc độ lỗi thời của các sản phẩm của ngành. Bởi vậy, thay vì xu hướng hoạt động mang tính chu kỳ như trước chiến tranh, xu hướng tăng trưởng của những năm gần đây sẽ còn tiếp tục tiến xa hơn trong tương lai. Quá trình tự động hóa sẽ thúc đẩy tăng trưởng đạt mức ngoạn mục.

Do ảnh hưởng của quan điểm trên, người ta lại nhận định tích cực hơn về những cổ phiếu nổi trội của ngành máy công cụ. Những cổ phiếu này vẫn sẽ được bán ở mức P/E khá thấp do ảnh hưởng của quan niệm cho rằng ngành này không ổn định dù đã giảm bớt nhưng vẫn còn rất phổ biến. Nếu như giới tài chính ngày càng thừa nhận rộng rãi triển vọng tăng trưởng và không mang tính chu kỳ của ngành, P/E của nó sẽ ngày càng được cải thiện. Khi đó, những cổ phiếu này sẽ tăng trưởng hơn hẳn thị trường nói chung. Còn nếu như quan niệm về sự không ổn định của ngành thống trị trở lại, những cổ phiếu này sẽ được bán tại mức P/E thấp hơn mức đang phổ biến hiện nay.

Ví dụ về ngành máy công cụ này sẽ giúp nhà đầu tư cổ phiếu thường hiểu rõ hơn về những điều cần phải làm nếu muốn mua cổ phiếu mang lại lợi ích cao nhất. Anh ta phải xem xét quan điểm tài chính khoa học và dựa trên sự thật về toàn ngành và công ty cụ thể mà anh đang định mua cổ phiếu. Nếu tìm được một ngành hay công ty mà nhận định của giới tài chính tỏ ra ít thuận lợi hơn so với thực tế diễn ra, anh ta sẽ dễ gặt hái được nhiều hơn nhờ không chạy theo số đông. Anh ta nên cẩn thận hơn khi mua cổ phiếu của những công ty và ngành đang được giới tài chính ưa chuộng, phải xác định chắc chắn được những khoản mua này có thật sự đảm bảo, và chắc chắn rằng anh ta không trả quá cao cho những thứ chỉ là xu hướng đầu tư nhất thời tại thời điểm do tác động của cách lý giải đương thời.”

Những xu hướng đầu tư nhất thời và cách hiểu sai lệch về các sự kiện thực tế có thể kéo dài trong vài tháng hoặc vài năm. Tuy nhiên, xét trong dài hạn thì chính thực tiễn sẽ không chỉ xóa bỏ những xu hướng đó mà thường đến một thời điểm còn giúp những cổ phiếu bị ảnh hưởng này tiến xa theo hướng hoàn toàn ngược lại. Khả năng nhìn thấu những quan điểm của số đông để tìm ra sự thật đằng sau chúng là một tố chất sẽ mang lại phần thưởng giá trị trong lĩnh vực đầu tư cổ phiếu. Không dễ dàng để thay đổi quan điểm chung của những người có sức ảnh hưởng lớn, tuy nhiên có một nhân tố mà tất cả chúng ta đều có thể nhận ra và giúp ngăn chúng ta chạy theo số đông. Đó là nhận thức rằng giới tài chính luôn không bắt kịp những điều kiện thay đổi căn bản, trừ khi một sự kiện gây tiếng vang hay nổi bật liên quan đến thay đổi đó mà mọi người đều biết. Ví dụ, mặc dù hoạt động trong ngành rất hấp dẫn, nhưng giá của cổ phiếu công ty ABC vẫn rất thấp do cung cách quản lý tồi của nó. Nếu một người danh tiếng được bầu làm chủ tịch công ty, ngay lập tức cổ phiếu sẽ phản hồi, thậm chí phản hồi quá mức trước thay đổi này. Lý do là vì lòng nhiệt tình thái quá lúc đầu dễ khiến mọi người bỏ qua khoảng thời gian cần thiết để công ty đạt được những tiến triển căn bản. Tuy nhiên, nếu ban quản lý công ty được thay bằng những người tài năng nhưng lại không mấy tiếng tăm, thì trong thời gian dài sau đó, công ty vẫn sẽ phải chịu tiếng xấu về mặt tài chính và vẫn phải bán cổ phiếu ở mức P/E thấp. Nhận ra những tình huống như vậy trước khi giới tài chính sửa chữa những nhận định của mình, kéo theo đó là một đợt tăng giá, sẽ là bước đầu tiên và đơn giản nhất mà nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm có thể học cách tự suy nghĩ vì lợi ích của mình thay vì chạy theo số đông.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.