Cổ Phiếu Thường Lợi Nhuận Phi Thường

4. Thành tố thứ tư



Mức giá mua hợp lý của một khoản đầu tư an toàn

Thành tố thứ tư của mọi khoản đầu tư cổ phiếu an toàn chính là chỉ số P/E − hay là mức giá hiện tại chia cho mức thu nhập trên mỗi cổ phần. Khi muốn đánh giá chỉ số P/E có phù hợp với giá trị thực của cổ phiếu đó không, chúng ta sẽ gặp phải một khó khăn. Hầu hết các nhà đầu tư, bao gồm cả nhiều chuyên gia có kiến thức sâu rộng, đã lẫn lộn về điểm này, bởi họ không hiểu rõ về nhân tố khiến giá của một cổ phiếu cụ thể tăng hoặc giảm mạnh. Sự hiểu lầm này có thể khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại hàng tỷ đô-la – những người sau này mới nhận ra mình đã mua các cổ phiếu với mức giá hết sức bất hợp lý. Mức thiệt hại này còn lớn hơn rất nhiều đối với những nhà đầu tư chọn sai thời điểm và vì lý do sai lầm, đã bán đi các cổ phiếu mà nếu họ giữ lại thì sẽ trở thành khoản lợi nhuận dài hạn rất lớn. Nếu sự hiểu nhầm này tái diễn, thì khả năng huy động vốn của những công ty xứng đáng sẽ bị đe dọa, và tất cả những điều này sẽ dẫn đến chất lượng sống của mọi người bị giảm sút. Mỗi khi có một cổ phiếu giảm mạnh, các nhóm nhà đầu tư bị ảnh hưởng xấu thường đổ lỗi cho thị trường thay vì nhận lỗi về họ hay cố vấn của họ. Thậm chí, họ đi đến kết luận rằng bất cứ loại cổ phiếu thường nào cũng không phù hợp cho các khoản tiết kiệm của họ.

Tuy nhiên, có thể do hiểu rõ các nguyên tắc đầu tư cơ bản hoặc hoàn toàn do may mắn mà nhiều người nhờ nắm giữ cổ phiếu phù hợp trong thời gian tương đối dài đã đầu tư thành công. Điểm chung của các nhà đầu tư này là họ không bán một số cổ phiếu đặc biệt chất lượng cao chỉ bởi vì mỗi cổ phiếu có mức tăng giá rất nhanh khiến P/E đột nhiên cao hơn hẳn so với mức mà giới đầu tư thường thấy.

Có thể thấy tác động của những điều trên rất lớn, nhưng một điều đáng ngạc nhiên là hầu như không ai nhìn sâu vào bản chất vấn đề để hiểu chính xác nguồn gốc gây ra biến động giá. Có một quy luật mà mọi người cần hiểu, đó là: Mọi biến động lớn về giá của bất cứ cổ phiếu riêng lẻ nào trong mối tương quan thị trường chung đều xảy ra là do những thay đổi trong nhận định của giới tài chính về cổ phiếu đó.

Hãy xem xét vấn đề này trong thực tế. Hai năm trước, công ty G đều được mọi người coi là một công ty bình thường. Nó thu được lợi nhuận 1 đô-la/cổ phần và bán ở mức giá gấp 10 lần thu nhập, tức là mức giá 10 đô-la. Trong suốt hai năm này, hầu hết các công ty trong ngành đều có mức lợi nhuận theo chiều hướng đi xuống. Trái lại, một loạt sản phẩm mới có giá trị lớn, cùng với mức biên lợi nhuận của những sản phẩm cũ cao hơn đã giúp công ty G đạt mức lợi nhuận trên mỗi cổ phần là 1,40 đô-la vào năm ngoái và 1,82 đôla vào năm nay, hứa hẹn sẽ tăng mạnh hơn nữa trong những năm tới. Tất nhiên những hoạt động mang lại kết quả này cho công ty G đã phải được tiến hành trước đó khá lâu; nếu không công ty đã không thể đạt được mức hoạt động trong hiện tại với những sản phẩm mới có giá trị lớn. Tuy nhiên, việc nhận định muộn công ty G đáp ứng tốt ba thành tố đầu tiên của một khoản đầu tư an toàn giờ đây lại khiến P/E tăng lên ở mức 22. Khi so sánh với các cổ phiếu khác có cùng các đặc tính trên mức trung bình của ngành và triển vọng phát triển có thể so sánh được, tỷ lệ ở mức 22 không hề cao chút nào. Do 22 nhân với 1,82 đô-la bằng 40 đô-la, như vậy mỗi cổ phần đã tăng giá lên đúng 400% trong vòng hai năm. Quan trọng không kém, những thành tích như của công ty G thường là một dấu hiệu chỉ ra rằng nó đang vận hành một bộ máy quản lý có khả năng duy trì mức tăng trưởng như vậy trong nhiều năm tới. Những mức tăng trưởng như vậy, thậm chí ở tỷ lệ thấp nhất, giả sử khoảng 15% trong một hoặc hai thập kỷ tới, cũng có thể dễ dàng đem lại lợi nhuận lên tới hàng nghìn phần trăm thay vì hàng trăm phần trăm.

“Nhận định” chính là điểm cốt yếu khi tìm hiểu vì sao lại xuất hiện những thay đổi P/E có vẻ bất thường này. Phải luôn nhớ rằng nhận định mang tính chủ quan. Nó không phản ánh những gì diễn ra trong thế giới thực xung quanh chúng ta. Thay vì đó, nó xuất phát từ người đưa ra nhận định tin rằng những điều mình nghĩ đang diễn ra, cho dù những đánh giá đó có thể khác xa sự thật. Nói cách khác, sự tăng giảm của mọi cổ phiếu không hề do những gì thật sự đang xảy ra hay sẽ xảy ra với công ty phát hành cổ phiếu đó. Nó tăng, giảm theo phỏng đoán chung của giới tài chính lúc bấy giờ về những gì đang diễn ra và sẽ xảy ra, bất kể những quan điểm này có khác xa so với những gì đang thật sự diễn ra.

Nhiều người sẽ không tin vào cách lý giải này. Nếu những thay đổi lớn về giá xảy ra đối với các cổ phiếu đơn lẻ chỉ bởi vì những thay đổi trong nhận định của giới tài chính, mà những quan điểm này đôi khi hoàn toàn khác xa so với những gì thật sự xảy ra đối với công ty, vậy thì tầm quan trọng của ba thành tố của một khoản đầu tư an toàn mà chúng ta đã bàn luận là gì? Tại sao phải tìm đến các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, khoa học kỹ thuật hay kế toán? Tại sao không dựa hoàn toàn vào các nhà phân tích tâm lý?

Câu trả lời liên quan đến thời điểm. Do những nhận định khác xa với sự thật của giới tài chính, một cổ phiếu có thể bán với giá cao hơn nhiều hoặc thấp hơn nhiều so với giá trị thực chất của nó trong một khoảng thời gian khá dài. Hơn nữa, rất nhiều bộ phận trong giới tài chính có thói quen “đi theo người dẫn đầu”, đặc biệt khi “người dẫn đầu” này là một trong những ngân hàng lớn của New York. Đôi khi điều này có nghĩa là khi một nhận định không có cơ sở thực tế khiến cổ phiếu bán ở mức cao hơn nhiều so với giá trị thực của nó, cổ phiếu có thể đứng ở mức giá cao này, thậm chí còn tiếp tục tăng lên, trong thời gian dài.

Khoảng cách xa vời giữa những nhận định của giới tài chính về một loại cổ phiếu và những điều kiện thật sự ảnh hưởng đến nó có thể tồn tại trong vài năm. Tuy nhiên, trước sau gì bong bóng này cũng sẽ vỡ tung. Khi một cổ phiếu bán ở mức giá quá cao do những kỳ vọng không có thật, sớm hay muộn, nhiều cổ đông cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi vì chờ đợi. Việc họ bán cổ phiếu mà mình nắm giữ sẽ nhanh chóng làm giảm mạnh sức mua của những người vẫn cố bám vào những nhận định cũ. Sau đó, giá cổ phiếu giảm mạnh. Đôi khi nhận định mới theo sau đó rất chính xác. Tuy nhiên, thường khi sự nhận định lại này tiến hành trong điều kiện chịu áp lực tâm lý do giá đang giảm sẽ gây ra tác dụng tiêu cực, dẫn đến một nhận định mới của giới tài chính chủ yếu là tiêu cực hơn so với những gì xảy ra trên thực tế. Nhận định này sẽ duy trì trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, khi điều này xảy ra, những hệ quả tương tự như trường hợp những nhận định quá thuận lợi cũng sẽ xuất hiện. Sự khác nhau duy nhất là tiến trình bị đảo ngược lại. Sẽ mất khoảng vài tháng, hoặc vài năm để thay thế bối cảnh này bằng một viễn cảnh khác có chiều hướng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, khi những khoản thu nhập đáng hài lòng tăng lên thì sớm hay muộn điều đó cũng xảy ra.

Những cổ đông may mắn − những người không bán các cổ phiếu khi chúng bắt đầu tăng − sẽ thu được khoản lợi khổng lồ. Đó là sự tăng giá mạnh nhờ tác dụng kép do lợi nhuận trên mỗi cổ phần tăng đồng thời với việc chỉ số P/E tăng. Khi giới tài chính nhận định chính xác rằng các thành tố cơ bản của công ty (bây giờ được xem xét trong một quan điểm mới) mang nhiều giá trị đầu tư hơn những gì đã nhìn nhận theo quan niệm trước đây, thì các mức tăng chỉ số P/E kéo theo sau đó thường đóng vai trò còn quan trọng hơn nhiều so với mức tăng thật sự của thu nhập trên mỗi cổ phần. Đây là thực tế đã xảy ra đối với công ty G trong ví dụ đã dẫn.

Chúng ta đang tiến gần đến một viễn cảnh xác thực về mức độ của bảo toàn vốn − hay mức độ giảm thiểu những rủi ro cơ bản mà bất cứ khoản đầu tư nào cũng có. Khoản đầu tư khôn ngoan có độ rủi ro thấp nhất và phù hợp nhất là một công ty đáp ứng tuyệt vời ba thành tố đầu nhưng hiện đang bị giới tài chính đánh giá thấp và do đó có P/E thấp hơn so với các thành tố này. Tiếp đến, loại công ty ít rủi ro và thường hoàn toàn phù hợp với các khoản đầu tư khôn ngoan là công ty được đánh giá rất cao về ba thành tố đầu tiên và tạo dựng được hình ảnh của mình, do đó chỉ số P/E phù hợp với các Thành tố thứ tư 267 thành tố cơ bản này. Bởi vì, những công ty này sẽ tiếp tục phát triển nếu nó thật sự có các thuộc tính trên. Cuối cùng, công ty ít rủi ro nhất, và theo quan điểm của tôi thường thích hợp với các nhà đầu tư cẩn trọng là công ty có ba thành tố đầu tiên mạnh ngang bằng hai loại công ty đã xét, nhưng do được giới tài chính lý tưởng hóa, nên nhận định hoặc chỉ số P/E của công ty cao hơn so với mức độ đáp ứng ba thành tố cơ bản của nó.

Theo quan điểm của tôi, có một số lý do quan trọng để luôn giữ lại các cổ phiếu như vậy, thậm chí ngay cả khi giá của chúng dường như là quá cao: nếu công ty thật sự có những thành tố vững chắc, sớm hay muộn nó sẽ còn tăng thu nhập lên đủ để không chỉ xứng đáng với mức giá hiện thời mà với mức giá tăng đáng kể trong tương lai. Trong khi đó, số lượng những công ty thật sự hấp dẫn xét trên ba thành tố đầu tiên này tương đối ít. Rất khó để tìm ra một loại cổ phiếu định giá thấp. Đối với nhà đầu tư, rủi ro của việc mắc sai lầm và chuyển sang một công ty mà có vẻ đạt được cả ba thành tố nhưng thực ra là không phải, sẽ lớn hơn rất nhiều so với rủi ro tạm thời khi vẫn giữ các cổ phiếu hoàn toàn có chất lượng nhưng hiện tại đang bị định giá cao cho đến khi giá trị thực chất bắt kịp thị giá hiện thời. Những nhà đầu tư ủng hộ quan điểm này của tôi cần phải chuẩn bị cho sự giảm giá trị thị trường bất thường của các cổ phiếu hiện đang được định giá cao này. Trái lại, tôi nhận ra rằng những người bán các cổ phiếu trên với mục đích chờ thời gian thích hợp hơn sẽ mua lại chúng ít khi đạt được mục đích. Họ thường có xu hướng chờ đợi một sự sụt giảm lớn hơn so với thực tế xảy ra. Kết quả là một vài năm sau đó, khi các cổ phiếu có các thành tố cơ bản vững mạnh đạt đến đỉnh giá trị cao hơn rất nhiều so với mức giá mà tại đó họ đã bán cổ phần của mình, thì họ đã bỏ lỡ tất cả lợi nhuận lẽ ra có thể thu được nếu chưa bán cổ phiếu và có thể rơi vào tình trạng giá trị thật sự của cổ phần họ nắm giữ sau khi mua lại sụt giảm đáng kể.

Tiếp theo, chúng ta xét đến cổ phiếu có chất lượng trung bình hoặc tương đối thấp xét trên tiêu chuẩn ba thành tố đầu tiên, nhưng được giới tài chính nhận định thấp hơn hoặc tương đương với các thành tố không mấy hấp dẫn này. Những công ty bị nhận định ở trong tình trạng tồi hơn so với thực tế của những điều kiện cơ bản có thể là những khoản đầu cơ tốt nhưng không phù hợp với nhà đầu tư khôn ngoan. Trong thế giới ngày càng thay đổi chóng mặt ngày nay, có quá nhiều nguy cơ phát triển theo chiều hướng bất lợi sẽ ảnh hưởng rất xấu đến các cổ phiếu đó.

Cuối cùng chúng ta sẽ xét đến nhóm có mức độ nguy hiểm cao nhất: những công ty mà đánh giá của giới tài chính hay hình ảnh của nó hiện nay tốt hơn, cao hơn hẳn so với thực tế. Mua cổ phiếu của những công ty đó có thể dẫn đến những khoản lỗ cực lớn, khiến cho hàng loạt nhà đầu tư có nguy cơ phải từ bỏ thị trường và đe dọa làm lung lay nền tảng của ngành đầu tư. Nếu bất cứ ai muốn nghiên cứu từng trường hợp cụ thể về sự đối lập giữa những nhận định của giới tài chính phổ biến trong khoảng thời gian nào đó về những công ty hấp dẫn với những điều kiện cơ bản xảy đến sau đó, anh ta sẽ tìm được rất nhiều tài liệu trong thư viện hay tài liệu của Phố Wall. Anh ta sẽ cảm thấy kinh ngạc khi đọc những lý do dẫn đến việc các nhà môi giới đề xuất mua cổ phiếu của những công ty này trong các tài liệu và sau đó so sánh triển vọng mô tả trong tài liệu với những gì xảy ra trong thực tế. Danh sách các công ty đó bao gồm: giá cao nhất của Memorex là 1737/8, Ampex là 497/8, Levitz Furniture là 601/2, Mohawk Data Sciences là 111, Litton Industries là 1013/4 và Kalvar là 1761/2.

Bảng danh sách cứ dài ra, tuy nhiên, càng nhiều ví dụ cũng chỉ giúp ta làm rõ một điểm chung nhất. Do tầm quan trọng hiển nhiên của thói quen đánh giá sự khác nhau giữa quan điểm của giới tài chính hiện thời về một công ty và các thành tố cơ bản của công ty đó, sẽ rất có ích nếu chúng ta dành thời gian kiểm tra kỹ hơn về các đặc tính của nhận định từ giới tài chính. Tuy nhiên, đầu tiên, để tránh nguy cơ bị hiểu nhầm, chúng ta nên tránh sự lẫn lộn về ngữ nghĩa bằng cách định nghĩa hai từ trong phát biểu ban đầu về nguyên tắc chi phối mọi thay đổi lớn trong giá cổ phiếu thường: “Mọi biến động lớn về giá của bất cứ cổ phiếu riêng lẻ nào trong mối tương quan thị trường chung đều xảy ra là do những thay đổi trong nhận định của giới tài chính về cổ phiếu đó.” Cụm từ “những biến động lớn về giá” được sử dụng thay vì chỉ đơn thuần là “những thay đổi về giá”.

Cụm từ này loại trừ những thay đổi nhỏ về giá, ví dụ như trường hợp một lượng 20.000 cổ phần của một cổ phiếu mà một nhà môi giới thiếu kinh nghiệm tung ồ ạt ra thị trường làm cổ phiếu giảm một hoặc hai điểm, nhưng sau đó thường hồi phục trở lại khi quá trình thanh khoản kết thúc. Tương tự như vậy, đôi khi một tổ chức sẽ quyết định khi có tình huống mới, nó phải mua một mức cổ phiếu tối thiểu, dẫn đến một sự tăng nhỏ nhất thời và lắng xuống sau khi đã mua xong. Những động thái như vậy nếu không có những thay đổi mạnh trong nhận định chung của giới tài chính về công ty thì sẽ không ảnh hưởng lớn hay dài hạn đến giá cổ phiếu. Thông thường, những thay đổi về giá ở mức độ nhỏ như vậy sẽ biến mất khi những khoản mua hay bán như trên tiến hành xong.

Thuật ngữ “giới tài chính” được sử dụng ở đây bao gồm tất cả những người có khả năng và đủ quan tâm để có thể luôn trong tư thế sẵn sàng mua hoặc bán một cổ phiếu cụ thể tại một số mức giá nào đó, và nên nhớ rằng, khi đề cập đến tác động lên giá, tầm quan trọng của mỗi người mua hoặc người bán tiềm năng này sẽ được xác định bằng thực chất sức mua hoặc sức bán trong thực tế.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.