Cổ Phiếu Thường Lợi Nhuận Phi Thường

1. Thành tố đầu tiên của một khoản đầu tư an toàn



Ưu thế trong sản xuất, marketing, nghiên cứu và kỹ năng tài chính

Một doanh nghiệp với quy mô và loại hình có thể đáp ứng một khoản đầu tư an toàn nhất thiết phải là một tổ chức có cơ cấu hoàn chỉnh. Để hiểu về các thành tố quan trọng trong một khoản đầu tư như vậy, chúng ta sẽ bắt đầu bằng việc phác họa một trong những đặc trưng mà khoản đầu tư đó bắt buộc phải có. Thành tố này có thể chia thành bốn thuộc tính nhỏ như sau:

Chi phí sản xuất thấp

Để có thể thật sự trở thành khoản đầu tư an toàn thì một công ty phải có và duy trì các dây chuyền sản xuất có chi phí ở mức thấp nhất hoặc thấp bằng đối thủ cạnh tranh khác. Chỉ bằng cách này, nó mới có thể cung cấp cho chủ sở hữu mức biên lợi nhuận đủ rộng giữa chi phí và giá bán để tạo ra hai điều kiện mang tính sống còn. Một là độ trễ cần thiết nằm ở dưới điểm hòa vốn trong cạnh tranh. Khi ngành gặp phải một năm hoạt động tồi tệ, giá bán sản phẩm sẽ không ở dưới điểm hòa vốn lâu. Khi đó, do những khoản lỗ từ các cuộc cạnh tranh chi phí sản xuất quá lớn, nên một số đối thủ cạnh tranh trong ngành sẽ buộc phải đóng cửa dây chuyền sản xuất. Điều này tự động làm tăng lợi nhuận của những công ty có chi phí thấp còn sống sót, nhờ thu lợi từ sản lượng tăng lên do nhận được thêm đơn hàng mà trước đây dành cho những nhà máy nay đã đóng cửa. Những doanh nghiệp có chi phí thấp sẽ thu lợi nhiều hơn khi nguồn cung từ đối thủ cạnh tranh ngày càng giảm. Điều này không chỉ thúc đẩy nó hoạt động sản xuất nhiều hơn mà còn tăng giá khi nguồn cung trên thị trường không dồi dào như trước.

Điều kiện thứ hai là công ty phải đạt được mức biên lợi nhuận đủ để có thể tạo ra phần lớn hoặc toàn bộ khoản đầu tư cần thiết cho tăng trưởng. Do đó, có thể tránh được hầu hết hoặc hoàn toàn nhu cầu bức thiết phải huy động thêm nguồn vốn dài hạn mà có thể dẫn đến việc a) buộc phải phát hành các cổ phần mới và làm pha loãng, giảm giá trị các cổ phần hiện có và b) tạo ra gánh nặng về nợ, với các khoản cổ tức cố định phải trả và các kỳ hạn phải thanh toán cố định (phần lớn trả từ các khoản thu nhập trong tương lai) khiến rủi ro của những người nắm giữ cổ phiếu càng gia tăng.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp có chi phí sản xuất thấp làm tăng độ an toàn và tính bảo toàn vốn của việc đầu tư, nhưng đồng thời sẽ giảm mức độ hấp dẫn đầu cơ khi thị trường vào giai đoạn giá lên mạnh. Lúc đó những công ty chi phí cao, rủi ro hơn và mức biên lợi nhuận cao hơn sẽ luôn đạt tỷ lệ tăng lợi nhuận cao hơn nhiều so với những công ty nói trên. Có thể lý giải điều này bằng một phép toán đơn giản. Hãy tưởng tượng hai công ty có cùng quy mô mà trong thời kỳ hoạt động bình thường đều bán cùng một loại sản phẩm với giá 10 xu. Công ty A thu lợi nhuận 4 xu/chiếc (chi phí mất 6 xu) và công ty B thu lợi nhuận 1 xu/chiếc (chi phí mất 9 xu). Bây giờ, giả sử chi phí và quy mô vẫn giữ nguyên nhưng hiện tại nhu cầu tăng thêm khiến giá tăng lên 12 xu. Lúc này công ty hoạt động mạnh hơn sẽ tăng lợi nhuận từ 4 xu lên 6 xu, thu thêm 50% lợi nhuận so với mức cũ, nhưng công ty có chi phí cao hơn lại thu lợi nhuận là 3 xu/chiếc, tăng thêm 300%. Đó cũng là lý do tại sao trong ngắn hạn lợi nhuận của những công ty có chi phí sản xuất cao đôi khi lại tăng hơn nhiều trong thời kỳ thị trường tăng giá và cũng là lý do tại sao, một vài năm sau, khi thời kỳ khó khăn xuất hiện, giá quay về mức 8 xu, thì công ty mạnh vẫn thu lợi nhuận tương đối dù đã giảm đi so với trước đó. Nếu như những công ty có chi phí sản xuất cao không bị phá sản, thì có thể một nhóm mới các nhà đầu tư sẽ bị tổn thương nặng nề. Nhà đầu tư (hoặc có thể là nhà đầu cơ tưởng mình là nhà đầu tư) luôn chắc chắn rằng có điều gì sai sót đã xảy ra với hệ thống thay vì do chính họ gây ra.

Tất cả những điều tôi viết ở trên đều đề cập đến những công ty trong lĩnh vực sản xuất; bởi vậy tôi dùng thuật ngữ “dây chuyền sản xuất”. Tất nhiên, có rất nhiều công ty không hề hoạt động trong lĩnh vực này, mà là trong lĩnh vực dịch vụ như bán buôn, bán lẻ hoặc trong lĩnh vực tài chính như ngân hàng hay bảo hiểm. Trong trường hợp này, những quy tắc trên vẫn có thể áp dụng được nhưng phải thay thế từ “sản xuất” bằng từ “hoạt động” và “chi phí sản xuất cao/thấp” bằng “chi phí hoạt động cao/thấp”.

Tổ chức marketing mạnh

Một nhân viên marketing giỏi phải luôn quan tâm đến những thay đổi trong nhu cầu của khách hàng để công ty có thể cung cấp đúng thứ mọi người muốn mua trong thời điểm hiện tại chứ không phải là trước đây. Ví dụ, khi bước sang thế kỷ XX, sẽ là bất hợp lý nếu các công ty sản xuất xe độc mã cố gắng cạnh tranh bằng cách cải tiến xe độc mã thay vì chuyển sang sản xuất ôtô hay thay đổi hoàn toàn lĩnh vực hoạt động. Một ví dụ gần gũi với chúng ta hơn là sau khi có lệnh cấm vận dầu mỏ ở A-rập, người dân Mỹ bắt đầu nhận ra là các xe ôtô lớn ngốn xăng kinh khủng. Một bộ phận trong ngành ôtô đã sai lầm khi không nắm bắt được thực tế là số lượng hợp đồng nhập khẩu thiết bị nhỏ ngày càng tăng, chứng tỏ nhu cầu của dân chúng đang chuyển sang sử dụng loại xe nhỏ rẻ hơn, ít hao xăng và dễ tìm chỗ đỗ, thay vì những mẫu xe lớn, hào nhoáng hơn mà họ rất ưa chuộng trong nhiều năm trước.

Tuy nhiên, việc nhận ra những thay đổi trong thị hiếu của số đông và phản ứng kịp thời với những thay đổi này vẫn là chưa đủ. Trong kinh doanh, khách hàng trên khắp thế giới sẽ không đơn giản đến gõ cửa công ty bạn chỉ bởi bạn có những mánh khóe lừa lọc. Trong thế giới thương mại đầy cạnh tranh, vấn đề sống còn là phải khiến cho khách hàng tiềm năng thấy được ưu thế vượt trội của một sản phẩm hay loại hình dịch vụ. Và khách hàng chỉ có thể nhận ra điều này khi bạn thật sự hiểu họ muốn gì (đôi khi ngay cả trong trường hợp khách hàng chưa nhận ra vì sao những lợi ích này lại hấp dẫn) và giải thích cho họ lợi ích mà họ thu được khi mua sản phẩm đó chứ không phải là lợi ích của người bán.

Tùy thuộc vào ngành kinh doanh mà việc này sẽ được thực hiện tốt nhất bằng quảng cáo, bằng đội ngũ nhân viên bán hàng, hay một số tổ chức độc lập chuyên nghiên cứu thị trường. Nhưng trong mọi trường hợp, ban quản lý luôn phải giám sát sát sao và đánh giá chính xác hiệu quả của chi phí khi sử dụng bất cứ phương tiện nào. Thiếu một bộ máy quản lý tài năng trong những lĩnh vực này, có thể dẫn đến việc a) tuột mất rất nhiều thương vụ; b) chi phí phụ trội quá cao và do đó lợi nhuận thu được trong các thương vụ sẽ thấp hơn; và c) không đạt được mức lợi nhuận tối đa cho dòng sản phẩm, bởi lợi nhuận của công ty được cấu thành từ nhiều yếu tố trong mỗi dòng sản phẩm. Một dây chuyền sản xuất hay một hệ thống điều hành hiệu quả nhưng lại yếu kém trong lĩnh vực marketing sẽ chỉ thu được một phần nhỏ kết quả so với khả năng thật sự của nó.

Có nhiều nỗ lực nghiên cứu và áp dụng công nghệ nổi trội

Mới cách đây không lâu, khả năng áp dụng công nghệ nổi trội chỉ xuất hiện trong một số ít ngành liên quan chủ yếu đến khoa học và công nghệ như điện tử, chinh phục không gian, dược phẩm và hóa phẩm. Khi các ngành này phát triển, những công nghệ đã được áp dụng rộng rãi trong ngành sẽ thâm nhập vào tất cả các dây chuyền sản xuất và gần như là tất cả các loại hình dịch vụ. Ngày nay, nghiên cứu công nghệ đã trở nên ngày càng quan trọng đối với các nhà sản xuất giày, ngân hàng, các công ty bán lẻ hay công ty bảo hiểm… Những nỗ lực áp dụng công nghệ hiện tại nhằm hai mục tiêu: 1) để sản xuất những sản phẩm mới tốt hơn (tất nhiên, trong trường hợp này, vai trò của các nhà khoa học nghiên cứu thể hiện trong lĩnh vực hóa phẩm sẽ rõ rệt hơn là trong lĩnh vực bách hóa tổng hợp) và 2) để có thể cung cấp các dịch vụ tốt hơn hoặc ở mức chi phí thấp hơn trước. Với mục tiêu thứ hai, trình độ công nghệ xuất sắc có vai trò như nhau đối với các ngành này. Thực tế, trong một số ngành kinh doanh dịch vụ, những phân nhánh tích cực áp dụng công nghệ đang mở ra nhiều dòng sản phẩm mới cũng như giúp mang lại các cách thức cung cấp dịch vụ cũ tốt hơn. Ngân hàng là một ví dụ, thiết bị nhận dữ liệu đầu vào điện tử và máy tính mini với chi phí thấp đang ngày càng hỗ trợ tích cực cho việc cung cấp nhiều dịch vụ kế toán và ghi sổ sách hoàn thiện hơn cho khách hàng, nhờ đó tạo ra những dòng sản phẩm mới cho các tổ chức này.

Trong lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ, hiệu quả của hoạt động marketing giữa các công ty rất khác nhau. Trong quá tình phát triển sản phẩm mới, tính phức tạp của nhiệm vụ càng chứng tỏ điều này. Năng lực hay tài năng của đội ngũ nghiên cứu so với công ty khác cũng chỉ là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến lợi ích thu được từ nỗ lực nghiên cứu của công ty. Để phát triển sản phẩm mới thường cần phải huy động nỗ lực của rất nhiều nhà nghiên cứu, mỗi người có kỹ năng trong một lĩnh vực công nghệ riêng biệt cụ thể. Mức độ hợp tác với nhau (hay được người lãnh đạo chỉ đạo hợp tác và khuyến khích nhau tốt đến đâu) cũng quan trọng như tài năng và sự khéo léo của từng cá nhân. Bên cạnh đó, để tối đa hóa lợi nhuận, vấn đề sống còn là không phát triển bất cứ sản phẩm nào ngoài những sản phẩm mà khách hàng có nhu cầu, hay sản phẩm có thể tiêu thụ được nhờ đội ngũ marketing hiện tại của công ty và sản phẩm có thể bán ở mức giá thu được lợi nhuận cao. Để làm được điều đó, đội ngũ nghiên cứu, marketing và sản xuất cần cộng tác hiệu quả. Đội ngũ nghiên cứu xuất sắc của một doanh nghiệp có thể sẽ chẳng có giá trị gì ngoài việc phải chịu trách nhiệm nếu phát triển những sản phẩm không tiêu thụ được. Để đạt được tối đa tính ưu việt về đầu tư, một công ty phải có khả năng kiểm soát tốt tất cả các mối cộng tác phức tạp này, tuy nhiên cũng không nên kiểm soát quá mức, để tránh thủ tiêu động lực làm việc và sự thông minh sáng tạo của các nhân viên nghiên cứu.

Kỹ năng tài chính

Rất nhiều lần trong phần thảo luận về dây chuyền sản xuất, marketing và nghiên cứu, tôi đã sử dụng thuật ngữ “lợi nhuận” và “biên lợi nhuận”. Trong công ty lớn với dây chuyền sản xuất đa dạng hóa, không thể xác định chắc chắn chi phí của mỗi sản phẩm so với những sản phẩm còn lại, bởi hầu hết còn nhiều chi phí ngoài chi phí nhân công trực tiếp và nguyên vật liệu được kết tinh trong hầu hết các sản phẩm đó. Những công ty có kỹ năng tài chính tốt có một vài lợi thế trội hơn hẳn. Họ có thể biết chi phí của mỗi sản phẩm là bao nhiêu, họ có thể dồn nỗ lực vào những nơi có thể thu được lợi nhuận tối đa. Có kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc về độ lớn của mỗi nhân tố chi phí, không chỉ trong sản xuất mà còn trong bán hàng và nghiên cứu, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ đến cả những chu trình hoạt động nhỏ nhất của công ty, từ đó nỗ lực giảm chi phí tại những chu trình cần thiết (bằng cải tiến công nghệ hoặc cải thiện công việc cụ thể của từng nhân viên). Quan trọng hơn cả, bằng việc chi ngân sách và kế toán hợp lý với chuyên môn cao, những công ty danh tiếng có thể tạo ra một hệ thống cảnh báo sớm giúp phát hiện kịp thời các ảnh hưởng tiêu cực đe dọa đến lợi nhuận dự kiến của công ty, tránh được những cú sốc gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư. Không chỉ vậy, những kỹ năng tài chính tuyệt vời của một công ty còn đem lại cho nhà đầu tư những lựa chọn đầu tư vốn tốt hơn giúp tạo ra mức thu cao nhất tính trên cơ sở nguồn vốn đầu tư của công ty. Hơn nữa, kỹ năng này còn giúp các công ty kiểm soát tốt hơn các giấy báo thu và bản kiểm kê của mình, một vấn đề ngày càng đóng vai trò quan trọng trong những thời kỳ tỷ suất lợi nhuận ở mức cao.

Tôi tổng kết lại như sau: công ty đáp ứng được tiêu chí đầu tiên của một khoản đầu tư an toàn là công ty sản xuất hay hoạt động với chi phí rất thấp trong ngành, có khả năng nổi trội về marketing và kỹ năng tài chính, có kỹ năng tốt về những vấn đề quản lý phức tạp để có thể thu được kết quả cao nhất từ việc tổ chức nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới. Trong một thế giới không ngừng thay đổi chóng mặt, công ty đó là 1) một công ty có khả năng phát triển hàng loạt sản phẩm mới hay dây chuyền sản xuất cho hiệu quả cao hơn việc cải tiến các dây chuyền cũ mà sẽ trở nên lạc hậu khi các công ty khác cải tiến công nghệ; 2) một công ty có khả năng thiết kế các dây chuyền sản xuất chi phí thấp ở mức hợp lý để tạo ra những dòng lợi nhuận sẽ tăng nhanh hơn hoặc bằng mức tăng doanh số, và thậm chí trong những năm ảm đạm nhất của cả ngành cũng sẽ không thu hẹp đến mức có thể đe dọa tính an toàn của một khoản đầu tư trong ngành; và 3) công ty có khả năng bán những sản phẩm mới và sản phẩm được công ty phát triển trong tương lai ở mức lợi nhuận ít nhất là ngang bằng lợi nhuận của những sản phẩm hiện tại.

Đây là bức tranh về một thành tố của khoản đầu tư khôn ngoan. Nếu không bị các thành tố khác ảnh hưởng, nhà đầu tư sẽ không phải thất vọng với khoản đầu tư này. Tuy nhiên, trước khi tiếp tục xem xét các thành tố khác, bạn cần phải hiểu thêm một điểm sau. Nếu như mục tiêu của chúng ta là bảo toàn vốn, thì tại sao lại bàn quá nhiều về tăng trưởng và phát triển những sản phẩm mới? Tại sao không duy trì hoạt động ở quy mô và mức lợi nhuận hiện tại, không phải đối mặt với rủi ro khi tiến hành những nỗ lực mới? Khi thảo luận về ảnh hưởng của lạm phát đối với đầu tư, chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của tăng trưởng. Về cơ bản, bạn không bao giờ được quên rằng, trong một thế giới thay đổi không ngừng này, không có gì tồn tại quá lâu. Chúng ta không thể đứng yên một chỗ. Một công ty hoặc là tiến lên hoặc là tụt hậu. Tấn công mạnh mẽ chính là cách phòng thủ tốt nhất. Chỉ bằng cách tăng trưởng mạnh mẽ hơn, một công ty mới có thể tránh bị tụt dốc. Điều này đúng trong quá khứ và sẽ càng đúng trong tương lai. Bởi ngoài tốc độ đổi mới công nghệ ngày càng nhanh, những thói quen mua sắm, những nhu cầu mới của chính phủ cũng thay đổi với tốc độ khiến ngay cả những ngành công nghiệp ì ạch nhất cũng phải thay đổi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.