Lá Nằm Trong Lá

Chương 42



Sáng hôm sau, y hẹn, Lợi đem đoạn kết truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua lên lớp.
– Truyện này chỉ kết thúc tạm thời thôi. – Lợi nói khi chĩa xấp giấy ra trước mặt Xí Muội.
Thọ giằng lấy xấp giấy trước khi con nhỏ này kịp cầm:
– Việc chép vào cuốn các-nê từ từ cũng được, Xí Muội. Đưa thằng Sơn đánh máy trước cho kịp in.

Thọ quay sang vỗ vai Lợi, miệng cười toe:
– Truyện của mày coi như kết thúc “phần 1”. Mày cứ viết tiếp đi, tao sẽ quảng cáo trên đặc san Mùa Hè “Mời các bạn đón đọc ‘phần 2’ trên đặc san Mùa Thu, phần sau bảo đảm hấp dẫn gấp mười lần phần trước”!

Trước lời tán tụng của Thọ, mặt Lợi ửng lên như có nắng chiếu vào. Đang lâng lâng với viễn ảnh truyện của mình được trưởng ban báo chí ưu ái, văn sĩ Mã Phú quên béng sang năm cả bọn lên cấp ba, không còn học trường này nữa, dĩ nhiên cái đặc san Mùa Thu do thằng Thọ đang ba hoa kia chắc chắn chỉ có trong mơ.
Đâu phải thầy hiệu trưởng nào cũng yêu văn chương như thầy hiệu trưởng trường tôi. Đó là chưa kể một tương lai u ám sẵn sàng trút xuống đầu bọn tôi bất cứ lúc nào: bút nhóm Mặt Trời Khuya ra thành phố sẽ không được học chung trường và nếu tình cảnh tan đàn xẻ nghé đó xảy ra chắc chắn ý tưởng làm đặc san sẽ tan như bong bóng xà phòng và truyện chàng chăn ngựa của thi sĩ Mã Phú sẽ suốt đời chìm trong bóng tối.
Nhưng đó chỉ là ý nghĩ sau này khi tôi đã đủ tỉnh táo để nhớ ra bọn tôi đang học năm cuối cấp ở trường trung học thị trấn, còn ngay lúc đó tôi vẫn hào hứng toét miệng ra cười với tụi bạn như những kẻ vô tư nhất trên đời.
Dĩ nhiên trong buổi sáng hạnh phúc đó, không đứa nào trong bọn tôi nhắc đến những gì tôi và Sơn đã trông thấy và kể lại, cũng không hỏi xem nhỏ em họ của Lợi là ai và tại sao nó không ưa thằng anh họ của nó là đứa mà tụi tôi cảm thấy rất đáng để ưa.
Bọn tôi làm lơ trước mặt Lợi nhưng khi tiếng trống ra chơi vang lên, cả bọn ùa nhau ra hành lang, xúm xít rọi mắt về phía hành lang đối diện.
Trường tôi có hai lớp tám, tôi và Sơn chẳng biết nhỏ em họ thằng Lợi học lớp nào. Tôi bỏ nhỏ vào tai Sơn:
– Mày canh lớp tám 1, tao canh lớp tám 2. Hai đứa tôi chong mắt một hồi, Sơn bật kêu:
– Nó kìa!
Tôi nhìn theo tay chỉ của Sơn, thấy một con nhỏ quen quen đi lẫn trong đám học trò đang chen nhau ra cửa. Hôm nay con nhỏ đó mặc áo dài trắng nhưng tôi vẫn nhận ra nó chính là đứa con gái tôi gặp trước cổng nhà cậu thằng Lợi hôm chủ nhật, đặc biệt qua cách đánh vai kiêu kỳ của nó mỗi khi bước đi.
– Đúng là nó rồi. – Tôi quay sang Thọ và Hòa, gật đầu xác nhận. Thọ xuýt xoa:
– Con nhỏ xinh ghê hả tụi mày.
Lúc gặp con nhỏ này ở Liễu Trì, tôi chẳng để ý đến nhan sắc của nó (lúc đó tâm trí tôi chỉ nghĩ đến thằng Lợi). Bây giờ nghe Thọ trầm trồ, tôi mới nhận ra em họ thằng Lợi không những khá xinh, mà còn trông hay hay, ngồ ngộ. Nó khác hẳn tụi bạn chung quanh qua mái tóc cắt ngắn và dáng di mạnh mẽ nhưng vẫn không đánh mất vẻ yêu kiều thục nữ. Nhớ lại lúc nó đốp chát với thằng Sơn khiến thằng này méo xệch miệng, tôi không khỏi cười thầm trong bụng.
Sơn dường như cũng đang nghĩ đến cuộc chạm trán ê chề đó nên tôi nghe nó thở hắt ra và qua cách nói của nó có vẻ nó đang ngầm phản đối nhận xét của Thọ:
– Con nhỏ dữ dằn lắm đó!
– Dữ dằn thì đâu có mâu thuẫn gì với xinh đẹp! – Thọ nhún vai, triết lý. Hòa nhanh nhẩu phụ họa:
– Thiếu gì đứa hiền lành mà xấu hoắc!

Hòa không chỉ vào hùa với Thọ. Nó còn đi xa hơn bằng cách tặc lưỡi hít hà:
– Tao muốn làm em rể thằng Mã Phú quá hà.
– Được thôi.
Một giọng chua lè như phát ra từ một hũ giấm vang lên ngay sau lưng khiến cả bọn giật mình ngoảnh phắt lại và đứa nào đứa nấy giật mình thêm cái nữa khi nhận ra hũ giấm di động đó có tên là Cúc Tần.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.