Lá Nằm Trong Lá

Chương 34



Mẫu mực trong tình cảm chưa chắc đã là mẫu mực trong học tập.
Kết quả thi học kỳ hai, và tính chung cả năm, thằng Thọ xếp dưới tôi, Hòa, Sơn, chỉ trên mỗi thằng Lợi.
Tính cả ban báo chí, toàn bộ thi sĩ lẫn văn sĩ đều xếp dưới các nàng thơ, thế mới nhục!
Tôi đau nhất, vì năm lớp tám, lúc thằng Thọ chưa bày ra bút nhóm Mặt Trời Khuya và chưa làm trưởng ban báo chí nhà trường, tôi học khá hơn nhiều. Cuối năm lớp tám, tôi đứng hạng nhì, ngày bế giảng ôm phần thưởng đến xệ cả vai, phải nhờ thằng Sơn lấy xe đạp chở về.
Năm nay tôi tụt xuống hạng sáu. Thỏ Con năm ngoái xếp hạng mười, năm nay đột ngột vọt lên hạng nhì, chiếm chỗ của tôi khiến tôi ấm ức vô kể. Tôi với nó là một cặp, cả năm dung dăng dung dẻ bên nhau, chia ngọt sẻ bùi bao nhiêu thứ, thế mà trong khi tôi cặm cụi lo làm thơ… cho nó thì nó cắm cổ học bài làm bài để bây giờ nó trèo lên cao chót vót và co cẳng đạp tôi văng tuốt luốt xuống dưới.
Mẹ tôi chắc cũng nghĩ như tôi. Khi nghe tôi rụt rè thông báo thứ hạng, mẹ tôi lắc đầu và nhìn tôi bằng ánh mắt phiền muộn như nhìn một đứa con hư:
– Con suốt ngày cứ cặp kè với mấy đứa con gái, đầu óc đâu mà học hành hả con! Ba tôi cụ thể:
– Tao mà thấy mày rớ vô chiếc honda của tao lần nữa, tao đánh mày què tay!
Tôi đứng hạng sáu, đã ủ ê như thế, thằng Thọ xếp hạng mười lăm, tôi tưởng nó sầu đời đến mức nhảy xuống sông Ly Ly làm bạn với Hà Bá, nào ngờ nó tỉnh queo. Tôi trêu nó:
– Mày là thi sĩ lừng danh Lãnh Nguyệt Hàn, lại là trưởng ban báo chí, vậy mà xếp hạng dưới Hạt Dưa cả chục bậc, mày không thấy xấu hổ với nó hả?
– Ngu! Việc gì xấu hổ! – Thọ nhún vai như một triết gia và khi mở miệng thì nó giống triết gia thật
– Thi sĩ ra đời là để hy sinh cho các nàng thơ, nếu không thế Thượng Đế chẳng sinh ra thi sĩ làm gì. Đàn ông con trai chứ đâu phải mớ giẻ rách mà lúc nào cũng tranh hơn thua với bọn con gái!
Tôi cảm giác lập luận của Thọ có vẻ ngụy biện nhưng tôi vẫn khoai khoái, ít ra là vì nếu có đứa nào trêu tôi (như tôi đang trêu Thọ) tôi có thể dùng lý lẽ của nó để đáp trả. Lòng nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn chọc ngoáy nó, sung sướng khi thấy một đứa có hoàn cảnh khốn nạn giống mình:
– Tao nhớ năm ngoái lúc chưa cặp với Hạt Dưa thì mày đứng hạng tám, Hạt Dưa đứng hạng mười. Năm nay nó ngồi lên đầu mày rồi!
Tôi chọc tức, giọng hả hê. Nhưng Thọ chẳng tức. Nó nhếch môi:
– Lại ngu! Mày đừng bắt tao tin mày vừa lọt lòng mẹ đã ngu rồi đấy nhé! Đột ngột, nó quắc mắt:
– Mày là Cỏ Phong Sương mà cóc biết sứ mệnh của thi sĩ là gì! Chỉ toàn so bì những thứ vớ vẩn!

Thấy mặt tôi nghệt ra thay cho câu hỏi “Là gì?”, Thọ xung tay làm một tràng:
– Xuân Diệu định nghĩa “Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Xuân Diệu cũng cóc thuộc bài, cũng dốt toán như tao. Rất có thể lúc học lớp chín, Xuân Diệu cũng xếp hạng mười lăm. Nhưng Xuân Diệu hãnh diện vì điều đó: “Hãy biết rằng tôi lúc ở trường/ Rất tồi toán pháp, khá văn chương/ Chàng trai đi học nghe chim giảng/ Không thuộc bài đâu: ấy sự thường!”.
Thọ đập tay lên lưng tôi, cười hè hè:
– Nếu hổi đi học Xuân Diệu không suốt ngày “ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, lớn lên ông chẳng thể trở thành nhà thơ xuất chúng được! Thi sĩ chỉ cần làm thơ hay, cóc cần học giỏi! Học dốt càng tốt! Mày thấy Xuân Diệu nói gì không? “Không thuộc bài đâu: ấy sự thường!”.
Nó cao hứng:
– Bị đuổi học càng tốt nữa!
Thọ càng nói càng chướng tai, nhất là khoản bị đuổi học. Nhưng tôi không đủ lý lẽ để bắt bẻ nó, chỉ ngây ngô hỏi lại:
– Thiệt không đó mày, chuyện bị đuổi học ấy? Thọ chẳng thèm trả lời tôi. Nó hỏi lại:
– Mày biết Đinh Hùng không?
– Biết! “Ta yêu em, mê từng ngón bàn chân… ” Thọ nhún vai:
– Đó là bài Kỳ nữ. Đinh Hùng còn bài khác, hay hơn. Bài Khi mới lớn. Không đợi tôi đề nghị, nó lim dim mắt, ngân nga:
– “Ta ném bút dẫm lên sầu một buổi/ Xa vở bài, mở rộng sách ham mê/ Đã từng phen trèo cổng bỏ trường về/ Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn”.
Rồi nó nhe răng bình luận, trông nó khoái trá như thể cầu cho tác giả “Mê hồn ca” bị đuổi học quách cho rồi:
– Học hành kiểu đó, Đinh Hùng không bị tống cổ ra khỏi trường là tao đi đầu xuống đất!
Tôi nhìn Thọ, không một đứa học bài không bao giờ thuộc như nó lại có thể thuộc thơ nhiều đến thế. Lại toàn thơ hay. Tôi thích thơ Đinh Hùng hơn thơ Xuân Diệu. Có lẽ lúc đó tôi chưa biết yêu. Tôi mới lớn, khoái mộng giang hồ, vì vậy thích chất phóng khoáng, ngang tàng của tác giả “Mê hồn ca”, “Đường vào tình sử”.
“Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn”, câu thơ ngông cuồng của Đinh Hùng đã bỏ bùa đứa con trai mới lớn. Tôi bắt chước Thọ, nhắm tịt mắt, nhẩm lại câu thơ trong đầu. Tôi cũng muốn “nhiều phen trèo cổng bỏ trường về” lắm, nhưng tôi còn có gia đình. Tôi còn ba mẹ. Tôi không sợ mẹ tôi quở trách. Chỉ sợ mẹ tôi buồn.
– Mẹ tao mới rầy tao về chuyện tụt hạng đó! – Tôi ngập ngừng nói. Thọ nhìn tôi khinh khỉnh:
– Thằng Hòa động tí là kêu ba, mày động tí là kêu mẹ. Thế mà cũng đòi làm thi sĩ! Tôi ngượng ngập:
– Nhưng…
– Không “nhưng” gì cả! – Thọ cắt ngang lời tôi – Chỉ có tụi mày mới có ba mẹ, còn Đinh Hùng mồ côi chắc? Ông cũng có ba có mẹ, nhưng ông có chí hướng của mình. Nhà thơ lớn phải biết vượt lên tình cảm “nhi nữ thường tình”!Thọ “xổ nho”, tôi đã hoảng. Nó còn ngoác miệng đọc thơ để minh họa làm tôi hoang mang quá đỗi:
– “Đời đổi mới từ ngày ta dấy loạn/ Sớm như chiều hư thực bóng hoa hương/ Ta ra đi tìm lớp học thiên đường/ Và khi đó thì mẹ yêu ngồi khóc… ”
Tôi liếm môi:
– Cũng Đinh Hùng hả mày?
– Còn ai nữa! – Thọ gật gù, cảm khái – Đinh Hùng cũng thương mẹ, cũng biết “dấy loạn” sẽ khiến “mẹ yêu ngồi khóc”, nhưng chí làm trai mà…
Tôi không biết nó vừa nói vừa theo dõi tôi qua khóe mắt. Thấy tôi đực ra như ngỗng, chắc nó khoái lắm.
Nó vỗ vai tôi trước khi bỏ đi:
– Đừng băn khoăn chuyện thứ hạng nữa nhé! Nếu quan tâm đến tiểu tiết, mày sẽ không bao giờ hoàn thành đại nghiệp được đâu!
Thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn có tài rót mật vào tai người khác. Nó đi cả buổi rồi mà câu nói của nó vẫn còn làm tôi ngẩn ngơ, chếnh choáng.
Một lúc lâu, phải lúc lắc đầu cả chục cái để đầu óc thôi mụ mị, tôi mới nhận ra nó bỏ thì giờ đọc hết bài thơ này đến bài thơ khác cho tôi nghe chẳng qua là để thanh minh cho chuyện học dốt của nó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.