Một, Hai, Ba Những Cái Chết Bí Ẩn
Chương Ba (2)
IV
Trước khi về nhà, Poirot dừng lại ở khách sạn Glengowrie Court.
Sáng hôm sau, ông gọi điện thoại cho Japp.
– Chào ông hạn thân mến – ông nói – Cuộc điều tra tiến hành vào hôm nay?
– Vâng, ông có tham dự không?
– Không chắc.
– Tôi hình dung là nó chả có ích lợi gì cả.
– Ông có định đưa cô Sainsbury Seale ra làm chứng không?
– Có phải cô Mabelle đáng yêu, hai L, E, có thể gọi là Mabel, B, E, L như mọi người không? Các bà, các cô là hay lòe tôi lắm. Không, tôi không gọi cô ấy ra tòa đâu, không cần!
– Cô ấy có liên hệ với ông không?
– Không? Tại sao?
– Tôi băn khoăn chỉ có thế thôi. Bởi vì cô Sainsbury Seale đã rời khách sạn Glengowrie Court từ chiều hôm kia, vào trước giờ ăn cơm tối, và từ đó không thấy cô ta trở lại.
– Ông nói cái gì? Cô ấy đã chuồn rồi à?
– Đấy là một lời giải thích có thể thực đấy.
– Nhưng tại sao? Đấy là một người đàn bà rất tốt mà người ta không có gì để chê trách cả. Tôi đã hỏi những tin tức về vấn đề của cô ta bằng điện tín – trước khi biết nguyên nhân cái chết của Amberiotis vì nếu không, tôi không bao giờ phải vất vả như thế, và Calcutta đã trả lời cho tôi chiều hôm qua. Không có gì để nói lại cả. Tất cả những điều mà cô ta đã kể cho ông là thực. Có lẽ cô ta đã lướt qua hơi nhanh về lịch sử cuộc hôn nhân của cô, nhưng không nghiêm trọng. Cô ta đã lấy một sinh viên theo đạo Hindu, và cô thấy được rằng anh ấy đã có không ít mối liên hệ khác. Lúc đó, cô ta lấy lại tên con gái của mình và chú tâm vào những việc từ thiện. Rất được các giáo sĩ coi trọng, cô ta bắt đầu dạy những bài đọc và đúng là cô ta đã tham gia vào việc thành lập một nhà hát của những diễn viên không chuyên. Tóm lại đó là một người đàn bà đáng sợ nhưng người ta không thể giải thích rằng cô ấy đã đóng một vai trò nào đó trong vụ giết người. Bây giờ ông lại nói rằng cô ấy đã đi rồi. Thế thì, tôi không hiểu ông nữa.
Japp im lặng vài giây, rồi nói tiếp:
– Có lẽ cô ta đã chán ngấy cái khách sạn ấy? Nếu ở vị trí cô ấy, tôi đã không phải chờ lâu đến thế để chuyển chỗ ở.
– Hành lý của cô ta vẫn ở đấy – Poirot trả lời – Cô ta không mang theo gì cả.
Japp tuôn ra một lời rủa.
– Cô ta đi vào lúc mấy giờ? – Ông ta hỏi sau đó.
– Vào bảy giờ kém mười lăm.
– Những người của khách sạn nghĩ gì về việc đó?
– Việc đó làm cho họ họ phiền. Bà giám đốc tỏ ra khó chịu.
– Tại sao họ không báo cho cảnh sát?
– Nhưng, ông bạn ơi, bởi vì có thể xảy ra trường hợp một bà đi ngủ đêm ở một chỗ khác kể cả khi điều đó tỏ ra khó tin, và khi trở về bà ta sẽ tức giận nếu được biết rằng người ta đã báo cảnh sát và chuyện này. Bà Harrison – giám đốc khách sạn Glengowrie Court đã gọi điện thoại tới bệnh viện, sợ có xảy ra tai nạn. Bà ta chuẩn bị gọi cảnh sát khi tôi đến và bà ấy đã tiếp đón tôi như tiếp đón chúa Giê-su. Tôi đã nói với bà ấy rằng tôi sẽ chịu trách nhiệm tất cả và chuyện này chỉ có tôi và một sĩ quan cảnh sát nữa biết.
– Ông nghĩ tới tôi chăng?
– Đúng thế.
Japp lẩm bẩm những lời cảm ơn mỉa mai.
– Đồng ý – cuối cùng ông nói – Sau cuộc điều tra tôi sẽ gặp ông ở Glengowrie Court
V
– Cuối cùng – Japp nói với giọng bực bội cáu gắt, trong khi họ chờ đợi bà giám đốc – quỷ quái làm sao mà bà ấy lại cũng biến mất?
– Ông cho đấy là điều lạ lùng chăng? – Poirot nói.
Họ không có thì giờ để trao đổi thêm. Bà Harrison, giám đốc và chủ khách sạn Glengowrie Court tới gặp họ.
Bà Harrison gần như khóc và câu hỏi đầu tiên của Japp đã mở ra một trận mưa thác đổ bằng lời nói thực sự. Người đàn bà tử tế rất lo lắng. Điều gì đã xảy ra cho cô Sainsbury Seale? Bà ta đã dự tính đến tất cả giả thuyết mất trí, sự se mình bất thình lình, sự xuất huyết, tai nạn ôtô, bị trấn lột bởi bàn tay có vũ khí v.v…
Bà Harrison ngừng lại để thở và kết luận:
– Một người đàn bà dễ thương lắm!… và hình như sống hạnh phúc lắm với chúng tôi.
Theo yêu cầu của Japp, bà dẫn hai người vào trong buồng mà người biến mất đã ở. Ở đấy, tất cả điều sạch sẽ và ngăn nắp, từ những bộ quần áo treo trong tủ, cho đến chiếc áo lót ban đêm, xếp ở dưới gối. Ở trong một cái góc, có hai cái hòm rất bình thường và xếp thẳng hàng dưới một cái bàn trang điểm, rất nhiều giày dép; những đôi giầy đi rất vững, hai đôi bốt tin cao gót, đánh vécni, những đôi giày dạ hội bằng xatanh đen, có thế nói là chưa xỏ chân vào, và một đôi hài. Poirot nhận thấy rằng những đôi giày dạ hội có cỡ bé hơn nhiều, từ đấy người ta có thể suy diễn hoặc là cô Sainsbury Seale có chai ở ngón chân, hoặc là cô chú ý đến vẻ lịch sự của bàn chân nhỏ. Về vấn đề này, ông tự hỏi xem cô cóo thì giờ để khâu lại cái vòng vào chiếc giày trước khi đi ra? Ông hi vọng rằng có, vì sự cẩu thả về quần áo luôn luôn là khó chịu đối với cô.
Japp xem xét các lá thư tìm thấy trong tủ bàn giấy.
Poirot mở một cái ngăn kéo của tủ com-mốt; nhận thấy nó đầy quần áo lót và kín đáo đóng nó lại, vừa tự nhận xét rằng cô Sainsbury Seale hình như có sở thích về hàng len. Ông mở một cái ngăn kéo khác, nó đựng bít tất.
– Ông có tìm thấy cái gì không, Poirot? – Japp hỏi.
Poirot, vẻ sầu não ngắm kỹ một đôi tất:
– Không – ông nói – Đây là loại hai, bằng tơ nhân tạo, giá có thể là: hai siling mười một!
– Ông tự coi là một người bán đấu giá chăng?
Mỉm cười, Japp nói thêm:
– Ở đây, cũng chả có gì hơn! Hai lá thư từ Ấn độ tới, hai hoặc ba chiếc biên lai của các tổ chức từ thiện, không có bóng một chiếc hóa đơn. Cô Sainsbury Seale rõ ràng là một người rất…
– Nhưng – Poirot nhận xét – là một người ăn mặc rất tồi.
– Tất nhiên – Japp tuyên bố – vì cô ấy không coi điều đó là quan trọng gì cả.
Ông ghi một cái địa chỉ, lấy ở một lá thư cũ gởi cách đây hai tháng.
– Có lẽ những người này sẽ có thể nói với chúng ta về cô ấy – ông nói – Họ ở Hampstead và hình như biết khá rõ cô ta.
Hai người còn biết thêm, tất nhiên là từ miệng bà Harrison, rằng không có gì tỏ ra khác thường trong thái độ của cô Sainsbury Seale, tối hôm cô biến mất và hình như cô ta có ý định trở về, vì khi qua phòng lớn, cô đã nói với bà bạn, bà Bolitho rằng sau bữa ăn tối, cô ta sẽ chỉ cho bà sự thành công mà cô đã nói với bà. Hơn nữa, theo quy định ở khách sạn Glengowrie Court, nếu không ăn cơm thì phải báo trước nhưng cô Sainsbury Seale không nói gì cả, điều đó có nghĩa là cô ta định trở về ăn cơm bữa tối, phục vụ vào khoảng giữa bảy giờ rưỡi và tám giờ rưỡi. Nhưng người ta đã không thấy cô. Cô đã đi theo đường Cromwell và đã biến mất.
Rời khách sạn Glengowrie Court, Japp và Poirot đi tới Hampstead, theo địa chỉ mà thanh tra ghi lại.
Gia đình Adams sống với đàn con đông ở trong một biệt thự nhỏ, xinh xắn, và đấy là những con người đáng yêu. Họ biết rõ cô Sainsbury Seale ở Ấn Độ, họ không ngớt lời khen ngợi cô, nhưng họ đã không gặp cô một tháng nay, đúng là từ dịp nghỉ lễ Phục sinh. Vào lúc đó, cô ta ở trong một khách sạn tại quảng trường Russell.
Poirot ghi lại địa chỉ cùng với địa chỉ của một gia đình bạn hữu của Sainsbury Seale ở Streatham.
Ờ khách sạn tại quảng trường Russell họ không được biết gì cả, ở đây người ta chỉ nhớ rằng cô Sainsbury Seale là một bà không làm ồn và đã sống lâu dài ở Ấn Độ, và họ cũng không biết gì hơn ở Streatham, nơi đây những người bạn của cô ta đã không thấy cô Sainsbury Seale từ tháng hai.
Sau khi đến hỏi các bệnh viện, họ tin chắc rằng phải gạt bỏ giả thuyết về tai nạn, Japp và Poirot phải đồng ý rằng chắc chắn cô Sainsbury Seale đã biến mất. Hình như cô ta đã tan biến trong không khí.
VI
Sáng hôm sau, Hercule Poirot xuất hiện ở khách sạn Holborn Palace và yêu cầu gặp ông Howard Raikes.
Để khỏi ngạc nhiên, ông giả dụ rằng ông Howard Raikes cũng đã biến mất, nhưng không phải thế. Ông Howard Raikes vẫn đang lưu trú ở đây, còn bây giờ, ông ta đang ăn sáng.
Sự xuất hiện của Poirot hình như chỉ tạo cho ông Raikes một sự thích thú rất vừa phải. Trong cái nhìn của ông ta có một sự thù địch được thú nhận. Trong khi nhìn chòng chọc vào ông khách không mời mà tới, ông ta hỏi Poirot bằng một giọng kiêu kỳ “điều mà ông này muốn ở ông” .
Nhưng mà Poirot lấy một cái ghế và ngồi xuống.
– Ông cho phép?
Ông Raikes, với một sự mỉa mai vô duyên, đã mời nhà thám tử “làm như ở nhà mình” . Mỉm cười, Poirot dựa vào sự cho phép và ngồi thoải mái trước mặt ông Raikes.
– Cuối cùng – Raikes nói – ông muốn gì ở tôi?
– Ông còn nhớ tôi không, ông Raikes?
– Trong đời tôi, tôi chưa bao giờ gặp ông cả.
– Nhầm rồi – Poirot đáp lại – Cách đây hơn ba hôm, chúng ta đã ngồi cách nhau vài bước, trong cùng một căn phòng, ít nhất trong năm phút.
– Tôi không nhớ nữa.
– Trong phòng đợi của một nha sĩ.
Những từ cuối cùng tỏ ra có một ấn tượng nào đó đối với người đàn ông. Ông ta bình tĩnh lại ngay, nhưng thái độ có thay đổi. Ông ta từ bỏ những lời hỗn láo để tỏ ra thận trọng và khôn ngoan.
– Thế thì bây giờ phải làm gì nào? – Ông ta nói.
Poirot nhìn ông ta. Có lẽ ông đã đi quá xa khi tuyên bố rằng người thanh niên này có vẻ mặt của một kẻ giết người, nhưng ông chắc chắn rằng Raikes có vẻ nguy hiểm.
Trong khuôn mặt hốc hác, ông chú ý nhất là cái hàm to, bạnh, và đôi con mắt là mắt của một kẻ cuồng tín hoặc một kẻ cuồng tưởng. Con người đó ăn mặc xấu xí và ăn ngấu nghiến.
“Mặc kệ ý nghĩ của hắn, ông nghĩ, nhưng đấy là một con chó sói đói”.
Bằng giọng chói tai, Raikes lại hỏi:
– Cuối cùng, tôi có thể biết ý nghĩa của cuộc viếng thăm này không?
– Nó là khó chịu đối với ông?
– Tôi cũng không biết ông là ai!
– Ông thứ lỗi cho tôi.
Poirot rút ví từ túi mình ra và đưa qua bàn tấm danh thiếp của mình cho Raikes. Ông này nhìn qua và trả lại cho nhà thám tử. Trong cái nhìn của ông, có nhiều sự giận dữ và thù địch hơn là sự sợ hãi.
– Như vậy ông là Hercule Poirot – ông ta nói – Tôi đã nghe nói về ông…
– Tôi khá được nhiều người biết đến – Poirot nhận xét với sự khiêm tốn thường ngày.
– Ông là một cảnh sát – Raikes tiếp tục – theo mẫu tốn kém, một trong số những người được gọi đến khi người ta không cần biết đến sự tốn kém, miễn là cứu được tính mạng mình.
– Nếu ông không uống cà phê đi, thì nó sẽ nguội mất – Poirot nói.
Ông nói nhẹ nhàng nhưng bằng giọng tự tin.
Raikes nhìn kỹ ông với một sự sững sờ nào đó.
– Cà phê ở xứ này rất tồi – Poirot nói thêm – vậy nếu không uống nóng, thì không thể uống được.
Raikes đồng ý và nói tiếp:
– Cuối cùng, ông muốn đi tới đâu? Ông đến làm gì ở đây?
Poirot nhún vai:
– Tôi muốn thăm ông.
– Thực không?
Ông Raikes đặt cùi tay lên bàn.
– Nếu ông đến đây để kiếm tiền bạc, ông Poirot, thì ông đã nhầm địa chỉ. Những người mà tôi làm việc cùng không thể bán. Điều mà ông muốn, ông hãy đi tìm lại người trả tiền cho ông.
Poirot thốt ra một tiếng thở dài…
– Cho đến bây giờ, không ai trả tiền cho tôi cả.
– Ông đừng kể chuyện láo cho tôi nữa.
– Có thể ông không tin tôi, nhưng đó là sự thật. Thời giờ của tôi là quý giá, nhưng trong lúc này, tôi tiêu phí nó không có ý kiến trái lại. Chúng ta hãy nói rằng đấy là để thỏa mãn tính hiếu kỳ tự nhiên của tôi…
– Và chắc chắn cũng là để “thỏa mãn tính hiếu kỳ tự nhiên của ông” mà hôm kia ông đã có mặt tại nhà ông nha sĩ đáng ghét ấy phải không?
Poirot lắc đâu.
– Hình như ông quên rằng khi mà người ta ở trong phòng đợi của một nha sĩ, đấy có thể là người ta cần chữa răng. Đấy là trường hợp của tôi.
– Thực thế à? Ông đến để khám?
– Tôi thừa nhận điều đó.
– Này! Ông Poirot, ông tha lỗi cho tôi, nhưng tôi không tin ông!
– Tùy ông – Poirot trả lời – Nhưng thế thì, tôi có thể hỏi ông điều mà chính ông làm ở trong cái phòng chờ ấy không?
Ông Raikes cười khẩy.
– Tôi đến chữa răng như ông.
– Ông đau sao?
– Ông đã nói điều đó.
– Thế nhưng, ông đã đi về không gặp nha sĩ.
– Rồi sao nữa? Điều đó có quan hệ đến tôi?
Có một sự im lặng mà Raikes phá vỡ để nói bằng một giọng đã mất hết mọi sự mỉa mai:
– Ông không tin rằng chúng ta đã nói để không nói gì hết? Ông ở đấy để bảo đảm sự bảo vệ ông khách lớn của ông. Đã không xảy ra điều gì cho ông ấy. Thế thì ông phàn nàn gì nữa? Ông Alistair Blunt thân mến của ông đang khỏe mạnh. Ông không có gì chống tôi. Thế thì…?
– Ông dã đi đâu, khi ông đột ngột đi ra khỏi phòng đợi?
– Tôi đã rời ngôi nhà.
– A!
Poirot nhìn lên trần nhà.
– Nhưng – ông nói – không ai thấy ông đi ra cả.
– Có quan trọng gì?
– Có thể có đấy. Ông chớ quên rằng có ai đó đã chết trong cái nhà ấy, một lát sau.
– Ông muốn nói về nha sĩ?
– Đúng vậy.
Raikes nhìn vào mắt Poirot.
– Ông muốn kết tội tôi đã giết ông ấy? – Ông ta nói – Đây là ý định của ông? Này! Tốt nhất là từ bỏ đi! Tôi vừa đọc báo tường thuật cuộc điều tra tiến hành hôm qua. Cái lão đáng thương ấy tự tử, vì ông ta đã phạm một lỗi lầm nghề nghiệp kéo theo cái chết của một trong những người bệnh của ông ta.
Poirot tỏ ra không nghe thấy.
– Ông có thể chứng minh rằng ông đã đi ra khỏi ngôi nhà vào giờ mà ông định không? – Ông hỏi – Có ai có thể nói rằng ông đã ở đâu vào khoảng giữa mười hai giờ trưa và một giờ chiều không?
Raikes nhìn chằm chằm vào mắt của Poirot.
– Ông nhất thiết muốn rằng đấy là tôi? Blunt ở đấy, hẳn là thế!
Poirot thốt ra một tiếng thở dài bực mình.
– Ông thứ lỗi cho tôi – ông nói – nhưng điều đó tỏ ra là một sự ám ảnh ông. Tại sao ông luôn luôn nhắc đến Alistair Blunt? Tôi không làm việc cho ông ta, và tôi không bao giờ làm việc cho ông ta. Điều mà tôi quan tâm, không phải là ông Blunt và sự an toàn của ông ta, mà là cái chết của một con người trung thực, làm tốt công việc trong nghề nghiệp mà ông ta đã chọn.
Raikes lắc đầu.
– Tôi lấy làm tiếc – ông ta trả lời – nhưng tôi không tin ông. Ông có đồng ý hay không thì tùy nhưng ông là một cảnh sát làm việc cho Blunt, và thế là đủ rồi.
Nét mặt ông ta đanh lại và cúi xuống bàn, ông ta nói thêm:
– Dù thế nào đi nữa, ông nên nhớ rằng ông sẽ không cứu được ông ta đâu. Ông ta sẽ phải biến mất. Ông ta và tất cả cái mà ông ta đại diện. Chúng ta đi tới một trật tự mới, gạt bỏ tất cả những nhà tài chính biến chất ấy, tất cả những chủ ngân hàng ấy, những ngườ hình như đã dệt một mạng lưới nhện không rõ trên quả đất. Họ phải được quét dọn đi. Cá nhân tôi không có gì chống Blunt cả, trừ phi ông ta là hiện thân của mẫu những con người mà tôi ghét. Đấy là một con người tầm thường, nhưng người ta chỉ có thể thắng được với đinamit. Ông ta thuộc vào số người hay nói: “Anh không có quyền đựng vào trật tự đã được thiết lập” Thực không?… Này, chúng ta sẽ thấy điều đó. Trong cái xã hội mà chúng ta muốn, không còn chỗ nữa cho những người như Blunt, cho những cá nhân sống trong sự tôn thờ một quá khứ mà chứng ta ghét. Họ còn hàng lô ở nước Anh, họ là những kẻ cổ hủ ù lì, biểu tượng lụ khụ của một thời đại đã qua đi. Chúng ta sẽ thủ tiêu họ và chúng ta sẽ tạo lập một thế giới mới. Ông hiểu chứ, một thế giới mới!
Poirot đứng dậy.
– Ông Raikes – ông nói – tôi thấy rằng ông là một người lý tưởng chủ nghĩa.
– Rồi sao nữa?
– Và bằng tư cách có thể ông ít bận tâm đến cái chết của một nha sĩ đáng thương.
– Thực tế nó có tầm quan trọng như thế nào nhỉ? – Ông Raikes thốt ra với giọng đầy khinh miệt.
– Nó không quan trọng đối với ông, nhưng nó quan trọng đối với tôi – Poirot trả lời nhẹ nhàng – Đấy đúng là sự khác nhau giữa ông và tôi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.