Một, Hai, Ba Những Cái Chết Bí Ẩn
Chương Hai (3)
V
Alfred bị chia xẻ giữa những tình cảm khác nhau. Vụ này, trong tổng thể, làm cho cậu vui thích, nhưng cậu bồn chồn lo lắng và sợ người ta khiển trách cậu về tất cả những điều đã xảy ra. Cậu mới đến làm việc cho ông Morley từ mười lăm ngày nay và trong hai tuần lễ ấy, cậu đã phạm nhiều điều dại dột và đã chuốc lấy nhiều lời quở trách chính đáng, làm cho sự tin cậy của ông chủ vào cậu đã hoàn toàn mất.
– Ông ấy càu cạu – cậu nói, trả lời cho một câu hỏi của Japp – nhưng tôi không bao giờ tin rằng ông ấy sắp tự tử cả.
Poirot nói xen vào:
– Cần phải nói cho chúng tôi biết tất cả cái mà cậu có thể nhớ được về những điều đã xảy ra buổi sáng ấy. Cậu là một người làm chứng hết sức quan trọng và cậu có thể có ích cho chúng tôi.
Mặt của cậu thanh niên chuyển sang màu đỏ tía, trong khi ngực cậu ta phồng lên. Cậu ta đã kể lại nhanh chóng với Japp về những sự kiện xẩy ra trong buổi sáng. Bây giờ, cậu ta phát triển thêm. Cậu ý thức được sự quan trọng của mình và điều nhận xét ấy đã làm vững lòng cậu.
– Tôi sẽ nói với các ông tất cả điều mà tôi biết – cậu trả lời – Các ông cứ đặt cho tôi những câu hỏi…
– Chúng ta hãy bắt đầu bằng sự bắt đầu – Poirot nói – Sáng nay, cậu có nhận thấy điều gì khác thường không?
– Không. Giống như tất cả các buổi sáng khác.
– Có người lạ vào nhà không?
– Không, thưa ông.
– Ngay cả những người bệnh?
– A! Tôi không nghĩ tới họ. Họ đều có hẹn cả, nếu ông biết điều đó. Họ đều có ghi tên.
– Không có ai có thể lén vào nhà hay sao?
– Chắc chắn là không. Cần phải có chìa khóa.
– Dù thế nào đi nữa, người ta có thể đi mà không ai để ý chứ.
– Điều đó đúng. Chỉ cần xoay núm cửa ngoảnh ra đường là người ta đi mất. Như tôi đã nói, hầu hết tất cả người bệnh không phải dẫn trở ra. Thường thường, tôi thấy họ đi xuống cầu thang trong khi tôi dẫn một người khác ra thang máy…
– Được… Nói cho chúng tôi biết về những người bệnh sáng hôm ấy… Nếu cậu không nhớ tên của họ thì cứ tả hình dáng cũng được.
Alfred suy nghĩ một phút trước khi bắt đầu.
– Trước hết – cậu nói – có một bà, với một cháu gái đến chỗ ông Reilly, và một bà Soap hoặc một cái tên như thế đến chỗ ông Morley.
– Rất tốt.
– Rồi có một bà già, hơi huênh hoang đến bằng xe Daimler. Khi bà này đi, thì có một ông to lớn giống một sĩ quan mặc thường phục và gần như ngay sau đó, là ông…
– Đúng – Poirot nói.
– Sau đó, có một người Mỹ…
– Người Mỹ? – Japp hỏi.
– Vâng, thưa ông. Một thanh niên. Đấy đúng là một người Mỹ, qua cách nghe giọng nói của ông ta. Ông ấy đến sớm. Ông được hẹn vào mười một giờ rưỡi. Và thật lạ là ông ta đã không chờ.
– Tại sao thế?
– Đấy, như điều mà tôi đã nói với ông. Tôi đi gọi ông ta, khi ông Reilly báo chuông cho tôi vào mười một giờ rưỡi, đúng hơn là mười hai giờ kém hai mươi – thì ông ta không còn ở đấy nữa. Chắc chắn là ông ấy đã mất kiên nhẫn và bỏ đi…
– Thế thì – Poirot nói – ông ấy đã phải đi ra sát sau tôi?
– Vâng, thưa ông. Khi ông đi ra, tôi vừa dẫn lên phía trên, một ông đến bằng xe Rolls. Và xin lỗi, đấy là xe của ông Blunt! Đã mười một giờ rưỡi. Khi trở xuống lại, tôi đã đưa ông ấy ra cửa và tôi đưa một bà vào. Cô Some Berry Seal, hoặc cái tên gì đó giống như thế. Lúc đó, tôi quành vào bếp để kiếm miếng gì ăn, khi tôi đến đấy được hai phút thì hiệu báo của ông Reilly réo lên. Tôi lại trèo lên và như tôi đã nói với ông, người Mỹ ấy đã đi rồi. Tôi nói điều đó với ông Reilly… và ông ấy đã chửi rủa hết lời như thường xảy ra.
– Nối tiếp đi – Poirot bảo – Cái gì đã xảy ra sau đó?… Chúng ta hãy xem qua…
– A! Đúng rồi!… Ông Morley gọi… Lần này là cô Seal… Tôi đã tìm cô ấy. Ông Blunt xuống cầu thang vào lúc tôi đang ở trong thang máy với cô này; điều cực khó tả. Khi tôi xuống lại, thì có hai ông đến. Có một ông người bé nhỏ có giọng nói the thé, đến chỗ ông Reilly. Ông kia, tôi đã đưa ông ấy đến chỗ ông Reilly ngay sau khi ông đến.
– Và người ngoại quốc ấy, ông Amberiotis – Japp hỏi – cậu có thấy ông ấy đi ra không?
– Không, thưa ông. Ông ấy đi ra một mình, chắc chắn như vậy! Như ông kia, mà tôi cũng không thấy ra…
– Từ chính trưa trở đi, cậu ở đâu?
– Thưa ông, ngồi trong thang máy. Chính ở đây mà tôi chờ người ta bấm chuông ở cửa vào hoặc người ta gọi tôi bằng các hiệu báo.
– Và tôi giả thiết rằng – Poirot nói – cậu đang đọc?
Alfred đỏ mặt.
– Không có hại gì cho điều đó cả – Cậu trả lời – Không giống như, nếu tôi làm việc khác.
– Tất nhiên – Poirot nói – Cậu đọc cái gì?
– Một cuốn tiểu thuyết trinh thám Mỹ, thưa ông. Cái chết xẩy ra lúc 11giờ 45. Một mánh khóe tuyệt vời. Đồng bọn Gangxtơ…
Poirot mỉm cười và đặt ra một câu hỏi mới:
– Nếu người ta đã đóng cửa lại, thì cậu ở đâu, cậu có nghe thấy không?
– Nếu ai đó đi ra?… Điều đó, tôi không tin! Có lẽ tôi nghe thấy, nhưng không chú ý tới! Ông hiểu đấy, cái thang máy ở vào chỗ trong cùng của đại sảnh, chỗ rẽ của hành lang. Chính cái chuông báo vào và các hiệu báo là ở đây.
– Rồi sau đó? – Japp hỏi.
Alfred nhăn trán, cố gắng nhớ lại những ký ức của mình.
– Chỉ còn lại – cậu nói – một bà cuối cùng là cô Shirty. Tôi theo dõi cái hiệu báo của ông Morley nó không bao giờ ở màu trắng cả và tôi thật lòng nói với ông rằng tới một giờ, cái bà phải chờ mãi bắt đầu khó chịu…
– Cậu có ý trở lên hỏi ông Morley xem ông có quên bà ấy không ?
Alfred gật đầu mạnh mẽ vì sáng kiến ấy đã chứa đựng những sự rủi ro.
– Ông nhớ rằng tôi đã hết sức tránh điều đó – Cậu kêu lên – Trước hết, ông kia phải luôn luôn ở trên kia. Và tiếp sau, tôi phải chờ ông chủ gọi tôi. Tất nhiên, nếu tôi biết ông ấy đã tự tử…
Cậu lắc đầu buồn bã.
– Cái hiệu báo, reo lên trước hay sau khi các người bệnh đi rồi? – Poirot hỏi.
– Cũng tùy! Trong phần nhiều trường hợp, khi chuông réo, người bệnh đang xuống cầu thang. Khi ông ta gọi thang máy, thường thường nó chuyển động trong khi đi xuống. Nhưng tất cả điều đó đã thay đổi. Ông Morley thường chờ hai đến ba phút trước khi gọi người bệnh tiếp theo, nhưng khi ông ấy vội, thì người kia chưa ra khỏi phòng, ông đã bấm chuông gọi tới…
Tất cả im lặng, rồi Poirot hỏi người phục vụ trẻ xem cái chết của ông chủ có làm cho cậu ngạc nhiên không.
– Ông có thể nói rằng tôi đã ở lại phía sau – Alfred trả lời – Theo tôi, hình như ông ấy không có một lý do nào để tự sát cả.
Một ý nghĩ bỗng nhiên đập mạnh vào cậu ta. Tròn xoe mắt, cậu nói thêm:
– Hay là, người ta đã giết ông ấy?
Poirot trả lời, không để cho Japp có thời gian nói:
– Điều đó làm cậu sửng sốt hay sao?
– Nói thực, thưa ông, tôi không biết nhiều. Tôi không thấy ai có thể muốn giết ông Morley cả. Đấy là một người rất… rất tầm thường. Ông thực sự tin rằng người ta đã giết ông ấy hay sao?
– Chúng ta phải dự tính tất cả mọi khả năng – Poirot trịnh trọng nói – nên hồi nãy tôi đã báo cho cậu biết rằng cậu là một nhân chứng rất quan trọng và cậu phải cố gắng nhớ lại một cách rất chính xác tất cả những cái gì đã xảy ra sáng nay.
Khuôn mặt căng thẳng của cậu thanh niên đã cho thấy rõ thiện ý của cậu ta.
– Thực tế – cuối cùng cậu nói – tôi không thấy gì khác.
Giọng nói đầy bi thảm.
– Cảm ơn cậu Alfred. Cậu chắc chắn rằng trừ những người bệnh ra, không ai vào trong nhà sáng nay?
– Không có một người lạ nào, thưa ông, tôi xin bảo đảm. Dĩ nhiên, tôi không nói tới người bạn trai của cô Nevill, đã đi qua và đã làm khá ầm ỹ, khi anh ấy không thấy cô ta ở đấy.
– Anh ấy đến vào lúc nào? – Japp hỏi.
– Sau chính trưa một chút. Khi tôi bảo cô Nevill vắng mặt cả ngày, anh ta có vẻ sững sờ và nói là anh ta sẽ chờ để gặp ông Morley. Tôi đã trả lời là ông chủ sẽ bận đến giờ ăn trưa, nhưng anh ta đã nói: “Không hề gì! Tôi sẽ chờ”.
Rồi Alfred bỗng sững sờ:
– Chà! – Cậu kêu lên – Tôi không nghĩ đến điều đó. Anh ta vào trong phòng đợi, nhưng đã không còn ở đấy nữa, khi tôi trở lại. Chắc là anh ta đã bỏ đi vì đã chán việc chờ đợi, rồi tự nhủ rằng mình sẽ trở lại sau…
VI
– Ông tin rằng ông đã làm được việc nói lên khả năng về một vụ giết người trước chàng trai này chăng? – Japp hỏi Poirot, sau khi Alfred đi rồi.
– Tôi tin là như vậy – Poirot trả lời – Ý nghĩ đó sẽ tác động đến trí nhớ của cậu ta như một chất kích thích và những sự việc mà cậu ta có thể đã thấy hoặc đã nghe có lẽ sẽ trở lại trong trí óc cậu. Mặt khác cậu ta sẽ chú ý nhìn những điều có thể đã xảy ra ở trong nhà…
– Tôi muốn điều đó – Japp thừa nhận – Vả chăng, không mong muốn người ta nói đến vụ ám sát quá sớm…
– Ông bạn thân mến ơi, ý kiến của Alfred không ích lợi cho ai cả. Cậu ta đọc tiểu thuyết trinh thám, cậu chỉ nghĩ đến các tội ác và những kẻ phạm tội và tất cả những điều mà cậu ta có thể nói sẽ bị đổ lỗi cho trí tưởng tượng quá mức của cậu…
– Có lẽ ông có lý – Japp nói – Chúng ta đi gặp Reilly đi, có thể ông ấy có điều gì đó để nói với chứng ta.
* * *
Nằm ở tầng hai, phòng của ông Reilly cũng rộng như phòng của ông Morley, nhưng kém sáng hơn và trang bị đồ đạc ít xa xỉ hơn.
Người cộng tác của ông Morley là một thanh niên to lớn tóc nâu, một mớ tóc rủ xuống trán. Reilly có con mắt sắc sảo và giọng nói dễ chịu.
– Ông Reilly, chúng tôi hi vọng rằng ông có thể phát ra một ánh sáng nào đó vào vụ này – Japp tuyên bố, sau khi đã giới thiệu xong.
– Tôi rất sợ làm thất vọng các ông – Reilly trả lời – Cái điều duy nhất mà tôi có thể nói là vụ tự tử của Henry Morley là một điều không thể tưởng tượng được! Nếu tôi thì có lý hơn.
– Ông có những lý do để tự sát ư? – Poirot hỏi.
– Vâng, vì tôi không thiếu những điều bực bội. Bắt đầu bằng những chuyện buồn phiền về tiền bạc. Tôi không bao giờ cân đối được giữa chi và thu. Morley là một người biết sắp xếp. Mặt tài chính của ông thì tuyệt vời. Các ông sẽ không tìm thấy các món nợ ở ông ấy đâu.
– Có nỗi buồn và tình yêu thì sao? – Japp gợi ý.
– Không bao giờ. Ông ấy không biết lợi dụng cuộc sống. Ông ấy thường lệ thuộc hoàn toàn vào bà chị.
Japp yêu cầu Reilly nói về những người bệnh mà ông đã gặp trong buổi sáng.
– Tất cả đều là những người rất tốt – Reilly trả lời – Cháu bé gái Betty Heath là một cháu bé dễ thương mà tôi đã chữa cho cả gia đình. Đại tá Abercrombie, ông ấy cũng vậy, là một trong những người quen biết cũ của tôi.
– Và ông Howard Raikes?
Reilly nhăn mặt.
– Có phải cái ông đã bỏ đi trước đây không? Tôi chưa bao giờ nghe nói tới nên không biết gì về ông ta cả. Ông ấy hẹn với tôi qua điện thoại, nằn nì tôi nhận vào sáng nay.
– Ông ấy đã gọi ông từ đâu?
– Từ khách sạn Holborn Palace. Tôi tin rằng đấy là một người Mỹ.
– Đấy là ý kiến của Alfred.
– Cậu ấy phải biết ông ta! Cậu ấy suốt ngày chui vào chiếu bóng.
– Người bệnh khác là ông Barnes, phải không?
– Vâng. Đây là một con người nhỏ bé, tỉ mỉ, làm cho tôi vui lắm. Một quan chức về hưu, sống ở phía Ealing.
Japp hỏi cảm tưởng của Reilly về cô Nevill. Nha sĩ cười:
– Cô thư ký tóc hoe và đẹp? – Ông nói – Ông sẽ phí thì giờ nếu ông tìm về phía đó. Quan hệ của cô ấy với Morley là đứng đắn, không chê trách vào đâu được, tôi tin chắc vào điều đó.
– Nhưng – Japp đáp lại, má hơi hồng đỏ – tôi không bao giờ khẳng định điều ngược lại.
Reilly xin lỗi.
– Tôi nghĩ rằng – ông ta giải thích – ông nghĩ tới câu ngạn ngữ cũ của Pháp: “Hãy tìm người đàn bà”.
Ông ta đọc những từ này bằng tiếng Pháp.
– Ông Poirot, xin ông tha lỗi cho tôi là đã diễn đạt bằng ngôn ngữ của ông – ông nói thêm – Tôi có một cái giọng tốt, phải không? Tôi biết tiếng Pháp là nhờ các nhà tôn giáo, những người đã nuôi tôi…
Japp, mà sự bông lơn đã bắt đầu làm mếch lòng, cuối cùng phải đặt ra một câu hỏi với giọng cụt ngủn:
– Ông có biết người chồng chưa cưới của cô Nevill không? Một anh chàng Frank Carter nào đó, nếu tôi không nhầm…
– Morley không nghĩ tốt lắm về anh chàng ấy – Reilly trả lời – Ông ta đã khuyên cô Nevill đừng gặp anh ta nữa.
– Có tin rằng anh Carter đã khá khó chịu về sự can thiệp đó không?
– Rất có thể.
Luôn luôn mỉm cười, Reilly nói thêm, sau một lúc im lặng:
– Tôi xin lỗi ông, nhưng ông điều tra về một vụ tự tử hay một vụ giết nguời?
Japp trả lời tức khắc:
– Nếu đấy là một vụ ám sát, ông có tìm được một sự giải thích không?
– Chắc chắn là không – Reilly nói to lên với thái độ vui vẻ – Theo tôi, sẽ không làm cho tôi ngạc nhiên nếu kẻ giết người là Georgina, một người đàn bà u sầu, ám ảnh bởi ý nghĩ rằng mọi người uống quá nhiều rượu, nhưng ở cô này có quá nhiều tình cảm tốt đẹp để có thể giữ lại giả thuyết ấy. Tất nhiên tôi có thể trèo lên phòng của Morley và giết ông ta, nhưng tôi đã không làm điều đó… và tôi không tưởng tượng được rằng ai đó muốn giết ông ấy. Thực tế là tôi càng không thể có ý nghĩ là ông ấy tự sát.
Bằng một giọng rất khác, ông nói thêm:
– Thực tế cái chết của ông ấy đã gây cho tôi nhiều sự khó khăn. Xin ông chớ đánh giá tôi ở bề ngoài. Tôi hơi căng thẳng thần kinh… thực ra, tôi yêu ông Morley, và tôi sẽ thiếu ông ta.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.