THEO DẤU CHÂN VOI
Nơi lần đầu tiên người ta nói về voi
Không thấy ông bạn Hercule Poirot tại nhà ông, bà Oliver phải cầu cứu đến điện thoại.
– Tối nay ông có nhà không? – Bà hỏi không lời mào đầu.
Mấy ngón tay của bà bồn chồn gõ lên mặt chiếc bàn nhỏ bên trên là bộ máy điện thoại.
– Có phải là…
– Ariane Oliver. – Nhà tiểu thuyết nói. Bà luôn ngạc nhiên vì các bạn của bà không nhận ngay ra tiếng mình.
– Vâng, tôi ở nhà suốt cả buổi tối. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ rất sung sướng nếu được bà đến chơi phải không ạ?
– Ông rất tử tế đề cập đến vấn đề đó, vì tôi không chắc chắn rằng cuộc viếng thăm đó làm ông dễ chịu đâu.
– Tôi luôn luôn thích được gặp bà, thưa bà Oliver thân mến.
– Tuy nhiên, có thể tôi đến quấy rầy ông. Tôi muốn hỏi ý kiến ông về một vấn đề gây phiền nhiễu cho tôi.
– Tôi luôn sẵn sàng giúp mọi người ý kiến của mình. – Nhà thám tử trả lời một cách khiêm tốn. Đó không phải là đức tính duy nhất của ông.
– Có một cái gì đấy gây cho tôi lo lắng, và tôi không biết làm gì.
– Vậy thì, bà bạn thân mến, tôi rất cảm động để tiếp bà.
– Giờ nào hợp với ông?
– Chín giờ có được không? Chúng ta sẽ dùng cà-phê, trừ phi bà thích xi-rô cát-xít. Nhưng không, tôi nhớ là bà không thích thứ đó.
Ngay khi đặt ống nghe điện thoại xuống, Poirot quay về phía Georges, người giúp việc trung thành của ông.
– Này anh bạn của tôi – Ông nói – tối nay chúng ta sẽ vui sướng được đón tiếp bà Oliver. Tôi nghĩ rằng cần phải có cà-phê và có thể cả rượu mùi nữa. Tôi không biết chính xác bà ấy thích gì.
– Thưa ông, đôi khi tôi thấy bà ấy dùng rượu trắng anh đào.
– Và hình như cả kem bạc hà nữa. Nhưng chắc chắn là bà ấy thích rượu trắng anh đào.
*
Bà Oliver đến đúng giờ đã hẹn. Trước đó, trong suốt bữa ăn tối, Poirot tự hỏi rằng lý do gì khiến cho có cuộc viếng thăm bất ngờ này và tại sao nhà tiểu thuyết lại không quyết đoán trong cách cư xử của bà? Bà ấy có dành cho ông một vấn đề khó khăn nào đấy không hoặc bà ấy đến cho ông biết một vụ tội phạm? Ông không lạ gì đối với bà Oliver – người có thể chờ đợi tất cả: từ việc tầm thường nhất đến vụ lạ lùng nhất. Đã có những lần bà ấy làm ông gần như bực tức, nhưng đồng thời lúc đó ông thấy rất gắn bó với bà.
Khi nhà tiểu thuyết bước vào, ông đã hiểu rằng ông không lầm: bà tỏ ra thực sự lo âu. Ông đón bà với sự xã giao quen thuộc của mình, mời bà ngồi, mời bà dùng cà-phê và mời bà một ly rượu trắng anh đào.
– A! – Bà Oliver bắt đầu bằng một cái thở dài – Tôi nghĩ rằng ông sẽ cho tôi là một người hết sức khờ dại. Tuy nhiên…
– Tôi đọc báo phát hành buổi chiều nay và biết hôm nay bà đã dự một buổi chiêu đãi các nhà văn. Tôi tưởng bà không đến đấy bao giờ.
– Tôi thường đi dự các buổi cốc-tai, nhưng hiếm đi dự các buổi chiêu đãi, đúng thế. Và tôi cũng không quan tâm nhiều.
– Bữa đó không làm bà vui ư?
– Có, trong một chừng mực nào đó. Nhưng sau đấy, có một cái gì chán phiền.
– Và chính điều đó đã giục bà đến chơi nhà tôi?
– Phải. Điều đó không liên quan gì đến ông, và tôi không nghĩ là loại việc làm ông thích thú. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng muốn biết ý kiến ông và ông sẽ làm gì ở địa vị tôi?
– Điểm cuối cùng đó rất tế nhị. Tôi biết rằng tôi, Hercule Poirot, sẽ hành động như thế nào trong tất cả các trường hợp, nhưng tôi không biết bà sẽ hành động như thế nào.
– Ông có thể cho một ý kiến. Ông biết tôi từ rất lâu…
– Khoảng hai mươi năm, nếu tôi không lầm.
– Tôi không biết một cách chính xác. Tôi không bao giờ nhớ được ngày tháng. Tôi biết ông năm 1939, ngày đầu của cuộc chiến tranh, một vài người ở đây đó có quan hệ với những sự kiện đặc biệt…
– Trở lại buổi chiêu đãi giữa các nhà văn, bà không ưa thích bữa ăn đó?
– Tôi thích bữa ăn trưa trong buổi chiêu đãi. Chỉ có sau đấy… một trong những người phụ nữ bệ vệ, có vẻ độc đoán đã xông thẳng vào tôi, gần như người ta vồ bắt một con bướm. Bà ấy đẩy tôi đến một cái ghế tràng kỷ và bắt đầu nói về một trong những người con gái đỡ đầu của tôi, mà tôi không gặp từ nhiều năm nay. Bà ta muốn biết… Lạy Chúa tôi, thật khó nói cho ông biết điều đó…
– Trái lại – Poirot nhẹ nhàng nói – rất dễ dàng. Cuối cùng mọi người sẽ nói tất cả cho tôi, điều đó dễ hiểu, vì tôi là người nước ngoài.
– Đó là bà ta hỏi tôi về cha mẹ của người con gái trẻ tuổi đó. Bà muốn biết “bố cô ấy đã giết chết mẹ cô ấy, hay ngược lại”.
– Bà nói gì đấy ạ?
– Ôi, bây giờ tôi biết rằng điều đó hình như ngớ ngẩn…
– Bà ấy muốn biết rằng cha của cô con gái đỡ đầu của bà đã giết chết mẹ cô ấy, hay mẹ cô ấy giết chết cha cô ấy, có phải thế không ạ?
– Đúng, chính xác.
– Nhưng… có phải người này hay người kia?
– Người ta tìm thấy cả hai bị giết bởi một viên đạn súng lục ở trên cao vách núi, điều đó xảy ra cách đây mười lăm năm. Nhưng tại sao bà ta lại đến hỏi tôi vấn đề đó, hỏi riêng tôi?
– Đơn giản là vì bà viết tiểu thuyết trinh thám, và bà ta cho là bà phải thông thạo về tội phạm học. Thảm kịch bà ta nêu lại có thật.
– Tất nhiên. Nhưng tôi sẽ cố gắng kể cho ông biết điều mà tôi rõ. Đó là phu nhân Ravenscroft và người chồng là ngài Ravenscroft. Người phụ nữ trẻ đó trước đây học cùng trường với tôi, và tôi biết rõ bà ấy, dù rằng chúng tôi không thực sự thân nhau lắm. Ông ấy là một sĩ quan và cuộc đời binh nghiệp của ông hầu như trải qua ở bên kia đại dương. Trở về nước Anh, họ mua một ngôi nhà tại Kent. Rồi bỗng nhiên nổi cộm lên thảm kịch mà tất cả báo chí thời đó nói đến. Người ta tự hỏi có phải hai vợ chồng đó bị ám sát hay họ tự giết lẫn nhau. Tôi nhớ vũ khí là một khẩu súng lục của ngài Ravenscroft…
Oliver kể cho Poirot tất cả chi tiết mà bà có thể nhớ lại.
– Tại sao – Sau cùng nhà trinh thám hỏi – người đàn bà ấy muốn biết điều mà, theo câu chuyện của bà, hình như chưa được làm sáng tỏ.
– Đó chính là điều mà tôi muốn biết. Tôi có thể dễ dàng tìm ra Célia ở Luân Đôn hay vùng phụ cận. Tôi biết cô ấy đã có bằng cử nhân và đang dạy tại một trường trung học. Thỉnh thoảng, tôi có tin về cô ấy như một thiệp Noel hoặc vào những dịp hiếm có…
– Cô ấy chưa có chồng?
– Chưa. Nhưng, chắc là cô ta dự định kết hôn với Desmond Burton-Cox, con trai của người đàn bà mà tôi đang nói với ông.
– Chắc bà ta không muốn có cuộc hôn nhân này vì vụ việc cũ đó.
– Dù thế nào đi nữa, đó là lời giải thích duy nhất mà tôi có thể chấp nhận được Nhưng các chi tiết của tấn thảm kịch đó có tầm quan trọng gì đối với bà ta? Hoặc là người cha giết người mẹ, hoặc là người mẹ giết người cha, tôi không thấy rõ…
– Tôi thấy câu hỏi của bà Burton-Cox thực khá lạ lùng. Điều đó đáng phải suy nghĩ. Có lẽ tâm trí bà ấy hơi mất thăng bằng. Bà ta có gắn bó với con trai của bà ấy không?
– Chắc có.
– Chắc bà ta sợ cô con gái bị một chứng bệnh gì của người chết di họa phải không ạ?
– Làm sao tôi biết được. Bà ta nghĩ là tôi có thể nói cho bà ta điều đó. Nhưng bà ấy không kể nhiều với tôi. Theo ý ông, đằng sau tất cả điều đó là cái gì? Điều đó thực sự có nghĩa là gì?
– Khám phá được điều đó sẽ khá thú vị. – Poirot trả lời với giọng từ tốn.
– Chính vì lẽ đó mà tôi đến gặp ông. Tôi biết rằng ông thích khám phá các mặt bí ẩn của sự việc.
– Bà có nghĩ rằng bà Burton-Cox có nặng về một ý nghĩ nào không?
– Ông muốn hỏi rằng bà ấy muốn biết rõ hơn chính người chồng phạm tội hay là người vợ?
– Lạy Chúa, tôi không thấy bà ta tỏ ra chú trọng nhiều đến một phía nào.
– Vâng. Tôi hiểu bà. Tôi hiểu rằng sau một buổi chiêu đãi, người ta hỏi bà một việc tế nhị và bà muốn biết cách xử lý tốt nhất một việc như thế.
– Theo ý ông, cách xử lý tốt nhất là gì?
– Thật khó cho tôi có ý kiến vì tôi không phải là một phụ nữ. Xem nào! Một người cho đên bây giờ không quen biết bà trình bày với bà một vấn đề mà không cung cấp lý do thực sự. Tôi nghĩ rằng có ba giải pháp để lựa chọn. Giải pháp thứ nhất là, nói với người đàn bà đó: “Tôi lấy làm tiếc, tôi biết rằng tôi thực sự không thể giúp được bà cái gì”, hoặc là một vài câu tương tự như thế. Giải pháp thứ hai là bà liên lạc với cô con gái đỡ đầu của bà và cho cô biết câu hỏi mà mẹ của vị hôn phu của cô đã hỏi bà. Có đúng là anh chàng biết cuộc vận động của mẹ anh ta không? Cũng có thể có các điều thú vị khác để xác thực. Ví dụ, biết ý nghĩ của người con gái về bà Burton-Cox. Sau cùng, bà có thể chọn giải pháp thứ ba, và đó là giải pháp cuối cùng mà tôi nhiệt tình khuyên bà…
– Tôi biết. Giải pháp đó chỉ có bốn từ phải không?
– “Không biết gì hết”.
– Phải. Thực vậy, tôi thấy rằng đó là giải pháp tốt nhất. Không làm gì hết. Nhưng…
– Nhưng – Poirot ngắt lời – có một điều gọi là sự tò mò của con người!
– Tôi chỉ muốn biết lý do thực sự đã đẩy người đàn bà đó đến đặt cho tôi một vấn đề khá kì quặc. Khi tôi biết điều đó, tôi có thể thanh thản và quên mọi việc. Nhưng cho đến bây giờ, tôi biết rằng…
– Rằng bà sẽ không ngủ yên, bà thức dậy giữa đêm hôm, và – như tôi biết – những ý tưởng lạ lùng nhất sẽ chiếm tâm trí bà. Ý tưởng mà bà có thể, sau này, đưa vào trong một cuốn tiểu thuyết của bà.
– Quả thật, tôi nghĩ rằng điều đó có thể được, nếu người ta xem xét vấn đề này dưới góc độ đó – bà Oliver đáp với sự nồng nhiệt trong đôi mắt.
– Sự tò mò là một điều hấp dẫn. Chúng ta có nhiệm vụ đối với nó? Tôi không biết ai đã tạo ra nó. Có thể là những người Hy Lạp. Họ muốn biết. Trước họ, theo tôi biết, không một ai thực sự tỏ ra cần phải hiểu biết. Sau họ, người ta muốn biết cái tại sao của sự việc. Và vì thế chúng ta có các tàu thủy, đường sắt, máy bay, bom nguyên tử, penixilin và bao nhiêu điều khác. Một người nhìn nắp vung nồi tự bật lên dưới sức đẩy của hơi nước, và chúng ta có những chiếc tàu hỏa. Rồi thì những sự đình công của xe lửa. Và tất cả là thế.
– Ông có coi tôi như một kẻ tò mò ghê gớm không?
– Không tò mò một chút nào. Trái lại, tôi nghĩ rằng, sự tò mò của bà không đi quá mức bình thường. Nhưng, xem nào, thảm kịch mà bà nhắc đến, người ta có phát hiện ra lý do không?
– Thực ra thì không. Vì hai vợ chồng tỏ ra rất hòa thuận với nhau. Và bây giờ, sau từng ấy năm, tôi không nghĩ rằng người ta có thể phát hiện ra.
– Ồ, có chứ! – Poirot đáp – Tôi thấy có thể phát hiện được. Qua những người bạn trong nghề, tôi có thể biết kết quả của việc điều tra và chắc chắn còn được xem cả hồ sơ nữa.
– Ông có thể làm được à? – Bà Oliver hỏi với một tia hy vọng trong đôi mắt.
– Chắc chắn. Nhưng tất nhiên, điều đó đòi hỏi một thời gian nhất định.
– Trong trường hợp đó, tôi muốn nói rằng nếu ông chấp nhận, tôi cũng sẽ phải làm một điều gì đó. Ví dụ, tiếp xúc với cô con gái và cố gắng tìm hiểu xem cô ấy có biết gì về vụ việc đó không. Tôi cũng muốn làm quen với chàng trai trẻ mà cô ta sẽ kết hôn.
– Đồng ý. Như thế sẽ tuyệt vời.
– Tôi nghĩ rằng có thể có những người…
– Đây là một vụ việc xảy ra trong quá khứ – Poirot nói với một tiếng thở dài – chắc chắn đó là một vụ việc nổi tiếng. Nhưng mà vụ việc nổi tiếng là cái gì khi người ta nghĩ đến, nếu nó không đưa đến một kết cục ngoạn mục, không có gì để nhớ đến cả.
– Đúng vậy! – Bà Oliver công nhận – Người ta nói rất nhiều trên báo chí đương thời, và rồi tất cả đều mờ nhạt đi…
– Vâng, vấn đề rất khó. Nếu cảnh sát không thể phát hiện được lúc thảm kịch xảy ra, có nghĩa là vụ việc không dễ dàng tí nào.
– Tôi vẫn có thể đến gặp con gái đỡ đầu của tôi. Có thể chính tại điểm này mà bà Burton-Cox muốn xem tôi làm phải không? Chắc chắn bà ấy nghĩ rằng cô con gái biết một số chi tiết nhất định về vụ việc. Có thể được. Trẻ con có khả năng phát hiện các điều bất thường nhất.
– Cô ấy bao nhiêu tuổi khi cha mẹ chết?
– Chín hoặc mười tuổi. Lúc xảy ra thảm kịch, cô ấy đang ở ký túc xá một trường trung học.
– Có thể cô ấy đã nói chuyện này với vị hôn phu của cô ấy và sau đấy người con trai đã cho mẹ mình biết. Tôi sẽ không ngạc nhiên là bà Burton-Cox đá hỏi người con gái và đã bị cự tuyệt thẳng thừng. Vậy là bà ta nghĩ rằng bà Oliver, người mẹ đỡ đầu của cô con gái, có thể sẽ có được những tin tức. Mặc dầu tôi không biết được tầm quan trọng của các tin tức đó đối với bà ta. Suy nghĩ như vậy, tôi thấy rằng con người ta – để dùng từ ngữ mơ hồ mà bà đã dùng – tỏ ra cần phải có một sự cầu cứu, với điều kiện là họ nhớ. Nhưng họ có thực sự nhớ không?
– Lúc này tôi nghĩ tới những con voi.
– Các con voi?
Một lần nữa, Poirot tự nói rằng bà Oliver chắc chắn là người phụ nữ khó hiểu nhất.
– Chính trong bữa chiêu đãi đó mà tôi nghĩ như vậy. – Nhà tiểu thuyết nói tiếp.
– Vì lý do gì? – Poirot hỏi có vẻ suy nghĩ.
– Thực ra tôi nghĩ đến cái răng. Ông biết không, khi ông ăn một cái gì, nếu ông có những chiếc răng giả, ông thường thấy không thoải mái. Ông phải biết cái gì có thể ăn được và cái gì cần phải tránh không ăn.
– Tôi biết. – Nhà thám tử trả lời và thở dài một cái.
– Rồi tôi nghĩ rằng, răng của chúng ta làm bằng xương, không phải là chất lượng cao và cũng không tốt như những cái răng bằng ngà của loài chó. Tất cả điều đó làm tôi nghĩ đến những con voi và những chiếc ngà rất lớn của chúng.
Poirot vẫn không nhận thấy người đối thoại với mình muốn đi đến đâu.
– Dần dần tôi đi đến kết luận là chúng ta phải tìm những người giống như voi. Vì loài voi không bao giờ quên, người ta nói vậy.
– Thật thế, tôi có nghe điều khẳng định như thế.
– Voi không bao giờ quên – Bà Oliver nhắc lại – Chắc ông biết câu chuyện người thợ may Ấn Độ một hôm luồn một chiếc kim vào vòi một con voi, lần gặp sau, con vật đó hút nước đầy vòi và phun ướt đẫm kẻ thù của nó. Mặc dù nhiều năm đã trôi qua, nhưng con voi không quên. Đấy, điều mà tôi phải làm là đi theo vết chân một vài con voi.
– Tôi không nắm được ý của bà. Bà xếp ai vào những con voi? Nghe bà nói, người ta có thể cho là bà định tìm tòi tin tức ở vườn bách thú.
– Không phải thế. Có những người có trí nhớ tốt như trí nhớ của những con vật da dày, và người ta thường nhớ đến những việc kỳ lạ. Tôi cũng vậy, có những sự kiện tôi nhớ rất rõ. Ví dụ, trong lễ kỷ niệm sinh nhật lúc tôi lên năm tuổi, tôi nhớ có một chiếc bánh màu hồng và một con chim bằng đường đậu trên nó. Tôi cũng nhớ ngày mà con chim hoàng yến của tôi sổ lồng và tôi đã khóc nức nở. Tôi nhớ một hôm tôi vào một bãi cỏ để chui vào gần như bốn chân của một con bò tót. Tôi nhớ một cuộc pic-nic tuyệt vời, chúng tôi đã hái những quả dâu và tôi đã hái được nhiều dâu hơn tất cả các bạn. Tôi đã dự hàng chục đám cưới, nhưng chỉ có hai đám cưới để lại cho tôi kỷ niệm lâu dài. Một đám là ở New Forest, và tôi làm phù dâu. Tôi nhớ đó là đám cưới của người em gái họ của tôi. Tuy nhiên tôi không thể nhớ những khách mời khác. Đám cưới thứ hai là đám cưới của một người bạn trai của tôi trong Hải quân. Tôi nhớ một hôm, anh ta suýt bị chết đuối, và cha mẹ cô gái không muốn cô ấy kết hôn với anh ta. Ông thấy không, có những sự kiện người ta rất nhớ.
– Tôi bắt đầu hiểu – Poirot nói – Bây giờ bà sẽ lao mình vào việc tìm kiếm những con voi.
– Phải. Tôi cố gắng nhớ lại những người tôi quen biết trong thời gian xảy ra thảm kịch, những người có thể có quan hệ ít nhiều với gia đình Ravenscroft, những người thường lui tới với họ khi họ sống ở Ấn Độ hoặc nơi khác. Sẽ không có phiền phức gì trong việc tìm kiếm những người mà lâu ngày ta không gặp, vì họ luôn sung sướng khi thấy một người nào đấy xuất hiện từ quá khứ. Và, tất nhiên, rồi họ nói với ta những sự kiện xảy ra trong thời kỳ đó…
– Rất lý thú – Poirot bình luận – Tôi nghĩ rằng bà rất thích hợp với kiểu tìm kiếm đó. Vậy, bà hãy lao mình vào con đường mòn của voi. Có thể rằng chúng sẽ nhớ lại, và tôi chúc bà thượng lộ bình an.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.