THEO DẤU CHÂN VOI
Quyển 1 : Những con voi – Bách khoa toàn thư của dì Alice
Cô Livingstone, cô làm ơn tìm cho tôi quyển sổ ghi địa chỉ của tôi.
– Thưa bà, quyển sổ ấy ở góc trái trên bàn giấy của bà.
– Ồ, tôi biết. Nhưng mà chính quyển năm ngoái tôi mới cần.
– Có thể người ta đã vứt nó đi.
– Không, tôi không bao giờ vứt các quyển sổ địa chỉ. Quyển sổ đó có thể tìm thấy trong một ngăn kéo của tủ ngăn ở bàn viết.
Cô Livingstone mới đến thay cô Sedgwick. Cô Sedgwick rất đáng quý, cô luôn biết nơi bà Oliver sắp xếp công việc và cô biết cả những nơi bà có thể để bừa bãi, cô nhớ tên những người mà bà Oliver gửi những bức thư dễ thương, cả tên những người làm cho bà phát bực rồi bà đã gửi những bức thư khó chịu. Phải, cô Sedgwick là vô giá. Gần như quyển sách to màu nâu mà tất cả các bà nội trợ thời nữ hoàng Victoria đều có: Tôi trả lời cho tất cả. Quyển sách đó đã bảo cho người ta làm cách nào để xóa mất những vết bàn là trên quần áo, làm cách nào để chữa nước sốt mayonne trở nên chua, những công thức đế viết cho một giám mục, và hàng ngàn chuyện khác… Công trình quý hóa đó trước đây là quyển sách gối đầu giường của dì Alice.
Cô Sedgwick cũng là một bách khoa toàn thư. Cô Livingstone không giống cô Sedgwick, cô ấy quan sát ta với đôi mắt tròn và lờ đờ trên khuôn mặt dài, cô ấy tin rằng cô ấy hoàn toàn tinh thông. Nhưng bà Oliver lại tin một cách ngược lại. Cô thư ký mới chỉ biết những nơi mà những người thuê cô trước đây sắp xếp công việc, và cô nghĩ rằng bà Oliver có thể cũng áp dụng những phương pháp sắp xếp đó.
– Cái mà tôi muốn – Nhà tiểu thuyết nói với giọng quả quyết của một em bé gái hư – đó là cuốn sổ của tôi năm 1970, và cả quyển năm 1969 nữa. Cô hãy tìm các quyển sổ đó càng nhanh càng tốt cho tôi.
– Tất nhiên, thưa bà, tất nhiên. – Cô thư ký trả lời. Cô đưa mắt nhìn xung quanh với cái nhìn lơ mơ của một người tìm kiếm một đồ vật mà chưa nghe nói bao giờ.
“Nếu ta không mượn lại Sedgwick ta sẽ điên đầu mất”. – Bà Oliver tự nhủ thầm.
Cô Livingstone bắt đầu lần lượt mở các ngăn kéo.
– Đây là quyển sổ năm ngoái – không lâu cô nói với một vẻ hài lòng – nó được điền vào một cách cập nhật, phải không? Đó là năm 1971.
– Không phải quyển sổ năm 1971.
Một kỷ niệm lờ mờ chạy qua trí óc của bà Oliver.
– Vậy thì tìm trong hộp trà để trên chiếc bàn một chân.
– Nhưng, thưa bà, một quyển sổ ghi địa chỉ không thể ở trong một hộp trà được.
– Hoàn toàn là nó có thể ơ đấy. Tôi nghĩ rằng tôi nhớ lại…
Đẩy nhẹ cô Livingstone ra, bà tiến về phía chiếc bàn một chân và mở nắp hộp trà ra.
– Đây rồi! – Bà nói và giơ ra một quyển sổ màu nâu.
Sau đấy, bà đến ngồi ở bàn làm việc của bà.
– Lúc này đủ tất cả rồi, cô Livingstone à. Tuy nhiên… Cô có thể thử tìm lại quyển anbum kỷ niệm sinh nhật.
– Em không biết là…
– Bây giờ tôi không dùng đến nữa, nhưng tôi đã có quyển đó từ lâu rồi, từ khi còn nhỏ. Tôi nghĩ rằng nó ở phòng phụ mà đôi khi chúng tôi dùng như là phòng dự trữ khi bọn trẻ về nghỉ hè. Cô hãy nhìn trong cái bàn giấy nhỏ kê gần giường ngủ.
Bà Oliver thở dài nhẹ nhõm nhìn cô thư ký bước ra ngoài. Bà bắt đầu tra cứu cuốn sổ ghi địa chỉ thơm mùi chè Xri Lanka.
– Ravenscroft, Célia Ravenscroft, 14 đường Fishacre Mews. Đây là nơi cô ta ở một thời gian, nhưng có một địa chỉ khác: Strand – on – the – Green, gần Kew Bridge.
Bà lật giở vài trang.
– Ồ! Địa chỉ này mới nhất – Bà nói nhỏ – Mardyke Grove. Hình như nó nằm bên kia đường Road. Có số điện thoại không? Số điện thoại bị xóa đến một nửa, nhưng mình tin rằng… Phải, mình nghĩ rằng đó là…Flaxman… Dù thế nào đi nữa, mình có thể gọi thử.
Bà với chiếc điện thoại, ngay lúc đó, cửa mở, cô Livingstone xuất hiện.
– Bà có nghĩ rằng…
– Tôi đã tìm thấy địa chỉ mà lúc nãy tôi tìm – Bà Oliver nói – Cô hãy thử tìm cuốn anbum kỷ niệm sinh nhật. Nó rất cần.
– Bà có để cuốn đó ở Sealey House khi bà dọn nhà không ạ?
– Chắc chắn là không. Cô hãy tiếp tục tìm đi.
Và khi cô thư ký đóng cửa lại, bà không hỏi thêm:
– Và nhất là đừng vội vàng.
Rồi bà quay số điện thoại, đợi vài giây và bà đi ra mở hé cửa để gọi to về phía cầu thang:
– Cô có thể thử nhìn vào cái hòm Tây Ban Nha, cái hòm xung quanh có đai nẹp đồng. Tôi không biết chính xác nó để ở đâu, có thể là ở dưới bàn phòng ngoài.
Cú điện thoại đầu tiên không cho kết quả gì. Nó rơi vào điện thoại bà Smith-potter, bà này không có một ý tưởng nào về số điện thoại của người thuê gian phòng trước bà. Nhà tiểu thuyết chăm chú nhìn vào cuốn sổ của bà và phát hiện hai địa chỉ mới viết nguệch ngoặc vội vàng, hầu như không đọc được. Tuy nhiên, lần thứ ba bà thử đoán đọc, thì một chữ Ravenscroft gần như không rõ nổi lên trong những nét gạch xóa và viết chồng lên. Bà gọi một số khác.
Đầu dây bên kia nói là biết Célia.
– Vâng, nhưng đã mấy năm nay cô ấy không ở đây nữa. Lần cuối cùng tôi nghe nói về cô ấy, tôi nghĩ rằng cô ở Newcastle.
– Lạy Chúa, nhưng mà tôi không có địa chỉ đó.
– Tôi cũng không có – Một giọng nữ trả lời ở đầu dây nói đằng kia – Hình như cô ấy đến tìm một chân thư ký tại nhà một thầy thuốc thú y.
Điều đó không phấn khởi lắm. Một lần nữa, sau khi lật giở cuốn sổ của mình, bà Oliver tìm thấy một địa chỉ khác và một số điện thoại khác.
– Vâng, chắc chắn rồi – một tiếng nói đáp lại. Một thiếu nữ rất có năng lực, cô ấy làm việc ở nhà tôi trong một năm rưỡi, và tôi sẵn lòng giữ cô ấy lại một thời gian lâu hơn. Nhưng cô ấy đã rời đây để đến nhà một thầy thuốc đường Harley [1]. Đợi một phút… Tôi nghĩ rằng tôi có địa chỉ. Ở đâu đó tại Islington [2]…
Một lúc sau, không nản lòng, bà Oliver gọi một số khác.
– Cô Célia Ravenscroft à? – Giọng người nước ngoài trả lời – Vâng, cô ấy ở đây. Cô ấy có một phòng ở lầu hai. Cô ấy đã ra ngoài, nhưng cô ấy sẽ về ngay.
Bà Oliver đặt máy và thở dài. Cô Lrivingstone, mình đầy bụi bặm và mạng nhện, vừa mới xuất hiện, hai cánh tay chất đầy một chồng sách trông ít khêu gợi.
– Em không biết là các sổ sách này có ích gì cho bà. – Cô nói với vẻ chê bai vì sổ sách đã cũ kỹ nhiều năm.
– Dù sao cũng có thể.
– Bà còn các vật khác phải tìm không ạ?
– Tôi nghĩ rằng không. Cô làm ơn để cái đó ở góc đi- văng, tôi sẽ tra cứu chiều nay.
– Rất tốt! Cô thư ký nói vẻ càng bài xích hơn. Nhưng trước tiên tôi phải phủi bụi cho chúng đã.
– Cô rất tốt.
Bà Oliver tự kiềm chế mình nhiều lắm và nói thêm:
– Cũng dịp này, cô cũng nên phủi bụi cho cô. Cô có sáu mạng nhện ở tai trái.
Bà liếc nhìn chiếc đồng hồ quả quýt của bà và gọi đến Islington.
– Cô Célia Ravenscroft đấy phải không?
– Vâng, chính tôi đây. – Một giọng Ănglô-xắc-xông không thể nghi ngờ gì nữa trả lời, nhưng bà Oliver thấy giọng hơi chua chát và quả quyết.
– Tôi không biết cô có nhớ tôi không. Tôi là bà Oliver. Đã lâu chúng ta không gặp nhau, tôi là mẹ đỡ đầu của cô đấy.
– Ồ, chắc chắn! Cháu không quên.
– Tôi có thể gặp cô không? Ví dụ, cô đến ăn cơm trưa hoặc là…
– Quả thật, do công việc của cháu, điều đó đối với cháu khá khó khăn. Nhưng cháu có thể đến chiều nay nếu bà bằng lòng, vào quãng bảy giờ rưỡi hay tám giờ – sau đấy cháu có một cuộc hẹn. Tuy nhiên…
– Nếu điều đó có thể được, đối với cô, tôi rất vui.
– Vậy thì, đồng ý như thế, mẹ đỡ đầu của con ạ.
– Nếu cô muốn ghi địa chỉ của tôi…
Bà Oliver móc điện thoại vào chỗ cũ, ghi nhanh vài chữ trên sổ bloc-note và ngước mắt vẻ bực mình về phía cô Livingstone vừa mới xuất hiện, gần như khụy ngã dưới trọng lượng của một quyển album to đồ sộ.
– Em tự hỏi rằng không biết cái này có phải là quyển album bà bảo tìm không ạ?
– Không, không phải quyển đó. Quyển mà cô đang cầm là ghi thu chi về bếp núc.
– Ôi! Lạy Chúa tôi…
– Dù sao tôi có thể xem một vài chỗ – Bà Oliver nói và đỡ lấy quyển sổ to sù – Tại sao lại không? Tôi nghĩ rằng quyển anbum mà chúng ta đang tìm có thể ở trong tủ quần áo, bên cạnh cửa ra vào phòng tắm, trên những chiếc khăn tắm. Đôi khi tôi để sách và giấy tờ ở đấy. Đợi đấy tôi tự đến xem lấy.
Mười phút sau, bà Oliver giở một cuốn anbum phai màu, trong khi cô Livingstone đứng đợi ở đầu thềm.
Một lát sau, nhà tiểu thuyết ngước mắt.
– Cô cũng có thể nhìn trong phòng khách có một quyển sổ hơi mỏng một chút. Cô hãy xem có thể phát hiện các cuốn sổ khác ghi địa chỉ không? Sau đó tôi nghĩ rằng tôi không cần cô nữa cho ngày hôm nay.
Cô Livingstone biến mất.
– Tôi tự hỏi rằng – Bà Oliver lẩm bẩm và thở dài – ai là người sung sướng nhất giữa hai chúng tôi.
Cầm lại điện thoại, bà gọi cho Hercule Poirot.
– Đây là Ariane Oliver. Ông Poirot đấy à? Ông đã làm được cái gì chưa?
– Tôi xin lỗi bà? Làm… cái gì ạ?
– Bất cứ cái gì. Về vụ việc mà chúng ta nêu lên hôm qua.
– Tôi đã thu xếp để tiến hành một số tìm tòi.
– Nhưng mà ông chưa làm điều gì? – Bà Oliver nhận xét, đánh giá thấp cách thức cánh nam giới khi dự định làm việc gì.
– Còn bà, thưa bà thân mến?
– Tôi rất bận.
– A! Thế là bà đã hoạt động, phải không?
– Tôi đã tập hợp các con voi, nếu ông hiểu điều tôi muốn nói.
– Vâng, tôi hiểu.
– Và lao mình vào quá khứ không phải là việc dễ dàng. Có những điều mà người ta dễ dàng nhớ đến khi thấy lại tên họ, và những điều ngớ ngẩn mà họ viết trên anbum kỷ niệm sinh nhật. Tôi không hiểu tại sao tôi lại quan tâm nhiều đến những lời ghi chú khi tôi mười sáu, mười bảy tuổi, và ngay cả khi ba mươi tuổi.
– Bà thu được nhiều kết quả trong lúc tìm tòi chứ ạ?
– Không nhiều. Tuy nhiên, tôi nghĩ là tôi đang đi đúng đường. À, tôi đã gọi điện cho con gái đỡ đầu của tôi. Tối nay, cô ấy sẽ đến gặp tôi vào quãng bảy tám giờ. Và cô ấy sẽ không thất hứa. Với những người trẻ tuổi, người ta không thể hoàn toàn trông cậy vào họ.
– Cô ấy có vui lòng về cú điện thoại của bà không?
– Tôi không thể nói được. Tôi thấy giọng nói của cô ấy hơi gay gắt. Bây giờ tôi nhớ lại hồi chúng tôi gặp nhau – có lẽ cách đây khoảng chục năm – trông cô ấy có vẻ hơi đáng sợ.
– Đáng sợ? Bà định nói gì về hai từ đó?
– Tôi diễn đạt chắc tồi. Tôi chỉ muốn nói rằng cô ấy có vẻ ít rụt rè e sợ đối với tôi như trước đây.
– Theo tôi điều đó có thể tốt.
– Thật thế ư?
– Nếu người ta quyết định không quý mến bà, nếu họ tin chắc chắn rằng họ không yêu bà nữa, họ sẽ làm cho bà cảm thấy thế. Và, do đó họ sẽ để thất thoát những tin tức hơn là cố gắng tỏ ra dễ thương…
– Và làm ra vẻ nịnh nọt, ông muốn nói vậy? Phải, ông có lý. Trong trường hợp đó, họ nói với ta những điều mà họ nghĩ làm cho ta vui lòng, ngược lại họ sẽ nói những câu có thể làm mất lòng ta. Tôi biết rõ Célia là thế. Tôi nhớ khi cô ấy năm tuổi, cô ấy đã ném đôi giày của cô vào người vú nuôi của mình.
Câu chuyện kết thúc. Bà Oliver đến ngồi trên chiếc đi-văng để tra cứu những kỷ niệm ngày xưa đang nổi hiện chồng chất lên nhau…
Thời gian trôi qua rất nhanh, và bỗng nhiên bà nghe tiếng chuông vang lên ở ngoài cửa ra vào.
Chú thích:
[1] Phố Luân Đôn có nhiều phòng mạch của các chuyên gia.
[2] Khu phố phía Bắc Luân Đôn. – ND.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.