THEO DẤU CHÂN VOI

Quyển II- Hình bóng quá khứ- Bác sĩ Willoughby



Từ trên xe taxi, Hercule Poirot bước xuống, trả tiền cho cuộc đi cộng với tiền “boa”, kiểm tra lại có đúng là địa chỉ đến, rồi cẩn thận rút từ trong túi ra một lá thư gửi bác sĩ Willoughby. Ông bước lên thềm biệt thự và bấm chuông, Một người đầy tớ mở cửa cho ông. Sau khi được biết tên ông, anh ta nói rằng chủ của anh ta đang đợi ông.
Người ta đưa ông vào một gian phòng nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi, các bức tường hoàn toàn biến mất sau những dãy sách. Hai chiếc ghế bành đặt gần lò sưởi, giữa chúng là chiếc bàn một chân, trên đó có cái khay với hai chiếc ly và một bình pha lê. Bác sĩ đứng lên, vóc người cao lớn với một cái trán rộng, tóc nâu, đôi mắt sáng. Ông bắt tay người khách và chỉ tay mời khách ngồi xuống chiếc ghế bành. Poirot đưa cho người thầy thuốc lá thư giới thiệu ông. Bác sĩ mở ra đọc xong, đặt lá thư lên chiếc bàn một chân. Sau đấy, ông chăm chú nhìn người khách một lúc.
– Ông thanh tra Garroway đã báo cho tôi cuộc viếng thăm của ông – Bác sĩ nói – và nhờ tôi làm những gì có thể làm trong quyền lực của tôi để ổng tiến hành thuận lợi cuộc điều tra ông đang làm.
– Tôi nghĩ rằng đấy là một đặc ân, tôi tin cậy vào ông – Nhà thám tử trả lời – Nhưng, vì một số lý do, vụ việc đó dưới mắt tôi, có một tầm quan trọng đặc biệt.
– Vụ việc có tầm quan trọng sau từng ấy năm sao?
– Đúng vậy, việc đó không phải xảy ra ngày hôm qua và tôi hoàn toàn hiểu rằng một số chi tiết đã bị quên vùi trong trí nhớ của ông.
– Tôi không nghĩ rằng có trường hợp đó. Như ông biết, tôi đã nhiều năm chuyên về một khoa nhất định.
– Và tôi nghĩ rằng ông thân sinh ra ông cũng có uy tín về khoa đó.
– Đúng. Ông cụ đã đề ra nhiều giả thiết trong đó một số đã được chứng minh là chính xác, trong khi một số khác lại thiếu khoa học. Nhưng tôi hiểu rằng ông quan tâm đến một người vào lúc nào đấy, đã từng nằm điều trị ở đây.
– Đúng thế. Đó là một thiếu nữ trẻ tên là Dorothea Preston-Grey.
– Hồi đó, tôi còn rất trẻ, nhưng tôi đã chú ý theo dõi các công việc của cha tôi, mặc dầu lý thuyết của chúng tôi đôi khi không đồng nhất. Ông muốn biết gì về người thiếu nữ đó, sau này trở thành bà Jarrow?
– Bà ấy có một người em sinh đôi tên là Margaret có phải không?
– Phải. Vào lúc đó cha tôi say mê theo dõi và nghiên cứu đời sống của những người sinh đôi, đã được cẩn thận lựa chọn. Một số trong họ được nuôi dưỡng trong cùng môi trường, một số khác lớn lên trong những môi trường khác nhau. Vấn đề là xem họ có giống nhau không, có cùng những điều xảy đến với họ trong cùng một lúc không. Nhưng tôi nghĩ rằng ông không phải đến đây để nghe tôi trình bày những lý thuyết.
– Tôi muốn có những chi tiết về một tai nạn xảy đến cho một đứa trẻ bốn tuổi. Chính xác là đứa con trai của bà Janow.
– Điều đó xảy ra ở Surrey, không xa Camberly. Lúc đó, bà Jarrow đã là một người đàn bà góa. Chồng bà mới chết trong một tai nạn. Bà bị ảnh hưởng sâu sắc, thầy thuốc gia đình có ý kiến là bà ấy không thể bình phục hoàn toàn. Cha tôi được mời đến khám bệnh, thấy rằng bệnh nhân biểu lộ những nguy cơ rõ rệt, và cho rằng tốt hơn hết là đưa bà vào một cơ sở y tế để theo dõi. Ở đó, bà có thể – trong một thời gian nhất định – được chăm sóc cần thiết. Vì vậy, việc điều trị đã được tiến hành như thế. Sau này khi bà ấy trở về nhà, thì tai nạn mới xảy ra. Hôm đó, hai đứa con của bà chơi trong vườn và, theo lời khai của bà Jarrow, đứa con gái – chín tuổi – đã đập vào đứa em trai làm nó ngã vào bể và chết đuối.
Đó là những điều đôi khi xảy ra, mà nguyên nhân thường là vì ghen tỵ. Nhưng, trong trường hợp này lại không phải như thế, đứa con gái không hề nổi giận hoặc bực dọc một chút nào từ lúc em nó được sinh ra. Nhưng, bà Jarrow, bà ấy không muốn có đứa con thứ hai đó – Bà ấy đã hỏi ý kiến hai thầy thuốc với ý định là phá thai. Tuy nhiên, không một thầy thuốc nào trong số hai thầy thuốc đó nhận lời. Việc tiến hành bất cứ một sự can thiệp nào vào thời đó đều bị coi là bất hợp pháp.
Về tai nạn đó, một nhân viên điện báo trẻ tuổi, lúc đó vào biệt thự, đã khai là không phải chị đứa bé đánh và đẩy nó xuống bể, mà là một phụ nữ. Hơn nữa, một người đầy tớ gái xác nhận rằng khi nhìn qua cửa sổ của ngôi nhà, chị ta đã thấy chính bà chủ của chị ta xô đứa bé vào bể. Chị ta nói đại ý như sau: “Tôi nghĩ rằng người đàn bà đáng thương đó không biết là bà ấy làm gì, vì bà ấy không bao giờ thực sự bình phục sau cái chết của ông chủ”. Dù thế nào đi nữa, cuộc điều tra cũng kết luận đó là một tai nạn. Tuy nhiên, cha tôi, sau đó đã nói chuyện rất lâu với bà Jarrow, đặt cho bà nhiều câu hỏi, cho làm một số thử nghiệm và đã đi đến kết luận đúng là bà ấy phải chịu trách nhiệm về tai nạn đó. Và việc, một lần nữa, đưa bà ấy vào một cơ sở y tế chuyên môn là tốt nhất. Thời gian đó có một phương pháp điều trị rất phổ thông và cha tôi tin tưởng nhiều. Người ta cho rằng sau khi được săn sóc một cách chu đáo – trong vòng một năm hay hơn thế nữa – bệnh nhân có thể sống bình thường trong khung cảnh quen thuộc của họ. Sau đó người ta cho phép họ trở về nhà với điều kiện phải có sự giám sát của gia đình và thầy thuốc. Tất cả có thể ổn thỏa. Tôi phải công nhận rằng, trong nhiều trường hợp, phương pháp điều trị đó rất thành công. Nhưng cũng có khi là nó kết thúc rất tồi tệ. Có bệnh nhân tỏ ra đã chữa khỏi, khi về nhà, họ sống cuộc sống bình thường trong khuôn khổ gia đình, rồi đột nhiên đau trở lại. Đây là một ví dụ điển hình. Một thiếu phụ trẻ xuất viện trở về sống với người bạn gái mà trước đây họ đã ở cùng nhau. Ban đầu, mọi việc dường như tốt lành. Rồi, một buổi sáng, năm hay sáu tháng sau, thiếu phụ đã gọi khẩn cấp một thầy thuốc. Khi ông này đến, thiếu phụ nói với ông như sau: “Chắc chắn là ông nổi giận khi biết tôi đã hành động, và ông sẽ gọi ngay cảnh sát đến. Nhưng tôi không thể làm khác được. Tôi thấy quỷ thần hiện lên trong mắt Hilda, và tôi hiểu rằng tôi phải giết cô ấy”. Người phụ nữ đáng thương đã bị bóp cổ chết trong chiếc ghế bành. Còn thủ phạm – bà ấy, vài năm sau chết trong một bệnh viện tâm thần, vẫn tin tưởng rằng tội ác bà đã phạm là rất cần thiết, rằng bổn phận của bà là phải giết con quỷ đó.
Poirot buồn rầu lắc đầu.
– Vâng – Người thầy thuốc thở dài – Tôi cho rằng Dorothea Preston-Grey cũng bị mắc một loại bệnh điên rồ nguy hiểm, dù rằng không trầm trọng như thế nhưng phải được thường kỳ coi sóc. Cha tôi cũng tán đồng ý kiến đó. Cho nên bà ấy được chăm sóc trong một nhà nghỉ dường bệnh và, sau một hay hai năm, tỏ ra hoàn toàn bình phục. Bà ấy rời cơ sở chữa bệnh để về sống một cuộc sống bình thường, có một nữ y tá đi kèm để săn sóc, và một thị nữ luôn ở cạnh. Rồi một ngày kia, bà quyết định ra nước ngoài.
– Đến Ấn Độ. – Poirot xác nhận.
– Đúng. Bà ấy đến nhà người em sinh đôi, phu nhân Ravenscroft.
– Và chính ở đấy đã xảy ra một tai nạn khác.
– Phải. Đứa con của một người hàng xóm bị tấn công. Mới đầu người ta nghi ngờ một người đầy tớ gái bản xứ. Nhưng, ở đây nữa, không còn nghi ngờ gì rằng thủ phạm chính là bà Jarrow, bà bị xui khiến bởi một lý do bí ẩn mà chỉ bà ấy biết. Người ta không chứng minh được gì một cách tuyệt đối, nhưng tướng Ravenscroft cho rằng phải gửi người chị vợ trở lại nước Anh để điều trị lần nữa. Có phải đấy là điều ông muốn biết, phải không ông Poirot?
– Vâng. Tôi có biết một phần câu chuyện đó, nhưng chỉ là phong phanh. Bây giờ tôi muốn được nói với ông về người em sinh đôi của bà Jarrow. Margaret Preston-Grey, người trở thành phu nhân Ravenscroft sau đấy. Có thể bà ấy cũng bị mắc bệnh đó?
– Cha tôi có tự đặt cho mình câu hỏi đó. Ông đến thăm bà hai hay ba lần, nói chuyện lâu với bà, vì trước đây ông đã quan sát nhiều rối loạn giống hệt nhau ở các cặp sinh đôi, mà họ rất quyến luyến thương yêu nhau. Nhưng ông biết một cách chắc chắn rằng phu nhân Ravenscroft đầu óc rất lành mạnh.
– Ông nói lúc ban đầu họ rất quyến luyến thương yêu nhau phải không?
– Đúng. Vì trong trường hợp nào đấy, có thể nảy sinh sự oán ghét giữa hai người sinh đôi. Và tình yêu ban đầu đôi khi, có thể chuyển thành sự căm thù ghê gớm. Thật ra mà nói, tôi tự hỏi trường hợp đó có thể xảy ra trong vụ việc đang làm chúng ta quan tâm không? Khi còn làm sĩ quan cấp dưới – tôi nghĩ là đại úy – ngài Alistair Ravenscroft đã say mê Dorothea Preston-Grey, một thiếu nữ rất xinh đẹp, đẹp nhất trong hai chị em, người ta nói với tôi thế. Và thiếu nữ này đã đáp lại tình yêu của ông, Tuy nhiên, họ không kết hôn, vì viên đại úy đã chuvển tình yêu sang người em, cô Margaret, và cuộc hôn nhân đã thành. Cha tôi được biết rằng Dorothea trở nên ghen ghét em gái một cách ghê gớm trong khi đó vẫn yêu người em rể. Tuy nhiên, sau đấy ít lâu, Dorothea lấy một người khác – cuộc hôn nhân nhìn bề ngoài có vẻ hạnh phúc, cho đến ngày chồng bà bị tai nạn chết. Bà ấy đến thăm vợ chồng Ravenscroft nhiều lần, không những tại Malaixia mà cả ở Anh quốc sau khi hai vợ chồng Ravenscroft trở về nước. Bà ấy có vẻ hoàn toàn bình phục. Tôi nghĩ rằng – ít ra là cha tôi nói với tôi như vậy – phu nhân Ravenscroft tỏ ra rất gắn bó với người chị, phu nhân bảo vệ bà, đỡ đần bà trong mọi tình huống, dịu dàng yêu thương bà. Phu nhân, có lẽ mong muốn, tôi nghĩ thế, được nhìn thấy bà thường xuyên.
Nhưng ngài Alistair hình như không sốt sắng. Rất có thể bà Jarrow hơi quẩn trí, sau khi góa chồng, đã tỏ ra với người em rể những tình cảm mà ông này thấy khó chịu. Tuy nhiên, vợ ông hình như tin rằng người chị đã thôi ghen tỵ với bà.
– Tôi biết rằng bà Jarrow ở nhà vợ chồng Ravenscroft một thời gian rất ngắn trước khi xảy ra tấn thảm kịch.
– Điều đó đúng. Bà ấy bị chết một cách thảm thương khoảng ba tuần lễ trước cái chết của em gái và em rể bà. Bà bị chứng mộng du. Một đêm nọ, bà ấy ra ngoài biệt thự, đi vào một đường nhỏ của vách núi, bước hụt chân và nhào xuống phía dưới. Mãi sáng hôm sau, người ta mới thấy thi thể của bà. Molly, như ông có thể đoán, bị đảo lộn vì sự kết thúc bi thảm đó. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng người ta có thể coi tai nạn đó liên quan đến vụ tự vẫn sau đấy của ông tướng và bà vợ ông ta. Nỗi buồn về cái chết của người chị ruột, trong một số trường hợp cực đoan, đưa đến một hành động tuyệt vọng, nhưng không thể đưa đến một vụ cả hai người tự vẫn.
– Nếu không là – Poirot gợi ý – phu nhân Ravenscroft có một điều gì đấy trong cái chết của người chị bà.
– Thượng đế! – Bác sĩ Willoughby kêu lên – Dù sao ông không nghĩ…
– Rằng Margaret Ravenscroft đã đi theo chị của bà đêm hôm đó và đẩy người chị từ trên vách núi cao?
– Tôi tuyệt đối không thể chấp nhận một giả thiết như thế.
– Với con người – Hercule Poirot thong thả nói – người ta không biết trước điều gì đâu!T


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.