Nhật Ký Của Ngày Mai

CHƯƠNG 9 – MỘT LỜI TẠM BIỆT DÀI



Buổi tối ập tới lúc tôi tìm đường quay về căn nhà ở cổng lâu đài, bụng sôi sùng sục vì chưa được ăn miếng nào kể từ bữa trưa với món bánh kếp Mỹ và quả việt quất mà mẹ Zoey làm. Vẫn như mọi lần trước, Rosaleen đứng trước cánh cửa mở rộng của ngôi nhà nhìn ra ngoài, nhíu mày lo lắng, điên cuồng liếc hết trái rồi lại liếc phải tìm kiếm cứ như thể tôi sẽ xuất hiện bất kỳ lúc nào. Mợ đã đứng suốt như thế bao lâu rồi nhỉ?
Mợ lập tức phản ứng khi nhìn thấy tôi đi đến, tay vuốt vuốt gần ngay chỗ tế nhị cho váy phẳng ra. Cái váy màu nâu sô cô la có họa tiết dây leo xanh mọc lan từ vạt váy lên tới cổ. Một con chim ruồi chễm chệ trên ngực mợ, và sau đó tôi để ý thấy một con khác đậu trên mông trái mợ. Tôi không nghĩ đó là ý đồ của nhà thiết kế, nhưng trớ trêu thay chiều cao của mợ đã đặt chúng vào những ví trí oái ăm.
“Ồ, bé con đây rồi.”
Tôi cảm thấy muốn độp lại vào mặt mợ rằng tôi không phải là bé con, nhưng rồi tôi chỉ nghiến răng mỉm cười. Tôi cần phải bao dung hơn với Rosaleen. Thưa các quý bà quý ông, đêm nay tôi là Tamara Tốt.
“Bữa tối của cháu mợ để trong lò cho ấm đấy. Cậu mợ không đợi lâu hơn được, thậm chí mợ còn nghe thấy tiếng bụng cậu sôi ùng ục từ suốt tận cái phế tích kia.” Câu nói đó có vài điểm khiến tôi bực bội. Đầu tiên, mợ không gọi cậu Arthur bằng tên, thứ nhì, cuộc nói chuyện của chúng tôi lại xoay quanh chủ đề đồ ăn thức uống thêm một lần nữa, và thứ ba mợ gọi tòa lâu đài là phế tích. Thay vì giậm chân giận dỗi, Tamara Lịch Sự chỉ mỉm cười và ngọt ngào đáp lại, “Cảm ơn, Rosaleen. Cháu sẽ ngó qua ngay đây.”
Tôi xoay người định đi tới cầu thang, nhưng cử động đột ngột của mợ, một cú giật bắn người như vẫn động viên ở vạch xuất phát đang trông đợi một tiếng súng hiệu lệnh, khiến tôi không sao nhúc nhích nổi. Tôi không dám nhìn mợ, chỉ lẳng lặng chờ mợ lên tiếng.
“Mẹ cháu đang ngủ, cháu không nên làm phiền mẹ lúc này.” Giọng mợ đã không còn vẻ lắp bắp lấy lòng nữa. Tôi không hiểu mợ nhưng có lẽ mợ cũng chẳng hiểu tôi. Tamara Không-Tốt lờ mợ đi và tiếp tục bước lên lầu. Tôi gõ nhẹ vào cửa phòng mẹ trong lúc ánh mắt ủ rũ của Rosaleen in dấu lên người tôi, dù gì tôi cũng chẳng mong mẹ trả lời nên cố bước vào phòng.
Căn phòng tối hơn hẳn lúc trước. Màn tuy được vén lên, nhưng mặt rời đã trượt vào một cái gì đó êm ái và dễ chịu hơn trong buổi chiều muộn khiến căn phòng lạnh lẽo và tối tăm hơn. Suốt cả tháng vừa qua, đây là lần đầu tiên tôi thấy mẹ trông ra dáng một bà mẹ, và đó không phải nhờ bản năng làm mẹ của bà. Tấm chăn vàng được kéo lên tới tận ngực mẹ, hai cánh tay áp chặt vào hai bên sườn dưới lớp chăn, cứ như một con nhện khổng lồ đã từng dùng mạng quấn chặt lấy mẹ để giết chết ăn thịt bà vậy. Tôi nghĩ chỉ Rosaleen mới đắp chăn cho mẹ kiểu như vậy. Rõ ràng là mẹ không thể tự quấn chăn quanh mình chặt đến thế. Tôi nới lỏng chăn, nhấc tay mẹ dịch ra ngoài, rồi quỳ xuống bên cạnh mẹ. Khuôn mặt mẹ bình yên như thể bà vừa thưởng thức món bánh cuộn nhân kem béo và món yaua ưa thích của mình. Mẹ nằm yên bất động đến nỗi tôi phải dán tai vào sắt mặt mẹ để biết chắc mẹ vẫn còn đang thở.
Rồi tôi quan sát mẹ, mái tóc vàng xõa trên gối, hàng mi dài rủ xuống trên làn da hoàn hảo không chút tàn nhang. Môi mẹ hơi hé ra, hơi thở mẹ dịu dàng, ngọt ngào và ấm áp.
Có lẽ vì tôi là người kể chuyện nên khiến người đọc có ấn tượng sai lầm về mẹ. Hình ảnh người góa phụ đau buồn mặc chiếc áo tay phồng ngồi trên ghế nhựa, đờ đẫn nhìn ra ngoài cửa sổ khiến mẹ tôi có vẻ khá già cỗi. Nhưng mẹ thực ra không hề già. Mẹ rất đẹp.
Mẹ chỉ mới ba mươi bốn tuổi, trẻ hơn mẹ của đám bạn tôi rất nhiều. Mẹ sinh tôi lúc mới mười tám. Ba lớn tuổi hơn mẹ, ông hai mươi lăm. Ba rất thích kể lại câu chuyện về lần đầu họ gặp nhau, dẫu mỗi lần kể câu chuyện lại hơi khác đi một chút. Tôi nghĩ ba cố ý làm thế, nâng niu sự thật chỉ thuộc về hai người. Đó là một điều tốt đẹp về ba, và tôi chẳng hề phiền nếu họ không bao giờ kể cho tôi sự thật, có lẽ bởi câu chuyện thực sẽ không sinh động như những câu chuyện tôi được nghe kể và tự hình dung ra. Điều chung duy nhất trong tất cả những câu chuyện ba kể là họ gặp nhau ở một bữa tiệc tối sang trọng ở đâu đó, và khi ánh mắt họ lướt qua nhau, ba biết ngay là ba phải có được mẹ. Tôi phá lên cười và nói với ba rằng ba cũng nói y chang vậy về con ngựa cái non mà ba từng thấy khi trở về từ hội chợ ngựa Goff.
Nghe vậy, ba im lặng, nụ cười và nét mặt xa xăm biến mất, trong giây phút ấy ba đã ước không có đứa con gái mới lớn như tôi, trong khi mẹ tôi có vẻ như đang suy ngẫm lời của tôi trong một khoảng lặng dài. Tôi muốn nói với ba mẹ rằng tôi không có ý xấu, đó chẳng qua là tính tôi nó thế, vụng về bộp chộp, những lời châm chọc cứ như tuôn ra từ miệng chứ không hề có chủ ý trước. Nhưng tôi không thể nói ra lời được, tôi quá kiêu ngạo. Tôi không quen nói lời xin lỗi. Nhưng tôi từ chối xin lỗi không chỉ bởi kiêu ngạo, mà còn bởi một phần trong tôi cho rằng mình có thể đã nói đúng. Đó chính xác là điều ba đã nói khi ông trở về từ hội chợ Goff. Đó cũng chính là điều ba nói mỗi khi ông nhìn thấy một cái đồng hồ mới, một chiếc thuyền mới hay một bộ vest mới, “Em phải xem qua mới được, Jennifer ạ, anh phải có nó.” Khi ba muốn thứ gì đó, ba sẽ có được nó, và tôi tự hỏi liệu mẹ có bất lực như đám ngựa cái non ở hội chợ Goff, như chiếc du thuyền ở Monaco hay mọi thứ khác trên thế giới mà ba muốn có hay không. Và nếu câu trả lời là có, tôi sẽ không lấy làm tiếc cho mẹ vì sự yếu ớt buông theo chiều gió của bà.
Tôi không nghi ngờ chuyện ba yêu mẹ. Ba tôn thờ mẹ. Ba lúc nào cũng nhìn theo mẹ, chạm vào mẹ, mở cửa cho mẹ, mua hoa, giấy, túi xách và những món quà bất ngờ để mẹ thấy ba luôn nghĩ đến mẹ vì những điều vớ vẩn không chịu nổi, chuyện đó khiến tôi rất khó chịu. Ba chẳng bao giờ khen ngợi tôi như thế cả, và đừng giở giọng nhà tâm lý Siegmund Freud với tôi, tôi chẳng hề ghen tị đâu, ba là ba tôi, không phải là chồng tôi, tôi biết mình không có đặc quyền như mẹ, mà tôi cũng chẳng cần. Nhưng mà. Bạn không đánh mất con gái mình, phải không nào? Con thì lúc nào chẳng là con, dẫu bạn có dõi mắt theo chúng hay không. Vợ thì dễ dàng đánh mất hơn nhiều. Mẹ có thể chán chồng và say nắng. Mẹ đẹp đến mức có thể chinh phục được hầu hết đàn ông mẹ gặp, ba biết rõ điều này. Những lời khen tặng thân thương ba dành cho mẹ lọt vào tai tôi lại chẳng khác nào trò nịnh trẻ ranh.
“Em yêu à, kể đi, kể cho họ nghe em đã nói gì hôm qua khi tay bồi bàn hỏi em có thích món tráng miệng hay không đi. Kể cho họ đi, em yêu.”
“Ồ, chẳng có gì đáng nói cả, George, thật mà.”
“Ồ, kể đi, Jennifer, em yêu, câu nói của em rất hài hước, thực mà.”
Và rồi mẹ sẽ kể với khách khứa, “Tôi chỉ nói rằng nhìn thực đơn tráng miệng thôi là tôi đã đủ lên ký rồi,” thế là khách khứa mỉm cười tủm tỉm, trong khi khuôn mặt ba bừng lên tự hào vì sự hóm hỉnh của vợ, và mẹ sẽ mỉm cười một nụ cười bí ẩn chẳng để lộ chút gì, còn tôi chỉ muốn đứng dậy và gào lớn, “Nhưng câu đó thật là nhảm nhí đến chết tiệt! Lời nói đùa đó có tới ba ngàn năm tuổi thọ chứ không ít! Mà nó chẳng buồn cười tí nào!”
Tôi không biết mẹ có bao giờ nhìn sự việc theo cách của tôi không. Mẹ lúc nào cũng chỉ mỉm cười, vì nụ cười đó ẩn giấu hàng triệu câu trả lời. Có lẽ đó chính là điều khiến ba nhấp nhỏm, mẹ cất giấu bao nhiêu điều ở trong lòng. Có lẽ ba chẳng bao giờ hiểu cảm giác của mẹ. Hay có lẽ, chỉ đơn giản là tôi chẳng hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra giữa họ vì tôi chưa yêu bao giờ. Có lẽ yêu nghĩa là mỗi lần đối phương làm điều gì hay nói điều gì đó chán chẳng buồn chết, chúng ta sẽ chỉ muốn nhảy dựng lên sung sướng đến mức làm nên một làn sóng thần từ đây đến tận Uzbekistan. Tôi chưa bao giờ có cảm giác đó với bất cứ ai.
Tôi luôn cảm thấy ba và tôi hoàn toàn trái ngược. Khi ba e ngại, hay sợ hãi ai đó ra đi, ba sẽ khen ngợi họ về mọi việc. Chẳng hạn như, khi bạn mẹ đến chơi, họ thường làm ba cáu và ba lờ họ đi suốt thời gian họ lưu lại, nhưng khi họ rời đi, ba không cho mình quên tặng họ những vòng ôm, nụ cười và lời tạm biệt nồng ấm nhất. Ba đứng ở ngay cửa trước vẫy tay cho đến khi chiếc xe chạy khuất tầm mắt. Tôi tưởng tượng cạnh những lời bạn mẹ nói khi họ về đến nhà. “George đúng là một quý ông lịch thiệp, khi tôi về anh ấy ôm tôi đến là tình cảm, rồi sau đó giúp tôi lên xe. Ước gì anh chịu cư xử như thế với bạn tôi, Walter ạ.”
Ba coi trọng ấn tượng sau cùng hơn ấn tượng đầu tiên, điều đó khiến cho cái chết của ba thêm phần ý nghĩa. Tôi thì hoàn toàn ngược lại. Tôi giúp Barbara dễ dàng rời đi bằng cách châm chọc cô ấy, tôi làm điều tương tự với ba mẹ trong cả cuộc đời. Tôi giúp người ta dễ dàng bỏ đi hơn khi khiến họ căm ghét tôi vào khoảnh khắc đó. Những hành vi ương bướng, những lời nói chế nhạo, mỉa mai, buột khỏi miệng tôi mà tôi không ngờ người ta luôn ghi nhớ. Khi còn bé xíu tôi đã hành động như vậy. Bởi trước đó tôi thường van vỉ ba mẹ đừng đi xa nhiều, nhưng họ vẫn cứ đi.
Thời gian họ ở nhà chỉ dùng để nạp năng lượng, thường vì họ quá kiệt sức và mệt mỏi để ở cùng nhau, thế là họ tách rời nhau vào buổi tối và mỗi người một phòng. Chúng tôi không bao giờ có thời gian ở chung với nhau. Bây giờ tôi đã biết điều mình mong muốn hơn một số thứ, nhưng không phải tất cả, đó là cả nhà chúng tôi ở bên nhau, tự nhiên, thoải mái và dễ chịu, chứ không gượng gạo như lời ba mẹ gọi tôi vào phòng để đưa quà cho tôi hay đưa ra một thông báo bất ngờ nào đó.
“Nào, Tamara, con biết con may mắn thế nào rồi đấy,” mẹ sẽ bắt đầu như thế, mẹ luôn có cảm giác áy náy khủng khiếp vì tất cả những gì chúng tôi đang có. “Rất nhiều cô bé cậu bé không có cơ hội này…”
Khi ấy trong tôi không hề cảm thấy chút phấn khích nào như ba mẹ đang nghĩ, dẫu tôi cố làm ra vẻ như vậy. Tôi chỉ nghe thấy giọng nói của mình vang lên, bla bla bla bla nói thẳng vào đề đi, mẹ cho con cái gì nào?
“Nhưng, vì con rất ngoan và hiệu được giá trị của mọi thứ tuyệt vời mà con đang có, và vì con là đứa con gái đặc biệt của chúng ta…”
Bla bla bla. Đó không phải là một món quà, tôi chẳng thấy có chút gì tương tự trong phòng cả. Áo mẹ không có túi, tay ba đút vào túi quần, cho nên rõ ràng là họ không giấu trong người. Chúng tôi sẽ đi đâu đó. Hôm nay là thứ tư. Ba đi tập đánh golf vào mỗi thứ năm hằng tuần, mẹ có hẹn đi rửa ruột hàng tháng, nếu không thì mẹ sẽ bị nổ tung ra mất, do đó chúng tôi sẽ không đi đâu trước thứ sáu. Dịp đi chơi sẽ vào cuối tuần. Vậy nơi nào đủ gần để đi vào cuối tuần đây?
“Ba mẹ đã bàn tính một thời gian và ba mẹ cảm thấy…”
Bla bla bla. Có lẽ đi London vào cuối tuần. Nhưng ba mẹ lúc nào cũng đi London, tôi cũng đã đi rồi, và trông họ có vẻ phấn khích lắm. Vậy là một nơi nào đó tôi chưa đi bao giờ. Paris. Tương đối gần. Ở đó ba mẹ có nhiều chuyện để làm: mẹ có thể đi mua sắm, ba sẽ đi theo mẹ, bí mật mua những thứ mẹ thích nhưng bà không mua vì quá đắt, và tôi có thể làm cái gì? Tôi có thể làm gì ở Paris chứ? Ồ tôi biết rồi. À. Eurodisney. Tuyệt.
“Ba mẹ cho con đoán ba lần nhé,” mẹ gần như reo lên vì phấn khích.
“Ồ, xời ạ, không thể nào, sao con đoán được chứ?” tôi nói, làm ra bộ bối rối, hồi hộp và kích động, cố gắng động não. “Được rồi,” tôi cắn môi, “mình sẽ đến nhà cậu Arthur và mợ Rosaleen vào cuối tuần nay phải không ạ?” tôi hỏi thế. Tôi học được rằng nếu càng sai sự thật thì ba mẹ chúng ta sẽ càng vui hơn trước sự ngỡ ngàng và bất ngờ khủng khiếp của con. Tôi đoán thêm 2 chỗ nhảm nhí khác và quan sát thấy mẹ suýt chút nữa nổ tung vì phấn khích. Chúa phù hộ cho mẹ.
“Chúng ta sẽ đi Eurodisney, ở Paris!” mẹ kêu lên, nhảy tưng tưng và ba rút xấp bản đồ để chỉ cho tôi thấy nơi chúng tôi sẽ ở. Mẹ sẽ tìm kiếm cảm xúc trên gương mặt tôi, ba cúi gằm xuống bản đồ, lập tức chỉ ra đủ thứ. Chuyện phải làm, chỗ cần xem, thứ có thể mua, thứ sẽ có. Nhìn chỗ này, lật giấy soàn soạt, nhìn chỗ kia. Thứ này, thứ kia, thứ nọ.
Dẫu ba mẹ có thông minh và chiều con tới đâu, thì những đứa con lúc nào cũng đi trước một bước.
Để quay lại ý tôi muốn nói, tôi quậy một trận tưng bừng một đêm nọ trước khi ba mẹ đi. Tôi ném những lời cay độc vào ba mẹ, không phải để khiến họ cảm thấy tội lỗi, mà bởi hồi đó, tôi thực sự nghĩ sao nói vây. Nhưng dù sao thì ba mẹ cũng đi, và bởi vì họ cảm thấy có lỗi khi bỏ tôi một mình, tôi chẳng gặp rắc rối gì khi nói năng hỗn hào như thế cả. Tôi học được một điều rằng dù tôi có nói gì thì ba mẹ cũng đi thôi, cho nên thay vì buồn bã và xấu hổ trước mặt Mae khi bị bỏ lại nhà một mình, tôi đẩy ba mẹ đi. Tôi nắm quyền chủ động.
Mấy tuần trước ngày tự sát, có thể lâu hơn thế nhưng tôi không chắc lắm, ba cư xử rõ kỳ quặc. Tôi không hề nói với ai về điều này. Tôi cho rằng đó là những chuyện nên viết trong nhật ký. Tôi nghĩ ba sắp rời bỏ chúng tôi. Tôi cảm thấy có gì đó không ổn, nhưng tôi không rõ là gì. Ba dễ thương một cách bất thường. Như tôi nói khi nãy, ba luôn dịu dàng với mẹ, và khi tôi ngoan ngoãn ba cũng sẽ dịu dàng với tôi, nhưng kiểu cư xử dễ thương này giống như một lời tạm biệt dài đằng đẵng từ cửa trước. Ấn tượng cuối cùng thật dài và thật đẹp đẽ. Một lời tạm biệt dài, chết toi. Tôi cảm thấy có gì đó sắp xảy ra, hoặc chúng tôi ra đi, hoặc ba sẽ ra đi.
Ngay cả khi rất nhiều người hỏi về hành vi của ba, sau khi ba mất, tôi vẫn giữ vẻ ngây thơ và bối rối y hệt như mẹ, “Không, không, cháu chẳng thấy có gì không ổn cả.” Ôi, tôi biết nói gì với họ đây? Tuần trước ngày ba mất, cháu cảm thấy ba như đang đứng trước cửa vẫy tay tiễn chúng cháu, thật lâu sau khi chúng cháu đã đi khuất khỏi tầm nhìn ư. Tôi sẽ được chứng nhận là điên và được kéo qua làng Killiney trong một cũi sắt ngay lập tức.
Tôi cảm thấy có chuyện gì đó săp xảy ra và tôi làm điều tôi luôn làm, tôi bắt đầu đẩy ba đi. Tôi châm chọc ba nhiều hơn bình thường, cư xử hỗn hào hơn bình thường, hút thuốc trong nhà, về nhà trong tình trạng say rượu, những trò kiểu như thế. Tôi thách đố ba nhiều hơn. Những cuộc tranh cãi giữa chúng tôi thêm phần kịch liệt, những lời phản kháng của tôi càng sắc bén. Những lời nói khủng khiếp. Tôi làm những điều tôi vẫn làm khi còn là một đứa trẻ mỗi khi tôi không muốn ba mẹ bỏ đi. Tôi gần như đã bảo ba đi luôn. Tôi ghét là ghét vào cái lúc ba tôi cư xử như vậy. Vào bất kỳ lúc nào khác, tôi sẽ lại thương tiếc ba. Và giờ đây tôi đang nhớ thương ba, căm ghét bản thân mình, và quá nhiều cảm xúc khiến tôi gần như không chịu nổi nữa. Ba có hiểu cảm xúc của tôi khi ấy không, nhất là sau cuộc nói chuyện cuối cùng của ba con tôi? Tôi đã nói lời tạm biệt tồi tệ nhất với ba, và ba đã đáp trả bằng điều tồi tệ nhất. Có lẽ không phải lỗi của tôi, nhưng tôi không tài nào tha thứ cho mình.
Tôi không biết mẹ có cảm thấy có gì không ổn với ba hay không. Có lẽ là có nhưng mẹ chưa bao giờ nói ra. Nếu mẹ không cảm thấy thế thì tôi là người duy nhất. Đáng lẽ ra tôi nên nói điều gì đó. Hay tốt hơn, tôi nên làm điều gì đó để ngăn cản ba.
Ba ơi, con xin lỗi.
Nếu như, nếu như, nếu như. Nếu như chúng ta biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai thì sao. Chúng ta sẽ thay đổi nó chứ? Chúng ta có thể chứ?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.