Cho dù hai năm trước, ngôi nhà của chúng tôi ở Killiney có thể trị giá bộn tiền, đến tám triệu euro, hiện giờ nó đã bị rao bán với giá chỉ bẳng nửa chừng đó. Tôi biết ngôi nhà đáng giá bao nhiêu vào hai năm trước vì ba vẫn thường xuyên cho định giá nó. Mỗi lần kết quả định giá mới được thông báo, ông lại lấy một chai vang ngon của mình từ dưới tầng hầm lên, và ba đã bước lên khỏi tầng hầm căn nhà tám triệu euro của ông cùng một chai Chateau Latour đáng giá 450 euro để chia sẻ cùng người vợ có thân hình hoàn hảo như người mẫu và cô con gái vị thành niên hoàn toàn bị mất cân bằng hormone của ông.
Tôi không bực với ba về thành công của ông, tôi không phải loại người đó, và không chỉ vì thành công của ông đương nhiên cũng là thành công của chúng tôi – và thật mỉa mai, cả những thất bại của ông cũng trở thành của chúng tôi luôn – mà còn vì ông làm việc cần cù, từ sáng sớm đến tối mịt, cả vào dịp cuối tuần. Ông để tâm tới những gì ông làm, đều đặn đóng góp cho các quỹ từ thiện, chuyện ông làm điều đó trong bộ đồ dạ tiệc trước mặt những chiếc máy ảnh đang chụp lia lịa hay với cánh tay giơ cao trong một buổi đấu giá từ thiện hoàn toàn không quan trọng. Ông cho đi, và đó mới là điều đáng nói. Chẳng có gì sai trong việc sở hữu một ngôi nhà đắt giá, chẳng có gì sai hết. Bên trong việc xây nên thứ gì đó, làm việc cật lực để đạt được điều gì đó luôn tồn tại thứ gọi là niềm kiêu hãnh. Song đáng ra với mỗi thành công thứ cần phần lớn chẳng nên là chất đàn ông của ba mà là trái tim ba. Thành công của ba cũng giống như mụ phù thủy trong câu chuyện cổ tích Hansel và Gretel; nó nuôi dưỡng ông vì những lý do sai lầm, làm ông phát phì lên sai chỗ. Ba xứng đáng với thành công của ông, ông chỉ cần một bài học ra trò về sự khiêm nhường. Cả tôi đáng lẽ cũng cần một bài học tương tự. Tôi từng nghĩ mình đặc biệt tới mức nào khi ngồi trong chiếc Aston Martin màu bạc ba chở tôi đến trường vài buổi sáng. Giờ thì tôi đặc biệt đến đâu, khi ai đó đã mua cái xe đó từ một bãi tập kết xe bị tịch thu với cái giá chỉ bằng một phần giá ban đầu. đặc biệt đến mức nào đây.
Lý do tôi nhắc tới giá ngôi nhà là vì dù giá bán đã bị giảm xuống một nửa, và nếu đánh giá từ lượng bụi tích tụ lại trong nhà, chắc hẳn mức giá sẽ bị hạ xuống thêm nhiều nữa, ngôi nhà vẫn đòi một mức giá cao, vẫn là ưu tiên của các đại lý bất động sản. Tôi không hề biết khi tôi mở cửa ban công phòng mình và khởi động hệ thống báo động, nó đã gửi một cuộc điện thoại tự động tới đại lý bất động sản, những người này đang ngồi trong văn phòng im ắng đến mức đáng lo ngại của mình lập tức nhảy lên xe và lao vội tới nơi để kiểm tra. Trong khi tôi còn đang ở tít trên lầu, lại quay mặt về hướng khác, tất nhiên tôi không thể nghe thấy tiếng những cánh cổng được điều khiển bằng điện mở ra cách đó nửa dặm ở tận cuối lối xe. Trong khi tôi đang đắm chìm vào những chuyện riêng của mình, tôi cũng chẳng nghe thấy người phụ nữ mở cửa trước và bước vào tiền sảnh.
Nhưng bà ta đã nghe thấy chúng tôi.
Vậy nên người tiếp theo tới thăm chúng tôi là cảnh sát. Tiếng bước chân nặng nề vang lên trên ba nhịp cầu thang ít nhất cũng cho phép chúng tôi ngưng chuyện chúng tôi đang làm dưới sàn phòng ngủ, nhưng chưa cho chúng tôi đủ thời gian để mặc đồ, vậy là trong lúc nấp sau lưng Marcus, với quần áo nằm rải rác xung quanh, tôi gặp cảnh sát viên Garda Fitzgibbon, một cảnh sát quá cân từ Connemara tới, với khuôn mặt còn đỏ hơn cả mặt tôi, người tôi vẫn thường xuyên có dịp làm quen cùng đám bạn bè mình trên bãi biển. Song đây không phải lúc cho những cuộc hội ngộ.
“Tôi cho cô một phút để cô mặc đồ vào, cô Goodwin,” anh ta nói, lập tức ngoảnh mặt nhìn đi hướng khác.
Với anh chàng Marcus hai mươi hai tuổi, người được mời tới ngôi nhà cũ chưa bán của một cô bé mười tám tuổi, anh thấy toàn bộ chuyện này có chút rầy rà, nhưng phần nhiều là thú vị. Anh chẳng hề biết cô bé mình vừa ngủ cũng còn một tuần nữa mới đến sinh nhật mười bảy tuổi, và vì thế không chỉ mấy lon bia là cực kỳ phạm pháp mà cả một nửa những gì hai người họ vừa làm trên tấm thảm nữa. Anh không rời mắt khỏi tôi và cười khì trong lúc chúng tôi hối hả mặc quần áo vào. Tôi phát hoảng, tim tôi đập thình thình to đến mức hầu như tôi chẳng nghĩ ngợi nổi nữa, cảm thấy buồn nôn tới mức tôi sợ mình sẽ ói ra ngay ở đó, trước mặt tất cả bọn họ.
“Tamara, bình tĩnh nào,” anh vênh vang nói. “Họ chẳng thể làm gì hết. Đây là nhà em cơ mà.”
Đến lúc ấy tôi nhìn sang anh, và cảm thấy căm ghét mình hơn cả mức rồi đây anh có thể.
“Đây không phải là nhà em, Marcus,” tôi thì thầm, giọng tôi từ chối làm việc.
“À, thì là của ba mẹ em, sao cũng được…” anh mỉm cười và kéo một ống quần jean lên.
“Ngân hàng đã tịch thu nó,” tôi nói, ngồi xuống đó, mặc đồ vào, cảm thấy hoàn toàn mất phương hướng. “Nó không còn là của gia đình em nữa.”
“Cái gì?” Một quân domino khổng lồ đổ ập xuống, tôi cảm thấy sàn nhà rung chuyển khi nó đập mạnh xuống sàn, như một tòa nhà chọc trời khổng lồ sụp đổ tan tành.
“Em xin lỗi,” tôi nói, rồi òa khóc. Rồi những lời đã từ lâu tôi muốn nói với anh cuối cùng cũng được nói ra, nhưng theo một cách sai bét và hoàn toàn không đúng thời điểm. “Em mười sáu tuổi,” tôi hoảng sợ nói.
Thật may cảnh sát viên Fitzgibbon, vốn vẫn đứng ngoài cửa, đã lập tức trở nên cảnh giác sau những tiếng lên giọng đầu tiên và nghe thấy phần còn lại của cuộc trao đổi. Ít nhất anh ta sẽ tin Marcus không biết gì, nhưng Marcus sẽ phải chứng minh chuyện này trước tòa. Fitzgibbon đã phải bước vào khi Marcus nổi giận đùng đùng lao về phía tôi, không phải để đánh tôi, không hề, nhưng để quát tháo tôi dữ dội đến mức tôi muốn anh trút vào tôi thêm nhiều lời chửi rủa nữa, gọi tôi là đủ thứ trên đời, nhưng anh chỉ hét lên và tôi biết tôi đã hủy hoại mọi thứ của anh. Dù anh đã thỏa thuận bất kỳ điều gì với ba mình về cái thư viện lưu động đó, nó chắc hẳn là cơ hội cuối cùng của anh. Chúng tôi chưa bao giờ nói về điều đó nhưng tôi nhận ra ngay ai đó đang ở vào thời khắc cơ hội cuối cùng. Tôi đã quen với việc nhìn thấy nó mỗi ngày trong gương.
Chúng tôi bị giải về đồn. Trải qua thủ tục ê chề của việc khai lại đầy đủ toàn bộ sự việc. Tôi đã hy vọng rằng vào lần đầu tiên khi cuối cùng tôi cũng làm tình, tôi có thể viết lại mọi chi tiết vừa hấp dẫn vừa bối rối vào một quyển nhật ký, chứ không phải tại một đồn cảnh sát. Tamara Goodwin. Tamara Rách Việc, lại làm tan tành mọi thứ, như thường lệ.
Rosaleen và Arthur đã phải lái xe lên Dublin đón tôi từ đồn cảnh sát về. Ngay khi ba Marcus biết chuyện, ông cho một chiếc xe tới đón anh. Tôi cố xin lỗi hết lần này tới lần khác, tuyệt vọng cố níu lấy anh trong làn nước mắt để anh dừng lại lắng nghe, nhưng anh không chịu nghe tôi, thậm chí chẳng buồn nhìn tôi. Arthur ngồi lại ngoài xe trong lúc Rosaleen vào gặp cảnh sát, sự việc ê chề thứ nhì xảy ra với tôi ngày hôm đó. Rosaleen dường như lo lắng hơn về Marcus, về những gì có thể xảy đến với anh. Họ nói với mợ rằng hình phạt tối đa cho việc quan hệ tình dục với “trẻ em” dưới mười bảy tuổi là hai năm. Nghe đến đó, tôi òa khóc. Rosaleen có vẻ khổ sở chẳng kém gì tôi, tôi không rõ liệu có phải vì tôi đã bôi xấu tên tuổi của mợ, thậm chí còn hơn cả việc ba tôi tự sát không hay vì mợ thực sự quý mến Marcus. Mợ hỏi hết câu này tới câu khác về Marcus cho tới khi cảnh sát viên Fitzgibbon dường như đã giúp mợ bình tĩnh lại với tin có vẻ anh thực sự không biết tuổi của tôi, và nếu Marcus có thể chứng minh chuyện này trước tòa, anh sẽ không sao hết. Dường như thế là đủ với Rosaleen, nhưng với tôi thì không. Liệu việc đó sẽ làm anh mất bao nhiêu thời gian? Cần đến bao nhiêu phiên hầu tòa? Bao nhiêu ê chề? Tôi đã hủy hoại cuộc sống của anh, đã phá tanh bành mọi thứ.
Rosaleen thậm chí chẳng buồn tìm cách nói chuyện với tôi, mợ hầu như chẳng thèm nhìn tôi. Mợ cộc lốc nói với tôi là Arthur đang chờ, rồi mợ rời khỏi đồn cảnh sát. Tôi cũng đứng dậy theo sau. Không khí trong xe căng thẳng kinh khủng khi tôi ngồi vào trong, như thể hai cậu mợ vừa cãi nhau. Tôi đoán những gì vừa xảy đến với tôi cũng đã là quá đủ để gây căng thẳng cho họ. Tôi sợ chết khiếp, thực sự chết khiếp. Tôi không dám nhìn Arthur. Cậu chẳng nói gì trong khi tôi vào xe cũng như sau đó, khi chúng tôi nổ máy lên đường quay lại Kilsaney. Tôi thực sự thấy nhẹ nhõm khi được đi xa đến thế, được cắt đứt khỏi những gì đã xảy ra. Cuối cùng nó đã cắt đứt sợi dây liên hệ gắn bó tôi với nơi này. Cũng có thể đó là ý định của tôi.
Tôi khóc ròng trên suốt con đường về nhà, quá bối rối, quá thất vọng, quá phẫn nộ. Toàn bộ chuyện này chĩa hết vào tôi. Đầu tôi ong lên như búa bổ khi giọng đàn ông từ máy thu thanh chui vào hai cái tai tôi, bò dần mỗi lúc một gần hơn lên não tôi, và khi chỗ cồn tôi đã uống vào người bắt đầu để lại dấu ấn. Sau chừng ba mươi phút, Arthur dừng xe bên ngoài một cửa hàng.
“Anh làm gì vậy?” Rosaleen hỏi.
“Em có thể vào đó mua mấy chai nước và ít thuốc đau đầu không?” ông nhẹ giọng hỏi.
“Cái gì? Em ư?”
Một khoảng im lặng thật dài.
“Anh không sao chứ?” Rosaleen hỏi cậu.
“Rose,” ông chỉ nói thế.
Tôi chưa bao giờ nghe cậu gọi Rosaleen như thế. Nó khiến tôi cảm thấy thật quen thuộc, tôi đã từng chứng kiến cảnh này, từng nghe thấy nó ở đâu đó, nhưng không thể nghĩ ra được. Rosaleen nhìn lại tôi, rồi nhìn sang Arthur. Nỗi sợ kinh khủng nhất của mợ là phải để hai cậu cháu tôi ở lại riêng với nhau. Tôi chợt nghĩ thật nhanh. Cuối cùng, bà chui ra khỏi xe, và chạy vội vào trong cửa hàng.
“Cháu ổn chứ?” Arthur hỏi, nhìn tôi qua gương chiếu hậu.
“Vâng ạ, cảm ơn cậu.” Nước mắt tôi lại trào ra. “Cháu rất xin lỗi, Arthur. Cháu rất xấu hổ.”
“Đừng xấu hổ, cô bé,” ông nói, giọng thật nhẹ nhàng. “Tất cả chúng ta đều làm những chuyện nhẹ dạ khi còn trẻ. Cái đó rồi sẽ qua thôi,” ông hơi mỉm cười với tôi. “Miễn là cháu ổn, hiểu không?” Rồi cậu nhìn tôi, một cái nhìn đượm vẻ lo lắng, nỗi lo của một người cha về điều tôi đã làm.
“Vâng, cháu vẫn ổn, cảm ơn cậu.” Tôi lại lấy khăn giấy ra, thực sự bối rối. “Không phải là… anh ấy không … cháu biết mình đã làm gì.” Tôi lúng túng hắng giọng. Tôi có thể thấy Rosaleen đang đứng ở cuối hàng người dài, lo lắng nhìn ra phía chúng tôi ở trong xe.
“Arthur, chứng trầm cảm của mẹ cháu, nó có di truyền trong gia đình không ạ?”
“Chứng trầm cảm nào?” cậu ngoái lại hỏi.
“Cậu biết mà, chứng trầm cảm mà sáng nay Rosaleen nói với bác sĩ Gedad là mẹ cháu đang mắc phải ấy.”
“Tamara,” ông nhìn tôi và biết tôi đang muốn nói gì. Ông đưa mắt kiểm tra Rosaleen trong cửa hàng. Vẫn còn ba người đằng trước. “Hãy nói thẳng với cậu xem nào.”
“Cháu đã hẹn bác sĩ Gedad tới khám cho mẹ sáng nay. Mẹ cháu cần được giúp đỡ, Arthur, có gì đó không ổn.”
Cậu có vẻ rất lo ngại khi nghe chuyện này. “Nhưng ít nhất mẹ cháu vẫn đi dạo hằng ngày, mẹ cháu có thể hít thở chút không khí trong lành.”
“Cái gì?” tôi lắc đầu. “Arthur, mẹ cháu chưa hề ra khỏi nhà từ khi mẹ con cháu đến đây.”
Quai hàm cậu nghiến chặt và cậu liếc nhanh – thắng tốt, chết toi – về phía Rosaleen trong cửa hàng. “Bác sĩ Gedad đã nói sao khi ông ấy thăm bệnh cho mẹ cháu?”
“Ông ấy thậm chí còn chưa kịp lên lầu. Rosaleen nói với ông ấy mẹ cháy bị trầm cảm từ nhiều năm nay, rằng ba cháu biết chuyện nhưng quyết định không bao giờ nói cho cháu biết và,” tôi bắt đầu òa khóc, không thể nói hết câu. “Tất cả đều là dối trá. Ba cháu thậm chí chẳng còn ở đó để biện hộ cho bản thân, hay có thể nói cho cháu… tất cả đều là dối trá. Cho dù cháu biết cháu không phải là người được nói,” tôi khịt mũi.
“Nghe này, Tamara, nín đi. Rosaleen chỉ đang cố gắng chăm sóc mẹ cháu tốt nhất có thể thôi,” cậu khẽ nói, gần như thì thầm, như đề phòng Rosaleen có thể nghe thấy ông từ trong cửa hàng. Chỉ còn lại một người đằng trước.
“Cháu biết, Arthur, nhưng nếu đó không phải là cách đúng thì sao? Đấy là tất cả những gì cháu muốn nói. Cháu không biết chuyện gì đã xảy ra giữa hai người họ nhiều năm về trước, nhưng nếu có điều gì đó, bất cứ điều gì mẹ cháu đã làm với Rosaleen khiến mợ ấy tổn thương hay phật ý, cậu có nghĩ liệu chuyện này có thể là…”
“Có thể là gì cơ?”
“Có thể là một cách, để trả đũa chẳng hạn? Nếu mẹ cháu đã làm chuyện gì đó với mợ ấy, nói dối theo cách nào đó…”
Cửa xe mở, cả hai chúng tôi cùng giật bắn mình.
“Kỳ thật, hai người nghĩ tôi là ma hay sao thế,” Rosaleen nói, có vẻ bất bình và lo lắng khi ngồi vào xe. “Đây,” mợ ném một cái túi vào lòng Arthur.
Cậu nhìn sang Rosaleen, một cái nhìn thật lâu, chăm chú, lạnh lùng khiến tôi ớn xương sống, khiến tôi muốn ngoảnh mặt nhìn đi chỗ khác. Ông đưa cái túi cho tôi. Rosaleen có vẻ ngạc nhiên.
“Cầm lấy, cái này có thể giúp ích cho cháu đây,” cậu nói, rồi nổ máy.
Không ai trong chúng tôi nói gì trong một giờ sau đó. Khi chúng tôi quay về đến ngôi nhà bên cổng, trời đã đầy ắp mây, làm tối sầm cả ngày nắng đẹp. Trời se lạnh, và những đám mây hứa hẹn sẽ đổ mưa. Cơn gió hây hẩy thổi tới thật dễ chịu cho cái đầu đang ngột ngạt của tôi, tôi hít vài hơi thật sâu trước khi đi vào trong nhà. Rồi tôi leo lên lầu.
“Chắc cháu biết cháu sẽ không được đi đâu trong một thời gian tới,” Rosaleen nói.
Tôi gật đầu.
“Sẽ có vài việc để cháu làm quanh đây,” mợ nói thêm.
“Tất nhiên rồi ạ,” tôi khẽ nói.
Arthur đứng bên cạnh, lắng nghe.
“Hãy ở trong khuôn viên khu đất khi cháu ra khỏi nhà,” ông nói thêm, và dường như ông đã phải cố gắng rất nhiều để nói ra từng đó.
Rosaleen đưa mắt nhìn cậu, ngạc nhiên và sau đó là phật ý vì cậu đã chen vào. Cậu chẳng hề nhìn Rosaleen. Rõ ràng kế hoạch của mợ là giữ chặt tôi trong nhà để tôi không gây ra thêm rắc rối nào nữa. Arthur thì không khắt khe đến thế.
“Cảm ơn cậu,” tôi nói, rồi lên lầu với mẹ.
Mẹ đang nằm ngủ trên giường. Tôi rón rén tới bên cạnh bà và đưa tay ôm quanh người bà, áp thật chặt mẹ vào mình. Tôi hít vào mùi hương từ mái tóc mới gội của bà.
Dưới nhà, một cơn bão vừa nổi lên khi tôi nghe thấy giọng Rosaleen và Arthur ngoài phòng khách. Thoạt đầu hai người họ chỉ nói chuyện, rồi mỗi lúc một to tiếng hơn. Rosaleen cố buộc chồng bà im lặng vài lần, nhưng Arthur lớn tiếng nạt mợ, và mợ đành bỏ cuộc. Tôi không thể nghe được hai người nói những gì, và cũng chẳng buồn cố thử. Tôi đã từ bỏ việc nhúng mũi mình vào những chỗ không thuộc về nó, tất cả những gì tôi muốn là mẹ khỏe lại, và nếu việc Arthur lên giọng có thể giúp tôi đạt được điều đó, vậy thì tốt thôi. Tôi nhắm chặt hai mắt lại, ước gì ngày hôm nay chưa bao giờ diễn ra. Tại sao quyển nhật ký lại không cảnh báo tôi chứ?
Cuộc tranh luận giữa Rosaleen và Arthur trở nên tồi tệ hơn. Không thể lắng nghe thêm nữa, tôi quyết định rời đi để dành cho họ và cả tôi khoảng không gian chúng tôi cần. Tôi cũng ghét việc mình đã mang chuyện không hay này tới cho họ. Trước khi mẹ con tôi đến đây, cậu mợ ấy đã thật hạnh phúc với cuộc sống của mình, với những công việc lặt vặt hằng ngày, chỉ hai người họ bên nhau, sự xuất hiện của tôi đã gây ra một vết rách toạc trong mối quan hệ của họ, và vết rách ấy cứ chầm chậm toạc ra mỗi ngày một lớn hơn. Ngay khi có một khoảng ngừng trong cuộc cãi cọ của hai người, tôi gõ cửa, và Arthur bảo tôi vào.
“Cháu xin lỗi đã quấy rầy cậu mợ,” tôi khẽ nói. “Cháu chỉ muốn ra ngoài một chút cho thoáng đầu. Quanh quẩn trong khuôn viên thôi. Có được không ạ?”
Arthur gật đầu. Rosaleen quay lưng về phía tôi, và tôi có thể thấy hai bàn tay mợ nắm chặt lại hai bên người. Tôi vội vã đóng cửa lại rồi ra khỏi nhà. Trời sẽ còn sáng thêm khoảng một giờ nữa, nghĩa là cho tôi đủ thời gian để đi dạo một lát cùng cơ hội giúp đầu óc tỉnh táo lại. Tôi muốn đi tới lâu đài, nhưng tôi có thể nghe thấy Weseley và đám bạn bè của anh ta đang tụ tập. Tôi chẳng có tâm trạng để gặp gỡ bọn họ, tôi chỉ muốn ở một mình. Vậy là tôi rẽ ngược hướng và đi về phía xơ Ignatius, dù biết mình không định đến gặp bà. Vào giờ này tôi không muốn băng qua rừng, tôi tiếp tục đi xuôi con đường và cúi gằm đầu xuống trong lúc bước qua bên vòm cổng tối sẫm mang kiến trúc Gothic, cửa vẫn bị xích và bỏ mặc cho mục nát.
Ngay khi nhìn thấy nhà nguyện trong tầm mắt, tôi nhận ra mình đã nín thở. Tôi đi tới chỗ nhà nguyện, từ chỗ này tôi có thể thấy nhà của xơ Ignatius và nhờ vậy cảm thấy đủ an toàn để bước vào trong. Nơi này chỉ đủ chỗ cho nhiều lắm là mười người. Một nửa mái đã sụp xuống, nhưng bên trên, những cây sồi đã ngả cành lá che chở cho nó. Một ngôi nhà nguyện cổ kính là lạ, chẳng trách xơ Ignatius lại thích nó đến thế. Không có băng ghế cầu nguyện, tôi đoán chỗ này đã dọn dẹp cho mấy buổi lễ gần đây. Phía trên bàn thờ, một cây thánh giá gỗ đơn sơ nhưng lớn được gắn vào tường đá. Tôi đoán xơ Ignatius có ít nhiều liên quan với việc nó hiện diện trên đó. Vật duy nhất còn lại đứng sừng sững trong nhà nguyện là một cái bồn cẩm thạch to đại – thắng tốt, chết toi – sứt mẻ và nứt tùm lum quanh miệng, song nó vẫn đứng hiên ngang, được gắn chặt xuống sàn bê tông. Trong lòng bồn hiện là nơi cư ngụ của lũ nhện và bụi bặm, song tôi có thể hình dung ra hết thế hệ này đến thế hệ khác của dòng họ Kilsaney đã tập hợp tại nơi này để làm lễ đặt tên cho con cái họ. Có một cánh cửa gỗ mở ra khu nghĩa địa nhỏ kế bên. Tôi quyết định không đi qua nó mà thay vì thế quay lại cửa chính tôi đã đi qua để vào trong. Từ phía sau cánh cổng che chắn cho khu nghĩa địa, tôi căng mắt ra để đọc các tấm bia. Có nhiều bia không tài nào đọc được, chúng bị phủ đầy rêu, bị thời gian tàn phá. Trong một hầm mộ quá khổ an nghỉ cả một gia đình, Edward Kilsaney, vợ ông ta, Victoria, cùng các con trai của họ Peter, William và Arthur và em gái họ, một cái tên bắt đầu bằng chữ B, phần còn lại đã biến mất theo thời gian với linh hồn xấu số mang cái tên bắt đầu bằng chữ B. có thể là Beatrice, hay Beryl, Bianca hay Barbara. Tôi cố dành cho người phụ nữ này một cái tên. Tưởng nhớ Florie Kilsaney; vĩnh biệt mẹ, chúng con đau buồn vì mất mẹ. Robert Kilsaney chết khi một tuổi vào ngày 26 tháng Chín năm 1832, rồi người mẹ Rosemary ra đi theo con mười ngày sau đó. Tưởng nhớ Helen Fitzpatrick mất năm 1882; chồng và các con luôn yêu quý bà. Có những tấm bia kiệm lời hơn, chỉ có tên họ, ngày tháng, và càng vì thế mà có vẻ bí hiểm hơn; Grace và Charles Kilsaney 1850-1862. Chỉ mới mười hai tuổi, cả hai cùng sinh và cùng mất một ngày. Quá nhiều câu hỏi có thể đặt ra.
Mỗi tấm bia mộ đủ rõ để có thể đọc đều mang trên chúng nhiều biểu tượng, một số bia mang hình vòm, một số chạm hình bồ câu, mũi tên, những con chim, số khác có hình những con vật với bộ dạng kỳ quái, những biểu tượng tôi không hiểu gì song ước gì có thể biết được ý nghĩa. Tôi dự định sẽ hỏi xơ Ignatius vào bất cứ lúc nào tôi cảm thấy mình có thể đối diện với bà trở lại. Tôi nhìn qua một lần nữa những tấm bia, không còn cảm thấy sợ như lần đầu tiên tôi đi ngang qua. Có thể tôi ít nhất cũng đã lớn lên đôi chút. Một cây thánh giá lớn cao vút chĩa thẳng lên trời, với nhiều cái tên được thêm vào khi từng gia đình nối nhau gia nhập, tên họ và những câu chữ khắc lại ngày càng dễ đọc hơn theo năm tháng. Dòng chữ mới nhất, còn rõ nét nhất nằm ở dươi cùng, và ngay khi mắt tôi dừng lại ở nó, tôi không hiểu nổi tại sao mình lại không nhận ra nó sớm hơn. Dưới chân cây thánh giá có một khối đá lớn với những cái tên khắc trên đó. Trên mặt đất, đằng trước khối đá, là một bó hoa – hoa tươi – được buộc lại bằng một cọng cỏ dài. Tôi leo lên hàng rào để nhìn dòng chữ được khắc.
Laurence Kilsaney 1967-1992
HÃY YÊN NGHỈ
Chỉ mới mười bảy năm trước. Ông ta hẳn đã chết trong vụ hỏa hoạn ở lâu đài. Và mới chỉ hai mươi lăm tuổi. Thật buồn. Cho dù tôi không hề biết Laurence, hay bất cứ ai trong gia đình ông ta, tôi bắt đầu khóc. Tôi hái mấy bông hoa dại, bó chúng lại bằng dây buộc tóc của mình, và không thêm nghĩ lắm làm gì, tôi leo qua hàng rào và đặt chúng trên mộ ông ta. Tôi để bó hoa xuống ngôi mộ và đưa tay ra để chạm vào bia đá, nhưng đúng lúc các ngón tay tôi chạm vào mặt đá lạnh toát, tôi nghe thấy một tiếng động sau lưng mình; một tiếng tách. Tóc gáy tôi dựng đứng. Tôi quay ngoắt lại, chờ đợi sẽ đối mặt với một người lạ hoắc, gần tới mức tôi cảm thấy hơi thở của ngừơi đó đang phả vào gáy mình. Tôi nhìn quanh theo khắp mọi hướng, gần như quay cuồng trong nỗ lực cố lấy lại tập trung. Chỉ có cây, cây và cây trong tầm mắt. Tôi cố thuyết phục bản thân là mình vừa bị ma ám vì tôi đang đứng giữa một nghĩa địa cổ xưa, bao quanh tôi là hàng bao nhiêu thế hệ của một gia đình đã bị chết vì dịch bệnh, chiến tranh, thống khổ, hỏa hoạn, và nhân đạo hơn, vì tuổi già. Tôi cố thuyết phục mình như thế song rõ ràng đã có ai ở đó, tôi dám chắc như vậy. Tôi nghe thấy tiếng cành cây gãy và đầu tôi vụt quay lại, hướng về phía tiếng động.
“Xơ Ignatius, có phải xơ đấy không ạ?” tôi gọi. Câu trả lời chỉ là âm vang giọng nói run rẩy của chính tôi vọng lại. Thế rồi tôi thấy các lùm cây xao động, nghe thấy tiếng sột soạt xa dần, khi ai đó đi giữa các thân cây theo hướng đối diện.
“Weseley?” tôi gọi, âm thanh run rẩy trong giọng nói của tôi vọng lại.
Cho dù đó là ai, người này cũng đã rời đi rất vội vã. Tôi nuốt khan nặng nhọc rồi vội vàng rời khỏi khu nghĩa địa, leo qua hàng rào và nhanh chóng rời xa khỏi nó, cố lôi thân mình đi như thể tôi đang dính phải một mạng nhện khổng lồ.
Tôi hối hả trở về ngôi nhà bên cổng, liên tục ngoái nhìn lại đằng sau để đoan chắc mình không bị bám đuổi. Trời đã nhá nhem khi tôi về đến nhà. Rosaleen đang ngồi đan trong phòng khách, trong tiếng ti vi được bật lên lặng lẽ. Khuôn mặt mợ có vẻ phờ phạc, mệt mỏi vì tranh cãi. Arthur đang ở trong gara ngoài vườn sau, bực bội trút giận lên đồ đạc không cần biết nó là thứ gì, trong lúc ông đi quanh. Sự tò mò của tôi đã bị dập tắt ngóm, tôi không còn bận tâm tới việc hai người đã trải qua những gì ở nhà. Tôi cảm thấy mình đang đuổi theo một bí mật, và giờ đây bí mật đó lại đuổi theo tôi. Tôi thấy sợ, tôi chỉ muốn thời gian trôi qua để mẹ thôi buồn phiền, trở nên khá hơn để chúng tôi có thể rời khỏi nơi đây, một nơi có vẻ bị ám nặng bởi những hồn ma của quá khứ, một quá khứ đang mỗi lúc một lôi tôi vào sâu trong nó hơn, bất chấp việc tôi chẳng có gì liên quan đến nó.