Nhật Ký Của Ngày Mai

CHƯƠNG 15 – NHỮNG THỨ BẠN THẤY TRONG KHO NHÀ BẾP



Rosaleen hôm nay nom khác hẳn, đã bỏ ra chút nỗ lực cho buổi lễ cầu kinh và phiên chợ ngày Chủ nhật. Bộ đồ diện ngày Chủ nhật của mợ là một chiếc váy màu be dài tới đầu gối hơi xẻ ở giữa lưng. Mợ mặc một chiếc áo màu kem hơi trong suốt với hai bên vai bồng có dây buộc được thắt thành nơ ở trước cổ, lấp ló bên dưới là một chiếc áo ngực ren, cho dù tôi dám ngờ mợ biết nó có thể bị nhìn xuyên thấu. Điều này quả thực khá khó hiểu. Mợ mặc một cái áo khoác cũng màu be với một cây trâm gắn lông công cài bên ve áo, dưới chân là đôi giày hở ngón màu da chân có quai đeo gót. Đế chỉ cao chừng năm phân, song trông mợ rất tuyệt. Tôi nói thế, vậy là khuôn mặt mợ sáng bừng lên, hai má ửng hồng.
“Cảm ơn cháu.”
“Mợ mua nó ở đâu thế ạ?”
“À,” mợ có vẻ lúng túng khi nói về bản thân mình. “Ở Dunshauglin. Cách chỗ này nửa giờ chạy xe có một chỗ mợ rất thích. Mary rất tốt, Chúa ban phước cho linh hồn bà ấy…”
Tôi nín thở chờ đợi tin tức bi kịch về Mary, đó là thứ kiểu gì tôi cũng buộc phải lắng nghe. Tin về một ông chồng đã chết và những câu Chúa ban phước cho bà ta.
Tôi lại cố khơi mào một chủ đề trò chuyện khác.
“Mợ có anh em trai hay chị em gái nào không ạ?”
“Một cô em gái ở Cork. Helen. Cô ấy là giáo viên. Và mợ có một anh trai, Brian, sống ở Boston.”
“Họ có bao giờ đến đây chơi không ạ?”
“Thỉnh thoảng, cũng lâu rồi. Thường thì mẹ của mợ sẽ đến thăm họ, như thế bà sẽ có dịp đổi gió, song giờ thì bà không thể đi được nữa rồi. bà bị ĐXC,” rồi mợ nhìn tôi, giải thích. “Đa xơ cứng, cháu có biết là gì không?”
“Một chút thôi ạ. Chứng bệnh gì đó liên quan tới chuyện cơ của chúng ta không hoạt động nữa.”
“Cũng gần đúng. Chứng bệnh này sẽ trở nên tồi tệ hơn theo năm tháng. Mợ không thể đi chơi, mợ không muốn để bà lại một mình, cháu biết đấy, bà cần đến mợ.”
Dường như có rất nhiều người cần đến Rosaleen. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng khi có nhiều người đến thế cần tới một người, rất có khả năng người này còn cần họ cần tới mình hơn. Tôi chưa bao giờ muốn cần tới Rosaleen.
Mẹ của mợ chẳng bao giờ tới để chỉ ngón tay buộc tội vào tôi, nhưng lúc hai giờ thì có. Tôi lẻn ra khỏi nhà mà không bị ai trông thấy, Rosaleen lại đang bận bịu làm bánh tart. Tôi biết được ba nghìn thứ bánh khác nhau mợ đã làm trong suốt cả tuần không chỉ để cho chúng tôi và mẹ của mợ ăn, mà còn mang chúng tới chợ nông thôn vào ngày Chủ nhật để bán cùng các món mứt nhà làm và rau hữu cơ nhà trồng. Mợ cầm cái xắc tay đầy căng tiền giấy và tiền xu lẻ tới bàn, quay lưng lại để lấy thứ gì đó từ trong xắc ra, rồi ấn 20 euro vào lòng bàn tay tôi. Thực lòng mà nói, tôi cảm thấy rất cảm động, tôi từ chối nhận nhưng mợ dứt khoát không đồng ý.
Khi tôi sang tới lâu đài, Weseley đag ngồi trên cầu thang – cầu thang của tôi. Anh ta mặc quần jean xanh, áo phông đen có in hình đầu lâu và đi giày thể thao. Thậm chí cả trong ánh sáng ban ngày, trông anh ta cũng thật dễ mến.
Anh ta ngước mắt lên và tháo tai nghe ra. “Ông ấy có thể đến vào ngày mai, lúc mười giờ.”
Chẳng có lấy câu xin chào hay gì đó đại loại thế, tôi thấy hơi hụt hẫng.
“Ồ. Hay lắm, cảm ơn anh.” Tôi đợi anh ta đứng dậy và vỗ cánh bay đi, giống một con bồ câu bé nhỏ đã trao xong thông điệp, nhưng anh ta vẫn nán lại. “Mà ba anh có thể đến lúc mười giờ mười lăm, đề phòng trường hợp Rosaleen rời nhà muộn hơn, được không?”
“Được chứ, tôi sẽ nói với ông ấy.”
“Okay, hay lắm, cảm ơn anh,” tôi lặp lại.
Anh ta vẫn không rời đi, vậy là tôi bước vào trong, tựa người vào bức tường đối diện.
“Anh có biết bà lão sống trong ngôi nhà một tầng không?”
“Mẹ Rosaleen ấy a? Tôi thấy bà ấy vào tuần đầu tiên chúng tôi chuyển đến đây, nhưng kể từ đó thì không. Bà lão quả thực cũng không ra ngoài nhiều. Bà ấy già lắm rồi. Tôi nghĩ bà ấy bị bệnh Alzheimer hay gì đó.”
“Anh đã bao giờ vào nhà bà ấy chưa?”
“Tôi mang vài thứ đến đó hộ Arthur. Củi, than, vài món đồ đạc, những thứ đại loại như thế. Nhưng Rosaleen luôn hộ tống theo tôi từ lúc vào cho đến lúc ra.” Anh ta mỉm cười, “Mà quả thực ở đó cũng chẳng có gì để đánh cắp, nếu đó là điều bà ấy lo lắng.”
“À, mợ ấy lo lắng về điều gì đó. Vì thế Arthur chẳng bao giờ đích thân tới ngôi nhà một tầng…” tôi nói to lên thành tiếng suy nghĩ của mình. “Chắc hẳn hai người họ không hợp nhau lắm. Tôi rất muốn biết lý do.”
“Tự điều tra đi, Nancy Drew[8]. Hay lý do là thế này, tôi là tay thuê của Arthur, vì thế ông ta không sẵn lòng vác chiếc ghế xích đu ọp ẹp sang cho bà mẹ vợ trong khi ông ta có thể trả cho tôi đồng lương rẻ bèo để tôi làm việc đó cho ông ta.”
[8] Nhân vật chính trong loạt truyện điều tra tội phạm cùng tên do Edward Stratemeyer xuất bản.
“Nhưng ông ấy thậm chí còn chẳng bao giờ đến thăm bà cụ.”
“Cô thực sự đang tìm kiếm thứ gì đó phải không?”
Câu hỏi ấy làm tôi nhớ lại những lời xơ Ignatius đã nói về việc đầu óc tôi luôn làm những chuyện chẳng giống ai khi tìm kiếm. Bà đã biết trước cả tôi là tôi đang tìm kiếm điều gì đó.
“Chỉ là…” tôi nghĩ đến chuyện ấy, “nói một cách thành thật, ở đây tôi cảm thấy buồn tẻ,” tôi bật cười. “Nếu tôi có được cái gọi là cuộc sống, hay vài ba người bạn, hoặc ai đó để tâm sự thì tôi đã chẳng để tâm đến mấy chuyện không đâu. Khi đó chắc tôi sẽ chẳng buồn bận tâm đến Rosaleen và các bí mật của mợ ấy.”
“Bí mật nào hả?” anh ta phá lên cười. “Rosaleen chẳng có bí mật nào cả, chỉ đơn giản là bà ấy không hiểu nổi nghệ thuật giao tiếp. Bà ấy đã quá quen với việc dành thời gian một mình, tôi không nghĩ bà ấy biết cách cung cấp cho người khác thông tin về bản thân mình.”
“Tôi biết thế, và tôi đã nghĩ về chuyện đó, nhưng…”
“Nhưng làm sao?”
Tôi không biết chuyện này xảy ra đến như thế nào hay vì sao, song đột nhiên tôi bắt đầu kể cho anh ta nghe mọi thứ trong vài tuần vừa qua. Tất cả những cuộc trò chuyện kỳ lạ, cuốn album ảnh bị mất, ý nghĩ lạ lùng của Arthur rằng mẹ tôi không muốn gặp cậu, rồi cái cách Rosaleen không chịu để tôi ở trong phòng một mình với bất cứ ai khác khi không có mặt mợ ở đó, việc Rosaleen không nhắc đến tôi trong cuộc nói chuyện của mợ với xơ Ignatius, rồi xơ Ignatius muốn tôi hỏi chuyện Rosaleen, lời nhận xét rằng mẹ tôi nói dối, chuyện Rosaleen muốn giữ rịt mẹ tôi trong phòng mọi lúc, hay cái cách mợ biến mất đầy kì bí vào trong ngôi nhà một tầng và không muốn tôi sang bên đó, những gì tôi đã thấy trong khu vườn sau nhà, cái khay được để lại trên tường, cuộc trạnh luận về chuyện không muốn cất đồ đạc của chúng tôi trong ga ra.
Anh ta lắng nghe, lắng nghe đầy kiên nhẫn, bày tỏ đủ phản ứng để động viên tôi tiếp tục nói mà không dè chừng.
“Okay…” anh ta nói ngay khi tôi vừa kết thúc. “Tất cả chuyện đó đúng là nghe có vẻ hơi kỳ cục, và tôi hiểu vì sao cô lại thấy ngờ vực, song rất có thể tất cả đều có lời giải thích. Chỉ đơn giản vì Rosaleen hơi kỳ cục một chút – tôi không có ý xúc phạm đâu nhé,” anh ta vội nói thêm. “Tôi biết bà ấy là mợ cô.”
“Chẳng có gì là xúc phạm cả.”
“Thực ra tôi chưa ở đây đủ lâu để biết thật rõ về bất cứ ai, song Rosaleen quả tình chẳng nói chuyện với bất cứ ai trong thị trấn. Bất cứ khi nào mẹ tôi gặp bà ấy, bà ấy luôn cúi gằm đầu xuống và tiếp tục bước đi. Tôi không biết chỉ là do bà ấy dè dặt hay là vì cái gì nữa. Còn về chuyện bà ấy ở cạnh cô, bà ấy biết những gì về việc làm mẹ nhỉ? Nhưng nói vậy thôi chứ tôi không hề có ý cho rằng cô sai, Tamara, rất có thể có điều gì đó họ đang giữ kín với cô. Tôi không biết nó có thể là cái quái quỷ gì, nhưng nếu có chuyện gì khác quái lạ xảy ra, hãy cho tôi biết.”
“Có một chuyện cực kỳ quái lạ đang xảy ra,” tôi nói.
Tim tôi đánh trống thình thình, tôi không tin nổi mình sắp nói cho anh ta biết về quyển nhật ký. Tôi chỉ rất muốn anh ta tin tôi.
“Kể cho tôi nghe đi.”
“Anh sẽ nghĩ tôi là đồ tâm thần.”
“Không đâu.”
“Chỉ cần làm ơn tin là không phải tôi đang nói dối.”
“Okay. Kể đi,” anh ta nói, bắt đầu trở nên suốt ruột.
Tôi kể cho anh ta nghe về quyển nhật ký.
Hoàn toàn có thể hiểu được khi anh ta ngả người ra xa tôi, hai cánh tay khoanh lại, toàn bộ màn ngôn ngữ cơ thể này tương đương với một cái máy tính đang tắt phụt. Ôi Chúa ơi. Anh ta nhìn tôi khác hẳn, kể cả lần biến sắc mặt khi tôi kể với anh ta ba đã chết cũng chẳng là gì, lần này quả là một cấp độ khác hẳn. Anh chàng nghĩ tôi là một con bé điên khùng.
“Weseley,” tôi bắt đầu, nhưng rồi chẳng biết nên nói gì thêm.
“Yoohoo,” một tiếng gọi đột ngột vang lên, vậy là Weseley giật mình bừng tỉnh, đưa mắt nhìn về phía khung cửa. Một cô nàng tóc vàng xinh đẹp bước vào. Cô ta nhìn thẳng vào anh, không hề nhận ra tôi đang tựa vào tường.
“Ashley,” anh ta ngạc nhiên nói, “Em đến sớm.”
“Em biết, xin lỗi, cũng chỉ vì quá phấn khích muốn được gặp anh. Em có mang đến một cái mền,” cô nàng lắc lắc cái giỏ cầm trong tay. Cô ta lao về phía Wesley và thả rơi cái giỏ xuống chân, rồi quàng tay quanh cổ anh ta và hôn, không giống cái hôn của một cô em gái chút nào. Tôi cảm thấy một cơn ghen tị nhói lên đầy ngỡ ngàng và lập tức nhún vai coi thường. Như thể cảm nhận được có kẻ đang nhún vai coi thường mình, cô nàng mở bừng mắt ra và thấy tôi đang đứng đó, hai tay khoanh trước ngực, đầy vẻ ngán ngẩm trước màn trình diễn của họ.
“Diễn mùi lắm, nhưng giờ tôi chán quá rồi, tôi có thể đi được chứ?”
Weseley buông cô nàng ra, rồi quay sang tôi mỉm cười.
“Cô là ai?” cô ta nhìn tôi như thể tôi là một con bé nặng mùi kinh khủng. “Cô ta là ai vậy?” cô nàng tóc vàng hỏi anh ta.
“Tôi là người tình bí mật của anh ấy. Chúng tôi thích làm chuyện đó trong các lâu đài cổ mà vẫn mặc nguyên đồ trên người trong khi tôi tựa người vào tường còn anh ấy ngồi trên cầu thang ở phía bên kia phòng. Rất khó nhưng bọn tôi thích thách thức. Tóc xoăn. Hẹn sau nhé anh yêu,” tôi nháy mắt với anh ta trong lúc bước ra cửa.
“Đó là Tamara,” tôi nghe thấy anh ta nói trong lúc tôi rời khỏi tòa lâu đài. “Cô ấy chỉ là một người bạn.”
Cô ấy chỉ là một người bạn. Câu nói có thể giết chết bất cứ cô gái nào ngoài tôi, nó khiến tôi mỉm cười. Không chỉ vì màn tường thuật kỳ quái nhất tôi đưa ra về câu chuyện kỳ quái nhất bạn có thể từng được nghe trong đời chẳng hề khiến anh ta xông vào tôi với một cây đuốc cháy đùng đùng trên tay hòng thiêu sống tôi trên đống củi, mà còn bởi ngay tại đây, đúng tại nơi này, tôi lại có thêm một người bạn.
Và tòa lâu đài là nhân chứng của tôi.
“Tamara,” tôi nghe thấy anh ta gọi đúng lúc ngôi nhà xuất hiện trong tầm nhìn. Tôi quay lại vài bước, đi sát gần vào các thân cây hơn để Rosaleen ưa dò xét không trông thấy chúng tôi nói chuyện với nhau.
Anh ta thở không ra hơi khi bắt kịp tôi.
“Về quyển nhật ký ấy.”
“À phải, tôi xin lỗi đã quên mất nó.”
“Tôi muốn tin cô, nhưng tôi không thể.”
Tôi đồng thời được khen ngợi và sỉ nhục trong cùng một lúc.
“Nhưng nếu cô cho tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai, và rồi chúng diễn ra thật, khi đó tôi sẽ tin cô. Như thế cũng có lý, phải không nào?”
Tôi gật đầu.
“Nếu cô đúng, khi đó tôi sẽ giúp cô làm bất cứ việc gì cô định làm.”
Tôi mỉm cười.
“Nhưng nếu cô dựng đứng chuyện này lên,” anh ta lắc đầu và lại nhìn tôi đầy kỳ cục. “Khi đó cô biết rồi đấy…”
“Tôi biết. Khi đó anh sẽ muốn trở thành bạn trai tôi. Tôi hiểu.”
Anh ta bật cười. “Vậy chuyện gì sẽ xảy ra?”
“Tôi vẫn chưa đọc. Nó chỉ xuất hiện vào buổi chiều, tôi cũng không biết chắc lúc nào.”
Nom anh ta có vẻ ngờ vực. Ý tôi là thậm chí đến bản thân tôi cũng thấy khó mà tin chính mình, dù tôi biết mình không nói dối.
“Tôi sẽ đọc khi về đến nhà, rồi sẽ gọi cho anh sau, được chứ? Mà anh có nhà không? Tôi không muốn làm phiền anh và Yoohoo.”
Anh ta phá lên cười. “Okay, vậy hãy gọi cho tôi.” Weseley bắt đầu quay lại. “Nhưng tiện đây xin nói luôn, cô ấy không phải bạn gái tôi.”
“Chắc là không rồi,” tôi trả miếng.
Về đến nhà, tôi xuống ngồi cùng Arthur và Rosaleen dưới phòng khách, giả bộ đọc cuốn sách Fiona đã đưa cho tôi. Sau đó tôi ngáp dài, vươn vai, lấy cớ rời khỏi phòng và leo lên lầu. Tôi lấy quyển nhật ký từ dưới ván sàn lên, mang ghế tới chặn cửa tồi ngồi xuống đọc. Dòng đầu tiên làm tôi thực sự bồn chồn.
Thứ Hai, ngày 5 tháng Bảy
Thật là tai họa! Sáng nay bác sĩ Gedad có mặt đúng như đã định. Rosaleen rời nhà lúc 10 giờ sáng để kịp giờ cho ăn tại sở thú đứng như mình dự đoán. Mình đã cẩn thận theo dõi để đảm bảo chắc chắn sẽ không có gì khiến mợ vội quay về sớm. Bác sĩ Gedad bấm chuông cửa lúc 10 giờ 15. Mình cầu mong mẹ không nhìn ra ngoài cửa sổ và trông thấy chiếc xe của ông ta đậu ở đó, song về việc này tôi chẳng thể làm gì được. Mình chỉ cần đưa ông bác sĩ vào trong nhà và ra khỏi nhà nhanh nhất có thể. Mình đợi ông ta ngoài cửa, và ông bác sĩ có vẻ là một người thật niềm nở đáng mến. Lẽ ra mình cũng chẳng nên ngạc nhiên khi Weseley là con trai ông ta. Chúng mình đang ở lối vào khi cửa trước mở thì Rosaleen bước vào. Chân thành mà nói, vẻ mặt mợ khi nhìn thấy ông bác sĩ nom cứ như bà vừa bị cảnh sát bắt quả tang vậy. Bác sĩ Gedad dường như không hề nhận ra. Ông vẫn tỏ vẻ thân thiện và làm quen xã giao với mợ, vì hai người họ chưa từng gặp nhau. Vậy là bác sĩ Gedad tự giới thiệu bản thân, còn Rosaleen chỉ đứng nhìn ông ta chằm chằm như thể một sinh vật lạ từ trên trời rơi xuống đã chui vào ngôi nhà quý báu của mợ. Mợ bắt đầu nói một thôi một hồi chẳng ra đâu vào đâu với vẻ bối rối về món bánh táo, bà nếm bánh táo và phát hiện ta đã cho muối vào đó thay vì đường, và đây là lần đầu tiên mợ nhầm lẫn như thế. Dường như mợ thực sự phát bẳn lên, như thể đó là điều tồi tệ nhất mà bất cứ ai từng làm trên thế giới này. Mợ về nhà để lấy chiếc bánh khác mà mợ đã làm cho bữa tối. Mợ tin chắc mình và Arthur sẽ hiểu nếu chúng mình cho phép mợ mang nó tới cho mẹ mợ. Ý mình là dẫu sao đó cũng chỉ là một cái bánh táo. Mợ đã thực sự chấn động. Mình chẳng rõ liệu nguyên do là vì mợ phạm phải một sai lầm hay vì mình đã thu xếp mời một bác sĩ tới khám cho mẹ sau lưng mợ. Bác sĩ Gedad hỏi thăm mẹ mợ, người mà ông nghe nói là không được khỏe, và trong một tình hình thế gió đổi chiều khó tin nhất trên đời, bác sĩ Gedad cuối cùng lại trò chuyện với Rosaleen trong bếp, trong khi mình không được phép ngồi cùng họ, và khi hai người đã hết chuyện, bác sĩ Gedad nói với mình ông ta tin chắc sự hiện diện của ông tại đây là không hề cần thiết. Ông lấy làm tiếc cho những mất mát của mình, đưa cho mình một tờ rơi nói về một dịch vụ tư vấn nào đó rồi ra về.
Giờ thì mọi sự còn đáng ngán hơn so với trước khi mình bắt đầu chuyện này. Mình không thể chịu được nó thêm nữa. Mình không chịu nổi phải sống ở đây thêm nữa. Lần tiếp theo Marcus tới cùng chiếc xe buýt của anh ta, mình sẽ cướp nó và buộc anh ta phải đưa mình về nhà. Cho dù ngôi nhà ấy có ở đâu đi chăng nữa, thì dứt khoát cũng không phải nơi này.
Ngày mai đừng trông mong mình viết gì thêm.
Hai bàn tay run rấy, tôi trả quyển nhật ký trở lại dưới tấm ván sàn và biết rằng mình cần sửa chữa chyện này. Tôi xuống nhà, và ở trong bếp Rosaleen đang làm bánh cho ngày hôm sau.
Tôi ngồi xuống quan sát mợ, bồn chồn cắn móng tay trong khi cố quyết định xem nên làm gì. Nếu tôi ngăn bà cho muối vào bánh, điều đó cũng có nghĩa là tôi có thể ngăn bà quay lại ngôi nhà bên cổng quá sớm. Nhưng nếu tôi thay đổi mọi thứ, khi đó Weseley sẽ chẳng bao giờ tin tôi. Tôi thực sự cần gì hơn đây, một ông bác sĩ cho mẹ hay một đồng minh ở đây để giúp tôi?
“Tamara, cháu có thể lấy đường trong kho bếp giúp mợ được không?” Bà xen vào dòng suy nghĩ của tôi.
Tôi lạnh toát người.
Mợ quay lại, “Tamara?”
“Vâng,” tôi vội đáp. “Cháu lấy ngay đây.”
“Cháu có thể đổ đường đầy đến đây thôi, thế sẽ dễ hơn,” mợ mỉm cười vui vẻ, thích thú cái lúc mợ cháu gần gũi kiểu này.
Tôi nhận cái cốc đong từ tay mợ và cảm thấy như đang ở bên ngoài chính mình trong lúc đi tới kho bếp. Trong căn phòng nhỏ cạnh bếp, tôi nhìn vào những tầng giá chạy từ sàn cao lên tới tận trần, tích trữ đủ mọi thứ mà một người có lẽ sẽ cần đến trong mười năm. Các loại gia vị đựng riêng rẽ trong những lọ thủy tinh có nắp vặn, được dán nhãn với nét chữ hoàn hảo ghi rõ thành phần bên trong và hạn dùng. Một giá đựng các loại củ; hành tây, khoai tây, khoai lang, cà rốt. Một giá đựng đồ hộp, xúp và nước hầm, đậu, cà chua đóng lon. Phía dưới là các loại lương thực, tất cả đều đựng riêng trong bình thủy tinh; gạo, mì đủ loại hình dạng và màu sắc, đậu hạt, yến mạch, đậu lăng, ngũ cốc, nho khô, mơ khô. Rồi nguyên liệu để nướng bánh; bột mì, đường, muối và gia vị, và vô số bình đựng dầu, dầu ô liu, dầu vừng, giấm nho, dầu hào, rồi hàng giá hàng dãy các loại gia vị. Số lọ đựng mật ong và mứt thậm chí còn nhiều hơn; mứt dâu tây, mâm xôi và cả mận. Quả là vô cùng tận. Cả đường và muối đều đã được đổ ra khỏi túi đựng, cho vào các lọ. Những cái lọ được ghi nhãn, với cùng thứ chữ viết tay hoàn hảo đó, Đường và Muối. Bàn tay tôi run lên khi tôi với tới lọ muối. Tôi vẫn nhớ bài học từ tối hôm trước, tôi có thể thay đổi quyển nhật ký, tôi không cần phải tuân theo câu chuyện trong đó, nếu tôi không tìm thấy nó, hẳn cuộc sống sẽ tiếp tục trôi đi mà tôi không hề biết trước điều gì.
Nhưng khi tôi nghĩ tới Weseley, nếu tôi mang đường đến cho Rosaleen, khi đó mợ sẽ không quay trở lại nhà vào ngày mai, mợ sẽ không bắt gặp ông bác sĩ trước khi ông ta kịp lên lầu, mợ sẽ không thể thuyết phục ông ta không gặp mẹ tôi. Nếu tôi thay đổi quyển nhật ký, khi đó tôi đương nhiên hoàn toàn chẳng biết được điều gì sẽ xảy đến. Tôi sẽ không thể nói với Weseley những gì xảy ra ngày mai, và anh ta sẽ không tin tôi về chuyện quyển nhật ký. Tôi sẽ mất một người bạn và trông giống như kẻ quái đản nhất hành tinh.
Nhưng nếu tôi kể cho anh ta biết chuyện gì sẽ xảy đến vào ngày mai, khi đó mẹ không thể gặp được bác sĩ. Tôi liệu còn có thể chờ đợi ở nơi này bao lâu nữa trong khi bà ngồi trên lầu hết ngủ rồi lại thức như thể chẳng có chút gì khác biệt giữa hai trạng thái đó cả?
Tôi đi đến quyết định của mình và với lấy một cái lọ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.