Tôi chỉ ngủ được rất ít tối hôm đó, cứ lăn lộn trằn trọc hoài, cảm thấy quá nóng và đá tung chăn ra, rồi lại thấy quá lạnh và kéo chăn đắp lên người, thò một chân rồi lại thò một tay ra, vẫn chẳng có cách gì khiến tôi thoải mái, tôi chịu không tài nào tìm ra được một tư thế giúp mình khoan khoái. Tôi đánh bạo xuống dưới nhà lần vào bếp để gọi điện cho Weseley về đoạn nhật ký. Tôi không dùng cầu thang, thay vào đó tôi làm thầy dạy thể dục của mình tự hào bằng cách leo qua lan can rồi nhẹ nhàng hạ xuống sàn đá. Nói tóm lại, tôi đã làm rất tốt để không phát ra tiếng động nào, ấy thế nhưng đúng lúc tôi đưa tay cầm lấy điện thoại trong bếp, Rosaleen xuất hiện bên khung cửa trong một chiếc váy ngủ chắc phải có niên đại từ thế kỷ 19, dài chấm sàn, che kín hai bàn chân, làm cho mợ giống như đang trôi bồng bềnh trong đó chẳng khác gì một bóng ma.
“Rosaleen,” tôi nhảy dựng lên.
“Cháu đang làm gì thế?” bà thì thào.
“Cháu đang kiếm cốc nước. Cháu thấy khát.”
“Để mợ lấy cho cháu.”
“Không,” tôi gắt. “Cháu có thể làm được. Cảm ơn mợ. Mợ về giường đi.”
“Mợ sẽ ngồi cùng cháu trong khi cháu…”
“Không, Rosaleen,” tôi lên giọng. “Mợ cần dành cho cháu không gian sống, làm ơn đi. Cháu chỉ muốn một cốc nước thôi, sau đó cháu sẽ trở lại giường.”
“Được rồi, được rồi,” mợ giơ hai tay lên ra bộ chịu thua. “Chúc cháu ngủ ngon.”
Tôi chờ nghe thấy tiếng răng rắc trên các bậc thang. Sau đó, tôi nghe thấy tiếng cửa phòng của mợ đóng lại, tiếng bước chân mợ trong phòng ngủ, rồi tiếng lò xo trên giường mợ cọt kẹt. Tôi hối hả lao tới bên điện thoại, bấm số Weseley. Anh ta nhấc máy chỉ sau nửa hồi chuông.
“Chào, Nancy Drew.”
“Chào,” tôi thì thào, lạnh cứng người, đột nhiên cảm thấy không chắc chắn chút nào về điều mình đang làm.
“Thế nào, cô đọc quyển nhật ký chưa?”
Tôi tìm kiếm bất cứ dấu hiệu nào cho hay tôi không nên nói cho anh ta biết. Tôi lắng nghe thật kỹ âm điệu của anh ta, có phải anh ta đang giễu tôi không? Hay anh ta đang dắt mũi tôi? Liệu có phải tôi đang nói ra loa ngoài trong một căn phòng đông kín đám bạn quê một cục của anh ta – bạn biết đấy, đó đúng là điều tôi sẽ làm nếu một con gà ngớ ngẩn nào đó vừa chuyển tới sống tại khu vực của tôi lại không mời mà đến xông vào bữa tiệc của tôi và bắt đầu tuôn ra đủ lời nhảm nhí về một quyển nhật ký biết tiên tri.
“Tamara?” anh ta hỏi, và tôi không thể nghe thấy âm điệu nào, không có thứ gì khiến tôi đổi ý.
“Vâng, tôi đây,” tôi thì thầm.
“Cô đã đọc quyển nhật ký chưa?”
“Rồi,” tôi cố căng óc ra nghĩ. Tôi có thể nói với anh ta tôi đã đùa, rằng đó chỉ là một trò đùa vui nhộn khác, giống như câu chuyện ba tôi chết. Ôi, hẳn chúng tôi sẽ cười một trận ra trò.
“Và? Thôi nào? Nói tiếp đi, cô đã làm tôi phải đợi đến tận 1 giờ đêm,” anh ta bật cười. “Tôi đã cố đoán ra đủ thứ. Liệu có trận động đất nào sắp xảy ra không? Có số trúng lô tô không? Hay thứ gì đó có thể giúp chúng ta kiếm ra tiền?”
“Không,” tôi mỉm cười, “Chỉ toàn những suy nghĩ và cảm xúc xưa rích thôi.”
“À,” anh ta nói, nhưng tôi có thể nghe được anh ta mỉm cười. “Được rồi, bỏ qua mấy vụ kia đi. Làm ơn nói về lơi tiên tri đi nào.”
Tối hôm ấy, tôi bừng tỉnh dậy lúc 4 giờ sáng, sau đó lại tỉnh giấc lúc 4 giờ 46 phút. Rồi lại tỉnh dậy lúc 5 giờ 35, và cuối cùng là 6 giờ 15. Trong những quãng thời gian ngủ được, tôi mơ thấy thủy tinh vỡ tan tành, mơ thấy mình chạy qua khoảng sân treo những đồ thủy tinh, song lại vào một ngày lộng gió, và những đồ thủy tinh đó bị thổi tung lên, rạch vào mặt tôi, vào hai cánh tay tôi, đâm sâu vào da tôi. Nhưng tôi không thể tới được phía cuối khu vườn, tôi liên tục bị lạc lối giữa các hàng dây, còn bóng người đứng sau cửa sổ quan sát tôi, với mái tóc xõa lòa xòa trước mặt, mỗi làn ánh chớp lóe lên, tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt người phụ nữ, bà ta trông giống hệt Rosaleen. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại bừng tỉnh, mồ hôi vã ra đầm đìa, tim đập thình thình trong lồng ngực, và rất sợ phải mở mắt. Rồi tôi lại ngủ tiếp để rồi tiếp tục đi thẳng vào giấc mơ đó. 6 giờ 15 phút, không thể ép mình ngủ lại, tôi tỉnh giấc. Và cho dù toàn bộ kế hoạch này là để giúp mẹ trở lại là chính bà, tôi kiểm tra bà với chút hy vọng mong manh nhất rằng bà vẫn ổn. Tôi không biết tại sao, tất nhiên tôi muốn mẹ khá lên bằng cả trái tim mình, song vẫn luôn có một phần trong tôi, phần ẩn kín trong bóng tối để bảo vệ cái nút bấm tự hủy, phần đó không bao giờ muốn để bóng tối lại đằng sau.
Tôi là người đầu tiên xuống dưới nhà lúc 6 giờ 45, lần đầu tiên kể từ khi tôi chuyển về đây sống. Tôi ngồi trong phòng khách với một tách trà, cố ép mình tập trung vào cuốn sách về cô gái vô hình Fiona đã đưa cho tôi. Tôi đang đọc trung bình một đoạn mỗi ngày, nhưng chắc hẳn tôi đã đắm chìm vào câu chuyện mà không hề nhận ra, vì tôi chẳng hề nhìn hay nghe thấy người đưa thư lại gần ngôi nhà, nhưng tôi lại nghe thấy tiếng tập phong bì rơi xuống tấm thảm chùi chân ngoài cửa. Luôn hào hứng mỗi khi có dịp làm điều gì đó khác biệt trong ngôi nhà nơi mọi thứ diễn ra như trong một cỗ máy đồng hồ, tôi đi ra ngoài cửa lấy chúng vào. Theo đúng nghĩa đen, mấy cái phong bì đã ở ngay trong tầm tay tôi thì một bàn tay, cũng theo đúng nghĩa đen, thò vào đoạt lấy chúng, chẳng khác gì một con kền kền bổ nhào xuống vồ lấy con mồi.
“Cháu không cần phải làm thế, Tamara,” Rosaleen tươi cười nói, nhét tập phong bì vào túi trước tạp dề.
“Không có gì đâu, cháu chỉ định mang chúng vào thôi, Rosaleen, cháu không định đọc chúng.”
“Tất nhiên là không rồi,” mợ nói như thể ý nghĩ đó chưa từng thoáng qua trong đầu bà. “Cháu cứ ngồi chơi thư giãn cho thoải mái,” mợ mỉm cười, vỗ vai tôi.
“Cảm ơn mợ,” tôi mỉm cười. “Mợ biết đấy, mợ nên ít nhất một lần để ai khác làm gì đó cho mợ,” tôi đi theo bà vào bếp.
“Mợ thích tự tay làm mà,” bà nói, rồi bắt tay vào chuẩn bị bữa sáng. “Với lại, Arthur rất giỏi trong nhiều việc, nhưng ông ấy sẽ luộc một quả trứng cho tới tận tháng Chín nếu cháu để ông ấy làm việc đó,” bà tặc lưỡi.
“Nhân tiện nói về tháng Chín, chuyện gì sẽ đến ạ?” cuối cùng tôi hỏi, “Dự kiến là mẹ con cháu sẽ ở lại hết mùa hè. Bây giờ đã là tháng Bảy rồi, và vậy đấy, vẫn chưa ai nói gì về tháng Chín cả.”
“Phải, và cũng gần đến sinh nhật cháu rồi,” đôi mắt mợ sáng lên. “Và chúng ta cần trao đổi xem cháu thích làm gì vào dịp đó. Tổ chức một bữa tiệc chăng? Hay tới chơi với vài người bạn ở Dublin?”
“Thực ra, có lẽ cháu sẽ thích có vài người bạn tới đây gặp cháu,” tôi nói. “Cháu thích họ thấy nơi cháu sống hiện tại, thấy những gì cháu làm hằng ngày.”
Rosaleen có vẻ hơi choáng váng khi nghe thấy điều này. “Đến đây ư? Ồ…”
“Chỉ là một ý nghĩ thôi ạ,” tôi vội vàng thối lui. “Để tới đây với Laura và Zoey là quá xa, và có thể lại quá rắc rối cho cậu mợ…”
Tôi đợi mợ chen vào trấn an, song bà chẳng hề làm thế. “Dù sao thì cháu cũng muốn bàn về tương lai hơn là nói về sinh nhật,” tôi thay đổi chủ đề. “Nếu mẹ con cháu vẫn ở đây vào tháng Chín, mà xem ra có vẻ sẽ là như thế, làm thế nào cháu có thể đi từ đây tới St Mary được ạ? Chẳng có chiếc xe buýt nào, hay ít nhất cũng không có chiếc xe nào chạy ngang qua đây. Cháu không nghĩ là Arthur sẽ lái xe đưa cháu tới trường và đón về mỗi ngày…” Tôi đợi mợ nói với tôi rằng đó chính xác là điều sẽ diễn ra. Nhưng một lần nữa bà lại không nói gì. Bà bắt đầu sửa soạn sẵn sàng cho bữa sáng, lấy ra đống nồi chảo thường đóng vai hồi chuông báo thức cho tôi.
“À, đó là việc cháu cần phải trao đổi với mẹ cháu, mợ đoán là vậy, mợ không thể cho cháu câu trả lời.”
“Nhưng Rosaleen, làm thế nào cháu có thể trao đổi bất cứ chuyện gì với mẹ cháu được chứ?”
“Ý cháu là sao?” Choang, choang, binh, xoảng. Toàn bộ hệ thống trong bếp đồng loạt vận hành.
“Mợ biết ý cháu muốn nói gì mà,” tôi bật dậy đứng cạnh mợ, song mợ vẫn không nhìn tôi. “Mẹ cháu chẳng nói năng gì. Mẹ cháu hoàn toàn tê liệt rồi, cháu không hiểu vì sao mợ không chịu thừa nhận chuyện này.”
“Mẹ cháu không bị tê liệt, Tamara,” cuối cùng mợ cũng ngừng tay nhìn tôi. “Mẹ cháu chỉ… buồn. Chúng ta cần dành cho mẹ cháu không gian và thời gian, để mẹ cháu tự mình hình dung ra tất cả. Bây giờ hãy là một cô gái ngoan và lấy trứng trong tủ lạnh ra cho mợ, rồi sáng nay mợ sẽ chỉ cho cháu cách làm món ốp lết sao cho thật to và ngon,” mợ mỉm cười. “Cháu nghĩ sao nếu mợ cho thêm một ít ớt vào trong món trứng cho cháu?”
“Ớt,” tôi tươi tỉnh nói và khuôn mặt mợ sáng lên. “Những quả ớt đáng yêu ngon lành giải quyết hết tiêu chuyện đau đầu,” tôi vui vẻ nói, rồi uể oải lê chân tới tủ lạnh lấy trứng, trong khi khuôn mặt mợ lại ỉu xìu. Tôi lấy một trái xanh và một trái đỏ ra khỏi tủ lạnh. “Ồ xem nào, xin chào ông Ớt Xanh. Ông nghĩ sao về giải quyết chuyện đau đầu giùm tôi? Tôi sẽ đi học ở đâu vào tháng Chín đây?” Tôi giơ trái ớt lên áp vào tai mình và lắng nghe. “Ồ không, như thế không ổn đâu.” Tôi lắc lắc trái ớt. “Có lẽ cháu sẽ thử trái đỏ. Xin chào ông Ớt Đỏ. Rosaleen có vẻ như cho rằng ông có thể giải quyết được vấn đề hóc búa trong cuộc sống của tôi. Theo ông thì chuyện gì sẽ diễn ra? Liệu chúng tôi sẽ đưa mẹ tôi vào trại điên hay để bà ấy ở trên lầu mãi mãi?” Tôi lại lắng nghe. “Không. Chẳng có gì cả.” Tôi bỏ hai trái ớt xuống mặt bàn. “Có vẻ như hôm nay mấy trái ớt không giúp gì được cho chúng ta. Có lẽ chúng ta nên thử vài củ hành tây,” tôi nói, làm bộ kích động. “Hay phô mai bào!”
“Tamara,” tôi nghe thấy Arthur nói, giọng điệu cảnh cáo, và tôi dừng lại. Tôi chậm chạp lê bước ra ngoài và hờn dỗi đi vào phòng khách. Cho dù chúng tôi không được phép ăn trong phòng khách, Rosaleen vẫn mang món trứng ốp lết đến cho tôi. Một người biết nghĩ hẳn sẽ xin lỗi, song thay vì thế tôi lại đòi muối.
Đến 10 giờ, tôi quan sát Rosaleen hối hả rời nhà, mang theo cái khay chất đủ đồ ăn cho cả một gia đình, và trong số những nỗi lo trong ngày của tôi có việc mẹ mợ sẽ nhắc tới chuyến ghé thăm của tôi. Việc tôi không viết gì về chuyện này không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra. Đến 10 giờ 15 chiếc xe của bác sĩ Gedad dừng bánh bên ngoài ngôi nhà. Tôi hít một hơi thật sâu rồi ra mở cửa.
“Hẳn cháu là Tamara,” ông tươi cười lên tiếng trong lúc bước vào. Ông lập tức khiến tôi mỉm cười. Ông ta cao ráo, gọn gàng, khỏe khoắn. Mái tóc ông đã ngả xám và ôm sát đầu. Hai gò má cao và đôi mắt dịu dàng đem đến cho ông nét mềm mại, song ông ta vẫn hoàn toàn nam tính và điển trai. Tôi mời ông bác sĩ vào nhà và bắt tay ông ta.
“À, chúc cháu một buổi sáng tốt lành, chúng ta đang có một mùa hè thật tuyệt phải không?” thanh âm ông nói phát ta từ tận cuống họng, như thể có một chiếc bánh mì đang mắc kẹt trong đó, làm tiếng nói của ông hơi nghèn nghẹt, nhưng theo kiểu đầy nhạc tính rất dễ nghe. Thổ âm Madagascar của ông trộn lẫn vài từ được phát âm đúng kiểu Ireland thứ thiệt. Đó là một giọng nói thật dễ mến và đặc biệt. Tôi thích cảm giác có ai đó tới đây từ bên ngoài nơi này và sắp làm mới mọi thứ, khuấy động chúng, chỉnh sửa chúng.
“Cháu có cần cất áo khoác cho bác hay làm gì khác không ạ?” tôi hỏi, cho dù ông chẳng hề mặc áo khoác. “Hay ca táp của bác?” Tôi đang rất bối rối, lo lắng, không dám chắc mình nên làm gì. Tôi bồn chồn nhìn ra phía cửa.
“Không cần đâu, cảm ơn cháu, Tamara. Bác sẽ cần mang nó theo,” ông mỉm cười.
“À vâng. Tất nhiên rồi.”
“Bác tin rằng bác tới đây để khám cho mẹ cháu đúng không?”
“Vâng, mẹ cháu ở trên lầu. Cháu sẽ đưa bác lên.”
“Cảm ơn cháu. Tamara, bác rất tiếc được biết chuyện của ba cháu. Weseley đã kể lại tin buồn với bác. Chắc đó là một thời gian rất khó khăn với hai mẹ con cháu.”
“Vâng, cảm ơn bác,” tôi mỉm cười và cố nuốt xuống cục gì đó vương vướng luôn trồi lên mỗi khi ai đó nhắc đến ba.
Tôi dẫn ông lên lầu, và gần như bắt đầu tin mình sẽ thực hiện trót lọt được chuyện này, bắt đầu khấp khởi hy vọng sẽ đưa mẹ trở lại như trước song cũng phiền muộn tràn trề vì mất Weseley, thì cánh cửa trước mở ra. Rosaleen bước vào nhà, trên tay bưng một cái khay phủ giấy thiếc. Mợ nhìn bác sĩ Gedad như thể ông là thần Chết hiện hình. Khuôn mặt mợ trắng bệch.
“Chúc buổi sáng tốt lành,” bác sĩ Gedad vui vẻ nói.
“Ông …?” Mợ hết đưa măt nhìn người đàn ông lạ mặt đang đứng trong nhà mình rồi lại nhìn sang tôi, rồi lại nhìn ông. Đôi mắt mợ nheo lại, “Ông là người bác sĩ mới chuyển đến đây.”
“Đúng thế,” vị khách vừa vui vẻ nói vừa quay lại đi xuống cầu thang.
Không …Tôi thầm gào lên với ông ta.
“Rất vui được gặp bà, bà…”
“Rosaleen,” mợ vội nói, liếc nhìn tôi rồi lại nhìn ông. “Xin cứ gọi tôi là Rosaleen. À, chào mừng bác sĩ tới nơi này.”
Hai người bắt tay.
“Cảm ơn bà rất nhiều. Và tôi phải cảm ơn bà và chồng bà vì đã cho Weseley nhà tôi làm việc ở đây.”
Rosaleen liếc nhìn tôi, khuôn mặt lộ rõ vẻ không thoải mái. “À, có cậu ấy đúng là chúng tôi cũng đỡ được bao nhiêu,” bà đáp lại lời cảm ơn. “Bác sĩ,” bà nói, trông đầy bối rối. “Có chuyện gì… tại sao… Tamara, cháu ốm à?”
“Không, cháu vẫn khỏe, cảm ơn mợ, Rosaleen. Mời bác đi theo cháu, bác sĩ Gedad,” tôi hối hả nói trong lúc bước lên cầu thang.
“Cháu đi đâu vậy?”
“Lên phòng mẹ cháu,” tôi nói với giọng lễ độ hết mức có thể.
“Ồ, cháu sẽ không muốn quấy rầy mẹ đâu, Tamara,” mợ nói, mỉm cười với tôi và thoáng nhíu mày với bác sĩ Gedad, chừng như ra hiệu với ông rằng tôi là một con bé tính khí kỳ quặc. “Cháu biết giấc ngủ quan trọng đến thế nào với mẹ cháu mà.” Mợ đưa mắt nhìn ông bác sĩ. “Cô ấy gần đây không ngủ được nhiều, một điều dễ hiểu trong hoàn cảnh cô ấy vừa trải qua.”
“Tất nhiên rồi,” ông bác sĩ nghiêm nghị gật đầu. Rồi ông nhìn tôi, “Vậy đấy, có lẽ bác nên để mẹ cháu nghỉ ngơi. Bác có thể quay lại vào lần khác.”
“Không!” tôi phản đối. “Rosaleen, mẹ cháu đã ngủ li bì gần như liên tục mỗi ngày trong suốt tuần vừa qua rồi,” tôi không thể kiểm soát được những tiếng rít vang lên trong giọng nói của mình, nghe như tiếng ken két từ một cây đàn violon vậy.
“Vì những đêm trước đó mẹ cháu đã thức trắng, tất nhiên rồi,” Rosaleen cương quyết nói. “Ông dùng trà chứ, bác sĩ? Chắc ông không thể tin nổi chuyện này, nhưng có vẻ như tôi đã dùng muối khi làm bánh thay vì đường. Mẹ tôi thiếu chút nữa đã té nhào,” bà bật cười. “Cho dù tôi biết bà ấy không nên ăn bánh vào bữa sáng,” mợ nói có vẻ áy náy.
“Mẹ bà dạo này thế nào?” ông bác sĩ hỏi. “Tôi nghe nói cụ không được khỏe.”
“Tôi sẽ kể cho ông trong lúc dùng trà,” mợ vui vẻ nói, và ông bác sĩ bật cười, quay xuống cầu thang lần nữa.
“Rosaleen, thật khó nói không với một phụ nữ như bà.”
Tôi đứng tên cầu thang, miệng há hốc trước những gì đang diễn ra. Tôi đã đọc về chúng, nhưng không tin nổi ông bác sĩ lại dễ dàng tuân theo mợ đến vậy trong khi một bệnh nhân rõ ràng là đang đau ốm nằm trên lầu.
“Bác chỉ đang cho mẹ cháu nghỉ ngơi thêm chút nữa, Tamara,” bác sĩ Gedad nói, “Và sau đó bác sẽ lên khám cho mẹ cháu.”
“Okay,” tôi thì thầm, cố kìm nước mắt, vì tôi biết cho dù Rosaleen có sắp nói gì với bác sĩ Gedad đi chăng nữa, ông ta cũng sẽ không lên cầu thang. Bất chấp việc đã biết trước kết cục, tôi vẫn cố thử xen vào với họ, song Rosaleen đã ngăn tôi lại từ ngoài cửa.
“Nếu cháu không phiền, Tamara, mợ muốn trao đổi riêng vài câu với bác sĩ về mẹ mợ. Chỉ để chắc chắn mọi chuyện vẫn ổn. Bà có phần không được khỏe mấy ngày gần đây.”
Tôi nuốt nước bọt, ban đầu cảm thấy có lỗi vì chuyến ghé thăm của tôi đã làm sức khỏe bà lão kém đi, nhưng cảm giác tội lỗi đó biến mất cũng nhanh như khi nó xuất hiện, và cơn tức giận trở lại. Tôi thực sự chẳng bận tâm đến mẹ của mợ, tôi đang quá giận việc mợ giật bác sĩ khỏi mẹ tôi.
“Vâng, tất nhiên cháu hiểu, Rosaleen. Cháu cũng chỉ đang cố gắng làm chính xác điều tương tự với mẹ cháu thôi,” tôi đáp lại đầy ác ý. Tôi quay lưng lại với mợ trước khi bà kịp có cơ hội phản bác lại rồi đùng đùng chạy lên lầu. Tôi nghe thấy tiếng cánh cửa đóng lại, và đi vào phòng mẹ. Bà vẫn đang ngủ, cuộn tròn người như một quả bóng như thế vẫn đang nằm trong bụng mẹ.
“Mẹ,” tôi dịu dàng thì thầm, quỳ gối xuống vuốt tóc bà ra sau.
Mẹ tôi rên lên.
“Mẹ, dậy thôi.”
Đôi mắt bà bừng mở ra.
“Mẹ, con cần mẹ dậy. Con đã mời một bác sĩ đến cho mẹ. Ông ấy đang ở dưới nhà nhưng con cần mẹ xuống gặp ông ấy, hay gọi ông ấy. Làm ơn làm điều đó vì con được không mẹ?”
Bà rên lên và nhắm mắt lại.
“Mẹ, nghe con nói, việc này rất quan trọng. Ông ấy sẽ giúp mẹ khá hơn.”
Mẹ lại mở mắt ra. “Không,” bà càu nhàu.
“Con hiểu mẹ, con biết mẹ nhớ ba hơn bất cứ thứ gì khác trên trái đất này. Con biết mẹ yêu ba rất nhiều, và có lẽ mẹ nghĩ không có gì trên thế giới có thể giúp mẹ cảm thấy khá hơn, nhưng mẹ có thể cảm thấy khá hơn và sẽ là như thế.”
Mẹ lại nhắm mắt.
“Mẹ, con xin mẹ đấy,” tôi thì thầm, nước mắt tuôn trào. “Con cần mẹ làm việc này vì con.”
Hơi thở của mẹ chậm lại và sâu hơn khi bà chìm vào giấc ngủ. Tôi quỳ gối xuống bên cạnh bà, khóc nức nở.
Bên dưới phòng ngủ, tôi nghe thấy cuộc trao đổi thì thầm của bác sĩ Gedad và Rosaleen. Rồi cửa bếp mở ra, và tôi gạt nước mắt, lay mẹ lần nữa đế đánh thức bà dậy.
“Được rồi, mẹ, bác sĩ đang tới. Tất cả những gì mẹ phải làm là đi ra cửa. Chỉ đến đó thôi, không hơn.”
Mẹ trông có vẻ cảnh giác, nhận ra tôi vừa đánh thức bà dậy.
“Mẹ, làm ơn đi nào.”
Mẹ trông đầy bối rối. Tôi bật rủa, bỏ bà lại đó và chạy vội xuống cầu thang đúng lúc Rosaleen đang mở cửa trước.
“A, Tamara, bác đã trao đổi một chút với Rosaleen, và bác nghĩ tốt nhất lúc này bác nên để mẹ cháu yên tĩnh nghỉ ngơi rồi quay lại sau nếu bà cần bác. Nếu cháu cảm thấy cần liên lạc, thì đây là danh thiếp của bác.”
“Nhưng cháu đã gọi để bác khám cho mẹ cháu hôm nay.”
“Bác biết, nhưng sau khi nói chuyện với mợ cháu, bác nhận ra điều đó không cần thiết. Thực sự không có gì phải lo lắng cả, mẹ cháu đúng là đang trải qua một quãng thời gian khó khăn, song không có nhiều lý do để cháu phải lo ngại cho sức khỏe của bà. Bác tin chắc mẹ chỉ muốn cháu thư giãn để đầu óc tỉnh táo thôi,” ông nói với tôi bằng giọng của một người cha.
“Nhưng thậm chí bác còn chưa gặp mẹ cháu,” tôi giận dữ nói.
“Tamara,” Rosaleen nói với âm sắc cảnh cáo.
Bác sĩ Gedad nom có vẻ bối rối, và băn khoăn về quyết định của mình. Ông có lý do nào để không tin Rosaleen đây, tôi có thể thấy ông đang hỏi mình câu đó. Cả Rosaleen cũng thấy, và mợ hành động thật nhanh.
“Cảm ơn ông vì đã đến tận nơi, thưa bác sĩ,” Rosaleen lịch sự nói, “Làm ơn hãy chuyển lời chào của tôi tới Mary và con trai ông là …”
“Weseley,” ông nói, “Cảm ơn bà. Và cũng xin cảm ơn vì trà và bánh. Tôi chẳng thấy có chút muối nào trong đó cả.”
“Ồ không, đó là trong cái bánh đại hoàng,” mợ bật cười như một đứa trẻ.
Và ông ra về. Mợ đóng cửa lại rồi quay sang nhìn tôi, song tôi đã đi qua trước mặt mợ tới cửa, mở ra rồi đóng sầm lại thật mạnh sau lưng mình. Tôi chạy ngược lên đầu đường. Bên ngoài, không khí thật ấm áp, đượm hương thơm ngọt của cỏ mới cắt và mùi phân bò. Tôi có thể nghe thấy tiếng máy cắt cỏ của Arthur ở đằng xa, tiếng động cơ ồn ào xóa mờ thực tế khỏi tai Arthur trong khi cậu chăm chú tập trung vào những công việc chỉnh trang của mình. Ở phía đối diện, tôi trông thấy xơ Ignatius ở đằng xa, về bên tay trái tôi; một thân hình mang màu xanh hải quân và trắng nổi bật lên trên nền xanh lục. Tôi chạy tới chỗ xơ, cơn phẫn nộ ào ào cuộn sôi trong máu tôi như một dòng sô đa đang sủi bọt. Xơ đang bày giá vẽ và ghế đẩu ra giữa bãi cỏ phía trước lâu đài, cách chỗ tôi quãng một phần tư dặm, và đứng ngay trước một hồ nước đầy thiên nga bơi lội, dưới bóng mát của một cây sồi khổng lồ. Buổi sáng lúc này đã khá nóng, bầu trời truyền một màu xanh chàm hoàn hảo, không một gợn mây trong phạm vi hàng dặm. Bà mặc váy màu xanh hải quân và sơ mi trắng, chân đi đôi xăng đan nâu, cổ đeo thánh giá và chiếc nhẫn sáng láp lánh trên ngón tay. Xơ đang tập trung cao độ, đầu ghé sát tờ giấy vẽ, lưỡi đưa đi đưa lại quanh môi trong lúc bà đưa cọ.
“Con ghét mợ ấy,” tôi hét lên, phá vỡ sự im lặng và làm cả bầy chim đậu trên một cái cây gần đó bay vụt lên trời, nơi chúng cố gắng tập hợp lại rồi chuyển sang đậu chỗ khác. Tôi giậm chân bước qua vạt cỏ khô héo vì nắng với đôi dép xỏ ngón.
Xơ Ignatius không ngước mắt nhìn lên khi tôi lại gần. “Chúc buổi sáng vui vẻ, Tamara,” bà hân hoan nói. “Lại thêm một buổi sáng đáng yêu nữa.”
“Con ghét mợ ấy,” tôi hét lên to hơn, bước lại gần giọng vẫn ngân lên thật cao.
Lần này xơ nhìn tôi, đôi mắt hốt hoảng mở to. Bà vội vã lắc đầu và xua tay như thể đang đứng trên đường ray cố tìm cách ngăn cản một đoàn tàu đang chạy tới lại.
“Phải, đúng thế đấy, con ghét mợ ấy,” tôi tiếp tục hét lên.
Xơ đặt một ngón tay lên môi, giậm chân bành bạch như thể bà đang cần đi vào nhà vệ sinh vậy,
“Mợ ấy là dòng giống quỷ dữ,” tôi hằn học.
“Ôi, Tamara!” cuối cùng xơ bùng nổ, và giơ hai cánh tay lên trời, trông vô cùng phẫn nộ.
“Cái gì chứ? Con chẳng thèm quan tâm ông ấy nghĩ gì. Con muốn ông ấy nện con lăn kềnh ra. Hãy đưa con đi khỏi đây, Chúa ơi, con chán lắm rồi và con muốn về nhà,” tôi rên rỉ trong tuyệt vọng, rồi buông mình ngã vật xuống cỏ. Tôi nằn ngửa lên nhìn trời. “Đám mây kia trông giống hệt một cái dương vật.”
“Ôi, Tamara, con thôi đi nào,” xơ gắt.
“Sao chứ, con làm xơ bực à?” tôi hỏi đầy mỉa mai, chỉ muốn làm tổn thương tất cả những ai tôi tiếp xúc cho dù họ có tử tế và dịu dàng đến đâu.
“Không! Con làm con sóc chạy mất rồi,” bà nói, chưa bao giờ tôi thấy bà thất vọng đến thế. Tôi ngồi dậy, choáng váng, và lắng nghe bài diễn thuyết dài sôi nổi của bà. “Ta đã cố thử tìm cách làm thân với nó suốt cả tuần nay. Ta rải một ít đồ ăn lên một cái khay và cuối cùng cũng dụ được nó – nó không thích hạt, thế nên tất cả các câu chuyện nói rằng sóc thích các loại hạt cần phải được thay đổi, nó cũng chẳng động đến phô mai nhưng lại thích mê bánh quy giòn Toffee Pops, con có tin nổi không – nhưng bây giờ hãy nhìn xem, nó đã đi mất rồi và sẽ không bao giờ quay lại nữa, và xơ Conceptua sẽ ăn tươi nuốt sống ta vì đã xoáy Toffee Pops của bà ấy. Ta nghĩ con và những màn bi kịch của con đã làm nó lên cơn đau tim,” xơ thở dài, bình tâm lại, rồi quay sang tôi. “Con ghét ai cơ? Ta đoán chắc là Rosaleen.”
Tôi nhìn bức vẽ của bà. “Và xơ cho rằng đó là sóc sao? Trông nó giống một con voi với cái đuôi xù to tướng.”
Thoạt đầu xơ Ignatius có vẻ tức giận, sau đó, khi ngắm nghía bức tranh kỹ hơn, xơ bắt đầu phá lên cười. “Ôi, Tamara, con thực sự là liều thuốc hoàn hảo, con biết thế mà.”
“Không,” tôi gắt gỏng, đứng bật dậy. “Có vẻ là không. Nếu không con đã chẳng phải gọi điện mời bác sĩ đến khám cho mẹ. Nếu đúng thế con đã có thể tự mình chữa khỏi cho mẹ con.” Tôi đi đi lại lại trước mặt xơ.
“Con đã gọi bác sĩ Gedad,” bà trở lại nghiêm túc.
“Vâng, và ông ấy tới sáng nay. Con đã lên kế hoạch sao cho ông ấy tới lúc Rosaleen đang ở chỗ mẹ mợ ấy, nhồi nhét thức ăn cho bà cụ, và nhân tiện đây con cũng muốn nói con đã thấy mẹ mợ ấy, và chẳng có cách nào trên đời bà ấy có thể dùng hết tất cả chỗ đồ ăn đó mỗi ngày trừ phi bà lão bị nhiễm giun. Nhưng Rosaleen quay về nhà sớm trước khi bác sĩ Gedad kịp leo lên cầu thang bởi vì – thật hay ho làm sao – mợ ấy đã cho muối vào cái bánh đại hoàng thay cho đường và vâng, xơ đã đúng khi nhìn con như thế, bởi vì chính con đã làm việc đó và con không quan tâm, con sẽ lại làm thế ngày mai và khoảng bốn giờ nữa là con biết trước liệu trên thực tế con có làm thế hay không.” Tôi thở lấy hơi. “Nói tóm lại, mợ ấy quay về để lấy cái bánh táo đáng lẽ dành cho con và Arthur, mà thực ra con đâu có quan tâm, vì tất cả đồ ăn của mợ ấy làm con xì hơi năm mươi lần một ngày, và mợ ấy đã thuyết phục được bác sĩ không khám cho mẹ con nữa. Vậy là bây giờ ông ấy về rồi, còn mẹ con vẫn đang trong phòng ngủ, có khi ngay lúc này đây bà đang mũi dãi lòng thòng và bôi hết cả lên tường.”
“Bà ấy mời ông bác sĩ về bằng cách nào vậy?”
“Con không biết, con không biết mợ ấy đã nói những gì với ông ấy. Ông bác sĩ chỉ nói ngay lúc này mẹ con chỉ cần nghỉ ngơi, và nếu con lại cần ông ấy trong trường hợp khẩn cấp hay gì đó, con cứ việc gọi điện.”
“À, chắc bác sĩ phải biết chứ,” xơ nói không mấy chắc chắn.
“Xơ, thậm chí ông ấy còn chưa hề gặp mẹ con. Ông ấy chỉ nghe qua Rosaleen.”
“Vậy tại sao ông ấy lại không nên tin Rosaleen?” bà hỏi.
“À, tại sao ông ấy lại nên tin chứ? Con mới là người đã gọi ông ấy, chứ không phải mợ ấy. Thế nếu con từng thấy mẹ tìm cách tự tử nhưng con chưa bao giờ nói cho Rosaleen biết thì sao?”
“Mẹ con đã cố làm thế thật?”
“Không! Nhưng vấn đề mấu chốt không phải ở đó.”
“Hừm.” Xơ Ignatius tiếp tục im lặng trong lúc nhúng cây cọ vẽ vào một thứ màu nâu bẩn rồi phết lên giấy.
“Bây giờ trông nó giống một con vật lai vừa ăn phải một cái hạt bị hỏng,” tôi nói.
Bà cười mũi rồi lại bật cười.
“Xơ từng bao giờ, ừm, cầu nguyện chưa? Tất cả những gì con thấy xơ làm là lấy mật ong, làm vườn hay vẽ.”
“Ta thích tạo nên những thứ mới mẻ, Tamara. Ta luôn tin rằng quá trình sáng tạo là một trải nghiệm tâm linh nơi ta cùng sáng tạo với đấng Sáng Thế Thiêng liêng.”
Tôi nhìn quanh, mắt mở to. “Và có phải đấng sáng thế Thiêng liêng đang nghỉ ăn trưa không ạ?”
Xơ Ignatius đắm chìm trong suy nghĩ. “Ta có thể tới gặp bà ấy nếu con muốn,” bà khẽ nói.
“Cảm ơn xơ, nhưng mẹ con cần đến nhiều hơn một bà xơ. Con không hề có ý xúc phạm đâu.”
“Tamara, con có biết thực ra điều ta làm là gì không?”
“À, xơ cầu nguyện.”
“Phải, ta cầu nguyện. Nhưng ta không chỉ cầu nguyện. Ta đã lập thệ sống nghèo khổ, trong sạch và tuân phục, như tất cả các nữ tu Thiên chúa giáo khác, nhưng trên hết, ta đã nguyện sẽ giúp đỡ những người nghèo khổ, đau ốm và không được học hành. Ta có thể nói chuyện với mẹ con, Tamara, ta có thể giúp.”
“Ồ. Con đoán mẹ con là hai trong ba thứ đó.”
“Hơn nữa ta không chỉ là một bà xơ, như con nói đấy, ta cũng được đào tạo để làm bà đỡ,” xơ nói, trát màu lên tờ giấy.
“Nhưng nói thế thật ngớ ngẩn, mẹ con đâu có bầu.” Rồi tôi hiểu ra điều bà vừa nói, “Đợi đã, xơ là gì cơ? Từ bao giờ ạ?”
“Ồ, ta đâu chỉ là một khuôn mặt xinh xẻo,” xơ tặc lưỡi. “Đó là công việc đầu tiên của ta. Nhưng ta luôn cảm thấy Chúa vẫy gọi ta tới một cuộc sống tâm linh và phụng sự, vậy là ta gia nhập dòng nữ tu và, cùng với họ, ta đi vòng quanh thế giới, mang theo lợi thế lớn lao có thể vừa là một bà xơ vừa là một bà đỡ. Ta đã trải qua phần lớn tuổi ba mươi của mình ở châu Phi. Ở khắp nơi. Từng chứng kiến những chuyện tàn khốc, song cũng được thấy cả những điều tuyệt diệu. Ta đã có dịp gặp qua những người đặc biệt và phi thường nhất.” Bà mỉm cười với ký ức.
“Có phải ở đó xơ đã gặp người tặng xơ cái này không?” Tôi mỉm cười, gật đầu về phía cái nhẫn vàng có cẩn viên ngọc lục bảo tí xíu của bà. “Quá nhiều cho lời thệ nghèo khổ của xơ đấy. Nếu xơ bán nó đi, xơ có thể xây được một cái giếng ở đâu đó tại châu Phi, con từng đọc chuyện đó trên quảng cáo rồi.”
“Tamara,” bà nói, choáng váng trước lời lẽ của tôi. “Ta được tặng nó gần ba mươi năm trước nhân dịp hai mươi lăm năm làm nữ tu đấy.”
“Nhưng trông cứ như thể xơ đã kết hôn vậy, sao người ta lại tặng cho xơ cái nhẫn đó?”
“Ta kết hôn cùng Chúa,” xơ mỉm cười.
Tôi nhăn mặt kinh tởm. “Kinh quá. Nếu xơ kết hôn với một người đàn ông thực sự tồn tại, ý con là một người xơ có thể thực sự nhìn thấy, và ông ta chẳng bao giờ chịu bỏ tất của mình vào giỏ đồ giặt cả, khi đó xơ chắc đã có một cái nhẫn kim cương cho hai mươi lăm năm phụng sự.”
“À, ta hoàn toàn hạnh phúc với thứ ta có, cảm ơn con rất nhiều,” xơ mỉm cười. “Chẳng lẽ ba mẹ con chưa bao giờ đưa con đi dự lễ nhà thờ sao?”
Tôi lắc đầu và bắt chước ba. “Trong tôn giáo chẳng có tí tiền nào cả. Nhưng ông ấy hoàn toàn sai. Cả nhà con đã tới Rome và nhìn thấy Vatican. Mấy người đó đầy nhóc tiền.”
“Nghe giống ông ấy lắm,” xơ tặc lưỡi.
“Xơ đã gặp ba con?”
“À phải,” bà bật cười.
“Khi nào? Ở đâu?”
“Khi ba con ở đây.”
“Nhưng con không hề nhớ ông ấy từng ở đây.”
“À, có đấy. Thưa Quý Cô Biết Tuốt.”
Tôi mỉm cười. “Xơ có ghét ba con không?”
Xơ Ignatius lắc đầu và mỉm cười.
“Thôi nào, xơ được phép nói xơ ghét ông ấy. Phần lớn mọi người đều thế. Cả con đôi khi cũng cảm thấy vậy. Con và ba từng cãi cọ nhau rất nhiều. Con chẳng giống ba chút nào, và con nghĩ vì thế ba con ghét con.”
“Tamara,” xơ nắm hai bàn tay tôi, làm tôi cảm thấy hơi bối rối. Bà thật dễ mến và nhẹ nhàng, cứ như thể một chút xíu hiện thực thôi cũng đủ để thổi bay bà đi, nhưng với tất cả những chuyến đi và những công việc bà làm hằng ngày, có thể xơ đã chứng kiến hiện thực cuộc sống nhiều hơn tôi. “Ba con rất yêu con, với cả trái tim ông ấy. Ba con rất tốt với con, lo cho con một cuộc sống tốt đẹp, và luôn có mặt khi con cần. Con là một cô bé may mắn hiếm có. Đừng nói về ba con như thế. Ông ấy là một con người xuất sắc.”
Tôi lập tức cảm thấy có lỗi, và vì những thói quen cũ luôn sống rất dai, tôi lại xử sự như cách mình vẫn luôn hành xử. “Vậy thì đáng ra xơ phải kết hôn với ông ấy,” tôi gắt gỏng. “Hẳn xơ sẽ được đeo nhẫn vàng trên tất cả các ngón tay.”
Sau một khoảng im lặng dài, có lẽ là thời gian dành cho tôi để xin lỗi, nhưng vì tôi không làm thế, xơ Ignatius lại quay về với bức vẽ dang dở của bà. Bà nhúng cọ vẽ vào màu xanh lục rồi quệt các vệt màu lên giấy nơi bà bắt đầu cuộc hành trình với những cử động giật cục lạ lùng ở cổ tay, như một ông nhạc trưởng cầm cọ vẽ, để làm những vệt màu xanh lục trông giống những chiếc lá hay gì đó đại loại như thế.
“Trước mặt xơ chẳng có cái cây nào cả.”
“Và sóc cũng không. Ta đang dùng trí tưởng tượng của mình. Dù sao đi nữa, đó cũng không phải là cái cây, cái ta đang cố tả lại là môi trường nơi chú sóc bé nhỏ tội nghiệp của ta sống. Hãy nghĩ về nó như một thứ nghệ thuật trừu tượng, một bước rời khỏi thực tế khi thể hiện hình ảnh,” xơ dạy bảo. “Vậy đấy, nó có một phần trừu tượng, như một tác phẩm nghệ thuật thực hiện những nét tự do, chẳng hạn như thay đổi màu sắc và hình khối theo những cách thức dễ nhận thấy, luôn được coi là thế.”
“Giống như con voi màu nâu của xơ có một cái đuôi thay vì một cái vòi.”
Xơ tảng lờ tôi. “Ngược lại, trừu tượng tuyệt đối,” bà nói tiếp, “không mang bất cứ dấu vết liên hệ nào tới bất cứ thứ gì có thể nhận ra được.”
Tôi ngắm nghía bức vẽ của bà chăm chú hơn một chút. “Phải rồi, con phải nói bức tranh của xơ ít nhiều giống trừu tượng tuyệt đối hơn. Hệt như cuộc sống của con vậy.”
Bà tặc lưỡi. “Ồ, màn bi kịch của tuổi mười bảy.”
“Mười sáu,” tôi đính chính lại. “Mà này, hôm qua con đã sang chỗ mẹ của Rosaleen đấy.”
“Thế ư? Bà cụ thế nào?”
“À, bà cụ đưa cho con cái này,” tôi lấy viên thủy tinh hình giọt nước mắt từ trong túi ra và lăn tròn nó trong lòng bàn tay. Nó mát lạnh và trơn nhẵn, thật êm dịu. “Bà ấy treo rất nhiều vật thủy tinh ở đó, thật lạ lùng. Ở vườn sau nhà bà ấy có một nhà kho, và phía sau nhà kho có cả một khoảng sân treo đủ các đồ thủy tinh. Có những cái nhọn hoắt trông thật kinh khủng, nhưng phần lớn chúng rất đẹp. Chúng được treo trên dây phơi quần áo, có khoảng mười hàng dây như thế, tất cả đều được buộc vào dây, và phản chiếu ánh sáng. Con nghĩ bà ấy đã treo chúng lên đó. Chắc chắn không phải bà ấy trồng cho chúng mọc lên rồi. Nhưng chỗ đó trông cứ như một trang trại thủy tinh vậy.” Tôi bật cười.
Xơ Ignatius ngừng vẽ, và tôi bỏ mảnh thủy tinh vào lòng bàn tay bà. “Bà ấy đưa cái này cho con à?”
“Không, chính xác thì không phải bà ấy đưa tận tay cho con. Con thấy bà ấy trong nhà kho, bà ấy đang làm gì đó trong nhà kho, đeo kiếng bảo hộ, cúi người làm gì đó với thủy tinh, và con nghĩ con đã làm bà ấy giật mình. Vậy là con để cái khay lại ngoài vườn cho bà ấy. Con đã chuẩn bị cho bà ấy ít đồ ăn.”
“Con thật tốt bụng.”
“Cũng không hẳn đâu, giá mà xơ tận mắt thấy mấy món đồ ăn đó. Và Rosaleen không hề biết con đã ở đó, thế nên con buộc phải quay lại để lấy cái khay, lúc đầu con nghĩ nó sẽ còn đầy nguyên. Nhưng nó lại được để trên tường bên ngoài ngôi nhà, tất cả các đĩa đều sạch bong, toàn bộ đồ ăn được ăn hết, tất cả các món. Và cái này được để trên đĩa,” tôi cầm lại nó từ tay bà và ngắm nghía lần nữa. “Bà ấy thật đáng mến, phải không nào?”
“Tamara,” xơ Ignatius đưa cánh tay ra bám lấy cái giá vẽ mỏng manh vốn không thể mang lại chỗ dựa cho bà.
“Xơ không sao chứ ạ? Trông xơ có vẻ hơi…” Tôi không cần phải nói hết câu vì xơ Ignatius trông rất yếu, tôi lập tức quàng cánh tay quanh người bà và nhớ ra rằng bất chấp tính tình trẻ trung và tiếng cười khúc khích như trẻ con của mình, xơ là một bà lão đã ngoài bảy mươi.
“Ta ổn, ta ổn,” bà nói, cố gắng bật cười, “Đừng có cuống lên như thế. Tamara. Ta cần con nói chậm lại, và nói lại những gì con đã nói. Con tìm thấy viên thủy tinh trên cái khay khi con quay lại lấy cái khay về ư.”
“Vâng, trên tường khu vườn đằng trước,” tôi chậm rãi nói.
“Nhưng không thể nào. Con có tận mắt thấy bà ấy để cái khay lên đó không?”
“Không ạ, con chỉ thấy cái khay từ cửa sổ phòng ngủ của con. Chắc bà ấy mang nó ra để đó trong lúc con đang ở chỗ khác trong nhà. Sao xơ hỏi nhiều thế? Có phải xơ đang phát bực vì con sang bên đó không? Con biết, có thể con không nên làm thế, nhưng Rosaleen luôn làm bộ bí hiểm quá.”
“Tamara,” xơ Ignatius nhắm nghiền mắt, và nom có vẻ còn mệt mỏi hơn khi xơ mở mắt ra. “Mary, mẹ của Rosaleen, bị chứng đa xương cứng, và chứng bệnh này thật không may ngày càng nặng hơn theo thời gian. Bà ấy luôn bị dính vào xe lăn, chính vì thế Rosaleen đã trở thành người chăm sóc toàn thời gian của bà ấy. Thế nên, con thấy đấy, bà ấy không thể tự mình cầm khay lăn xe ra khu vườn đằng trước được,” xơ lắc đầu. “Không thể nào.”
“Có thể lắm chứ,” tôi trả lời. “Nếu bà ấy để cái khay lên đùi, khi đó bà ấy sẽ rảnh cả hai tay để tự mình lăn xe…”
“Không, Tamara, bà ấy không còn dùng được tay nữa. Bà ấy không thể tự di chuyển ra tận ngoài đó. Hơn nữa, ngoài vườn trước còn có các bậc cấp.”
Tôi nhìn về phía ngôi nhà một tầng, và cho dù không thể trông thấy nó từ nơi chúng tôi đang đứng, tôi vẫn thấy được các bậc cấp. “Ồ vâng. Lạ thật. Vậy thì còn ai nữa sống trong ngôi nhà đó nhỉ?” tôi hỏi.
Xơ Ignatius im lặng, đôi mắt bà nhìn quanh như thể xơ đang nghĩ ngợi ghê lắm. “Không có ai cả, Tamara,” bà thì thầm. “Không có ai cả.”
“Nhưng con đã thấy ai đó. Xơ nghĩ đi nào,” tôi hoảng hốt hét tướng lên. “Con đã trông thấy ai trong nhà kho vậy? Một người phụ nữ cúi còng người xuống với đôi kiếng bảo hộ và mái tóc dài. Cả những vật thủy tinh treo khắp sân nữa. Bà ta có thể là ai chứ?”
Xơ Ignatius lắc đầu quầy quậy.
“Rosaleen có một người em gái, mợ ấy đã kể vơi con về cô em này. Cô ấy sống ở Cork. Cô ấy là giáo viên. Có thể cô ấy tới thăm, xơ nghĩ thế nào?”
Xơ Ignatius tiếp tục lắc đầu. “Không. Không. Không thể nào.”
Những cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi và cả người tôi bỗng chốc sởn da gà. Thái độ trên khuôn mặt vốn luôn điềm tĩnh của xư Ignatius cũng chẳng giúp trấn an tôi. Trông bà cứ như vừa thấy một con ma vậy.