Nhật Ký Của Ngày Mai

CHƯƠNG 6 – XE BUÝT CHỞ SÁCH



Phòng bếp đã được dọn dẹp và lau rửa sạch sẽ; không có chỗ nào chưa được chùi đến bóng loáng, và tôi là thứ duy nhất chưa được cất lên kệ.
Tôi chưa bao giờ thấy người phụ nữ nào lại lau chùi với tinh thần phấn chấn và quả quyết như thế, cứ như cả cuộc đời mình phụ thuộc vào việc dọn dẹp vậy. Rosaleen xắn tay áo, mồ hôi nhễ nhại, bắp tay rắn chắc đến kinh ngạc, mợ cặm cụi lau chùi, xóa sạch mọi dấu vết của sự sống từng tồn tại trong căn bếp. Thế là tôi ngồi đó say sưa quan sát mợ, không khỏi cảm thấy có chút thương hại bề trên trước công việc lau chùi đánh bóng hùng hục mà chẳng cần thiết tí nào.
Mợ ra khỏi nhà mang theo một lô bánh mì màu nâu vừa nướng, mùi bánh thơm ngào ngạt khiến khứu giác và cái bao tử đã đầy căng của tôi sướng mê tơi. Tôi theo dõi mợ từ cửa sổ phòng khách đằng trước, mợ rảo bước băng qua đường, xăm xăm đi chẳng chút nữ tính tới thẳng đến căn nhà gỗ một tầng. Tôi đứng đợi bên cửa sổ, tò mò muốn xem ai sẽ mở cửa, nhưng mợ đã đi vòng ra đằng sau làm tôi mất hết cả hứng.
Nhân cơ hội đó, tôi đi lang thang tham quan căn nhà mà không bị Rosaleen tò tò đi theo và giải thích lịch sử đằng sau tất cả mọi thứ mà mắt tôi lướt qua, mợ đã hành hạ tôi suốt cả buổi sáng nay như thế đó.
“Ồ, đó là tủ buýp phê. Gỗ sồi đấy. Một cây sồi bị bật gốc vào một mùa đông nọ, sấm sét ầm ầm, bọn mợ mất điện mấy ngày trời. Arthur không thể làm gì, mợ muốn nói tới cây sồi ấy, chứ không phải chuyện mất điện, về sau lại có điện.” Cười khúc khích. “Cậu làm cái tủ buýp phê này từ cây sồi đó. Để chứa đồ thì tuyệt vời. Mary, nhà ở bưu điện cuối đường, cháu sẽ sớm gặp cô ấy thôi, mê tít nó nên nhờ Arthur làm cho một cái. Chị gái của cô ấy ở Carlow có lẽ giờ cũng cần một cái.”
“Cơ hội làm ăn tốt cho cậu Arthur,” tôi mỉm cười.
“Ồ không,” Rosaleen nhìn tôi như thể tôi báng bổ thánh thần. “Đó là sở thích của Arthur thôi. Và ông ấy muốn giúp đỡ Mary. Đương nhiên ông ấy sẽ không tính tiền. Đây không phải trò moi tiền.”
“Không phải moi tiền, đó là một công việc làm ăn. Làm thế chẳng có gì sai cả,” tôi giải thích. “Thật vui khi người ta thích tác phẩm của Arthur nhưng điều đó không có nghĩa là cậu ấy nên làm miễn phí cho bất kỳ ai. Cháu chắc rằng Mary cũng thích tủ buýp phê ở cửa hàng Ikea nhưng cô ấy sẽ không đòi một cái tủ miễn phí trong đó phải không mợ?”
Rosaleen tặc lưỡi tỏ vẻ không tán thành. Nghe những lời mình thốt ra, tôi cảm thấy mình nói chuyện y hệt như ba. Dẫu tôi luôn ghét tính cách coi mọi thứ là cơ hội làm ăn của ông, trong lòng tôi chợt thấy ấm áp. Hồi còn nhỏ, khi tôi đem tranh vẽ từ trường về, ba nghĩ ngay rằng tôi có thể là một họa sĩ, nhưng chỉ là loại họa sĩ có tác phẩm đáng giá triệu đô. Nếu tôi hăng máu tranh cãi, tôi đột nhiên biến thành một luật sư tiềm năng, nhưng chỉ là loại luật sư đòi hỏi lương mấy trăm đô một giờ. Tôi có giọng hát tốt và đột nhiên tôi nên đi thu âm ở studio của bạn ba và sẽ trở thành một phát hiện mới của ngành giải trí. Ba không làm thế với riêng tôi, ba cư xử như vậy với mọi thứ xung quanh. Đối với ba, cuộc đời đầy ắp những cơ hội, tôi không cho đó là điều xấu nhưng tôi nghĩ ba muốn chiếm hữu tất cả vì những lí do sai lầm. Ba không đam mê nghệ thuật, ông cũng không quan tâm đến chuyện giúp đỡ người dân của giới luật sư, ông thậm chí không quan tâm đến giọng hát của tôi. Tất cả chỉ nhằm để kiếm thêm tiền. Và vì vậy, tôi cho rằng chính việc mất sạch tiền đã giết chết ba. Thuốc và rượu whisky chỉ là những cây đinh đóng thêm vào cỗ quan tài.
“Cháu đang nhìn bức ảnh đó hả?” Rosaleen tiếp tục lải nhải trong lúc tôi liếc mắt nhìn quanh phòng. “Bức ảnh đó do Marjorie chụp vào lễ kiên tín của Fionn, con trai cô ấy. Cô ấy sống cách đây một dặm. Đó là một ngày tuyệt vời. Cô ấy làm món thịt cừu hầm ngon tuyệt. Cháu sẽ sớm được nếm thử thôi.”
Và mợ tiếp tục lải nhải không ngừng.
“Mợ thấy cháu đang nhìn mấy tấm màn cửa, chúng cần giặt chút cho sạch. Mai mợ sẽ tháo xuống giặt. Mợ mua vải của một bà bán rong. Mợ ít khi mua như vậy nhưng bà ta là người nước ngoài, không rành tiếng Anh, không có nhiều tiền và chỉ có đống vải này. Mợ thích họa tiết của chúng. Mợ nghĩ nó hợp với cái gối kia, cháu thấy sao? Loại vải này mợ còn rất nhiều trong ga ra đằng sau.” Khi tôi nhìn về hướng ga ra, mợ lại nói tiếp:
“Arthur đích thân xây đấy. Lúc mợ chuyển tới đây thì chưa có ga ra.”
Câu nói đó làm tôi cảm thấy lạ. Lúc mợ chuyển đến đây. “Trước ai sống ở đây vậy mợ?”
Rosaleen nhìn tôi với đôi mắt mở to kỳ lạ, đôi mắt dành riêng để theo dõi lúc tôi ăn. Mợ không đáp. Mợ cứ hay như vậy, vào những lúc bất ngờ nhất. Làm đứt quãng các cuộc nói chuyện của chúng tôi bằng nét mặt hoặc những khoảng dừng thật lâu, cứ như não của mợ mất tín hiệu vậy.
Mợ làm tôi ớn lạnh đến mức phải nhìn đi chỗ khác. Hình như tôi nhìn xuống tấm thảm mà ai đó đã tặng cho mợ vào một dịp gì đó, tôi không nghe rõ nữa… Nhưng sáng hôm đó, chỉ có một mình và không bị những lời lảm nhảm chán phèo của mợ quấy rối suy nghĩ, tôi cuối cùng cũng có thể ngắm nghía căn nhà đúng cách tôi muốn.
Căn phòng khách có vẻ ấm cúng, tôi chắc vậy, nếu nó không mang một thoáng cổ xưa. À, phải nói là nó mang đậm nét cổ xưa, không giống như nhà của tôi, à, nhà cũ của tôi, nơi mọi thứ đều hiện đại và sạch sẽ, đường nét nổi bật và cân xứng, căn phòng khách này bày biện mọi thứ lung tung cả lên. Cách trang trí không phù hợp, ghế trường kỷ, đồ bài trí ngộ nghĩnh, chân bàn chân ghế khẳng khiu, phía dưới xòe ra như móng thú, hai chiếc trường kỷ bọc vải lót hoàn toàn khác nhau: một màu xanh dương có hoa văn màu ngà, chiếc còn lại trong như mèo mửa, bàn cà phê được dùng như bàn cờ vua. Sàn nhà có cảm giác như không bằng phẳng, dốc từ lò sưởi đến kệ sách, khiến tôi cảm thấy hơi say sóng. Khu vực màu mè nhất là chung quanh lò sưởi; một cái lò sưởi kiểu mở làm tôi rùng mình với những dụng cụ quái dị như bước ra từ phòng tra tấn thời Trung cổ, que cời lửa bằng sắt rèn đầu thú, xẻng xúc than đủ cỡ, một ống thổi lửa kiểu cổ, một tấm chắn lửa bằng gang đen có in hình con gì đó phía trước. Tôi quay lưng lại lò sưởi và tập trung vào tủ sách nằm dọc theo tường, cao từ sàn đến tận trần nhà, cùng với một chiếc thang đặt kế bên. Nó được chất đầy sách vở, ảnh, hộp thiếc, hộp lưu trữ và mấy thứ nữ trang vô dụng. Đa số sách là sách làm vườn, nấu ăn, chủ đề rất hẹp không phải gu của tôi. Cũ mèm và mòn gáy, một số đã bị rách toang, một số mất bìa, giấy vàng khè và một số đã bị nước làm hỏng, nhưng tuyệt không thấy một hạt bụi nào. Có một cuốn sách rất lớn màu đỏ trông rất cổ xưa, giấy màu đen lem nhem mực đỏ. Đó là Tập 2 Đăng kiểm tàu biển giai đoạn 1919-1920 của Lloyd. Bên trong là hàng trăm trang sách ghi chép các loại tàu thuyền sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái, ghi rõ trọng tải, sức chở hàng và lượng nhiên liệu cố định. Tôi ấn nó vào chỗ cũ và chùi tay vào áo, không muốn bị thứ vi khuẩn hồi năm 1919 nhiễm vào người. Một cuốn sách khác nói về các tín ngưỡng trên thế giới, trên bìa là một biểu tượng thập tự giá màu vàng in nổi cùng một con rắn quấn xung quanh. Bên cạnh nó là một cuốn sách nấu ăn Hy Lạp, tôi ngờ rằng không có chỗ cho món bánh mì souvlaki trong bếp của Rosaleen. Cuốn sách tiếp theo là Toàn thư về Ngựa, dẫu nó rõ ràng không phải là toàn thư vì có đến mười hai cuốn khác giống như vậy.
Tôi chỉ mới đọc chương đầu cuốn sách Fiona đưa cho trong tang lễ của ba, đó là lần đọc nhiều nhất của tôi suốt cả năm trời. Do đó, những cuốn sách chất đầy trên kệ không khiến tôi lưu tâm mấy. Tôi chỉ quan tâm đến quyển album ảnh để kế bên thôi. Nó nằm trong khu vực sách cỡ lớn, kế bên mấy cuốn từ điển, bách khoa toàn thư, sách bản đồ thế giới và những thứ tương tự. Một quyển album kiểu xưa, trông như một cuốn sách, hoặc ít nhất là gáy của nó trông như gáy sách. Nó có bìa nhung đỏ với khung vàng rập nổi, tôi lấy nó ra và lướt ngón tay lên mặt trước, ngón tay của tôi để lại một vết đen sẫm trên lớp vải nhung. Tôi cuộn mình trên chiếc ghế bành bọc da, nôn nóng được chìm đắm vào trong ký ức của một người khác. Tôi vừa mở trang đầu tiên thì chuông cửa reo vang, tiếng chuông ngân dài và gay gắt, phá vỡ sự im lặng, khiến cho tôi giật mình nhảy dựng.
Tôi đợi, gần như hy vọng Rosaleen sẽ hộc tố chạy băng qua đường với chiếc váy lòe xòe xắn lên tới đùi, để lộ ra gân khoeo căng cứng đến mức Jimmi Hendrix[1] có thể chơi đàn trên chúng được. Nhưng không thấy mợ đâu. Thay vào đó là sự im lặng. Mẹ tôi ở trên lầu cũng chẳng thèm động đậy. Chuông cửa lại reo lần nữa, vì vậy tôi đặt quyển album ảnh xuống bàn rồi đi ra cửa trước, khi tôi làm như vậy, ngôi nhà có cảm giác gần gũi hơn.
[1] Nghệ sĩ ghi ta, ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ gốc Phi, được đánh giá là một trong những nghệ sĩ âm nhạc có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhạc rock and roll.
Qua lớp cửa kiếng mờ, tôi có thể thấy đó là một người đàn ông. Khi mở cửa ra, tôi thấy đó là một chàng trai tuyệt đẹp. Hai mươi tuổi đầu, tôi đoán vậy. Tóc nâu sẫm, xịt keo thẳng đứng, hệt như cái cổ áo thun của anh ta vậy. Anh ta trông giống một cầu thủ chơi bóng bầu dục. Anh ta đưa mắt nhìn tôi từ trên xuống dưới, rồi mỉm cười.
“Xin chào,” tôi nói, cong lưng tựa người vào cánh cửa.
“Ngài Ignatius?” anh hỏi.
Tôi mỉm cười: “Không phải tôi.”
“Có ngài Ignatius Power trong căn nhà này không?”
“Hiện giờ thì không, ông ấy đi săn cáo với Công tước Casper rồi.”
Mắt anh nheo lại, vẻ nghi ngờ. “Khi nào ông ấy mới trở lại?”
“Sau khi bắt được cáo, tôi chắc vậy.”
“Hừm,” anh chậm rãi gật đầu nhìn quanh. “Đám cáo quanh đây có nhanh chân không?”
“Anh rõ ràng không phải người khu này rồi. Người ở đây ai cũng rành đám cáo ấy cả.”
“Hừm. Quả thật tôi không phải người vùng này.”
Tôi mím môi, cố không mỉm cười.
“Vậy là ông ấy có thể còn lâu mới về,” anh mỉm cười, cảm thấy tôi đang trêu chọc anh.
“Có thể là khá lâu đấy.”
“Tôi hiểu rồi.”
Anh dựa vào cây cột trước hiên nhà và nhìn chằm chằm vào tôi.
“Gì vậy,” tôi nói vẻ phòng thủ, cảm thấy mình như đang tan chảy dưới cái nhìn của anh.
“Nói nghiêm túc đi.”
“Nghiêm túc gì cơ?”
“Ông ấy có sống ở đâu đó quanh đây không?”
“Chắc chắn không phải ở đằng sau cánh cửa này rồi.”
“Thế em là ai?”
“Một cô gái nhà Goodwin.”
“Anh biết em thắng tốt rồi, nhưng tên em là gì?”
Tôi cố gắng không cười nhưng không nhịn được nữa.
“Sến chảy nước, anh biết, xin lỗi em,” anh ta xin lỗi một cách chân thành, rồi lần dò hồ sơ của mình vẻ bối rối, tay gãi gãi đầu khiến cho mái tóc trở nên rối bù.
Tôi nhìn qua vai anh ta thì thấy một chiếc xe buýt màu trắng, bên hông có dán chữ Thư viện lưu động.
Anh ta cuối cùng cũng ngẩng lên khỏi xấp hồ sơ. “Được rồi, rõ ràng là anh đã lạc đường. Nhà Goodwin không có trong danh sách này.”
“Ồ, ngôi nhà này không đứng tên dòng họ Goodwin đâu.” Byrne là họ thời con gái của mẹ tôi và là họ của Arthur, ngôi nhà này chắc sẽ đăng ký theo họ Byrne. Arthur và Rosaleen Byrne. Jennifer Byrne, nghe chẳng thuận tai chút nào. Rõ ràng là mẹ tôi phải mang họ Goodwin mới hợp.
“Vậy đây là gia trang Kilsaney phải không?” anh hỏi giọng hy vọng, ngẩng đầu lên khỏi xấp hồ sơ.
“À, nhà Kilsaney ấy à,” tôi nói, và anh nhẹ nhõm ra mặt. “Họ ở ngôi nhà kế tiếp bên trái, bên kia rặng cây này,” tôi mỉm cười.
“Tuyệt vời, cảm ơn em, anh chưa đến đây lần nào. Anh trễ một giờ rồi, gia đình Kilsaney là người thế nào?” anh nhăn mũi. “Liệu họ có cho anh một trận hay không?”
Tôi nhún vai. “Họ ít nói. Đừng lo quá, họ yêu sách lắm.”
“Tốt. Em có muốn anh ghé lại đây lúc quay trở lại để em nhìn qua đám sách không?”
“Chắc chắn rồi.”
Tôi đóng cửa lại và phá lên cười. Tôi hồi hộp đợi anh ta quay trở lại, tôi và bao tử tôi cuộn lại, náo nức như một đứa trẻ đang chơi trốn tìm vậy. Tôi đã không cảm thấy như thế này ít nhất một tháng nay rồi, có thứ gì đó lại được mở ra trong tôi. Chưa đầy một phút sau, tôi nghe tiếng xe buýt quay trở lại. Nó dừng lại bên ngoài căn nhà và tôi mở cửa. Anh ta trèo ra khỏi xe buýt, miệng cười toe toét. Khi nhìn lên, anh bắt gặp ánh mắt tôi và lắc đầu.
“Gia đình Kilsaney không có nhà sao?” tôi hỏi.
Anh cười, bước về phía tôi, ơn trời anh không tức giận mà chỉ thấy thích thú. “Họ quyết định không lấy bất kỳ cuốn sách nào, vì dường như, kệ sách của bọn họ đã biến mất cùng với nguyên tầng hai, hầu hết các bức tường và cả mái nhà.”
Tôi cười khúc khích.
“Rất buồn cười, thưa cô Goodwin.”
“Xin hãy gọi là bà Goodwin, cảm ơn trước.”
“Anh là Marcus,” anh giơ tay ra và chúng tôi bắt tay nhau.
“Tamara.”
“Tên đẹp lắm,” anh dịu dàng nói. Anh ngả người dựa vào cây cột bằng gỗ dưới mái hiên. “Nói thật đi, em có biết Ngài Ignatius Power của dòng nữ tu sống ở đâu không?”
“Từ từ, để tôi xem nào,” tôi chộp lấy cuốn hồ sơ từ tay anh ta. “Đó không phải là ngài. Mà là xơ, x-ơ,” tôi nói chậm rãi. “Đồ ngố tàu,” tôi dùng cuốn hồ sơ gõ lên đầu anh ta. “Ông ấy là một bà xơ.” Dù sao thì cũng không phải là một người chuyển giới.
“Ồ,” anh phá lên cười và tóm lấy cuốn hồ sơ. Tôi giữ chặt không buông. Anh kéo mạnh hơn và tôi bị lôi ra ngoài hàng hiên. Ở gần như vậy trông anh càng đáng yêu. “Đó là em chăng, xơ?” anh hỏi. “Em nhận được lời kêu gọi của đấng Tối cao rồi à?”
“Lời kêu gọi duy nhất mà tôi nhận được là gọi đi ăn tối.”
Anh cười. “Vậy đó là ai?”
Tôi nhún vai.
“Em cố ý làm cho tôi lạc lối, phải không?”
“À, tôi chỉ mới tới đây hôm qua vì vậy tôi cũng lạc lối như anh thôi.” Tôi nói mà không mỉm cười, và anh cũng không mỉm cười khi nghe tôi nói. Anh đã hiểu.
“À, tôi thực sự mong điều đó không xảy ra với em.” Anh nhìn căn nhà. “Em sống ở đây à?”
Tôi nhún vai.
“Em thậm chí không biết nơi em sống ư?”
“Anh là một người đàn ông lạ mặt đi khắp nơi với một chiếc xe buýt đầy sách. Anh nghĩ rằng tôi sẽ cho anh biết nơi tôi sống sao? Tôi đã nghe nói về loại người các anh rồi,” tôi nói, bước ra khỏi nhà và thẳng tiến về phía xe buýt.
“Ồ thế hả?” anh đi theo tôi.
“Có một thằng cha tương tự như anh chuyên dùng kẹo mút dụ dỗ trẻ em vào xe buýt của mình, rồi khi chúng đã vào bên trong, hắn bèn nhốt chúng lại rồi lái xe đi.”
“Ồ thế hả, tôi cũng có nghe nói về thằng cha đó,” anh nói, mắt sáng lên. “Tóc đen dài, nhờn mỡ, mũi lớn, da tái, nhảy chồm chồm trong chiếc quần bó và ca hát om sòm. Mê thích mấy hộp đồ chơi nữa, phải không?”
“Chính hắn. Bạn anh hả?”
“Đây này,” anh thò tay vào túi áo, lôi ra một chiếc thẻ. “Em nói đúng, lẽ ra anh nên cho em xem cái này ngay từ đầu. Đây là thư viện công cộng, hợp pháp trăm phần trăm. Của Chính phủ. Vì vậy, anh hứa là sẽ không nhốt em vào trong đâu.”
Trừ khi tôi yêu cầu anh ta. Tôi xem xét thẻ chứng minh. “Marcus Sandhurst.”
“Anh đó. Muốn nhìn xem mấy cuốn sách không?” anh chìa tay về phía chiếc xe buýt. “Xe ngựa của em đang chờ kìa.” Tôi nhìn quanh, chẳng có bóng người nào, kể cả mẹ. Căn nhà gỗ một tầng vẫn im lìm như mọi khi. Không có gì để mất, tôi leo lên trên, trong lúc tôi leo, Marcus reo lên, “Tóm được rồi,” bằng giọng nói của tên bắt cóc trẻ em rồi phá lên cười khành khạch. Tôi cười và bước vào trong. Bên trong, hàng trăm cuốn sách được xếp dọc hai bên thùng xe; theo thứ tự bảng chữ cái, chia thành nhiều danh mục khác nhau. Tôi lướt ngón tay dọc theo chồng sách, không thực sự đọc, và thoáng cảnh giác khi ở trong xe buýt với một người đàn ông lạ. Tôi nghĩ Marcus cũng cảm nhận được điều này bởi vì anh cố ý lùi lại cách tôi vài bước, cho tôi có không gian, và đứng ngay bên cánh cửa mở rộng.
“Vậy cuốn sách ưa thích của anh là gì?” tôi hỏi.
“À… Mặt sẹo.”
“Đó là một bộ phim.”
“Dựa trên một cuốn sách,” anh nói.
“Không, không phải. Cuốn sách ưa thích của anh là gì?”
“Coldplay,” anh trả lời. “Hay là pizza gì đó, anh không biết nữa.”
“Được rồi,” tôi cười. “Vậy là anh không đọc sách.”
“Không hề,” anh ngồi lên bậc cửa. “Nhưng anh hy vọng rằng trải nghiệm này sẽ giúp anh thay đổi một cách tích cực, và anh sẽ trở thành một độc giả say mê.” Anh kéo dài giọng vẻ chán chường và không có sức thuyết phục, cứ như lặp lại lời giảng đạo vậy.
Tôi quan sát anh. “Vậy chuyện gì đã xảy ra, cha yêu dấu nhờ bạn bè cho anh một việc làm hả?”
Hàm của anh bạnh ra, anh im lặng hồi lâu và tôi cảm thấy mình thực xấu xa, lẽ ra tôi không nên thóc mách như vậy. Tôi thậm chí không biết tại sao mình lại nói câu đó nữa. Tôi thậm chí không biết câu nói đó bắt nguồn từ đâu. Tôi chỉ cảm thấy rất lạ, nhất định là tôi đã tiến rất gần đến sự thật. Tôi nghĩ có lẽ tôi nhận ra một phần của tôi trong anh.
“Xin lỗi, thật không nên đùa như vậy,” tôi xin lỗi. “Vậy anh làm cái gì đây,” tôi cố gắng phá vỡ bầu không khí căng thẳng. “Anh đi tới tận nhà người ta giao sách?”
“Nguyên tắc hoạt động giống như một thư viện vậy,” anh đáp, vẫn còn một chút hờn mát với tôi. “Người ta gia nhập, nhận được thẻ hội viên, và được phép mượn sách. Anh đi đến các thị trấn không có thư viện.”
“Hoặc bóng người,” tôi nói, và anh cười.
“Em cảm thấy sống ở đây quá khó khăn sao, cô gái thị thành?”
Tôi lờ đi câu hỏi đó mà tiếp tục xem xét mấy quyển sách.
“Anh biết ở đây người ta sẽ thích cái gì hơn những đống sách này không?”
Anh mỉm cười chờ đợi.
“Không phải cái đó,” tôi cười. “Anh có thể kiếm bộn tiền từ chiếc xe buýt này nếu anh tống hết số sách này đi.”
“Hà! Thật là có ý thức bảo tồn văn hóa đấy,” anh nói.
“À, quanh đây không có dịch vụ xe buýt công cộng. Thị trấn cách đây mười lăm phút lái xe, thử hỏi người ta đi lại bằng cách nào chứ?”
“Ồ… câu hỏi của em cũng là câu trả lời còn gì.”
“Đúng, nhưng tôi không lái xe vì tôi…” tôi ngừng lại, và anh mỉm cười, “bởi vì tôi không thể lái xe,” tôi nói nốt câu.
“Gì cơ? Em muốn nói là ba em chưa mua cho em một chiếc Cooper Mini màu hồng sao? Thật chẳng hợp thời tí nào,” anh bắt chước giọng của tôi.
“Trúng bon.”
“Được rồi,” anh hăng hái nhảy từ bàn xuống. “Bây giờ anh phải đến đó. Vậy chúng ta hãy đi đến thị trấn ma thuật diệu kỳ mà không có đôi chân phàm nhân nào đến được đi.”
Tôi cười khúc khích. “Được thôi.”
“Em không cần xin phép ai à? Anh không muốn bị nghi ngờ là bắt cóc trẻ em đâu.”
“Tôi có thể không phải người biết lái xe nhưng tôi không phải một đứa nhóc đâu đấy.” Tôi nhìn chằm chằm về phía căn nhà gỗ một tầng, Rosaleen đã đi khá lâu.
“Em chắc chứ?” anh hỏi, nhìn xung quanh. “Cứ báo với ai đó đi.”
Anh có vẻ lo lắng và chỉ vì thế, tôi rút điện thoại ra gọi vào số di động của mẹ, dẫu tôi biết mẹ chưa hề động đến nó suốt một tháng trời nay. Tôi để lại tin nhắn vào hộp thư thoại.
“Mẹ ơi, con nè. Con đang ở bên ngoài nhà trong một xe buýt đầy nhóc sách và một chàng trai đáng yêu sẽ lái xe chở con đến thị trấn. Con sẽ trở lại trong vòng vài giờ. Trong trường hợp con không quay lại, tên chàng ta là Marcus Sandhurst, cao khoảng mét tám, tóc đen, mắt xanh lơ. Có hình xăm gì không?” tôi hỏi.
Anh ta kéo áo lên. Ô la la, anh chàng vạm vỡ thật.
“Anh ấy có xăm một chữ thập Celtic chỗ bụng dưới, ngực không có lông và cười khá ngớ ngẩn. Anh ấy thích Mặt sẹo, Coldplay và pizza, đang hy vọng sẽ kinh doanh sách phát đạt. Hẹn gặp lại mẹ lát nữa.”
Tôi cúp máy và anh ta cười rộ. “Em biết rõ anh hơn hầu hết mọi người đấy.”
“Hãy đi khỏi đây thôi,” tôi nói.
“Có phải lúc nào em cũng ngỗ nghịch như vậy không?” anh hỏi.
“Luôn luôn,” tôi trả lời, và leo lên ghế hành khách, chuẩn bị cho cuộc phiêu lưu ra khỏi lãnh địa Kilsaney của tôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.