Nhật Ký Của Ngày Mai

CHƯƠNG 1 – CÁNH ĐỒNG NỤ HOA



Người ta thường nói mỗi lần kể lại, câu chuyện sẽ mất đi một chút gì đó. Nếu điều đó là thật, câu chuyện này sẽ không hề bị suy suyển, bởi vì đây là lần kể đầu tiên.
Vài người sẽ không tin đâu. Nếu tôi không phải là tôi, và câu chuyện không phải xảy ra với tôi, tôi cũng sẽ giống như bọn họ mà thôi.
Nhưng nhiều người không khó để tin chuyện đó, bởi vì đầu óc bọn họ khá phóng khoáng nhờ được mở ra bởi một thứ chìa khóa niềm tin nào đó. Bẩm sinh họ đã như vậy, hay khi họ còn thơ bé, đầu óc họ giống như những nụ hoa nho nhỏ, chúng được nuôi dưỡng cho đến khi những cánh hoa từ từ hé nở, mặt trời chiếu rọi, chúng lớn lên, lớn lên, lớn lên mãi. Nhờ vào đầu óc cởi mở, bọn họ nhận thức được cuộc sống xung quanh, chấp nhận cuộc sống như nó vốn thế, nhìn thấy ánh sáng trong bóng tối, nhận ra cơ hội nơi ngõ cụt, nhấm nháp chiến thắng trong lúc kẻ khác chát đắng thất bại, tìm tòi đặt câu hỏi khi kẻ khác chỉ biết chấp nhận. Ít chán chường một chút. Ít hoài nghi một chút. Ít khi vẫy cờ trắng đầu hàng. Một số người chỉ cởi mở hơn vào giai đoạn sau của cuộc đời, thất bại và vinh quang đóng vai trò như chìa khóa để mở nắp của chiếc hộp biết-tuốt, giúp họ chấp nhận những điều bí ẩn, giúp họ tạm biệt tính thực dụng và cuộc sống bị đóng khung.
Nhưng có nhiều người đầu óc như một bó cây, nảy chồi mỗi khi học thêm một kiến thức mới. Một nụ hoa cho một thông tin mới, nhưng chúng không bao giờ hé nở, không bao giờ khoe sắc. Bọn họ là những người quen với câu chữ viết hoa cùng những dấu chấm câu hoàn chỉnh, không hề biết đến dấu chấm hỏi hay dấu ba chấm tỉnh lược…
Ba mẹ tôi là kiểu người như vậy. Kiểu người-biết-tuốt. Kiểu người mà “nếu nó không có trong sách hoặc bố mẹ chưa bao giờ nghe nói đến trước đây thì đừng tỏ ra lố bịch thế”. Kiểu người suy nghĩ một cách logic và rõ ràng, đầu chứa đầy những nụ hoa muôn sắc tuyệt đẹp, được tỉa tót tỉ mẩn và tỏa hương thơm nức, nhưng chúng chẳng bao giờ hé nở, chẳng bao giờ đủ nhẹ nhàng và yểu điệu lả lướt trong làn gió nhẹ. Cứng nhắc, khô khan, hết sức thực tế, bọn họ vĩnh viễn chỉ là những nụ hoa cho đến lúc chết.
Ừ thì mẹ tôi chưa chết.
Vẫn chưa chết. Chưa chết theo định nghĩa luật pháp hay theo định nghĩa sinh học hay bất cứ định nghĩa nào, nhưng dẫu bà chưa chết, bà chắc chắn không thực sự “sống”. Mẹ cứ như một xác chết biết đi, thỉnh thoảng lầm bầm như muốn kiểm tra xem mình có đang sống hay không. Nhìn từ xa thì bạn sẽ cho rằng mẹ tôi vẫn ổn. Nhưng khi đến gần, bạn có thể nhận thấy lớp son môi hồng sen được tô mỗi sáng hơi gồ ghề, mắt bà mệt mỏi và vô hồn, cứ như những ngôi nhà cảnh giả trên ti vi: bề ngoài hào hoáng, bên trong trống rỗng. Mẹ đi lòng vòng trong nhà, mặc chiếc áo ngủ tay phồng phấp phới, lướt từ phòng này sang phòng khác như một người đẹp miền Nam ở biệt thự trong phim Cuốn theo chiều gió, lo lắng về việc phải lo lắng cho ngày mai. Dẫu bề ngoài duyên dáng như một nàng thiên nga, bên trong mẹ ra sức vùng vẫy. Bà cố giữ cho đầu ngẩng cao, thỉnh thoảng lại phô bày nụ cười lo lắng để cho chúng tôi biết mẹ vẫn còn đó, dẫu những hành vi đó không đủ sức thuyết phục chúng tôi. Ồ, tôi không trách mẹ. Từ từ tan biến như vậy quả là điều hết sức xa xỉ, nhất là khi để mặc cho những người khác dọn dẹp đống đổ nát và gom lại những mảnh vỡ còn sót lại của cuộc đời.
Tôi chưa kể gì cho bạn nghe cả, nhất định là bạn đang cảm thấy rất mù mờ.
Tên tôi là Tamara Goodwin. Goodwin – Thắng Tốt. Một trong những từ quái dị mà tôi khinh bỉ. Đã thắng lại chả tốt. Y như cái kiểu “thua thảm”, hay “chết ngắt”. Hai từ thừa thãi đi cùng với nhau chỉ để nói điều có thể dễ dàng diễn tả bằng một từ. Đôi khi tôi tự động bỏ một âm khỏi tên khi báo danh: Tamara Tốt, thật mỉa mai khi tôi chẳng bao giờ là một đứa tử tế, hay Tamara Thắng, giễu nhại ám chỉ một loại may mắn không có thực.
Tôi khoảng mười sáu tuổi, người ta nói với tôi như vậy. Bây giờ tôi tự hỏi tuổi thực của mình là bao nhiêu vì tôi cảm thấy mình già dặn gấp hai lần thế. Hồi mười bốn, tôi cảm thấy mình mười bốn tuổi. Tôi cư xử như một con bé mười một tuổi và muốn mình mười tám. Nhưng trong mấy tháng vừa qua, tôi đã già đi cả mấy tuổi. Có thể nào không? Những nụ hoa khép chặt sẽ lắc đầu: không, những đầu óc cởi mở sẽ nói rất có thể. Mọi thứ đều có thể, họ sẽ nói vậy. Không, không phải vậy. Không phải mọi thứ. Không thể nào làm ba tôi sống lại. Tôi đã cố, khi tôi tìm thấy ông nằm trên sàn văn phòng, chết ngắt, mặt tím tái với một hộp thuốc viên rỗng bên cạnh và một chai whisky rỗng trên bàn. Tôi không biết mình đang làm gì nhưng tôi vẫn ép sát miệng vào môi ông, luống cuống ấn lên ấn xuống ngực ông. Chẳng ích gì.
Cũng như khi mẹ tôi nhảy xuống quan tài của ba khi nó đang được hạ huyệt và bà bắt đầu gào thét, cào vào lớp gỗ sơn vecni. Phải nói là huyệt mộ được phủ kín bởi thứ cỏ xanh bằng nhựa đầy kẻ cả, cứ như thể muốn lừa phỉnh chúng tôi rằng ba tôi sẽ nằm trong đó chứ không phải trong lớp đất đen đầy dòi bọ suối khoảng thời gian vĩnh hằng còn lại. Dù tôi khâm phục sự cố gắng của mẹ, hành động suy sụp tinh thần của bà bên mộ ba không thể làm ông sống lại.
Lại còn những câu chuyện dằng dặc về ba tôi được kể đi kể lại trong buổi tiếp đón sau đó, cứ như một cuộc thi tài kể chuyện “Ai hiểu George nhất” vậy. Bạn bè và gia đình tay cầm bánh, câu cửa miệng của bọn họ là “Câu chuyện tôi sắp kể mới tức cười nè”, “Có lần George và tôi…”, “Tôi không bao giờ quên lần George nói…” Mọi người đều quá phấn khích, họ ngắt lời nhau, đổ nước mắt và rượu xuống tấm thảm Ba Tư mới của mẹ. Có thể thấy là họ đã cố hết sức, và về một phương diện nào đấy, ba gần như đang tồn tại trong phòng, nhưng những câu chuyện của họ không làm ông sống lại. Rồi đến lúc mẹ phát hiện ra tài chính của ba cũng chẳng khỏe mạnh hơn ông bao nhiêu. Ba bị phá sản, nhà băng nắm quyền sở hữu ngôi nhà của chúng tôi và mọi tài sản khác của ông. Mẹ phải bán mọi thứ – mọi thứ – chúng tôi có để trả nợ. Đến lúc ấy mà ba cũng không hề quay lại giúp chúng tôi. Vậy nên tôi biết ba đã đi rồi. Ba đã đi thực rồi. Tôi cho rằng nếu ba để chúng tôi đơn độc trải qua mọi chuyện – để tôi thổi không khí vào thân thể lạnh giá của ông, để mẹ cào vào quan tài của ba trước mặt mọi người, rồi giương mắt nhìn chúng tôi bị lột sạch hết mọi thứ chúng tôi từng có, tôi hoàn toàn chắc là ba đã thực sự đi.
Ba cũng tính toán rất khéo léo khi bỏ đi như vậy. Tôi dám chắc mọi chuyện khủng khiếp và nhục nhã y như ông hằng hãi sợ.
Nếu ba mẹ tôi là những nụ hoa, thì có thể, có thể họ sẽ tránh được những chuyện đó. Nhưng họ không như vậy. Không có ánh sáng ở cuối đường hầm, nếu có đi nữa cũng chỉ là dấu hiệu của một chuyến tàu sắp chạy tới. Không có khả năng nào khác, không còn cách giải quyết nào khác. Ba mẹ đều là người thực tế, ngoài niềm tin, hy vọng và ý tưởng mơ hồ nào đó, không một giải pháp thực tế nào có thể giúp ba vượt qua cơn khó khăn này. Nhưng ba không có niềm tin, không có hy vọng, nên ba tôi đã làm điều ông có thể làm: kéo tất cả chúng tôi vào chung mồ với ba. Tôi cảm thấy tò mò muốn biết làm sao cái chết, vừa đen tối vừa lạnh lùng thế kia, lại có thể soi tỏ tính cách thực sự của một con người. Những tuần vừa qua, tôi được nghe kể vô số những câu chuyện cảm động về ba. Chúng an ủi tôi, và tôi thích đắm chìm vào những câu chuyện đó. Nhưng nói thực, tôi chẳng tin vào tính xác thực của chúng. Ba không phải là một người dễ mến. Đương nhiên là tôi yêu ba, nhưng ba không phải người tốt. Chúng tôi hiếm khi nói chuyện với nhau, mỗi khi nói thì lại tranh cãi về một chuyện gì đó, hoặc là ba đưa tiền cho tôi để tôi đi khuất mắt. Ông cáu kỉnh, hay càu nhàu và nóng như lửa. Ba áp đặt quan điểm của mình lên người khác và khá ngạo mạn. Ông khiến người ta cảm thấy không thoải mái, thấp kém và ông thích như thế. Ba sẵn sàng đổi món thịt nướng ba bốn lần trong nhà hàng chỉ để nhìn thấy người bồi bàn toát mồ hôi. Ông gọi chai rượu đắt tiền nhất rồi phàn nàn rượu bị đóng bẩn chỉ để chọc tức ông chủ nhà hàng đang dám đấu với ba. Ông gọi điện phản ánh với cảnh sát về tiếng ồn mà chúng tôi không sao nghe thấy nổi phát ra từ một buổi tiệc tổ chức trong khu phố, ông khiến buổi tiệc bị hủy chỉ bởi vì chúng tôi không được mời. Tôi không kể những câu chuyện này trong lễ tang của ba hay buổi chiêu đãi nhỏ sau đó ở trong nhà. Trên thực tế, tôi chẳng nói gì cả. Tôi tu hết một chai rượu đỏ rồi ói mửa trên sàn, kế bên bàn làm việc của ba, nơi ba qua đời. Mẹ tìm thấy tôi ở đó, và tát cho tôi một bạt tai. Mẹ nói tôi đã làm hỏng tất cả. Tôi không biết mẹ muốn nói về tấm thảm hay buổi lễ tưởng niệm ba, nhưng dù sao thì tôi cho rằng chính ba mới là kẻ đã làm hỏng cả hai.
Tôi sẽ không trút hết mọi cáo buộc vào ba tôi. Tôi cũng là một con người xấu xa. Một đứa con gái tồi tệ nhất trên đời. Ba mẹ cho tôi tất cả, nhưng tôi hiếm khi nào thèm nói lời cảm ơn. Nếu có nói thì tôi cũng không thực sự nghĩ như vậy. Tôi không cho rằng mình hiểu rõ nghĩa của hai từ này. Lời cảm ơn là dấu hiệu bày tỏ sự cảm kích. Ba mẹ thường kể cho tôi nghe câu chuyện về những đứa bé đói khát ở châu Phi cứ như đó là cách duy nhất giúp tôi biết ơn mọi thứ. Nghĩ lại, cách tốt nhất để giúp tôi biết trân trọng thứ gì đó có lẽ là không cho tôi tất cả mọi thứ.
Chúng tôi sống trong một tòa nhà hiện đại sáu phòng ngủ rộng hơn 740 mét vuông, có hồ bơi, sân tennis và bãi biển riêng ở Killiney, quận Dublin ở Ireland. Phòng tôi nằm ở phía bên kia ngôi nhà, đối diện với phòng ba mẹ, và có ban công nhìn ra bãi biển nhưng tôi nghĩ mình chưa bao giờ thèm ghé mắt đến. Phòng tắm riêng có vòi sen, bồn tắm mát xa, với một chiếc plasma – nói cụ thể hơn thì là một chiếc ti vi – trên tường phía trên bồn tắm. Tôi có một tủ đầy túi xách hàng hiệu, máy tính, máy trò chơi và chiếc giường công chúa. Tôi mới may mắn làm sao. Và đây là một sự thật khác: tôi là một đứa con ác mộng. Tôi thô lỗ, tôi cãi lời họ, tôi mong có mọi thứ, và tệ hơn, tôi nghĩ rằng tôi đáng có mọi thứ chỉ bởi mọi người tôi biết đều đang có mọi thứ. Tôi chưa bao giờ mảy may nghĩ tới chuyện những con người tôi biết ấy cũng chẳng xứng đáng với những đó như tôi.
Tôi đã tìm ra cách trốn khỏi phòng ngủ vào ban đêm để lẻn đi gặp bạn bè: trèo khỏi ban công phòng ngủ, lần theo ống nước, hạ xuống mái hồ bơi rồi chỉ vài bước dễ dàng là đặt chân lên mặt đất. Có một khu trên bãi biển riêng của chúng tôi nơi tôi và bạn bè nhậu nhẹt. Đám con gái đa số uống rượu trộn Dolly; lấy tất cả rượu trong tủ rượu của ba mẹ trộn lại trong một chai nhựa, nhưng mỗi chai chỉ rót ra một ít để ba mẹ không nghi ngờ. Bọn con trai thì uống bất cứ loại rượu táo nào bọn chúng tìm được. Bọn chúng cũng sẵn sàng đi với bất cứ đứa con gái nào mà bọn chúng sờ soạng được. Thông thường đứa con gái đó chính là tôi. Tôi từng cướp tay trên một thằng nhóc tên Fiachra từ tay bạn thân nhất của tôi, Zoey. Ba nó là diễn viên nổi tiếng. Nói thật tình thì cũng chính vì vậy mà tôi để cho nó thò tay vào trong váy của mình nửa tiếng mỗi đêm. Tôi cho rằng sẽ có ngày mình gặp được ba nó. Nhưng tôi không bao giờ có dịp đó. Ba mẹ tôi cho rằng tôi cần phải nhìn thấy thế giới và cách thức những người khác sống. Họ thường nói với tôi rằng tôi thật may mắn khi được sống trong một căn nhà lớn bên bờ biển, và để giúp tôi biết trân trọng thế giới, chúng tôi nghỉ hè ở biệt thự tại Marbella, đón Giáng sinh trong căn nhà gỗ ở Verbier, tổ chức lễ Tạ ơn ở khách sạn Ritz New York trong một chuyến đi chơi mua sắm. Một chiếc Mini Cooper mui trần màu hồng khắc tên tôi, sẵn sàng đợi tới ngày sinh nhật mười bảy tuổi của tôi. Một người bạn của ba tôi có một phòng thu âm đang đợi tôi đến hát và rất có thể sẽ ký hợp đồng với tôi. Nói thực tình sau khi ông ta sờ mông tôi thì tôi không còn muốn ở một mình trong phòng với ông ta nữa. Dẫu đó là cái giá cho sự nổi tiếng.
Ba mẹ tham dự đủ các cuộc họp mặt từ thiện suốt năm. Mẹ tiêu nhiều tiền cho váy áo hơn cả thức ăn và hai lần một năm, mẹ phải lục lọi vứt hết những thứ mua về mà bà ghét và không thèm mặc, gửi chúng cho người chị dâu Rosaleen sống ở vùng quê, trong trường hợp Rosaleen muốn mặc một chiếc áo đầm Pucci để vắt sữa bò.
Giờ thì tôi biết, khi chúng tôi rời khỏi cái thế giới mình từng sống, chúng tôi không phải là những người dễ mến. Tôi nghĩ ở đâu đó dưới vẻ ngoài đờ đẫn của mẹ, mẹ cũng biết điều đó. Chúng tôi không phải là những kẻ xấu xa, chúng tôi chỉ không dễ mến thôi. Chúng tôi không cho ai thứ gì trên thế giới này, nhưng chúng tôi lại lấy đi quá nhiều thứ.
Nhưng, chúng tôi không đáng phải chịu tình cảnh thế này.
Lúc trước, tôi không bao giờ nghĩ tới ngày mai. Tôi sống trong hiện tại. Lúc này tôi muốn cái này. Lúc này tôi muốn cái kia. Lần cuối gặp ba, tôi đã quát vào mặt ông, nói với ông là tôi ghét ông rồi đóng sầm cửa. Trong giây phút đó, tôi ghét ba. Tôi chưa bao giờ lùi lại, hay bước ra khỏi thế giới bé nhỏ của mình để suy nghĩ vể những điều tôi nói hay những chuyện tôi làm đã làm người khác đau lòng thế nào. Tôi nói với ba tôi không bao giờ muốn gặp lại ba nữa, và quả thật tôi đã không có cơ hội đó. Tôi chưa bao giờ nghĩ về ngày mai, hay về chuyện đó có thể là những lời cuối cùng của tôi với ba và rằng đó là những giây phút cuối cùng tôi ở bên cạnh ba. Có quá nhiều thứ phải đối diện. Có quá nhiều chuyện tôi phải tự tìm cách tha thứ cho mình. Tôi cần có thời gian.
Nhưng bây giờ, vì cái chết của ba và vì chuyện tôi chưa kể với bạn, tôi không còn cách nào khác ngoại trừ việc nghĩ tới ngày mai và tất cả những người bị ngày mai của tôi tác động đến. Giờ đây, tôi vui mừng khi mỗi sáng thức dậy, tôi sẽ có một ngày mai.
Tôi đã mất ba. Ba đã mất đi mọi ngày mai, và tôi mất đi mọi ngày mai với ba. Bạn có thể nói rằng, giờ đây, tôi biết trân trọng mỗi ngày mai đang đến. Giờ đây, tôi muốn khiến ngày mai của tôi luôn trở nên tốt đẹp nhất có thể.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.