Mặt dày tâm đen

Chương 13: Tài năng lãnh đạo Mặt Dày, Tâm Đen



“Anh không trông nom con người, mà trông nom công việc.

Anh lãnh đạo con người.”

– Grace Hopper.

Mỗi chúng ta, ở mức độ lớn hay nhỏ, là một nhà lãnh đạo. Một số người có một chức danh chính thức cho vai trò lãnh đạo của họ, trong khi những người khác có lãnh đạo anh chị em hay bạn bè của mình trong sân chơi. Tài lãnh đạo là một trạng thái tinh thần – điều bạn làm với chính mình, không phải điều bạn làm với người khác.

Gần đây, nhiều người dân Mỹ đã lên tiếng tỏ ý không hài lòng với hệ thống chính trị hiện tại của chúng tôi. Vấn đề không liên quan nhiều đến việc hệ thống cần được cải tổ (mặc dù đúng là như thế); quan trọng hơn là, chúng tôi vô cùng cần xem xét lại những tiêu chuẩn về sự chính trực của các nhà lãnh đạo chính trị của mình. Sự bình ổn của một quốc gia, một tập đoàn, một doanh nghiệp nhỏ, hay một gia đình gắn chặt với phẩm chất của những người lãnh đạo của nó.

Tài lãnh đạo: một yếu tố thiết yếu của sự tồn tại

Người Trung Quốc thời xưa tin rằng phẩm chất của những nhà lãnh đạo của họ trực tiếp quan hệ đến sự tồn vong của quốc gia. Đạo lý lãnh đạo đã được bàn luận trong nhiều sách binh pháp cổ. Trong số những sách này, nghiên cứu sâu rộng nhất về vấn đề tài lãnh đạo. Khổng Minh, đã được nhắc tới trong một chương trước, được coi là nhà lãnh đạo tài ba từng xuất hiện trong suốt năm nghìn năm lịch sử của Trung Quốc. Sách của ông tương đối xa lạ với phương Tây, định ra một cách chi tiết điều gì tạo nên một người lãnh đạo giỏi và một người lãnh đạo tồi.

Mô tả của Khổng Minh về một nhà lãnh đạo giỏi có nhiều điểm tương tự một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen. Người Trung Quốc thời xưa luôn đặt nặng giá trị của phẩm chất tinh thần và sự can trường của người lãnh đạo của họ. Ngay cả thời nay, người Trung Quốc đặt chữ đức lên trên chữ tài khi đánh giá một nhân viên công ty hay một quan chức chính phủ.

Một người có tài mà thiếu đức sẽ không có ích lợi cho tổ chức của anh ta, mà là một họa cho bản thân anh ta và những người khác. Mọi người sẽ tuân theo một cách tự nhiên người có những phẩm chất tinh thần mạnh mẽ bên cạnh khả năng chuyên môn của anh ta. Như người Trung Quốc thích nói: “Gặp được minh chúa thì dù phải vượt qua nước sôi lửa bỏng để thờ chúa cũng cam lòng.”

Sách của Khổng Minh dành để dùng trong quân sự; tuy nhiên, nguyên lý chỉ dẫn cho các tướng lĩnh thời xưa không khác với những nguyên lý chỉ dẫn cho các nhà lãnh đạo trong thương trường hay chính trường thời nay. Tôi đã cung cấp dưới đây một bản dịch sát nghĩa từ Binh pháp Khổng Minh, như thế bạn có thể nhận vẻ độc đáo trong cách viết của ông.

Quyền lực và trách nhiệm

Quyền lực và trách nhiệm, ấy là hai bộ mặt chia sẻ một cơ thể, chúng không thể tách rời. Người chủ tướng là trung tâm quyền lực của một nước phải cùng lúc chịu trách nhiệm về thành công cũng như thất bại của nước đó. Quyền lực là cái hỗ trợ người ta ra lệnh và lãnh đạo. Quyền lực liên quan đến uy thế của tướng soái. Người chủ tướng giỏi điều động ba quân thì như hùm dữ thêm cánh, tự do ngao du bốn bể, làm được như ý muốn, tỏ rõ tài năng. Người chủ tướng không có khả năng ra lệnh thì như cá ra khỏi nước, dù muốn tự do giỡn sóng, há có thể được ư!

Xua đuổi kẻ xấu xa

Nguyên nhân thất bại của bất cứ tổ chức nào có gốc gác từ những kẻ sau:

1. Kẻ thích kết bè kết cánh với những đầu óc tầm thường để chĩa mục tiêu vào tiêu diệt những cá nhân kiệt xuất.

2. Kẻ trở thành nô lệ của thói ăn tiêu xa xỉ.

3. Kẻ thích bới lông tìm vết, gây chia rẽ nội bộ, chỉ vì tư lợi bản thân.

4. Kẻ chỉ chăm chăm vào chuyện được mất cá nhân, và hành động thuần theo cách bất chấp cái giá.

Những kẻ nói trên thì hiểm độc, giả nhân giả nghĩa và xấu xa. Người ta phải tránh xa bọn chúng.

Những phương pháp để nhận biết tính cách cá nhân

Điều khó khăn nhất là phát hiện bản chất thực của người ta. Người ta có thể bề ngoài tử tế, nhưng bên trong xấu xa. Kẻ khác có vẻ chân thật, nhưng lại lảng tránh. Một số nhìn thì dũng cảm, nhưng lại hèn nhát. Số khác thì mẫn cán, nhưng không đáng tin cậy.

Dưới đây là bảy phương cách để phát hiện tính cách cá nhân:

1. Dùng lời nói thị phi để thăm dò quan điểm sống của anh ta.

2. Dùng ngụy biện để gây khó khăn cho anh ta để quan sát xem anh ta có giỏi ứng biến không.

3. Cùng đàm đạo mưu lược để xem xét trí tuệ anh ta.

4. Vạch ra cho anh ta những khó khăn và nguy hiểm trước mắt, nhờ đó biết được lòng dũng cảm của anh ta.

5. Chuốc rượu cho say mềm, rồi quan sát bản chất thật của anh ta.

6. Trao cho anh ta quản lý tài vụ, sẽ biết được đức hạnh.

7. Giao việc cho anh ta, sẽ khám phá được năng lực.

Ngoài những điều trên, dưới đây là những phương cách được nêu trong những sách cổ khác:

1. Trong lúc hoạn nạn, quan sát xem anh ta kết bạn với ai.

2. Trong lúc phát đạt, quan sát xem ai được anh ta ban ơn.

3. Trong lúc quyền cao chức trọng, xem ai được anh ta tuyển dụng.

4. Trong lúc khó khăn, anh ta có xử sự phi đạo đức?

5. Trong lúc nghèo khổ, anh ta có bị tha hóa?

6. Dùng sắc để thử, quan sát sự vững vàng của anh ta.

Sáu loại tướng lĩnh

1. Nhân tướng: Người có thể dùng đạo đức, khuôn phép quản lý quân lính. Người quan tâm đến khó khăn của quân lính và quý trọng sự tận tụy của họ.

2. Nghĩa tướng: Người không từ chối trách nhiệm, không màng đến danh lợi bản thân. Người chỉ biết chết vinh mà không thèm sống nhục.

3. Lễ tướng: Người được thời mà không kiêu ngạo, chiến thắng mà không tự mãn. Người khôn ngoan mà nhún nhường, mãnh mẽ mà nhẫn nhịn.

4. Trí tướng: Người khi lập chiến thuật thì linh hoạt đa biến, hành động thì lắm mưu nhiều kế, có thể chuyển nguy thành yên, chuyển bại thành thắng.

5. Mãnh tướng: Người mà đặt vào tình huống bình thường thì uể oải, nhưng thách thức càng lớn thì càng dũng mãnh.

6. Đại tướng: gặp người hiền tài thì cung kính, biết lắng nghe lời khuyên can. Người rộng rãi mà cứng rắn, dũng cảm và lắm mưu nhiều kế.

Tám tật xấu của tướng

1. Tham lam.

2. Ghen ghét tài năng.

3. Tin lời gièm pha và thích được xu nịnh.

4. Suy nghĩ tình hình đối phương mà không suy nghĩ tình hình của bản thân.

5. Do dự không quyết đoán.

6. Hoang dâm vô độ, đắm chìm trong tửu sắc.

7. Gian ác và hèn nhát.

8. Cưỡng từ đoạt lý, giỏi ngụy biện mà không tuân thủ lễ nghĩa.

Sau đây là một số điểm bổ sung được đưa ra trong những sách binh pháp khác cũng rất quan trọng.

1. Thiếu năng lực nhưng lại luôn cho mình là quan trọng.

2. Hành động nóng vội.

3. Trì trệ và biếng nhác.

4. Thiếu dũng cảm.

5. Có tài nhưng thiếu sức khỏe để thực hiện ý tưởng.

6. Tàn ác.

7. Thiếu uy tín.

Chín điều thiết yếu của tướng

1. Biết tìm hiểu tình thế của bên địch.

2. Biết phương pháp tiến lui.

3. Biết được giới hạn nguồn lực của mình.

4. Biết tìm hiểu thiên thời.

5. Biết sử dụng địa lợi và hiểu ưu khuyết của mỗi hoàn cảnh nhất định.

6. Biết lập mưu tính kế độc đáo để làm cho kẻ thù hoàn toàn bất ngờ.

7. Biết giữ bí mật mưu kế không lộ một chút gì.

8. Biết tạo sự hòa hợp giữa ba quân.

9. Biết tạo mục tiêu chung cho ba quân đồng lòng.

Nhu và cương

Tướng giỏi thì mạnh mà không cứng nhắc, linh động mà không do dự. Cho nên lấy yếu chống mạnh, lấy nhu khắc cương, mềm và cứng hỗ trợ lẫn nhau. Nếu như chỉ toàn là mềm yếu mà không có cứng rắn thì chắc chắn sẽ yếu đi. Nếu như chỉ toàn cứng rắn mà không có mềm yếu thì chắc chắn tự chuốc lấy diệt vong. Chỉ có mạnh mà không cứng, mềm mà không yếu, mới hợp với lẽ thường của đạo.

Hai tiêu chuẩn của tướng giỏi

1. Một tướng lĩnh giỏi không thể kiểu ngạo. Kiêu ngạo thì thất lễ, thất lễ sẽ khiến lòng người li tán. Lòng người li tán sẽ dẫn đến thuộc hạ làm phản.

2. Một tướng giỏi không thể keo kiệt, keo kiệt thì sẽ không ban thưởng. Không được ban thưởng thì binh sĩ sẽ không dốc hết sức lực. Việc này cuối cùng sẽ khiến quốc gia lâm nguy (ở Trung Quốc thời xưa, việc thay đổi lòng trung thành từ nước này sang nước khác dễ dàng như ngày nay chúng ta thay đổi chỗ làm).

Người giỏi thua sẽ không gặp họa diệt vong

Điểm này đã được đề cập rộng rãi trong một chương trước.

Quốc gia phòng bị tốt sẽ không sợ bị nước khác xâm lược

Việc phòng bị là thiết yếu đối với một quốc gia, cũng như con ong và con bò cạp có nọc độc tự nhiên bảo vệ sự sinh tồn của chúng.

Năm điểm mạnh và tám điểm yếu của tướng lĩnh

Năm điểm mạnh:

1. Người có tiết khí cao có thể khích lệ kẻ khác.

2. Người hiếu thảo với cha mẹ và tử tế với anh em.

3. Người tín nghĩa có thể kết giao với bạn bè.

4. Người khoan dung với mọi người.

5. Người dùng sức hành động có thể lập được công nghiệp.

Tám điểm yếu:

1. Người không thể phân biệt đúng sai.

2. Người không bổ nhiệm hiền tài.

3. Người không giữ hình pháp nghiêm minh.

4. Người không cứu tế cho kẻ nghèo khổ.

5. Người không dự đoán được việc chưa xảy ra.

6. Người suy nghĩ không thể tinh tế bí mật.

7. Người không thể tiến cử người xứng đáng.

8. Người khi thất bại thì oán hận phỉ báng.

Ba thứ phải có đối với người tướng giỏi

1. Người tâm phúc: Người tâm phúc như trái tim và dạ dày, là những bộ phận thiết yếu trong cơ thể. Chúng vô cùng thân thiết và gần gũi đối với chúng ta. Người tướng giỏi nhất định phải có người thông minh hiểu biết nhiều làm người tâm phúc. Nếu không có người tâm phúc thì cũng giống như người đi trong đêm đen, không biết đặt tay chân ở đâu, hoảng loạn không yên.

2. Tai mắt: Người tướng giỏi phải có người trầm tĩnh, xem xét kỹ, cẩn thận, bí mật để làm tai mắt cho mình. Không có tai mắt thì như người đi trong bóng tối, không biết hoạt động như thế nào.

3. Móng vuốt: Móng vuốt rất quan trọng khi cần cào xé kẻ khác. Người tướng giỏi phải có người dũng mãnh thiện chiến để làm móng vuốt. Đôi lúc cần phải cắn xé, cào cấu để hoàn thành những mục tiêu chính đáng, và móng vuốt còn hữu ích khi tự vệ. Không có móng vuốt thì cũng giống như người đói dễ ăn phải thức ăn có độc, không thể không chết.

Tuyển chọn binh sĩ theo khả năng thiên bẩm của mỗi người

Mỗi cá nhân nên được đặt vào nơi mà tài năng của anh ta được phát huy tốt nhất. Một người có bước chân nhẹ nhàng di chuyển mau lẹ nên được phiên vào nhóm tập kích, còn một binh sĩ chậm chạp mà khỏe mạnh có thể phiên vào nhóm bắn cung.

Mười lăm quy tắc làm tướng

1. Suy nghĩ tính toán nhiều lần về tin tức tình hình bên địch do tình báo gửi về, sẽ hiểu rõ tình hình bên địch.

2. Gặng hỏi nhiều lần các loại tin tức, cực kỳ cẩn thận chờ đợi thời cơ.

3. Dũng cảm chiến đấu, bên địch có đông cũng không chịu khuất phục.

4. Liêm khiết, thấy lợi vẫn nghĩ đến nghĩa.

5. Công bằng, thưởng phạt không phân biệt trên dưới.

6. Nhẫn nhịn, nhưng không chấp nhận sỉ nhục.

7. Rộng rãi, có thể khoan dung đối với mọi người.

8. Chú ý giữ chữ tín, không nuốt lời hứa.

9. Tôn kính nhân tài, không làm trái với lễ nghĩa.

10. Không nghe theo lời gièm pha.

11. Cẩn thận, không làm trái với lễ nghĩa.

12. Nhân nghĩa, giỏi nuôi dưỡng binh sĩ.

13. Trung thành, lấy thân báo đền ơn nước.

14. Giữ đúng chức phận, không thể vượt quá quyền hạn.

15. Mưu lược, suy nghĩ về bản thân, suy ra những vấn đề khác.

Bốn quy phạm quan trọng của đạo làm tướng

1. Lấy quy tắc tiến lui nói cho binh sĩ, cho nên mọi người trong quân hiểu được quân kỷ pháp lệnh.

2. Dùng nhân nghĩa dạy bảo cho quân sĩ, khiến cho họ biết được lễ nghĩa.

3. Răn đe binh sĩ phân biệt rõ dúng sai, do đó quân sĩ trong quân đều có thể khích lệ lẫn nhau.

4. Khen thưởng và trừng phạt binh sĩ phải công bằng chính trực, do đó mọi người trong quân đều biết phải giữ chữ tín như thế nào.

Các điềm báo thắng bại

Điềm báo thắng lợi:

1. Hiền tài được trọng dụng, kẻ bất tài bị loại bỏ.

2. Ba quân hăng hái nghe theo mệnh lệnh.

3. Ba quân được khích lệ, hào hứng phấn chấn.

4. Ban thưởng và hình phạt nghiêm minh.

Điềm báo thất bại:

1. Ba quân nhuệ khí thấp, lười biếng chểnh mảng nhiệm vụ hàng ngày.

2. Ba quân nhấp nhổm không yên, chưa có lý do gì đã hoảng hốt khiếp sợ.

3. Tướng lĩnh đề cao quá hay hạ thấp quá sức mạnh của quân địch.

4. Ba quân chỉ ham lợi.

5. Tướng lĩnh phản bội bổn phận, mưu lợi ngấm ngầm.

Thái độ đúng của tướng trước ba quân

Tướng giỏi thời xưa, nuôi dưỡng quân sĩ cũng giống như nuôi dưỡng con trai của mình. Có khó khăn nguy hiểm thì tướng đi trước binh sĩ.

Khi có công thì tướng lĩnh nhận sau. Nếu như binh sĩ bị thương thì khóc và an ủi họ, nếu như binh sĩ bị chết thì đau buồn chôn cất họ. Nếu như binh sĩ bị đói thì nhường phần thức ăn của mình cho họ, nếu như binh sĩ bị lạnh thì cởi quần áo của mình để nhường cho họ mặc. Nếu như binh sĩ có người có trí tuệ thì tôn trọng và ưu đãi họ, nếu như binh sĩ dũng cảm thiện chiến thì ban thưởng và khích lệ họ.

Năm cách khích lệ ba quân

1. Dùng tước vị và lương bổng hậu hĩnh để thu hút người tài năng lỗi lạc.

2. Dùng lễ nghĩa để đối xử với quân mình, tín nhiệm khả năng của họ.

3. Đặt ra chuẩn mực rõ ràng, theo đó mà thưởng phạt.

4. Khích lệ ba quân bằng cách đi trước làm gương.

5. Ghi nhận tất cả những việc tốt nhỏ nhất của họ để ngợi khen họ. Ban thưởng quà cáp tặng vật cho hành động xuất sắc.

Như vậy, ba quân không ai là không hăng hái gắng hết sức.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.