Mặt dày tâm đen

Chương 3: Dharma – cây hoàn thành ước nguyện



“Tùy theo cuộc đời của anh, những bổn phận của anh được định sẵn.

Hãy tuân theo chúng và những mong ước của anh sẽ tự động được hoàn thành.”

– Bhagavad Gita.

“Dharma là nền tảng nâng đỡ cuộc sống.”

– Bhagavad Gita.

Khái niệm về Dharma

Từ Dharma xuất phát từ tiếng Phạn, ngôn ngữ cổ nhất thế giới, bắt nguồn từ Ấn Độ cổ đại. Các nhà nguyên cứu ngôn ngữ phương Đông hàng đầu đã xác nhận rằng tiếng Phạn là cội rễ của hầu như tất cả những ngôn ngữ được biết đến. Theo thần thoại Hindu, nó là ngôn ngữ của các vị thần. Dharma có xuất phát từ chữ gốc “Dhar”, có nghĩa là “hỗ trợ, gìn giữ và nuôi dưỡng”. Vì thế Dhar thường được định nghĩa như là cái nâng đỡ cuộc sống. Nó là sức mạnh duy trì thế giới, chất gắn kết thần thánh của vũ trụ.

Dharma là sự hiểu biết về hành động thích hợp cho bất cứ tình huống nào được đưa ra. Nó có nghĩa là “hành động phù hợp với bổn phận của một người”. Mỗi người, phụ thuộc vào địa vị của mình trong cuộc sống, sẽ có một Dharma khác nhau. Ví dụ như, Dharma của một chiến binh là giết chết kẻ thù của đất nước. Dharma của một bác sĩ là cứu chữa những tính mạng, thậm chí là tính mạng của kẻ thù. Hai hành động này, mặc dù hoàn toàn khác nhau, đều là đúng. Nếu Dhar được tuân theo thế giới sẽ hài hòa với quy luật tự nhiên.

Dharma là nền tảng của Mặt Dày, Tâm Đen. Để một người trở thành một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen thực thụ một cách thành công, nhận thức về Dharma phải luôn thường trực trong ý thức của họ. Nếu không, như đã đề cập ở chương 1, bạn sẽ trở thành một người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen vô lương tâm, người sẵn sàng chiến thắng bằng mọi giá mà không quan tâm đến hậu quả đối với người khác. Chỉ bằng cách duy trì nhận thức này về Dhar, chúng ta mới bắt đầu có cái nhìn thấu suốt vào điều bắt buộc để có sự suy xét đúng đắn trong ý nghĩ và trong hành động.

Dharma – người bảo vệ và người giải thoát của bạn

Người thực hành Dhar chấp nhận cuộc sống như nó vốn có và thực hiện bổn phận của mình cho phù hợp. Dharma là một quy luật tự nhiên dẫn dắt cho chúng ta nhận ra ở bất kì thời điểm cụ thể nào vai trò mà mỗi chúng ta đang giữ trong cuộc sống. Trung thành với bổn phận của vai trò riêng biệt đó tại bất kì thời điểm cụ thể nào và chính bản thân việc chấp nhận và thực hiện hành động đó với hết khả năng của mình – đó là tuân theo Dharma. Việc làm đó sẽ trở thành người bảo vệ và vị cứu tinh của bạn. Câu chuyện ngụ ngôn Hindu sau đây chứng minh tính thực tế của quan niệm này.

Có hai con ếch, ếch cha và ếch con, vô ý rơi vào một thùng sữa. Chúng bắt đầu bơi để giữ mạng sống. Chúng bơi trong một thời gian dài, nhưng không có hy vọng nào để thoát ra. Ếch cha nói với ếch con: “Cha mệt rồi, cha sắp bị chết chìm.” Ếch con cố gắng động viên cha: “Đừng cha, cứ bơi tiếp, bơi tiếp. Sẽ có điều gì đó xảy ra. Hãy có niềm tin.” Vì thế ếch cha tiếp tục bơi. Nhưng nửa tiếng sau, ếch cha bỏ cuộc và chìm xuống đáy. Ếch con vẫn tiếp tục bơi. Trong suốt thời gian này, sữa được khuấy bởi những cố gắng không ngừng của nó để thoát chết đã bắt đầu tạo thành một cục bơ chẳng mấy chốc đã rắn lại dưới chân nó. Dùng mảng bơ này làm điểm tựa, nó xoay xở nhảy ra khỏi thùng. Nó than khóc: “Nếu cha mình cố gắng bơi thêm một lúc nữa, bây giờ ông vẫn còn bên mình.”

Dharma có tác dụng đối với con người cũng tương tự như tác dụng đối với những con ếch kể trên. Mười bảy năm trước đây, Leslie là một thiếu niên đã từng giúp tôi lau nhà để đổi lại cho những bài học dương cầm. Năm năm trước, tôi nói chuyện với mẹ của cô và hỏi Leslie hiện giờ ra sao, vì tôi không gặp cô bé nhiều năm rồi. Thế là, tôi được biết câu chuyện li kì sau.

Sức mạnh thần kì của Dharma

Sau khi Leslie tốt nghiệp trung học, cô bắt đầu làm việc như một người kế toán cho một hãng sản xuất nhỏ. Công ty đó sản xuất một loại linh kiện duy nhất và sản xuất nó tốt hơn và rẻ hơn bất kì công ty nào khác. Họ không chỉ bán linh kiện trên toàn nước Mỹ, mà còn xuất khẩu sang các nước khác.

Sau khi làm việc ở đó khoảng tám năm, Leslie bắt đầu phát hiện ra chứng cứ cho thấy những người quản lý công ty, hai con trai của người chủ, đang biển thủ tiền công ty của người chủ duy nhất – mẹ của họ. Biết rõ rằng mình có thể bị mất việc – sau cùng, việc “trừng phạt người đưa tin” không phải là hiếm thấy – tuy nhiên, cô quyết định mình có bổn phận phải thông báo cho bà chủ về hành vi biển thủ của những đứa con bà.

Vì bà chủ trên thực tế không bao giờ đến công ty, Leslie xin hẹn được gặp bà ở nhà. Trong cuộc gặp này, Leslie cẩn thận đưa cho bà chủ xem những sổ sách và những chi tiết khác chỉ ra rõ ràng mức độ và tính chất nghiêm trọng của hành vi biển thủ của những người con trai. Thay vì trừng phạt người đưa tin như Leslie đã lo sợ, bà chủ quay sang cô và nói: “Tôi muốn bán công ty này và tôi muốn cô mua nó.”

“Tôi không có tiền,” Leslie nói.

Đối với việc đó bà chủ đáp: “Đây là những gì chúng ta sẽ làm. Tôi sẽ đưa ra một cái giá cho việc mua lại công ty. Cô sẽ trả tôi một khoản tiền nhất định từ doanh thu hàng tháng của công ty, trong thời gian năm năm, sau thời gian này, cô sẽ sở hữu công ty một mình và không còn nợ.” Sau đó bà lập tức sa thải những người con của mình và làm thủ tục cho việc bán lại công ty. Hiện giờ, Leslie đã sở hữu công ty được vài năm và tuyển mẹ mình làm người quản lý văn phòng.

Trong câu chuyện này, Leslie và người chủ công ty, cả hai đã chứng tỏ sự tận tâm tuyệt đối với Dharma của họ. Người chủ công ty, cũng là một người mẹ, tuân theo Dharma của bà và đã hết lòng để gìn giữ sự liêm chính của công ty và đồng thời dạy một bài học nhớ đời cho những người con trai của mình.

Leslie thì sẵn sàng chịu rủi ro mất chỗ kiếm sống của mình khi thực hiện nhiệm vụ mà cô được trả lương để làm. Sự tận tụy và lòng dũng cảm của cô trong vai trò một nhân viên được tưởng thưởng bằng việc trở thành chủ nhân duy nhất của một công ty dù không chủ định theo đuổi việc này và không có chút vốn liếng riêng nào. Điều xảy ra vượt quá những giấc mơ điên rồ nhất của cô.

Những người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen quyết liệt đeo đuổi những hành động đúng đắn của họ. Họ tự chất vấn mình trong mỗi và mọi tình huống: “Dharma của tôi tại thời điểm này là gì?” Như đã đề cập ở trước, Dharma của một người lính thì đối lập với của một bác sĩ, nhưng cả hai đều đúng. Mặt khác, nếu một người lính từ chối việc giết người và một bác sĩ từ chối cứu người, thì cả hai hành động sẽ không thể chấp nhận được. Bằng việc trung thành với Dharma của mình, những hành động của họ sẽ được dẫn dắt bởi nhịp điệu của quy luật tự nhiên, điều đó sẽ bảo vệ và hỗ trợ tất cả những nỗ lực của họ.

Ân huệ của Dharma

Ân huệ của Dharma xảy ra theo những cách huyền bí và tinh vi xuyên suốt cuộc đời chúng ta, John làm trong ngành buôn bán bất động sản. Anh thật cần mẫn và luôn thực hiện những bổn phận của mình một cách siêng năng, nhưng đôi khi vẫn xảy ra trong ngành kinh doanh này, anh trải qua một thời gian ế ẩm. Anh dành nguyên một tháng tiến hành những hoạt động bình thường của mình: rất nhiều cuộc gọi kiên trì đến những mối triển vọng và những lần viếng thăm các khách hàng tiềm năng trong cố gắng tạo ra công việc kinh doanh mới. Tất cả những gì anh nhận được là những lời từ chối.

John quá thất vọng đến nỗi anh quyết định đi đến Hawaii. Ở đó, anh nhanh chóng thư giãn bên bờ biển và bắt đầu tận hưởng nó. Trong một vài ngày, anh vô tình gặp một khách du lịch, người mà hóa ra là một nhà đầu cơ bất động sản giàu có. Sau đó tất cả những công việc vất vả của mình, và vào lúc và tại nơi mà anh ít trông đợi nhất, anh ta đã thiết lập được một giao dịch có lợi.

John thắc mắc: “Tất cả công việc vất vả tôi đã làm không đem lại kết quả gì, nhưng ở đây tôi đang đi chơi, chẳng nghĩ gì đến công việc, và tôi đã nhận được gì? Một khách hàng lớn. Có lẽ làm việc chăm chỉ không có lợi cho kinh doanh.” Điều mà John không biết là, nhờ sự vất vả làm việc của anh, mà quyền năng của Dharma đã chiếu sáng ân phước lên anh như một sự đền đáp cho sự tận tâm của anh trong công việc. Dharma trở thành người bảo vệ và người giải thoát cho anh.

Dharma của một con nợ và một chủ nợ

Rủi ro tài chính xảy ra quá thường xuyên trong đấu trường kinh doanh luôn thay đổi ngày nay. Những cá nhân đáng tin trước đó đột ngột không thể hoàn thành nghĩa vụ của họ hoặc không trả được nợ. Nếu có bao giờ bạn thấy mình trong tình huống sau này, sau cú sốc bởi cảm giác vô vọng, hãy tự hỏi: “Dharma của tôi là gì?”

Dharma của một con nợ trong trường hợp này là phải làm điều tốt nhất mà anh ta có thể làm để cho thấy thiện chí và ý định sẽ trả nợ. Anh ta phải có sự hy sinh cần thiết và điều chỉnh cách sống cho phù hợp, không trả nợ quá nhiều đến nỗi anh ta phá mất chút cơ may khôi phục lại. Anh ta không được tước đoạt những nhu cầu thiết yếu của bản thân và gia đình mình.

Mặt khác, Dharma của một chủ nợ là phải cho phép con nợ xếp lại nợ nần để anh ta có thể tiếp tục với mức sống cơ bản và có một cơ hội để khôi phục lại về tài chính. Nhờ đó, anh ta sẽ có phương tiện để trả nợ gốc. Không phải tôi đang nói cho bạn những gì bạn chưa biết. Tôi chỉ nêu lên điều này với bạn để minh họa cho cốt lõi của Dharma.

Dharma của một chiến binh

George là một viên chức quan trọng ở Lầu năm góc. Ông tham gia vào việc vạch chiến lược cho cuộc xâm lược Grenada, cuộc đảo chính ở Panama, và chiến thắng tốc hành của chiến dịch Bảo táp sa mạc ở Vùng vịnh. Từ vẻ bề ngoài của ông, ông là một quân nhân. Tuy nhiên trong suốt đời sống riêng tư ông là một người rất trọng đức tin. Cả cuộc đời đều hướng vào việc tận tâm với tôn giáo của mình. Những người biết về sự tận tụy với tôn giáo của ông đã hỏi ông: “Làm sao mà ông có thể ở trong quân đội? Làm thế nào mà ông có thể vạch ra những cách và những phương tiện giết người mà vẫn là một người tín ngưỡng như vậy?” Ông trả lời: “Dharma của tôi chính là trở thành một quân nhân, giống như Arjuna trong Bhagavad Gita. Tôi cũng là một chiến binh.”

Bhagavad Gita hay “Bài hát của Thượng đế” là phần thiêng liêng nhất của kinh Hindu. Được viết khoảng năm 2000 trước Công nguyên, nó là một bản hùng ca ghi lại cuộc chiến giữa hai nhánh của một dòng tộc thống trị để tranh quyền thừa kế ngai vàng. Ông vua già, Dhritarashtra, kém xứng đáng nối ngôi ông hơn Yudhishthira, người thủ lĩnh có trái tim trong sạch của dòng họ Pandava. Duryodhana nổi loạn chống lại di chiếu của vua cha và tập hợp những thế lực của dòng họ Kaurava để đòi lại ngôi báu bằng vũ lực.

Bhagavad Gita là một cuộc đối thoại giữa chiến binh của dòng họ Pandava, Arjuna, người anh em của Yudhishthira và chúa tể Krishna, một hiện thân thiêng liêng của Thượng đế, người phục vụ như người đánh xe cho Arjuna trong trận chiến sắp đến. Chúng tôi trích câu chuyện sau khi đội quân đã được dàn trận để đánh nhau, và ngay trước khi cuộc chiến sắp bắt đầu. Arjuna ra lệnh cho Krishna đánh chiến xa của chàng vào giữa hai đội quân để quan sát lần cuối.

Arjuna là một chiến binh vĩ đại nhất thế giới. Chàng đã giết kẻ thù, rắn độc và yêu ma. Chàng thậm chí đã khuất phục được Tử thần. Nhưng khi chàng nhìn thấy người thân và bạn bè dàn hàng để chiến đấu chống lại nhau, chàng mất tinh thần bởi những nỗi ngờ vực. Chàng hét lên với chúa tể Krishna:

“Ta nhìn thấy những người bà con của mình. Tất cả họ đang đứng dàn trận cho cuộc chiến. Làm sao điều này có thể là đúng đối với ta? Ta không mong đợi chiến thắng, cũng không phải những quốc vương, hay những lạc thú, bởi vì để có được những điều này ta phải giết những người họ hàng của chính mình, những bậc trưởng thượng và những người hảo tâm. Ta sẽ không giết họ ngay cả khi nó mang lại cho ta cả vũ trụ và hơn thế nữa; chỉ vì trái đất lại càng không.”

“Ôi Thượng đế, nếu sự chân chính trong con bị phá hủy, tình yêu của Người dành cho con sẽ biến mất, và Người sẽ ruồng bỏ con. Không có người, trái tim con sẽ tan nát vì đau buồn.”

Arjuna quăng chiếc cung tên sấm sét của chàng đi và ngã người xuống ghế chiến xa, chán nản. Chàng sẵn sàng từ bỏ quyền thừa kế ngai vàng của gia tộc chàng.

Với trí tuệ siêu phàm của người, chúa tể Krishna hiểu được hai mặt bản chất của sự đau khổ tinh thần của Arjuna; đối với Arjuna việc tách mình ra khỏi những tình cảm quen thuộc như lòng trắc ẩn và sự gắn bó với gia đình cũng khó như việc tiến hành chiến tranh với những anh em họ của mình. Krishna khuyên chàng tự giải thoát lòng trắc ẩn sai lầm của mình. Ngài đã khuyên chàng tiến hành trận chiến không phải với nỗi tức giận hay sự hăng hái, mà với tư thế hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với bản thân và đất nước của chàng. Cuộc đấu tranh không phải vì ngai vàng và vương quốc, nó là việc chiến đấu để duy trì Dhar, trật tự tự nhiên của thế giới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.