Mặt dày tâm đen

Chương 11: Lớn mạnh giữa những kẻ xảo trá và tàn nhẫn



“Những tinh thần vĩ đại luôn gặp sự phản đối mạnh mẽ từ những đầu óc bình thường.”

– Albert Einstein.

Mỗi chúng ta, trong trạng thái sống bình thường, cố gắng để đảm bảo sự tồn tại của cá nhân chúng ta. Thực tế của cuộc sống là nếu bạn sống cuộc đời của mình với trái tim và ví tiền mở, bạn sẽ phải sẵn sàng và chuẩn bị để chịu thương tổn và cả mất ví nữa. Một vị thánh bước trên đường với một cái ví tiền. Tên trộm không nhìn thấy vị thánh nào, mà chỉ thấy cái ví. Đối với một tên trộm cái ví là thiết yếu cho sự tồn tại của hắn. Cái ví thuộc về ai thì không can hệ gì.

Thực tế của thế giới là tồn tại lũ trộm và bọn kẻ cướp. Trong thế giới của bạn và tôi, chúng không chỉ lấy cái ví của bạn. Tệ hơn nữa, chúng sẽ cướp mất của bạn niềm tin và sự trung thành đối với điều tốt đẹp của nhân loại, và để bạn lại với nỗi cay đắng trong lòng. Vì thế, rất quan trọng để nhận biết sự tồn tại của điều tàn bạo và che chắn bạn khỏi bị hại nhờ Mặt Dày, khi sử dụng lưỡi dao của Tâm Đen để tiến hành những trận chiến không thể tránh khỏi.

Những nguyên tắc cơ bản của bản năng sinh tồn

Người Mỹ chúng tôi bước vào thập niên 1990 và nhận thấy chúng tôi nghèo hơn trước trong nền kinh tế quốc dân và trong sức mua cá nhân. Chúng tôi đã rơi từ chỗ là người khổng lồ trong nền kinh tế thế giới tới vị trí con nợ lớn nhất thế giới. Một số lượng người đang gia tăng cảm thấy lo ngại về tình hình tài chính của họ. Khi nỗi lo lắng của họ gia tăng, một số người trở nên khó đối phó hơn. Việc cựu tổng thống George Bush buộc phải lăng xê một hình ảnh mới về một nước Mỹ tử tế hơn và hòa nhã hơn cho chúng ta biết rằng sự thật là chúng tôi đang đi theo hướng ngược lại, xa rời những phẩm chất tuyệt diệu này.

Trong mối quan hệ hàng ngày, điệp khúc im lặng “Anh đã làm được gì cho tôi gần đây?” vang vọng. Đối với những kẻ xảo trá và tàn nhẫn, lòng biết ơn đối với sự tự tế trước đó không tồn tại. Bất kì việc tốt trong quá khứ nào cũng ít can hệ. Điều duy nhất có ý nghĩa đối với họ là: “Anh đã làm được gì cho tôi gần đây?”

Khi nói về một nước Mỹ hòa nhã hơn, cựu tổng thống Bush đã cố gắng để thay đổi tinh thần của quốc gia. Trong lúc này, vì mục đích sinh tồn, những người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen nên làm quen với những nguyên tắc quan trọng để chuẩn bị làm chủ nghệ thuật lớn mạnh giữa kẻ xảo trá và tàn nhẫn.

Bảo vệ quyền lợi của bạn

Jim, một nhân viên điều hành của Northrop về hưu, có lần đã nói với tôi: “Nếu bạn cảm thấy bạn đang bị lừa, thì thường là đúng thế.” Trong thế giới này, hầu hết mọi người đều trải qua kinh nghiệm rằng những người tử tế dường như luôn phải gánh phần việc nặng hơn. Khi chúng ta quá bận tâm đến việc làm hài lòng người khác và quá sẵn lòng, chúng ta có thể đang mời gọi người khác lợi dụng chúng ta. Gần đây, trong cuộc họp báo, nữ nghị sĩ bang Colorado, Patricia Schroeder đã nói với báo chí rằng tổng thống Clinton đang có nhiều thỏa hiệp ưu ái chỉ với những thành viên của cơ quan lập pháp ở cả hai viện những người phản đối ông mạnh mẽ, trong khi phớt lờ yêu cầu của những người ủng hộ ông.

Nếu bạn không bảo vệ những gì là của bạn một cách chân chính, không ai sẽ làm điều đó. Ngay cả khi bạn bênh vực cho quyền lợi của bạn, nhiều người sẽ cố làm bạn e ngại. Họ sẽ muốn đẩy bạn tụt xuống một nấc và xẹp xuống, như thế bạn sẽ không cản trở sự thăng tiến của họ.

Barbara là một bình luận viên tin tức của một đài truyền hình. Cô đã làm việc cho đài hơn năm năm và chương trình tin tức của cô hiện đang được xếp thứ nhất ở địa phương. Nhưng năm năm phấn đấu lên vị trí hàng đầu đó không phải luôn suôn sẻ và dễ dàng.

Ba năm trước, khi cô phải thỏa thuận việc ký lại hợp đồng với đài, cô gặp phải một sự chống đối nghiêm trọng. Ban giám đốc đài có thái độ là Barbara đang đơn thuần làm hết trách nhiệm của mình và rằng cô nên cảm thấy may mắn khi được mời ký tiếp hợp đồng. Cô có thể nghe thấy khá rõ một tiếng nói ngấm ngầm: “Cô là một cô gái. Các cô gái không nên xông xáo.”

Khi cô yêu cầu những thay đổi trong hợp đồng, ban giám đốc tỏ ra giận dữ. Vì niềm tin của cô về giá trị bản thân rất mạnh mẽ, cô từ chối thỏa hiệp. Mỗi ngày giám đốc phụ trách tin tức gọi cô vào văn phòng của ông ta, chỉ trích công việc của cô và kết thúc mỗi buổi bằng câu nói: “Hãy ký bản hợp đồng này.” Bốn tháng trôi qua, và cô vẫn không lay chuyển. Cuối cùng, ban giám đốc đồng ý mọi thay đổi mà cô đã yêu cầu.

Tuy nhiên, trước khi cô tiến hành ký bản hợp đồng, cô đưa nó cho một luật sư. Luật sư đề nghị một vài sửa đổi nhỏ về câu chữ. Khi cô quay về đài và nói với họ điều này, họ thấy kinh ngạc và tức giận một lần nữa. Cấp trên của cô nói rõ ra rằng họ coi những hành động của cô là ích kỷ và vô đạo đức. Ngay cả thế, Barbara không lùi bước. Cuối cùng bản hợp đồng được viết lại để phản ánh cách giải quyết mà cả hai bên có thể đồng ý.

Barbara mới ký tiếp một hợp đồng ba năm nữa với đài truyền hình đó, và lần này nó dễ dàng hơn nhiều. Như cô nói: “Bây giờ họ biết tôi làm việc thế nào và tôi nghiêm túc trong đề nghị của mình. Nhiều người ở chỗ làm nói với tôi rằng nên yêu cầu nhiều thay đổi hơn những gì tôi thực sự muốn để họ cảm thấy họ đã giành được điều đó. Nhưng tôi không tin thế. Tôi đã yêu cầu họ chỉ thay đổi những điều khoản mà tôi thực sự không thể chấp nhận. Những thay đổi mà tôi có thể không cần đến thì tôi không yêu cầu.”

Ý nghĩa câu chuyện này không phải là về kỹ xảo đàm phán của Barbara. Không có luật lệ nào về việc bạn có nên yêu cầu nhiều hơn những gì bạn muốn hay chỉ đòi những gì bạn không thể sống thiếu. Quan trọng hơn là hãy lưu ý và phân tích tinh thần đã làm cho Barbara mạnh mẽ đến thế. Ngày qua ngày cô phải chống chọi với sự hăm dọa của ban giám đốc dưới dạng những lời đe dọa, cách đối xử tệ bạc và sự lăng mạ. Đồng thời, cô phải xuất hiện trước ống kính và đọc tin tức một cách vui tươi, với sự chuyên nghiệp của một phóng viên từng trải. Cô không bao giờ để những cảm xúc trong chuyện đàm phán chi phối công việc của cô. Barbara có một cảm nhận mạnh mẽ về giá trị bản thân. Cô sử dụng Mặt Dày, nó bảo vệ cô trước sự ngược đãi và cho phép cô chiến đấu cho những gì cô xứng đáng. Cô đã sử dụng Tâm Đen để cho cô sự cứng rắn để trung thành với những niềm tin của cô.

Hãy biết giá trị của bạn

Martha là một nhà phát triển bất động sản hấp dẫn và là một nhà sản xuất phim trước kia. Cô viết một bức thư cho một trong những nhà thiết kế danh tiếng nhất trên thế giới về dự án bất động sản của cô. Nhà thiết kế đến thăm cô ở California để thảo luận về khả năng mua các dự án của cô.

Khi tôi gặp Martha lần đầu tiên trong một hội nghị chuyên ngành, cô đi cùng với nhà thiết kế và năm người tùy tùng của ông ta. Vào lúc đó, tôi đã nghĩ cô là trong các nhân viên ăn lương của ông ta khi cô phỏng vấn tôi trước ống kính về cảm nghĩ của tôi đối với dự án mới nhất của ông ta. Một vài năm sau, Martha trở thành một người bạn thân thiết. Lúc đó cô kể với tôi cô đã thật ngây thơ và cảm thấy cô đã bị lợi dụng và đối xử tệ bởi nhà thiết kế này.

Cô kể với tôi nhà thiết kế đã gây cho cô ấn tượng rằng ông ta rất quan tâm đến các dự án bất động sản của cô và mong muốn phát triển một mối quan hệ làm việc lâu dài. Không lâu sau, ông ta yêu cầu cô thay vào đó giúp ông ta sản xuất và tiến hành các cuộc phỏng vấn cho bộ phim tài liệu về ông ta, và ông ta ngụ ý rằng cô rất vinh hạnh được sánh bên ông ta. Ngoài ra, cô phải ngủ với ông ta để cho mối làm ăn thêm thân ái. Sau một năm, Martha ra đi với hai bàn tay trắng.

Cô bảo tôi: “Tôi không biết giá trị chính mình. Một kỹ nữ ít nhất còn được trả tiền. Tệ hơn là, tôi đã biết ông ta là người có gia đình.”

Cái nhìn phân biệt

“Cái nhìn phân biệt của một bầy chó thành kiến và sự phân biệt.”

– Châm ngôn Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, chó không được nuôi làm thú cưng, mà được dùng để giữ nhà khỏi kẻ lạ. Một con chó không biết cắn thì không có ích lợi gì đối với một ông chủ người Trung Quốc. Nhưng những con chó Trung Quốc không được huấn luyện để làm chó canh. Viêc nó nên tấn công ai và nên để ai vào, nằm ở bản năng của con chó. Con chó mà để cho một tên trộm vào nhà chủ hay lại cắn nhầm một vị khách quan trọng thì sẽ hết đời. Con chó nhanh chóng học để phân biệt giữa những vị khách được chào đón và không được chào đón theo vài quy tắc đơn giản.

1. Tấn công bất kì người lạ nào ăn mặc tồi tàn hay lôi thôi cố vào nhà nó. Trong trường hợp tốt nhất thì đó là một kẻ ăn mày.

2. Tấn công bất kì người lạ nào có vẻ sợ sệt, lén lút hay rụt rè. Làm như thế sẽ ít khả năng gặp rắc rối.

3. Nếu người lạ vừa rách rưới vừa sợ sệt, tấn công ngay không chần chừ một giây nào. Đó là một thắng lợi dễ dàng mà không có nguy cơ nào.

4. Không tấn công một người lạ ăn mặc sang trọng hay đẹp đẽ. Rất nhiều khả năng ông ta là một vị khách được chào đón. Cắn ông ta có thể dẫn đến một trận đòn của chủ.

5. Không tấn công một người lạ tự tin, hùng dũng. Anh ta có thể tự cho ngươi một trận nên thân.

6. Nếu người lạ ăn mặc chỉnh tề, sang trọng, tự tin và hùng dũng, hãy vẫy đuôi và lấy lòng anh ta.

Những quy tắc để phân biệt đối xử đơn giản này phổ biến trong thế giới của các doanh nhân và các lãnh đạo chính trị, cũng như trong lũ chó Trung Quốc. Khi quyết định ai thì nên bợ đỡ để xin ân huệ và ai thì nên tấn công, tất cả đều có khuynh hướng quỵ lụy kẻ giàu có quyền thế và xử sự hung bạo đối với kẻ nghèo yếu.

Không chỉ có các nhà lãnh đạo chính trị và lũ chó Trung Quốc là xử sự theo cách này. Hãy ngồi một lúc trong một cuộc họp ban lãnh đạo trong khi các thành viên đang thảo luận những mục tiêu tiềm năng để mua lại. Bạn có thể chắn chắn là họ sẽ tập trung vào những điểm yếu và dễ thương tổn của một công ty trước khi họ lên kế hoạch mua lại. Hãy quan sát những gì xảy ra trong giờ giải lao ở sân trường cấp hai. Những đứa trẻ lớn hơn thường chọn ra những đứa nhỏ hơn để bắt nạt. Trẻ con hiểu cách ứng dụng nguyên tắc này một cách bản năng không cần được dạy vì nó là một bản năng tự nhiên bẩm sinh.

Bản năng của kẻ săn mồi

Cách cư xử miêu tả ở trên đúng trên toàn thế giới. Những kẻ xảo trá và tàn nhẫn một cách tự nhiên sẽ luôn tìm những người cả tin và đáng mến để lợi dụng. Trong thế giới loài vật, con sư tử luôn có thể chọn ra một con nghé ốm yếu hay sợ sệt trong một bầy trâu rừng đông hàng ngàn con. Ngay khi người khác cảm nhận được sự sợ hãi và nhút nhát của chúng ta, chúng ta trở thành một mục tiêu tức thì. Bản năng của kẻ săn mồi này hoàn toàn là tự phát.

Một người bạn của tôi, Kevin, làm cho một dự án với người cộng tác trong tám tháng. Sau khi anh ta đã bỏ hết tiền dành dụm và thời gian để hoàn tất phần nghiên cứu và phát triển của anh, là người chịu trách nhiệm tiếp thị, đã bí mật tìm một người cộng tác khác có thể cung cấp thêm tài chính và lạnh lùng bỏ rơi Kevin. Vì Kevin đã bỏ hết tiền vào việc nghiên cứu và phát triển, giờ đây anh thậm chí không còn tiền để thuê luật sư để kiện người cộng tác của mình.

Kevin là người luôn nghĩ tốt về người khác. Chỉ cần ở gần anh, bạn biết ngay anh là một “người tốt”. Thực sự là, anh quá tốt đến mức thiệt thòi. Vì sự tin tưởng mù quáng sai lầm của anh, anh đã để mình bị người cộng tác lợi dụng. Anh cứ tiếp tục làm công việc và đưa sản phẩm đã hoàn chỉnh cho người cộng tác dự kiến mà không có thỏa thuận bằng văn bản nào.

Kevin không phải là kẻ khờ khạo duy nhất trên toàn thế giới. Hầu như tất cả chúng ta ở thời điểm trong đời đã tin tưởng những người được cho là đáng tin cậy và rồi nhận ra bị lợi dụng. Qua quá trình này, chúng ta học được sự cần thiết phải trở thành một người chiến binh để chiến đấu một cách khéo léo cho những gì chúng ta xứng đáng được nhận một cách chân chính.

Cẩn thận với con chó dữ

Có vị Thiền sư Nhật Bản vĩ đại đã từng nói: “Mọi thứ đều là tình yêu của Thượng đế. Từ tình yêu đó, vũ trụ đã xuất hiện. Thượng đế tạo ra vũ trụ với không một chất liệu nào khác ngoài chính người.”

Sau bài thuyết giáo của ông, một đồ đệ được truyền cảm hứng bởi bài giảng đến mức trái tim cậu tràn ngập tình yêu, khi cậu đi qua làng trên đường về nhà, một con chó dữ chặn phía trước và bắt đầu nhe răng sủa ầm ĩ. Người trò nghĩ: “Thầy mình vừa mới dạy là mọi thứ trong vũ trụ được tạo nên từ tình yêu của Thượng đế. Vì Thượng đế đã tạo nên thế giới này từ chính mình, mình nên yêu thương và tôn trọng sinh vật.” Định đi sát qua con chó, cậu mỉm cười với con chó đầy yêu thương và âu yếm. Nhưng sau khi cậu đến gần con chó, con chó cắn cậu.

Ngày hôm sau, cậu đến gặp thầy và kể lại sự việc. Người thầy trả lời: “Có thể con biết, con được tạo ra theo hình ảnh của Đấng thiêng liêng và bản chất của vũ trụ là tình yêu, nhưng không ai nói cho con chó biết đều đó.”

Giống như người đồ đệ trẻ kia, chúng ta khao khát làm điều tốt và thấy điều tốt ở mọi người, nhưng thông thường sự đánh giá của chúng ta về một tình huống nào đó bị chi phối ở mức độ nhất định bởi sự ngây thơ, do đó dẫn chúng ta đến phản ứng không đúng. Người đồ đệ trẻ lẽ ra nên tránh con chó trên đường hay là dọa cho nó sợ, khiến nó bỏ chạy. Chẳng ích gì khi bị con chó cắn. Con cho này cắn bất cứ ai nó gặp. Con chó này giống như giống một kẻ móc túi ở chỗ, nó không bận tâm đến tâm trạng của người đi qua. Như tôi đã nói ở trên, khi một kẻ móc túi gặp một vị thánh, hắn không nhìn thấy vị thánh; tất cả những gì nó thấy là những cái ví.

Giữ gìn lợi thế quan trọng và không quan trọng

Nhiều người Mỹ đã nói với tôi họ nghĩ là người châu Á là những kẻ mặc cả khôn ngoan. Điều này được cho là đúng cả khi những người châu Á ngồi ở bàn đàm phán quốc tế hay trong phòng kinh doanh của người buôn bán xe hơi. Hầu hết mọi người châu Á được rèn một cách vô thức từ rất trẻ rằng quan trọng là phấn đấu để đạt vị trí lợi thế. Khi họ tiêu một xu, họ chờ đợi nhận lại một xu hoặc hơn thế. Hiếm khi nào họ chịu bằng lòng với nửa xu.

Nhận xét của tôi là những ai giữ gìn quyền lợi của họ trong những vấn đề quan trọng hơn. Điều này không có nghĩa là họ trở thành bần tiện và cãi cọ từng xu một. Nhiều khả năng hơn, họ cực kỳ rộng rãi yrong việc cho hoặc chia sẻ tài sản của họ với những người khác theo ý thích của họ. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là hành động theo “ý thích” của họ thay vì bị lợi dụng một cách miễn cưỡng.

Bạn tôi J. J là một phụ nữ Đài Loan giàu có. Trong chuyến đi Mỹ gần đây của bà, bà đã mua một chiếc Volvo mới cho cậu con trai mười bảy tuổi đang học trung học ở Mỹ. Bà gọi điện hỏi tất cả các nhà buôn xe trong thành phố và cuối cùng bà trả tiền mặt để mua chiếc xe từ nhà buôn cho bà mức chiết khấu cao nhất. Đó không phải vì bà cần tiết kiệm tiền, mà đó là cách sống của bà. Khi tôi đi cùng bà đến nhận xe, người bán hàng, một người dày dạn với mười lăm năm kinh nghiệm, kể với tôi rằng dễ nhất là bán một chiếc xe theo đúng giá niêm yết cho một người ít có khả năng mua nó nhất.

Trong suốt quá trình mua và trả giá cho chiếc xe, J. J để cậu con trai luôn tham dự vào. Bà bảo tôi: “Nó phải học được từ nhỏ tầm quan trọng của việc phấn đấu đạt được giao dịch hời nhất.”

George có một kiểu không thay đổi trong cuộc đời mình: anh luôn bị lợi dụng. Mặc dù anh là một nhà doanh nghiệp lâu năm, trong quá khứ anh cũng là một người thua lỗ thường xuyên. Một lần anh đã kể cho tôi nghe một câu chuyện rất cảm động. Khi anh lên sáu, anh lập một cái quầy hàng ở trước cửa nhà mình và bán thức ăn trong tủ lạnh của mẹ. Anh lấy rau củ, trái cây và trứng, bày chúng với một tờ giấy ghi giá trên mỗi món. Anh bán một xu một quả trứng trong khi mẹ anh đã mua mất ba xu. Anh nhanh chóng bán hết trứng và rau với giá lỗ vốn. Người mẹ rất cưng chiều con cho là điều đó thật đáng yêu. Bà không bao giờ nhắc cho anh biết mục đích của việc kinh doanh là kiếm lời.

Nhiều năm sau đến một thời điểm bước ngoặt trong kiểu làm ăn sai lầm của anh. George làm ở chợ buôn bán đồ cũ cùng với vợ anh, Mary. Một hôm, anh giao dịch với một thương nhân khác và đã đổi một món đồ có giá bán lẻ 25 USD lấy một món có giá 5 USD. Mary đã mua nó với giá 14 USD. Sau khi anh nói cho Mary biết chuyện này, một cơn giận bùng lên trong cô. George lại để bản thân bị người khác lợi dụng một lần nữa.

Mary nói với George rằng món tiền chênh lệch là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng là George phải thôi ngay cái kiểu làm ăn sai lầm của anh. Vào lúc đó, có điều gì đó phi thường xảy ra trong anh. Lần đầu tiên, anh nhận ra mình đã đáng cười thế nào từ trước đến nay.

Anh nói với Mary: “Anh sẽ chấm dứt kiểu thua lỗ này. Anh muốn quay lại vào ngày mai và nói với người bán hàng kia anh đã lầm lẫn và hỏi xem ông ta định thế nào.” Mary nói anh không cần lo lắng về chuyện đó. Mary biết việc quay lại sẽ khó khăn cho George, đặc biệt là vì số tiền nhỏ như thế nào. Lần đầu tiên trong đời mình, George quyết tâm học cách sửa chữa cách cư xử cũ của anh. George nói với Mary: “Anh thấy anh không có gì để mất. Điều tệ nhất là ông ta sẽ nói không với anh có thể quan sát và học từ ông ta cách xử lý một sự tranh chấp như thế nào.” George quay lại và thương lượng lại vụ trao đổi một cách thành công. Anh nhận thêm vài món đồ để bù lại số tiền chênh lệch.

Tất cả những câu chuyện này nghe có vẻ nhỏ nhặt và tầm thường. Tuy nhiên, dù chúng ta thực hiện những cuộc đàm phán phức tạp trong công ty hay những trao đổi vặt vãnh hàng ngày, chúng ta luôn đứng từ cùng một vị trí – tinh thần mạnh mẽ hay yếu đuối của chúng ta. Sự thể hiện có thể khác nhau, nhưng nguồn gốc của động lực luôn luôn là một.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.