Mặt dày tâm đen
Chương 6: Sức mạnh kỳ diệu của sự chịu đựng
“Có thể chịu đựng một đêm than khóc
Nhưng niềm vui sẽ đến vào buổi sáng.”
– Thánh ca 30.
Nhiều năm trước đây, có một buổi sáng tôi thức giấc với một cảm giác cô đơn trĩu nặng trong lòng. Tôi cảm thấy tinh thần mình như bị che phủ bởi hàng lớp mây xám xịt. Tôi sống mà chẳng tạo nên một sự khác biệt nào cho thế giới này. Tôi chẳng có đóng góp quan trọng nào cho mẹ trái đất, tôi nhận điều mà thế giới cho tôi được lấy. Trong lĩnh vực tư tưởng, tôi không để lại dấu ấn nào và chẳng có thắng lợi nào. Tôi đứng chơ vơ trong địa ngục tâm hồn mình.
Tôi cảm thấy thế giới này không cần đến mình. Tôi không thấy bất kì hy vọng nào, chỉ có nỗi tuyệt vọng. Thế rồi tôi cầm lên một cuốn sách mà tôi đã mua nhiều năm trước nhưng vẫn chưa mở ra. Cuốn sách có tựa đề Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Trang Tử là một người thầy và một triết gia vĩ đại của Trung Quốc cách đây hai nghìn hai trăm năm. Khi tôi mở chương đầu tiên của cuốn sách có tựa đề “Tiêu dao du”, nước mắt từ sâu trong tâm khảm tôi bỗng trào lên. Trong đoạn văn ngắn sau của Trang Tử, bí ẩn của trạng thái tư tưởng tôi lúc ấy được tiết lộ.
Tiêu dao du – ngụ ngôn về con chim bằng
Truyền thuyết kể rằng: “Bể Bắc có loài cá, tên nó là Kôn! Hóa mà làm loài chim, tên nó là Bằng. Lưng của Bằng, không biết nó mấy nghìn dặm! Vùng dậy bay, cánh nó như đám mây rủ ngang trời. Con chim Bằng bay về phương Nam qua bể lớn đến ao trời.
Khi Bằng bay sang bể Nam, cánh nó đập làm nước sóng sánh ba nghìn dặm. Đầu tiên nó liệng theo gió lốc mà lên là chín mươi dặm. Mất sáu tháng mới lên cao như thế; lúc này nó mới sẵn sàng. Lưng đội trời xanh mà không có gì vướng bận mình, bấy giờ mới tính chuyện sang Nam mà không gặp trở ngại gì. Làm sao có thể so sánh cái lớn lao như thế với hạt sương mai vẩn bụi hay những tạo vật tầm thường?
Nếu nước không đủ sâu, thì mang thuyền không đủ sức. Đổ chén nước lên trên vũng thềm, thì cọng rơm làm thuyền trên đó. Đặt chén vào thì chìm: nước nông mà thuyền lớn vậy! Sức của gió không mạnh, thì nó mang cánh lớn không đủ sức. Chỉ lên đến chín muôn dặm mới đủ chỗ cho Bằng. Thế là chim Bằng cuối cùng có thể bắt đầu cuộc hành trình vĩ đại.
Một con ve nghe chuyện này, nó nói với con chim câu: “Ta vùng dậy mà bay, sục vào đám cây du, hoặc khi không tới thì nhào xuống đất mà thôi, nhưng vẫn tiến lên phía trước. Có cần phải lên cao những chín mươi dặm, mà chẳng tiến tới được chút nào về Nam?”
Người đi rừng gần, vài tiếng trở về, chẳng cần lương thảo. Nếu mà đi trăm dặm, phải chuẩn bị suốt đêm. Người đi nghìn dặm, tích lương ba tháng. Con ve và con câu thì biết gì chuyện đó? Loài ve nào biết có mùa xuân, mùa thu vì chúng sống một cuộc đời ngắn ngủi?”
Trong khi suy ngẫm về đạo lý trong câu chuyện này, tôi nhận ra rằng khi một con người được dự định cho những thành tựu lớn lao trong cuộc sống, sự chuẩn bị cho cuộc hành trình ấy sẽ vô cùng công phu.
Như con chim Bằng phải bay cao mà không tiến một chút nào tới cái đích đã định và bất chấp sự chế nhạo của những loài côn trùng và loài chim khác, nó không ngừng vỗ cánh bay thẳng lên cao cho tới khi nó vươn tới chín tầng mây. Trong khi những con chim nhỏ vẫn mải tán chuyện về sự ngu ngốc của nó, nó sải rộng đôi cánh và nhẹ nhàng bay về phương Nam tới ao trời.
Bạn phải rèn luyện khả năng chịu đựng của bạn giống như con chim Bằng, ngay cả khi đối mặt với sự chế nhạo và chỉ trích, để đạt tới các mục tiêu của mình. Trang bị bằng Mặt Dày, Tâm Đen. Bạn cũng có thể bay cao tới tầng mây để bắt đầu cuộc hành trình vinh quang tới thắng lợi của bạn.
Chiến thắng là vấn đề về cách bạn tính điểm
Nói chung, chúng ta quen đánh giá một kẻ chiến thắng theo thời gian hành động. Một con ngựa chiến thắng nếu nó tới đích nhanh hơn những con khác. Một sinh viên được điểm cao nếu anh làm xong bài trong thời gian quy định. Bất kể người sinh viên có bao nhiêu kiến thức, nếu anh không viết hết được ra giấy trong thời gian giới hạn, kiến thức anh có sẽ không được thể hiện trong điểm số của anh.
Tất cả chúng ta được lập trình để đánh giá thành công và chiến thắng dựa trên tốc độ chúng ta tạo ra những kết quả nhìn thấy được. Người ta hiếm khi đủ rộng lượng để cho chúng ta thời gian để rèn luyện bản thân mình, cho dù việc rèn luyện sẽ mang lại kết quả cao hơn. Như con chim Bằng, chúng ta phải chịu sự chỉ trích từ những loài chim nhỏ về sự thất bại trước mắt và sự ngu ngốc. Trang Tử từ hơn hai nghìn năm trước đã nhìn ra những khó khăn mà một người phi thường với một tầm nhìn phi thường phải đương đầu trong thế giới mà chúng ta đang sống. Hai nghìn năm sau, công nghệ đã tiến bộ vượt bậc, nhưng trái tim con người vẫn như trước đây.
May mắn thay, thời gian để đánh giá thành công cuối cùng của mỗi cá nhân là vào lúc người ấy lìa trần. Trong trường hợp này, thời gian đã công bằng với chúng ta. Miễn là chúng ta có sức mạnh cần thiết để chịu đựng thời gian rèn luyện bản thân, giống như con chim Bằng, thắng lợi cuối cùng thuộc về những ai chịu đựng và theo đuổi đến phút cuối cùng.
Thất bại là mẹ thành công
“Một người biết cách thất bại sẽ không bao giờ gục ngã.”
– Thái Công.
“Thất bại là mẹ thành công” là một ngạn ngữ Trung Quốc cổ được dạy cho tất cả các học sinh tiểu học ở Trung Quốc. Tôi vẫn còn nhớ rõ lời và giai điệu một bài hát ru về nguyên lý này được dạy năm tôi học lớp một. Tục ngữ dạy rằng: “Cố thêm lần nữa. Hỏng một hai lần, cố thêm lần nữa. Càng thêm quyết tâm, càng giỏi chịu đựng. Chớ có sợ hãi, dũng cảm lên nào, cố thêm lần nữa.” Càng lớn, tôi càng quý trọng câu châm ngôn sáng suốt giản dị này.
Dưới đây là câu chuyện về cuộc đời của một người. Anh ta bị thua lỗ trong kinh doanh ở tuổi hai mươi mốt. Anh thất bại trong cuộc chạy đua vào cơ quan lập pháp năm hai mươi hai tuổi, và lại thua lỗ trong kinh doanh năm hai mươi bốn tuổi. Anh bị khủng hoảng bởi cái chết của người yêu vào năm hai mươi sáu tuổi, vì đó mà bị suy nhược thần kinh năm hai mươi bảy tuổi. Hai năm sau, anh thất bại trong cố gắng tranh cử phó tổng thống. Ông tiếp tục thất bại trong một cuộc tranh cử thượng nghị sĩ năm bốn mươi chín tuổi. Cuối cùng, ở tuổi năm mươi hai, ông trở thành tổng thống thứ mười sáu của nước Mỹ. Người đó là Abraham Lincohn.
Tổng thống Abraham Lincohn là người tôi ngưỡng mộ và kính trọng nhất trong tất cả những người từ cổ chí kim. Khi đồng bào ông từ chối bỏ phiếu cho ông, ông có thể rất thất vọng, nhưng nỗi thất vọng lại ra sự dũng cảm để tiếp tục dấn bước tới số phận đã được ban của ông. Ông thường hay cười đùa về những thất bại chính trị của mình. Ông hay nói: “Chà, tôi cảm thấy như một chú nhóc bị vấp ngón chân, đau quá không cười nổi nhưng quá kiêu hãnh nên không dám khóc.”
Cứ nhẫn nại mà chịu đựng
“Hiểu thấu khó khăn
Chịu đựng gian khổ
Dự đoán được nguy cơ
Vượt lên sự sỉ nhục
Một người như thế chắc chắn
Sẽ đạt được thành công và vinh quang.”
– Châm ngôn Trung Quốc.
Tôi đã có lần đọc một tác phẩm kinh điển của châu Á, trong đó có một thanh niên hỏi một bậc tiền bối: “Làm thế nào để con chịu đựng?” Bậc tiền bối trả lời: “Cứ nhẫn nại mà chịu đựng.” Câu nói đơn giản này làm tôi nhớ mãi.
Nhiều người nói với tôi rằng người châu Á rất kiên nhẫn. Thật sự là, sự kiên nhẫn đó không phải là đức hạnh cao quý nhất của họ, mà là họ có một khả năng vô hạn trong việc chịu đựng những điều không thể chịu nổi.
Tính nhẫn nại với Mặt Dày, Tâm Đen
Điều gì làm nên một con người vĩ đại? Đó không phải nhờ anh ta có được hình dáng của một hiệp sĩ trong bộ giáp trụ sáng bóng như Thánh George giết rồng. Những hình ảnh như thế được ôm ấp bởi những nhân viên điều hành đang trèo trên những nấc thang chức vụ. Điều khiển cho một người thực sự vĩ đại là việc biết cách chịu đựng những điều không thể chịu đựng và tha thứ những điều không thể tha thứ.
Ai cũng biết cách phát huy khi gặp thuận lợi. Chính những thời điểm thử thách là lúc để phân biệt những người có thực chất với những người chỉ có vẻ bề ngoài. Qua đau khổ và thử thách, người ta chịu đựng nhờ nhẫn nại. Nhờ đó, tinh thần của con người chiến thắng chính bản thân nó.
Mặt Dày, Tâm Đen là nền tảng hỗ trợ bạn trong việc chịu đựng nỗi nhục của sự thất bại và sự chỉ trích, để vượt lên nó và dám làm điều cần thiết để hoàn thành sứ mệnh của bạn. Abraham Lincohn đã nói: “Chúng ta cần có niềm tin rằng lẽ phải tạo nên sức mạnh, và với niềm tin đó, chúng ta dám thực hiện cho đến cùng bổn phận của mình như chúng ta nhận thấy.”
Sức mạnh tạo nên sự dũng cảm và sức lực để chúng ta chịu đựng những điều không thể chịu đựng là sức mạnh của Mặt Dày, Tâm Đen. Tất cả những con người vĩ đại đều có nó. Mặt Dày, Tâm Đen là một trạng thái tinh thần, không phải là một cách ứng xử bề ngoài.
Mặt Dày, Tâm Đen của Abraham Lincohn
Abraham Lincohn, có lẽ là vị tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ, có được sự hiểu biết hoàn toàn về Mặt Dày, Tâm Đen. Ông thường được mô tả là thiếu tự tin, nhút nhát, bi quan, âu sầu, buồn tẻ, bí ẩn, không thích đối đầu, tự nghi ngờ bản thân và bị ám ảnh bởi ý nghĩ sẽ chết sớm và thậm chí cả khả năng ông sẽ bị điên. Ông không thấy thoải mái trong các cuộc gặp mặt của giới thượng lưu và lời lẽ của ông thường bị cho là không đúng khuôn mẫu.
Ghép tất cả những mô tả này lại, chúng ta thấy chân dung của một người buồn bã, thất bại phải vật lộn để tồn tại trong cuộc sống và nghề nghiệp. Có vẻ như tất cả các tác giả viết sách học làm người của thế kỷ hai mốt đều lấy mẫu từ Abraham Lincohn. Hoàn toàn trái lại, Lincoln là bậc thầy trong những người thực hành Mặt Dày, Tâm Đen. Chúng ta hãy xem xét một số tính cách Mặt Dày, Tâm Đen của ông.
Sự lạnh lùng
Toàn bộ cuộc đời của Abraham Lincohn là cuộc chiến đấu với những cảm giác không tương xứng của chính ông. Nếu tất cả mọi người được tạo ra một cách bình đẳng, rõ ràng là Thượng đế đã rất khắt khe với sự khởi đầu khiêm tốn của Lincoln. Từ nhỏ, Lincoln đã học để chịu đựng nỗi nhục đi kèm với cái nghèo. Cuộc sống của ông cho tới năm hai mươi mốt tuổi, khi ông rời bỏ thế giới của cha ông, không hơn gì một con ngựa kéo.
Sau khi Lincoln rời nhà, ông không bao giờ quay trở lại. Vào lúc đó Lincoln có lẽ chưa biết ông muốn cái gì ở cuộc sống, nhưng rõ ràng là ông không hề muốn những gì mà ông đã trải qua trong hai mươi mốt năm đầu đời.
Lincoln không mời cha ông, Thomas Lincoln, tới dự đám cưới của ông, cũng không đưa gia đình mình về thăm cha. Khi cha ông qua đời tại một hạt lân cận Illinois vào năm 1851, Lincoln không tham dự đám tang.
Một số nhà sử học nghĩ Lincoln khinh thường trình độ trí tuệ thấp kém của cha ông. Tôi nghĩ rằng Lincoln là một người nguyên tắc với một định hướng bẩm sinh về những mục tiêu trong đời của ông. Môi trường của cha ông không nuôi dưỡng ông cả về thể chất và tinh thần. Khi còn là một đứa trẻ, Lincoln đã bị tước đoạt sự an toàn của gia đình, sống trong môi trường khốc liệt vùng biên giới. Khốc liệt hơn cả là sự nghèo đói mà ông đã nếm trải.
Lincoln đã thực hiện bổn phận của mình trong hai mươi mốt năm. Bất cứ sự đóng góp nào ông có thể làm cho cha mình, ông đã thực hiện xong. Họ đã trả hết nợ với nhau. Không chút tội lỗi hay ác ý, Lincoln không bao giờ gặp lại cha sau năm hai mươi mốt tuổi. Trong khi một số người có thể xem hành động của ông là nhẫn tâm, những người thấu hiểu Mặt Dày, Tâm Đen biết rằng Lincoln hành động theo cách này để có thể theo đúng số mệnh của ông.
Người ta có thể thấy rằng Lincoln có sức mạnh của sự lạnh lùng. Ông từ bỏ môi trường nguy hiểm của cha ông và tự bảo vệ mình trước sự phán xét của người khác về mối quan hệ với cha ông. Lincoln sở hữu sức mạnh của Mặt Dày, Tâm Đen. Ông thể hiện khả năng này nhiều lần trong suốt cuộc đời mình. Ông luôn hy sinh cái nhỏ cho cái lớn, những mục đích “cao cả”.
Bảo vệ quyền lợi của mình
Là một luật sư, mức phí của Lincoln vừa phải và hợp lý nhưng ông muốn được trả thù lao ngay. Nếu khách hàng từ chối trả tiền thù lao, ông sẽ kiện họ để đòi tiền. Ông là một người chiến binh cẩn trọng biết bảo vệ quyền lợi của bản thân.
Bị coi là thiếu tín ngưỡng
Lincoln có đức tin sâu sắc, nhưng ông không đi lễ nhà thờ. Ông đọc những triết gia vô thần như Voltaire và Thomas Paine. Lincoln đã chịu sự chê trách là “một kẻ không tín ngưỡng và báng bổ”. Vào thời kỳ đó, những giá trị đạo đức bề ngoài có giá trị hơn tất cả. Lincoln có sự tự tin để biết rằng trong thâm tâm ông đầy kính ngưỡng trong mắt Chúa, còn sự phán xét của người khác không ảnh hưởng tới ông. Ông là một người Mặt Dày, Tâm Đen thật sự.
Chịu đựng những năm tháng chiến tranh
Có lần Lincoln nói chuyện với một người bạn cũ rằng tất cả những rắc rối và lo lắng trong cả cuộc đời của ông cũng không sánh được với sự chống đối và chỉ trích ông gặp phải trong thời kỳ nội chiến. Ông nói, chúng mạnh đến mức ông không nghĩ rằng ông có thể vượt qua được.
Trong ngọn lửa của cuộc nội chiến, Lincoln đã phải chịu đựng. Có vẻ như Lincoln được sinh ra trong môi trường khắc nghiệt để ông được rèn luyện trở thành một người Mặt Dày, Tâm Đen với mục đích đưa đất nước ông qua khỏi giai đoạn đen tối nhất. Lincoln đã phải chịu vô số những lá thư đầy căm ghét. Từ khắp nơi trong nước Mỹ vang lên những lời la lối rằng ông quá ngu dốt và không thích hợp để làm tổng thống hay thống nhất đất nước.
Đúng là Lincoln không quá chắc chắn về bản thân, thiếu kinh nghiệm và u sầu. Nhưng ông còn hơn thế. Ông là một người quả quyết – một người Mặt Dày, Tâm Đen.
Lòng dạ sắt đá
Cuộc chiến càng trở nên khốc liệt, Lincoln càng thêm sắt đá. Lincoln lập luận rằng: “Sự khẩn thiết không biết đến luật pháp.” Lincoln áp dụng các biện pháp thời chiến mỗi lúc một khắc nghiệt hơn: thực hiện thiết quân luật và bố ráp. Thường dân bị xét xử bởi tòa án quân sự không có bồi thẩm đoàn. Ông cho bắt giữ ít nhất mười bốn nghìn người, gồm cả một nghị sĩ.
Khi Lincoln bị chỉ trích, ông đáp rằng nuối tiếc lớn nhất của ông là đã không bắt giữ tướng Robert E. Lee khi còn cơ hội.
Một người được tạo nên cho thời đại của ông
Một người vĩ đại như Abraham Lincohn là ân huệ của Thượng đế dành cho thời đại của ông. Sức mạnh của Lincoln không bị tiêu tan bởi những cơn u sầu của ông; ngược lại, ông có được sức mạnh từ quá khứ bất hạnh của mình. Ông đã chịu đựng điều không thể chịu đựng nổi từ thời thơ ấu cho tới khi trưởng thành.
Cuộc sống khắc nghiệt mà ông trải qua đã tạo cho ông khả năng chịu đựng gánh nặng của cả đất nước. Nhờ đó, dựa vào sức mạnh bản thân, ông đã dẫn dắt đất nước qua thời kỳ thử thách cam go nhất.
Tìm kiếm một cuộc sống không stress
Hãy tưởng tượng tôi có thể cho bạn một công thức hay một viên thuốc thần kỳ có thể giúp bạn xóa bỏ ngay lập tức những kinh nghiệm xấu trong cuộc đời bạn. Cuộc đời bạn sẽ tuyệt vời như thế nào? Bạn sẽ không lo lắng và sẽ sống không stress. Đúng thế không? Đây chẳng phải là niềm ước mơ cao nhất trở thành hiện thực sao?
Nhưng sự thật là nếu viên thuốc hay công thức ấy có tồn tại, nó sẽ không thể làm cho bạn hạnh phúc hay thậm chí là hết áp lực. Các nhà nghiên cứu tại Đại học California ở Berkeley đã chứng minh điều này bằng một nghiên cứu cho thấy xã hội chúng ta đã đặt nặng quá mức việc loại bỏ những kinh nghiệm xấu trong cố gắng loại bỏ stress.
Việc tránh được những kinh nghiệm xấu trong cuộc đời không đủ để tạo nên chất lượng cuộc sống của chúng ta. Làm người chúng ta cần đến những thử thách để phát triển đầy đủ và tạo ra những khía cạnh tích cực của bản thân. Cách duy nhất để cảm thấy thật sự hạnh phúc là đối mặt với những thử thách này và vượt qua. Là con của Đấng thiêng liêng, chúng ta muốn chạm vào từng sợi chỉ dệt lên cuộc sống – cả tốt lẫn xấu – và cảm thấy đầy sức sống khi vươn lên trong cuộc đời.
Sự nhẫn nại, nguy cơ và cơ hội
“Thượng đế là đốc công nghiêm khắc nhất trên đời
Ngài thử thách bạn không ngừng nghỉ
Khi niềm tin hay sức khỏe từ bỏ bạn
Bạn gục ngã,
Ngài bèn chìa tay giúp đỡ.
Ngài cho bạn thấy không được từ bỏ đức tin…
Tôi không thể nhớ có một hoàn cảnh nào mà,
Vào phút cuối cùng. Ngài đã từ bỏ tôi.”
– Mahatma Gandhi.
Từ “sự khủng hoảng” hay “nguy cơ” trong tiếng Hoa gồm hai chữ: nguy hiểm và cơ hội. Quan sát cuộc sống, các nhà thông thái Trung Quốc cổ nhận thấy bản chất thực sự của nguy cơ là một cơ hội trá hình. Điều này tương tự như cách nghĩ của phương Tây: “Khi Thượng đế đóng một cánh cửa lại, Ngài luôn mở ra một cánh cửa sổ.”
Không có sức mạnh để chịu đựng nguy cơ, chúng ta sẽ không nhận ra cơ hội trong đó. Chính trong quá trình chịu đựng mà cơ hội tự bộc lộ. Cơ hội luôn luôn tồn tại trong một tình huống khủng hoảng, nhưng nếu ta mất tinh thần trong một cuộc thử thách gian nan, chúng ta sẽ bị những cảm xúc của chính mình che mắt. Khi chúng ta bình tĩnh chịu đựng điều không thể chịu đựng nổi, cơ hội về một điều tốt đẹp hơn sẽ xuất hiện.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.