Hoa trên mộ Algernon
Chương 16
Tôi trèo lên bục cửa sổ và bước sang lối thoát hiểm. Khi mở được cửa sổ nhà mình, tôi quay lại để lấy rau, nhưng tôi chưa kịp cảm ơn và chào tạm biệt thì cô đã trèo theo tôi lên lối thoát hiểm rồi. “Để xem nhà cửa của anh thế nào. Chưa bao giờ tôi sang đấy. Trước khi anh chuyển đến, hai chị em nhà bà lùn Wagner thậm chí còn chẳng thèm chào hỏi tôi nữa.” Cô bò theo tôi qua cửa sổ và ngồi trên thành cửa.
“Vào đi,” tôi nói, đặt đám rau củ lên bàn.
“Nhà không có bia, nhưng tôi có thể pha cho cô một cốc cà phê.” Nhưng cô đang nhìn qua người tôi, mắt mở to kinh ngạc.
“Lạy Chúa! Chưa bao giờ tôi thấy một nơi nào ngăn nắp như thế này. Ai mà tưởng tượng được là đàn ông sống một mình lại có thể thu xếp nhà cửa gọn gàng thế chứ?”
“Cũng không hẳn như vậy đâu,” tôi xin lỗi. “Chẳng qua là lúc tôi chuyển đến đã thế rồi. Lúc tôi chuyển đến thì nó đã gọn gàng rồi, và tôi buộc phải giữ nguyên nó như vậy thôi. Nếu bây giờ mà có thứ gì đấy đặt không đúng chỗ thì tôi thấy khó chịu.”
Cô tụt xuống khỏi khung cửa sổ và thăm thú nhà tôi.
Đột nhiên cô nói: “Này, anh có thích khiêu vũ không? Anh biết đấy…” Cô đưa tay ra và đi một bước nhảy phức tạp trong lúc miệng lẩm bẩm một điệu nhạc Latinh. “Hãy nói là anh biết nhảy đi để tôi còn tiếp anh.”
Tôi nói: “Chỉ biết điệu fox trot thôi, mà cũng không giỏi lắm đâu.”
Cô nhún vai: “Tôi rất mê khiêu vũ, nhưng trong số những người tôi thích chưa có người nào khiêu vũ giỏi cả. Thỉnh thoảng tôi lại phải tự mình trưng diện rồi đến sàn nhảy Stardust ở trung tâm thành phố. Hầu hết đám đàn ông lượn lờ ở đó đều là loại đáng rùng mình cả, nhưng bọn họ lại biết khiêu vũ.”
Cô vừa thở dài vừa nhìn xung quanh: “Nói thật với anh là tôi không thích một chỗ ở quá ngăn nắp như thế này. Là họa sĩ… tôi bị các đường nét ám ảnh. Tất cả những đường thẳng trên tường, trên sàn, trong góc nhà đều trở thành hình hộp – cứ y như là quan tài ấy. Cách duy nhất để thoát khỏi những chiếc hộp ấy là uống một chút gì đó. Vậy là đường thẳng biến thành đường lượn sóng, nhờ thế tôi cảm thấy thế giới dễ chịu hơn nhiều. Khi mọi thứ đều thẳng đuột và xếp hàng theo kiểu đấy, tôi phát ốm ngay. Hừ! Nếu sống ở đây chắc suốt ngày tôi say xỉn mất.”
Đột nhiên, cô quay ngoắt lại và đứng trước mặt tôi: “Này, anh có thể cho tôi vay năm đô la đến ngày hai mươi được không? Đến hôm ấy tiền trợ cấp của tôi mới về. Thường thì tôi không hay hết tiền lắm, nhưng tuần trước tôi vừa kẹt công chuyện.”
Không kịp nghe tôi trả lời, cô ré lên và nhảy bổ tới chiếc đàn piano đặt ở góc nhà. “Trước đây tôi cũng thường chơi piano. Có vài lần tôi nghe anh dạo đàn, và tôi tự nhủ rằng anh chàng này khá ra phết. Đấy là lý do tại sao tôi lại muốn gặp anh mặc dù chưa hề biết mặt. Lâu lắm rồi tôi chưa chơi đàn.” Trong lúc tôi vào bếp pha cà phê thì cô nghịch chiếc đàn.
“Cô có thể đến tập vào bất cứ lúc nào,” tôi nói và không biết tại sao mình lại đột nhiên trở nên thoải mái như vậy, nhưng ở cô có điều gì đó khiến người ta không thể nào ích kỷ nổi. “Tôi vẫn chưa để ngỏ cửa chính đâu, nhưng cửa sổ thì không khóa, và nếu tôi không ở nhà thì cô chỉ cần trèo qua lối thoát hiểm. Cô có cho kem và đường vào cà phê không?”
Không thấy cô trả lời, tôi quay lại nhìn vào phòng khách. Cô không ở đó, và khi tôi bắt đầu đi về phía cửa sổ thì nghe thấy tiếng cô vang lên từ phòng Algernon.
“Này, cái gì đây?” Cô đang xem cái mê cung ba chiều bằng nhựa của tôi. Sau một lúc nghiên cứu, cô thốt lên lần nữa: “Điêu khắc hiện đại! Toàn là hộp và đường thẳng!”
Tôi giải thích: “Đây là một loại mê cung đặc biệt. Một thiết bị học tập phức tạp dành cho Algernon.”
Nhưng cô vẫn đi vòng quanh nó với vẻ kích động: “Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại chắc sẽ phát điên lên với nó thôi.”
“Đây không phải là điêu khắc,” tôi khẳng định. Tôi mở cánh cửa chắn giữa lồng Algernon với mê cung và thả nó vào trong mê cung.
“Lạy Chúa!” Cô thì thầm. “Điêu khắc có nhân tố sống. Charlie ơi, đây là điều vĩ đại nhất kể từ khi người ta phát minh ra xe hơi và đồ hộp.”
Tôi tìm cách giải thích, nhưng cô cứ khăng khăng là nhân tố sự sống sẽ làm nên lịch sử của ngành điêu khắc. Chỉ đến khi tôi nhìn thấy nụ cười trong đôi mắt hoang dã của cô thì tôi mới hiểu rằng cô đang trêu tôi. Cô tiếp tục: “Nó có thể trở thành môn nghệ thuật tự duy trì, một trải nghiệm sáng tạo dành cho người yêu nghệ thuật. Anh thả thêm một con chuột nữa vào, và khi chúng có con, anh luôn giữ một con để tái tạo sự sống. Tác phẩm nghệ thuật của anh sống mãi, và dân sành điệu ai cũng mua một cái để nói chuyện với nhau. Anh định gọi nó là gì?”
“Thôi được rồi,” tôi thở dài. “Tôi chịu thua…”
“Không,” cô khịt mũi, vỗ vào cái mái vòm bằng nhựa mà Algernon tìm thấy trên đường đi đến chiếc hộp mục tiêu. “Tôi chịu thua nghe khuôn sáo lắm. Câu: Cuộc sống chỉ là một chiếc hộp mê cung thì sao?”
Tôi nói: “Cô điên thật!”
“Tất nhiên rồi!” Cô xoay tròn và khẽ nhún gối chào. “Tôi đang tự hỏi là bao giờ thì anh mới nhận ra điều đó.”
Đúng lúc đó thì ấm cà phê sôi.
Uống được nửa cốc cà phê, cô thở hổn hển và bảo rằng cô phải đi bởi vì có hẹn cách đây nửa giờ với một người mà cô gặp ở triển lãm nghệ thuật.
“Cô cần tiền nhỉ,” tôi nói.
Cô thò tay vào chiếc ví mở hờ của tôi rút ra một tờ năm đô la. Cô nói: “Đến tuần sau, khi tiền trợ cấp về nhé. Cảm ơn anh nhiểu.” Cô vò tiền trong tay, hôn gió Algernon một cái, và không kịp để tôi nói gì, trèo cửa sổ ra lối thoát hiểm và mất hút.
Tôi ngẩn ngơ đứng trông theo.
Thật là quyến rũ quá đi mất. Thật là giàu sức sống và sinh động. Giọng nói, ánh mắt – tất cả mọi thứ ở cô đều mời gọi. Và cô ở ngay ngoài cửa sổ nhà tôi, chỉ cách có một lối thoát hiểm.
20 tháng Sáu – Lẽ ra tôi nên chờ một thời gian rồi mới đi gặp Matt hoặc dừng gặp ông mới phải. Tôi cũng chẳng biết nữa. Mọi chuyện xảy ra không như tôi dự kiến. Với thông tin là Matt mở hiệu cắt tóc ở đâu đó trong khu Bronx, chẳng có gì khó khăn để tìm ra ông. Tôi nhớ là ông đã từng làm nhân viên bán hàng cho một công ty phụ kiện cắt tóc ở New York. Tôi tìm dến cửa hàng Phụ kiện Cắt tóc Metro – ông chủ cửa hàng có một tài khoản mang tên Tiệm cắt tóc Gordon ở phố Wentworth trong khu Bronx.
Matt vẫn thường mơ ước có một tiệm cắt tóc cho riêng mình. Ông ghét thậm tệ công việc bán hàng! Họ từng cãi vã nảy lửa vì chuyện này! Rose gào lên rằng ít ra thì bán hàng cũng là một nghề đáng kính, chứ còn lâu bà mới cưới một anh thợ cắt tóc làm chồng. Và ôi, rồi Margaret Phinney sẽ cười vào mặt “vợ thằng cắt tóc”. Rồi còn Lois Meiner có chồng làm thẩm tra khiếu nại cho công ty Alarm Casualty thì sao? Nó lại chả vênh mặt lên trời ấy chứ!
Trong suốt những năm làm nghề bán hàng, ghét cay ghét đắng từng ngày (đặc biệt là sau khi xem xong bộ phim Cái chết của người bán hàng), Matt vẫn hằng mơ ước một ngày nào đó ông sẽ được làm chủ. Hẳn điều này đã in sâu vào tâm trí của ông hồi ông vẫn thường hay nói đến chuyện để dành tiền và tự tay cắt tóc cho tôi dưới hầm nhà. Ông tự hào rằng ông cắt tóc cho tôi đẹp hơn nhiều so với tiệm cắt tóc rẻ tiền trên đại lộ Scales. Khi chia tay Rose, ông cũng chia tay luôn với công việc bán hàng, và tôi ngưỡng mộ ông vì điều đó.
Tôi hồi hộp khi nghĩ đến lúc được gặp ông. Ký ức về ông thật ấm áp. Matt luôn sẵn sàng đón nhận con người thật của tôi. Trước khi có Norma: đề tài cãi cọ không phải là tiền bạc hay gây ấn tượng với hàng xóm mà là tôi – cần phải để cho tôi yên chứ không phải bắt tôi làm những điều mà đứa trẻ khác vẫn làm. Và sau khi Norma ra đời: tôi có quyền được sống bình thường mặc dù tôi không được như những đứa trẻ khác. Luôn luôn bảo vệ tôi. Tôi nóng lòng muốn được nhìn thấy biểu hiện trên gương mặt ông. Ông là người mà tôi có thể chia sẻ điều này được.
Phố Wentworth là một khu ổ chuột ở Bronx. Hầu hết các cửa hàng trên con phố này đều treo bảng “Cho thuê” trên cửa sổ, số còn lại đóng cửa suốt ngày. Nhưng trên đường từ trạm xe buýt đến khu phố có một biển hiệu cắt tóc phản chiếu chiếc đèn hình cây kẹo bên cửa sổ.
Tiệm vắng tanh, chỉ có ông thợ cắt tóc đang ngồi đọc tạp chí trên chiếc ghế gần cửa sổ nhất. Khi ông ngước mắt lên nhìn tôi, tôi nhận ngay ra Matt – chắc nịch, má đỏ, già hơn nhiều và gần như hói với một chỏm tóc bạc bao quanh đầu – nhưng vẫn là Matt. Nhìn thấy tôi đứng ở cửa, ông ném tờ tạp chí sang một bên.
“Không cần phải chờ. Đến lượt anh.”
Tôi ngần ngừ làm ông hiểu lầm. “Thường thì chúng tôi không mở cửa vào giờ này, anh ạ. Tôi có hẹn với một người khách quen, nhưng chưa thấy ông ta đến. Cũng sắp đóng cửa rồi. May cho anh là tôi vừa ngồi nghỉ chân một lúc. Chỗ cắt tóc cạo râu tốt nhất ở khu Bronx đấy.”
Tôi tự mình bước vào tiệm, còn ông lăng xăng chạy xung quanh, lấy kéo, lược và một tấm khăn choàng mới.
“Anh thấy đấy, mọi thứ đều vệ sinh, hơn hẳn hầu hết các tiệm cắt tóc xung quanh đây. Cắt tóc và cạo râu?”
Tôi thả mình vào ghế. Không thể tin được là ông không hề nhận ra tôi trong khi tôi dễ dàng nhận ra ông. Tôi phải tự nhắc mình rằng hơn mười lăm năm nay ông không gặp tôi, và ngoại hình của tôi đã thay đổi nhiều, nhất là trong mấy tháng vừa qua. Giờ đây, sau khi choàng cho tôi tấm khăn kẻ sọc, ông quan sát tôi trong gương và tôi nhận thấy ông cau mày ngờ ngợ nhận ra tôi.
“Tất cả,” tôi nói, gật đầu với bàng giá chùng, “cắt tóc, cạo râu, gội đầu, làm da rám nắng…”
Đôi lông mày của ông rướn lên.
“Tôi phải gặp một người mà lâu lắm rồi chưa gặp,” tôi trấn an ông, “vì thế nên tôi muốn mình trông thật ngon lành.”
Cảm giác lại được ông cắt tóc cho mình thật đáng sợ. Rồi khi ông liếc lưỡi dao cạo trên tấm da, tiếng xoèn xoẹt làm tôi co rúm người lại. Tôi cúi gập đầu dưới cái ấn nhẹ của tay ông và cảm nhận được lưỡi dao cẩn thận cạo quanh cổ mình. Tôi nhắm mắt lại, chờ đợi. Cảm giác này giống hệt như tôi đang nằm trên bàn phẫu thuật một lần nữa.
Cơ cổ tôi thắt lại, và đột nhiên co giật. Lưỡi dao khía vào cổ tôi ngay trên yết hầu.
“Này!” Ông la lên: “Lạy Chúa… bình tĩnh thôi. Tại anh cựa quậy. Này, tôi xin lỗi nhé.”
Ông chạy đi nhúng chiếc khăn vào bồn nước.
Từ trong gương, tôi quan sát cái bong bóng đỏ tươi và đường thẳng nhỏ xíu chảy dọc xuống cổ mình. Cuống quýt xin lỗi, ông chặn dòng máu lại trước khi nó chảy đến tấm khăn choàng.
Theo dõi ông đi lại, nhậm lẹ hơn nhiều so với vẻ bề ngoài thấp đậm của ông, tôi cảm thấy có lỗi vì đã nói dối. Tôi muốn nói cho ông biết mình là ai để được ông dang tay ôm lấy vai và cùng nhau trò chuyện về những ngày xa xưa. Nhưng tôi vẫn chờ đợi trong lúc ông chấm thuốc cầm máu vào vết đứt.
Ông lặng lẽ cạo tiếp cho tôi, sau đó mang chiếc đèn tắm nắng đến chỗ chiếc ghế và đặt hai miếng gạc vải bông trắng mát lạnh nhúng nước gỗ phỉ lên mắt tôi. Trong bóng tối màu đỏ tươi của tiệm cắt tóc, tôi nhìn thấy những điều xảy ra trong cái đêm ông đưa tôi ra khỏi nhà lần cuối cùng…
Charlie đang ngủ trong một căn phòng khác, nhưng cậu tỉnh dậy vì nghe tiếng mẹ cậu rít lên. Cậu đã học được cách ngủ trong tiếng cãi cọ – chuyện vẫn thường xảy ra trong nhà. Nhưng đêm nay có điều gì đó rất kinh khủng thì họ mới cãi nhau dữ dội như thế. Cậu co mình vào gối lắng nghe.
“Tôi không chịu được nữa! Nó phải ra đi thôi! Chúng ta phải nghĩ cho con bé. Không thể để cho con gái mình ngày nào đi học về cũng khóc vì bị bạn bè trêu chọc được. Chúng ta không thể hủy hoại cơ hội được sống bình thường của con bé vì nó.”
“Cô muốn làm gì? Đuổi thằng bé ra đường à?”
“Đưa nó đi. Gửi nó vào Trại Warren.”
“Để chuyện này sáng mai nói.”
“Không. Anh chỉ biết nói và nói suông thôi, chẳng làm gì hết. Tôi không muốn nó ở đây thêm một ngày nào nữa. Bây giờ – đêm nay.”
“Đừng ngớ ngẩn vậy, Rose. Bây giờ muộn quá rồi còn làm gì nữa. Cô hét to thế mọi người nghe hết đấy.”
“Tôi không quan tâm. Nó phải đi ngay đêm nay. Tôi không thể nào chịu đựng được cảnh phải nhìn thấy nó thêm chút nào nữa.”
“Cô quá đáng lắm Rose ạ. Cô làm gì thế?”
“Tôi cảnh cáo anh. Đưa nó ra khỏi nhà ngay.”
“Bỏ con dao xuống đi.”
“Tôi sẽ không để cho cuộc đời con gái mình bị hủy hoại.”
“Cô điên rồi. Bỏ con dao xuống đi.”
“Nó chết đi còn tốt hơn. Sẽ chẳng bao giờ nó sống bình thường được. Tốt hơn là…”
“Cô mất trí rồi. Vì Chúa, hãy kiềm chế đi!”
“Thế thì đưa nó ra khỏi nhà ngay đi. Luôn đêm nay.”
“Thôi được rồi. Đêm nay tôi sẽ đưa nó đến cho Herman và có thể sáng mai sẽ nghĩ cách đưa nó vào Trại Warren.”
Im lặng. Từ trong bóng tối, tôi cảm thấy một cơn rung chuyển tràn qua ngôi nhà, và sau đó là giọng của Matt, ít hoảng loạn hơn giọng mẹ tôi. “Tôi biết là cô đã phải chịu đựng những gì với thằng bé, và tôi cũng không trách cô vì đã cảm thấy sợ hãi. Nhưng cô cần phải kiềm chế bản thân. Tôi sẽ giao nó cho Herman. Như vậy cô thấy thỏa mãn chưa?”
“Tôi chỉ cần thế thôi. Con gái anh cũng cần phải được sống.”
Matt vào phòng Charlie rồi mặc quần áo vào cho con, và mặc dù không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cậu vẫn thấy sợ. Khi họ bước ra cửa, Rose quay mặt đi. Có lẽ bà đang cố gắng tự thuyết phục mình rằng cậu đã bước hẳn ra khỏi đời bà – rằng cậu không tồn tại nữa. Lúc đi ra, Charlie nhìn thấy con dao trổ dài mẹ vẫn dùng cắt thịt để trên bàn ăn, và cậu mơ hồ cẩm nhận được rằng bà muốn làm hại cậu. Bà muốn lấy của cậu một cái gì đó để đưa cho Norma.
Khi cậu quay lại nhìn, bà đã cầm lấy một mảnh giẻ để cọ rửa bồn bếp…
Sau khi đã cắt tóc, cạo râu, làm da rám nắng và làm xong những việc khác, tôi ngồi buông mình trong ghế, cảm thấy nhẹ nhõm, bóng mượt, sạch sẽ, và Matt tháo nhanh tấm vải choàng cổ rồi mang thêm một chiếc gương nữa để tôi xem sau gáy. Nhìn thấy mình trong gương đang nhìn vào tấm gương phía sau mà ông cầm cho tôi, trong một khoảnh khắc nó nghiêng thành một góc tạo nên ảo ảnh chiều sâu; những hành lang dài vô tận của chính tôi… đang nhìn chính tôi… đang nhìn chính tôi… đang nhìn chính tôi… đang nhìn…
Người nào? Đâu mới chính là tôi?
Tôi nghĩ không nên nói với ông. Ông biết thì có gì hay đâu chứ? Chỉ cần bước đi và không để lộ mình là ai cả. Rồi tôi sực nhớ ra rằng tôi muốn ông phải biết. Ông phải công nhận rằng tôi vẫn còn sống, và tôi là đã thành người. Tôi muốn ngày mai, khi cắt tóc cạo râu cho khách, ông sẽ khoe với họ về tôi. Điều này sẽ khiến mọi việc trở thành sự thật. Nếu ông biết tôi là con ông thì tôi sẽ là một con người.
“Bây giờ phủi tóc khỏi mặt tôi rồi, chắc ông nhận ra tôi chứ?” Tôi vừa nói vừa đứng dậy, chờ ông nhận ra mình.
Ông cau mày. “Chuyện gì vậy? Đùa à?”
Tôi khẳng định với ông rằng tôi không đùa, và nếu nhìn và nghĩ kỹ thì ông sẽ biết tôi là ai. Ông nhún vai rồi quay đi cất lược và kéo. “Tôi không có thời gian chơi trò đoán mò đâu. Tôi dọn hàng đây. Hết ba đồng rưỡi.”
Nếu ông không nhớ tôi thì sao? Nếu đây chỉ là một trò tưởng tượng ngớ ngẩn thì sao? Ông chìa tay ra chờ lấy tiền, nhưng tôi không hề chạm đến ví. Ông phải nhớ ra tôi. Ông phải biết tôi.
Nhưng không – tất nhiên là không và khi tôi cảm nhận được vị chua trong miệng và mồ hôi toát ra ướt lòng bàn tay, tôi biết chỉ một phút nữa thôi mình sẽ nôn. Nhưng tôi không muốn điều đó xảy ra trước mặt ông.
“Này, anh không sao chứ? “
“Không sao… chỉ cần… chờ…” Tôi vấp phải một chiếc ghế và gập người ra trước để thở, chờ máu chảy lại lên đầu. Dạ dày tôi nôn nao. Ôi lạy Chúa, đừng để con ngất lúc này. Đừng khiến con trở nên lố bịch trước mặt ông.
“Nước… cho tôi ít nước…” Tôi chẳng cần nước lắm, chỉ cần có cớ để ông quay đi. Sau bao nhiêu năm qua, tôi không hề muốn ông phải chứng kiến tôi như thế này. Khi ông cầm cốc nước quay lại, tôi đã thấy khá hơn đôi chút.
“Đây, uống đi. Cứ nghỉ ngơi một lát. Anh sẽ ổn thôi.” Ông quan sát tôi nhấp một ngụm nước mát, và tôi có thể nhận thấy là ông đang vật lộn với những ký ức đã quên gần hết của mình. “Tôi có quen anh ở đâu không nhỉ?”
“Không… Tôi khỏe rồi. Tôi đi ngay bây giờ đây.”
Tôi phải nói với ông thế nào đây? Và tôi sẽ nói những gì? Đây, nhìn con đi, con là Charlie, đứa con đã bị cha ruồng bỏ? Con không có ý định trách móc gì cha cả, nhưng con đã về đây, khỏe mạnh giỏi giang hơn bao giờ hết. Cha cứ kiểm tra đi. Cứ hỏi con đi. Con nói được hai mươi thứ tiếng, cả sinh ngữ lẫn tử ngữ; con là chuyên gia toán học, và con đang viết một bản hòa tấu piano khiến người ta phải nhớ đến con rất lâu sau khi con chết đi.
Tôi phải nói với ông thế nào đây?
Trông tôi thật ngớ ngẩn khi ngồi đây, trong cửa hàng của ông, chờ ông vỗ vào đầu tôi và nói: “Con ngoan.” Tôi muốn nhìn thấy sự tán thưởng của ông, nhìn thấy sự hài lòng hiện lên trên gương mặt ông mỗi khi tôi học được cách tự mình buộc dây giày và đóng cúc áo. Tôi đến đây để chứng kiến điều đó, nhưng tôi không biết là mình sẽ không thể nào có được.
“Anh muốn tôi gọi bác sĩ không?”
Tôi không phải là con trai của ông. Đấy là một cậu Charlie khác. Trí tuệ và kiến thức đã làm tôi thay đổi và ông sẽ ghét tôi – cũng như mọi người trong tiệm bánh đã từng ghét tôi – bởi vì tôi lớn lên sẽ làm ông nhỏ bé đi. Tôi không muốn điều đó.
“Tôi không sao,” tôi nói. “Xin lỗi vì đã làm phiền ông.” Tôi đứng dậy và giậm thử chân. “Có lẽ là ăn phải cái gì đấy. Cháu sẽ để bác đóng cửa ngay bây giờ.”
Khi tôi bước ra cửa, giọng ông gọi tôi nghe sắc lạnh: “Này, chờ đã!” Mắt ông nhìn tôi với vẻ nghi ngờ. “Anh định làm trò gì đấy?”
“Tôi không hiểu.”
Ông chìa tay ra, ngón cái và ngón tỏ xoa xoa vào nhau, “Anh nợ tôi ba đồng rưỡi.”
Tôi vừa trả tiền vừa xin lỗi ông, nhưng tôi nhận thấy ông không hề tin. Tôi đưa cho ông tờ năm đô la, bảo ông cứ giữ lấy tiền lẻ và vội vàng đi ra khỏi tiệm cắt tóc của ông mà không hề ngoái đầu nhìn lại.
21 tháng Sáu – Tôi vừa thêm chuỗi tổ hợp phức tạp tăng dần theo thời gian vào mê cung ba chiều, và Algernon nắm bắt một cách dễ dàng. Chẳng cần phải dùng thức ăn hay nước uống để thúc đẩy nó. Có vẻ như nó học chỉ để giải quyết vấn đề – có vẻ như thành công là phần thưởng dành cho nó.
Nhưng, như Burt chỉ ra tại cuộc hội thảo, hành vi của nó rất thất thường. Có những lúc sau khi giải quyết xong, hoặc thậm chí đang chạy, nó nổi giận và quăng mình vào tường mê cung hoặc cuộn mình lại không chịu làm gì cả. Thất vọng ư? Hay một nguyên nhân nào khác sâu xa hơn?
5h30 chiều – Chiều nay, cái cô Fay điên ấy trèo vào nhà tôi qua lối thoát hiểm cùng với một con chuột cái màu trắng – bé bằng một nửa Algernon – cô bảo để cho nó có bạn trong những đêm hè cô đơn này. Cô nhanh chóng gạt bỏ mọi lời phản đối của tôi và thuyết phục tôi rằng có bạn thì sẽ tốt cho Algernon. Sau khi tin chắc rằng cô “Minnie” nhỏ bé kia có vẻ mạnh khỏe và tốt tính, tôi đồng ý. Tôi tò mò muốn xem nó sẽ làm gì khi đối diện với một con chuột cái. Nhưng khi chúng tôi đã cho Minnie vào lồng Algernon, Fay nắm lấy tay tôi và kéo tôi ra khỏi phòng.
Cô khăng khăng: “Đầu óc lãng mạn của anh đâu hết rồi?” Cô bật radio lên và bước lên phía tôi đầy vẻ đe dọa. “Tôi sẽ dạy anh những bước mới nhất.”
Làm sao có thể cáu với một cô gái như Fay cơ chứ?
Dù sao thì tôi cũng vui vì thấy rằng Algernon không còn cô đơn nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.