Hoa trên mộ Algernon

Chương 09



15 tháng Năm – Việc học hành của tôi tiến triển tốt. Thư viện trường giờ đã trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi. Người ta phải bố trí cho tôi một căn phòng riêng bởi vì chỉ cần một giây là tôi đọc xong một trang in, trong khi đó đám sinh viên tò mò cứ không ngớt xúm quanh tôi khi tôi đọc sách.

Hiện nay, vấn đề tôi quan tâm nhất là từ nguyên trong các ngôn ngữ cổ, các công trình mới trong giải quyết biến số, và lịch sử Hindu. Thật ngạc nhiên khi được biết về phương thức liên kết của mọi thứ, mặc dù nhiều khi trông chúng chả liên quan gì đến nhau cả. Tôi vừa chuyển đến một cao nguyên khác, và giờ thì những dòng chảy kiến thức khác nhau dường như trở nên gần nhau hơn, cứ như thể chúng chảy ra từ một nguồn.

Thật lạ là khi tôi vào quán cà phê của trường và nghe đám sinh viên tranh cãi về lịch sử, chính trị hay tôn giáo, trông chúng thật là trẻ con.

Tôi không còn thấy hứng thú với việc tranh luận ở cấp độ sơ đẳng đó nữa. Mọi người bực bội khi thấy rằng họ không tiếp cận được với những điều phức tạp của vấn đề, họ không biết đằng sau lớp sóng bề mặt có những gì. Ở cấp độ cao hơn cũng tệ chẳng kém, và tôi từ bỏ hẳn ý định tranh luận với các giáo sư ở Beekman.

Burt giới thiệu tôi với một giáo sư kinh tế học ở quán cà phê của khoa, ông này nổi tiếng nhờ công trình nghiên cứu về các yếu tố kinh tế tác động lên tỉ lệ lãi suất. Đã từ lâu tôi muốn được nói chuyện với một nhà kinh tế học về mấy vấn đề mà tôi gặp phải trong lúc đọc sách. Khía cạnh đạo đức của việc dùng phong tỏa quân sự làm vũ khí trong thời bình cũng đang làm tôi bận tâm. Tôi hỏi ông nghĩ gì về việc một số nghị sĩ đề xuất chúng ta áp dụng những chiến lược như “sổ đen” và tăng cười kiểm soát hải quan như thời Chiến tranh Thế giới Thứ nhất và Thứ hai đối với một số quốc gia nhỏ hơn chống lại chúng ta.

Ông lặng lẽ lắng nghe, nhìn mông lung vào không gian, và tôi nghĩ rằng ông đang tập hợp ý tưởng trả lời, nhưng vài phút sau ông hắng giọng và lắc đầu. Ông giải thích bằng giọng rất biết lỗi, rằng vấn đề này nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn của ông. Ông quan tâm đến tỉ lệ lãi suất, và ông không nghiên cứu nhiều về kinh tế quân sự. Ông bảo tôi hãy đến gặp tiến sĩ Wessey – ông ta đã từng có bài báo về Hiệp định Thương mại Thế giới trong Chiến tranh thế giới Thứ hai. Biết đâu lại giúp được tôi.

Không để cho tôi kịp nói câu nào, ông cầm tay tôi lắc lắc. Ông rất vui được gặp tôi, nhưng ông còn một số tài liệu cần ghép lại để chuẩn bị cho bài giảng. Và ông ra về.

Chuyện tương tự cũng xảy ra khi tôi tìm cách thảo luận về Chaucer với một chuyên gia văn học Mỹ, hỏi một nhà Đông phương học về quần đảo Trobriand, và vấn đề thất nghiệp do tự động hóa gây ra với một nhà tâm lý học xã hội chuyên thu thập ý kiến công chúng về hành vi thanh thiếu niên. Lần nào họ cũng tìm cách né tránh vì sợ để hở ra hiểu biết hạn hẹp của mình.

Giờ đây họ mới khác làm sao. Và tôi cũng thật là ngớ ngẩn khi từng nghĩ rằng giáo sư là những người khổng lồ trong vấn đề kiến thức. Họ chỉ là con người – và sợ phần còn lại của thế giới sẽ phát hiện ra điều đó. Và Alice cũng là con người – là phụ nữ chứ chẳng phải thần thánh gì – và tối mai tôi sẽ đưa nàng đi dự nhạc hội.

17 tháng Năm – Đã gần sáng mà tôi vẫn không thể nào ngủ được. Tôi phải nghĩ xem chuyện gì đã xảy ra với tôi tại buổi nhạc hội tối qua.

Buổi tối khởi đầu khá suôn sẻ. Khu The Mall ở Công viên Trung tâm đông nghẹt người từ sớm, thế nên Alice và tôi phải len lỏi giữa các đôi đang nằm dài trên bãi cỏ. Cuối cùng, chúng tôi cũng nhìn thấy, khuất xa khỏi con đường, một gốc cây còn trống, nơi ánh đèn không chiếu tới và dấu hiệu duy nhất của các cặp khác chỉ là tiếng cười phản đối của phụ nữ và ánh lửa thuốc lá lập lòe.

Nàng bảo: “Đây cũng được. Chẳng có lý do gì phải ngồi ngay sát dàn nhạc cả.”

Tôi hỏi: “Người ta sắp diễn gì thế?”

La Mer của Debussy. Anh có thích không?”

Tôi ngồi xuống cạnh nàng: “Anh không biết nhiều về loại nhạc này. Anh sẽ phải suy nghĩ về nó.”

Nàng thì thầm: “Đừng suy nghĩ về nó. Hãy cảm nhận. Hãy để âm nhạc lướt qua anh như biển mà không cần phải gắng sức tìm hiểu. Nàng ngả người nằm ra cỏ và quay mặt về hướng dàn nhạc.

Tôi chẳng còn cách nào để biết được nàng mong đợi gì ở tôi. Điều này chẳng liên quan gì đến các phương pháp giải quyết rắc rối cũng như tiếp nhận kiến thức một cách có hệ thống. Tôi không ngừng tự nhủ rằng lòng bàn tay đầm đìa mồ hôi; lồng ngực thắt chặt và khao khát được vòng tay ôm nàng chỉ đơn thuần là những phản ứng sinh hóa. Thậm chí tôi còn tìm ra được mẫu hình tác-nhân-và-phản-ứng gây ra sự căng thẳng và phấn khích ở tôi. Nhưng mọi thứ vẫn mơ hồ và bất định. Tôi có nên ôm nàng hay không? Liệu có phải nàng đang chờ tôi làm vậy không? Liệu nàng có giận không nhỉ? Tôi tự nhận thấy mình vẫn xử sự như một cậu bé mới lớn, và điều này làm tôi thấy bực mình.

Tôi trầm giọng: “Sao ở đây mà em cũng không thoải mái chút đi? Hãy tựa đầu vào vai anh.” Nàng để tôi ôm, nhưng không nhìn tôi. Dường như nàng quá chăm chú nghe nhạc nên không nhận ra tôi đang làm gì. Nàng có muốn tôi ôm nàng như vậy không, hay là nàng chỉ không phản đối thôi? Khi cánh tay tôi trượt xuống eo nàng, tôi thấy nàng run lên, nhưng mắt vẫn hướng về phía dàn nhạc. Nàng giả vờ như đang tập trung nghe nhạc để khỏi phải phản ứng lại với tôi. Nàng không muốn biết điều gì đang xảy ra. Khi quay mặt đi và lắng nghe, nàng có thể giả vờ như không biết hoặc không hề chấp thuận cho tôi ngồi sát bên nàng và vòng tay ôm nàng. Nàng muốn tôi yêu thương thân thể nàng trong khi tâm trí nàng thì lại hướng đến những thứ cao hơn. Tôi vươn mạnh tới và kéo cằm nàng: “Tại sao em không nhìn anh? Có phải em đang coi như anh không hề tồn tại?”

Nàng thì thầm: “Không, Charlie. Em đang coi như em không hề tồn tại.”

Khi tôi chạm vào vai nàng, nàng cứng người lại và run bắn lên, nhưng tôi đã kéo nàng về phía tôi. Và rồi chuyện đó xảy ra. Nó đã bắt đầu như một tiếng vo vo sâu thẳm trong tai tôi, một cái cưa máy… xa xăm. Rồi đến cái lạnh: tay chân sởn gai ốc, các ngón tê cóng. Đột nhiên, tôi có cảm giác như đang bị theo dõi.

Nhận thức đột ngột thay đổi. Tôi nhìn thấy từ một chỗ nào đó trong bóng tối sau gốc cây, hai chúng tôi đang nằm ôm nhau.

Tôi ngước lên và nhìn thấy một thằng béo chừng mười lăm, mười sáu tuổi đang lúi húi gần đó. “Này!” Tôi quát lên. Và khi nó đứng dậy, tôi thấy quần thằng bé mở ra, còn nó thì hở hết.

Nàng hổn hển: “Có chuyện gì vậy?”

Tôi nhảy lên, và thằng bé biến mất vào bóng tối. “Em có thấy nó không?”

“Không,” nàng nói, lo lắng vuốt lại mép váy. “Em chẳng thấy ai cả.”

“Đứng ngay đây. Nhìn chúng ta. Gần đến mức có thể chạm vào người em.”

“Charlie, anh đi đâu vậy?”

“Nó chưa đi xa được đâu.”

“Tha cho nó đi Charlie. Chuyện có gì đâu.”

Nhưng đối với tôi thì có. Tôi lao vào bóng tối, vấp cả vào các đôi tình nhân làm họ giật bắn mình, nhưng chẳng thể nào xác định được thằng bé chạy đi đâu cả.

Càng nghĩ về nó, cảm giác nôn nao giống như trước khi ngất lại càng trở nên khó chịu trong tôi. Lạc lõng và cô đơn giữa chốn hoang vu. Và rồi tôi kìm mình được, quay lại chỗ Alice đang ngồi.

“Anh có tìm thấy nó không?”

“Không, nhưng nó ở đó. Anh đã nhìn thấy nó.”

Nàng nhìn tôi lạ lẫm: “Anh có sao không?”

“Anh không sao… một lát thôi… Chỉ tại cái tiếng vo ve khỉ gió kia trong tai anh.”

“Có lẽ chúng ta nên đi thôi.”

Trên suốt con đường về nhà nàng, trong đầu tôi chỉ có hình ảnh thằng bé lúi húi trong bóng tối, và trong một khoảnh khắc tôi đã bắt được hình ảnh mà nó nhìn thấy – hai đứa chúng tôi nằm ôm nhau.

“Anh có muốn vào không? Em sẽ pha cà phê cho anh.”

Tôi muốn lắm, nhưng có điều gì đó giữ tôi lại. “Anh không vào thì tốt hơn. Đêm nay anh còn nhiều việc phải làm.”

“Charlie, có phải là vì em nói hay làm gì sai không?”

“Không phải đâu em. Chỉ là vì thằng bé kia nhìn trộm làm anh khó chịu thôi.”

Nàng đứng gần sát tôi, chờ tôi hôn nàng. Tôi vòng tay ôm lấy nàng, nhưng chuyện đó lại xảy ra. Nếu không đi nhanh, chắc tôi ngất mất.

“Charlie, trông anh mệt mỏi quá.”

“Em có thấy nó không Alice? Thực tế…”

Nàng lắc đầu. “Không. Trời tối quá. Nhưng em chắc…”

“Anh phải đi rồi. Anh sẽ gọi lại cho em.” Và không để cho nàng kịp phản ứng gì, tôi đã rút lui. Tôi phải thoát ra khỏi tòa nhà này trước khi mọi thứ đổ sụp xuống.

Giờ đây khi suy nghĩ về chuyện đó, tôi tin chắc rằng nó chỉ là ảo giác. Bác sĩ Strauss nghĩ rằng về mặt cảm xúc, tôi vẫn ở độ tuổi thanh thiếu niên, khi gần gũi phụ nữ, hoặc suy nghĩ về tình dục, thì trở nên lo lắng, sợ hãi, thậm chí ảo giác. Ông cho rằng việc tôi phát triển quá nhanh về kiến thức đã khiến tôi nghĩ rằng tôi có thể sống bình thường về cảm xúc. Nhưng tôi phải thừa nhận một thực tế là nỗi sợ hãi và bế tắc phát sinh trong các hoàn cảnh tình dục cho thấy, về mặt cảm xúc thì tôi vẫn là thiếu niên – chậm phát triển về mặt tình dục. Tôi đoán ý anh là tôi chưa sẵn sàng cho mối quan hệ với phụ nữ như Alice Kinnian. Chưa được.

20 tháng Năm – Tôi bị đuổi việc khỏi tiệm bánh. Tôi biết mình thật ngớ ngẩn khi cứ bấu víu lấy quá khứ, nhưng vẫn có điều gì ở cái nơi những bức tường trắng chuyển sang màu nâu vì nhiệt độ lò nướng. Nơi đây đã thành nhà tôi rồi.

Tôi làm gì mà người ta ghét tôi thế?

Tôi không trách ông Donner. Ông phải lo cho công việc làm ăn cũng như mọi nhân viên khác. Nhưng, ông lại gần gũi với tôi còn hơn cả cha đẻ nữa.

Ông gọi tôi vào phòng, dọn sạch giấy tờ và hóa đơn trên chiếc ghế duy nhất bên cạnh chiếc bàn có nắp cuộn của ông, và không hề ngẩng lên nhìn tôi, ông nói: “Ta vẫn luôn có chuyện muốn nói với cậu. Bây giờ là thời điểm thích hợp rồi.”

Giờ trông có vẻ thật ngớ ngẩn, nhưng khi tôi ngồi đó nhìn ông – thấp, mập, bộ ria màu nâu nhạt lởm chổm phủ lấy môi trên một cách hài hước – cứ như thể cả hai thằng tôi, một Charlie cũ và một Charlie mới, đang ngồi trên chiếc ghế đó, sợ hãi lắng nghe những điều Donner cũ sắp sửa nói.

“Charlie này, chú Herman của cậu là bạn thân với ta. Ta đã hứa với ông ấy là bất kể sướng khổ thế nào cũng sẽ tạo công ăn việc làm cho cậu, sao cho cậu không bao giờ phải thèm khát có một đồng trong túi hay có nơi ngả lưng yên lành trong căn nhà đó.”

“Tiệm bánh là nhà của cháu…”

“Và ta đã đối xử với cậu như đối xử với thằng con của ta đã hy sinh vì tổ quốc. Khi Herman chết – cậu bao nhiêu tuổi nhỉ? mười bảy? giống một thằng bé sáu tuổi thì đúng hơn – ta đã thề với chính mình… Ta bảo, Arthur Donner, chừng nào ngươi còn có một tiệm bánh và một công việc làm ăn trên đầu, ngươi phải trông nom cho Charlie. Nó sẽ phải có nơi làm việc, có giường để ngủ, và có bánh mì để đút vào miệng. Khi họ đem cậu đến trại Warren kia, ta đã bảo họ là cậu sẽ làm việc cho ta, còn ta sẽ trông nom cậu. Thậm chí cậu còn chẳng phải ngủ một đêm nào ở đó cả. Ta cho cậu một căn phòng và ta sẽ chăm sóc cho cậu. Giờ thì, ta đã giữ được lời hứa long trọng đó chưa?”

Tôi gật đầu, nhưng nhìn ông gấp đi gấp lại mấy tờ hóa đơn, tôi biết rằng ông đang gặp rắc rối. Và tôi biết là rắc rối nhiều đến mức tôi không muốn biết nữa. “Cháu đã cố hết sức để làm việc tốt. Cháu làm rất chăm…”

“Ta biết, Charlie. Công việc thì chẳng có gì đáng phàn nàn cả. Nhưng có chuyện với cậu, và ta không hiểu như thế nghĩa là gì. Không chỉ một mình ta. Ai cũng bàn tán về chuyện đó hết. Vài tuần qua ta nghe chuyện này cả chục lần. Mọi người rất bực mình. Charlie, ta phải để cậu đi thôi. Tôi cố ngăn ông lại nhưng ông lắc đầu.

“Đêm qua, có một nhóm đại diện đã đến gặp ta. Charlie, ta phải giữ công việc làm ăn của mình.”

Ông nhìn chằm chằm vào đôi tay, lật đi lật lại trang giấy như đang hy vọng tìm kiếm một vật gì không còn ở đó nữa. “Ta xin lỗi, Charlie.”

“Nhưng cháu biết đi đâu?”

Lần đầu tiên ông ngước mắt nhìn tôi kể từ khi chúng tôi đặt chân vào căn phòng ấm áp của ông. “Cậu cũng biết rõ như ta là cậu không cần phải làm việc ở đây nữa.”

“Ông Donner, cháu chưa bao giờ làm việc ở nơi nào khác cả.”

“Hãy đối diện với điều đó đi. Cậu không còn là Charlie của mười bảy năm về trước – thậm chí cũng không phải là Charlie của bốn tháng trước đây nữa. Cậu không hề nói về điều đó. Đấy là việc riêng của cậu. Có thể là một phép màu nào đó – ai mà biết được? Nhưng cậu đã trở thành người rất thông minh. Và đứng máy trộn bột cũng như giao hàng không phải là việc của người thông minh.”

Tất nhiên là ông nói đúng, nhưng trong tôi có điều gì đó cứ thúc giục tôi thuyết phục ông thay đổi ý định.

“Ông phải để cho cháu ở lại, ông Donner. Hãy cho cháu thêm cơ hội đi. Chính ông đã nói rằng ông hứa với chú Herman là cho cháu làm việc ở đây đến chừng nào cháu muốn kia mà. Giờ cháu vẫn còn muốn, ông Donner.”

“Không đâu, Charlie. Nếu cậu muốn thật thì ta sẽ bảo với họ là ta chẳng quan tâm đến cả mấy nhóm đại diện lẫn cả kiến nghị của họ, và ta sẽ đứng về phía cậu chống lại họ. Nhưng bây giờ thì cả lũ bọn họ đang sợ cậu đến chết đi được. Ta cũng phải suy nghĩ cho gia đình của ta chứ.”

“Nếu họ đổi ý thì sao? Cháu sẽ tìm cách thuyết phục họ.” Tôi làm cho ông khó xử hơn ông nghĩ. Tôi biết là mình nên dừng lại, nhưng không làm cách nào kiểm soát được bản thân. Tôi nài nỉ: “Cháu sẽ làm cho họ hiểu.”

Cuối cùng ông đành thở dài: “Thôi được rồi, cứ đi thử đi. Nhưng cậu sẽ chỉ làm mình đau lòng thôi.”

Khi tôi ra khỏi phòng ông, Frank Reilly và Joe Carp bước qua tôi, và tôi biết những gì ông vừa nói đều là sự thật. Phải chứng kiến cảnh tôi ở bên cạnh là quá sức chịu đựng của họ. Tôi làm cả lũ bọn họ thấy khó chịu.

Frank vừa nhấc một khay bánh mì lên và cả anh ta lẫn Joe đều quay lại khi nghe thấy tôi gọi. “Nghe này, Charlie, tớ đang bận. Để sau nhé…”

“Không,” tôi kiên quyết. “Bây giờ – ngay bây giờ. Cả hai anh đều đang né tránh tôi. Tại sao?”

Frank, kẻ nói nhanh, chàng đào hoa, người sắp đặt mọi thứ, nhìn sững một lúc rồi đặt cái khay xuống bàn. “Tại sao ư? Tôi sẽ bảo cậu tại sao. Tại vì đùng một cái cậu trở thành bố tướng, thành biết tuốt, thành thông thái! Giờ thì cậu thành người thành đạt, thành nhà trí thức. Đi đâu cũng mang theo sách, lúc nào cũng biết câu trả lời. Được rồi, tôi sẽ nói với cậu điều này. Cậu nghĩ rằng cậu ngon lành hơn đám bọn tôi ở đây ư? Tốt thôi, vậy thì hãy kiếm một chỗ khác đi.”

“Nhưng tôi đã làm gì các anh cơ chứ?”

“Cậu ta đã làm gì kia? Nghe chưa, Joe? Tôi sẽ nói cho cậu biết cậu đã làm gì, thưa ngài Gordon. Cậu đến đây mang theo một đống ý tưởng và đề xuất khiến cho cả lũ bọn tôi đứa nào cũng trông như thằng ngu. Nhưng tôi sẽ nói với cậu điều này. Đối với tôi, cậu vẫn là một thằng đần. Có thể tôi không hiểu vài từ đao to búa lớn hoặc không biết tên mấy cuốn sách, nhưng tôi cũng ngon lành chả kém cậu – thậm chí còn hơn.”

“Đúng thế.” Joe gật đầu, quay sang nhấn mạnh với Gimpy vừa mới đến sau lưng anh ta.

Tôi nói: “Tôi không đòi hỏi mọi người phải làm bạn với tôi, hay có bất cứ liên hệ nào với tôi. Tôi chỉ cần giữ được việc làm. Ông Donner bảo tôi điều này tùy thuộc ở các anh.”

Gimpy trừng mắt nhìn tôi rồi lắc đầu một cách phẫn nộ. “Mày can đảm lắm,” hắn gào lên. “Mày chết đi!” Rồi hắn quay lưng và tập tễnh bước đi nặng nề.

Chuyện thế đấy. Hầu hết mọi người đều nghĩ giống như Joe, Frank và Gimpy. Mọi chuyện vẫn cứ yên ổn chừng nào mà họ còn có thể cười nhạo và còn tỏ ra thông minh hơn tôi, nhưng giờ thì họ đang cảm thấy thua kém một thằng đần. Tôi bắt đầu nhận thấy rằng, nhờ vào sự tiến bộ đáng kinh ngạc của mình, tôi đã buộc họ phải chùn bước và để lộ khiếm khuyết. Tôi đã phản bội họ, và đấy là lý do họ ghét tôi.

Fanny Birden là người duy nhất không đồng ý với việc tôi buộc phải ra đi, và bất chấp áp lực cũng như đe dọa, một mình cô không chịu ký vào bản kiến nghị.

Cô nhấn mạnh: “Như vậy không có nghĩa là tôi không thấy ở anh có nhiều thay đổi lớn đâu, Charlie ạ. Cái cách mà anh thay đổi ấy! Tôi không biết được. Trước đây anh là người tốt, đáng tin cậy – nói chung là bình thường, có thể không được sáng láng cho lắm, nhưng trung thực – thế mà ai biết được anh làm gì để đột nhiên trở nên khôn ngoan như vậy. Như mọi người vẫn nói – vô lý lắm.”

“Nhưng liệu có gì là sai nếu như một người muốn trở nên thông minh hơn, nắm bắt nhiều kiến thức hơn, và hiểu biết về bản thân và thế giới?”

“Nếu anh đã từng đọc Kinh Thánh, Charlie ạ, chắc anh cũng biết rằng con người không nên biết nhiều hơn những gì mà Chúa Trời ban phát cho anh ta từ đầu. Trên cái cây đó là trái cấm đối với con người. Charlie, nếu anh làm điều gì đó không được phép – anh cũng biết đấy, chẳng hạn như với quỷ dữ hay cái gì tương tự như thế – có lẽ không bao giờ là quá muộn để quay lại đâu. Có lẽ anh nên trở lại làm con người đơn giản của anh trước kia thì hơn.”

“Chẳng việc gì phải quay lại cả, Fanny ạ. Tôi chẳng làm gì sai trái cả. Tôi giống như một người mù bẩm sinh nay có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng. Như vậy không phải là tội lỗi. Chẳng mấy chốc sẽ có hàng triệu người như tôi trên khắp thế giới. Khoa học có thể làm được điều đó, Fanny ạ.”

Cô nhìn xuống đôi cô dâu chú rể trên chiếc bánh mà cô đang trang trí, và tôi thấy môi cô gần như không động đậy chút nào khi cô thì thầm: “Khi Adam và Eva ăn trái cây hiểu biết, đấy là tội lỗi. Khi họ nhìn thấy mình khỏa thân và biết đến ham muốn, ngượng ngùng, đấy là tội lỗi. Vì thế họ đã bị đuổi khỏi Thiên Đàng và mọi cánh cổng đã đóng sầm lại với họ. Nếu không phải vì thế thì chúng ta đã chẳng biết đến già yếu, bệnh tật và cái chết.”

Chẳng còn gì để nói thêm nữa, dù là với cô ta hay với bọn họ. Chẳng người nào nhìn vào mắt tôi. Tôi vẫn cảm nhận được không khí thù địch. Trước đây họ cười nhạo tôi, khinh miệt tôi vì tôi ngốc nghếch, ngu dốt; bây giờ, họ ghét tôi vì tôi hiểu biết. Tại sao? Nhân danh Chúa họ muốn gì ở tôi?

Sự hiểu biết này đã gây ra một vết nứt ngăn cách tôi với những người mà tôi biết và yêu thương, tống cổ tôi ra khỏi tiệm bánh. Giờ đây tôi đang trở nên đơn độc hơn bao giờ hết. Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu người ta thả Algernon vào chiếc lồng lớn cùng với mấy con chuột khác. Liệu chúng có phản đối nó không?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.