Hoa trên mộ Algernon

Chương 15



BÁO CÁO TIẾN BỘ 14

15 tháng Sáu – Ngày hôm qua, cuộc chạy trốn của chúng tôi đã được đưa lên báo, và các tờ tin đã có một ngày đáng nhớ. Trên trang hai tờ Daily Press đăng một bức ảnh cũ của tôi và bức họa phác thảo một con chuột trắng. Dòng tiêu đề chạy:Thiên tài – Đần độn và Chuột Nổi quạu. Nemur và Strauss phát biểu trên báo rằng tôi bị căng thẳng trầm trọng và chắc chắn tôi sẽ sớm quay lại. Họ trao giải thưởng 500 đô la cho ai tìm thấy Algernon mà không biết rằng chúng tôi đi cùng nhau.

Khi giở đến phần câu chuyện sau đó trên trang năm, tôi sững sờ khi nhìn thấy bức ảnh mẹ và em gái tôi. Rõ ràng, tay phóng viên nào đó đã chạy rạc cẳng mới có được nó.

EM GÁI KHÔNG BIẾT CHỖ Ở CỦA THIÊN TÀI-ĐẦN ĐỘN

(Độc quyền đăng trên Daily Press)

Brooklyn, N.Y, 14 tháng Sáu – Cô Norma Gordon, hiện đang sống cùng mẹ Rose Gordon tại 4136 đường Marks, Brooklyn, N.Y., nói không biết gì về nơi ở của anh trai mình. Cô Gordon cho biết: “Hơn mười bảy năm nay chúng tôi không gặp và cũng chẳng nghe tin gì về anh ấy cả.”

Cô Gordon nói, cho đến tận tháng Ba năm ngoái cô vẫn còn nghĩ rằng anh trai mình đã chết nếu như ông trưởng khoa tâm lý học thuộc Đại học Beekman không đến gặp cô để xin phép sử dụng Charlie cho một cuộc thử nghiệm.

Cô Gordon kể: “Mẹ tôi bảo rằng anh ấy đã được gửi đến chỗ Warren (Trường Đào tạo Nội trú Bang Warren, Warren, Long Island), và sau đó mấy năm thì anh ấy mất. Tôi không hề biết rằng anh ấy vẫn còn sống.”

Cô Gordon đề nghị mọi người nếu có thông tin gì về chỗ ở của anh trai cô xin vui lòng liên hệ với gia đình theo địa chỉ nhà riêng.

Bố cô, Matthew Gordon, hiện không sống chung với vợ và con gái, đang có một cửa hàng cắt tóc ở khu Bronx.

Tôi nhìn chằm chằm vào bài báo một lúc lâu, sau đó tôi giở lại và nhìn vào bức ảnh một lần nữa. Mô tả họ thế nào đây?

Tôi không dám nói là tôi còn nhớ mặt Rose. Mặc dù bức ảnh gần đây khá rõ, tôi vẫn thấy nó qua màn sương mỏng của thời thơ ấu. Tôi biết bà, nhưng tôi cũng không biết bà. Nếu có đi ngang qua nhau trên phố, chắc hẳn tôi cũng chẳng nhận ra bà, nhưng giờ đây khi biết bà là mẹ của mình, tôi có thể thấy rõ lại cả các đường nét mờ nhạt – đúng thế!

Gầy, kéo thành các đường nét cường điệu. Mũi và cằm nhọn. Và gần như tôi có thể nghe thấy được tiếng bà nói luôn mồm và rít như chim. Tóc quấn thành búi một cách đơn giản. Đôi mắt đen như xuyên thấu người tôi. Tôi muốn bà bế tôi trong tay và bảo rằng tôi là một cậu bé ngoan, nhưng đồng thời tôi cũng muốn quay lưng để chạy trốn một cái tát. Hình ảnh bà khiến tôi run lên.

Và Norma – cũng mỏng mặt. Các đường nét không sắc, đẹp, nhưng rất giống mẹ. Mái tóc rũ xuống vai làm cô trở nên mềm mại. Hai người đang ngồi trên chiếc ghế bành ở phòng khách.

Gương mặt của Rose gợi lên trong tôi bao kỷ niệm đáng sợ. Đối với tôi, bà có hai con người, và tôi chẳng bao giờ biết được bà sẽ trở thành con người nào. Có lẽ bà sẽ thể hiện cho người khác bằng điệu bộ tay, bằng nhướng mắt, cau mày – em tôi biết đấy là dấu hiệu báo bão, và mỗi khi mẹ tôi nổi giận thì nó luôn ở ngoài khu vực ảnh hưởng, còn tôi thì luôn không ý thức được. Tôi đến bên bà để an ủi, thế là cơn giận của bà đổ hết lên đầu tôi.

Những lần khác, bà thật dịu dàng và ôm tôi thật chặt giống như khi tắm bằng nước ấm, tay bà vuốt ve tóc tôi, lời bà như những vần thơ khắc trên giáo đường tuổi thơ tôi:

Nó giống như tất cả những đứa trẻ khác.

Nó là cậu bé ngoan. 

Tôi nhìn thấy lại một bức ảnh mục nát, tôi và cha tôi đang dựa vào nôi. Ông nắm tay tôi và nói: “Đây, em gái con đây. Con không được chạm vào em vì em còn bé lắm, nhưng khi em lớn lên, con sẽ có người để chơi cùng.”

Tôi thấy mẹ tôi nằm trên chiếc giường lớn cạnh đó, nhợt nhạt và xanh xao, tay buông thõng trên tấm chăn in hình hoa phong lan, ngẩng đầu lên lo lắng: “Chú ý nó, Matt…”

Đấy là trước khi bà thay đổi thái độ với tôi, và giờ đây tôi nhận thấy nguyên nhân là do bà chưa biết Norma có giống như tôi hay không. Sau này, khi bà đã biết chắc rằng lời cầu nguyện của bà đã được đền đáp, Norma đã thể hiện các dấu hiệu của một trí tuệ bình thường, thì giọng mẹ tôi mới bắt đầu đổi khác. Không chỉ giọng nói mà cử chỉ, cái nhìn, biểu hiện của bà – tất cả đều thay đổi. Cứ như là hai cực từ trường của bà đã đảo chiều nên đầu trước kia hút thì nay lại đẩy. Tôi thấy rằng khi Norma là bông hoa rực rỡ trong vườn thì tôi trở thành ngọn cỏ, chỉ được phép tồn tại ở nơi không ai nhìn thấy, trong góc khuất nẻo và tối tăm.

Nhìn thấy gương mặt bà trên báo, bỗng nhiên tôi thấy ghét bà. Có lẽ sẽ tốt hơn nếu như bà bỏ qua lời bọn bác sĩ, giáo viên và nhiều người khác hấp ta hấp tấp thuyết phục bà rằng tôi là kẻ đần độn, làm bà quay lưng lại với tôi và bớt yêu thương tôi đi trong lúc tôi cần nhiều hơn thế.

Bây giờ gặp bà thì có lợi ích gì? Bà có nói cho tôi được nhiều hơn về bản thân tôi không? Ấy vậy mà, tôi thấy tò mò. Bà sẽ phản ứng thế nào?

Gặp bà và tìm hiểu xem trước đây tôi thế nào? Hay cho bà vào quên lãng? Có cần phải biết về quá khứ không? Tại sao việc tôi cần phải nói với bà câu này quan trọng đến thế: “Mẹ ơi, nhìn con này. Con không còn khờ khạo nữa. Con bình thường rồi. Còn hơn cả bình thường nữa cơ. Con là một thiên tài!”

Ngay cả khi tôi cố gắng gạt bà ra khỏi tâm trí thì những ký ức rỉ ra từ quá khứ vẫn thấm sâu vào hiện tại. Một ký ức khác – khi tôi lớn hơn rất nhiều.

Một cuộc cãi vã.

Charlie nằm trên giường, bìa sách chất đống quanh người. Căn phòng tối đen, ngoại trừ tia sáng vàng mong manh từ cánh cửa khép hờ xuyên sâu vào bóng tối, nối liền hai thế giới với nhau. Và cậu nghe thấy mọi chuyện, không hiểu nhưng cảm nhận được, bởi vì sự khó chịu trong giọng nói của họ có liên quan đến câu chuyện về cậu.

Càng ngày, cậu càng liên tưởng nhiều hơn giữa giọng nói đó với một cái cau mày mỗi khi họ nói về mình.

Cậu đang thiu thiu ngủ dưới tia sáng đó thì nghe thấy giọng nói mềm mỏng được đẩy lên đến cao độ của tranh cãi – giọng mẹ cậu sắc nhọn với sự đe dọa của một người sử dụng nó để đạt được mục đích trong cơn kích động. “Phải tống nó đi thôi. Tôi không muốn nó ở trong cái nhà này với con bé chút nào nữa. Hãy gọi cho bác sĩ Portman và bảo rằng chúng ta muốn gửi Charlie đến Trại Warren State.”

Giọng cha tôi vững vàng, kiên định: “Nhưng em biết là Charlie không làm hại gì đến nó cả. Ở tuổi này, chẳng có gì khác đối với con bé cả.”

“Ai mà biết được? Biết đâu điều đó lại gây ra ảnh hưởng xấu khi một đứa trẻ phải lớn lên với… một người như nó trong nhà.”

“Bác sĩ Portman nói…”

“Portman nói! Portman nói! Tôi không quan tâm ông ta nói gì! Hãy nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra với con bé khi có một thằng anh như thế. Bao năm qua tôi đã sai khi cố gắng tin rằng nó sẽ lớn lên như mọi đứa trẻ khác. Giờ thì tôi công nhận rồi. Tốt hơn là hãy đưa nó đi.”

“Giờ có con gái rồi thì em lại quyết định là không cần đến nó nữa…”

“Anh nghĩ việc này dễ dàng như vậy sao? Tại sao anh lại làm cho mọi việc trở nên khó khăn hơn với tôi? Bao nhiêu năm nay mọi người vẫn bảo tôi rằng phải tống cổ nó đi. Ừ, họ nói đúng. Tống cổ nó đi. Có thể ở trại với những người như nó, nó sẽ có được cái gì đó. Tôi cũng chẳng biết đúng sai thế nào nữa. Tôi chỉ biết rằng bây giờ tôi không thể hy sinh con gái mình cho nó được.”

Và mặc dù Charlie không hiểu cha mẹ đang trao đổi điều gì, cậu vẫn thấy sợ và thu mình dưới chăn, mắt mở to, cố gắng nhìn xuyên qua bóng tối đang bao phủ xung quanh.

Dưới cái nhìn của tôi bây giờ, không hẳn là cậu sợ hãi, chỉ là thu mình lại, giống như con chim hay con sóc lùi lại trước những bước chân quá mạnh của người cho ăn – không chủ ý, theo bản năng. Tia sáng chiếu qua khe cửa đó lại xuất hiện trong tôi rõ mồn một. Nhìn thấy Charlie nằm rúc dưới chân, tôi ước sao mình có thể an ủi cậu, giải thích với cậu rằng cậu chẳng làm điều gì sai trái cả, rằng cậu không thể nào thay đổi được thái độ của mẹ trở lại như trước khi em gái cậu ra đời nữa. Nằm trên giường, lúc đó Charlie không hiểu cha mẹ đang nói gì, nhưng bây giờ điều đó thật đau lòng. Nếu có thể vươn được vào ký ức quá khứ của mình, tôi sẽ nói cho bà hiểu bà đã làm tôi đau lòng đến thế nào.

Bây giờ không phải là lúc đi gặp bà. Phải chờ đến lúc tôi có thời gian để tự mình giải quyết.

May sao tôi đã cẩn thận đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm ngay khi vừa về đến New York. Tám trăm tám mươi sáu đô la chẳng tiêu được lâu, nhưng cũng đủ thời gian để tôi xử lý mọi việc.

Tôi nhận phòng ở khách sạn Camden nằm trên phố Bốn Mươi Mốt, cách Quảng trường Thời đại một khu nhà. New York! Tất cả mọi điều tôi đã đọc về nó! Gotham… cái nồi lẩu thập cẩm… thành-Baghdad-trên-sông-Hudson. Thành phố của ánh sáng và màu sắc. Thật không thể nào tin được là cả đời tôi sống và làm việc chỉ cách nơi đây có vài chặng tàu điện ngầm mà chỉ đến Quảng trường Thời đại duy nhất một lần – với Alice.

Thật khó mà cưỡng lại cảm giác muốn được gọi điện cho nàng. Mấy lần, tôi nhấc máy lên rồi lại đặt xuống. Tôi phải tránh xa nàng ra.

Có quá nhiều ý nghĩ linh tinh cần phải được dẹp bỏ. Tôi tự nhủ lòng rằng chừng nào mà tôi còn thu âm báo cáo tiến bộ thì sẽ chẳng mất mát gì cả; quá trình thu âm sẽ hoàn tất. Hãy cứ để họ ở trong bóng tối một lúc; tôi đã ở trong bóng tối hơn ba mươi năm nay rồi. Nhưng bây giờ tôi thấy mệt mỏi. Hôm qua ngồi trên máy bay đã không ngủ được, mắt tôi cứ dính chặt vào nhau. Ngày mai tôi lại tiếp tục ở chỗ này vậy.

16 tháng Sáu – Đã gọi cho Alice, nhưng lại bỏ máy trước khi nàng trả lời. Hôm nay tôi đã tìm thấy một căn hộ có sẵn đồ đạc. Chín mươi lăm đô la một tháng là khoản tiền nhiều hơn so với dự kiến nhưng căn hộ nằm ở phố Bốn Mươi Ba và đại lộ Mười nên tôi chỉ mất có mười phút đến thư viện nhằm duy trì hoạt động đọc sách và nghiên cứu của mình. Nằm ở tầng bốn, có bốn phòng, bên trong có cả một chiếc đàn piano đi thuê. Bà chủ nhà bảo mấy hôm nữa bên dịch vụ cho thuê nhà sẽ đến lấy đi, nhưng đến lúc đấy biết đâu tôi lại biết chơi đàn.

Algernon là một người bạn đồng hành dễ thương. Đến bữa ăn, nó có mặt tại vị trí của mình ở chiếc bàn cánh lật nhỏ. Nó thích bánh quy xoắn, và hôm nay nó uống một hớp bia trong lúc chúng tôi ngồi xem đấu bóng trên tivi. Tôi nghĩ nó cổ vũ cho đội Yankee.

Tôi sẽ phải chuyển hầu hết đồ đạc ra khỏi phòng ngủ thứ hai và để cho Algernon ở trong phòng đó. Tôi định sẽ làm cho nó một cái mê cung ba chiều bằng đám nhựa phế thải mua rẻ ở trung tâm thành phố. Tôi muốn nó học một số mẫu mê cung tổng hợp để biết chắc là nó vẫn bình thường. Nhưng tôi sẽ phải nghĩ xem có tìm được động lực nào khác ngoài thức ăn hay không. Chắc hẳn phải có những phần thưởng khác đủ sức hấp dẫn để nó tìm cách giải quyết vấn đề.

Ở một mình nên tôi có cơ hội được đọc và suy ngẫm, nhưng giờ đây ký ức lại một lần nữa tràn về – tái khám phá quá khứ của tôi, tìm hiểu xem thực ra tôi là ai và là cái gì. Nếu chẳng may có điều gì không hay xảy ra, ít nhất thì tôi cũng có được điều đó.

19 tháng Sáu – Gặp Fay Lillan, người hàng xóm ở đối diện. Khi trở về với một đống rau củ trên tay, tôi nhận ra rằng mình không có chìa khóa để vào nhà. Tôi nhớ là lối thoát hiểm ở phía trước nối liền cửa sổ phòng khách nhà tôi với căn hộ đối diện bên kia hành lang.

Tiếng radio rất ồn và khó chịu, vì vậy ban đầu tôi gõ cửa nhẹ nhàng, sau đó phải mạnh hơn.

“Vào đi! Cửa mở đấy!”

Tôi đẩy cửa và đứng chết sững, bởi vì đứng trước giá, đang vẽ, là một cô gái mảnh khảnh tóc vàng chỉ mặc mỗi bộ đồ lót màu hồng.

“Xin lỗi!” Tôi thở hổn hển, đóng cửa lại như cũ. Từ bên ngoài, tôi hét lớn: “Tôi là hàng xóm đối diện nhà cô. Tôi để quên chìa khóa trong nhà, và tôi muốn dùng lối thoát hiểm để vào qua đường cửa sổ nhà tôi.”

Cánh cửa mở ra và cô đứng đối diện với tôi, vẫn chỉ mặc mỗi đồ lót, một tay cầm cọ vẽ, một tay chống nạnh.

“Anh không nghe tôi nói mời vào sao?” Cô vẫy tôi vào nhà, đẩy một thùng carton đầy rác đi chỗ khác. “Đến chỗ đống đồ đằng kia.”

Tôi nghĩ chắc là cô quên mất – hoặc không nhận ra – rằng mình đã cởi đồ, và tôi không biết phải nhìn đi đâu nữa. Tôi quay mặt đi, nhìn vào các bức tường, trần nhà, nhìn khắp mọi nơi trừ cô.

Căn nhà thật bừa bộn. Có hàng chục chiếc bàn gập cỡ nhỏ, chiếc nào cũng chất đầy những ống sơn quăn queo, hầu hết đều đóng vảy khô như da rắn, nhưng có một vài ống vẫn còn dùng được và đang rỉ ra những dải màu. Ống màu, cọ vẽ, thùng, giẻ, và các mảnh khung, toan nằm rải rác khắp nơi. Nơi này nặng mùi tổng hợp giữa sơn, dầu lanh và nhựa thông – và sau một lúc người ta sẽ thấy phảng phất mùi bia thiu. Ba chiếc ghế dựa đầy ự đồ và một chiếc ghế dài bẩn thỉu màu xanh lá cây chất đầy quần áo đã mặc, còn trên sàn nhà là các kiểu giày dép, tất và đồ lót, cứ như thể cô đã quen với việc vừa đi vừa cởi đồ và vứt đồ đạc ra bất cứ nơi nào cô đi qua. Một lớp bụi dày bao phủ lên tất cả mọi thứ.

“Ồ, vậy ra anh là Gordon đấy,” cô nói, liếc nhìn tôi. “Ngay từ lúc anh mới chuyển đến tôi đã muốn được nhìn trộm anh một cái mà không được. Mời anh ngồi.” Cô ôm chồng quần áo ra khỏi một chiếc ghế dựa rồi chất lên chiếc sofa đã đầy ắp. “Vậy là cuối cùng thì anh cũng quyết định đi thăm hàng xóm láng giềng. Anh uống gì nhé?”

“Cô là họa sĩ,” tôi lẩm bẩm, chỉ vì không muốn im lặng mãi. Tôi thấy lo lắng khi nghĩ đến việc bất cứ lúc nào cô cũng có thể nhận ra mình đang trong tình trạng thiếu quần áo và hét lên rồi vùng chạy vào phòng ngủ. Tôi cố đưa mắt nhìn lung tung, nhìn khắp mọi nơi trừ cô.

“Bia hay rượu? Ở đây chẳng còn gì khác ngoài bia với rượu cả. Anh không thích bia rượu thì phải?”

“Tôi không ở lại được,” tôi nói, cố gắng kiềm chế bản thân và dán chặt ánh mắt vào nốt ruồi bên cằm trái của cô. “Tôi không có chìa khóa để vào nhà. Tôi muốn vào nhà bằng đường thoát hiểm. Nó ở ngay cửa sổ.”

“Bất cứ lúc nào cũng được,” cô khẳng định. “Mấy cái khóa hiện đại này chỉ tổ hại điện thôi. Tôi cũng đã ba lần không vào được nhà ngay trong tuần đầu tiên ở đây – và một lần phải đứng ngoài hành lang trong tình trạng trần như nhộng. Đi ra ngoài lấy sữa, thế là cánh cửa khốn nạn sập ngay sau lưng mình. Tôi tháo bố nó cái khóa ngu xuẩn ấy đi và từ đó đến giờ trên cửa nhà tôi không còn loại khóa đó nữa.”

Có lẽ tôi đã cau mày, bởi vì cô bật cười. “Đấy, anh biết loại khóa khốn nạn đó thế nào rồi đấy. Nó nhốt anh ở ngoài, trong khi lại chẳng bảo vệ được gì nhiều, phải không? Năm ngoái ở tòa nhà khỉ gió này có mười lăm vụ trộm thì tất cả đều xảy ra ở những căn hộ có khóa cửa. Chẳng có ma nào đột nhập vào đây, mặc dù cửa luôn mở. Mà có vào được thì chúng cũng chỉ tổ mất thời gian vô ích nếu có ý định tìm kiếm thứ gì giá trị ở đây.”

Lần này, khi cô nài tôi thêm một lần nữa uống cùng cô một cốc bia, tôi đồng ý. Trong lúc cô vào bếp lấy bia, tôi quan sát lại căn phòng. Lúc trước tôi không để ý rằng phần bức tường phía sau tôi đã bị dọn sạch – toàn bộ đồ đạc dẹp sang một bên phòng hoặc đưa ra giữa để bức tường phía xa (vữa bị cạo sạch chỉ còn trơ gạch) đóng vai trò một phòng tranh. Tranh treo dày trên trần, nhiều bức khác chồng đống lên nhau trên sàn nhà. Một vài bức là tranh chân dung tự họa, trong đó có hai bức khỏa thân. Bức tranh mà cô đang vẽ dở lúc tôi bước vào hiện đang nằm trên giá là bức tự họa khỏa thân nửa người, mái tóc buông xõa (chứ không phải như bây giờ tết thành bím rồi quấn quanh đầu như vương miện) xuống ngang vai, một phần tóc cuộn lại ở phía trước giữa hai bầu vú. Cô vẽ đôi vú mình nghiêng nghiêng và rắn chắc, hai đầu vú đỏ đến mức phi lý. Nghe tiếng cô mang bia trở lại, tôi nhanh chóng quay người khỏi chiếc giá vẽ, vấp phải mấy quyển sách và giả vờ như đang chăm chú xem một bức tranh phong cảnh mùa thu trên tường.

Tôi thở phào khi thấy cô đã khoác lên mình một chiếc áo choàng mỏng tả tơi ở nhà – mặc dù áo có lỗ ở tất cả những chỗ tế nhị – và lần đầu tiên tôi có thể nhìn trực diện vào cô. Không hẳn là xinh lắm, nhưng đôi mắt xanh và cái mũi hếch ngộ nghĩnh khiến cô trông như một con mèo, trái ngược với những chuyển động khỏe mạnh rất thể thao của cô. Cô khoảng ba mươi lăm tuổi, mảnh mai và cân đối. Cô đặt bia lên mặt sàn gỗ cứng ở trước chiếc ghế dài, nằm co tròn xuống bên cạnh và ra hiệu cho tôi làm theo.

“Tôi thấy sàn nhà thoải mái hơn là ghế,” cô nói, nhấp một ngụm bia từ trong lon. “Anh thấy thế không?”

Tôi trả lời rằng tôi không nghĩ đến chuyện đó, cô bật cười và bảo tôi có gương mặt thật thà. Cô đang có hứng nói chuyện về bản thân. Cô bảo cô tránh xa cái khu Greenwich Village ra, bởi vì ở đó cô chẳng vẽ vời gì được mà chỉ suốt ngày lê la ở các quầy bar và quán cà phê thôi. “Tốt nhất là ở đây, tránh xa bọn giả tạo và tài tử. Ở đây tôi có thể làm những gì mình muốn mà không bị ai đến dè bỉu. Anh không dè bỉu gì đấy chứ?”

Tôi nhún vai, cố gắng không để ý đến chỗ đất sạn bám khắp quần và tay mình. “Tôi nghĩ rằng chúng ta ai cũng phải chế giễu một cái gì đó. Cô đang chế giễu đám giả tạo và tài tử đó thôi, phải không?”

Một lúc sau, tôi nói rằng tôi nên trèo vào nhà mình thôi. Cô đẩy một chồng sách ra khỏi chỗ cửa sổ – tôi trèo qua đám báo cũ và túi giấy đựng đầy chai bia rỗng. Cô thở dài: “Mấy hôm nữa tôi sẽ phải bán chúng cho đồng nát thôi.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.