Hoa trên mộ Algernon

Chương 23



17 tháng Chín – Trở nên đãng trí. Để đồ đạc trên bàn hoặc trong ngăn kéo bàn làm việc phòng thí nghiệm, nhưng hễ không tìm được thì tôi lại mất bình tĩnh và nổi cáu với bất cứ ai. Những dấu hiệu đầu tiên chăng?

Algernon chết cách đây hai ngày. Tôi phát hiện ra nó vào bốn rưỡi sáng lúc quay lại phòng thí nghiệm sau khi lang thang dạo quanh khu bờ sông – nằm nghiêng, duỗi dài trong góc lồng. Cứ như thể nó đang chạy trong lúc ngủ.

Kết quả phẫu thuật cho thấy tiên đoán của tôi là chính xác. So với bộ não thường, não Algernon đã giảm trọng lượng, nếp não có hiện tượng phẳng đi còn rãnh não thì trở nên sâu hơn và rộng ra.

Thật đáng sợ khi nghĩ rằng lúc này điều tương tự cũng có thể đang xảy ra với tôi. Chứng kiến điều này xảy ra với Algernon khiến nó càng thêm hiện thực. Lần đầu tiên tôi thấy sợ tương lai.

Tôi đặt xác Algernon vào một chiếc hộp sắt nhỏ và đưa nó về nhà. Tôi sẽ không để cho người ta quẳng nó vào lò thiêu. Thật ngớ ngẩn và ủy mị, nhưng đêm khuya hôm qua tôi chôn nó ở sân sau. Lúc đặt một bó hoa dại trên mộ nó, tôi khóc.

21 tháng Chín – Ngày mai tôi sẽ đến phố Marks để thăm mẹ tôi. Giấc mơ đêm qua gợi lên một chuỗi ký ức, nhóm lên cả một mảng quá khứ và điều quan trọng là phải ghi lại thật nhanh ra giấy trước khi tôi quên béng đi mất bởi vì bây giờ có vẻ như tôi quên nhanh hơn. Nó liên quan đến mẹ tôi, và bây giờ – hơn bất cứ lúc nào khác – tôi muốn hiểu bà, muốn biết bà trông thế nào và tại sao bà lại hành động như thế. Tôi không được ghét bà.

Trước khi chúng tôi gặp nhau, tôi phải nghĩ ra những lời cần nói để không trở nên lỗ mãng hay ngu ngốc.

27 tháng Chín – Lẽ ra tôi nên viết ra điều này ngay, bởi vì nó rất quan trọng đối với việc hoàn thành ghi chép này.

Cách đây ba ngày tôi đến thăm Rose. Cuối cùng thì tôi cũng tự ép mình mượn xe của Burt. Tôi thấy sợ, nhưng tôi biết mình phải đi.

Ban đầu, khi đến phố Marks, tôi nghĩ rằng mình đi sai đường. Nó không giống con đường mà tôi nhớ chút nào. Đường rất bẩn. Dọc đường có nhiều khoảng trống vì nhà cửa đã sập hết. Trên vỉa hè, một cái tủ lạnh hỏng vứt chỏng chơ bị bong hết mặt, còn bên lề đường là một tấm đệm cũ dây lò xo thò cả ra ngoài. Một vài ngôi nhà cửa sổ bịt kín, những ngôi khác trông giống cái chòi vá víu hơn là nhà. Tôi đỗ xe cách nhà mình một tòa nhà và đi bộ đến.

Trên đường phố Marks không có trẻ con chơi đùa, không giống chút nào với bức tranh mà tôi hình dung trong đầu về trẻ con khắp nơi, còn Charlie thì nhìn chúng qua cửa sổ phía trước (lạ một điều là hầu hết ký ức của tôi về đường phố đều đóng khung trong chiếc cửa sổ, còn tôi thì luôn ngồi trong nhìn ra xem bọn trẻ con chơi đùa). Bây giờ ở đó chỉ có người già đứng trong bóng râm của những cổng vòm mệt mỏi.

Khi đến sát ngôi nhà, tôi choáng lần thứ hai. Mẹ tôi còng gập về phía trước, mặc một chiếc áo len cũ màu nâu, đang lau mặt ngoài cửa sổ tầng trệt mặc dù trời rất lạnh và gió. Lúc nào cũng làm việc để chứng tỏ cho hàng xóm biết mình là một người vợ, người mẹ đảm đang.

Đối với bà, điều quan trọng nhất vẫn là người khác nghĩ gì – thể hiện thế nào trước mặt bà hoặc trước mặt gia đình bà. Và điều đó là chính đáng. Bao nhiêu lần Matt khẳng định rằng những gì người khác nghĩ về ta không phải điều duy nhất trong cuộc sống. Nhưng vô ích. Norma phải mặc đẹp; nhà cửa phải có đồ đạc tốt; Charlie phải bị nhốt trong nhà để người khác không biết có chuyện không hay.

Tôi dừng lại ở cổng để xem trong lúc bà đứng thẳng dậy để thở. Tôi run lẩy bẩy khi nhìn thấy mặt bà, nhưng đấy không phải là gương mặt mà tôi đã cố hết sức để nhớ lại. Tóc bà đã bạc điểm xuyết những sợi màu ghi, còn thịt trên đôi má gầy của bà đã nhăn nheo. Mồ hôi làm trán bà lấp lánh. Bà bắt gặp ánh mắt của tôi và nhìn lại.

Tôi muốn nhìn đi chỗ khác, muốn quay trở lại đường phố, nhưng không thể – nhất là sau khi đã đi xa như vậy. Tôi sẽ chỉ hỏi đường, giả vờ như mình đi lạc vào một vùng đất lạ. Nhìn thấy bà là quá đủ rồi. Nhưng tôi vẫn chỉ đứng đó, chờ bà làm một điều gì trước. Còn bà cũng chỉ đứng đó nhìn tôi.

“Anh có cần gì không?” Nghe khàn khàn, giọng bà là tiếng vọng không lẫn vào đâu được từ trong ký ức của tôi.

Tôi mở miệng, nhưng không phát ra được lời nào. Tôi biết miệng tôi có cử động, và tôi cố gắng nói với bà, cố bật ra một thứ gì đó, bởi vì lúc đó tôi thấy ánh ngờ ngợ trong mắt bà. Tôi không muốn làm bà nhìn tôi theo kiểu này chút nào. Không phải là đứng trước mặt bà, nín thinh, không thể diễn đạt được ý mình. Nhưng lưỡi tôi vẫn cứng đờ ra đấy, giống như một vật cản khổng lồ, và miệng tôi khô khốc.

Cuối cùng thì cũng bật ra được. Nhưng không phải là điều tôi định nói (tôi định nói một điều gì đó dễ chịu và khích lệ, nhằm kiểm soát tình huống và xóa tan đi những quá khứ cùng đau khổ chỉ bằng một vài lời), nhưng cổ họng khản đặc của tôi chỉ bật lên được một tiếng duy nhất: “Mẹẹẹẹ…”

Với tất cả những gì tôi đã học được – bằng tất cả những ngôn ngữ mà tôi thành thạo – tôi chỉ nói nổi với bà, đang đứng trong cổng vòm nhìn tôi, một từ ”Mẹẹẹẹ”. Giống như con cừu khô miệng bên vú mẹ.

Bà dùng mu bàn tay lau trán và nhíu mày nhìn tôi, cứ như bà không thấy rõ tôi. Tôi tiến lên phía trước, qua cổng vào lối đi, và bước tới bậc thềm. Bà lùi lại.

Ban đầu tôi không chắc bà có thực sự nhận ra tôi hay không, nhưng rồi bà hổn hển: ”Charlie!…” Bà không hét lên hay thì thầm. Bà chỉ hổn hển như người ta lúc nói mơ.

“Mẹ…” Tôi bước lên bậc thềm. “Con đây…”

Bước chân tôi làm bà giật mình, và bà bước giật lùi, vấp phải cái xô đựng nước xà phòng, và nước xà phòng bẩn đổ lênh láng khắp bậc thềm. “Con làm gì ở đây?”

“Con chỉ muốn gặp mẹ… nói chuyện với mẹ…”

Vì lưỡi vẫn không tuân theo ý tôi nên giọng tôi phát ra từ cổ họng nghe rất khác, rên rỉ và quánh đặc, như cách đây rất lâu tôi từng nói. “Đừng bỏ đi,” tôi nài nỉ. “Đừng bỏ chạy mà.”

Nhưng bà đã vào tiền sảnh và khóa cửa lại. Một lúc sau, tôi nhìn thấy bà đang hé nhìn sau lưng tôi từ tấm rèm trắng mỏng của khung cửa chính, mắt bà hoảng sợ. Từ sau cửa sổ, đôi môi bà mấp máy thành tiếng. “Đi đi! Để cho ta yên!”

Tại sao? Bà là ai mà lại chối bỏ tôi như vậy? Bà có quyền gì mà quay lưng lại với tôi?

“Để cho con vào! Con muốn nói chuyện với mẹ! Cho con vào!” Tôi đập vào tấm kính cửa mạnh đến nỗi nó nứt ra, và vết nứt tạo thành hình mạng nhện kẹp chặt vào da tôi một lúc. Chắc hẳn bà nghĩ tôi mất trí và đến để hãm hại bà. Bà buông cánh cửa ngoài ra và chạy về phía hành lang dẫn vào nhà.

Tôi đẩy một lần nữa. Cái móc cửa bung ra, do không đề phòng cánh cửa đột ngột mở ra, tôi mất thăng bằng và ngã vào tiền sảnh. Tay tôi chảy máu vì bị kính cửa vỡ cứa vào, và không biết phải làm gì nữa, tôi đút tay vào túi để máu khỏi vấy vào tấm vải lót sàn mà bà vừa cọ sạch.

Tôi bước vào, đi qua chiếc cầu thang mà tôi vẫn thường thấy trong ác mộng. Tôi vẫn thường bị lũ ma quỷ đuổi chạy lên chiếc cầu thang dài, hẹp đó; chúng nắm lấy chân tôi và kéo tôi vào cái hầm ở dưới, trong lúc tôi khóc không thành tiếng, nghẹn ngào trong miệng và nức nở trong thầm lặng. Giống như cậu bé câm ở Warren.

Những người sống ở tầng hai – ông bà chủ nhà, vợ chồng Mayer – vẫn rất tốt đối với tôi. Họ cho tôi kẹo, để cho tôi ngồi trong bếp nhà họ và chơi với con chó của họ. Tôi muốn gặp họ, nhưng không cần bảo thì tôi cũng biết họ đã chuyển đi và đã chết, còn trên gác bây giờ là những người lạ sinh sống. Lối đi đó giờ đây vĩnh viễn đóng lại với tôi.

Ở cuối hành lang, cánh cửa mà Rose chạy vào đã khóa nên tôi đứng – chần chừ một lúc.

“Mở cửa ra.”

Đáp lời tôi là tiếng sủa chói tai của một con chó nhỏ. Nó làm tôi ngạc nhiên.

“Được rồi,” tôi nói. “Con không định làm mẹ đau hay thế nào cả, nhưng con đã đi một chặng đường rất xa, và con sẽ không về khi chưa nói chuyện với mẹ. Nếu mẹ không mở, con sẽ phá cửa đấy.”

Tôi nghe bà nói. “Suỵt, Nappie… Đây, vào phòng ngủ đi.” Một lát sau, tôi nghe tiếng lách cách nơi ổ khóa. Cánh cửa mở ra và bà đứng đó nhìn tôi.

“Mẹ,” tôi thì thầm. “Con sẽ không làm gì cả đâu. Con chỉ muốn nói chuyện với mẹ thôi. Mẹ phải hiểu, con không còn giống như trước đây nữa. Con đã thay đổi. Bây giờ con bình thường rồi. Mẹ không hiểu à? Con không còn đần độn nữa. Con không còn là thằng ngố nữa. Con cũng giống như bao nhiêu người khác. Con bình thường – giống như mẹ, như Matt, như Norma.”

Tôi cố gắng nói tiếp, lảm nhảm để bà khỏi đóng cửa lại. Tôi cố gắng nói cho bà nghe toàn bộ câu chuyện một lần luôn. “Họ biến đổi con, họ phẫu thuật cho con và làm con đổi khác, như mẹ vẫn luôn mong muốn. Mẹ có đọc tin này trên báo không? Một cuộc thí nghiệm khoa học làm thay đổi năng lực trí tuệ, và con là người đầu tiên họ thử. Mẹ không hiểu được à? Tại sao mẹ nhìn con như vậy? Con bây giờ thông minh rồi, thông minh hơn Norma, hơn chú Herman, hơn Matt. Thậm chí con còn biết những việc mà giáo sư đại học không biết. Mẹ nói với con đi! Bây giờ mẹ có thể tự hào về con và kể cho toàn bộ hàng xóm láng giềng nghe. Mẹ không còn phải giấu con vào hầm mỗi khi nhà có khách nữa. Hãy nói với con đi. Kể cho con nghe mọi chuyện, về lúc con còn bé, con chỉ muốn thế thôi. Con sẽ không làm gì tổn thương đến mẹ. Con không ghét mẹ. Nhưng con phải biết về bản thân mình, phải hiểu bản thân mình trước khi quá muộn. Mẹ không thấy à, con không thể trở thành người hoàn thiện được nếu như con không hiểu nổi chính mình, và mẹ là người duy nhất trên thế giới có thể giúp con lúc này. Hãy cho con vào ngồi một lát đi.”

Cách tôi nói chứ không phải những điều tôi nói làm bà như bị thôi miên. Bà vẫn đứng đó trên khung cửa và nhìn tôi. Không chút suy nghĩ, tôi rút bàn tay đẫm máu ra khỏi túi áo và nắm lại cầu xin. Khi nhìn thấy nó, nét mặt bà mềm lại.

“Con tự làm đau mình rồi…” Bà không cần phải thương hại tôi. Đấy là thứ tình cảm mà có thể bà cảm thấy khi một con chó bị sứt móng, hay một con mèo bị cào lúc đánh nhau. Không phải vì tôi là Charlie của bà, mà vì điều ngược lại.

“Đi vào rửa đi. Mẹ có bông băng và iốt đấy.”

Tôi đi theo bà đến chỗ chiếc bồn rửa nứt nẻ có cái giá úp bát đĩa hình lượn sóng, nơi đây bà thường rửa mặt, rửa tay cho tôi mỗi khi tôi từ sân chơi đi vào hoặc lúc tôi chuẩn bị ăn cơm hay đi ngủ. Bà quan sát tôi xắn tay áo. “Con không nên làm vỡ cửa sổ như vậy. Ông chủ nhà sẽ bực mình, còn mẹ thì không có đủ tiền đền đâu.” Rồi, như thể sốt ruột khi thấy những gì tôi làm, bà cầm miếng xà phòng và rửa tay cho tôi. Lúc đó, bà tập trung đến mức tôi tôi phải im lặng, sợ làm gián đoạn cảnh huống này. Thỉnh thoảng bà lại tặc lưỡi hoặc thở dài. “Charlie, Charlie, lúc nào cũng tự chuốc rắc rối vào mình. Bao giờ thì con mới học được cách tự chăm sóc bản thân chứ?” Bà như quay trở lại cách đây hai mươi lăm năm, khi tôi còn là cậu nhóc Charlie và bà thì đang sẵn sang đấu tranh để tôi có được một chỗ đứng trong cuộc sống.

Khi đã rửa sạch máu và dùng khăn giấy lau khô tay cho tôi, bà ngước lên nhìn mặt tôi và ánh mắt bà quay tròn hoảng sợ. “Ôi, lạy Chúa!” bà thở hổn hển và lùi lại.

Tôi lại tiếp tục nói, nhẹ nhàng, thuyết phục để bà yên tâm rằng không có vấn đề gì và tôi không có ý gì xấu. Nhưng trong lúc đang nói, tôi nhận thấy đầu óc bà đang để tận đẩu đâu. Bà nhìn quanh một cách mơ hồ, tay đặt lên miệng và khi nhìn tôi bà lại rên rỉ. “Nhà cửa bề bộn quá đi mất. Mình đâu có nghĩ là có khách chứ. Nhìn ra cửa sổ kìa, và đồ gỗ ở kia kìa.”

“Không sao đâu mẹ. Đừng để ý đến chuyện đó.”

“Ta phải cọ sàn một lần nữa đây. Phải sạch sẽ chứ.” Bà phát hiện ra mấy dấu tay trên cửa nên cầm giẻ lên lau sạch. Khi nhìn lên và thấy tôi đang nhìn bà, bà nhíu mày. “Anh đến vì cái hóa đơn tiền điện à?”

Tôi chưa kịp nói không, bà đã vẫy vẫy ngón tay, mắng. “Ta định gửi séc và ngày mùng một đầu tháng, nhưng chồng ta đi ra khỏi thành phố có công chuyện. Ta bảo họ là đừng có lo lắng gì chuyện tiền nong, bởi vì con gái ta tuần này sẽ nhận lương, và chúng ta sẽ có tiền thanh toán các loại hóa đơn. Vì vậy đừng có mà quấy rầy ta về chuyện tiền nong nữa.”

“Cô ấy là đứa con duy nhất à? Mẹ có đứa con nào khác nữa không?”

Bà giật mình, rồi ánh mắt lại nhìn ra xa xăm. “Ta có một đứa con trai. Thông minh đến nỗi tất cả mọi bà mẹ đều phải ghen tị với nó. Vì thế nên chúng đặt lên nó một con mắt quỷ. Chúng gọi đấy là I.Q. nhưng là I.Q. của quỷ. Nếu không phải vì thế thì chắc hẳn nó đã trở thành người tuyệt vời. Nó thực sự là thông minh – ngoại lệ, họ bảo thế. Nó đã có thể trở thành thiên tài …”

Bà nhặt lên một cái bàn chải. “Giờ thì xin lỗi nhé. Ta phải sửa soạn mọi thứ sẵn sàng đây. Con gái ta mời một chàng trai trẻ đến nhà ăn tối, và ta phải dọn sạch chỗ này.” Bà quỳ xuống và bắt đầu cọ sàn nhà vốn đã sạch bóng. Bà không hề ngẩng đầu lên nhìn.

Bây giờ bà tự lẩm bẩm với chính mình, còn tôi thì ngồi xuống chiếc bàn ăn. Tôi sẽ chờ đến lúc bà thoát ra khỏi tình trạng đó, đến khi bà nhận ra tôi và hiểu tôi là ai. Tôi không thể đi ra chừng nào bà chưa biết tôi là Charlie của bà. Phải có ai đó hiểu chứ.

Bà bắt đầu ngân nga một cách buồn bã với chính mình, nhưng bà dừng lại, tấm giẻ lơ lửng giữa chiếc xô và sàn nhà, như thể đột nhiên bà nhận ra sự hiện diện của tôi sau lưng bà.

Bà quay lại, khuôn mặt mệt mỏi và đôi mắt lấp lánh, rồi bà tự cốc vào đầu. “Sao lại thế được? Ta không hiểu. Người ta bảo là con không bao giờ thay đổi được cơ mà.”

“Họ phẫu thuật cho con, và điều đó làm con thay đổi. Bây giờ con nổi tiếng rồi. Họ nói về con khắp mọi nơi trên thế giới. Bây giờ con thông minh rồi mẹ ạ. Con biết đọc biết viết, và con biết…”

“Ơn Chúa.” Bà thì thầm. “Lời cầu nguyện của ta – bao nhiêu năm qua ta đã nghĩ Người không nghe thấy, nhưng Người luôn lắng nghe, chỉ chờ đến lúc thích hợp là thực hiện ý nguyện của Người.”

Bà dùng tấm tạp dề lau mặt, và khi tôi dang tay ôm lấy bà, bà khóc ngon lành trên vai tôi. Mọi đau khổ trôi sạch, và tôi thấy mừng vì mình đã đến đây.

“Mẹ phải kể với mọi người mới được,” bà nói, miệng mỉm cười, “cho tất cả các thầy cô giáo ở trường. Ồ, chờ đến khi con gặp mặt họ mẹ sẽ nói cho họ biết. Cả hàng xóm nữa. Cả chú Herman nữa – mẹ phải kể cho chú Herman nghe. Chú ấy sẽ vui lắm đây. Và chờ đến lúc cha con về nhà, và em gái con nữa! Ồ, gặp con nó sẽ vui lắm. Con không biết đâu.”

Bà ôm tôi, nói một cách hào hứng, vạch kế hoạch cho cuộc đời mới mà chúng tôi sắp sửa sống bên nhau. Tôi không đành lòng nhắc bà rằng hầu hết những giáo viên thời tôi còn thơ ấu đã đi khỏi ngôi trường này rồi, hàng xóm chuyển đi từ lâu, chú Herman chết cách đây nhiều năm, còn bố tôi cũng đã bỏ bà. Cơn ác mộng bao nhiêu năm qua đã đủ đau đớn rồi. Tôi muốn nhìn thấy bà mỉm cười và biết rằng tôi là người khiến bà được hạnh phúc. Lần đầu tiên trong đời, tôi mang nụ cười đến cho đôi môi bà.

Rồi sau một lúc, bà ngừng lại suy nghĩ như nhớ ra điều gì. Tôi có cảm giác như đầu óc bà lại sắp sửa lãng đãng. “Không!” Tôi hét lên, lôi bà trở lại với thực tại. “Chờ đã mẹ! Còn một việc nữa. Con muốn mẹ nhận thứ này trước khi còn đi.”

“Đi? Bây giờ con không thể đi đâu nữa.”

“Con phải đi, mẹ ạ. Con có việc phải làm. Nhưng con sẽ viết thư cho mẹ, và con sẽ gửi tiền về cho mẹ.”

“Nhưng bao giờ con quay lại?”

“Con không biết – chưa biết. Nhưng trước khi con đi, con muốn mẹ cầm cái này.”

“Tạp chí à?”

“Không hẳn thế. Nó là bản báo cáo khoa học con viết. Rất chuyên môn. Xem này, nó được gọi là Hiệu ứng Algernon – Gordon. Con phát hiện ra điều này, vì thế một phần được đặt theo tên con. Con muốn mẹ giữ một bản báo cáo này để mẹ có thể khoe với mọi người rằng con trai mẹ cuối cùng đã hết đần độn rồi.”

Bà cầm lấy và nhìn với vẻ kinh ngạc. “Đây… đây là tên con. Mẹ biết điều này sẽ đến mà. Mẹ luôn bảo rằng một ngày nào đó điều này sẽ đến. Mẹ đã cố hết sức. Mẹ bảo tất cả bọn họ là con sẽ đi học đại học và thành người chuyên nghiệp và tạo được danh tiếng trên thế giới. Họ cười, nhưng mẹ đã bảo họ thế.”

Bà cười với tôi qua dòng nước mắt, rồi một lát sau bà lại không nhìn tôi nữa. Bà nhặt tấm giẻ lên và bắt đầu lau phần khung gỗ quanh cánh cửa nhà bếp, miệng ngân nga – một cách vui vẻ hơn, tôi nghĩ thế – cứ như đang mơ.

Con chó lại sủa. Cửa chính mở ra rồi đóng lại và một giọng nói vang lên. “Được rồi, Nappie. Được rồi, tao đây.” Con chó nhảy lên mừng rỡ trước cánh cửa phòng ngủ.

Tôi bực mình khi thấy mình bị kẹt ở đây. Tôi không muốn gặp Norma. Chúng tôi chẳng có gì để nói với nhau, và tôi không muốn làm hỏng cuộc viếng thăm của mình. Không có cửa sau. Cách duy nhất là trèo qua cửa sổ ra sân sau và trèo qua hàng rào. Nhưng nhỡ đâu có ai tưởng tôi là trộm thì sao?

Khi nghe thấy tiếng chìa khóa va vào cửa, tôi thì thầm với mẹ – không hiểu sao tôi lại làm thế – “Norma về rồi.” Tôi chạm vào cánh tay bà, nhưng bà không nghe thấy tôi nói. Bà còn bận ngân nga về chính mình trong lúc lau khung gỗ.

Cửa mở. Norma nhìn thấy tôi và cau mày. Lúc đầu nó không nhận ra tôi – trời thì tối, đèn thì chưa bật lên. Đặt túi hàng đang cầm trên tay xuống, nó bật đèn lên. “Anh là ai?…” Nhưng tôi chưa kịp trả lời thì nó đã đưa tay lên bịt miệng và ngồi thụp xuống cửa.

“Charlie!” Nó nói giống hệt mẹ tôi, hổn hển. Và trông nó giống hệt như mẹ tôi trước đây – gầy, các nét sắc, giống như một con chim, xinh.

“Charlie! Lạy Chúa tôi, thật bất ngờ quá! Lẽ ra anh nên gọi điện. Em không biết phải nói thế nào…” Nó nhìn mẹ tôi đang ngồi trên sàn nhà gần cái bồn rửa. “Mẹ không sao chứ? Anh không làm mẹ sốc hay thế nào…”

“Mẹ chỉ lơ đễnh một lát thôi. Mẹ với anh có nói chuyện được một chút.”

“Em vui quá. Gần đây mẹ không nhớ được nhiều. Tuổi già mà – chứng lão suy. Bác sĩ Portman muốn em đưa mẹ vào nhà an dưỡng, nhưng em không làm thế được. Em không chịu được khi nghĩ đến việc đưa mẹ vào nơi như thế.” Nó mở cánh cửa phòng ngủ và thả con chó ra, và khi con chó nhảy nhót, rên rỉ một cách vui sướng, nó nhấc con chó lên rồi ôm lấy. “Em không thể làm thế với mẹ đẻ của mình được.” Rồi nó mỉm cười với tôi một cách ngập ngừng. “Bất ngờ thật đấy. Chưa bao giờ em nghĩ đến. Để em nhìn anh nào. Biết đâu em đã thấy anh đâu đó ngoài đường phố mà không nhận ra. Khác quá.” Nó thở dài. “Gặp anh em vui lắm, Charlie ạ.”

“Thật sao? Anh cứ nghĩ em không muốn gặp lại anh.”

“Ôi, Charlie!” Nó nắm lấy tay tôi. “Đừng nói thế. Em rất vui khi gặp anh. Em vẫn luôn mong chờ anh. Em không biết bao giờ, nhưng em biết một ngày nào đó anh sẽ trở về. Từ lúc em đọc báo về vụ anh trốn khỏi Chicago.” Nó lùi lại để nhìn tôi. “Anh không biết em nghĩ thế nào về anh và tự hỏi anh đang ở đâu, đang làm gì đâu. Cho đến khi ông giáo sư đó đến đây hồi lúc nào nhỉ? Tháng Ba năm ngoái à? Chỉ cách đây bảy tháng à? – Em vẫn không biết là anh còn sống. Mẹ bảo em là anh đã chết ở Warren. Suốt bao nhiêu năm qua em vẫn tin như vậy. Khi người ta bảo với em anh còn sống và họ cần anh để làm thí nghiệm, em không biết phải làm như thế nào nữa. Giáo sư… Nemur? – phải tên ông ấy thế không nhỉ? – không cho em gặp anh. Ông ấy sợ làm anh buồn trước khi phẫu thuật. Nhưng khi em đọc báo thấy đã thành công và anh trở thành thiên tài – ôi, lạy Chúa! – anh không biết em cảm thấy thế nào khi đọc cái tin đó đâu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.