Hoa trên mộ Algernon

Chương 13



11 tháng Sáu – Rắc rối bắt đầu nảy sinh ngay khi chúng tôi đặt chân đến khách sạn Chalmers ở Chicago và biết rằng phải đến tối mai thì mới có phòng trống, còn trong lúc chờ đợi chúng tôi sẽ phải nghỉ tại khách sạn Independence cạnh đó. Nemur bực lắm. Ông ta coi đây là một sự sỉ nhục cá nhân và gây lộn với bất cứ ai thuộc bộ phận quản lí khách sạn, từ người trực tầng đến giám đốc. Chúng tôi chờ ở hành lang trong khi từng nhân viên khách sạn chạy bổ đi tìm cấp trên để xem có cách giải quyết gì không.

Trong lúc hỗn loạn như thế – hành lí ngổn ngang chồng đống khắp hành lang, nhân viên trực tầng chạy ngược chạy xuôi với những chiếc xe đẩy chở hành lí, các thành viên cả năm không gặp nhau nay tay bắt mặt mừng chào hỏi tíu tít – chúng tôi đứng đó càng lúc càng cảm thấy ngượng vì Nemur cứ cố túm lấy cổ bất cứ quan chức nào có liên quan đến Hội Tâm lí học Quốc tế.

Cuối cùng, khi nhận thấy không thể nào thay đổi được tình hình, ông ta đành chấp nhận thực tế là chúng tôi sẽ phải ngủ đêm đầu tiên ở Chicago tại khách sạn Independence.

Hóa ra là hầu hết các nhà tâm lý học trẻ tuổi đều ở tại khách sạn Independence, và đây cũng là nơi diễn ra những bữa đại dạ tiệc khai mạc. Mọi người ở đây đã nghe về cuộc thử nghiệm, và hầu hết đều biết tôi là ai. Chúng tôi đi đến đâu cũng có người bước đến hỏi ý kiến tôi về đủ chuyện, từ ảnh hưởng của mức thuế mới đến những khám phá khảo cổ gần đây nhất ở Phần Lan. Vấn đề hóc búa, nhưng kho kiến thức tổng hợp của tôi cho phép tôi nói mọi chuyện một cách dễ dàng. Nhưng sau một lúc, tôi nhận thấy Nemur khó chịu vì tôi được chú ý quá mức.

Khi một bác sĩ trẻ hấp dẫn từ Đại học Falmouth nhờ tôi giải thích các nguyên nhân gây ra chứng thiểu năng của tôi, tôi bảo với cô rằng giáo sư Nemur sẽ là người trả lời vấn đề này.

Đây đúng là cơ hội ông ta đang chờ đợi để thể hiện quyền lực của mình, lần đầu tiên kể từ khi chúng tôi biết nhau đến giờ, ông ta đặt tay lên vai tôi. “Chúng tôi biết đích xác điều gì gây ra chứng phenylketonuria mà Charlie mắc phải từ lúc còn bé – một trạng thái sinh hóa hoặc gene bất thường nào đó, có thể là phóng xạ ion hóa hoặc phóng xạ tự nhiên, hay thậm chí là virus tấn công trong bào thai – dù gì đi nữa thì nó cũng gây ra một gene lỗi. Gene này sản sinh ra cái mà chúng ta gọi là “enzyme vô tổ chức”, tạo nên những phản ứng sinh hóa lỗi. Và tất nhiên, các loại acid amin mới sản sinh ra sẽ cạnh tranh với các ezyme bình thường làm não bị tổn thương.”

Cô gái cau mày, cô không mong được nghe cả một bài diễn thuyết, nhưng Nemur đã giành thế chủ động và tiếp tục thao thao bất tuyệt: “Tôi gọi nó là hiện tượng ức chế cạnh tranh của các enzyme. Để tôi ví dụ cho cô rõ về cơ chế hoạt động của nó. Hãy hình dung ezyme lỗi do gene tạo ra là một chiếc chìa khóa sai đút vừa ổ khóa hóa học của hệ thần kinh trung ương nhưng không vặn được. Nhưng vì nó nằm đó nên chiếc chìa khóa đúng – ezyme bình thường – không thể nào lọt vào ổ khóa được. Nó bị mắc kẹt. Kết quả là gì? Các protein trong tế bào não bị phá hủy vĩnh viễn không khôi phục lại được.”

“Nhưng nếu không khôi phục lại được,” một nhà tâm lý học khác trong đám khán giả cắt ngang, “vậy thì làm thế nào mà… ngài Gordon lại ở đây, không còn chút thiểu năng nào nữa?”

“À!” Nemur reo lên. “Tôi nói rằng việc tế bào bị phá hủy là không thể phục hồi lại được, chứ không phải bản thân quá trình này. Nhiều nhà nghiên cứu có thể đảo ngược quá trình này bằng cách tiêm những hóa chất kết hợp với enzyme lỗi, thay đổi hình dáng phân tử của chiếc chìa khóa bị kẹt trong ổ khóa. Đây cũng là cốt lõi của kỹ thuật mà chúng tôi áp dụng. Nhưng trước hết, chúng tôi loại bỏ các phần não bị tổn thương và cho phép tế bào não cấy ghép tái sinh bằng phương pháp hóa học sản sinh ra các protein não với một tốc độ phi thường.”

“Gượm đã, giáo sư Nemur,” tôi nói, cắt ngang lời khi ông ta đang cao hứng diễn thuyết. “Vậy công trình của Rahajamati trong lĩnh vực đó thì sao?”

Ông ta nhìn tôi đờ đẫn. “Ai cơ?”

“Rahajamati. Ông ấy có một bài báo chống lại lý thuyết của Tanida về liên kết enzyme – khái niệm thay đổi cấu trúc hóa học của enzyme phong tỏa bước tiến trên con đường trao đổi chất.”

Ông ta cau mày. “Bài báo đó được dịch ra ở đâu?”

“Nó chưa được dịch ra. Tôi mới đọc nó trên tạp chí Bệnh học tâm lý Hindu mấy hôm trước.”

Ông ta nhìn khán giả và cố gắng lái đề tài sang hướng khác. “Ồ, tôi nghĩ rằng chúng ta chẳng có gì đáng lo ngại cả. Kết quả của chúng tôi sẽ tự lên tiếng.”

“Nhưng bản thân Tanida ban đầu đề xướng thuyết phong tỏa enzyme vô tổ chức bằng phương pháp kết hợp, còn giờ đây ông ta chỉ ra rằng…”

“Ấy, thôi nào, Charlie. Người đầu tiên đề xướng một học thuyết vị tất đã là người có tiếng nói cuối cùng trong quá trình phát triển thực nghiệm học thuyết đó. Tôi nghĩ mọi người ở đây đều đồng ý rằng nghiên cứu tiến hành ở Mỹ và Anh sẽ vượt xa nghiên cứu ở Ấn Độ và Nhật Bản. Chúng ta vẫn đang sở hữu những phòng thí nghiệm tốt nhất và thiết bị tối tân nhất thế giới.”

“Nhưng điều đó không giải đáp được quan điểm của Rahajamati rằng…?”

“Đây không phải lúc để đi sâu vào chuyện đó. Tôi chắc chắn rằng tất cả những quan điểm này sẽ được mổ xẻ thấu đáo trong phiên họp ngày mai.” Ông ta quay sang nói chuyện với người khác về một người bạn cũ, hoàn toàn gạt tôi ra ngoài lề, và tôi đứng đó trơ khấc ra.

Tôi tìm cách kéo Strauss sang một bên, và tôi bắt đầu đặt câu hỏi.

“Thôi được rồi. Anh bảo tôi quá nhạy cảm với ông ta. Tôi đã nói gì làm ông ta khó chịu đến thế?”

“Anh làm ông ấy cảm thấy mình thấp kém và ông ấy không chịu được điều đó.”

“Tôi nói nghiêm túc đấy, vì Chúa. Hãy nói tôi nghe sự thật đi.”

“Charlie, anh đừng có nghĩ rằng mọi người đang cười nhạo anh nữa. Nemur không thể thảo luận về những bài báo đó bởi vì ông ấy chưa đọc. Ông ấy không biết mấy thứ ngôn ngữ đó.”

“Không đọc tiếng Hindi và tiếng Nhật? Ối giời ơi.”

“Charlie, không phải ai cũng có năng khiếu ngôn ngữ như anh đâu.”

“Nếu vậy thì làm sao mà ông ta bác lại được bài báo công kích của Rahajamati về phương pháp này cũng như thách thức của Tanida về giá trị của loại hình kiểm soát này? Ông ta phải biết những…”

“Không…” Strauss thận trọng nói. “Các bài báo đó hẳn mới ra gần đây. Người ta chưa có thời gian để dịch chúng ra.”

“Ý anh là anh cũng chưa đọc chúng?”

Anh ta nhún vai. “Tôi thậm chí còn kém ngoại ngữ hơn ông ấy. Nhưng tôi chắc là trước khi nộp báo cáo cuối cùng, tất cả các tạp chí sẽ được cày xới để bổ sung dữ liệu.”

Tôi không biết phải nói gì nữa. Thật đáng sợ khi nghe anh ta thừa nhận là cả hai người bọn họ đều chẳng biết gì về toàn bộ các lĩnh vực trong chuyên ngành của mình. Tôi hỏi: “Vậy anh biết những thứ tiếng nào?”

“Tiếng Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, và một ít tiếng Thụy Điển giao tiếp.”

“Không biết tiếng Nga, Trung, và Bồ Đào Nha?”

Anh ta nhắc tôi rằng, là một bác sĩ tâm lý học thực hành và phẫu thuật thần kinh, anh ta có rất ít thời gian để học ngoại ngữ. Và anh ta chỉ đọc được hai thứ tiếng cổ là Latinh và Hy Lạp. Không biết chút gì về ngôn ngữ phương Đông cổ.

Tôi thấy anh ta muốn kết thúc tranh luận ở đây, nhưng làm sao tôi tha cho anh ta được. Tôi phải tìm hiểu xem anh ta hiểu biết đến đâu.

Tôi đã tìm ra.

Vật lý: không biết gì ngoài lý thuyết tử trường. Địa chất: không biết gì về địa mạo hay địa tầng hay thậm chí thạch học. Không biết chút gì về lý thuyết kinh tế vi mô và vĩ mô. Biết rất ít về toán học ngoại trừ phân tích biến số cơ bản, không biết gì về đại số Banach hay đa thức Riemann. Đây là những phát hiện sơ qua mà tôi có được trong dịp cuối tuần này.

Tôi không thể ở lại dự tiệc được. Tôi lén bỏ ra ngoài để đi dạo và suy nghĩ về chuyện này. Gian lận – cả hai người bọn họ. Họ đóng giả làm thiên tài. Nhưng họ chỉ là những người bình thường mù quáng làm việc, vờ như có khả năng thắp sáng cho đêm tối. Tại sao mọi người lại nói dối chứ? Những người tôi biết không có ai sống đúng với con người thật của mình cả. Khi rẽ vào góc phố, tôi thoáng nhìn thấy Burt đang đi sau mình.

“Chuyện gì thế?” Khi anh ta bắt kịp tôi, tôi nói. “Anh đang theo dõi tôi đấy à?”

Anh ta nhún vai và cười gượng gạo. “Anh là sản phẩm triển lãm loại A, ngôi sao của đêm diễn, làm sao mà để cho anh bị những gã cao bồi Chicago lái xe gắn máy cán vào người, bị cướp giật, hay lăn lóc trên đường phố nước Mỹ được chứ.”

“Tôi không thích bị giám sát.”

Anh ta lảng tránh cái lườm của tôi khi bước đi bên cạnh tôi, tay đút vào túi. “Bình tĩnh đi Charlie. Ông già đang dễ cáu. Hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng với ông ấy. Uy tín của ông ấy đang bị đe dọa.”

“Tôi không biết là anh lại thân với ông ta đến thế,” tôi chế giễu, nhớ lại những lần Burt ca cẩm về tính hẹp hòi và tự đại của ông giáo sư.

“Tôi không thân với ông ấy.” Anh ta nhìn tôi với vẻ thách thức. “Nhưng ông ấy đã dành cả đời cho việc này. Ông ấy không phải là Freud, Jung, Pavlov hay Watson, nhưng ông ấy đang làm một việc quan trọng và tôi trân trọng sự tận tụy của ông ấy – thậm chí còn hơn cả thế nữa bởi vì ông ấy chỉ là một người bình thường đang cố gắng hoàn tất công việc của một người vĩ đại, trong khi những con người vĩ đại lại đang bận chế tạo bom.”

“Tôi thích được chứng kiến cảnh anh nói thẳng vào mặt ông ta rằng ông ta chỉ là người bình thường.”

“Ông ấy nghĩ mình là gì không quan trọng. Chắc chắn ông ấy là người tự cao tự đại rồi, vậy thì sao? Chính cái tự cao đó mới khiến người ta nỗ lực làm một việc như vậy. Tôi biết có rất nhiều người muốn ông ấy hiểu rằng bên cạnh vẻ tự cao và quyết đoán đó là cả một tâm trạng bất ổn và sợ hãi đến khủng khiếp.”

“Cả giả tạo và hẹp hòi nữa chứ,” tôi thêm vào. “Giờ đây tôi đã thấy con người thật của họ, giả tạo. Tôi đã nghi ngờ điều này ở Nemur từ lâu. Ông ta luôn tỏ ra sợ sệt một điều gì đó. Nhưng với Straus thì bất ngờ quá.”

Burt dừng lại và thở hắt ra một hơi dài. Chúng tôi bước vào quán để uống cà phê, tuy không nhìn rõ mặt anh ta nhưng nghe âm thanh thì có thể thấy rõ anh ta đang phát điên lên.

“Anh nghĩ tôi sai à?”

“Chẳng qua là anh đi được cả một quãng đường dài trong một thời gian quá ngắn,” anh ta trả lời. “Bây giờ anh có một đầu óc siêu việt, một trí thông minh không thể nào đo lường được, và một kiến thức lớn hơn những gì hầu hết mọi người phải tích lũy trong thời gian rất lâu. Anh biết mọi việc. Anh nhìn thấy mọi việc. Nhưng ở anh chưa phát triển sự thông cảm, hay còn gọi là – tôi phải dùng từ này – lòng vị tha. Anh gọi họ là giả tạo, nhưng đã bao giờ họ tuyên bố mình là hoàn hảo, là siêu nhân chưa? Họ là những người bình thường. Anh mới là thiên tài.”

Anh ta ngừng lại, ngượng nghịu, đột nhiên nhận ra là đang thuyết giáo với tôi.

“Nói tiếp đi.”

“Anh đã gặp vợ Nemur bao giờ chưa?”

“Chưa.”

“Nếu anh muốn biết tại sao ông ấy lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng, kể cả khi công việc ở phòng thí nghiệm và trên giảng đường vẫn tốt, thì anh phải gặp Bertha Nemur. Anh có biết rằng bà ta là người chạy cho ông ấy chức giáo sư? Anh có biết rằng bà ta đã dùng ảnh hưởng của cha mình để giành cho ông ấy một suất tài trợ của Quỹ Welberg? Thế đấy, và bây giờ thì bà ta thúc ép ông ấy thuyết trình về công trình dang dở này ở hội thảo. Chừng nào chưa bị một mụ đàn bà như thể cưỡi đầu cưỡi cổ thì đừng nghĩ rằng anh hiểu ông ấy.”

Tôi không nói gì, và tôi nhận thấy anh ta muốn quay trở về khách sạn. Trên suốt đường về, chúng tôi không nói với nhau câu nào.

Tôi có phải là thiên tài không? Tôi không nghĩ vậy. Chưa phải vậy. Như lời Burt nói, chế giễu những uyển ngữ của ngành giáo dục, thì tôi là ngoại lệ – một thuật ngữ trung tính để tránh phải nhắc đến những từ ngớ ngẩn như có năng khiếu và thiếu năng lực (nghĩa là thông minh và đần độn), và khi mà từ ngoại lệ bắt đầu biểu thị ý nghĩa gì với ai đó thì người ta lại thay nó bằng từ khác. Có vẻ như ý tưởng ở đây là: chỉ sử dụng một cách biểu đạt chừng nào nó còn chưa có ý nghĩa với ai cả. Từngoại lệ áp dụng được với cả hai đầu thái cực, vì vậy cả cuộc đời này tôi luôn là ngoại lệ.

Một điều lạ về chuyện học tập; càng học tôi càng thấy những thứ mà tôi chưa biết mà giờ được biết là có tồn tại. Mới đây tôi còn ngu xuẩn nghĩ rằng mình có thể học tất cả mọi điều – toàn bộ kiến thức của thế giới. Bây giờ tôi chỉ hy vọng biết được sự tồn tại của nó, và hiểu được một phần nhỏ kiến thức đó.

Có thời gian hay không?

Burt rất bực mình với tôi. Anh ta thấy tôi thiếu kiên nhẫn và hẳn những người khác cũng nghĩ vậy.

Nhưng họ cản trở tôi và tìm cách đặt tôi vào đúng vị trí của mình. Vị trí của tôi là ở đâu? Giờ đây tôi là ai và tôi là cái gì? Liệu tôi có phải là toàn bộ cuộc đời tôi, hay chỉ là những tháng vừa qua? Ôi, họ trở nên thiếu kiến nhẫn biết bao khi tôi cố gắng thảo luận với họ về vấn đề này. Họ không muốn thừa nhận rằng họ không biết. Thật ngược đời khi một con người bình thường như Nemur lại liều lĩnh, chú tâm vào việc biến người khác thành thiên tài. Ông ta muốn được biết đến như người khám phá ra những quy luật mới về học hỏi – một Einstein của ngành tâm lý học. Và ông ta mang trong mình nỗi sợ của thầy giáo bị học trò vượt mặt, của sư phụ bị đệ tử nghi ngờ tác phẩm của mình. (Tôi không hề coi mình là học trò hay đệ tử của Nemur như Burt).

Tôi nghĩ, có thể hiểu được việc Nemur sợ bị phát hiện ra mình là người bình thường đi cà kheo giữa đám khổng lồ. Thất bại tại thời điểm này sẽ hủy hoại cuộc đời ông ta. Ông ta đã quá già để có thể làm lại từ đầu.

Mặc dù choáng váng khi khám phá ra sự thật về hai con người mà tôi hằng kính trọng, tôi vẫn nghĩ rằng Burt nói đúng. Tôi không được quá nôn nóng với họ. Những ý tưởng và công trình xuất sắc của họ đã góp phần làm cho cuộc thử nghiệm diễn ra tốt đẹp. Tôi phải cảnh giác trước xu hướng tự nhiên coi thường họ khi giờ đây tôi đã vượt qua họ rồi.

Tôi phải nhận ra rằng khi họ không ngừng nhắc tôi hãy đọc và viết đơn giản để những ai đọc báo cáo cũng có thể hiẻu được, chính lúc ấy họ cũng đang nói về bản thân mình. Nhưng dù sao thì cũng thật đáng sợ khi nhận thấy số phận của mình lại nằm trong tay những kẻ không phải là người khổng lồ như tôi nghĩ trước kia, mà là những kẻ không biết hết mọi câu trả lời.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.