Hoa trên mộ Algernon

Chương 25



Tôi chờ đợi một phản ứng, nhưng anh ta chỉ xoay mình trong ghế.

“Anh vẫn thức đấy chứ?” tôi hỏi.

“Tôi đang nghe đây, Charlie.”

“Chỉ nghe thôi à? Anh không thấy tức chút nào sao?”

“Tại sao anh lại muốn tôi tức anh?”

Tôi thở dài. “Strauss Lãnh đạm: không thể lay chuyển. Để tôi nói cho anh nghe chuyện này. Tôi chán nản và mệt mỏi với việc đến đây rồi. Chữa trị có ý nghĩa gì đâu chứ? Anh và tôi đều biết chuyện gì sẽ xảy ra.”

“Nhưng tôi nghĩ anh không muốn dừng lại,” anh ta nói. “Anh muốn tiếp tục chữa trị, phải không?”

“Thật ngớ ngẩn. Tốn thời gian cả của anh lẫn của tôi.”

Tôi nằm đó trong ánh sáng mờ nhạt và nhìn các hoa văn hình vuông trên trần… những viên gạch lát chống ồn với hàng ngàn lỗ tí hon hút hết từng lời. Âm thanh bị chôn sống trong những cái lỗ nhỏ trên trần nhà.

Tôi tự thấy đầu mình lâng lâng. Đầu óc tôi trống rỗng, và đây là điều bất thường, bởi vì trong các buổi chữa trị tôi luôn có rất nhiều thứ để đưa ra và thảo luận. Giấc mơ… ký ức… liên tưởng… rắc rối… Nhưng bây giờ tôi cảm thấy cô độc và trống rỗng.

Chỉ có Strauss Lãnh đạm đang thở sau lưng tôi.

“Tôi cảm thấy lạ lắm,” tôi nói.

“Anh muốn nói về chuyện này?”

Ôi, anh ta thật thông minh và tế nhị! Tôi đang làm cái quái gì ở đó, khi mà những liên tưởng của tôi bị hấp thu vào những cái lỗ bé xíu trên trần nhà và những cái lỗ lớn trong bác sĩ của tôi?

“Tôi không biết là có muốn nói về chuyện này hay không,” tôi nói. “Hôm nay tôi thấy mình thù địch với anh một cách bất thường.” Rồi tôi kể cho anh ta nghe những gì tôi đang nghĩ.

Không cần nhìn tôi cũng biết anh ta đang tự gật gù.

“Thật khó giải thích,” tôi nói. “Trước đây tôi đã từng có cảm giác này một hai lần, ngay trước khi tôi ngất. Cảm giác lâng lâng trong đầu… mọi thứ căng thẳng… nhưng người tôi cảm thấy lạnh và tê cóng…”

“Tiếp tục đi.” Giọng anh ta có vẻ hào hứng. “Rồi sao nữa?”

“Tôi không còn cảm nhận gì về cơ thể mình nữa. Tôi tê cóng. Tôi có cảm giác là Charlie đang ở ngay bên cạnh. Mắt tôi đang mở – tôi chắc chắn thế – có đúng không?”

“Đúng, mở to.”

“Vậy nhưng tôi nhìn thấy một quầng sáng xanh-trắng trên tường và trên trần nhà tạo thành một quả cầu lung linh. Bây giờ nó đang treo lơ lửng trong không trung. Ánh sáng… chọc vào mắt tôi… và não tôi… Mọi thứ trong phòng đều sáng rực lên… Tôi có cảm giác bồng bềnh… hay đúng hơn là đang nở ra… và không cần nhìn xuống tôi cũng biết cơ thể tôi vẫn đang ở đây trên đi văng…”

Đây là ảo giác chăng?

“Charlie, anh có sao không?”

Hay là những thứ mô tả trong thế giới thần bí?

Tôi nghe anh ta hỏi nhưng không muốn trả lời. Thật bực mình khi anh ta có mặt ở đó. Tôi phải lờ anh ta đi mới được. Tôi trở nên thụ động và để cho nó – bất kể nó là cái gì – đổ đầy ánh sáng vào người tôi rồi hút tôi vào trong đó.

“Anh nhìn thấy gì thế Charlie? Có chuyện gì vậy?”

* * *

Lên cao, bay lượn, giống như chiếc lá trong luồng không khí ấm áp thổi lên trời. Tăng tốc độ lên, từng nguyên tử trong cơ thể tôi tách rời khỏi nhau. Tôi thấy mình nhẹ hơn, loãng đi, và lớn lên… lớn lên… nổ tung vào mặt trời. Tôi là một vũ trụ nở rộng đang bơi trong một đại dương lặng lẽ. Ban đầu nhỏ bé, nó bao phủ lấy cơ thể tôi, căn phòng, tòa nhà, thành phố, đất nước, cho đến khi tôi biết rằng nếu nhìn xuống thì tôi sẽ thấy bóng mình che phủ cả trái đất.

Nhẹ nhàng và vô cảm. Trôi nổi và bành trướng qua thời gian và không gian.

Và rồi, khi tôi biết mình sắp sửa xuyên qua lớp vỏ của cuộc sống, giống như con cá chuồn bay vọt ra khỏi mặt biển, tôi cảm thấy phía dưới có cái gì kéo lại.

Tôi bực mình quá. Tôi muốn gạt nó ra. Lúc sắp sửa hòa vào vũ trụ, tôi nghe những tiếng thì thầm gợn lên trong nhận thức. Và cú kéo nhẹ-chưa-từng-có đó giữ tôi lại với thế giới xác định và hữu hạn bên dưới.

Chầm chậm, khi những đợt sóng rút xuống, linh hồn phình to của tôi từ từ trở lại với kích thước bình thường trước đây – không phải là tự nguyện, bởi vì tôi thích đánh mất bản thân hơn, nhưng tôi bị phía dưới kéo xuống trở lại với chính tôi, vào chính tôi, để một lát nữa thôi tôi lại trở về với cái đi văng, đút những ngón tay nhận thức của tôi vào chiếc găng da thịt trần tục. Và tôi biết mình có thể ngọ nguậy ngón tay hoặc nháy mắt – nếu muốn. Nhưng tôi không muốn ngọ nguậy. Tôi sẽ không ngọ nguậy!

Tôi chờ, và cứ để mặc cho mình rộng mở, thụ động trước trải nghiệm này, dù nó có là cái gì đi nữa. Charlie không muốn tôi xuyên qua bức màn trên cùng của trí óc. Charlie không muốn biết trên đó có những cái gì.

Phải chăng cậu ta sợ nhìn thấy Chúa?

Hay sợ không nhìn thấy gì?

Trong khi tôi nằm đây chờ đợi, lúc thì tôi là chính mình trong lớp vỏ bản thân, thì tôi đánh mất tất cả mọi cảm nhận về cơ thể và cảm giác Charlie đang kéo tôi trở lại với chính tôi. Tôi nhìn sâu vào chính giữa hồng tâm con mắt không nhìn của tôi giờ đã tự biến thành một bông hoa nhiều cánh – bông hoa phát sáng lung linh, xoáy tít nằm sâu trong cái lõi vô thức của tôi.

Tôi đang co lại. Không phải theo nghĩa các nguyên tử trên cơ thể tôi đang trở nên gần nhau hơn và cô đặc hơn, mà tan chảy ra – khi các nguyên tử của thằng-tôi hợp lại thành một phiên bản thu nhỏ. Nhiệt độ sẽ nóng và ánh sáng sẽ không chịu đựng nổi – địa ngục trong địa ngục, nhưng tôi không nhìn vào ánh sáng, chỉ nhìn bông hoa đang hợp lại, gộp lại từ nhiều bông thành một bông duy nhất. Và trong nháy mắt bông hoa lấp lánh biến thành chiếc đĩa vàng quay tròn trên dây, rồi biến thành cái bong bóng với vô số những cầu vồng xoáy tít, và cuối cùng tôi quay lại cái hang nơi mọi vật yên lặng, tối tăm, còn tôi thì bơi trong cái mê cung ướt át để tìm kiếm một cái gì đó đón nhận tôi… ôm ấp tôi… hấp thu tôi vào chính nó.

Rồi có thể tôi bắt đầu.

Trong cái lõi đó, tôi lại nhìn thấy ánh sáng từ một khe hở nơi tối tăm nhất của hang động, bây giờ bé tí và xa tít – qua đầu kia của kính viễn vọng – sáng rực, lóa mắt, long lanh, và lại đến bông hoa nhiều cánh (bông hoa sen quay tròn – bập bềnh gần cửa ngõ vô thức). Tại cửa hang đó tôi sẽ tìm thấy câu trả lời, nếu tôi dám quay lại và lao mình qua đó để vào cái động ánh sáng bên trên.

Chưa được!

Tôi sợ. Không phải là sợ cuộc sống, sợ cái chết, hay sợ hư vô, mà là sợ bỏ phí nó, cứ như tôi chưa từng được sợ. Và khi tôi bắt đầu đi qua khe hở đó, tôi cảm thấy áp lực quanh mình, đẩy tôi đi theo dòng chuyển động mạnh mẽ như sóng về phía miệng hang.

Nhỏ quá! Tôi không qua được!

Và đột nhiên tôi bị va vào vách. Lần này đến lần khác, rồi bị ép qua khe hở nơi ánh sáng sẵn sàng làm mắt tôi nổ tung. Một lần nữa, tôi biết mình sẽ xuyên qua lớp vỏ đó để vào quầng ánh sáng linh thiêng. Quá sức chịu đựng của tôi. Đau chưa từng thấy, và lạnh, và nôn nao, rồi tiếng ù ù trong đầu tôi như hàng ngàn đôi cánh đang vỗ. Tôi mở mắt ra, chói lóa vì ánh sáng mạnh. Và vụt vào không khí, run lên, rồi la hét.

Tôi thoát khỏi tình trạng đó vì có một bàn tay không ngừng lay mạng tôi. Bác sĩ Strauss.

“Ơn chúa,” anh ta nói khi tôi nhìn vào mắt anh ta. “Anh làm tôi lo quá.”

Tôi lắc đầu. “Tôi không sao.”

“Tôi nghĩ có lẽ hôm nay như thế là đủ.”

Tôi ngồi dậy và lắc lư để lấy lại thăng bằng. Căn phòng dường như quá chật chội. “Không chỉ là hôm nay,” tôi nói. “Tôi nghĩ tôi sẽ không tiếp tục điều trị nữa. Tôi không muốn thấy thêm nữa.”

Anh ta bối rối, nhưng không cố tìm cách thuyết phục tôi. Tôi lấy mũ và áo khoác rồi ra về.

Và bây giờ – lời của Plato đang chế nhạo tôi trong bóng tối trên gờ tường sau quầng sáng.

“… những người trong hang sẽ nói rằng anh ta trèo lên và đi xuống không có mắt…”

5 tháng Mười – Ngồi đánh máy những bản báo cáo này thật khó, nhưng bật máy ghi âm lên thì tôi lại không nghĩ được. Tôi gác việc này lại đến gần hết ngày, nhưng tôi hiểu tầm quan trọng của nó, vì thế nên tôi vẫn phải tiếp tục làm. Tôi tự nhủ mình sẽ không ăn tối chừng nào còn chưa ngồi xuống và viết một cái gì đó – bất cứ cái gì.

Sáng nay, giáo sư Nemur lại cho người gọi tôi. Ông ta muốn tôi có mặt ở phòng thí nghiệm để tiến hành vài bài kiểm tra mà tôi đã quen làm. Ban đầu tôi nghĩ việc này hợp lý, vì họ vẫn trả tiền cho tôi, hơn nữa cũng là cần thiết để hoàn tất hồ sơ. Nhưng khi tôi xuống Beekman và làm mọi thứ với Burt thì tôi biết như vậy là quá nhiều đối với tôi.

Trước hết là mê cung vẽ trên giấy bằng bút chì. Tôi nhớ trước đây khi tôi học chạy mê cung nhanh thế nào, và tôi chạy thi với Algernon ra sao. Tôi nhận thấy bây giờ tôi giải mê cung chậm hơn rất nhiều. Burt thò tay ra cầm tờ giấy, nhưng tôi đã xé đi và ném mảnh vụn vào sọt rác.

“Không làm nữa. Tôi xong màn chạy mê cung rồi. Giờ tôi đang trong ngõ cụt và tất cả chỉ có thế thôi.”

Anh ta sợ tôi bỏ đi nên xoa dịu tôi. “Được rồi, Charlie ạ. Cứ bình tĩnh đi.”

“Anh nói ‘bình tĩnh đi’ nghĩa là thế nào? Anh đâu biết nó thế nào.”

“Không, nhưng tôi có thể hình dung được. Tất cả chúng ta đều cảm thấy mệt mỏi.”

“Cất cái thông cảm của anh đi. Để tôi yên được rồi.”

Anh ta bối rối, rồi tôi nhận thấy anh ta không có lỗi mà tôi lại to tiếng với anh ta. “Xin lỗi vì đã nổi nóng với anh,” tôi nói. “Mọi việc thế nào? Luận văn của anh xong chưa?”

Anh ta gật đầu. “Đang cho đánh máy lại. Tôi sẽ nhận bằng tiến sĩ vào tháng Hai.”

“Tốt lắm.” Tôi vỗ vai anh ta cho anh ta thấy rằng tôi không cáu nữa. “Cày chăm chỉ tiếp đi. Không có bằng giáo dục cả. Nghe này, quên hết những gì tôi nói trước đây đi nhé. Tôi sẽ làm bất cứ việc gì anh muốn, miễn là đừng bắt tôi chạy mê cung nữa – thế thôi.”

“Ấy, Nemur muốn làm trắc nghiệm Rorschach.”

“Để xem điều gì đang xảy ra ở sâu bên trong? Ông ta định tìm cái gì?”

Chắc là mặt tôi trông kinh khủng lắm, bởi vì anh ta lùi hẳn lại. “Không nhất thiết phải tiến hành mà. Anh tình nguyện đến đây. Nếu anh không muốn…”

“Được rồi. Tiếp tục nào. Phát bìa đi. Nhưng đừng nói cho tôi biết anh tìm thấy gì nhé.”

Anh ta không cần phải nói cho tôi biết.

Tôi đủ hiểu về phương pháp Rorschach để biết rằng những gì ta nhìn thấy trên tấm bìa không quan trọng, điều quan trọng là ta phản ứng thế nào. Toàn bộ hay từng phần, có hình ảnh chuyển động hay không chuyển động, chú ý đặc biệt đến các vết màu hay bỏ qua, có nhiều ý kiến hay chỉ là một vài phản ứng giống hệt nhau.

“Không có giá trị,” tôi nói. “Tôi biết anh đang tìm kiếm cái gì. Tôi biết loại phản ứng mà tôi sẽ có để tạo ra một hình ảnh nhất định về đầu óc mình. Tôi chỉ cần…”

Anh ta ngước lên nhìn tôi, chờ đợi.

“Tôi chỉ cần…”

Nhưng lúc đó tôi thấy choáng váng giống như bị một cú đấm giáng vào mang tai khiến tôi không nhớ nổi mình phải làm gì nữa. Cứ như là tôi đang nhìn mọi thứ rõ ràng trên tấm bảng đen tâm trí tôi, nhưng khi tôi quay lại đọc thì một phần đã bị xóa đi mất và phần còn lại trở nên vô nghĩa.

Ban đầu, tôi không muốn tin. Tôi hoảng sợ nhìn mấy tấm bia, nhanh đến mức tôi nghẹn cả lời. Tôi muốn xé chúng thành từng mảnh để bắt chúng phải tự hiện ra. Đâu đó trong những dấu mực kia là câu trả lời mà chỉ vừa mới ngay đây thôi tôi vẫn biết. Không hẳn là trong những dấu mực, mà là trong cái góc trí não vẫn thường xác định hình dạng và ý nghĩa của chúng rồi phản chiếu dấu vết của tôi lên đó.

Vậy mà tôi không làm được. Tôi không thể nào nhớ nổi mình phải nói cái gì nữa. Quên sạch.

“Đấy là một phụ nữ…” tôi nói, “… đang quỳ gối lau sàn nhà. Tôi muốn nói – không – đấy là một người đàn ông cầm dao.” Và ngay cả khi nói vậy, tôi vẫn nhận thức được mình đang nói gì nên tôi chuyển sang hướng khác. “Hai hình bóng giành giật một cái gì đó… giống như búp bê… và ai cũng đều kéo cả nên trông cứ như họ sắp sửa xé tan nó ra và – không! – Ý tôi là hai gương mặt nhìn nhau qua cửa sổ, và…”

Tôi gạt mấy tấm bìa ra khỏi bàn và đứng dậy.

“Không làm nữa. Tôi không muốn làm bất cứ bài kiểm tra nào nữa.”

“Được rồi, Charlie. Hôm nay chúng ta sẽ dừng ở đây.”

“Không phải chỉ hôm nay. Tôi sẽ không quay trở lại đây nữa. Bất kể ở tôi còn sót lại cái gì mà các anh muốn, các anh có thể tìm trong báo cáo tiến bộ. Tôi nghỉ chạy mê cung. Tôi không còn là con chuột lang nữa. Tôi lãnh đủ rồi. Bây giờ tôi muốn được ở một mình.”

“Được rồi, Charlie. Tôi hiểu.”

“Không, anh không hiểu bởi vì điều này không xảy ra với anh, và cũng chẳng ai hiểu cả ngoài tôi. Tôi không trách anh. Anh phải làm việc, phải lấy bằng tiến sĩ, và – ồ, đúng rồi, đừng nói với tôi, tôi biết anh làm việc này phần lớn là do tình yêu con người, nhưng anh vẫn phải lo cho cuộc sống của anh và chúng ta lại không cùng một đẳng cấp. Tôi đã vượt qua mức của anh trên đường đi lên, bây giờ tôi lại đang vượt qua nó trên đường đi xuống, và tôi không nghĩ rằng mình lại đi trên chiếc thang máy này một lần nữa. Vậy nên chúng ta hãy chào tạm biệt ở đây, ngay lúc này.”

“Anh không định nói chuyện với bác sĩ…”

“Chào mọi người giúp tôi, được không? Tôi không thích gặp lại họ một lần nữa.”

Không kịp để cho anh ta kịp nói gì thêm hay tìm cách ngăn cản tôi, tôi bước ra khỏi phòng thí nghiệm và lần cuối cùng tôi đi thang máy xuống đất ra khỏi Beekman.

7 tháng Mười – Sáng nay, Strauss tìm cách gặp lại tôi nhưng tôi không mở cửa. Bây giờ tôi chỉ muốn được ở một mình.

Cảm giác thật lạ khi cầm lên một quyển sách mà mới cách đây vài tháng ta còn đọc và thấy thích thú nhưng rồi phát hiện ra rằng mình chẳng còn nhớ chút gì. Tôi nhớ lại xem mình đã nghĩ Milton hay đến thế nào. Khi cầm cuốn Paradise Lost lên, tôi chỉ nhớ là nó viết về Adam và Eve và Cây hiểu biết, nhưng tôi chẳng thể nào hình dung ra nổi.

Tôi đứng dậy, nhắm mắt và nhìn thấy Charlie – chính tôi – sáu hay bảy tuổi gì đó, cầm cuốn sách giáo khoa ngồi bên bàn ăn, đang học đọc, miệng đọc đi đọc lại từng từ, mẹ tôi ngồi bên cậu ta, bên cạnh tôi…

“Thử lại nào.”

“Nhìn đi Jack. Nhìn đi Jack chạy đi. Nhìn đi Jack nhìn đi.”

“Không! Không phải là Nhìn đi Jack nhìn đi! Mà là Chạy đi Jack chạy đi!” Trỏ bằng ngón tay cọ rửa qua loa của bà.

“Nhìn đi Jack. Nhìn đi Jack chạy đi. Chạy đi Jack nhìn đi.”

“Không! Con không cố gắng. Đọc lại đi!”

Làm lại đi… làm lại đi… làm lại đi…

“Để cho thằng bé yên. Em làm nó sợ đấy.”

“Nó phải học. Nó lười quá nên không tập trung.”

Chạy đi Jack chạy đi… chạy đi Jack chạy đi… chạy đi Jack chạy đi… chạy đi Jack chạy đi…

“Nó chậm hơn những đứa trẻ khác. Cho nó thêm thời gian đi.”

“Nó bình thường. Nó chẳng bị làm sao cả. Chỉ lười thôi. Em sẽ nhồi cho đến lúc nó học được mới thôi.”

Chạy đi Jack chạy đi… chạy đi Jack chạy đi… chạy đi Jack chạy đi… chạy đi Jack chạy đi…

Và rồi từ bàn ngước lên, dường như tôi nhìn thấy chính mình qua đôi mắt của Charlie, tay cầm cuốn Paradise Lost, và tôi nhận ra mình đang siết chặt đến nỗi làm rách bìa sách, cứ như tôi muốn xé cuốn sách ra làm đôi. Tôi làm rách bìa sau, xé ra một nắm trang giấy rồi ném chúng cùng với quyển sách vào góc phòng, chỗ có đám đĩa nhạc vỡ. Tôi để nó nằm đó và những cái lưỡi trắng rách nát của nó cười to vì tôi không hiểu được chúng nói gì.

Tôi phải tìm cách bấu víu vào những gì mình đã được học. Lạy Chúa, xin Người đừng lấy đi tất cả.

10 tháng Mười – Thông thường thì ban đêm tôi hay ra ngoài đi dạo và lang thang khắp thành phố. Tôi không biết tại sao. Để nhìn thấy gương mặt mọi người, tôi đoán vậy. Đêm qua tôi không nhớ nổi nhà mình ở đâu. Một viên cảnh sát đã đưa tôi về. Tôi cảm thấy rất lạ vì trước đây chuyện này đã từng xảy ra với tôi – lâu lắm rồi. Tôi không muốn ghi lại, nhưng tôi vẫn không ngừng nhắc mình rằng tôi là người duy nhất trên thế giới có thể mô tả những gì xảy ra theo kiểu này.

Thay vì đi bộ, tôi trôi dạt qua không gian, không rõ ràng và sắc nét mà có một lớp màng màu xám phủ lên tất cả. Tôi biết điều gì đang xảy ra với mình, nhưng tôi chẳng thể làm gì được cả. Tôi bước đi hoặc cứ đứng trên vỉa hè ngắm nhìn mọi người bước qua. Một số người nhìn tôi, một số không nhìn nhưng chẳng ai nói với tôi câu nào – ngoại trừ có đêm một người đàn ông bước tới và hỏi tôi có muốn đi chơi gái không.

Anh ta dẫn tôi tới một nơi. Anh ta muốn tôi đặt trước mười đô la nên tôi đưa cho anh ta, nhưng anh ta chẳng bao giờ quay lại.

Và đến lúc đó tôi mới nhớ ra tôi ngu ngốc thế nào.

11 tháng Mười – Sáng nay, khi bước vào nhà, tôi thấy Alice ở đó, đang ngủ trên đi văng. Mọi thứ được dọn dẹp ngăn nắp, và ban đầu tôi nghĩ rằng mình vào nhầm nhà, nhưng rồi tôi thấy nàng “không hề đụng tới mấy cái đĩa nhạc vỡ, đám sách rách hay bản nhạc ở góc nhà.” Sàn nhà kêu cọt kẹt và nàng tỉnh giấc rồi mở mắt nhìn tôi.

“Chào anh.” Nàng cười. “Con cú đêm.”

“Không phải là cú. Giống con chim cưu(11) hơn. Một con chim cưu đần độn. Làm sao mà em vào được đây?

11. Chim cưu, hay còn gọi là chim cu lười, chim dodo, thuộc họ bồ câu, sống nhiều ở vùng biển Ấn Độ Dương, cạnh đảo Madagascar. Chúng di chuyển chậm chạp, không biết bay vì cơ thể gần như trần trụi và cánh rất yếu, hiện đã tuyệt chủng. Hình ảnh chim dodo được dùng để hoán dụ cho hiện tượng hết thời.

“Qua lối thoát hiểm. Nhà Fay. Em gọi cho cô ấy để hỏi thăm anh và cô ấy bảo cô ấy rất lo lắng. Cô ấy bảo gần đây anh lạ lắm – gây náo động. Vì thế nên em quyết định phải xuất hiện. Em dọn dẹp một chút. Em nghĩ là anh sẽ không phiền.”

“Phiền chứ… rất nhiều. Anh không muốn bất cứ ai đến đây và thấy thương hại anh.”

Nàng bước đến bên gương và chải tóc. “Em đến đây không phải vì em thấy thương hại anh. Mà là vì em thấy thương hại cho em.”

“Vậy nghĩa là sao?”

“Chẳng có nghĩa gì cả.” Nàng nhún vai. “Nói vậy – cho giống thơ thôi. Em muốn gặp anh.”

“Cái phanh làm sao?” (Charlie cố tình nghe nhầm)

“Ôi, thôi nào Charlie. Đừng có xù lông với em như thế. Em đã chờ quá lâu để anh đến đón em. Em quyết định đến với anh.”

“Tại sao?”

“Bởi vì vẫn còn thời gian. Và em muốn dành quãng thời gian đó với anh.”

“Đây là bài hát à?”

“Charlie, đừng cười em.”

“Anh có cười đâu. Nhưng anh không thể dành thời gian của mình cho bất cứ ai cả – chỉ còn đủ cho một mình anh dùng thôi.”

“Em không tin là anh muốn được hoàn toàn một mình.”

“Anh muốn thế.”

“Chúng ta đã có một quãng thời gian bên nhau trước khi ngừng liên lạc. Chúng ta có chuyện để nói, và có nhiều thứ để làm cùng nhau. Không được lâu lắm nhưng nó vẫn là một cái gì đó. Nghe này, chúng ta biết là chuyện này có thể xảy ra. Chẳng có gì là bí mật cả. Em không bỏ đi, Charlie ạ, em chỉ chờ đợi thôi. Anh đang trở lại ngang tầm với em rồi, đúng không?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.