11 Lối Tư Duy Thay Đổi Cách Nhìn Và Sáng Tạo Tương Lai

LỐI TƯ DUY #7



Thay đổi phải gắn liền với lợi ích thực tiễn

Tự do, bình đẳng, bác ái hay là chết!

“Bản Hiến pháp châu Âu là hoàn hảo – dù có thể hơi kém thanh nhã hơn Hiến pháp Mỹ một chút,” cựu tổng thống Pháp Valery Giscard d’Estaing nói ngày 20-4-2005.

Ngày 29-5, người Pháp trả lời: “Không!” Họ, và sau đó một chút là người Hà Lan, không nhìn thấy một lợi ích nào trong bản hiến pháp do các chính khách viết ra, 800 trang giấy gồm các quy định và thỏa thuận hiệp định cũ không làm EU minh bạch hay dễ hiểu hơn. Bản Hiến pháp “thanh nhã” của Mỹ gồm 12 trang và chỉ có các nguyên tắc, dễ hiểu với tất cả mọi người. Cơn động đất chính trị theo sau sự phản đối của người Pháp và Hà Lan lan đi khắp châu Âu. Nhưng việc không trưng cầu dân ý, thảm họa đối với những người ủng hộ thay đổi hiến pháp, lại mở ra một cơ hội tuyệt vời cho những người muốn một bản hiến pháp phục vụ người dân của 25 nước thành viên EU và tất cả các nước này đã phải công nhận điều đó.

Không có quá nhiều biến động trong EU kể từ lúc đó. Người ta tốn nhiều công sức để bảo vệ tính thiết yếu của việc phê chuẩn hơn là nhu cầu thay đổi nó. Sự phản đối của người dân sẽ không giảm cho đến khi thay đổi được tạo ra và lợi ích (nếu có, đây vẫn còn là câu hỏi) trở nên rõ ràng. EU đối mặt với thách thức phải đáp ứng được các yêu cầu chính đáng của người dân, như một hiến pháp có sức thuyết phục và giúp họ hiểu các biện pháp kinh tế cần thiết như việc cắt giảm một số khoản phúc lợi quá tốn kém. Đây là một trách nhiệm khó khăn cho EU trong khi liên minh này vẫn chưa biết mình là ai và sẽ đi đâu.

Hơn 40 năm trước, năm 1967, khi EU còn đang chập chững và mang tên Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tôi lên đường tới châu Á để làm việc một năm tại Thái Lan. Trước đó, khi còn làm việc cho IBM, tôi đã thấy việc chứng minh lợi ích thu được quan trọng như thế nào khi ta muốn người khác chấp nhận thay đổi. Tôi đến Thái Lan để phát triển một dự án giúp phát triển nông nghiệp ở vùng đông bắc. Chúng tôi cố gắng làm người nông dân hứng thú với việc xen canh tăng vụ, nhưng họ phản đối, vì một nguyên nhân rất hợp lý: hạ tầng cơ sở phân phối không thể cáng đáng sản lượng mới. Ngay khi chúng tôi giải quyết được vấn đề phân phối, họ đã hồ hởi tiếp nhận phương canh tác mới và tất nhiên, cả mức thu nhập tăng thêm.

Mỗi năm, tôi tới châu Á vài lần và luôn ngạc nhiên, thích thú trước khả năng vượt qua khó khăn và thích ứng với thay đổi của người dân ở châu lục này, đặc biệt là người Trung Quốc, khi họ thấy lợi ích là rõ ràng. Trong cách mạng văn hóa, nhiều người Trung Quốc rời bỏ đất nước và trở thành những Hoa kiều giàu có. Giờ đây, họ hồi hương vì nhìn thấy những cơ hội tuyệt vời. Trong khi Hoa kiều bổ sung tiềm lực tài chính và trí tuệ cũng như khao khát làm giàu cho trí tuệ Trung Quốc, hàng triệu nông dân trong nước vẫn đang tìm cách thoát nghèo.

Vợ chồng Lý Phương và Lý Quảng sinh trưởng tại một ngôi làng nhỏ ở miền Trung. Cha Lý Quảng là nông dân trồng rau và khi còn nhỏ, Quảng đã làm việc cùng cha. Khi anh cưới Lý Phương, điều chờ đợi họ ở phía trước có vẻ đã rõ ràng. Những thông tin về cơ hội có một công việc tốt ở các thành phố lớn đã len lỏi tới tận ngôi làng hẻo lánh. Quảng bắt đầu suy tính là với một thu nhập cao hơn, anh có thể gửi con tới những trường tốt hơn, giúp đỡ bố mẹ và cuối cùng là cải thiện cuộc sống cho cả gia đình. Lợi ích có vẻ đủ lớn để anh đấu tranh để được chuyển tới thành phố. Vợ chồng anh đặt cược vào Thượng Hải; ở đây có vô số công trường xây dựng nên việc bán đồ uống và đồ ăn nhanh có vẻ đầy hứa hẹn. Họ dựng một quầy hàng nhỏ cạnh khách sạn Portman Ritz-Carlton, phục vụ 24/24 h và sống trong một túp lều là một tấm vải bạt được căng bên. Điều kiện sống khốn khổ nhưng họ khá thỏa mãn; lượng công nhân đến và đi ổn định tạo ra đủ doanh thu để họ duy trì cuộc sống của gia đình và còn tiết kiệm một chút. Năm 2005, họ mở thêm một quầy hàng nữa ở cuối đường và người vợ ra đó trông nom.

Ở Trung Quốc sự hăm hở muốn có được một phần của chiếc bánh kinh tế đang phát triển lái người ta tới nơi nào có hoạt động. Một sự khác biệt so với những gì tôi quan sát được tại châu Âu. Cách của châu Âu là nhìn từ trên xuống – lợi ích luôn đi trước. Thay vì chuyển tới nơi có việc làm và nhiều người ở châu Âu vẫn hy vọng công việc sẽ đến, vẫn tin rằng một công việc và một ngôi nhà là dành cho cả cuộc đời. Trong một cuộc thảo luận trên tivi gần đây, nhiều thanh niên Vienna nói họ sẽ không đi làm ở một nơi nào đó nếu cách chỗ họ sống 160 km. Họ thà tiếp tục thất nghiệp và nhận trợ cấp từ chính phủ.

May thay, những người này không đại diện cho toàn thể người Áo hoặc châu Âu. Châu Âu bảo vệ truyền thống và sự bất biến nhưng điều đó không có nghĩa là mọi thứ sẽ giữ nguyên, công việc và tiền bạc sẽ không tiếp tục được phân phối theo cách tư duy cũ. Điều không thay đổi là chúng ta phải kiếm sống, dù là làm chủ hay làm thuê và những người sớm đón nhận những thay đổi cần thiết sẽ thu được nhiều lợi nhất.

Trong thế giới kinh doanh, sự thay đổi đôi khi cần thời gian, nhưng cuối cùng thị trường là yếu tố quyết định. Tất nhiên, có những trường hợp chống lại sự thay đổi do ngoan cố hoặc thiếu hiểu biết nhưng những người thích tiến lên trong cuộc sống thường không kháng cự chỉ bởi họ không chịu được sự thay đổi. Trái lại, con người thường tiếp nhận sự thay đổi khi họ nhận thức được lợi ích của nó.

ĐỪNG CÚI XUỐNG NẾU KHÔNG CÓ GÌ ĐÁNG NHẶT

Bạn hãy tự hỏi: Cái gì được tưởng thưởng? Cái gì phải chịu hình phạt? Kết quả của trò chơi sẽ cho bạn biết khi nào sự thay đổi có lợi và khi nào sự hô hào thay đổi chỉ là đuổi theo bong bóng xà phòng. Chống lại thay đổi có thể là hợp lý hoặc ngoan cố.

Những người dẫn đầu có trách nhiệm phải làm sáng rõ lợi ích của thay đổi. Những người này không có nghĩa vụ phải nhận lấy nó, họ không yêu cầu thay đổi và sẽ không ủng hộ thay đổi nếu không thật sự tin mình sẽ có lợi.

Đừng đánh giá thấp mọi người. Nếu họ chống lại sự thay đổi, trong khi bạn nghĩ rằng họ nên sẵn sàng đón nhận, thì hoặc bạn đã thất bại trong việc chứng minh các lợi ích thu được, hoặc họ có những lý do hợp lý để từ chối. Trong trường hợp đó, thay vì than vãn hãy truy tìm nguyên nhân. Trong các ví dụ về thể thao của tôi, các bạn hẳn nhận thấy chỉ có các huấn luyện viên là phản kháng, không phải các vận động viên.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.