Vươn đến sự hoàn thiện
CHƯƠNG 11 – CÁC LƯU Ý KHI XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU CỦA BẠN
Lưu ý thứ nhất
XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU CHÍNH
Khi xác lập mục tiêu, tiếng nói bên trong bạn luôn thôi thúc: “Đi nào, chúng ta cùng tiến lên!”. Và các mức phấn đấu ngày càng được nâng cao hơn. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, các mục tiêu phải đủ lớn và thách thức để kích thích chúng ta nỗ lực hoàn thành. Những mục tiêu thấp, dễ thực hiện thường không tạo ra được sự kích thích và thi đua. Thật vậy, những mục tiêu như trả tiền thuê nhà hàng tháng hay mua xe trả góp không phải là mục tiêu lớn. Mục tiêu nào làm bạn phải dốc hết sức, dồn hết tâm huyết của mình vào nó thì đấy chính là mục tiêu lớn.
Trong thể thao, các vận động viên thi đấu tốt hơn, đạt thành tích cao hơn trong những cuộc tranh tài đỉnh cao. Trên chính trường cũng vậy, một ứng cử viên dường như chiến thắng “vẻ vang” hơn nếu đối thủ của mình là một chính khách thuộc hàng tầm cỡ, khó đánh bại.
Trên con đường chinh phục các mục tiêu lớn của bạn, hãy luôn nỗ lực hết mình trên từng chặng đường để bạn có thể yên tâm nói với chính mình sau một ngày làm việc “chất lượng” rằng: “Hôm nay mình đã làm tốt nhất trong khả năng của mình” và lên giường ngủ ngon. Cuộc đời là một cuộc chơi lớn và hào hứng, bạn hãy hoạch định những mục tiêu cao cả để tham gia cuộc chơi đó. Một nhà thông thái từng nói: “Đừng đặt ra những kế hoạch nhỏ vì chúng không đủ sức kích thích bạn”.
Cách bạn nhìn cuộc sống quyết định gần như toàn bộ thành quả mà bạn đạt được. Một thanh sắt nếu dùng để làm chốt cửa chỉ đáng giá 1 đô-la, nếu rèn thành móng ngựa sẽ đáng giá khoảng 50 đô-la, nhưng nếu được luyện thành thép thượng hạng để làm dây cót cho các loại đồng hồ chính xác thì đáng giá đến 250.000 đô-la.
Cách nhìn của bạn đối với thanh sắt đã tạo nên khác biệt. Cách bạn nhìn tương lai và chính bản thân mình cũng thế. Bạn cần những mục tiêu lớn để phấn đấu, để khẳng định tài năng và giá trị của mình. Booker T. Washington nói rằng: “Hãy đo lường thành tích bằng chính những trở ngại mà bạn phải vượt qua để đạt được thành tích đó”.
HẠT DẺ RANG “DỞ NHẤT THÀNH PHỐ”
Hồi tôi còn bé và làm việc tại cửa hàng rau quả của ông Anderson, có một tiệm cà phê kết hợp một hàng bán hạt dẻ rang của một người mà ai cũng gọi là “Bác Joe”. Ở đây, mùi cà phê và hạt dẻ rang thơm phức luôn mời gọi từng đám đông kéo đến mỗi khi bác Joe nổi lửa trổ tài chế biến. Tôi để ý thấy rằng sau khi rang xong, ông bán ngay hoặc cho hạt dẻ vào những chiếc bao giấy nhỏ, nhưng trước khi gói lại, ông đều lấy lại hai hạt từ mỗi chiếc bao và cho vào một chiếc hộp gỗ kế bên. Vì thế, với số hạt dẻ “dư” trong chiếc hộp gỗ, ông luôn có thêm vài bao giấy hạt dẻ nữa như tự thưởng công cho mình. Đó là mục tiêu cuộc đời của bác Joe. Bác ấy đã sống nghèo khó và chết trong nghèo khó với “mục tiêu” của mình. Tội nghiệp bác Joe, bác ấy luôn nghĩ về hạt dẻ, sống vì hạt dẻ, nhưng hạt dẻ không phải là vấn đề của bác ấy!
Lúc vào Đại học Columbia, South Carolina, tôi nhìn thấy một tấm biển và không bao giờ quên được nó. Tấm biển đề rằng: “Hạt dẻ Cromer – bảo đảm dở nhất thành phố!”. Tò mò, tôi tìm hiểu và được kể rằng Cromer bắt đầu bán hạt dẻ với tấm biển quảng cáo như thế. Ban đầu mọi người nhăn mặt nhìn nhưng rồi họ mua thử, ăn thử và hàng ngàn người bắt đầu thích những hạt dẻ “dở nhất thành phố” của ông. Chẳng bao lâu sau, ông cho in câu quảng cáo đó lên bao giấy đựng hạt dẻ của mình, ông thuê thêm nhiều chú nhóc bán hàng và giao hàng cho ông. Rồi ông ký được hợp đồng bán hạt dẻ độc quyền tại Hội chợ bang Carolina, các cuộc tranh tài thể thao của bang và ngay trong các giải thi đấu của Đại học South Carolina. Ngày nay, Cromer đã là một nhà doanh nghiệp hạt dẻ giàu có và thành công. Tương tự bác Joe, Cromer cũng luôn nghĩ về hạt dẻ và sống vì hạt dẻ, nhưng mục tiêu và cách làm giàu của họ khác nhau nên kết quả cuối cùng cũng khác nhau.
CỦA CẢI ĐẾN TỪ ĐÂU?
Bạn từng nhìn thấy hay nghe thấy có người rất giàu nhưng có kẻ lại rất nghèo, bất kể họ đều là bác sĩ, luật sư, người bán hàng, mục sư … Vậy, sự khác biệt nằm ở đâu, con người hay nghề nghiệp? Tôi xin nói rằng nó nằm ở con người trước tiên và sau đó mới đến nghề nghiệp. Nghề nghiệp chỉ tạo ra cơ hội khi mỗi cá nhân chúng ta nỗ lực hết sức mình. Nghề nghiệp chuyên môn không làm bạn thành công hay thất bại mà chính là cách bạn nhìn nhận bản thân và nghề nghiệp của mình mới quyết định điều đó.
Lưu ý thứ hai
MỤC TIÊU PHẢI DÀI HẠN
Nếu không có mục tiêu dài hạn, bạn sẽ dễ bị quật ngã bởi những thất bại tạm thời vì không ai quan tâm đến thành công của bạn bằng chính bạn. Đôi khi bạn có cảm giác rằng ai đó đang cản bước tiến của bạn. Kẻ đó, nếu có, chỉ là tạm thời; nhưng chính bạn mới là người có thể cản trở mình vĩnh viễn.
Những khó khăn trong cuộc sống gia đình, bệnh tật, tai nạn bất ngờ hay những tình huống ngoài tầm kiểm soát có thể là những trở ngại lớn nhưng không phải là nguyên nhân cốt tử gây ra thất bại của bạn. Trong chương sau, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách phản ứng tích cực trước những tình huống tiêu cực. Bạn sẽ biết cách biến chúng thành những viên đá lót đường để tiếp tục tiến lên đỉnh thành công. Khi bạn có những mục tiêu dài hạn, điều này càng dễ dàng hơn. Bởi vì khi nhìn được đến đâu, bạn sẽ đi đến đấy và từ điểm đó, bạn lại có một tầm nhìn mới xa hơn nữa. Bạn sẽ không bao giờ có thể bắt đầu bất cứ cuộc hành trình nào nếu bạn cứ chờ cho tới khi tất cả “đèn xanh” đều bật.
Khi đặt ra các mục tiêu dài hạn, bạn đừng nghĩ rằng mọi trở ngại đều phải được thu xếp ổn thỏa trước khi bắt đầu. Bởi vì, nếu kế hoạch của bạn không có trở ngại nào thì mục tiêu của bạn cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Lưu ý thứ ba
BẠN PHẢI HÀNH ĐỘNG MỖI NGÀY ĐỂ TIẾN ĐẾN MỤC TIÊU
Nếu bạn không đặt ra những mục tiêu nhỏ, cụ thể mỗi ngày thì bạn chỉ là người mơ mộng. Hãy làm người có hoài bão bằng cách xây nền cho các giấc mơ của mình qua những hành động cụ thể đều đặn mỗi ngày để đạt tới mục tiêu. Charlie Cullen nói rằng: “Cơ hội để trở nên vĩ đại không đến như dòng thác cuồn cuộn đổ mà chảy chầm chậm từng giọt một”.
Muốn đạt được những điều vĩ đại, bạn phải hoàn tất những mục tiêu nhỏ mỗi ngày. Vận động viên cử tạ phải tập luyện hằng ngày và tăng dần trọng lượng tạ để có thể phá kỷ lục. Các bậc cha mẹ nuôi dưỡng con cái nên người đều biết rõ rằng tính cách và niềm tin của con cái được xây dựng hằng ngày qua nếp sống gương mẫu của họ. Nếu bạn muốn thay đổi hoàn cảnh, bạn phải thay đổi con người của bạn trước.
Mục tiêu hằng ngày chính là thước đo đánh dấu tiến trình đi tới thành công của bạn và là nhà xây dựng nhân cách tốt nhất. Đó là nơi để bạn thể hiện sự cống hiến, tính kỷ luật và lòng quyết tâm thực hiện mục tiêu dài hạn của mình. Các chương sau đây đặc biệt hữu ích vì nó giúp bạn xây dựng thói quen làm việc hướng tới mục tiêu mỗi ngày.
Lưu ý thứ tư
MỤC TIÊU PHẢI CỤ THỂ
Để lên tới đỉnh thành công, bạn phải xác lập mục tiêu cuối cùng và một loạt các mục tiêu “từng chặng”. Và tất cả các mục tiêu lớn, nhỏ đều phải thật cụ thể, rõ ràng và khả thi. Nếu dùng kính lúp di chuyển khắp bề mặt một đống giấy vụn thì bạn sẽ không bao giờ làm nó cháy được, nhưng nếu bạn tập trung chiếu vào một điểm, năng lượng mặt trời được hội tụ và làm bùng cháy lên một ngọn lửa mà bạn cần. Dù bạn là người có năng lực và sức mạnh nhưng nếu bạn không biết tập trung và duy trì cho một mục tiêu nhất định, bạn sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được việc gì cả. Người thợ săn bắn được chim không phải do bắn cả bầy cùng một lúc mà do anh ta ngắm bắn mỗi lần từng con một.
Nếu mục tiêu của bạn là có một ngôi nhà đẹp và bề thế, làm một công việc lương cao, cho con cái theo học trong một ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt hơn, bán hàng nhanh hơn, đóng góp nhiều hơn cho xã hội, hoặc làm một người chồng/người vợ, người cha/người mẹ tốt hơn… thì đó là những mục tiêu chung chung, thiếu cụ thể.
Chẳng hạn, thay vì một ngôi nhà “đẹp” và “bề thế”, bạn cần xác định “đẹp” đến mức nào (làm bằng gỗ rừng cao cấp, bê tông, đá gra-nít hay gạch nung? Cửa chính bằng gì? Cửa sổ kiểu nào, Anh, Ý, Pháp hay Nhật? Nội ngoại thất trang bị như thế nào, sơn màu gì?…), và rộng bao nhiêu mét vuông, 300, 500 hay 5.000 mét vuông? Bao nhiêu phòng? Có thảm cỏ, hồ bơi, tiểu đảo, thác nước hay không?… Mọi thứ phải chi tiết đến mức bạn có thể tính ra tiền được. Vì chỉ khi nào bạn “quy đổi” ước mơ về một ngôi nhà to đẹp ra tiền thì bạn mới xác lập mục tiêu tài chính cụ thể được. Rồi căn cứ vào đó bạn mới xem xét khả năng “cày cuốc”, khả năng kinh doanh hay khả năng vay mượn của mình để biết được ngày tháng năm nào ước mơ của bạn sẽ trở thành sự thật.
Chẳng hạn, sau khi cụ thể hóa tất cả mọi yếu tố về ngôi nhà mơ ước của bạn, bạn thấy rằng “giấc mơ” đó trị giá 500.000 đô-la. Hiện tại bạn có 200.000 đô-la trong tài khoản cá nhân; với uy tín của mình, bạn có thể vay ngân hàng 300.000 còn lại để “mua” căn nhà ấy ngay lập tức. Tuy nhiên, để sở hữu nó thực sự, giả sử mỗi tháng bạn có thể dành ra 2.000 đô-la để trả nợ ngân hàng, thì phải hơn mười hai năm rưỡi sau bạn mới có thể đường hoàng nói rằng: “Đó là căn nhà của tôi!”. Tôi nói hơn mười hai năm rưỡi là vì bạn còn phải trả thêm phần lãi cho số tiền đã vay nữa.
Vậy, khi xác lập mục tiêu, bạn cần ghi nhớ những từ đơn giản này: CHÍNH YẾU – DÀI HẠN – MỖI NGÀY – CỤ THỂ.
MỤC TIÊU CÓ THỂ MANG TÍNH TIÊU CỰC HAY KHÔNG?
Hẳn nhiên là “Có”, vì một trong ba lý do sau. Thứ nhất, mục tiêu sẽ trở thành tiêu cực khi bạn không phải là “kiến trúc sư” cho sự thành công của mình mà trông chờ ở sự “may rủi”. Thứ hai, thiết lập mục tiêu quá lớn và phi thực tế. Thứ ba, mục tiêu nằm ngoài khả năng của bạn, hoặc chỉ để thỏa mãn yêu cầu của người khác.
Trong đó, lý do quan trọng nhất chính là đặt mục tiêu quá lớn hoặc phi thực tế. Nhiều người cố ý đặt mức phấn đấu cao một cách vô lý để lấy đó làm lý do bào chữa nếu gặp thất bại. Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng những mục tiêu như thế sẽ tạo nên một tâm lý hết sức tiêu cực trong việc hoàn thành những mục tiêu khác trong tương lai, thậm chí còn tác động mạnh mẽ tới chính bạn, làm bạn chỉ muốn buông xuôi. Vậy, hãy đề ra các mục tiêu chính yếu – dài hạn – cụ thể nhưng trong tầm tay của bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.