Vươn đến sự hoàn thiện

CHƯƠNG 15 – DUY TRÌ THÁI ĐỘ TÍCH CỰC



TÌM HIỂU VỀ NGÂN HÀNG TÂM TRÍ

Tâm trí chúng ta tựa như một mảnh đất màu mỡ cùng với một khả năng tưởng tượng phong phú nên bất cứ điều tích cực hay tiêu cực nào khi được gieo vào đó cũng sẽ sinh sôi và phát triển rất nhanh. Mặt khác, tâm trí còn hoạt động như một ngân hàng và bất cứ ai cũng có thể gửi vào tâm trí bạn những tài khoản tích cực hoặc tiêu cực. Tuy nhiên chỉ có bạn là người duy nhất có quyền quyết định ai được phép rút vốn ra khỏi ngân hàng tâm trí của bạn. Điểm khác biệt giữa tài khoản trong ngân hàng và tài khoản trong tâm trí là tài khoản ngân hàng sẽ bị giảm dần sau mỗi lần rút tiền trong khi tài khoản tâm trí càng tăng thêm sau mỗi lần chúng ta thực hiện một lệnh “giao dịch”.

Trong ngân hàng tâm trí có hai thủ quỹ và cả hai đều tuyệt đối vâng lệnh bạn. Thủ quỹ tích cực lo việc thu, chi các khoản tích cực, còn thủ quỹ tiêu cực chuyên chi, thu các khoản tiêu cực.

Chính vì bạn là người chủ ngân hàng tâm trí đó nên bạn có toàn quyền kiểm soát các khoản thu chi của ngân hàng. Các khoản thu vào thể hiện tổng số trải nghiệm của bạn và các khoản chi ra chi phối mức độ thành công và hạnh phúc của bạn. Và, một điều hiển nhiên là bạn không thể rút ra từ tài khoản mà bạn chưa gửi vào lần nào.

Mỗi lần thực hiện giao dịch chỉ liên quan đến một thủ quỹ duy nhất mà thôi. Khi đứng trước một vấn đề cần giải quyết, nếu bạn làm việc với người thủ quỹ tiêu cực, anh ta/cô ta sẽ nhắc lại những giải pháp tồi tệ mà trước đây bạn đã chọn và tiên đoán những nguy cơ có thể xảy đến. Nếu tư vấn thủ quỹ tích cực, anh ta/cô ta sẽ hồ hởi kể lại những lần bạn đã giải quyết thành công vô số vấn đề còn phức tạp hơn bây giờ, không những vậy anh ta/cô ta còn đưa ra những trường hợp cho thấy bạn xử lý tình huống rất tài tình và thông minh để chứng tỏ rằng bạn hoàn toàn có thể khắc phục trở ngại này. Cả hai thủ quỹ này đều làm đúng trách nhiệm của họ bởi vì dù bạn nghĩ mình làm được hay không thì trong trường hợp nào bạn cũng đều đúng cả.

Tất nhiên bạn vẫn biết rằng mình chỉ nên làm việc với người thủ quỹ tích cực thôi, song trên thực tế bạn lại ít khi thực hiện được như vậy. Bạn thường có khuynh hướng rút ra những khoản vừa mới gửi vào, bất kể đó là tài khoản tích cực hay tiêu cực, thế nên giá trị tài khoản chủ yếu bị ảnh hưởng bởi những khoản rút ra. Tôi xin hỏi rằng những khoản mà bạn đã gửi vào là thật thà hay giả dối? Là đúng với những chuẩn mực đạo đức hay chưa? Là bảo thủ hay phóng khoáng? Là lãng phí hay tiết kiệm? Là liều lĩnh hay cẩn trọng? Là biếng nhác hay siêng năng? Là tích cực hay tiêu cực?

NÊN GỬI VÀO TÀI KHOẢN TÍCH CỰC HAY TIÊU CỰC?

Sự thật là bạn vừa đồng thời thu nạp những thông tin tích cực lẫn tiêu cực vào tâm trí mình. Với những người chỉ biết bàn lùi, luôn khẳng định rằng bạn không thể làm được điều này, điều nọ, thường xuyên đưa ra những lý do làm ảnh hưởng đến sự quyết tâm của bạn… thì bạn lại chẳng có động thái gì ngăn cản hành động của họ. Mọi tư tưởng du nhập vào tâm trí đều gây ra những tác động trong một chừng mực nào đó. Chẳng hạn, dù đã dày công nghiên cứu bệnh cảm lạnh thông thường nhưng các nhà khoa học vẫn không sao hiểu được cặn kẽ cơ chế gây bệnh hoặc cách điều trị căn bệnh ấy, song có một điều hiển nhiên là khi con người bị suy sụp tinh thần, họ sẽ rất dễ bị cảm lạnh. Vậy là lối suy nghĩ tiêu cực cũng gây ra không ít rắc rối, phải không bạn? Tiến sĩ Norman Vincent Peale nói rằng: Cách suy nghĩ tích cực luôn đem lại những hiệu quả tích cực. Năm 1969, Charles Ritter, một cư dân sống tại Sac City thuộc bang Iowa mắc bệnh ung thư thận và phải cắt một quả thận. Ba tháng sau, hai lá phổi của ông cũng bị ung thư ác tính. Do thể lực ông quá yếu không thể chịu đựng một cuộc phẫu thuật nên các bác sĩ ở bệnh viện Mayo đề nghị ông thử dùng loại thuốc đang thí nghiệm. Kết quả từ các nghiên cứu trước đây cho thấy loại thuốc này có chút hiệu nghiệm với những người trên 60 tuổi và khả năng thành công vào khoảng 10%. Vậy mà nó đã tỏ ra tương thích với cơ thể của Charles. Ông sống thêm được sáu năm rồi chết vì bệnh suy tim. Khi các bác sĩ giải phẫu tử thi, họ không tìm thấy dấu vết ung thư nào cả bên trong cơ thể của Charles!

TÌM HIỂU VỀ MỘT CĂN BÊåNH VÔ CÙNG NGUY HIỂM

Hiện nay trong vô vàn căn bệnh chưa tìm ra biện pháp chữa trị, có một căn bệnh mà bất kỳ ai, dù thuộc chủng tộc hay tôn giáo nào, cũng có thể mắc phải. Người mắc bệnh này bị suy sụp cả về tinh thần lẫn thể chất, hôn nhân ly tán, phải sớm từ giã cõi đời, không ít con trẻ rơi vào tình cảnh mồ côi cha mẹ, tình trạng thất nghiệp gia tăng nhanh chóng, số người nghiện rượu và ma túy tăng nhanh dẫn đến tỷ lệ tội phạm cũng tăng theo. Điều đáng nói là căn bệnh này có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Căn bệnh khủng khiếp ấy mang tên “bệnh vô cảm”, bắt nguồn từ “cách suy nghĩ tồi tệ”. May mắn thay hiện đã có thuốc đặc trị cho căn bệnh nguy hiểm này và có cả thuốc chủng ngừa giúp bạn miễn nhiễm căn bệnh ấy nữa.

Vấn đề mà xã hội đang phải đương đầu chính là có rất nhiều người thường xuyên tiếp xúc căn bệnh này nhưng lại không chịu chủng ngừa – dù rằng loại thuốc chủng ngừa đó là hoàn toàn miễn phí, không gây đau đớn khi uống vào và dễ dàng tìm thấy ở bất cứ đâu. Và chính bạn cũng có thể là một trong số người có nguy cơ mắc bệnh! Vậy bạn hay những người này nên làm gì để bảo vệ bản thân? Sau đây là bản cam kết mà sau ba tuần thực hiện, tôi tin chắc là bạn sẽ tìm thấy nghị lực để sống một cuộc sống đầy hưng phấn và say mê.

THỰC HIỆN CAM KẾT

Mục đích của bản cam kết là nhằm khơi dậy cảm xúc say mê trong bạn. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ khi làm việc nhiệt tình thì bạn mới thấy hứng khởi với công việc. Hãy làm ra vẻ như bạn đã thực sự có được một tính cách tốt mà bạn muốn, dần dần nó sẽ trở thành một phần của con người bạn. Kết quả mà bạn nhận được khi làm theo những điều cam kết không chỉ thể hiện qua trạng thái phấn chấn ngay tức thì mà còn là ở thái độ sống đúng đắn trong mọi trường hợp. Vì thế, lúc nào bạn cũng tràn đầy sức sống và luôn trong tâm thế sẵn sàng. Sự say mê đó nhanh chóng lan truyền sang nhiều phương diện khác nhau trong cuộc sống của bạn. Bạn nhận thấy rằng mình dễ dàng đạt được nhiều mục tiêu hơn, có nhiều cơ may đến với mình hơn và được nhiều người giúp đỡ hơn. Không những vậy, mọi người xung quanh bạn cũng cảm nhận và chịu sự tác động của những thay đổi này.

Bước Một

THAY ĐỔI CÁCH THỨC DẬY VÀO BUỔI SÁNG

Đa số chúng ta thường bắt đầu một ngày mới giống hệt như ngày hôm qua – một ngày mà chúng ta chẳng hề thích thú chút nào. Chúng ta luôn rên rỉ: “Ôi, đã sáng rồi à? Mình chỉ mới ngủ được một chút thôi mà!” khi chuông đồng hồ reo lên mỗi sáng. Cứ thế, ngày tồi tệ này nối tiếp một ngày tồi tệ khác. Chỉ khi nào bạn thay đổi cách khởi đầu một ngày mới thì những điều thú vị mới có thể đến với bạn.

Trước tiên bạn hãy ấn nút tắt chuông đồng hồ báo thức khi nó vừa reo lên và cương quyết ngồi thẳng dậy đồng thời vừa vỗ tay, vừa nói: “Hôm nay trời đẹp quá! Mình phải tận hưởng những cơ hội mà cuộc sống ban tặng cho mình!”. Rồi bạn có thể ngân nga một bài hát quen thuộc nào đó trong khi đánh răng rửa mặt. William James nói rằng: “Chúng ta không ca hát vì thấy mình hạnh phúc mà tìm thấy hạnh phúc khi ca hát”. Thế nên ít người nghĩ đến những chuyện tiêu cực khi họ đang hát.

Kế đến, bạn hãy chia sẻ với người thân về sự hấp dẫn của bữa ăn sáng, chẳng hạn như: “Ái chà, thịt muối chiên ăn với trứng và yến mạch thì ngon phải biết!”. Có thể bạn đã phải liên tục ăn món đó suốt ba ngày qua nhưng câu nói đó khiến vợ bạn rất hạnh phúc và chắc chắn cô ấy sẽ cố gắng nấu ngon hơn vào sáng mai. Tất cả mọi phân tích, lập luận đều không thay đổi được cảm xúc, nhưng hành động thì có thể tạo nên một cảm xúc mới. Nhờ vào sự hân hoan đón chào ngày mới của bạn mà những người xung quanh bạn cũng cảm thấy phấn chấn theo. Không những vậy, những cảm xúc tích cực này còn giúp khắc phục tính hay trì hoãn – một khuyết điểm khá phổ biến của con người. Mọi cuộc hành trình đều khởi đầu bằng một bước nhỏ đầu tiên. Nếu muốn có một cuộc sống lạc quan và hạnh phúc thì hãy khởi đầu ngày mới của bạn bằng một cái nhìn thật yêu đời và mới mẻ.

Bước Hai

THIẾT LẬP NHỮNG BIỂU TƯỢNG RIÊNG

Chúng ta vẫn quen gọi tên những chốt đèn đặt tại các giao lộ là đèn “đỏ”, hay đèn “dừng”. Cách gọi này quả là tiêu cực vì trên thực tế, các đèn tín hiệu giao thông này là để giúp chúng ta “đi” chứ đâu có “dừng” lại bao giờ! Vậy, chúng ta phải gọi chúng là đèn “đi” mới đúng!

Người ta thống kê rằng trung bình một người Mỹ mất 27 giờ mỗi năm để làm công việc “chờ” đèn xanh trước các giao lộ. Ban có biết họ “dành” ra 27 giờ như thế để làm gì không? Nói chung là để họ làm ba việc. Một là, họ bấu chặt vào vôlăng để bảo đảm rằng chiếc xe của họ sẽ không lao về phía trước trong khi đèn đỏ. Hai là, họ bặm môi, phùng mang trợn má như có thể “khiển” được đèn xanh. Cuối cùng và quan trọng nhất là, họ dậm chân vào cần ly hợp và nhấp nhấp chân ga, rồ máy ầm ầm như thể việc đó sẽ làm cho đèn xanh đến nhanh hơn!

Thay vì vậy, mỗi khi dừng xe chờ tín hiệu, tại sao bạn không thử nhìn đèn “đi” và tâm tình với nó: “À, ngươi đứng đấy là để giúp ta di chuyển an toàn hơn và không bị tắt đường kẹt xe phải không?”. Và, bạn đặt tên đó là đèn “đi”. Cách xưng hô này giúp bạn nhận ra rằng chúng ta có thể nhìn sự việc một cách thật vui vẻ và hài hước, từ đó tâm trạng của bạn cũng không còn nặng nề nữa. Một người bạn của tôi không bao giờ gọi ngày cuối tuần là “week-end” (trong tiếng Anh, từ “week” nghĩa là tuần lễ) vì nó đồng âm với từ “weak” (“yếu đuối”), anh cho rằng gọi như vậy sẽ gợi lên những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Thay vào đó, anh gọi ngày cuối tuần là “Strong End” (strong: mạnh mẽ). Những lời nói hay hành động này tuy đơn giản nhưng lại có khả năng khơi dậy những suy nghĩ tích cực, thúc đẩy hành động tích cực và đưa đến kết quả tích cực.

Bước Ba

KHẲNG ĐỊNH TÂM THẾ “KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG THỂ!”

Mọi loài khi sinh ra vốn đã có bản năng sinh tồn. Trước khi mùa đông đến, chú sóc nhỏ sẽ tích trữ các quả hạt khô để làm lương thực dự trữ dù rằng có thể chú ta không đủ sức sống sót qua mùa đông giá rét đó. Hay một nàng thiên nga bé bỏng tuy chưa hề biết đến cái giá buốt của mùa đông, vậy mà khi đông về cô nàng lại tung cánh tìm đàn bay về phương Nam ẩn náu. Quy luật sinh tồn bảo muôn loài làm những điều như thế. Bản năng sinh tồn của con người còn mạnh mẽ hơn và điểm khác biệt là chúng ta có thể tự điều chỉnh hướng đi cho bản thân – nhất là trong những lúc đi lệch khỏi lộ trình đã vạch sẵn. Chúng ta không nhất thiết phải bắt đầu lại từ đầu mà chỉ cần điều chỉnh một chút và rồi tiếp tục đi tới đích.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.