Vươn đến sự hoàn thiện

CHƯƠNG 10 – CÁC MỤC TIÊU CÓ THỰC SỰ CẦN THIẾT TRONG CUỘC SỐNG CỦA BẠN?



Câu trả lời tất nhiên là “Có”, và vô cùng cần thiết. Theo tôi, tựu trung con người thường có bảy loại mục tiêu khác nhau thuộc các mặt vật chất, tinh thần, tâm linh, cá nhân, gia đình, nghề nghiệp và tài chính. Trong quyển sách này, tôi nói về mục tiêu tài chính nhiều hơn các loại mục tiêu khác, đơn giản chỉ vì tiền bạc là thước đo các loại hàng hóa, dịch vụ mà con người tạo ra. Và hơn thế nữa, khi bạn xác lập mục tiêu kiếm được nhiều tiền hơn, bạn sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho người khác, và điều đó thật tuyệt vời. Nhiều người cho rằng tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội lỗi. Riêng tôi thì nghĩ rằng tôn thờ tiền bạc mới là cội rễ của mọi tội lỗi.

Với những mục tiêu rõ ràng và cụ thể, bạn luôn xem mình đang thực hiện một sứ mệnh đặc biệt chứ không phải là một kẻ lang thang vô định và bạn sẽ có cơ hội khám phá những khả năng còn tiềm ẩn của bản thân. Người sống không mục tiêu cũng giống như một con thuyền đứt dây trôi dạt vô phương để rồi rơi vào tâm trạng chán nản, thất vọng và thất bại. Nhà tự nhiên học nổi tiếng người Pháp John Henry Fabre từng thực hiện một thí nghiệm lý thú trên loài sâu Processionary (loại sâu chỉ biết bám đuôi con đầu đàn), ông đặt chúng bò nối đuôi nhau men theo vành miệng của một bình hoa thành một vòng tròn khép kín. Giữa bình ông đặt rất nhiều lá thông (thức ăn ưa thích của loại sâu này). Thế là con này bò nối đuôi con kia liên tục hết ngày này sang ngày khác. Sau bảy ngày bảy đêm, chúng kiệt sức và rơi xuống đáy bình chết trong đói khát ở một nơi chỉ cách nguồn thức ăn chưa đầy 15 cm. Chúng chết vì không thể phân biệt được hành động (activity) và việc hoàn thành một mục đích (accomplishment).

Không ít người trong chúng ta cũng có những sai lầm tương tự, kết quả là chúng ta chỉ gặt hái được rất ít thành quả so với những gì mà chúng ta đáng được hưởng. Chúng ta mù quáng làm theo số đông mà không suy xét đến kết quả hay mục tiêu gì. Chúng ta vẫn thích hành động theo bản năng và thói quen với tâm lý “vì ai cũng làm thế trong trường hợp đó!”.

Số cơ hội mà cuộc sống mang đến cho mỗi chúng ta là ngang bằng nhau và chỉ những ai đã dự tính trước mục tiêu cần hướng tới mới có thể nắm bắt những cơ hội đó. Trên thực tế, chỉ có 3% người Mỹ cam kết theo đuổi mục tiêu đến cùng. Nguyên nhân 97% bỏ cuộc là do họ:

1 – Có ý thức về việc lập mục tiêu nhưng chưa từng được chỉ dạy về điều này.

2 – Không biết phải lập mục tiêu như thế nào.

3 – Vẫn còn do dự vì sợ rằng mình sẽ thất bại.

4 – Băn khoăn không biết năng lực bản thân có đáp ứng được mục tiêu hay không

5 – Xây dựng hình ảnh bản thân kém.

6 – Không dám nói lên mong ước của bản thân.

Con tàu neo đậu trong bến cảng chắc chắn sẽ an toàn hơn so với con tàu đang lênh đênh trên biển. Chiếc máy bay khi đậu dưới mặt đất hẳn sẽ an toàn hơn so với khi đang bay trên trời cao. Tuy nhiên, theo thời gian con tàu neo đậu ấy sẽ bị bám đầy rong rêu, chiếc máy bay xếp cánh kia sẽ bị han gỉ nhanh hơn. Điều đó cũng giống như chúng ta, cảm giác lo sợ bị cười nhạo khi mắc sai lầm khiến chúng ta không dám theo đuổi mơ ước của mình và chỉ dám thổ lộ mơ ước đó với một ít người mà ta thật sự tin cậy. Vị trí thích hợp nhất với con tàu là ở ngoài biển khơi, của chiếc máy bay là trên những tầng mây và của bạn là để hoàn thành một mục đích sống. Bạn sinh ra trên đời này là để thực hiện một sứ mệnh – đó là hoàn thiện bản thân và đóng góp cho nhân loại. Viết quyển sách này cũng chính là một trong những cách giúp tôi hoàn thành sứ mệnh của mình.

Không mục tiêu – không động lực! Hẳn bạn đã từng một lần xem bóng đá? Giả sử ở hai phía cuối sân, người ta không đặt một cầu môn (goal) nào, theo bạn trận đấu có thể diễn ra được không? Cầu thủ hai đội có chịu trình diễn cho các bạn một trận cầu đẹp mắt bằng những cú “bắn phá” ngoạn mục vào khung thành của nhau không? Và cả bạn nữa, những khán giả cuồng nhiệt, có chịu trả tiền mua vé vào xem một trận đấu mà bạn biết chắc rằng không có kết quả thắng – thua không? Vì thế, tôi xin khẳng định với bạn rằng: “No Goals – No Game”[21].

“NGÀY MAI CHÚNG TA SẼ ĐI NGHỈ MÁT!”

Giả sử một người bạn thân gọi điện thoại cho bạn và rủ rê: “Này cậu, 8 giờ sáng mai bọn này sẽ bay đến Acapulco[22] và ở lại đó 3 ngày. Cậu có muốn đi không? Hiện tại còn hai chỗ trống, cậu sẽ chẳng phải tốn đồng nào cả! Sếp mình sẽ đưa mọi người đi bằng máy bay riêng của ông ấy và chúng ta sẽ ăn nghỉ tại biệt thự riêng của ông ấy ngay bên bờ biển”.

Phản ứng đầu tiên của bạn là: “Ồ, tuyệt quá!”. Nhưng rồi bạn nghĩ lại: “Nhưng mình còn nhiều việc phải làm lắm, không biết có thu xếp kịp không?”. Bạn còn đang do dự thì may mắn thay, người vợ thông minh của bạn chợt nảy ra một sáng kiến. Thế rồi hai vợ chồng bạn hội ý với nhau. Bạn liệt kê ra tất cả những việc cần phải hoàn tất theo thứ tự ưu tiên rồi giao lại cho cô trợ lý. Chỉ ít phút sau, bạn vui mừng thông báo cho người bạn thân của mình: “Ngày mai chúng tớ sẽ cùng đi với các cậu!”.

Bạn thấy không, nếu không thu xếp như thế, hẳn là bạn sẽ không có cơ hội tận hưởng một chuyến nghỉ mát tuyệt vời ở Acapulco. Thế thì tại sao mỗi ngày bạn lại không thu xếp công việc như thể ngày mai bạn sẽ đi Acapulco? Cách nghĩ này khiến bạn phải hoạch định, phân công và thực hiện công việc sao cho thật hiệu quả. Có nhiều người thường ước ao một ngày có 26 giờ đồng hồ để có đủ thời gian làm những việc cần thiết trong khi vấn đề chính của họ lại là không đề ra giải pháp cụ thể, từng bước. Song, vẫn có không ít người không biết phải làm gì ngoài việc giết thời gian bằng những việc làm vô bổ. Thời gian là đồng minh hay trở thành một kẻ gây khó dễ cho bạn hoàn toàn tùy thuộc ở mục tiêu và lòng quyết tâm của bạn trong việc sử dụng nó.

SỨC MẠNH CỦA MỤC TIÊU

Tại các viện an dưỡng và dưỡng lão, trước các ngày lễ lớn hoặc những ngày đặc biệt như kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật, người ta nhận thấy tử suất giảm rõ rệt. Nguyên nhân không liên quan đến một căn bệnh bí hiểm nào hay do sự thay đổi đột ngột của thời tiết mà chỉ vì có rất nhiều ông cụ bà lão ước mong được tận hưởng không khí của một mùa Giáng sinh nữa, được ở bên người thân thêm một lần trong kỷ niệm ngày cưới có thể là cuối cùng của họ… Và sau khi “mục tiêu” quan trọng ấy đã đạt được, khát vọng sống của họ giảm bớt và tử suất tức thì tăng lên. Với họ và có lẽ với tất cả chúng ta, cuộc sống chỉ có ý nghĩa và đáng sống khi chúng ta có một mục đích sống rõ ràng.

Maxwell Maltz viết trong quyển Psycho–Cybernetics rằng con người hoạt động như một chiếc xe đạp, nếu anh ta không liên tục tiến về mục tiêu – đích đến – của mình, anh ta sẽ loạng choạng và té ngã.

Julie rất thích đua ngựa và cô hy vọng rằng chú ngựa Irish yêu quý sẽ đoạt giải trong cuộc đua cấp thị trấn. Ấy vậy mà Irish không hề mang về cho cô một giải nào, không những thế nó còn ba lần không chịu vượt qua cái rào mà thường ngày nó vẫn nhảy qua một cách dễ dàng để rồi bị loại khỏi cuộc thi.

Cô bé Julie khi đó 16 tuổi quyết định không chịu thua, cô đặt mục tiêu phải lấy bằng được giải đó. Thế là Julie bán Irish, tìm kiếm trên báo chí và lùng sục khắp vùng để mua một chú ngựa có thể biến ước mơ của cô thành sự thật. Sau cùng cô tìm thấy Butter Rum, một chú ngựa thiến thuần chủng 2 năm tuổi. Julie đã phải làm việc cật lực để trả hết tiền mua Butter Rum sau đó và thuê người huấn luyện chú ta. Giờ thì Julie rất hài lòng và hãnh diện khi nhìn những tấm huy chương treo trên tường nhà bởi chúng rất xứng đáng với nỗ lực của cô. Khao khát có được một chú ngựa đoạt giải giúp Julie xác định rất rõ những mục tiêu cần phải thực hiện và cô luôn cảm thấy hạnh phúc vì biết rằng những điều mình làm là thực sự cần thiết.

Có lần khi bay ngang qua thác Niagara[23], tôi bỗng tự hỏi phải có đến hàng ngàn năm qua, con thác này đã đổ xuống hàng triệu tỷ mét khối nước như đổ vào hư không. Cho tới một ngày, một con người khôn ngoan xuất hiện với một kế hoạch trong tay và sau đó đã biến một phần sức mạnh của con thác này thành những điều hữu ích. Anh ta hướng dòng chảy của nó vào những tuốc-bin và kỳ lạ thay hàng triệu kilô- oát giờ điện được sản xuất ra, kéo theo nó là hàng triệu ngôi nhà, trường học, bệnh viện được xây dựng và thắp sáng, hàng tấn nông sản được làm tăng thêm giá trị, hàng triệu công việc được tạo ra… Danh sách các lợi ích này là vô tận, tất cả là nhờ có người đã biết “uốn nắn” sức mạnh của con thác này vào một mục đích cụ thể.

Có thể bạn không thể thắp sáng cả thành phố như thác Niaraga, nhưng nếu bạn có những mục tiêu xác định, chắc chắn bạn sẽ phát huy được tối đa sức mạnh của mình và mọi kỳ tích sẽ bắt đầu từ đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.