Vươn đến sự hoàn thiện

CHƯƠNG 7 – CÁCH THỨC NHÌN NHẬN NGƯỜI KHÁC



BIẾT NHÌN VÀO ƯU ĐIỂM CỦA NGƯỜI KHÁC

Nhiều năm về trước, một cuộc khảo sát được tiến hành trên 100 nhà triệu phú từ 21 đến 70 tuổi gồm mọi trình độ, từ tiểu học đến tiến sĩ, với đủ loại tính cách. Tất cả họ đều xây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Phần lớn họ xuất thân từ các vùng, miền ít dân cư, điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy nhiên điểm giống nhau duy nhất ở họ là tất cả đều là những người luôn nhìn thấy ưu điểm của người khác dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Có một cậu bé, trong lúc tức giận, đã hét vào mặt mẹ mình rằng: “Con ghét mẹ!”. Sau đó có lẽ vì sợ bị đánh đòn nên cậu trốn ra đồng và hét thật to: “Tớ ghét cậu! Tớ ghét cậu! Tớ ghét cậu!”. Ngay lập tức có tiếng vọng lại: “Tớ ghét cậu! Tớ ghét cậu! Tớ ghét cậu!” . Nghe thấy thế cậu bé hoảng sợ co giò chạy một mạch về nhà mách mẹ rằng ngoài đồng có một đứa bé “dám” ghét cậu. Người mẹ không nói câu nào, cầm tay con ra đồng và bảo cậu hãy nói to: “Tớ yêu mến cậu, tớ yêu mến cậu”. Cậu bé làm theo lời mẹ và tức thì có tiếng vọng về: “Tớ yêu mến cậu, tớ yêu mến cậu”.

Cuộc đời cũng như một tiếng vọng. Bạn cho đi điều gì thì sẽ nhận lại điều ấy. Dù bạn là ai hay làm việc gì, nếu mong muốn hướng đến một thành công trọn vẹn thì hãy không ngừng tìm kiếm những điều tốt đẹp ở những người mà bạn gặp gỡ. Bạn hãy xem đó là một trong những nguyên tắc sống của mình. Việc nhìn nhận một người có giá trị một mặt tác động tích cực đến cách chúng ta đối xử với họ, mặt khác giúp họ tự tin và nỗ lực nhiều hơn trong việc thể hiện mình.

SỨC MẠNH CỦA LỜI KHEN NGỢI CHÂN THÀNH

Bạn nên tuyên dương, khen ngợi những điều tốt của những người xung quanh, bởi khi đó sức mạnh của lời nói mới phát huy tối đa tác dụng. Được sự hỗ trợ của thầy hiệu trưởng trường trung học Bay City bang Texas, Barry Tacker phát động một chương trình đánh giá những điểm tốt của học sinh trong trường, một điều mà các thầy cô ít khi để ý đến dù các em học sinh có rất nhiều hành vi và thái độ tích cực.

Sau khi năm học kết thúc, có đến hơn 500 em được đánh giá là tốt. Thầy Tacker cho biết việc đánh giá đó mang lại kết quả như sau:

HẸN BẠN TRÊN ĐỈNH THÀNH CÔNG

1- Các học sinh tốt được công nhận.

2- Học sinh biết rằng thầy cô cũng quan tâm đến những điều mình đã làm tốt, chứ không chỉ để ý đến những hành vi sai phạm.

3- Ban giám hiệu biết tên nhiều học sinh chứ không chỉ biết mặt.

4- Học sinh sẽ ngoan hơn vì các em thích được biểu dương, khen ngợi.

5- Thúc đẩy giáo viên quan tâm đến học sinh hơn.

Khi được mời lên văn phòng để nhận bằng khen, các em tỏ ra bối rối lo sợ không biết mình đã vi phạm điều gì chăng? Tuy nhiên, lần này chỉ có những tiếng cười và vỗ tay sau khi thầy Tacker biểu dương những thành tích của các em. Sự công nhận và lời khen chân thành, đúng lúc là biểu hiện của sự quan tâm và tạo ra động lực lớn để người khác tiến về phía trước.

Có lần, tôi tình cờ đọc được một câu chuyện về một cô bé năm tuổi có giọng hát mượt mà trong ca đoàn của một nhà thờ. Càng lớn cô hát càng hay và được nhiều nơi mời biểu diễn. Gia đình gởi cô đến một nhà luyện giọng bậc thầy để rèn luyện thêm. Sau một thời gian ngắn, cả hai đều tỏ lòng ngưỡng mộ tài năng của nhau và quyết định đi đến hôn nhân dù tuổi tác hai người khá chênh lệch. Sau đó, người chồng – người thầy vẫn tiếp tục luyện giọng cho người vợ học trò của mình nhưng mọi người bắt đầu nhận thấy giọng hát của cô không còn hay như trước nữa. Rồi chồng cô qua đời và cô từ bỏ nghiệp ca hát. Giọng hát ru hồn ngày nào của cô dần bị lãng quên. Cho đến một ngày, một chàng bán hàng trẻ tuổi tràn đầy sinh lực tỏ tình với cô. Cô cảm thấy yêu đời hơn, đôi lúc còn buột miệng ngân nga hát. Giọng hát tuy không hay như xưa nhưng đủ để làm anh chàng trẻ tuổi ngạc nhiên đến thán phục, chàng nói với nàng: “Tuyệt vời quá! Hát nữa đi em. Thật không có gì sánh được với giọng hát của em!”. Có lẽ lời khen ấy, và cả tình yêu của chàng, đã giúp nàng vượt qua đau buồn để tìm lại giọng hát làm say đắm lòng người của mình. Không biết về sau chàng và nàng có lấy nhau hay không nhưng kể từ đó nàng được vô số nơi mời biểu diễn trở lại và trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Và điều tôi muốn nói đến là lời khen của người bán hàng kia xuất phát từ sự chân thành và nó đã đánh thức một tài năng bị lãng quên.

CHO CON CÁ KHÔNG BẰNG TẶNG CẦN CÂU

Trên đường phố New York, một doanh nhân bỏ vội một đô-la vào chiếc ca đựng tiền của một người ăn xin bán viết chì bên đường rồi rảo bước về phía trạm tàu điện ngầm. Được vài bước ông bỗng quay trở lại và rút vài cây viết chì từ tay người ăn xin, miệng rối rít xin lỗi vì ban nãy ông quá vội. Trước khi quay đi, ông nói: “Anh cũng như tôi, cả hai chúng ta đều hành nghề kinh doanh. Anh bán và tôi mua vì thấy giá cả anh đưa ra rất phải chăng”.

Vài tháng sau, tại một cuộc gặp gỡ các doanh nhân thành đạt, một người bán hàng ăn mặc lịch lãm bước đến bắt tay chào một doanh nhân và tự giới thiệu: “Có lẽ ông không nhớ tôi và tôi cũng chưa được hân hạnh biết tên ông, nhưng tôi không bao giờ quên ông. Nhờ ông mà tôi biết tôn trọng bản thân mình hơn. Tôi chính là người đàn ông bán viết chì mà ông đã gặp ở trạm tàu điện ngầm trước đây. Tôi muốn cảm ơn câu nói của ông vì nhờ đó mà tôi có cơ hội trở thành một người bán hàng thực thụ như hôm nay”.

Thật vậy, chính nhờ nhận xét, góp ý của nhiều người mà một số người đã đạt được những điều mà họ không dám nghĩ đến. Vậy còn bạn? Bạn đã làm được gì cho những người xung quanh mình? Điều tốt đẹp nhất mà chúng ta có thể đem đến cho nhau chính là giúp mỗi người nhận ra những khả năng còn tiềm ẩn. Ở các phần trước, chúng tôi ưu tiên giúp bạn tìm hiểu về mình bởi vì bước đầu tiên đưa bạn đến thành công là nhận biết khả năng của bản thân. Sau đây, chúng tôi sẽ nói đến việc nhận biết khả năng của người khác để từ đó giúp họ khơi dậy và sử dụng khả năng của họ một cách hiệu quả hơn.

CÁCH NGHĨ CHI PHỐI HÀNH ĐỘNG CỦA BẠN

Nhiều năm trước, tiến sĩ Robert Rosenthal ở Đại học Harvard đã hướng dẫn ba nhóm sinh viên thực hiện một thí nghiệm trên ba nhóm chuột. Ông thông báo cho nhóm thứ nhất rằng: “Các bạn rất may mắn vì các bạn được trông coi những chú chuột cực kỳ thông minh. Chúng đi qua mê cung rất nhanh và sẽ tìm thấy rất nhiều pho mát”. Sau đó ông nói với nhóm thứ hai: “Những con chuột của các bạn thuộc loại trung bình. Chúng không phải là những con chuột tinh ranh nhưng cũng không đến nỗi đần độn lắm. Chúng sẽ ra khỏi mê cung và chắc cũng sẽ tìm được một ít pho mát, nhưng tôi khuyên các bạn đừng đặt quá nhiều hy vọng vào chúng”. Và ông nói với nhóm còn lại: “Mấy con chuột này rất ngu ngốc. May mắn lắm chúng mới có thể thoát khỏi mê cung. Tôi nghĩ các bạn chẳng cần phải đặt pho mát trong mê cung vì chúng không tìm được đâu!”.

Sáu tuần sau, ba nhóm sinh viên thu được kết quả đúng như những gì thầy của họ đã dự đoán. Những con chuột thông minh đi qua hết mê cung trong một khoảng thời gian rất ngắn. Những con chuột trung bình cũng ra khỏi mê cung nhưng chậm hơn, còn những con chuột đần độn cứ chạy vòng quanh trong mê cung mà chẳng tìm được lối ra.

Thật ra, ba nhóm chuột này giống hệt nhau, chẳng có con nào thông minh hay ngu ngốc hơn con nào. Tuy nhiên, chính lời nói của vị tiến sĩ đã tạo ra những suy nghĩ và hành động áp đặt của các sinh viên lên lũ chuột. Điều đó khiến cho các sinh viên nghĩ khác về chúng và từ đó cư xử với chúng một cách “khác biệt” trong khi tiến hành thí nghiệm. Một thí nghiệm tương tự như của tiến sĩ Robert Rosenthal tiếp tục được tiến hành trên hai lớp học khác nhau. Một thầy giáo được thông báo rằng: “Thầy may mắn đấy vì nhận được một lớp giỏi. Các em rất thông minh, tuy nhiên thầy cũng nên cẩn thận để tránh bị chúng lừa. Những em lười biếng sẽ tìm cách dụ dỗ để thầy cho ít bài tập về nhà.

Thầy cứ ra bài thật nhiều, chúng sẽ làm được hết. Thầy đừng lo! Nếu chúng có kêu than bài khó thì thầy cũng đừng tin – chỉ cần thầy tin tưởng, yêu thương, nghiêm minh và quan tâm đến chúng đúng mức”. Thầy giáo thứ hai nhận được thông tin: “Các học trò của thầy có học lực trung bình, do vậy chỉ cần chúng đạt được kết quả trung bình là tốt rồi”. Cuối năm học đó, các học sinh do thầy giáo thứ nhất phụ trách vượt xa hơn các học sinh ở lớp trung bình một bậc kiến thức. Thật ra tất cả học sinh ở hai lớp học đều có học lực như nhau và sự khác biệt này bắt nguồn từ thái độ của người thầy. Người thầy đầu tiên nghĩ rằng các học sinh trung bình là xuất sắc nên đã đối xử và đặt niềm tin vào các học trò của mình và các em đã trở nên xuất sắc thực sự. Các em cảm thấy được động viên và cố gắng để không phụ lòng tin của thầy. Cách chúng ta nghĩ về một người quyết định cách ta đối xử với người đó. Cách ta đối xử với một người quyết định tương lai của người đó.

MỘT CẦU THỦ TỒI HAY XUẤT SẮC?

Huấn luyện viên bóng chày Vince Lombardi từng “tống cổ” một cầu thủ của mình ra khỏi sân tập với câu nói: “Nhóc, cậu là một cầu thủ tồi! Cậu chẳng biết ngăn chặn, cản phá hay gây khó dễ đối thủ gì cả! Hôm nay thế là đủ! Cậu ra khỏi sân và đi tắm đi!”. Anh chàng cầu thủ cao lớn cúi đầu sau câu nói và đi vào trong bằng những bước đi nặng nề như đeo tạ. Sau buổi tập, Vince Lombardi vào phòng thay quần áo và nhìn thấy cậu ta ngồi bệt dưới sàn tựa lưng vào tường, đầu cúi gằm, quần áo ướt đẫm. Ông tiến lại gần, quàng tay qua vai cậu ta và nói: “Này nhóc, tôi lặp lại rằng cậu là một cầu thủ tồi! Cậu chẳng biết ngăn chặn, cản phá hay gây khó dễ đối thủ gì cả! Nhưng để công bằng với cậu, tôi cần nói nốt cho cậu nghe điều này: sâu bên trong cậu là một cầu thủ lớn và tôi sẽ theo sát cậu cho tới khi nào cậu thể hiện ra điều đó!”.

Vừa nghe những lời này, Jerry Kramer vụt đứng thẳng người dậy và nhìn vào mắt Lombardi với lòng biết ơn sâu sắc. Về sau anh trở thành một trong những cầu thủ bóng chày hay nhất mọi thời đại trong lịch sử 50 năm đầu tiên của môn thể thao này.

KIỂM CHỨNG NIỀM TIN CỦA BẠN

Trước khi đọc phần này, tôi xin hỏi bạn một vài câu:

Con cái bạn thế nào? Nếu bạn đang làm công việc bán hàng, bạn tiếp xúc khách hàng ra sao? Nếu bạn đang giữ vị trí trưởng phòng kinh doanh, các nhân viên của bạn như thế nào? Nếu bạn là một bác sĩ, bạn từng khám và chữa trị cho những nhóm bệnh nhân nào? Nếu bạn là một chủ doanh nghiệp, các nhân viên của bạn hiện ra sao? Nếu là người đã có gia đình, vợ hay chồng bạn là người như thế nào? Tôi hỏi bạn như thế là vì tôi muốn nói đến tác động của thái độ sống trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Có bao giờ bạn giúp các con mình tư duy tốt hơn, dù là chỉ trong năm phút ngắn ngủi? Bạn có giúp các nhân viên của mình quản lý công việc tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn, trau dồi các kỹ năng thường xuyên hơn, dù chỉ là chút ít? Vợ của bạn có duyên dáng hơn nhờ vào những lời góp ý của bạn không?

Nếu những điều trên chưa bao giờ xảy ra thì lỗi là do ở bạn. Bạn không cho rằng các con mình thông minh, không nghĩ rằng nhân viên mình có năng lực, người vợ của mình là đảm đang, xinh đẹp. Hãy đặt niềm tin vào họ, tôi tin họ sẽ trở thành người như bạn nghĩ.

NIỀM TIN QUA ÁNH MẮT

Có một ông cụ muốn sang bờ bên kia sông, nhưng cây cầu duy nhất bắc ngang sông đã bị nước lũ cuốn trôi. Tiết trời lúc ấy lạnh buốt vô cùng. Sau khi đứng đợi hồi lâu, ông cụ mừng rỡ khi nhìn thấy một đoàn kỵ sĩ tiến về phía con sông và chuẩn bị sang sông. Tuy nhiên, ông cụ lại không hề nói gì khi người kỵ sĩ thứ nhất cưỡi ngựa đi ngang qua chỗ ông đang đứng. Đến người thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm… cũng vậy. Mãi đến khi người kỵ sĩ cuối cùng tiến lại gần, ông cụ mới mở lời:

– Cậu có thể cho tôi quá giang qua bên kia không?

Chàng kỵ sĩ đáp ngay:

– Ồ, được chứ, mời cụ lên yên!

Khi hai người đã tới bờ bên kia, trước khi tạm biệt cụ già, chàng kỵ sĩ hỏi:

– Cháu muốn biết tại sao ông không hỏi những người đi trước để quá giang mà lại hỏi cháu?

Cụ già chậm rãi đáp:

– Tại vì khi nhìn vào mắt họ, tôi không cảm nhận được chút tình cảm yêu thương nào nên tôi nghĩ họ sẽ không cho tôi đi cùng. Nhưng cậu thì khác. Ánh mắt cậu chứa đựng sự cảm thông và tôi tin là cậu sẽ giúp tôi. Vì vậy tôi mới hỏi xin cậu.

Nghe vậy, chàng kỵ sĩ cảm ơn ông lão và vững tin tiến về hướng Nhà Trắng. Sau này, anh ta trở thành một trong những vị tổng thống lỗi lạc nhất nước Mỹ. Chàng trai đó chính là Thomas Jefferson. Nếu bạn là người kỵ sĩ cuối cùng trong đoàn quân đó, bạn có tin rằng cụ già sẽ mở lời xin bạn cho ông ấy quá giang không?

Bạn sẽ nhận được điều tốt nhất khi cho đi điều tốt nhất nơi mình.

NHẬN BIẾT VÀ ĐÁP ỨNG NHU CẦU CỦA NGƯỜI KHÁC

Câu chuyện về hai vợ chồng LaVon và Vern Dragt là một tấm gương điển hình về lòng dũng cảm, sự tâm huyết, và một niềm tin vững chắc rằng sự chân thành và đức tính kiên trì sẽ được đền đáp. Vern là một thợ xây dựng có tay nghề cao. Trong một lần bị tai nạn nghề nghiệp, ông bị liệt vĩnh viễn khi ba đứa con của ông vẫn còn rất nhỏ. Tuy nhiên, Vern đã can đảm chiến đấu chống lại số phận suốt bốn năm liền. Rồi Vern và LaVon cùng nhau thành lập một hệ thống phân phối bao gồm 1.000 đại lý của Tupperware. Ngày nay, hệ thống này có doanh thu hàng năm lên đến 8 triệu đô-la.

Để có được thành quả của ngày hôm nay, hai vợ chồng Vern đã phải vượt qua những khó khăn tưởng chừng như quá sức chịu đựng của con người. Khi Vern bị tai nạn, cả gia đình chỉ biết trông chờ vào số tiền tiết kiệm bấy lâu còn lại. Rồi số tiền đó cũng cạn kiệt và LaVon phải tìm việc làm thuê để có tiền nuôi chồng và các con. Cơ hội đưa bà đến với Tupperware trong một lần tình cờ, bà lập tức quan tâm đến công việc kinh doanh này và quyết định xin vào làm nhân viên ở đây. Thu nhập có được từ công việc này khá cao và ổn định. Dần dần, bà trở nên thạo việc và thu xếp sao cho có thể chăm lo cho gia đình tốt hơn. Từ trải nghiệm của bản thân, bà khám phá ra rằng nhiều gia đình khác cũng gặp phải những vấn đề tương tự, và bà muốn gỡ rối giúp họ. Thế là hệ thống phân phối tại nhà số một ra đời từ ý tưởng đó. Nó giúp cả gia đình nhà Dragt không còn phải lo lắng về tài chính, không những vậy họ còn giúp ích rất nhiều cho xã hội. Nhờ có Vern và LaVon, 125 nhà quản lý và vô số đại lý phân phối lẻ có thu nhập cao hơn, hàng trăm người khác tìm được việc làm và có cuộc sống ổn định. Họ thành công được như ngày hôm nay là nhờ nhận ra những nhu cầu của người khác và cố gắng hết sức để đáp ứng những nhu cầu đó.

CÂU CHUYỆN THIÊN ĐÀNG VÀ ĐỊA NGỤC

Chuyện kể rằng, có một người đàn ông được dẫn đi thăm lần lượt cả thiên đàng lẫn địa ngục. Đầu tiên, ông tham quan địa ngục. Ông hết sức ngạc nhiên vì mọi người đều tề tựu quanh một bàn tiệc chất đầy đủ các loại sơn hào hải vị thơm ngon mà người khó tính nhất cũng khó lòng từ chối. Nhưng nhìn kỹ khuôn mặt của từng người, ông càng ngạc nhiên hơn vì không thấy ai mỉm cười tỏ vẻ hài lòng cả. Tay trái mỗi người được cột một cái nĩa và tay phải được cột một con dao nhưng cả hai đều có cán dài gần một mét nên họ không sao đưa thức ăn vào miệng được. Do đó trông họ xanh xao, ủ rủ và chết đói ngay trên bàn tiệc.

Sau đó, ông được đưa lên thiên đàng. Cảnh vật cũng giống như dưới địa ngục: các món sơn hào hải vị, cũng dao, nĩa có cán dài ngoằng nhưng mọi người rất hân hoan, hạnh phúc. Họ ăn uống no say và trông rất hồng hào khỏe mạnh. Người đàn ông ngạc nhiên tìm hiểu sự khác biệt và cuối cùng tìm ra câu trả lời. Thì ra, ở địa ngục ai cũng cố đút thức ăn vào miệng của mình, nhưng với những cái nĩa và dao quá dài, họ không làm sao ăn được. Trong khi trên thiên đàng thì người này đút thức ăn cho người kia nên ai nấy đều no nê, mãn nguyện.

Giúp người khác là giúp chính mình. Nhận định của bạn về hoàn cảnh và con người là hết sức quan trọng, vì bạn sẽ đối xử với người khác và hoàn cảnh theo nhận định của bạn. Vì thế, tôi xin nhắc lại rằng: Bạn sẽ có tất cả nếu bạn biết giúp người khác đạt được điều họ muốn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.