Vươn đến sự hoàn thiện

CHƯƠNG 4 – 7 NGUYÊN NHÂN CỦA MỘT HÌNH ẢNH TỰ THÂN YẾU KÉM



v

NHỮNG KẺ BỚI LÔNG TÌM VẾT

Đến đây, bạn có thể nhận ra hình ảnh tự thân quan trọng như thế nào. Song, rất nhiều người không thể xây dựng cho mình một hình ảnh tự thân tốt đẹp; vậy lý do nằm ở đâu? Nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu nhất là vì quanh ta có quá nhiều người đang sống thiếu niềm tin vào bản thân và cuộc sống. Chúng ta nhìn thấy một người đàn ông có vòng bụng “đáng nể” vừa ngồi xuống bàn là thốt lên: “Ăn món nào tôi cũng bị lên cân”. Chúng ta nghe thấy một người nội trợ vụng về than vãn: “Dù có dọn dẹp gọn gàng thì ngày mai mọi thứ lại bừa bộn như cũ mà thôi”. Một nhân viên bước vào thưa với sếp: “Tôi không thể hoàn tất công việc đúng hạn được”. Khi đi học về, đứa con buồn bã nói với bố: “Bố ơi, con e rằng con không thể học giỏi toán được!” và người bố an ủi con: “Đừng buồn con trai. Ngày trước bố cũng học dở môn Toán”. Người mẹ chào tạm biệt con gái khi đứa bé chuẩn bị đến trường và dặn dò: “Cẩn thận kẻo bị xe tông nhé con!”. Khi chào hỏi nhau, người ta thường nói: “Mọi chuyện cũng không quá tệ!” hay “Mọi chuyện vẫn ổn vì hôm nay mới chỉ là đầu tuần thôi”.

Nguyên nhân thứ hai khiến lòng tin của chúng ta bị sụt giảm là do cha mẹ, thầy cô, bạn bè và cấp trên không ngừng chê bai, phê phán chúng ta. Những lời phê bình, dù chỉ là bóng gió xa xôi, nhưng nếu lặp đi lặp lại sẽ mang đến tác hại ghê gớm. Đôi khi một nhận xét vô tình cũng đủ khiến bạn mặc cảm và bị tổn thương. Dần dần, chúng ta chấp nhận rằng nhận xét của mọi người là đúng, rằng năng lực, ngoại hình và khả năng tư duy của chúng ta là kém cỏi thật. Điều này đặc biệt có hại trong việc hình thành nhân cách ở trẻ em. Một người mẹ hét toáng lên khi cậu con trai làm vỡ cái ly: “Mẹ chưa thấy ai vụng về như con cả. Con luôn làm đổ bể mọi thứ!” thì quả thật tội nghiệp và oan uổng cho cậu bé, bởi đâu phải nó làm hư hại tất cả những gì nó cầm đến! Hoặc khi có một đứa con nào đó trong gia đình làm điều sai quấy thì ông bố lại mắng: “Thật không thể trông mong gì ở con cái được!”. Cách thức tương tự cũng thường được sử dụng khi chúng ta ứng xử với nhân viên hay đồng nghiệp. Chúng ta thường quy kết một người là không có năng lực nếu chẳng may họ phạm lỗi trong một việc nào đó. Mặc dù tất cả chúng ta đều hiểu rõ sự khác biệt giữa “một lần sai phạm” và “luôn luôn sai phạm” nhưng ít người nhận ra hậu quả của những cách nói như vậy!

Bên cạnh đó, những từ ngữ tiêu cực như “lùn”, “béo”, “sún”, “bất tài”, “cao nghều”, “ngu si”… càng thể hiện rõ hơn nữa một hình ảnh tự thân yếu kém. Đứa trẻ thường xuyên bị la mắng sẽ nghĩ rằng bởi vì nó “xấu xí”, “ngu ngốc”, “vô dụng” nên không được cha mẹ yêu thương, và kể từ đó nó cũng không biết, hoặc không còn quý trọng bản thân mình. Liên quan đến điều này, trong một buổi hội thảo về Những Xung Khắc Trong Tâm Lý Con Trẻ, tác giả Bill Gothard nói rằng các bậc phụ huynh không nên khen ngợi vẻ bề ngoài của một đứa trẻ khác trước mặt con mình vì điều đó sẽ khiến đứa con nghĩ rằng cha mẹ chỉ thương yêu những đứa trẻ xinh xắn, dễ thương; từ đó dẫn đến tâm lý mặc cảm của con. Thay vào đó, cha mẹ nên đề cập đến những đức tính mà họ kỳ vọng ở con mình bằng những câu gợi ý như: “Con thấy bạn ấy giỏi không?” hay “Bạn ấy thật là trung thực”.

Hình ảnh tự thân yếu kém (poor self-image), hay còn được gọi là phức cảm tự ti (inferiority complex), thường theo trẻ suốt từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Và nếu người này ở gần một người khác cũng có những ý nghĩ tiêu cực, tự ti như thế thì vấn đề lại càng trở nên trầm trọng hơn. Do vậy, vợ/chồng không nên và tốt nhất là đừng bao giờ khen một người khác trước mặt chồng/vợ mình vì những lời nói đó sẽ ăn sâu vào tâm trí khiến người bạn đời không còn tự tin như trước, và điều này phần nào làm cho đời sống hôn nhân bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân thứ ba là việc đồng hóa giữa hai khái niệm “một lần thất bại” và “thất bại hoàn toàn” đã trở thành lối mòn trong suy nghĩ của hầu hết chúng ta. Một đứa trẻ học kém một môn nào đó hay không hòa đồng với các bạn dễ bị các giáo viên đánh giá là học lực kém hay hạnh kiểm thấp, và đáng buồn là cha mẹ bé cũng thường đồng thuận với nhận xét đó.

Sự trượt dài trong mặc cảm tự ti sẽ khiến chúng ta thu mình vào vỏ ốc an toàn và luôn e sợ tất cả mọi điều. Tình trạng này biểu hiện rất rõ khi một người tự trách bản thân vì họ không thể nhớ được tất cả nội dung mình mới được nghe hay tên của những người mà họ mới vừa gặp. Thật ra đó là do tình trạng trí nhớ của họ chưa được tập luyện và cũng chính là nguyên nhân thứ tư khiến chúng ta thiếu tự tin. Bạn có thể đọc các tài liệu và bí quyết giúp cải thiện trí nhớ đang được lưu hành khá rộng rãi trên thị trường. Jerry Lucas[6] là một trong những trường hợp điển hình về khả năng nhớ vô tận của con người. Anh đã “ghi” toàn bộ Kinh Thánh vào “bộ nhớ” của mình và viết sách dạy về kỹ năng nhớ. Điều đáng nói là Jerry không phải là một thiên tài. Anh có được khả năng đó là nhờ quá trình khổ luyện và anh cam đoan rằng bạn sẽ thành công một cách ngoạn mục nếu làm theo phương pháp mà anh đã từng áp dụng.

CÔNG BẰNG KHI ĐÁNH GIÁ BẢN THÂN

Nguyên nhân thứ năm xuất phát từ thói quen so sánh kinh nghiệm của bản thân với người khác, và đó là sai lầm của hầu hết chúng ta. Chúng ta thường có khuynh hướng phóng đại thành công của người khác và đánh giá thấp thành công của mình. Thật ra, kinh nghiệm không phải là một kỹ năng (kinh nghiệm có thể giúp tăng cường kỹ năng nhưng đó lại là một chủ đề chúng ta sẽ bàn vào một dịp khác). Chẳng hạn, hơn bốn triệu người Úc có thể lái xe bên trái[7] đường cao tốc một cách dễ dàng trong khi bạn không thể, hay không dám làm như vậy, đơn giản vì đó không phải là thói quen của bạn.

Tương tự như thế, có hơn một tỷ người Trung Quốc có thể làm điều có lẽ bạn không dễ gì làm được. Đó là họ biết nói tiếng Hoa. Vậy, có thể nói người Úc hay người Trung Quốc thông minh hơn bạn không? Nếu bạn đồng ý như thế thì khi bạn đọc quyển sách này bằng tiếng Việt, bạn đã thông minh hơn gần 6 tỷ người khác trên thế giới rồi đấy! Thật ra, điểm khác biệt giữa chúng ta là người này có kinh nghiệm hơn người khác về một hay một vài lĩnh vực nào đó mà thôi.

Khi đi khám bệnh, chắc chắn là bạn rất tin tưởng vào những lời chẩn đoán của bác sĩ. Song cũng chính vị bác sĩ ấy lại không thể giải quyết nổi những vấn đề trong công việc mà bạn đang phụ trách. Tôi tin rằng nếu bạn dành ra mười lăm năm để dùi mài các giáo trình y khoa, nghiên cứu giải phẫu bệnh và thực tập điều trị tất cả các loại bệnh thì bạn cũng có được học vị như người bác sĩ nọ.

MỖI NGƯỜI MỖI VIỆC

Trải nghiệm sau đây sẽ làm rõ hơn điều tôi muốn nói. Khi còn ở Dallas, một lần sau cơn mưa to, tôi phải xuống gara để đánh xe ra phố. Tuy nhiên, do hậu quả của cơn mưa, đường sá trở nên lầy lội và xe tôi đã bị mắc lầy gần nhà. Tôi cố đủ mọi cách trong suốt 45 phút nhằm đưa chiếc xe thoát khỏi vũng lầy, nhưng vô ích. Cuối cùng tôi đành gọi xe cứu hộ. Người tài xế xe cứu hộ đến và sau khi nhìn quanh một vòng, anh ta đề nghị tôi cho anh ta thử lái chiếc xe của tôi ra khỏi vũng lầy quỷ quái đó. Tôi bảo anh ta rằng tôi đã thử mọi cách nhưng vô hiệu và rằng anh ta chỉ phí công vô ích mà thôi, nhưng anh chàng cứ khăng khăng đòi thử nên tôi chỉ biết bảo anh ta cẩn thận đừng làm cháy khét vỏ xe của tôi. Anh ta ngồi sau tay lái, mở máy và nhấn ga một vài lần; và trong vòng chưa đầy 30 giây sau đã đưa chiếc xe của tôi ra khỏi chỗ đó! Trước sự kinh ngạc tột độ của tôi, anh ta giải thích rằng vì anh ta từng sống ở miền đông bang Texas và gần như cả đời lái xe trên sình lầy nên anh ta không gặp khó khăn gì với những vũng lầy cỏn con như thế. Anh chàng này nói đúng. Tôi nghĩ có lẽ anh ta chẳng “thông minh” gì hơn tôi, nhưng kinh nghiệm của anh ta mới là điểm khác biệt giữa chúng tôi.

Thật khôi hài là nhiều người trong chúng ta thường ngưỡng mộ kỹ năng hay thành tích của người khác mà quên rằng họ cũng đang ngưỡng mộ một điều gì đó ở chúng ta. Vì thế, tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng bạn đang có ít nhất một kỹ năng độc nhất vô nhị nào đó mà nhiều người khác không có, và bạn có quyền tự hào vì điều đó. Có một kinh nghiệm khác biệt không có nghĩa là bạn hay hơn hoặc tệ hơn một người nào đó. Vì vậy, đừng bao giờ tự ti về hình ảnh tự thân của mình.

DÁM THÀNH CÔNG!

Nguyên nhân thứ sáu khiến chúng ta hay nghĩ rằng mình thua kém người khác là vì chúng ta thường so sánh điểm yếu của mình với điểm mạnh của họ. Một người phụ nữ tên là Phyllis Diller[8] đã chấp nhận làm nhân viên vệ sinh suốt mười tám năm liền cho đến khi bà tình cờ đọc cuốn Điều kỳ diệu của Niềm tin (The Magic of Believing) của tác giả Claude M. Bristol. Kể từ đó, bà bắt đầu nhìn lại xem đâu là ưu điểm của mình và nhận ra rằng đó là khả năng gây cười của bà. Bà quyết định thay đổi công việc và mỗi năm kiếm được một triệu đô-la.

Eleanor Roosevelt[9] là một cô gái vừa thô kệch vừa nhút nhát. Một hôm, cô ngồi xét lại tất cả những phẩm chất và giá trị đích thực của mình và quyết định thay đổi. Kể từ đó cô trở nên tự tin và mạnh mẽ hơn. Cuối cùng, cô trở thành một trong những người phụ nữ lôi cuốn và có sức ảnh hưởng nhất nước Mỹ.

Tương tự như thế, Jimmy Durante[10] và Humphrey Bogart[11] không tự nhiên trở thành những nhân vật một thời không thể thiếu trong các poster quảng cáo của ngành công nghiệp giải trí Hoa Kỳ. Họ biết tận dụng các thế mạnh của mình để tạo lập một chỗ đứng trong đời, và họ đã thành công rực rỡ.

Bạn có dám thành công như họ không?

KHÔNG DÙNG SẼ MẤT

Kinh Thánh có một câu chuyện như sau: Một ông chủ trước khi đi xa đã gọi ba gia nhân đến và cho người thứ nhất một đồng bạc, người thứ hai hai đồng và người thứ ba năm đồng.

Khi trở về, ông gọi người gia nhân đã nhận năm đồng tiền đến và hỏi anh ta đã làm gì với năm đồng tiền ấy. Người này đáp rằng anh ta đã khiến năm đồng tiền ấy sinh lợi thêm năm đồng nữa. Ông chủ bảo: “Tốt! Ngươi là người tốt và trung thành, ngươi còn biết cách sử dụng tốt những gì trong tay mình nên ta sẽ cho ngươi thêm”. Người nhận được hai đồng cũng làm tăng lên thành bốn đồng nên cũng được ông chủ khen ngợi. Riêng người nhận một đồng trả lời rằng: “Thưa ông, tôi chỉ có mỗi một đồng trong khi hai người kia được ông cho nhiều hơn tôi. Mặt khác, tôi biết ông là người hà khắc và độc ác, chỉ thích gặt mà không phải gieo nên tôi đã chôn đồng bạc ngoài vườn kia”. Ông chủ nghe thế liền nói: “Ngươi đúng là một gia nhân xấu xa và lười biếng. Ta sẽ lấy lại đồng bạc của ngươi mà giao cho người biết làm tăng thêm của cải”. Thật đúng với câu nói “Người giàu càng giàu hơn, kẻ nghèo càng nghèo đi”, câu chuyện này đem lại một thông điệp rất rõ ràng, rằng nếu bạn biết sử dụng những gì mình có, tài năng của bạn sẽ không ngừng được tăng lên và bạn sẽ được đền bù xứng đáng; còn ngược lại, nếu không đem ra sử dụng, dù bạn có cố giữ thì “vốn liếng” của bạn cũng sẽ bị mất đi.

Rất nhiều người có hình ảnh tự thân yếu kém còn bởi vì họ đặt mục tiêu quá cao hoặc không thực tế. Sau đó họ thất bại, oán trách và không bao giờ tha thứ cho chính mình. Đó là nguyên nhân thứ bảy dẫn tới một hình ảnh tự thân yếu kém. Những người này sống với ý nghĩ rằng mình là người tệ hại nhất. Thế rồi họ không tin rằng mình xứng đáng có một công việc tốt, một người bạn đời tốt, những đứa con ngoan hay một phần thưởng hoặc lời khen nào đó.

Gần đây, có một nguyên nhân nữa tác động xấu đến hình ảnh tự thân của nhiều người là sự lan tràn các hình ảnh khiêu dâm trên internet và các phương tiện truyền thông khác. Điều này gây ra một trở lực lớn đối với các nhà sư phạm trong việc giúp thế hệ trẻ xây dựng một hình ảnh tự thân tích cực và lành mạnh.

Og Mandino trong cuốn sách nổi tiếng của mình là Điều kỳ diệu nhất trên thế giới (The Greatest Miracle in the World) cũng chỉ ra thêm hai nguyên nhân dẫn tới một hình ảnh tự thân yếu kém: Một là học thuyết Tiến hóa của Darwin[12], rằng con người có nguồn gốc từ loài khỉ. Vì nghĩ con người xuất thân từ động vật nên một lúc nào đó có người cư xử như “thú vật” thì họ cũng được châm chước. Điều này vô hình trung làm lu mờ hình ảnh tự thân của anh ta. Lâu dần, anh ta sẽ biến các hành động hay lối ứng xử ấy thành thói quen và cuối cùng là không còn ý thức gì về kỷ luật bản thân đối với cộng đồng xung quanh. Hai là quan điểm của Sigmund Freud[13]. Ông cho rằng tư tưởng và hành động của mỗi con người đi liền với tiềm thức từ khi chúng ta còn bé, và chúng ta không thể hiểu tường tận hay kiểm soát nó được. Vì thế, con người không phải chịu trách nhiệm về nó. Bạn thấy đấy, lại thêm một cái cớ “khoa học” để chúng ta dựa vào đó mỗi khi lún sâu hơn vào hình ảnh tự thân yếu kém của mình. Thế đấy, một nhà khoa học bảo rằng chúng ta xuất thân từ động vật và một nhà khoa học khác thì nói rằng chúng ta không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nếu theo hai quan điểm đó, chúng ta rất dễ đi đến chỗ xem mình chẳng là gì cả. Nhưng bạn cần biết rằng trước lúc chết, Darwin đã thốt lên rằng Thượng đế là nhà kiến trúc sư vĩ đại nhất tạo ra Vạn vật; còn về Freud thì tôi xin dẫn lời nhà tâm lý học Robert Hogan của Học viện Y khoa John Hopkins: “Freud nghĩ rằng con người có thể nghiên cứu các tế bào thần kinh để tìm hiểu các vấn đề trong cuộc sống thường nhật, và rồi ông nhận được những kết quả trái ngược. Bạn cần nghiên cứu từ những cái đơn giản nhất để hiểu được những vấn đề phức tạp nhất”.

Khi bạn kết nối tất cả các lý do trên, bạn sẽ thấy ngay rằng thảo nào nhiều người đang bị tàn phá bởi căn bệnh phổ biến và dễ lây lan này. Điều quan trọng là bạn phải nhận ra cho được các biểu hiện của một hình ảnh tự thân yếu kém để sửa đổi và đoạn tuyệt với nó. Mặt khác, điều đó sẽ giúp bạn tăng cường khả năng thấu hiểu để sống và làm việc một cách tốt đẹp với những người xung quanh. Một khi bạn nhận ra vấn đề và sẵn sàng đương đầu bằng tất cả nhiệt tình và tự tin, giải pháp sẽ nhanh chóng đến trong tầm tay của bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.