Vươn đến sự hoàn thiện
CHƯƠNG 25 – DAVID VÀ GOLIATH
Thời cổ đại, dân Philistine và dân Do Thái thường xuyên xung đột với nhau. Một lần, quân Philistine dàn trận trước một thung lũng hiểm trở và cử một dũng tướng cao gần 3 mét tên là Goliath khiêu khích và thách đấu với quân Do Thái trong suốt 40 ngày liền.
Quân Do Thái khiếp hãi trước gã khổng lồ Goliath hung tợn, ngay cả vua dân Do Thái là Saul cũng không dám đương đầu với Goliath.
Nhưng có chàng thiếu niên chăn cừu nhỏ bé, lanh lợi và có tài bắn ná trăm phát trăm trúng tên là David dám làm điều đó. Chàng vào xin vua Saul cho mình đấu với gã Goliath. Ban đầu nhà vua do dự trước đề nghị của chàng trai trẻ nhưng sau đó đồng ý.
David bước ra trước trận tiền và bảo Goliath rằng: “Ngươi dùng những đao kiếm cùng giáo mác để chống lại người Do Thái, hôm nay ta sẽ cho ngươi thấy sức mạnh của chúng ta, ta sẽ đem xác của quân Philistine làm mồi cho lũ chim dữ…”.
Nói rồi chàng rút ra chiếc ná chăn cừu của mình và lắp vào một hòn sỏi. Chàng nhắm vào đầu Goliath và buông ná, hòn sỏi lao thẳng vào giữa trán tên khổng lồ làm hắn đổ sấp xuống đất chết không kịp trăn trối.
Đó là câu chuyện về chàng David tí hon thông minh, niềm tự hào của người Do Thái từ thời cổ đại cho đến ngày nay. Còn đây là câu chuyện về một chàng David tí hon khác mà tôi muốn chia sẻ với bạn qua chương này. Vào năm 1965, tôi nói chuyện tại một cuộc hội thảo dài ngày tại thành phố Kansas cùng với sáu diễn giả nổi tiếng nhất Hoa Kỳ thời đó. Khi kết thúc hội thảo, tôi nhận lời ăn tối cùng với Bernie Lofchick[38]. Nhờ vậy mà tôi có dịp nghe ông kể về David Lofchick, cậu con trai thân yêu của ông và một kỳ tích có thể sánh ngang với chiến công lẫy lừng của chàng David chăn cừu của người Do Thái khi xưa. Bernie kể rằng ngày David chào đời, cả gia đình ông ngất ngây một niềm hạnh phúc bất tận. Trước đó, họ đã có hai cô con gái xinh xắn. Tuy nhiên, sau đó ít ngày, họ để ý thấy rằng chú bé chỉ nghiêng đầu về bên phải và nước mũi cháu chảy nhiều hơn mức bình thường ở một đứa trẻ khỏe mạnh. Niềm vui bỗng trở thành nỗi lo lắng. Dù các bác sĩ ra sức trấn an nhưng họ không thể yên lòng. David được mang vào bệnh viện để được điều trị bằng vật lý trị liệu nhưng vẫn không khỏi. Tổng cộng, họ đã đưa David tới gặp hơn 20 chuyên gia trị liệu nhưng vẫn không có một tiến triển khả quan nào.
Rồi họ dồn hết mọi nỗ lực đưa cháu đến gặp một chuyên gia thần kinh học hàng đầu, Tiến sĩ Y khoa Pearlstein ở Chicago, để rồi nhận được tin “sét đánh”: David mắc chứng co cứng do bại não và không bao giờ có thể đi lại hay nói chuyện được! Tuy nhiên, Tiến sĩ Pearlstein nói rằng vẫn còn một tia hy vọng nếu vợ chồng Bernie và Elaine chấp nhận một cuộc chiến cam go, gần như vô vọng và không biết hồi kết thúc với đối thủ là “tên khổng lồ Goliath” – căn bệnh quái ác của David. Ngoài ra, một khi bắt đầu phương pháp chữa trị này thì họ không được dừng lại, bằng không mọi công sức trước đó đều đổ sông đổ biển và nghiêm trọng hơn là bệnh tình của David sẽ càng trầm trọng hơn. Họ đồng lòng chấp nhận và được Tiến sĩ Pearlstein cùng các đồng sự của ông hướng dẫn cặn kẽ cách thức chữa trị cho David.
Chỉ có tình yêu thương con vô bờ bến và tinh thần không gục ngã trước khó khăn trở ngại mới có thể lý giải cho những nỗ lực không mệt mỏi của gia đình Bernie trong suốt những năm dài sau đó. David dần dần có những đáp ứng tốt trước việc trị liệu. Tuy sự tiến bộ ở David là rất chậm nhưng điều đó cũng đủ khích lệ gia đình họ, tất nhiên trong đó có cả David, cố gắng nhiều hơn nữa…
Sáu năm sau.
Một hôm khi Bernie đang ở văn phòng thì nhận được điện thoại từ nhà. Người kỹ thuật viên tập vật lý trị liệu hàng ngày cho David hào hứng bảo rằng ông nên về ngay để chứng kiến một điều kỳ diệu. Bernie lao như bay về nhà và trước mắt ông, Elaine, hai cô con gái nhỏ và người kỹ thuật viên, David, ở tư thế hít đất, đang dồn hết sức lực hòng nhấc mình lên khỏi tấm thảm. Người cậu căng lên, run bần bật và mồ hôi vã ra từ mỗi mi-li-mét vuông trên thân thể cậu rồi chảy thành dòng, thấm đẫm cả tấm thảm bên dưới. Vừa khi David nhấc mình lên tới độ cao tuyệt đối bằng đôi tay yếu ớt của cậu, những gương mặt gần như chết lặng do kìm nén cảm xúc bỗng vỡ òa thành những dòng nước mắt hạnh phúc ngọt ngào tuôn trào trên má, những giọt nước mắt nói lên rằng Hạnh phúc không chỉ là Niềm vui – mà còn là Chiến thắng.
Tên khổng lồ Goliath bắt đầu nao núng thật sự. Và, chắc hẳn bạn ngạc nhiên hơn nữa khi nghe Bernie kể tiếp rằng các chuyên gia của một trường đại học lớn của Mỹ sau khi khám cho David đã phát hiện ra rằng cậu bé thiếu cả “cơ chuyển tiếp vận động”[39] nối với phần bên phải cơ thể cậu. Điều đó có nghĩa rằng cậu không cảm giác được về sự thăng bằng và sẽ gặp khó khăn rất lớn trong việc tập đi và không bao giờ có thể bơi lội, trượt tuyết, hay đi xe đạp. Lúc đó “chàng David” nhỏ bé của nhà Lofchick nhận ra rằng chỉ có sự cố gắng của chính bản thân cậu mới có thể hạ gục hoàn toàn tên khổng lồ Goliath “Cerebral Palsy”[40]. Bernie bảo tôi rằng tính đến nay, David đã sử dụng “hết” bốn chiếc xe đạp, biết bơi sau hai tuần thay vì hai năm như dự đoán của các bác sĩ, đứng vững trên ván trượt sau một năm tập luyện, mỗi ngày vẫn thực hiện 1.000 cú hít đất và chạy bộ 10 km. Năm 11 tuổi, cậu bắt đầu tập chơi gôn với niềm say mê và sự kiên trì đến mức khó tin, những đức tính mà cậu đã áp dụng vào bất cứ công việc nào, bất cứ môn học nào mà cậu gặp phải. Đó là về mặt thể lực. Về trí lực, năm học lớp 7, David đã có thể giải thuần thục cả toán lớp 9. Tôi không biết phải gọi đó là gì nơi một cậu bé từng bị các bác sĩ cho rằng không thể đếm nổi tới 10.
Ngày 23 tháng 10 năm 1971, ở tuổi 13, David Lofchick dự lễ trưởng thành của mình trong tư thế của một thiếu niên có những bước đi quả quyết, ánh mắt sáng ngời, giọng nói tự tin. Có lẽ không còn hạnh phúc nào lớn hơn đối với gia đình Lofchick.
Khi tôi đang viết những dòng này, David đã là một người đàn ông 40 tuổi. Anh đã lập gia đình và có ba con. Ngày nay David có công ty bất động sản riêng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực buôn bán và cho thuê căn hộ. Thỉnh thoảng anh cũng bị căn bệnh cũ làm cho bước đi hơi chệnh choạng, nhất là mỗi khi anh cảm thấy mệt bất thường. Ngoài việc đó thì cuộc sống của anh đang “tốt hơn bao giờ hết”, như anh thường nói mỗi khi chúng tôi trò chuyện với nhau.
SỨC LAN TỎA CỦA TINH THẦN “KHÔNG LÙI BƯỚC”
Tất nhiên trong chiến công của David Lofchick trước gã khổng lồ Goliath “Bại não” không thể thiếu sự trợ giúp lớn lao của từng thành viên trong gia đình Lofchick. Họ cùng nhau đóng góp công sức và động viên nhau không ngừng để đẩy lùi căn bệnh nan y của David. Và điều lớn nhất mà họ đã học được qua “cuộc thi chung sức” này là những ai không biết đầu hàng số phận cuối cùng sẽ là người chiến thắng, rằng không có trở ngại nào là không thể vượt qua!
Thực ra, Tổng giám đốc Bernie Lofchick chỉ mới học đến lớp 7 nhưng trên “trường đại học cuộc đời”, ông đã tốt nghiệp hạng ưu. Ông nhận ra rằng con người có thể mất tất cả, nhưng cũng có thể có mọi thứ nếu họ biết giúp người khác đạt được điều họ muốn. Bernie luôn tâm niệm và thực hành nguyên tắc này, và chính nhờ đó mà ông đã làm nên tên tuổi của tập đoàn bán hàng gia dụng lớn nhất Canada ngày nay.
DỐC TOÀN LỰC ĐỂ CHIẾN THẮNG
Bây giờ, tôi muốn gắn câu chuyện thành công của David Lofchick vào con đường lên đỉnh vinh quang mà bạn và tôi đang sắp sửa hoàn thành bậc thang cuối cùng. Trong câu chuyện này, bạn là David, là Bernie và Elaine, là Tiến sĩ Pearlstein và tất cả những ai từng góp phần công sức dù nhỏ bé nhất trong chiến thắng của David.
Tất nhiên, khi mới chào đời, David chưa thể có ý thức về hình ảnh tự thân của mình nên cậu không thể tự xây dựng hình ảnh đó. Song, cha mẹ tuyệt vời của cậu đã giúp cậu làm việc đó. Điều họ nghĩ và việc họ làm nói lên rằng đối với họ, cậu là tất cả, cậu là một cậu bé độc nhất vô nhị trên đời, cậu có những phẩm chất đặc biệt và cậu sẽ làm nên những điều kỳ diệu. Đó là bậc thang thứ nhất: xây dựng hình ảnh tự thân tích cực.
Bậc thang thứ hai là mối quan hệ với những người xung quanh. Điều không thể phủ nhận là cuộc chiến chống lại gã khổng lồ Goliath “Bại não” không thể thành công nếu David thiếu sự hỗ trợ của các bác sĩ, nhân viên y tế và tất cả các thành viên trong gia đình cậu, đặc biệt là sự hy sinh vô bờ bến và tình yêu bao la của cha mẹ cậu. Nếu bạn là David, bạn thật hạnh phúc khi có được những người đồng hành vĩ đại như thế. Còn nếu bạn là một người đồng hành với David, hãy tin rằng bạn đang đứng ở vị trí cao nhất của thành công. Bởi vì, người đưa người khác lên cao chính là người ở vị trí cao nhất.
Bậc thang thứ ba là xác lập mục tiêu và đạt mục tiêu. Trong suốt cuộc hành trình chống Goliath “Bại não”, Bernie luôn đặt ra từng bước đi với những mục tiêu cụ thể để giải quyết vấn đề của David. Ông phải tìm được vị bác sĩ giỏi nhất, ông phải lo liệu tiền bạc, sắp xếp công việc làm, tổ chức lại cuộc sống gia đình, lên các chương trình tập luyện cho David… để cuối cùng là giúp David trở thành một đứa trẻ bình thường và “khác biệt” như mọi đứa trẻ khác, một người đàn ông thành đạt như bao người đàn ông khác. Và Bernie đã đạt được mục tiêu của mình.
Bậc thang thứ tư là sự lựa chọn một thái độ đúng đắn và duy trì thái độ đó trong mọi hoàn cảnh. Đối với David, đó là thái độ “I can do it!”[41], nguồn thức ăn tinh thần quý giá nhất mà Bernie, Elaine và những người xung quanh dành cho cậu thông qua sự khích lệ, động viên hàng ngày của họ. Thái độ đó đã từng giúp cậu sử dụng “hết” bốn chiếc xe đạp, biết bơi sau hai tuần thay vì hai năm, trượt tuyết thuần thục sau một năm tập luyện, thực hiện 1.000 cú hít đất và chạy bộ 10 km mỗi ngày… Đối với gia đình David, đó là thái độ chấp nhận thử thách, thái độ vượt qua trở ngại từng ngày một, từng bước một trong tinh thần “nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”. Chính thái độ đó đã tạo ra những thói quen tốt cho David và đem lại sự tiến bộ từng ngày cho cậu.
Bậc thang thứ năm nói về công việc hay sự lao động miệt mài. Nếu chúng ta có 24 giờ tận hưởng cuộc sống mỗi ngày thì một ngày của David chỉ có 21 giờ mà thôi, 3 giờ còn lại là ba giờ cậu vật vã chiến đấu với tên Goliath “Bại não”, và cậu đã “chiến đấu” liên tục như thế kể từ ngày cậu được đưa đến gặp Tiến sĩ Pearlstein cho đến tận hôm nay. Bởi vì, cậu biết rằng nếu cậu ngừng tập thì tên Goliath hung bạo đó sẽ quay trở lại ngay. Một khi đã xác định được mục tiêu cuộc đời và ngay cả khi bạn đã ở trên đỉnh thành công, xin bạn đừng để ý nghĩ “ngừng bơm” len lỏi vào đầu như anh bạn Bernard mà tôi vừa kể trong chương trước. Chỉ có sự cố gắng liên tục mới bảo đảm đưa bạn đến thành công và giữ vững thành công cho bạn.
Thật lòng mà nói, tôi chưa từng thấy gia đình nào nung nấu một khát vọng lớn lao như khát vọng của gia đình Lofchick. Đó là khát vọng đưa David thoát khỏi căn bệnh bại não, liệt cơ hiểm nghèo để trở về cuộc sống bình thường. Họ chiến đấu từng giờ, từng phút, từng hơi thở để giành lấy chút cơ may nhỏ nhoi mà tên Goliath hung bạo luôn lăm le tước đoạt. Biết bao đêm Bernie và Elaine đã phải gạt nước mắt và quay đi trước lời van xin đến nhói lòng của đứa con trai bé bỏng khi họ siết chặt thêm chút nữa những chiếc vòng định vị trên thân thể cậu. Họ đã nói “không” với những giọt nước mắt đau đớn của David để “có” được một đứa con bình thường, khỏe mạnh và hạnh phúc mãi mãi. Và đó là bậc thang cuối cùng, bậc thang khát vọng.
Nếu David đã khuất phục được gã Goliath khổng lồ đó thì lẽ nào bạn và tôi lại không làm được những kỳ tích tương đương?
Trước khi trả lời câu hỏi trên, mời bạn đọc tiếp một phụ chương không thể bỏ qua trong câu chuyện của David.
Cách đây không lâu, vào một tối nọ ở Amarillo, Texas, trong khi kể câu chuyện về David, tôi để ý thấy một đôi vợ chồng trẻ ngồi hàng ghế đầu trông có vẻ rất xúc động. Sau buổi nói chuyện, chúng tôi gặp nhau và tôi biết rằng bé gái 15 tháng tuổi của họ cũng bị bại não. Tôi cho họ địa chỉ một vị bác sĩ ở Chicago, người kế thừa phương pháp chữa trị của Tiến sĩ Pearlstein sau khi ông qua đời. Họ đã mang cô bé đến Chicago và cô bé được chẩn đoán là… không mắc bệnh bại não. Cô bé có các triệu chứng giống như bệnh bại não vì bị sinh thiếu tháng, nhưng có thể chữa khỏi dễ dàng. Sau vài tuần chữa trị theo phương pháp của vị bác sĩ ở Chicago, các triệu chứng đó hoàn toàn biến mất. Trước đó, đôi bạn trẻ này đã tin lời bác sĩ và nhìn con gái của mình với ý nghĩ rằng cháu bị bại não nên đã đối xử với cháu như một nạn nhân của căn bệnh này và suýt bỏ qua cơ hội thay đổi “số phận” của cháu. Nếu bạn nhìn nhận đúng vấn đề, bạn sẽ xác lập được mục tiêu đúng và tất nhiên sẽ thu được kết quả đúng. Đến đây, bạn đã đứng trên bậc thang cao nhất và ở ngay trước cánh cửa dẫn vào Phòng Tiệc Cuộc Đời (the Banquet Hall of Life), bạn còn chần chờ gì nữa mà không bước vào?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.