Ba Người Bạn

CHƯƠNG 10



Chiếc Ford đứng trong xưởng, đã được sửa chữa xong xuôi. Công việc mới không tự đến. Chúng tôi phải xoay xở cách nào đó. Koster và tôi tìm đến một cuộc bán đấu giá. Chúng tôi muốn mua một chiếc tắcxi đang được rao bán tại đó. Bán lại tắcxi bao giờ cũng khá được giá.
Địa điểm bán đấu giá là một ngôi nhà khuất nẻo ở khu bắc thành phố. Ngoài chiếc tắcxi còn cả đống đồ khác được đem ra đấu giá. Một số bày ngay ngoài sân. Những chiếc giường, những cái bàn ọp ẹp, một chiếc lồng mạ vàng với chú vẹt luôn miệng kêu “Chào, người thương”, một chiếc đồng hồ đứng, sách, tủ, một chiếc áo đuôi tôm đã cũ. Những chiếc ghế ăn, bát đĩa… toàn bộ nỗi nghèo khổ của cuộc đời suy tàn, sụp đổ.
Chúng tôi đến quá sớm, viên phát mại chưa có mặt.
Tôi sục sạo giữa đống đồ đạc bày ngổn ngang, xem vài cuốn trong đám sách… những cuốn sách rẻ tiền đã được đọc đến nát nhừ của các nhà cổ điển Hy lạp và La Tinh với nhiều ghi chú viết tay bên lề. Trên những trang sách phai mực, lông lả tả, chẳng còn thấy đâu những vần thơ của Horace, những bài ca của Anacreon… chỉ còn thấy tiếng gào thét từ sự khốn quẫn và bất lực của một cuộc đời bỏ đi. Người nào sở hữu những cuốn sách này, người đó đã coi chúng là nơi ẩn náu của mình, và anh ta gắng giữ chúng đến cùng, một khi anh ta đã phải rời chúng, đưa chúng tới đây, có nghĩa anh ta đã đến ngày tận.
Koster ngoái lại nhìn tôi. “Đáng buồn, phải không?” Tôi gật, chỉ vào những đồ vật khác. “Cả đây nữa, Otto ạ. Những chiếc ghế ăn và tủ áo quần được đưa tới đây không phải để đùa”.
Chúng tôi đến bên chiếc xe đỗ ở góc sân. Lớp sơn đã mòn, cũ xỉn, nhưng xe sạch sẽ, ngay phía dưới chắn bùn cũng sạch. Một người đàn ông thấp béo đứng cạnh xe, hai bàn tay to bè buông thõng, ngờ nghệch nhìn chúng tôi.
“Cậu xem kỹ máy rồi chứ?” tôi hỏi Koster.
“Xem hôm qua”, cậu ta nói. “Khá mòn, nhưng được bảo dưỡng không chê vào đâu được”.
Tôi gật. “Nhìn cũng biết. Sáng nay chiếc xe con được lau rửa. Hẳn không phải do tay lũ bán đấu giá làm”.
Koster lắc đầu, đưa mắt sang người đàn ông thấp béo. “Chắc bác chủ xe. Hôm qua bác ta cũng đứng đấy và lau chùi chiếc xe”.
“Mẹ kiếp”, tôi nói, “Trông bác ta thiểu não chẳng khác gì con chó bị chẹt”.
Một gã trai trẻ bâng qua sân lại bên chiếc xe. Gã mặc một chiếc áo măng-tô có đai, vẻ dạn dĩ đến khó chịu. “Thì ra cái xe này đây”, gã nói, nửa với chúng tôi, nửa với người đàn ông tay gõ can lên mũi xe. Tôi thấy mí mắt người đàn ông giật giật. “Không sao, không sao”, gã thắt đai công kích một cách hào hiệp, “gì thì gì, nước sơn chẳng còn đáng năm xu bọ. Một thứ đồng nát đáng kính. Lẽ ra nên tống vào viện bảo tàng mới phải, hả?” Gã hô hố cười câu nói bông lơn của mình và đưa mắt tìm sự tán thưởng ở chúng tôi. Chúng tôi không cười hùa với gã. Gã bèn quay sang người chủ xe.
“Ông định bán cụ cố nội này lấy bao nhiêu?”
Người đàn ông nuốt nước bọt, nín thinh.
“Giá sắt vụn, hả?” thằng choai phớn phở kêu be be, rồi lại quay sang chúng tôi. “Các ông cũng để mắt đến nó sao?”, đoạn hạ giọng: “Ta ăn cánh với nhau, được chứ? Mua chiếc xe với giá rẻ mạt, lời lãi ăn chia. Tội quái gì không dưng quăng tiền cho cái lũ ở đây nó đớp! Xin nói thêm: tôi, Guido Thiess, hãng Augeka”.
Gã quay tít cây can bằng trúc và thân mật nháy mắt với chúng tôi, vẻ kể cả. Cần gì phải úp mở với cái đồ sâu bọ hai lăm tuổi ranh này, tôi cáu tiết tự nhủ, bởi tôi thấy thương người đàn ông câm lặng kia, tôi bảo gã: “Thiết tưởng anh phải mang danh gì khác xứng hơn cái tên Thiess”.
“Ấy đấy”, gã hí hửng nói. Có vẻ như gã đã quen nghe thiên hạ khen ngợi tài xoay xở của mình.
“Chí phải”, tôi tiếp, “phải gọi anh là Mũi Thò Lò. Guido Mũi Thò Lò!”
Gã giật nẩy mình. “Đành thôi”, cuối cùng gã nói “hai chọi một mà lại…”
“Đã vậy chỉ mình tôi thách đấu với anh”, tôi nói, “đi đâu tùy anh chọn”.
“Cám ơn”, Guido lạnh lùng đáp, “cám ơn lắm lắm!” rồi rút lui.
Với vẻ mặt luống cuống, người đàn ông thấp béo đứng đó như thể mọi chuyện chẳng liên quan gì đến bác, mắt bác không rời chiếc xe.
“Bọn ta chẳng nên mua chiếc xe, Otto ạ”, tôi nói.
“Thế thì cái thằng khỉ thắt dai của cậu sẽ chộp liền”, Koster đáp. “Chúng mình chẳng giúp gì được bác ta”.
“Cậu nói phải”, tôi nói. “Nhưng dẫu sao… mình vẫn cảm thấy hơi áy náy”.
“Thời buổi này làm cái gì mà không khỏi áy náy hở Robby? Hãy tin mình: việc tụi mình có mặt ở đây thậm chí lại có lợi hơn cho nhà bác đứng kia cơ đấy. Có thể nhờ bác ta bán chiếc xe được giá hơn một chút. Nhưng mình hứa với cậu: nếu thằng khỉ thắt đai ấy không trả thì mình cũng sẽ không trả”.
Viên phát mại đến. Trông lão tất bật, hình như lão bận lắm. Ngày nào cũng có hàng tá món hàng đấu giá. Tay huơ tròn, lão bắt đầu cuộc đấu giá những thứ đồ lặt vặt thảm hại. Lão có chất hài hước rắn như gang và tính thiết thực của một người đàn ông hàng ngày tiếp xúc với nỗi khốn khó mà bản thân vẫn không bị nó chạm đến.
Đống đồ được bán đi với giá vài chục xu. Phần lớn do một số dân buôn mua. Khi viên phát mại ném cái nhìn về phía họ, họ chỉ uể oải giơ một ngón tay lên, hoặc lắc đầu. Nhưng thỉnh thoảng còn có một cặp mắt khác dõi theo ánh mắt của lão – cặp mắt trên một gương mặt đàn bà đầy âu lo, cặp mắt ngước trông những ngón tay của đám dân buôn như đang lĩnh hội lời răn của Chúa… đầy hy vọng và sợ hãi. Có ba người – kẻ đầu tiên là Guido – đưa ra cái giá ba trăm mác trả chiếc tắcxi. Bác máy máy đôi môi không thốt ra tiếng. Trông bác như cũng muốn được cùng đấu giá. Những bàn tay bác lặng lẽ buông thõng. Bác lùi lại.
Người tiếp theo trả bốn trăm mác. Guido nâng lên bốn trăm rưỡi. Một lát im lặng. Viên phát mãi mời mọc xung quanh… “Không còn ai nữa à… lần thứ nhất… lần thứ hai…”
Người đàn ông bên chiếc tắcxi đứng đó với cặp mắt mở to, đầu cúi gằm, tựa như bác đang chờ một cái tát vào mặt.
“Một ngàn”, Koster nói. Tôi nhìn cậu ta. “Đáng giá ba ngàn” cậu lẩm bẩm. “Mình không chịu đựng nổi cảnh bác ta bị làm thịt”.
Guido phác cho chúng tôi những dấu hiệu tuyệt vọng. Khi lao vào chuyện làm ăn, gã đã quên phéng cái Mũi Thò Lò. “Ngàn mốt”, gã chu lên, nháy với chúng tôi bằng cả hai mắt. Giá thử gã có một con mắt nữa sau mông, thì gã cũng nháy.
“Ngàn rưỡi”, Koster nói.
Viên phát mãi bắt đầu khoa chân múa tay. Lão nhảy nhót, tay huơ chiếc dùi như một nhạc trưởng. Đây là những con số khác hẳn hai mác và hai mác rưỡi ban nãy.
“Một ngàn năm trăm mười”, Guido toát mồ hôi tuyên bố.
“Ngàn tám”, Koster lên tiêng.
Guido trỏ tay vào trán mình[9] và bỏ cuộc. Viên phát mại nhảy nhổm lên. Thốt nhiên tôi nghĩ tới Pat. “Ngàn tám năm chục”, tôi nói, mặc dù không hẳn muốn thế.
Koster ngạc nhiên ngoái đầu lại. “Mình sẽ bỏ ra năm chục ấy”, tôi nói nhanh. “Gọi là chút… để đề phòng”.
Cậu ta gật.
Viên phát mại gõ hiệu để xe cho chúng tôi. Koster trả tiền tắp lự.
“Lại còn thế nữa!” Guido nói, không sao đừng được, gã xán lại gần, cứ như chẳng có chuyện gì xảy ra “Lẽ ra bọn ta đã có thể mua chiếc xe với giá một ngàn. Thế cũng đủ loại thẳng cánh tên thứ ba rồi”.
“Chào, người thương”, một giọng chói tai gào lên sau lưng gã. Đó là chú vẹt vừa được đưa ra trong chiếc lồng vàng của chú.
“Mũi Thò Lò” tôi bổ sung.
Guido nhún vai lủi mất.
Tôi đến bên người đàn ông vốn là chủ chiếc xe. Giờ đây đứng cạnh bác còn có một người đàn bà xanh xao. “Thế này bác ạ…” tôi nói.
“Tôi biết rồi..”, bác đáp.
“Thực ra chúng tôi đâu muốn làm thế”, tôi nói “Nhưng nếu không, bác chỉ được số tiền ít hơn”.
Bác gật đầu, bối rối vặn vẹo hai bàn tay. “Chiếc xe tốt đấy”, bác đột nhiên nói nhanh, lộn xộn, “chiếc xe tốt đấy, đáng giá từng ấy tiền, chắc chắn thế các anh không mua đắt đâu, không phải vì chuyện chiếc xe, hoàn toàn không phải, mà vì… mà vì…”
“Tôi biết”, tôi nói.
“Chúng tôi nào được xơ múi gì ở số tiền này” người đàn bà than. “Lại như gió vào nhà trống thôi” – “Rồi sẽ ổn, mẹ nó ạ”, người đàn ông nói. “Sẽ ổn mà”.
Người đàn bà chẳng ừ chẳng hử. “Khi nổ máy, chuyển từ số một lên số hai hơi rè”, người đàn ông nói, “nhưng không phải vì hỏng hóc gì đâu. Dạo còn mới nó đã thế”. Bác kể về chiếc xe như kể về một đứa con. “Chúng tôi có nó đã ba năm nay, và chưa hề gặp chuyện gì rắc rối với nó. Chỉ vì… thoạt đầu tôi lâm bệnh, rồi có một kẻ đã hại tôi… một thằng bạn..”
“Một tên vô lại”, bà vợ nói, nét mặt hằn học.
“Thôi nào, mẹ nó”, người chồng nói và nhìn vợ, “tôi sẽ lại khấm khá lên, phải thế không, mẹ nó?”
Người vợ không đáp. Người chồng túa đẫm mồ hôi.
“Bác cho tôi xin địa chỉ của bác”. Koster nói, “có thể sẽ có lúc chúng tôi cần một người lái xe”.
Người đàn ông hăm hở viết, đôi bàn tay nặng nề, chất phác. Tôi nhìn Koster; cả hai chúng tôi đều hiểu rằng họa có phép lạ mới hòng biến điều hứa hẹn trên thành sự thật. Mà phép lạ thì không còn nữa. Có chăng chỉ tổ sa sút thêm.
Người đàn ông nói liên hồi như trong cơn sốt. Cuộc bán đấu giá kết thúc. Trên sân còn trơ lại chúng tôi. Bác bày cho chúng tôi nên nổ máy như thế nào vào mùa đông. Bác vuốt ve mãi chiếc xe, tuồng không muốn rời. Rồi đứng lặng. “Ta về thôi chứ, ông Albert”, bà vợ nói.
Chúng tôi chìa tay cho bác. Hai người đi. Chúng tôi chờ cho tới khi họ khuất dạng. Rồi chúng tôi cho xe nổ máy.
Khi đi ngang, chúng tôi trông thấy một bà lão nhỏ bé. Bà cụ ôm trong tay chiếc lồng vẹt và đang xua mấy đứa trẻ xúm vào xem. Koster dừng xe. “Cụ định về đâu đây?” cậu ta hỏi.
“Trời đất, lão làm gì ra tiền mà đi xe hơi”, bà lão đáp.
“Cụ cũng chẳng cần có tiền”, Otto nói. “Hôm nay là ngày sinh nhật tôi và tôi chở khách không công”.
Bà lão ngờ vục ôm chặt chiếc lồng. “Rồi lát nữa thế nào anh chẳng đòi trả tiền”.
Chúng tôi nói để bà yên lòng, và bà lên xe.
“U mua con vẹt này về làm gì vậy, u?” tôi hỏi lúc bà lão xuống xe.
“Cho những buổi tối”, bà lão nói “Anh bảo giá hạt kê có đắt không?”
“Không đâu”, tôi đáp, “nhưng sao lại cho các buổi tối?”
“Chả là nó biết nói”, bà lão đáp và nhìn tôi với cặp mắt già nua, sáng rỡ. “Nên lão cùng có kẻ trò chuyện bên tai”.
“Ra thế…”, tôi nói.
Buổi chiều, lão chủ hiệu bánh đến lấy chiếc xe Ford của lão. Vẻ mặt lão u ám, cau có. Chỉ mình tôi đứng trên sân. “Ông thích màu sơn chứ?”, tôi hỏi.
“Vâng, thích”, lão nói, mắt lưỡng lự nhìn chiếc xe.
“Mui xe được tân trang đẹp tuyệt”.
“Đã hẳn…”
Lão đứng ì ra đấy và hình như không quyết định lái xe về nổi. Tôi chắc mẩm thế nào lão cũng lại thử tìm cách moi thêm chút gì mà không phải trả tiền, một cái kích xe, một chiếc gạt tàn hoặc thứ gì đó tương tự.
Nhưng sự việc lại khác hẳn. Lão thở phì phò một lúc, đoạn nhìn tôi với cặp mắt vằn tia đỏ: “Tôi cứ hình dung trước đây vài tuần, bà ấy vẫn ngồi trong xe, còn khỏe mạnh, vui tươi”.
Tôi hơi ngạc nhiên thấy lão bất chợt ủy mị như vậy, đoán chừng cái cô ả tóc đen linh lợi lần trước lão kè kè mang theo đã khiến lão bực mình. Chả là, hơn hẳn tình yêu, nỗi tức giận dễ làm con người ta đa cảm.
“Một người vợ tốt biết bao”, lão tiếp, “một tâm hồn phụ nữ chính cống. Bà ấy không bao giờ đòi hỏi chút gì. Suốt mười năm vẫn đánh độc một chiếc măng-tô. Sơ-mi và những đồ mặc khác, bà ấy cắt may lấy tất. Một tay thu vén việc nhà… không cần người ở”. Ái chà, xem ra ả bồ mới lại chẳng có được cái nết ấy. Lão thợ bánh bắt đầu dốc bầu tâm sự. Lão kể lể về cái đức tằn tiện tiết kiệm lại khiến lão hội viên hội chơi ky nghiện rượu này xúc động đến thế. Vợ lão chưa bao giờ chịu để người ta chụp hình mình cho đường hoàng, vì cho rằng quá tốn kém. Thế nên lão chỉ còn giữ được bức ảnh cưới và vài tấm ảnh nhỏ chụp chớp nhoáng bà vợ của mình.
Tôi bèn nảy ra một ý. “Ông nên cho truyền thần ảnh bà nhà thành một bức chân dung thật đẹp”, tôi nói. “Như vậy ông sẽ mãi mãi lưu giữ được hình ảnh bà nhà. Chứ những bức ảnh sớm muộn rồi cũng phai màu. Ở đây có một nghệ sĩ chuyên làm việc ấy đấy”.
Tôi kể cho lão công việc của Ferdinand Grau. Lão lập tức tỏ ý ngờ vực, kêu rằng hẳn phải đắt lắm. Tôi bảo lão cứ yên tâm… có tôi đi cùng, thế nào Ferdinand cũng lấy rẻ cho lão. Lão tìm cách lảng. Nhưng tôi không buông tha lão, cố giảng giải với lão rằng với một người thương nhớ vợ như lão thì không có cái giá nào là quá đắt cả. Rốt cuộc lão ưng thuận. Tôi gọi điện báo cho Ferdinand biết. Đoạn tôi cùng lão thợ bánh phóng xe về nhà lão lấy những bức ảnh.
Từ trong cửa hiệu, cô nàng tóc đen chạy bổ ra đón chúng tôi. Ả nhảy nhót xung quanh chiếc xe Ford. “Giá màu đỏ có phải đẹp hơn không, anh yêu! Nhưng dĩ nhiên anh đã khăng khăng làm theo ý mình!”
“Thôi đi nào”, anh yêu nói, giọng bất bình.
Chúng tôi đi lên buồng trên. Cô nàng tóc đen theo sau. Cặp mắt linh lợi của ả đảo khắp mọi chỗ. Lão thợ bánh đâm cáu. Lão không muốn tìm những tấm ảnh trước mặt ả. “Mặc bọn tôi chuyện riêng với nhau”, cuối cùng lão nói thô bạo.
Cặp vú rung rinh khiêu khích dưới lần áo len chui bó sát người, cô nàng quay ra. Lão thợ bánh lôi từ một cuốn anbom bọc nhung xanh vài tấm ảnh đưa tôi xem. Bà vợ trong trang phục cô dâu, lão đứng bên cạnh với bộ ria vểnh ngược, khi ấy bà còn cười… rồi một tấm khác chụp bà ngồi ghé trên mép ghế, gầy gò, phờ phạc vì làm lụng vất vả, ánh mắt sợ sệt. Chỉ hai tấm ảnh nhỏ đó thôi… nhưng là cả một đời người.
“Được đấy”, tôi nói. “Dựa vào đây anh ta có thể làm được tất cả”.
Ferdinand Grau diện một chiếc áo vét đen để tiếp chúng tôi. Trông anh đáng kính và trang nghiêm. Công việc làm ăn của anh đòi hỏi như vậy. Anh biết rằng đối với nhiều người đang có tang, thái độ tôn trọng trước nỗi đau của họ còn quan trọng hơn là bản thân nỗi đau.
Trên tường xưởng vẽ treo một số bức chân dung tao nhã lồng trong khung thiếp vàng; bên dưới là những tấm ảnh nguyên bản nhỏ xíu. Khách hàng nào thoạt nhìn cũng có thể thấy ngay từ một tấm ảnh chụp vội đã phai màu, nghệ sĩ phải kỳ công đến đâu.
Ferdinand dẫn lão thợ bánh xem quanh phòng tranh và muốn biết lão ưng ý bức nào nhất. Lão thợ bánh hỏi lại xem liệu giá cả có phụ thuộc vào độ lớn của bức tranh hay không. Ferdinand đáp rằng vấn đề không phải ở kích thước tranh mà ở cách biểu hiện nó. Lão thợ bánh bèn tuyên bố lão thích bức lớn nhất hơn cả.
“Ông thật có óc thẩm mỹ”, Ferdman khen, “đấy là chân dung công chúa Borghèse. Giá tám trăm mác. Kể cả khung”.
Lão thợ bánh rúm người lại. “Thế nếu không kể khung?”
“Bảy trăm hai”.
Lão trả bốn trăm.
Ferdinand lúc lắc cái đầu sư tử của anh. “Với bốn trăm mác giỏi lắm ông chỉ nhận được bức tranh vẽ độc khuôn mặt trông nghiêng thôi. Chứ làm gì được bức toàn thân en face[10]. Phải bỏ công gấp hai lần cơ đấy”.
Lão thợ bánh nói lão vừa lòng với một bức vẽ mặt trông nghiêng. Ferdinand bèn lưu ý lão rằng cả hai tấm ảnh đều chụp thẳng mặt cả. Ngay đến danh họa Titian cũng không thể dựa vào đó mà chiều theo ý lão được. Lão thợ bánh đổ mồ hôi hột; có thể thấy lão đang tuyệt vọng vì nỗi trước kia mình đã không thận trọng đúng mức khi cho chụp ảnh. Lão đành thừa nhận Ferdinand có lý – vẽ en face thì anh sẽ phải vẽ hơn “mặt trông nghiêng” những nửa khuôn mặt nữa. Nên lão chịu nhận một cái giá cao hơn. Lão dao động tợn. Cho đến lúc ấy Ferdinand vẫn khá kín tiếng; giờ đây anh bắt đầu thuyết phục lão khách. Cái giọng trầm ồm ồm của anh lan khắp xưởng vẽ. Là kẻ sành sỏi trong mục này, tôi phải thừa nhận rằng anh đã tán lão khéo không chê vào đâu được. Lão thợ bánh cũng sắp “đổ” đến nơi… đặc biệt là khi Ferdinand gợi cho lão thấy cảnh tượng những kẻ hàng xóm xấu bụng lồng lên ghen tức như thế nào trước một bức chân dung lộng lẫy nhường ấy.
“Được”, lão nói, “nhưng phải giảm mười phần trăm vì trả tiền mặt”.
“Đồng ý”, Ferdinand đáp, “giảm mười phần trăm, và 300 mác ứng trước để tôi chi các khoản: màu vẽ, phòng tranh”.
Hai người còn trao đổi một thôi một hồi nữa trước khi đi đến thỏa thuận, đoạn bàn xem nên thể hiện bức chân dung như thế nào. Lão thợ bánh muốn thêm vào bức tranh chuỗi ngọc và món nữ trang gài áo bằng vàng có chạm những hạt kim cương, những thứ không thấy có trong ảnh.
“Dĩ nhiên rồi”, Ferdinand nói, “tôi sẽ vẽ món trang sức của bà nhà nữa. Tốt nhất, lúc nào đó ông hãy mang lại cho tôi xem chừng một giờ, để tôi vẽ cho giống”.
Lão thợ bánh đỏ mặt “Nhưng tôi không còn giữ nó. Nó… tôi đã để ở chỗ họ hàng mất rồi”.
“Ra thế. Thôi, cũng chẳng sao. Trông nó có giống cái trâm gài áo trên bức tranh kia không?”
Lão thợ bánh gật đầu. “Không hoàn toàn to như thế”.
“Được. Vậy ta sẽ vẽ nó giống thế. Còn chuỗi hạt thì không cần. Vì ngọc nào chả như ngọc nào”.
Lão thợ bánh thở phào. “Bao giờ tranh vẽ xong?”
“Sáu tuần nữa”.
“Tốt”.
Lão cáo từ.
Ferdinand và tôi còn ngồi với nhau một lát trong xưởng vẽ.
“Anh cần những sáu tuẫn để vẽ bức chân dung kia à?” tôi hỏi.
“Làm gì đến. Bốn năm ngày là cùng: nhưng mình không thể cho lão biết điều đó, nếu không lão sẽ tính ra mỗi giờ mình kiếm được bao nhiêu và cảm thấy bị lừa. Nhưng con số sáu tuần làm lão vừa lòng, cả với bức công chúa Borghèse cũng vậy. Bản chất con người là thế, Robby thân mến ạ. Giả sử mình bảo thật lão đó là chân dung một cô thợ may, thì trước mắt lão bức chân dung sẽ kém giá trị hẳn. Thêm nữa đây là lần thứ sáu người ta nói với mình người đàn bà quá cố cũng có món trang sức hệt như trong bức tranh ấy. Một sự ngẫu nhiên trùng hợp đến thế. Bức chân dung cô Louise Wolff tốt bụng quả là một món quảng cáo ấn khách lạ thường”.
Tôi ngó quanh. Từ bốn bức tường, những cặp mắt trên những gương mặt bất động, thối rữa từ lâu dưới mồ, chăm chăm nhìn xuống. Những bức chân dung không được thân nhân tới rước về, hoặc trả tiền. Tất thảy bọn họ đã từng hy vọng, từng hít thở khí trời. “Những thứ này không dần dà biến anh thành sầu não sao, Ferdinand?”
“Không. Nhiều lắm chỉ đâm trơ trẽn. Con người ta trở nên sầu não khi ngẫm nghĩ về cuộc đời… và hóa trơ trẽn khi tận mắt chứng kiến phần đông giống người xoay xở ra sao với đời”.
“Có những kẻ khốn khổ hơn”.
“Đã hẳn. Nhưng loại người ấy không thuê họa chân dung”.
Anh đứng lên. “Âu cũng là điều tốt, Robby ạ, vì họ vẫn còn có cái thứ vớ vẩn mà họ xem trọng ấy níu giữ và bảo vệ họ. Cô đơn… cô đơn thực sự, không chút ảo tưởng… đó mới là trạng thái mấp mé với điên loạn và tự sát”.
Căn buồng lớn trống trải trôi bồng bềnh trong ánh chiều chạng vạng. Bên cạnh có tiếng chân rón rén đi đi lại lại. Đó là mụ quản gia. Mụ không bao giờ ló mặt nếu một thằng trong bọn tôi lại chơi. Mụ thù ghét bọn tôi vì cho rằng bọn tôi xúi bẩy Grau chống mụ.
Tôi ra về. Xuống tới đường, dòng người và tiếng ồn ã của phố phường ập vào tôi như một làn sóng âm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.